Lần đầu tiên từ cả chục năm rồi, Phước mới có được một kỳ nghỉ trọn vẹn và ở nhà được đúng đêm giao thừa. Kể từ khi ra trường, chuyển về một trung tâm y tế huyện miền xa, cứ tưởng làm bác sĩ nơi đó sẽ được nhàn hơn là những bệnh viện cấp tỉnh, thành phố lớn. Nào ngờ đó là một huyện có mật độ dân cư đông, lại là nơi thường xảy ra nhiều trận dịch, nên người dân đã quen với cảnh ôm con tới bệnh viện dù bất cứ bệnh gì. Nên hai năm ra nghề của Phước đúng là hai năm tích lũy kinh nghiệm vô cùng quý giá. Qua năm thứ ba thì Phước đã nổi danh như một bác sĩ tận tụy, có lương tâm và đặc biệt là có tay nghề cao trong lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, thương hàn, thủy đậu v.v... Và cũng chính vì thế, nên một bệnh viện lớn ở thành phố đã nghe tiếng và bằng mọi cách đã xin Phước về cho bệnh viện của mình. Phước đành phải tuân theo lệnh điều động, và trước Tết năm ngày, anh đã được phép về nghỉ ở nhà, trước khi nhận công tác ở bệnh viện mới. Lan Hương, cô em họ của Phước là người vui nhất khi hay tin anh được chuyển công tác về thành phố. Cô đã ra tận bến xe đón Phước chở anh về nhà, và khi Phước chưa kịp tắm rửa thay quần áo thì Hương đã giục anh lên xe: - Anh đi ngay kẻo muộn. Bọn bạn em đang đợi anh ngoài... quán bánh xèo! Phước ngạc nhiên: - Sao lại có vụ ai đợi ngoài quán bánh xèo? Mà họ là ai? Lan Hương làm ra vẻ bí mật: - Ai thì lát nữa đây anh sẽ biết! Hương vù xe như bay khiến Phước phải nhắc chừng: - Chạy xe giống mấy tay “yên hùng” xa lộ quá cô ơi! Lan Hương cười vui: - Chạy như vậy cho quen, để mai mốt tốt nghiệp ra trường còn chạy “sô” nữa chứ! Phước tỏ ra ngờ nghệch: - Chạy “sô” gì? Em đang học y mà, chứ phải ca sĩ, diễn viên đâu mà chạy “sô”? Lan Hương lại cười to: - Ông anh tội nghiệp của tôi, chỉ mới đi vùng sâu vùng xa mấy năm mà lạc hậu quá chừng rồi! Anh tưởng bác sĩ bây giờ không vắt giò lên cổ để chạy đi làm giàu à? Phước hoàn toàn không biết: - Bác sĩ có tiếng, mở phòng mạch thì mới hy vọng phát lên được. Nhưng số đó đâu phải nhiều. - Không nhiều thì mình làm cho nhiều! Lời nói của Lan Hương ẩn ý rắc rối, mà tính của Phước thì thích đơn giản, nên anh không hỏi tiếp. Lát sau, anh được đưa tới một đường phố quen thuộc. Phước hỏi: - Có phải Đinh Công Tráng không? - Anh chưa quên sao! Đây là phố bánh xèo mà! Ở một bàn rộng, đã có sẵn ba người bạn gái chờ trước. Họ vừa thấy Phước tới đã cùng reo lên: - Chào ông bác sĩ sắp nhận nhiệm sở! Trong số này chỉ có một người vốn là bạn của Lan Hương là Phước có quen mặt, còn hai cô kia thì anh hoàn toàn xa lạ. Do vậy, anh chỉ gật đầu chào chứ không hỏi chuyện. Lan Hương phải làm người dẫn chương trình: - Ông anh mình sau khi ở ba năm trong làng xã xa xôi thì hầu như quên hết chuyện đời ở chốn thị thành rồi, các bồ thông cảm. Riêng Ái Mỹ, nếu trong ba mươi giây nữa mà anh mình không nhớ ra và hỏi chuyện bạn thì bạn có quyền phạt thế nào cũng được. Ái Mỹ phải mất vài mươi giây mới nói được: - Biết người ta có chấp nhận chuyện phạt hay không đó mới là vấn đề. Lan Hương vẫn cố chọc Phước: - Vậy anh Phước nói đi chứ, chịu phạt hay không nào? Lâu lắm rồi Phước mới lại có được cái không khí vui đùa trẻ trung như thế này, nên chất trẻ trong anh cũng bùng lên rất nhanh, anh hòa nhập vào họ một cách dễ dàng, vừa nói vừa đưa mắt nhìn sang Ái Mỹ: - Có anh đàn ông nào có thể cưỡng lại được mệnh lệnh của đàn bà đâu? Tôi cũng còn là đàn ông mà! Nghe Phước nói vậy, ba cô bạn thích thú cười ầm lên, khiến cả quán quay lại nhìn. Lan Hương làm mặt lì. - Kệ họ, mình vui mà! Nhất là bữa nay sinh nhật người ta mà. Phước ngạc nhiên: - Ủa, sinh nhật em hả, Lan Hương? Lại được dịp để cô em nghịch ngợm càu nhàu: - Có cô em gái mà sinh nhật ngày nào cũng không nhớ nữa! Của em thì phải gần hè kia, còn bữa nay thì... Hương nhìn vào Ái Mỹ và chỉ chiếc bánh sinh nhật đang để ở bàn bên cạnh: - Chủ nhân của nó là đây. Rồi Hương nói thẳng ra: - Hôm nay sinh nhật của Ái Mỹ, lại trùng vào ngày anh Phước về nhận nhiệm sở mới, như vậy niềm vui nhân đôi đấy nhé! Mà đã nhân đôi thì cũng có nghĩa là nhân hai người chịu chi bữa tiệc này đó! Một cuộc gài độ rõ ràng, nhưng Phước lại thấy thích, anh tự nguyện: - Ông anh này xin tuân lệnh! Nói xong, anh lại đưa mắt kín đáo nhìn Ái Mỹ, mà nếu các bạn tinh ý sẽ thấy trong cái nhìn đó hàm ý sâu xa hơn là cái liếc nhìn thông thường. Ái Mỹ cũng kín đáo nhìn sang, rồi vội quay đi chỗ khác ngay khi thấy mọi người để ý. Lúc này thì Phước đã nhận rõ ý đồ của cô em Lan Hương. Cô nàng muốn ráp nối cho anh và Ái Mỹ, người mà trong những lá thư gửi cho anh, Hương đã có đề cập, có nói bóng gió là nếu anh không kịp tính thì có thể sẽ không có dịp để Hương gọi bạn mình là chị dâu. - Ôi chà, mơ mộng gì mà chẳng mời ai cả, ai dám ăn! Vô tình mà cả Ái Mỹ và Phước đều thả hồn đâu đâu. Mãi đến khi Lan Hương nhắc thì cả hai mới giật mình, lúng túng: - Mời... mời! Nào, hôm nay cho “người về từ ngàn trùng” mời nhé! Ái Mỹ cũng hào hứng: - Đâu có được. Lan Hương nói rồi mà, nhân đôi chứ! Mọi người được dịp tán thưởng: - Vậy là thừa nhận rồi nhé. Hoan hô cặp đôi! Vậy thì bữa nay không chỉ là tiệc sinh nhật mà còn là ngày... Cô bạn còn ngập ngừng thì Lan Hương đã bạo miệng: - Lễ ra mắt luôn! Cả hai, Ái Mỹ và Phước đều ngượng nhưng trong lòng họ có chút gì là lạ, mà chẳng ai trong bàn hiểu. Phước