Nguyên do là ông lập con trưởng làm thái tử, nhưng thái tử chết sớm, ngôi vua về cháu nội ông, tức Huệ Đế. Huệ đế thường lo về cái loạn các phiên vương ( chư hầu ) mạnh thế có thể làm nguy cho triều đình như cái loạn " bảy nước" đời Hán, đem việc đó bàn với hai người thân tín - một người là hoàng tử - tìm cách giải quyết, rồi tước trừ năm sáu phiên vương, một số bị xử tội chết. Vua nước Yên tên là Lệ, tại Yên Kinh ( Bắc kinh) là con thứ vua Thái Tổ ( Chu Nguyên Chương), vốn giỏi dùng binh, có nhiều tướng sĩ, thấy mình bị nghi ngờ, canh chừng ngặt quá, sợ không thoát khỏi cái họa của năm sáu phiên vương kia - và cũng muốn nhân cơ hội, chiếm ngôi của cháu nên lấy cớ là để giết hai kẻ thân tín của Huệ đế đã "" gây tai họa" ra tay trước, cử binh về đánh kinh đô, và gọi binh đó là binh " tĩnh nạn" ( binh dẹp cái nạn ở triều đình). Tại triều đình, các tướng giỏi đã khổ cực với Chu Nguyên Chương đã bị Chu giết hết rồi, không còn ai chống cự nổi với quân " tĩnh nạn " nên thua to. Huệ đế sai sứ đến Yên xin nghị hòa, nhưng không thành. Yên vương đánh kinh đô, một số hoạn quan biết Huệ đế không sao giữ nổi ngôi, mật báo tình hình kinh sư cho Yên vương, làm nội ứng, tướng giữ thành xin hàng, trong cung phát hỏa, Huệ đế không biết sống chết ra sao. Người ta nghi rằng ông ta trốn khỏi kinh đô bằng một con đường hầm và xuống phương Nam. Có sách bảo ông trốn làm thầy chùa ở phương Nam, gần chết mới đưa về Bắc làm lễ chôn cất theo nhà vua. Việc đó xảy ra năm 1402. Vậy là Huệ đế chỉ ở ngôi được bốn năm. Lệ lên ngôi hoàng đế rồi, tức vua Thành Tổ. Vụ cướp ngôi này bị thanh nghị rất chê. Ông cũng tàn nhẫn như cha, một mặt giết nhiều bề tôi triều trước, làm liên lụy đến vô số người khác, một mặt sai Văn học bác sĩ là Phương Hiếu Nhụ thảo tờ " chiếu lên ngôi " để có vẻ hợp lệ một chút. Khi ông đem quân đánh kinh sư, một vị hòa thượng đã dặn ông: " Phương Hiếu Nhụ tất không hàng đâu, nhưng xin ông đừng giết. Giết Nhụ thì cái nòi đọc sách ( tức theo đạo thánh hiền) trong thiên hạ sẽ tuyệt mất". Vì vậy, khi gọi Hiếu Nhụ vào, Yên vương vỗ về ngay: - Tiên sinh đừng tự làm khổ thân, tôi chỉ muốn theo Chu công mà giúp Thành vương đấy thôi. ( 1) Hiếu Nhụ hỏi: - Thành vương ở đâu? - Hắn tự thiêu rồi. - Thế sao không lập con Thành vương? - Đó là việc trong nhà Trẫm. Đáp rồi, Thành tổ kêu tả hữu đưa bút giấy cho Hiếu Nhụ: - Thảo tờ chiếu để ban bố trong thiên hạ, không nhờ tiên sinh thì không được. Hiếu Nhụ, liệng cây bút xuống đất: - Chết thì chết, không chịu thảo. Thành tổ giận, sai phanh thây ông ở chợ ( 2). Năm đó ông 46 tuổi. Vợ và con đều tự tử. Họ hàng, bè bạn trước sau bị giết tới mấy trăm người. Vụ đó là một cái tội nữa của Yên vương Lệ, mà cũng là sự dã man của luật Trung Hoa: con cháu có tài, đức, có công với quốc gia, thưởng công cha mẹ, ông bà thì nên, có tội với quốc gia, triều đại thì sao lại tru di tam tộc( họ cha, họ mẹ, cả họ vợ nữa) với cửu tộc? Loạn thất quốc đời Hán, loạn tĩng nạn đời Minh - và vô số những vụ thoán thí khác nữa cho ta thấy một trong nhiều tệ của chế độ quân chủ Trung Hoa, nói chung là của phương Đông. Ở thời đại phong kiến, quân chủ, chế độ tốt đẹp hơn cả là chế độ truyền hiền chứ không truyền tử - Will Durant trong cuốn Bài