Điềm báo không tốt lành nhưng đã quá chậm không lùi lại được nữa. Đến lượt Georges thúc giục chúng tôi, đoàn xe nối đuôi nhau trước cửa quán. Georges đi đầu đoàn xe, giữa là xe chúng tôi, thắng ba ngựa, chúng tôi lên xe, Ivan ngồi cùng với người đánh xe trên một chiếc băng thay ghế ngồi đã mất đi khi đổi dạng chiếc xe cũ. Một tiếng còi kéo dài và chúng tôi lên đường. Đi cách ngôi làng khoảng mười hai cây số thì trời sáng rõ, trước mặt như có thể giơ tay ra sờ được là dãy núi Ourals mà chúng tôi phải vượt qua. Trước khi đi xa hơn, Georges ngắm lấy chiều cao như một thuyền trưởng tàu biển phải làm và qua những hàng cây, đã nhận ra đoàn đi đúng đường. Chúng tôi tiếp tục tiến lên, chú ý giữ những khoảng cách xa nhau và chưa đầy một tiếng đồng hồ nữa chúng tôi đến được sườn núi phía tây. Ở đây sườn quá dốc, băng tuyết chưa thật rắn chắc để mỗi xe có thể leo lên với tám con ngựa kéo. Georges quyết định mỗi lần chỉ hai xe đi lên, buộc tất cả ngựa trong đoàn xe kéo, khi hai xe ấy lên đến nơi, mấy con ngựa sẽ quay trở xuống kéo hai xe khác, cứ như thế cho đến khi mười chiếc xe họp thành đoàn lên chỗ chiếc xe thứ nhất. Hai con ngựa dành thắng theo kiểu cánh cung vào xe chúng tôi. Những người bạn đường đối xử với chúng tôi như anh em. Những việc đó được tiến hành mà chúng tôi không cần phải đưa chỉ dụ của Hoàng đế ra một lần nào. Ở đây việc sắp đặt có đôi chút thay đổi. Xe của chúng tôi nhẹ hơn, được chuyển từ giữa đi lên đầu. Hai người đi trước cầm những ngọn giáo dài thăm dò đường. Georges cầm cương con ngựa đầu của chúng tôi, hai người đi sau, dùng búa sửa lại mặt băng sau xe, để lại dấu vết cho xe sau lần theo. Tôi đi giữa chiếc xe và vực thẳm, thích thú vì có dịp đi bộ, và chúng tôi bắt đầu leo lên, hai chiếc xe khác theo sau. Sau một giờ rưỡi không có sự cố gì chúng tôi lên đến một mảng cao nguyên chung quanh có cây to. Chỗ này tạm nghỉ rất thuận lợi. Tám chiếc xe khác phải kéo lên từng hai chiếc một như hai chiếc đi đầu tiên. Vậy là phải mất tám tiếng đồng hồ chưa kể thời gian để cho những con ngựa quay trở xuống. Khó hy vọng tập hợp được tất cả trước khi trời tối. Những lái xe, trừ hai người ở phía dưới giữ hành lý, tất cả cùng chúng tôi nghiên cứu thực địa, mọi người đều nhận thấy đã đi đúng đường. Chỉ phải theo những vết xe, họ quay trở xuống, bốn người ở lại với Georges, Ivan và tôi để cất tạm một căn lều. Louise ngồi trong xe, bọc người trong áo khăn lông, không sợ gì lạnh. CÔ bình tĩnh chờ đợi chúng tôi dùng búa đẵn những cây chung quanh, chỉ chừa lại bốn cây làm bốn cọc lều. Sau một giờ, vừa để làm cho nóng người, nhờ sự khéo léo của các kiến trúc sư bất ngờ, mấy người đã dựng xong một chỗ trú chân. chúng tôi đào tuyết bên trong cho đến lớp đất, lấy tuyết trám phía ngoài căn nhà rồi đốt lửa lên, khói thoát ra ở lỗ hổng khoét trên mái lều. Louise xuống xe vào ngồi trước bếp lửa; con gà thứ hai đã được vặt lông buộc chân treo vào một sợi dây, xoay đều các mặt. Toán xe thứ hai đã lên tới nơi. Đến năm giờ chiều, tất cả các chiếc xe đậu thành hàng trên cồn đất, ngựa được tháo ra cho ăn thân bắp. Mọi người xúm vào nấu một món súp trong chiếc nồi to, xát mỡ vào bánh mì và với chai rượu chúng tôi để lại, họ cùng ăn tối. Ăn xong chúng tôi tự sắp