cố lắm mới nói được một câu: - Cám ơn các bạn! Lan Hương vẫn không buông tha: - Nhân danh ai mà cám ơn một mình vậy? Phải nói là chúng tôi. Ái Mỹ phát vào vai bạn một cái rõ mạnh: - Con quỷ cái! Lan Hương vừa né sang bên, vừa nheo mắt nói: - Nếu không nhờ con quỷ cái này thì chưa chắc quỷ đã gặp ma à nhe. Bữa tiệc tuy đơn sơ, nhưng không khí vui vẻ đó kéo dài đến gần mười giờ đêm. Ái Mỹ là người lên tiếng trước: - Phải để anh Phước về nghỉ, anh đã đi suốt ngày rồi. Mấy người kia cũng có ý như vậy, nhưng hứng chí, Phước quay sang Lan Hương nói: - Em đi với mấy bạn về trước, mang cả giỏ đồ của anh về luôn, anh mượn xe em đưa Ái Mỹ đi một vòng. Được chứ, bà mai? Lan Hương cũng không ngờ tình hình chuyển biến nhanh đến như vậy. Dĩ nhiên là cô nàng đồng ý liền và còn nói: - Em sẽ nói với cô Tư là anh bận đi nhậu với mấy người bạn tới tận nửa đêm mới về. Nói xong, họ chủ động đi trước, để cho hai người được tự nhiên. Bấy giờ Phước mới bộc lộ rõ ý của mình: - Lúc nãy có tụi nó anh không dám lộ chuyện của mình. Anh cám ơn về lá thư thăm hỏi của em mới đây, nhất là món quà mừng sinh nhật gửi trước. Nàng đột nhiên hỏi: - Anh không buồn vì món quà đó chứ? - Đóa hoa cúc khô ép trong lá thư? Hàm ý nói lời chia tay sớm? Nàng không đáp ngay, mà từ sau gáy mình, Phước cảm nhận có một tiếng thở dài. - Em sao vậy? Có lẽ chưa muốn phải nói những lời không vui, nên Ái Mỹ nói liền: - Mình kiếm chỗ nào vắng ngồi nói chuyện đi anh. Vào một quán vắng, không để Phước đợi lâu, cô đã nói liền: - Cho em xin lỗi anh về món quà đó. - Xin Iỗi, nhưng sao em lại gửi nó cho anh? - Chỉ vì... Cô lấy từ trong túi ra một chiếc hộp nhỏ, chưa mở ra thì Phước đã nói ngay: - Nhẫn cưới! Giọng của Ái Mỹ trầm hẳn xuống: - Gửi cho anh đến bốn lá thư, nhưng sao anh không trả lời? Phước quá đỗi ngạc nhiên: - Anh chỉ nhận được đúng một lá thư gần đây nhất, kèm món quà đáng ghét này! - Không lẽ... - Em gửi theo đường bưu điện? - Không, ba lá kia em nhờ Lan Hương chuyển. Phước đăm chiêu một lúc rồi lẩm bẩm: - Chẳng lẽ Lan Hương... Ái Mỹ cũng có ý nghĩ đó: - Hay là Lan Hương không muốn em báo những điều không hay đến anh? - Cũng có thể... Em biết đó, Lan Hương lúc nào cũng muốn chúng ta gắn bó, nên nó giấu hết mọi chuyện về em, nó sợ anh lo lắng. Ái Mỹ thở dài: - Chẳng thà nó cứ gửi hết những thư từ đó cho anh mà lại hay. Đỡ cho em... Phước không cầm hộp nhẫn cưới lên, anh hỏi, giọng lạc hẳn đi: - Em đã nhận lời người ta? Ái Mỹ quay nhìn ra chỗ khác: - Không phải em nhận, mà mẹ em... Rồi nàng kể lể: - Mẹ đang sống những ngày cuối đời bởi căn bệnh nan y, ý mẹ muốn được nhìn thấy em thành gia thất trước khi bà nhắm mắt. Mà