học của lịch sử: The Lessons of History - New York 1968. gọi là lập tự chứ không thế tập, như thời năm vua Nerva, Trajan, Hadrien, Antonin và Marc Aurèle, kế vị nhau làm vua La Mã từ 96 đến 181 sau T.L. Durant viết: Renan khen rằng " thế giới chưa bao giờ được một loạt minh quân tài giỏi như vậy ". Sử gia Gibbon cũng bảo: " Nếu phải chỉ ra một thời đại mà nhân loại được sung sướng nhất, thịnh vượng nhất, thì người ta nghĩ ngay đến thời từ Nerva lên ngôi tới khi Marc Aurèle chết. Mấy triều đại đó gom lại thành một thời đại duy nhất trong lịch sử mà nhà cầm quyền chỉ chuyên lo tới hạnh phúc đại dân tộc". Trong thời rực rỡ đó các dân tộc qui phục La Mã lấy làm sung sướng về thân phận của họ, chế độ quân chủ không có tính cách thế tập mà có tính cách lập tự: nhà vua lựa người nào có tài năng nhất mà nhận làm con nuôi, chỉ bảo cho việc trị nước rồi tuần tự giao phó quền hành cho. Chính sách đó không gặp trở ngại, một phần vì cả Trajan lẫn Hadtien đều không có con trai, còn các con trai của Antonin thì chết sớm. Marc Aurèle có một người con trai tên là Comnode, nối ngôi ông vì vị hiền triết đó ( Marc Aurèle) quên không chỉ định một người kế vị, tức thì cảnh hỗn loạn phát ra liền. ( Bài học của lịch sử - Ch.X). Theo truyền thuyết thì Trung Hoà cũng có một thời đại như vậy, thời vua Nghiêu, vua Thuấn và vua Vũ, Thuấn là bề tôi của Nghiêu được Nghiêu lựa chọn rồi truyền ngôi cho. Sau vua Vũ thí ngôi vua truyền tử chứ không truyền hiền nữa, có tinh cách thể tập rồi. Sự thực có lẽ không đúng hẳn như vậy, mà Nghiêu, Thuấn, Vũ chỉ là những tù trưởng được các bộ lạc bầu lên. Khổng tử cho rằng thời đó là hoàng kim thời đại của Trung Hoa, dân chúng sung sướng, tối không nhà nào phải đóng cửa, đi đường không ai nhặt của rơi... Trong hơn hai ngàn năm sau, các triết gia Trung Hoa đều tin như ông. Vậy chúng ta có thể đoán rằng, Khổng Tử không nói ra chứ thực tâm thích chế độ quân chủ truyền tử, thế tập của nhà Chu đấy thôi. Lỡ sống ở đời Chu, ông phải đem hết tâm trí, cải thiện chế độ của Chu bằng cách vạch rõ bổn phận của vua, tư cách ông vua phải có, nếu vua không đủ tư cách, không làm tròn bổn phận thì phái " chính danh", nghĩa là phải tìm người khác thay, vì không còn xứng làm một ông vua nữa. Trong hai ngàn năm, dân tộc Trung Hoa từ vua trở xuống đều theo học thuyết của Khổng, mà chế dđộ quân chủ của Trung Hoa fcũng như mọi chế độ quân chủ trên thế giới, thành công rất ít, nó chỉ có cái lợi là có tính cách liên tục, nhưng hại thì rất nhiều; mười ông vua may lắm chỉ được vài ông khá, còn thì đa số hoặc ngu độn, hoặc vô trách nhiệm, lạm dụng quyền hành, cuồng ; hại vì những chiến tranh kế vị - như vụ " tĩnh nạn "- làm cho dân chúng lầm than, ngay hoàng tộc cũng khốn đốn, chết chóc; trong xã hội thời quân chủ, không giới nào có nhiều kẻ chết bất đắc l kì tử như giới hoàng tộc. Đất đai càng rộng, quốc gia giàu, quyền hành của vua càng lớn thì cái ngai vàng càng bị nhiều kẻ tranh giành: từ anh em ruột thịt, tới chú cháu, cả mẹ con, bà cháu. Có ai làm thống kê xem trong mỗi triều đại, có bao nhiêu người trong hoàng tộc, kể cả nội ngoại chết vì ham cái ngai vàng? (1) Chu công đời nhà Chu là em vua Võ vương, chú của Thành Vương. giữ chức nhiếp chính, giúp