Sau khi bình định được Tam Tần, và chiếm được Quan Trung, Hán Vương Lưu Bang cảm thấy vui mừng khôn xiết, so với thời kỳ chịu lép ở Nam Trịnh, tâm trạng của ông hoàn toàn khác hẳn. Danh hiệu Quan Trung Vương là một danh hiệu mà Lưu Bang đêm ngày mơ ước, chỉ vì Hạng Võ ngang tàng hống hách, cho nên dù ông là người kéo quân vào Quan Trung trước nhưng vẫn không được phong vương. Đến nay, ông đã dựa vào sức mạnh của mình để cuối cùng tự xưng vương tại vùng đất Quan Trung rộng lớn này. Như vậy, thử hỏi ông không vui mừng sao được? Lưu Bang là người ôm ấp chí lớn đã lâu, cho nên ông vẫn không hề thỏa mãn đối với tình trạng trước mắt, mà bắt đầu chú ý đến những mục tiêu mới. Dù có gian khó tới đâu ông cũng phải đạt cho kỳ được mục tiêu của mình, gặp thất bại cũng không hề nản chí. Có lẽ đó là một nhân tố giúp cho Lưu Bang được thành ông sau này. Hiện giờ Lưu Bang đang ở Quan Trung, nhưng lòng dạ của ông thì đang nghĩ tới Bành Thành. Mục tiêu mới của ông chính là Bành Thành, là vùng Quan Đông, tức toàn bộ đất nước mà Tần Thủy Hoàng đã có trước kia. Lưu Bang là người có chí lớn những không bao giờ có ý nghĩ viễn vong. Ông suy nghĩ thực tế, đặc biệt là chú trọng tới việc tăng cường thực lực của mình, để đủ sức tranh đoạt với mọi đối thủ. Sau khi chiếm được Quan Trung, ông không nôn nóng tiến về phía đông, mà trước hết lo củng cố địa bàn đã có, rồi sau đó mới thực hiện những ý đồ lớn hơn. Ông biết lòng dân là yếu tố quan trọng, cho nên một mặt tiếp tục thi hành "ba chương ước pháp", mặt khác, cho soạn thảo ra nhiều luật lệ mới. Tháng 11 năm 205 Tr. CN, sau khi ông định đô tại Lịch Dương, đã tuyên bố nếu tướng nào ở trong tay có một vạn binh mã, và có đất rộng một quận mà chịu đầu Hán thì sẽ phong cho chức Vạn Hộ Hầu. Mệnh lệnh đó có sức thu hút rất mạnh, liên tiếp đã có người tới xin đầu hàng. Ngoài ra, ông còn xuống lệnh mở vùng đất mà vương triều nhà Tần trước kia dùng làm ngự uyển lâm viên, để cho bá tánh được vào đó khai khẩn canh tác. Ngoài ra, ông còn cho giảm thuế miễn thuế để khuyến khích sản xuất. Những luật lệ đó rất hợp lòng dân, lại có thể củng cố được vùng Quan Trung. Việc xây dựng Quan Trung và việc mở rộng địa bàn gần như được Lưu Bang tiến hành cùng một lúc. Vì ông thấy Hạng Võ đang sa lầy trong cuộc chiến tranh với nước Tề, không có thì giờ chú ý tới phía tây, nên đã tạo ra một thời cơ tốt để ông có thể tiến về phía đông. Tháng 10, ông đích thân kéo quân tới khu vực Hàm Cốc Quan, và phái sứ giả đi chiêu dụ Hà Nam Vương Thân Dương. Đất phong vương của Thân Dương nguyên là đất cũ của nước Hàn, định đô tại Lạc Dương. Binh lực của Thân Dương rất ít, lại đang bị binh mã của Lưu Bang bao vây nên Thân Dương đành phải mở cửa thành ra đầu hàng Lưu Bang. Lưu Bang bèn đặt vùng đất này là quận Hà Nam. Cũng trong tháng đó Lưu Bang cử người cháu của Hàn Tương Vương là Hàn Tín giữ chức Hàn Thái Úy, và sai ông ta mở cuộc tấn công Hàn Vương Trịnh Xương chống cự không chịu đầu hàng. Qua trận đánh tại Dương Thành, Trịnh Xương bị đánh bại nên phải đầu hàng. Như vậy, hai vương mà Hạng Võ đã phong tại nước Hàn trước kia đều bị Lưu Bang tấn công tiêu diệt. Lưu Bang thấy Hàn Tín có công to nên lập làm Hàn Vương. Sau khi Lưu Bang bình định được Hà Nam, thì vào tháng 3 mùa xuân năm đó lại xua quân tấn công Hà Bắc. Ông đích thân dẫn các tướng lãnh như Quán Anh, Tào Sâm từ Lâm Tấn Quan vượt qua sông Hoàng Hà tiến về phía tây để tấn công Ngụy Vương Báo. Ngụy Báo không đủ sức chống trả nên đã quy hàng Lưu Bang, đồng thời, cùng với quân đội của Lưu Bang mở cuộc tấn công vào Hà Nội của Ân Vương Tư Mã Ngang. Tư Mã Ngang hoàn toàn không ngờ Lưu Bang lại có thể mở cuộc tấn công nhanh chóng như thế, nên vừa không đề phòng lại vừa không có đủ sức để chống trả, đã trở thành tù binh của Lưu Bang. Vùng đất được phong của ông ta bị Lưu Bang lập thành quận Hà Nội. Sự tiến triển nhanh chóng của Lưu Bang ở phía tây, làm cho Hạng Võ đang bị sa lầy tại nước Tề ở phía đông cảm thấy bất an. Ông ta rất tức giận các vương quốc được phong quá nhu nhược, và oán hận