xếp nằm sao hay vậy. Những người đánh xe muốn dành lều cho chúng tôi và họ sẽ ngủ ngoài trời với đám ngựa nhưng chúng tôi dứt khóat từ chối, buộc họ phải vào nằm trong lều họ đã dựng lên, thống nhất với nhau một người thức gác với khẩu các bin của tôi để đề phòng chó sói và gấu, từng giờ một sẽ đổi gác. Ivan và tôi cùng năn nỉ để được thức gác nhưng bị từ chối. Cho đến lúc đó tình hình khá dễ chịu, ngủ không lạnh lắm nhờ quần áo lông bà Bá tước cung cấp rộng rãi cho chúng tôi. Đang lúc ngủ ngon nhất thì tiếng súng làm chúng tôi thức giấc. Tôi nhảy ngay dậy, tay cầm khẩu súng ngắn cùng Ivan lao ra cửa. Những người đánh xe chỉ ngẩng đầu hỏi xem có việc gì, thậm chí một hay người không hề thức giấc. Georges vừa bắn một con gấu, con vật mò mẫm lại gần căn lều vài chục bước chân rồi như muốn xem rõ có gì bên trong, nó đứng dựng trên hai chân sau, lợi dụng tư thế ấy Georges bắn một phát rồi bình tĩnh nạp đạn lại trong lúc tôi đến gần bên ông. Tôi hỏi ông có băn trúng nó không. Ông trả lời chắc chắn là trúng. Lúc những người nhổm dậy biết có con gấu thì họ muốn đuổi theo con vật, nhưng con vật đã bị thương, để lại vết máu trên tuyết, chỉ có Georges mới có quyền đuổi theo. David, con trai ông, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi được phép đuổi theo. Tôi gọi anh ta lại đưa khẩu súng nhưng anh ta ra hiệu đã có con dao và chiếc búa là đủ. Tôi nhìn theo khoảng năm mươi bước, thấy anh bước xuống vực, vừa đi vừa cúi xuống để không mất vết máu trên tuyết trong bóng tối. Những người đánh xe quay vào lều, Georges tiếp tục phiên gác, tôi không ngủ lại được, cùng ngồi với ông. Một lúc sau ở phía con trai Georges mất hút, có tiếng gầm, người cha cũng nghe thấy vì ông bấu chặt vào cánh tay tôi và không nói gì. Mấy giây tiếp theo lại có tiếng gầm, tôi cảm thấy những ngón tay sắt của Georges càng xiết mạnh. Năm phút im lặng, dài bằng năm thế kỷ, đối với ông bố phấp phỏng, rồi năm phút nữa và có tiếng người dội lại. Georges thở phào, thả tay tôi và ngoảnh lại: Ngày mai chúng ta sẽ có bữa ăn tốt hơn hôm nay; con gấu chết rồi. Ồ, lạy Chúa! – một tiếng nói hiền dịu cất lên phía sau lưng chúng tôi – Georges, tại sao ông để con trai một mình đuổi theo con thú như thế mà hầu như không có vũ khí trong tay? Thưa bà – Georges nói với một nụ cười tự hào – chúng tôi biết rõ loài gấu. Trong đời tôi đã giết chết năm mươi con mà chỉ bị sây sát vài chỗ không đáng nói. Làm sao con trai tôi lại có thể bị tai nạn hơn tôi được? Thế nhưng – tôi nói – không phải lúc nào ông cũng bình tĩnh như thế này, chứng cứ là ông suýt làm gãy tay tôi. À – ông bảo – qua tiếng gầm của con gấu, tôi biết nó đang vật lộn với con trai tôi. Cũng yếu đuối đấy, thưa ngài, nhưng người bố vẫn là người bố. Lúc đó chàng trai trở lại ngay chỗ anh mất hút và đi hay về, anh đều lần theo vết máu. Như muốn tỏ ra không yếu đuối nữa, Georges không ra đón David mà chỉ có một mình tôi đi. Anh mang về bốn chiếc chân gấu vốn là phần được ưa chuộng và dành cho chúng tôi. Phần còn lại anh không mang về được, con gấu nặng ít nhất năm trăm ký lô. Nghe tin ấy, những người nằm ngủ đều thức dậy hết, hăng hái đi khiêng con gấu. David cởi chiếc áo lông cừu để lộ vai, con gấu đã tát anh một cú rất mạnh làm lòi