anh thì cứ biền biệt. Em đã giải thích, năn nỉ nhiều lần, nhưng tội mẹ quá, nhiều hôm bà chỉ nằm thiêm thiếp, không ăn uống gì... Ái Mỹ khóc, nước mắt chảy dài mà Phước cảm giác như mình đang nuốt thứ nước mặn đắng ấy vào lòng. Cuối cùng anh chép miệng: - Anh chỉ xin em một điều... Anh không thể nói hết câu. Bởi nước mắt của anh cũng thật sự chảy ra. Anh nhẹ lắc đầu không nói thêm gì, mà cả những gì Ái Mỹ muốn nói anh cũng ngăn lại, không can đảm nghe tiếp. Suốt gần một giờ ngồi trong quán, hai người hầu như im lặng. Hộp nhẫn cưới đặt trên bàn giữa hai người, vô tình trở thành một vật ngăn cách tuy nhỏ bằng nửa nắm tay, nhưng chẳng khác một khoảng cách ngàn trùng... - Thôi, chúng ta về. Em cảm thấy mệt... Phước nghe theo, anh dẫn xe ra trong tâm trạng nặng nề, tưởng chừng như không thể đưa Ái Mỹ về được. Suốt dọc đường, anh nghe Ái Mỹ khóc trên lưng mình, những giọt nước mắt thấm ướt cả lưng áo... Gần 11 giờ đêm họ mới chia tay. Đứng nhìn theo bóng Ái Mỹ khuất dần sau cổng nhà cô, tự dưng Phước có cảm giác như mình vừa mất một thứ mà trong đời này anh sẽ không bao giờ có lại được. Trong một giây bàng hoàng, Phước quên cả thực tại anh quăng chiếc xe bên đường, lao theo tới trước cổng nhà và gào lên một tiếng thật to: - Ái Mỹ. Nhưng tự dưng tiếng của Phước như lạc vào một nơi nào đó mà âm thanh không hề phát ra, không hề có phản hồi. Phước biết điều đó và lại cố gào to hơn, nhưng hầu như mọi thứ đều không chịu theo lòng anh. Phước tưởng chừng như mình đang bị dìm xuống nước hay nhấc bổng lên không trung... Trong một tích tắc, Phước không còn tự chủ được, anh ngã chúi xuống và nghe văng vẳng có người nào đó gọi... mà chẳng phân biệt được tiếng của ai. Đến một lúc, Phước nghe như bên tai mình có một giọng nói rất khẽ, như hơi thở: - Bên nhau thì tồn tại, chia ly là đoản mệnh! Câu nói đó vừa dứt thì cũng là lúc Phước bàng hoàng tỉnh lại. Anh ngơ ngác nhìn quanh và hốt hoảng, bởi lúc ấy anh thấy chung quanh mình là một khung cảnh hoàn toàn khác lạ, không phải ở trước cổng nhà của Ái Mỹ như vừa rồi! - Sao kỳ vậy? Phước tự hỏi vừa quay nhìn khắp chung quanh, và anh càng kinh hãi hơn khi nhận ra mình đang đứng trong một bãi đất hoang, toàn cây cỏ, không có một bóng nhà. - Kỳ quái.. Phước cứ lặp lại câu nói và không thể nào tin vào mắt mình. Cho đến khi anh chợt nhìn xuống chân và đọc được trên một bia đá mấy dòng chữ: Phần mộ Yến Lan. Vừa đọc xong mấy chữ này thì một lần nữa, hai mắt của Phước hoa lên và anh hầu như không còn nhận ra chung quanh nữa. Lan Hương vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một cô gái lạ đang dẫn chiếc xe Velo Solex rất giống xe của