Chương 24 (Chương kết )
Quyển II - Đoạn kết

Qua năm sau.
Năm nầy cũng như các năm trước, ở đất dồng hễ đến tháng mười một thì ai cũng lo gieo cải ương hầu để gần Tết bán cho họ hàng mua đặng chở đến mấy chợ mà bán lại.
Buổi sớm mơi cô Mỹ đi một vòng vườn mà coi chú Tiền với người mướn tháng để phụ với chú mà tưới cải tưới bầu. Cô mới trở vô nhà thì thấy ông Hương sư Bền trong Mỹ Trường đương xăng xớm bước vô cửa.
Từ khi cuộc làm mai cho thầy giáo Lễ hư hỏng, Hương sư Bền không tới nhà nữa, bởi vậy hôm nay ngó thấy ông, cô Mỹ ngạc nhiên, không hiểu ông đến có việc chi. Tuy vậy mà cô cũng vui vẻ mời ông ngồi, rồi kêu cô Hai, là đứa nhỏ mướn ở để sai vặt, mà biểu nó nói với chị bếp đặt ấm nước đặng chế trà đãi khách.
Ông Hương sư ngồi ngó quanh quất trong nhà rồi hỏi cô Mỹ:
- Bà Bồi không có ở nhà hay sao cháu.
- Thưa, dì tôi vô nói chuyện chơi với dì Ba tôi trong ngã ba. Bác có việc chi muốn nói với dì Ba tôi hay sao?
- Không có. Vì già rồi nên mấy năm nay bác ít đi chợ. Bữa nay có dịp ra nay, bác ghé một chút, trước thăm bà Bồi với cháu, sau coi nhà cửa thế nào mà mấy tháng nay người ta khen nhà cất lại tốt lắm.
- Thưa bác, cũng còn nhà cũ chớ đâu có cất lại, duy có chỗ nào hư thì sửa chữa, tu bổ lại cho chắc chắn để thờ phượng ông bà cha mẹ vậy thôi.
- Hồi nãy vô sân bác có đừng có ngắm coi, thiệt nhà bây giờ cao ráo, khoảng khoái, tốt hơn hồi trước nhiều. Hèn chi họ khen cũng phải. Còn phía bên kia lộ bác thấy có mấy cuộc mả mới, chắc có làm mả cho ông phải hôn cháu?
- Thưa phải. Em tôi nó mướn thợ xây mộ của ông nội, bà nội tôi, với mộ của ba mẹ của tôi luôn nữa. Thợ mới làm xong và cúng tạ mả hôm mùng sáu.
- Được quá. Nghe nói ông kỹ sư giàu dữ, giàu thì lo cho tổ tiên như vậy là phải lắm rồi. À, bác nhớ ông Bồi ở với bà sau có sanh được con trai, bây giờ ở đâu? Có vợ con hay chưa?
- Thưa, nó đi học bên tây từ hồi năm ngoái. Nó chưa có vợ.
- Học giống gì mà qua tới bên Tây?
- Thưa, nó muốn học ngành nghề máy móc, nên anh ba nó cho nó qua bển cho mau, vì bên Tây có trường chuyên môn dạy máy móc.
- Anh em thương nhau như vậy thì Quí lắm. Anh lớn làm nên rồi thì lo dìu dắt em nhỏ. Còn nghe nói sở ruộng Mỹ Trường hồi trước ông Bồi bán cho Sáu Thi, bây giờ ông kỹ sư chuộc lại rồi phải hôn cháu?
- Thưa, vợ chồng Sáu Thi muốn cho chuộc nhưng con rể cứ theo cản hoài nên em tôi phải mua sở ruộng khác mà đổi họ mới được. Em tôi nó nói sở ruộng đó là dấu tích của bà già hồi trước, nên nó nong nã quyết đem trở về, để làm phần hương hỏa cho mẹ cha. Nó đem lại được phải tốn hao nhiều dữ. Khá, may phần ruộng mười ba mẫu của bà chủ Tư mua đó bà sẵn lòng cho chuộc lại, nên số ruộng trở về đủ.
- Hết thảy được bao nhiêu ruộng vậy cháu!
- Năm chục mẫu, y như số hồi bà già tôi còn.
- Giỏi quá … Bác nghĩ như thầy giáo Lễ bậy dữ. Chớ chỉ năm đó thầy cưới cháu thì bây giờ thấy vinh hiển biết chừng nào.
- Tại cháu không phải duyên nợ của thẩy, chớ phải thẩy bậy đâu bác.