cả xương. Anh mất máu rất ít và vón cục lại ngay. Louise muốn lấy nước nóng rửa vết thương và băng lại nhưng anh lắc đầu nói đã khô rồi. Anh lấy mẩu mỡ xát vào vai choàng lại tấm da cừu. Cha anh ra ngoài, cử sáu người đánh xe đi khiêng con gấu. Phiên gác của Georges kết thúc, ông đến ngồi gần con trai. Chàng trai kể lại cho ông già nghe các chi tiết về trận đánh. Nghe chuyện, đôi mắt Georges đỏ như than hồng. Louise tặng người bị thương số khăn áo lông trùm người nhưng David từ chối, kể chuyện xong anh tựa đầu vào vai cha và ngủ. Chúng tôi cũng rất mệt, chẳng mấy chốc ngủ thiếp đi, năm giờ sáng mới thức dậy và không có sự cố nào làm gián đoạn giấc ngủ cả. Chúng tôi đang thất vọng và với bốn cây giáo cắm xuống đất cùng tấm vải trùm xe, chúng tôi làm một loại lều tạm thì thấy con trai Georges cùng hai xe ngựa chở củi phi nhanh đến. Những con người tốt bụng ấy đã nghĩ đến chúng tôi, chở chất đốt lên trước. Lúc làm lều xong, chúng tôi bới tuyết, David đào một lỗ sâu một bộ, nhóm củi đốt đầy lửa lỗ than hồng, bỏ hai chiếc chân gấu lên trên, vùi than lên trên như nướng khoai tây rồi bỏ thêm vào lò nướng dã chiến ấy một bó củi, sau hai giờ chỉ còn là một đống than. Vừa chủân bị bữa ăn, người đầu bếp vừa chạy ra cửa lều xem thời tiết. Bầu trời đầy mây, không gian trầm lặng, chứng tỏ đêm tới sẽ có thay đổi, mà mọi thay đổi trong hoàn cảnh của chúng tôi hiện nay đều không tốt. Vì thế khi toán xe thứ hai lên tới nơi, những người đánh xe họp bàn, nhìn trời, xem hướng gió để phán đoán tình hình. Kết quả chắc không hay lắm vì họ đi vào, buồn chán ngồi quanh bếp lửa. Không muốn tỏ ra lo lắng trước mặt Louise, tôi cử Ivan đi hỏi tình hình. Một lúc sau Ivan trở lại nói thời tiết trở sang đợt tuyết rơi, họ sợ ngày hôm sau ngoài bão tuyết và lở núi, thật khó đi được đúng đường. Mà đường xuống núi lại có nhiều vực sâu, đi chệch một tí có thể chết người. Đúng điều nguy hiểm tôi đã lo ngại. Dù lo lắng những người bạn đường của chúng tôi vẫn nghĩ đến cái đói: vừa ngồi quanh đống lửa, họ bắt đầu cắt mỏng thịt gấu đặt lên trên than hồng. Còn chúng tôi người ta dành cho món ăn ngon hơn; những chân gấu nướng. Khi người làm bếp thấy chân gấu đã chín, anh cẩn thận cời than và lấy ra từng chiếc một. Lần này nữa tôi xin thú nhận có cảm giác không thú vị lắm, đôi chân lớn quá cỡ, hình dạng thiếu hấp dẫn. Sau khi để lên khúc gỗ thông mà các bạn đường đã cưa cho chúng tôi làm bàn, với con dao, người đầu bếp bắt đầu gỡ lớp da cứng bọc bên ngoài. Khi chuẩn bị xong, món ăn suýt làm tôi mất hứng thú nhưng do hương vị kích thích lại làm tôi muốn ăn, lột hết lớp da, đôi chân gấu trông như đôi tay của người khổng lồ. Ngập ngừng một lúc, hấp dẫn vì hương vị, không thích vì hình dạng, nhưng cũng muốn nếm thử món ăn rất được ca ngợi này. Nhìn lại Ivan thấy rõ ông ta đang thèm thuồng, tôi ra hiệu cho ông nếm đi, không đợi bảo đến hai lần, ông cắt ăn một trong hai chiếc. Hiển nhiên thấy ông thật thoả mãn, tôi cũng làm như ông, và ngay từ miếng đầu, buộc phải công nhận ông có lý. Còn Louise không bị tác động gì về lời mời mọc cũng như về tấm gương chúng tôi nêu ra, cô ăn bánh mì với một ít thịt heo quay và không muốn uống rượu. Cô giải khát bằng tuyết. Trời mỗi lúc mỗi tối và bóng