vua Thành vương lúc đó còn nhỏ. Yên vương Lệ cũng là chú của Huệ đế, tự coi mình như Chu công và coi Huệ đế như Thành vương (2) Có sách chép khác: - Yên vương dọa giết chín họ ông, Ông đáp: "Giết cả mười họ cũng chẳng sao ". Sau đó chín họ của của Nhụ bị tru di. Theo Từ Nguyên thì luật đời Minh, chín họ ( cửu tộc) trở đời mình và bốn đời sau mình. Nghĩa đó không thông, nên tôi theo truyền thuyết trên. Bốn đời trước, tức ông nội của ông nội Hiệu Nhụ đã chết rồi, bốn đời sau, tức cháu của cháu thì chưa sanh, làm sao giết được? Vả lại, như vậy phải gọi là cửu đại chứ sao lại gọi là cửu tộc? THÀNH TỔ ( 1403 - 1424 ) Lên ngôi rồi, Thành Tổ ( niên hiệu là Vĩnh Lạc) bỏ Nam Kinh ở Kim Lăng mà dời đô lên Bắc Kinh ( Yên Kinh). Bắc Kinh dưới triều Nguyên đã được xây dựng lại cho rộng hơn, rực rỡ hơn, rất tốn kém, nay Thành Tổ lại sửa sang, xây cất, mở rộng thêm nữa, và thành trung tâm của văn minh Trung Hoa cho tới ngày nay, lớn hơn Nam Kinh nhiều. Các du khách, các phái đoàn ngoại quốc hễ tời Bắc Kinh thì đi thăm Tử cấm thành ( có tên đó vì có những bức tường cao sơn màu tía bao vây cấm thành - nơi có cung điện), các vườn Thượng uyển rất rộng như Di hoà viên, rồi lên phía Bắc coi Vận lý trường thành, sau cùng là các lăng tẩm của vua triều Minh. Những kiến trúc đó tiêu biểu cho kiến trúc, văn minh Trung Hoa và đều xuất hiện hoặc phát triễn, tu bổ ở đời Minh cả. Thành tổ phá thành của nhà Nguyên, xây lại thành mới vuông vức chu vi trên 21 cây số, tường cao 13 thước, tất cả có chín cái cửa lớn. Ở giữa là khu cung điện vuông vắn chu vi tám cây số. Chung quanh cung điện lại có một cái hào dài hơn ba cây số. Cung điện hướng về phía Nam, ở ngay trên cái trục chính của kinh đô Bắc Kinh, nơi đó gọi là hoàng thành vì nóc lợp bằng ngói màu vàng, cột gỗ sơn đỏ. Các bực đưa lên điện đều bằng cẩm thạch trắng, cột trụ đắp đồ sứ trắng hoặc lam. Phía Nam nội thành đó lại thêm một khu hình chữ nhật có 7 cửa, gọi là ngoại thành, nó rộng hơn thành trong một chút, mà sâu chỉ bằng nữa. TRừ ngoài vô, phải qua tám cái cửa đồ sộ rồi mới tới điện trong cấm thành. Lăng tẩm triều Minh rải rác trên khắp một thung lũng, trên mặt đất rất nhiều tượng đá hình người và loài vật, trong mộ chôn vô số bảo vật, Mao Trạch Đông đã cho khai quật một số đem qua Châu Âu triển lãm. Coi các cung điện vào lăng tẩm thời đó, chúng ta mới thấy được các vua Minh thích sự đồ sộ và tráng lệ ra sao. Khi Chu Nguyên Chương dồn được các đạo quân Mông Cổ về các đồng cỏ của họ ở phương Bắc rồi, ông cho xây cất một trường thành mới để ngăn họ không cho xâm lấn Trung Quốc nữa, vì trường thành xây cất đời Tần Thủy Hoàng, tới đời Đường không còn là biên giới nữa, nhiều chỗ đã sụp đổ. Trường thành mới nằm cách xa trường thành cũ, về phía Nam, phía Đông từ Sơn hải quan ( Triều Tiên), phía Tây tới Ninh Hạ, dài hết thảy 12.700 cây số ( coi bản đồ 129). Chu giao cho 9 chư hầu cai trị, giữ gìn, mỗi chư hầu một khúc. Ngoài công dụng ngăn các rợ phương Bắc, nó còn là một con đường giao thông b nữa để tiện lập các đồn điền phía biên viễn, và để kiểm soát các rợ. << Hình >> Bắc Kinh đời Minh - Thanh ( do người Nhật vẽ) Từ khi Kinh Đô đời lên Bắc Kinh thì miền Hà Bắc hóa ra rất quan trọng, và triều đình phải sửa