- Tại ham tiền ham ruộng, chớ duyên nợ gì. Bây giờ cháu muốn lấy chồng, thì thiếu gì người sang trọng họ dành họ cưới.
- Thôi bác, chồng con làm gì. Cháu có tới hai đứa em trai, cháu ở đây mà phụng sự ông bà; ngày sau cháu có chết thì sắp nhỏ kêu bằng cô chúng nó cúng cháu cũng được. Ham chồng con làm chi. Cháu lấy chồng rồi bỏ dì cháu quạnh hiu cũng tội nghiệp.
Ông Hương sư Bền uống nước rồi từ giã cô Mỹ mà về, cô Mỹ nghi ổng muốn làm mai nữa, nên cô ngó theo, miệng chúm chím cười.
Ông Hương sư thiệt không có ý đó. Ông đến đây là vì ông nghe người ta đồn kỹ sư Quí giàu có, đã về cất nhà thờ lại và làm mồ mả cho cha mẹ ông bà đàng hoàng, nên ông ghé xem cho tận mắt.
Thiệt quả có như vậy. Nhà cửa tu bổ coi rất đẹp. Mồ mả xây tử tế.
Ruộng đất đã chuộc lại đủ, để cho Ba Mùi với cô Mỹ cho mướn thâu huê lợi mà phụng sự tổ tiên.
Tiệm của dì Ba Thới bây giờ cũng đã cất lại, ba căn lợp ngói đỏ lòm. Trong tiệm có bán tới hàng vải nhiều thứ. Cô Ðiệu đứng mua bán, dì Ba Thới rảnh đi thăm con rể chơi mà thôi.
Còn cuộc nhà của vợ chồng kỹ sư Quí ở Trà Vinh thì năm nay trước sân bông hoa rực rỡ. Cây trồng tươi tốt đã lên cao chơi mà thôi.
Cô nhi viện cất phía sau đã hoàn thành. Trẻ mồ coi đã được lãnh nuôi gần tới số hai trăm, sắp lớn thì dạy dỗ, sắp nhỏ thì săn sóc, lớn nhỏ đều mặc áo quần sạch sẽ, được ăn uống no đủ, được chổ êm ấm, có chỗ chơi mát mẻ.
Vợ chồng thầy nhứt Vĩnh ở căn giữa trong dãy nhà lầu cất ngang ngõ vô cô nhi viện, bà chăm nom trẻ nhỏ, còn có bốn cô nữ y tá tiếp tay, còn ông chăm nom sự học của tốp lớn, có hai cô giáo viên già giúp sức. Giáo viên với nữ y tá phân nhau mà ở dãy nhà lầu đó đặng gần gũi với trẻ em luôn luôn.
Kỹ sư La-Co đã có chọn gởi qua pháp được năm sinh viên nghèo rồi, mỗi người đều có bằng tú tài nên cho qua Pháp tiếp học mấy trường chuyên môn về cơ khí, cầu cống, nông phố, thương mãi. Kỹ sư La-Co có đặt một người thay mặt ở tại nhà mình bên Paris để chăm nom sự học tập của sinh viên. Nhơn có người đó, mới gởi em là Sen, qua đặng sắp đặt cho Sen học, ban ngày thì học máy, ban đêm thì học chữ.
Nhờ cô thầy nhứt Vĩnh phụ trách, kỹ sư La-Co được thong thả nên hay đi viếng sở ruộng vườn, hoặc lên Sài Gòn dọ kiếm sinh viên nghèo mà có chí ham học. Mỗi lần Quí đi thường đem cô Hường, với Mỹ theo chơi cho biết chỗ này chỗ kia, đặng mở mang kiến thức. Mà lúc nào ở nhà thì năm ba bữa cũng cho xe rước cô Mỹ với Ba Mùi, Ba Thới ở chơi. Ba người này hễ xuống thì mê mết với đám trẻ mồ côi, xẩn bẩn theo bà giáo Vĩnh trong cô nhi viện.
Lúc nầy cô Hường có nghén thấy bụng đã trộng rồi. Quí sợ đi xa mệt mỏi, nên đi Sài Gòn hay là đi viếng sở không đem theo nữa. Nhưng để ở nhà thì cậy mẹ vợ với Cô Mỹ thay phiên nhau xuống ở chơi cho cô Hường vui.
Ấy vậy mặc dầu vợ chồng Quí với Hường học thức bất đồng, mà giáo dục cũng bất đồng, nhưng nhờ tình nghĩa nặng đầy, thương yêu thành thiệt, nên gia đình cũng đầm ấm.
Vĩnh Long tháng 10/1943
Hồ Biểu Chánh
CHUNG

Xem Tiếp: ----