mình vào cổng. Cô gái lạ e dè lên tiếng hỏi: - Có phải nhà của cô Lan Hương? Hương bước ra ngay và không nghi ngờ gì nữa, chính chiếc xe kia là của chính cô bởi những đặc điểm riêng không lẫn lộn với xe của ai. Cô hỏi nhanh: - Sao cô lại... Cô gái lạ giải thích liền, có lẽ để tránh hiểu lầm: - Tôi đưa chiếc xe này tới đây, bởi có người chỉ nhà. Cô là Lan Hương? Lan Hương gật đầu: - Đúng tôi là Lan Hương. Nhưng tại sao... - Chiếc xe này tôi được một người dặn đưa tới đây giao cho cô. Chợt nhớ tới Phước, Hương hốt hoảng: - Vậy anh Phước đâu? Người chạy chiếc xe này... Cô gái lắc đầu: - Tôi không biết! Chỉ nghe người nhờ tôi bảo rằng chiếc xe này là của cô, phải đem trả lại cho cô ngay và hãy tới nghĩa địa Tiều Châu đưa ai đó về! Nói xong, cô gái quay đi ngay, không đợi hỏi thêm câu nào nữa. Lan Hương lấy xe đuổi theo định hỏi thêm chi tiết, nhưng chẳng còn thấy bóng cô ta đâu. - Nghĩa địa Tiều Châu? Không lẽ anh Phước... Không kịp suy nghĩ thêm, Hương phóng xe tới đó ngay. Khu nghĩa địa này nằm không xa trung tâm, nên chỉ một lúc sau thì Hương đã chạy thẳng vào trong. Cô không gặp ai, bởi nghĩa địa này hình như lâu nay bị bỏ hoang, chẳng có quán trang. Và không khó để Hương nhìn thấy một người nằm sóng soài trước một ngôi mộ xây còn tương đối mới hơn những mộ chung quanh. - Anh Phước! Lan Hương bỏ xe cách hơn chục mét, chạy tới chỗ người nằm vừa kêu lên, bởi cô đã nhận ra màu quần áo Phước mặc. Và đúng như vậy, Phước nằm im như chết! - Anh Phước! Phải gọi đến lần thứ ba thì Phước mới khẽ cử động, chứng tỏ anh còn sống. Lan Hương mừng quá: - Lan Hương nè, anh sao vậy? Phước bật dậy, anh cũng ngơ ngác: - Anh vẫn còn nằm đây sao? - Nhưng sao anh vào nghĩa địa làm gì? Nhìn thấy chiếc xe đằng kia, Phước ngạc nhiên: - Ủa, lúc nãy anh có chạy xe tới đây sao? Lan Hương kể lại. Phước càng không hiểu: - Sao lại có cô gái nào đưa xe tới nhà em? Anh đâu hề quen cô nào, tại sao cô ta lại... Anh chợt nhớ, thảng thốt kêu lên: - Không lẽ anh bỏ xe trước cổng nhà Ái Mỹ? Anh kể lại cho Lan Hương nghe diễn biến chuyện vừa qua, Hương hỏi lại: - Lúc ấy Ái Mỹ có thấy anh bị ngất không? - Chắc là không. Tuy nhiên, hình như có ai đó đứng gần bên anh nói điều gì mà bây giờ anh không còn nhớ... Bỗng Lan Hương kêu khẽ: - Yến Lan? Có phải... Lan Hương ghé mắt sát vào mộ bia ghi tên Yến Lan, nhìn kỹ ngày mất và ngày sinh trong đó, rồi hốt hoảng: - Đây đúng là mộ của người chị Ái Mỹ rồi. Phước cũng chợt nhớ ra điều gì đó: - Có phải cô chị cùng cha khác mẹ với Ái Mỹ, đã chết cách đây bốn năm năm, mà hồi đó em có đi đám đó không? Lan Hương gật đầu: - Đúng là chị ấy! Cái chết của người chị này từng gây ra