sang lại vận hà để nối Bắc Kinh với miền Giang Nam. Vừa xây trường thành. Thành Tổ vừa đem quân dẹp Mông Cổ. Sở dĩ ông dời đô lên Bắc Kinh chính là để khống chế cả miền Trung Á, chứ ông biết dư rằng Bắc Kinh ở gần biên giới, dể bị Mông Cổ gây rối. Nam Kinh hiện nay chỉ là kinh đô của những thời muốn phát triển ngoại thương. Về điểm đó ông có hùng tâm hơn cha. Ông cũng theo chính sách đời Hán, vừa dùng võ lực, vừa vỗ về, vừa dùng ngoại giao để chia rẽ các rợ du mục, chú ý chỉ để phá cái thế mạnh của Mông Cổ, chứ không muốn chiếm đất của họ. Ông nhiều lần chiêu dụ Mông Cổ, họ vẫn không hàng, một lần ông sai một tướng đi đánh, bị thua. Sau ông phải thân chinh đi dẹp. Năm 1410 đem 100.000 quân với 30.000 cỗ xe chở lương thực, binh nhu, và một số tặng vật để lấy lòng rợ Olrat (? ) mà yêu cầu họ trung lập. Trận đó Môngt Cổ thua to, xin hàng rồi sau lại phản. Ông phải thân chinh ba lần nữa, một lần- năm 1422- ông dẩn một đoàn quân 235.000 người với 117.000 cổ xe, mỗi cổ hai con lừa. Quân Mông Cổ trốn thoát qua phía Tây, quân Trung Hoa cướp bóc được rất nhiều rồi trở về. Hai trận sau, năm 1423 và 1424, kết quả cũng như vậy, và trong trận cuối, ông thình lình chết. Từ đó quân Mông Cổ không dám lấn Trung Hoa nữa. Về phía Nam, Thành Tổ cũng tính mở mang bở cõi. Thời đó, ở nước ta. Hồ Quý Li chiếm ngôi nhà Trần, con là Hồ Hán Thương dâng biểu sang Thành Tổ nói dối là nhà Trần hết người, y là cháu ngoại, lên thay, được Thành Tổ phong làm An Nam Quốc vương. Sau đó, một người tự nhận là con vua Trần Nghệ Tôn qua tâu rõ tình hình và xin binh phục thù. Thành Tổ sai sứ sang trách, họ Hồ dâng biểu tạ tội, Thành Tổ cho người đưa người con Trần Nghệ Tôn đó về nước, đến Chi Lăng, tướng của Hồ đón, đem về rồi giết. Thành tổ giận, sai Trương Phụ sang diệt nhà Hồ, bắt cha con họ Hồ đưa qua Trung Hoa, rồi không kiếm con cháu nhà Trần để trả nước, mà chiếm luôn nước ta, đặt Bố chính ti để cai trị, nước Chiêm Thành cũng phụ thuộc ti đó 1407 ). Khi đoàn quân viễn chinh sắp lên đường,Thành tổ ra lệnh cho viên tướng Chu Năng như sau: - " Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách vở và bản in của đạo Phật và đạo Lão, còn thì mọi sách vở, văn tự, cả những dân ca, sách dạy trẻ (.....) đều phải đốt hết, một mảnh, một chữ cũng không chừa. Những bia nào Trung Hoa xây dựng từ trước thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy cho hết....." Chính sách của nhà Minh tàn bạo như vậy. Nhà Trần bất bình, nổi lên chống. Thành Tổ phái Trương Phụ qua lần nữa ( 1413 ) dẹp được. Nhưng năm sau ( 1418). Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, được Nguyễn Trãi giúp, quyết đuổi quân Minh về nước. sau mười năm gian khổ, quân ta thắng được Vương Thông, tướng Minh, và Vương Thông phải xin hàng. Nhưng Thành tổ đã chết trước rồi, không phải nuốt cái nhục đó. Hai đời vua sau, Nhân Tôn và Tuyên Tôn, ngắn ngủi thôi, cộng lại chỉ được 12 năm, nhưng biết thương dân, dùng hiền thần, nên Trung Quốc được thái bình. Thời đó là thời cực thịnh của nhà Minh. Tuyên Tôn tuy thất bại ở nước tâ Lê Lợi chĩ giữ lệ triều cống thôi mà nước ta tách khỏi bản đồ Trung quốc- nhưng ông có công dẹp được một cuộc xâm lấn của một rợ ở phương Bắc, và biên cảnh phía đó được yên ổn.