đêm càng dày đặc hơn, chỉ rõ thời tiết càng xấu. Những con ngựa cụm sát vào nhau theo sự lo sợ của bản năng. Thỉnh thoảng có những đợt gió mạnh đã có thể bốc mái lều lên nếu các bạn đường không cẩn thận dựa vào vách đá lớn. Chúng tôi vẫn thu xếp để ngủ trong điều kiện có thể. Chiếc lều không đảm bảo cho một người đàn bà, Louise vào trong xe, tôi đóng cửa bằng tấm da gấu giết được hôm trước rồi trở về lều. Những người đánh xe nhường chỗ cho chúng tôi, họ cho rằng mình ngủ trong xe là rất tốt. Chỉ có con trai Georges, theo lệnh cha, và vì vết thương còn đau, ở lại làm người bạn cùng phòng với chúng tôi. Georges coi thường thói uỷ mị, ngủ ngay trên đất, bọc người trong những tấm da cừu của ông và gối đầu trên một tảng đá. Một người đánh xe khác, như hôm trước, gác trước cửa lều. Sau khi thăm mọi việc được sắp xếp xong, tôi trở về lều, thấy giữa đường có một đống cành cây lớn người ta đã nhóm lửa. Đống lửa thứ hai này không để sưởi ấm ai cả mà để đuổi những con sói hấp dẫn vì mùi thịt nướng đến lởn vởn quanh chúng tôi. Người gác đêm có nhiệm vụ coi cả hai đống lửa trên đường đi và trong lều. Chúng tôi bọc người trong quần áo ấm, không yên lòng thì ít nhất cũng cam chịu chờ đợi hai kẻ thù là chó sói và tuyết. Không cần chờ lâu, chưa đầy nửa giờ tuyết bắt đầu rơi và nghe thấy tiếng chó sói hú từ xa. Nhưng vì quá mệt và không nghe thấy tiếng chó hú lại gần, hai mươi phút sau tôi ngủ thiếp đi. Không biết đã ngủ được bao lâu, tôi giật mình thức dậy vì có một khối gì rất nặng rớt đè lên người, giật mình tỉnh dậy, giơ tay ra nhưng gặp trở ngại, muốn kêu lên nhi tôi hỏi lại xem. Alexis mỉm cười nghi ngờ. Chúng ta sẽ đề nghị lên Hoàng đế. Vâng, rồi ba tháng nữa mới có trả lời…Trong lúc đó…Ông không biết ở trên đất nước này như thế nào đâu! Lạy Chúa! trong mắt Bá tước tràn đầy nỗi thất vọng làm tôi sợ. Thê thì – tôi cười nói tiếp – nếu cần tôi sẽ ở đây với ông trong ba tháng ấy, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau về cô ấy và ông sẽ kiên trì. Vả lại chưa biết Tỉnh trưởng phải động lòng hay cứ nhắm mắt lại. Alexis nhìn tôi, cũng cười: Ở đây – ông nói – Không trônng mong gì những điều ấy. tất cả đều lạnh như mặt đất. Nếu đã có lệnh thì sẽ được thi hành và tôi sẽ không được gặp cô ấy. Lúc ấy ông Đội trưởng bước vào. Thưa ông! – Alexis kêu lên và chạy tới – một người đàn bà dũng cảm, hy sinh tuyệt vời rời bỏ Saint-Peterbourg để đến đây với tôi, vượt qua hàng nghìn hiểm nguy, cô ấy đã ở đây và người này bảo tôi rằng tôi không được gặp…Anh ta nhầm chăng? Không, thưa ông – Đội trưởng lạnh lùng trả lời – ông biết rõ tù nhân không được tiếp xúc với người đàn bà nào hết. Thế nhưng, Hoàng thân Troubetskoï được phép mà tôi thì không. Có phải vì ông ấy là Hoàng thân không? Không, nhưng vì bà ấy là vợ ông ta. Và nếu Louise là vợ tôi, người ta không chống lại việc tôi gặp cô ấy chứ? Không hề, thưa ông. Ồ! – Bá tước kêu lên như trút được gánh nặng. Sau một lúc ông nói với viên Đội trưởng: Thưa ông, mong ông cho phép linh mục đến nói chuyện với tôi. Ông ấy sẽ được thông báo ngay – Đội trưởng nói. Còn ông, bạn thân mến – Bá tước nắm chặt cánh tay tôi tiếp tục đề nghị - sau khi là người bạn đường và là người bảo vệ Louise, ông là người làm chứng và đại