bao xáo trộn trong nhà Ái Mỹ, đến đỗi cha của Mỹ đã đau buồn mà chết theo mấy năm sau đó. - Nhưng sao lại chôn cô ấy trong nghĩa địa hoang vắng này? - Em không rõ. Hình như... Ngập ngừng một lát Lan Hương kể: - Em từng nghe nói giữa mẹ của Ái Mỹ và Yến Lan này không thuận thảo với nhau. Kể cả Ái Mỹ cũng thế. Phước có phần hiểu: - Mẹ ghẻ con chồng chứ gì! - Có lẽ vậy... Rồi Lan Hương lại thắc mắc: - Mà sao tự dưng anh lại vào đây làm gì? Phước nhắc lại: - Thì như anh vừa kể cho em nghe, khi ngất thì trước nhà Ái Mỹ, nhưng khi tỉnh lại thì anh đã thấy mình nằm đây rồi. Anh đang thắc mắc thì chẳng hiểu sao người như bị say, lảo đảo và một lần nữa anh lại rơi vào cơn mê sâu. Chẳng hiểu ai đã nói câu “gần nhau thì tồn tại, chia ly thì đoản mệnh”, anh nghe văng vẳng nên không thể phân biệt được giọng của ai. Lan Hương cứ nhìn mãi vào mộ bia và thỉnh thoảng lại lẩm bẩm: - Sao lại là Yến Lan? Mãi đến lúc ra về rồi mà Lan Hương vẫn chưa hết nghĩ về cô gái này. Nên khi đưa Phước về nhà xong, cô đã chạy ngay tới nhà Ái Mỹ gọi cửa. Mẹ của Mỹ ra mở cổng, vừa thấy Hương bà đã mừng rỡ: - Bác đang tính cho người đi tìm con thì may quá con tới! Ái Mỹ bị bệnh nặng lắm! Lan Hương vào thăm thì phải giật mình, bởi chỉ sau một đêm mà trông Ái Mỹ tiều tụy hẳn, da mặt xanh xao một cách kỳ lạ. - Sao vậy Mỹ? Ái Mỹ không đáp được, chỉ khẽ khẽ lắc đầu rồi nằm im. Hai dòng lệ lăn dài trên má. Bà Châu, mẹ Mỹ kể: - Chẳng hiểu sao trong cơn mê sảng đêm qua, nó cứ gọi tên con chị nó. Bà nói chưa dứt thì Lan Hương đã nói liền: - Yến Lan! Bà Châu gật đầu: - Nó cứ kêu tên con Yến Lan rồi thỉnh thoảng lại gào lên như sợ con ấy làm gì nó vậy! Lan Hương muốn kể lại chuyện của Phước, nhưng nhớ tới việc bà Châu không thích Phước, nên im lặng quay đi. Đợi đến khi bà bước ra ngoài, Hương mới kề tai nói nhỏ với Mỹ: - Anh Phước cũng gặp chị Yến Lan! Ái Mỹ không phản ứng nhanh nhẹn được, nhưng một tay cô cũng chụp được tay của Hương, siết rất yếu ớt và thều thào: - Anh... Phước... - Anh ấy khỏe lại rồi. Mỹ nói mình nghe coi, bồ bị sao vậy? Chị Yến Lan đã làm gì bồ? Hình như Mỹ không nói được điều cô đang nghĩ, nên đôi lần cô mím chặt môi và cứ để cho nước mắt chảy ra hầu như không dứt. Nhìn cảnh tượng đó, Lan Hương linh tính có điều gì đó không ổn. Cô định về gọi Phước tới, nhưng vừa khi ấy ngoài cửa đã có người lên tiếng hỏi: - Mỹ ra sao rồi má? Người đó là Toàn, anh chàng đang là “người thứ ba” đáng ghét chen vào tình cảm giữa Ái Mỹ và Phước. Không muốn gặp anh ta nên Lan Hương bước ra ngoài, tránh xuống nhà sau. Đợi lúc anh chàng bước vào phòng của Ái Mỹ rồi, cô mới ra ngoài, dẫn xe đi mà không chào bà Châu. Phóng xe trên đường mà đầu óc Hương để đâu đâu. Mãi đến khi chợt bên tai vang lên câu nói của ai đó: - Đừng xía vào chuyện của thiên hạ, trong khi chuyện của mình vẫn chưa xong! Tốt hơn là nên quay về nhà, những gì đang đợi sẽ đáng tốn sức hơn nhiều. Quay lại nhìn trước sau, không thấy ai là người đang nói câu đó. Lan Hương nói cố cho ai đó nghe: - Là người đàng hoàng thì nên đối mặt mà nói chuyện! Không nghe trả lời. Hương nghĩ là họ đã nghe được mình, nên tiếp tục nói: - Tôi tuy là con gái nhưng không hề sợ chuyện quỷ ma. Nếu thật sự đây là hồn ma bóng quế thì nên gặp trực tiếp tôi sẽ hay hơn! Vẫn không có lời đáp, nhưng bất ngờ có một vật gì đó rơi đúng vào ghi đông xe của Lan Hương khiến cô hơi đảo tay lái, buộc lòng phải tấp vào lề. Lúc ấy, cô mới nhận ra vật vừa rơi và máng trên tay lái là... một con mèo con thật đẹp! Vốn thích súc vật, đặc biệt là mèo, nên thay vì bực mình, Lan Hương lại chụp lấy con vật, ôm vào lòng vừa xuýt xoa: - Ai mà ác quá, ném con mèo, chút nữa nó chết rồi! Con mèo hình như cảm thấy được cưng, nên tỏ thái độ thân thiện ngay với Hương bằng cách dụi đầu vào ngực cô, đồng thời phát ra tiếng kêu khe khẽ như biểu thị sự thích thú, vui mừng. Nhìn trước sau một lần nữa, Lan Hương lẩm bẩm: - Không thể bỏ con mèo này lại đây được, xe cộ quá nhiều sẽ gây nguy hiểm cho nó ngay! Cô một tay ôm con mèo, một tay chạy xe, tuy có bất tiện, nhưng rồi Lan Hương cũng đem được nó về nhà. Mang vào phòng riêng, Hương lấy cái mền còn mới, úm nó lại, chăm sóc như một đứa trẻ: - Ngoan đi cưng, chị mày sẽ nhận làm em nuôi, sẽ cho mày chung phòng từ nay nhé! Con mèo chừng như hiểu, nó càng tỏ ra trìu mến hơn với Hương, khiến cô nàng càng lúc càng thích thú, nằm vuốt ve nó mãi trên giường. Ngủ một giấc dài, cho đến khi đồng hồ treo tường đổ ba tiếng thì Lan Hương mới thức giấc. Việc đầu tiên của cô là đưa tay mò trong bóng tối để tìm con mèo cưng, nhưng chẳng hề thấy đâu. Nghĩ nó chạy đi đâu đó, chắc chắn chỉ nội trong phòng thôi, bởi cửa sổ, cửa lớn đều đóng kín trước lúc đi ngủ. Vậy mà sau gần chục phút cố sức tìm, vẫn biệt tăm con vật bé xíu đáng yêu kia. Lan Hương mở cửa gọi to ra ngoài: - Mẹ ơi, có thấy con mèo nhỏ của con không? Bà Bảo Tín, mẹ Lan Hương từ phòng riêng bước ra ngạc nhiên hỏi: - Con mèo nào? Nhà mình từ khi con Miu Miu mất trộm đến giờ có nuôi thêm con nào đâu? - Có! Con mèo con mới đem về. Mèo nhị thể đẹp lắm. - Mèo nhị thể là mèo gì? - Con mèo có hai màu đen, trắng. Bà Tín lắc đầu: - Mẹ ngủ sớm, con về mẹ còn không hay, thì làm sao thấy con nhị thể, tam thể gì! Con thử hỏi con Sáu Lanh coi. Sáu Lanh là chị người làm, đã chạy từ ngoài vào mà không cần