diện cho cha cô ấy được chứ? Tôi quàng tay vào cổ ông, vừa hôn vừa khóc, không nói lên được lời nào. Nhờ ông đi tìm Louise – ông lại nói – bảo cô ấy ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau. Ngày hôm sau, vào lúc mười giờ sáng, Louise do tôi và ông Tỉnh trưởng hướng dẫn, Bá tước Alexis, theo sau là Hoàng thân Troubetskoï và tất cả những người lưu đày khác, mọi người bước qua một cửa ra vào của nhà thờ Koslovo, vào quỳ im lặng trước bàn thờ rồi nói với nhau những lời đầu tiên. Đấy là tiếng "có" trịnh trọng gắn chặt họ vào với nhau vĩnh viễn. Hoàng đế gởi cho ông Tỉnh trưởng một bức thư đặc biệt do Ivan chuyển giao mà chúng tôi không biết, ra lệnh Bá tước chỉ được gặp Louise với danh nghĩa vợ mình. Bá tước, như ta đã thấy, đã đi trước ý muốn của Hoàng đế. ° Trở lại Saint-Peterbourg, tôi nhận được những bức thư gọi tôi nhất thiết phải về Pháp. Đang là tháng hai, đường biển không đi được nhưng người ta đã tổ chức hoàn hảo xe trượt tuyết, tôi không hề ngần ngại đi theo con đường này. Tôi quyết định rời thành phố của Pierre Đại đế cũng dễ dàng vì đi vắng không xin phép nghỉ nhưng Hoàng đế có lòng độ lượng không thay thế tôi trong đơn vị, tôi đã mất vì cuộc âm mưu một phần học trò và tuy họ phạm tội tôi cũng không ngăn được sự nuối tiếc họ. Vậy là tôi theo con đường đã đi khi tôi đến đây mười tám tháng trước, lại qua Moscou cổ và một phần Ba Lan, nhưng lần này trên một tấm thảm tuyết mênh mông. Vừa vào đất nước của Hoàng đế Phổ, ló đầu ra ngoài xe tôi rất ngạc nhiên nhìn thấy một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi, cao, mảnh dẻ, khô khan, mặc áo gi lê và quần đen, đi giày nhẹ đế mỏng có khoá, đội mũ nhẹ cao thành, mang một chiếc túi bên tay trái, cầm một chiếc vĩ cầm bên tay phải. Bộ quần áo có vẻ thật lạ và chỗ này thật khác thường đối với việc dạo chơi trên tuyết lạnh dưới hai mươi lăm độ. Vả lại thấy người lạ mặt giơ tay ra hiệu, tôi dừng lại chờ. Vừa thấy tôi dừng xe, ông sải bước dài tới nhưng vẫn không vội vàng, vẻ trịnh trọng duyên dáng. Khi ông càng tới gần, tôi nghĩ đã nhận ra con người này, đến bên cạnh thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Đấy là người đồng hương tôi đã gặp trên con đường lớn khi vào Saint-Peterbourg, cũng trang bị như thế nhưng trong hoàn cảnh khác hẳn. Cách xe tôi hai bước chân, ông dừng lại lấy tư thế, đưa chiếc vĩ vào dây đàn, ba ngón tay nắm chặt lấy mũ: Thưa ông – ông ta vừa nói vừa chào theo thể thức của một vũ công – chẳng phải thiếu kín đáo,tôi có thể hỏi ông tôi đang ở phần đất nào trên thế giới đây? Thưa ông – tôi trả lời – ông đang ở quá Niémen một ít, cách Koenisberg khoảng ba mươi dặm, bên trái ông là Friedland và bên phải là biển Baltique. A! A! – người đối thoại với tôi thốt lên, rõ ràng hài lòng về câu trả lời có vẻ văn minh của tôi. Nhưng thưa ông, đến lượt tôi cũng chẳng phải thiếu kín đáo, ông có thể cho tôi biết làm sao ông lại trang bị như thế, đi bộ, tất lụa đen, mũ cao thành, vĩ cầm mang vai, cách dân cư đến ba mươi dặm và trong cái rét như thế này\ Vâng, đặc biệt đấy, đúng không? Nguyên do thế này. Ông đảm bảo tôi đã ở ngoài địa phận vương quốc Nga hoàng rồi đấy chứ? Ông đang ở trên đất của vua Fréderic-Guilliame. Thế này! Phải nói với ông tôi