chủ gọi. Chị ta hớt hải: - Có cái này bà chủ ơi! Trên tay chị ta ôm một cái hộp giấy được đóng gói cẩn thận. Bà Bảo Tín ngạc nhiên hỏi: - Hộp gì của ai vậy? - Dạ, không biết của ai, con thấy đặt ngay trước cổng nhà mình, mà ngoài hộp lại đề gửi cho cô Lan Hương, nên con... Lan Hương giật mình: - Gửi cho tôi? Cô bước tới nhìn vào thì rõ ràng người nhận chính là cô, không đề tên người gửi. - Cái này để ngoài cửa lâu chưa? - Tôi cũng không biết. Nhưng chắc là không lâu, bởi nếu lâu thì chắc gì còn, vì họ để khơi khơi ngoài cổng. Chẳng biết cái gì bên trong nữa. Đích thân Lan Hương khui thùng ra. - Trời ơi, quân ác nhân! Nghe con gái kêu thất thanh, cả bà Tín và Sáu Lanh đều bước tới nhìn. Trong thùng có ba con mèo với hai sắc lông đen, trắng đang nằm im như chết! Lan Hương bị kích động dữ dội: - Ai? Ai đã giết chúng thế này? Ai mà ác hơn loài cầm thú, trời ơi! Trong số ba con mèo chết có con mà Lan Hương đã đem về. Sở dĩ cô nhận ra nó là nhờ sợi dây rubăng đỏ mà cô đã tự tay đeo vào cho nó. Bà Bảo Tín sợ con gái mình vì quá xúc động mà có thể xảy ra chuyện không hay, nên vội đưa tay đóng nắp thùng lại. Nhưng đó cũng là một tai họa, vì tay bà vừa chạm vào thùng thì cả ba con mèo đồng loạt bật dậy phóng ra khỏi thùng. Chúng không chạy đi, mà mỗi con chọn một người đang có mặt, rồi bất thần cắn mạnh vào cổ tay cả ba. Bà Bảo Tín thét lên trước một tiếng rồi ngã lăn ra, kêu đau! Sáu Lanh cũng làm y như vậy. Chỉ có Lan Hương, mặc dù cũng đau buốt, tê cứng cánh tay, nhưng cô ráng sức bóp chặt chỗ vết cắn lại, hô to: - Đi lấy thuốc sát trùng mau lên! Sáu Lanh biết là bảo mình, nhưng do cơn đau nhức quá dữ dội, nên chị ta không thể ngồi dậy được. Lan Hương phải tự tay mình bò vào phòng mình tìm thuốc. Lấy được lọ thuốc sát trùng bôi vào vết thương xong, Lan Hương cố đứng lên bằng cách vịn vào chiếc tủ đứng. Và vô tình, cô nhìn bóng mình trong tấm gương soi, Hương kêu thét lên: - Sao thế này? Ngay giữa sống mũi của cô, có một nốt ruồi cỡ như con ruồi trâu mọc lên ở đó. Nghĩ mình bị vật gì đó bám phải nên Lan Hương lấy tay gỡ nó ra. Nhưng vật ấy hầu như đã dính chặt vào da thịt, không thể tách ra được! Đồng thời toàn thân của Hương bỗng dưng sốt lên rất cao, khiến cô choáng váng, lảo đảo. Tuy nhiên, cô vẫn cố đi trở ra nhà ngoài và phải kêu thét lên: - Trời ơi, má. Trên mũi của bà Bảo Tín và Sáu Lanh đều có một nốt ruồi giống hệt như của Lan Hương. Lan Hương chỉ kịp chứng kiến tới đó, rồi cô lịm đi. Hai người kia hầu như cũng trong tình trạng đó. Trong phút chót thì cả ba người đều nằm im như ba cái xác chết giữa phòng khách. Ba con mèo như ba cái bóng ma lao vút ra cửa và mất dạng.