không may đã dạy khiêu vũ cho những chàng trai khốn khổ có tội âm mưu chống Hoàng đế. Để hướng dẫn nghệ thuật của mình, tôi thường xuyên đến nhà người này, người khác, họ nhờ tôi chuyển cho nhau những bức thư giê't người. Thưa ông, xin thề danh dự, tôi trao tay những bức thư ấy, ngây thơ như đấy chỉ là giấy mời đi ăn tối hoặc đi dạo chơi. Cuộc âm mưu nổ ra, chắc ông đã biết. Tôi gật đầu ra hiệu có. Không hiểu vì sao người ta biết vai trò của tôi đến mức, thưa ông, tôi phải vào tù! Trường hợp nghiêm trọng vì bị coi là đồng loã, không tố cáo. Sự thực là tôi chẳng biết gì hết nên ông hiểu cho, tôi không tố cáo được. Điều ấy cũng thấy rõ đúng không? Tôi gật đầu tỏ vẻ hoàn toàn tán thành ý kiến của ông. Thế là thưa ông, trong lúc chờ đợi bị treo cổ, người ta đưa tôi vào một chiếc xe đóng kín, cũng rất tốt nhưng mỗi ngày chỉ ra ngoài hai lần cho những việc cần thiết như ăn trưa, ăn tối. Tôi gật đầu ra hiệu rất hiểu. Tóm lại, thưa ông, cách đây mười lăm phút chiếc xe bỏ lại tôi trên cánh đồng này rồi phi nước đại. Vâng, rồi phi nước đại, không nói gì với tôi, thật thiếu lễ độ nhưng cũng không đòi hỏi tiền lót tay, là điều khá tế nhị. Cuối cùng tôi nghĩ mình đang ở Tobolsk, quá dãy Ourals. Ông biết Tobolsk không? Tôi gật đầu tỏ rõ trình độ kiến thức của tôi cũng đạt đến mức ấy. Do vậy tôi chỉ còn xin lỗi đã quấy rầy ông và muốn hỏi ông nên sử dụng phương tiện giao thông ở đất nước này như thế nào? Ông đi về hướng nào, thưa ông? Thưa ông tôi muốn trở về Pháp. Người ta có để lại tiền cho tôi, tôi nói điều này vì ông không có vẻ gì là một kẻ trấn lột. Người ta có để lại tiền cho tôi và do tôi chỉ có một khoản tài sản nhỏ, gần một nghìn hai trăm livres lợi tức,thưa ông, nên không đi ngao du thiên hạ được, nhưng nếu tiết kiệm thì cũng đủ sống. Vậy là tôi muốn trở về Pháp để bình yên sử dụng một nghìn hai trăm livres của tôi, xa lánh mói thăng trầm của đời người và trốn tránh con mắt của các chính quyền. Để trở về tổ quốc, tôi muốn hỏi ông những phương tiện giao thông nào ít…ít tốn kém nhất? Theo tôi, ông bạn thân mến – tôi đổi giọng nói và bắt đầu thương hại con người này, tuy vẫn giữ nụ cười và tư thế của một vũ công nhưng đã run rẩy cả người – nếu ông muốn, tôi có một phương tiện giao thông rất đơn giản và dễ dàng. Cách nào vậy? Tôi cũng trở về Pháp, tổ quốc tôi. Ông hãy lên xe tôi, đến Paris tôi để ông xuống đại lộ Bonne-Nouvelle như tôi đã để ông xuống khách sạn Londres khi tôi tới Saint-Peterbourg. Sao? Đi cùng ông ư, ông Grisier thân mến? Vâng, hân hạnh được phục vụ ông, nhưng đừng để mất thì giờ. Ông đang vội, tôi cũng thế. Đây là một nửa áo khăn lông thú của tôi, ông ủ vào cho ấm. Thực tình tôi đã bắt đầu thấy lạnh. A!.. Ông để chiếc vĩ cầm xuống, có đủ chỗ đấy. Không, cám ơn. Nếu ông cho phép tôi mang nó trong tay. Tuỳ ông. Anh đánh xe ngựa, lên đường thôi. Và chúng tôi lại phi nước đại Chín ngày sau, tôi để ông bạn đi đường xuống trước mặt đường qua rạp Opéra. Từ đấy không bao giờ tôi gặp lại ông nữa. Về phần tôi, do không có tính thích làm giàu, tôi tiếp tục việc dạy. Chúa ban phúc cho nghệ thuật của tôi, rất nhiều học trò nhưng không người nào bị giết trong cuộc đấu. Đấy là hạnh phúc lớn nhất mà một thầy dạy đánh kiếm có thể mong muốn. HẾT