nhất là đối với Ân Vương Tư Mã Ngang, người đã đầu hàng. Vì Tư Mã Ngang từng có lần phản bội Hạng Võ, Hạng Võ phái Trần Bình là người Dương Võ đi thảo phạt. Trần Bình dùng áp lực khiến cho Tư Mã Ngang phải hối hận và thề sẽ theo Hạng Võ trở lại. Nhưng không bao lâu sau, Tư Mã Ngang lại phản bội một lần nữa, vậy thử hỏi Hạng Võ không tức giận sao được. Ông ta thề sẽ giết chết những tướng lãnh trước đó đã đi bình định nước Ân. Cho nên Trần Bình không khỏi sợ hãi. Trần Bình từng phụng sự cho Ngụy Vương Cửu ở Lâm Tế, giữ nhiệm vụ Thái Bộc, lo việc trông nom xe ngựa. Về sau, do bị người ta sàm tấu nên phải rời bỏ nước Ngụy chạy sang nước Sở, và được Hạng Võ phong tước Khanh, sau đó, do lôi kéo được Tư Mã Ngang làm phản quay trở về, nên Hạng Võ phong làm Đô Úy. Giờ đây nghe tin Hạng Võ muốn giết những tướng lãnh trước kia từng bình định nước Ân, Trần Bình quá sợ hãi. Để bảo toàn tính mạng cho mình, Trần Bình đem tất cả ấn quan và vàng do Hạng Võ phong cho trước kia trả lại hết cho Hạng Võ, rồi một mình một ngựa trốn sang quy hàng Lưu Bang. Lưu Bang cử Trần Bình làm Đô Úy, đồng thời cử ông giữ nhiệm vụ Thị Vệ Tham Thừa để chỉ huy Điền Hộ Quân, lo việc giám hộ cho các tướng. Việc Trần Bình phản Sở quy Hán là do Hạng Võ không biết dùng người, nên mới bị mất nhân tài. Trần Bình tuy gia cảnh bần hàn, xuất thân hèn kém, nhưng là người rất thích học, có sự nghiên cứu sâu về Đạo giáo, giỏi mưu lược. Sau khi ông về với Lưu Bang, bèn đem tình hình nội bộ của quân Sở nói rõ cho Lưu Bang biêt, giúp Lưu Bang hiểu được hư thực của quân Sở. Từ đó trở về sau, ông lại dùng kế ly gián giữa Hạng Võ với các tướng tá ở chung quanh ông ta nên có một tác dụng phá hoại rất lớn trong việc Lưu Bang cuối cùng thắng Hạng Võ, công lao của Trần Bình không phải nhỏ. Về con người Trần Bình, trong sách sử đều ghi chép ông ta là một người khoẻ mạnh, đẹp trai, anh ruột của ông đối với ông rất tốt, tự mình đi làm ruộng để nuôi Trần Bình ăn học. Ông được một người nhà giàu tên là Trương Phụ tán thưởng, nên gả con gái cho. Trần Bình khi cưới được Trương Thị làm vợ, thì việc tiêu xài ngày càng được rộng rãi hơn, nhờ đó đã giao du rất rộng. Có một lần trong làng cúng thần, Trần Bình chủ quản việc cắt thịt chia cho mọi người, miếng nào miếng nấy đều bằng nhau. Các cụ già trong làng khen Trần Bình làm việc tốt, Trần Bình liền nói: "Một ngày nào đó tôi nắm quyền chia sẻ thiên hạ, thì toio cũng chia sẻ công bằng như việc chia thịt ngày hôm nay vậy!" Thời đó, những người trong làng cho rằng Trần Bình nói đùa, nhưng nào ngờ Trần Binh lại là người có chí lớn cho nên về sau ông ta đã giữ vai trò chia sẻ cả thiên hạ đúng như lời ông ta nói! Trần Bình được xem là một nhân tài hiếm có, khá giỏi thao lược, chỉ đáng tiếc Hạng Võ không thể giữ được ông, mà đã để ông chạy sang hàng ngũ đối thủ của mình là Lưu Bang. Hạng Võ không biết thương tiếc nhân tài, nên đã làm cho sự nghiệp của mình bị nhiều tổn thất lớn lao. Trước 4 tháng khi Trần Bình quy Hán, Hạng Võ đã làm một việc sai lầm khiến cho Lưu Bang có thể lợi dụng được. Vào tháng 10 năm 205 Tr. CN, Hạng Võ gởi một đạo mật lệnh đến cho Cửu Giang Vương Anh Bố, Hành Sơn Vương Ngô Nhuế, Lâm Giang Vương Cộng Ngao, để họ giết chết Nghĩa Đế trên đường đi tới huyện Sâm. Ba người này đã nhanh chóng hành động và đã kết thúc mạng sống của Nghĩa Đế trên một chiếc thuyền đi trên sông Trường Giang. Nghĩa Đế tuy là một ông vua không có quyền, nhưng nói cho cùng ông vẫn là cháu của Sở Hoài Vương, từng là thống soái của nghĩa quân. Hạng Võ biếm trích và giết ông ta, rõ ràng đã làm cho mọi người trong thiên hạ ai ai cũng bất mãn. Nhất là Lưu Bang đã chụp lấy sự kiện đó để tạo dư luận, tổ chức thành một lực lượng chống Sở. Tháng 3 năm 205 Tr. CN, Lưu Bang từ Bình Âm Tân vượt qua sông Hoàng Hà để tiến xuống phía nam, khi tới Tân Thành tại Lạc DƯơng, thì có một người trông nom việc giáo hóa trong làng là Đổng Công chận đường ông lại, hỏi: - Có phải Đại Vương đi đánh Hạng Vương hay không? Đại Vương chuẩn bị lấy gì để hiệu triệu? Câu hỏi đó làm cho Lưu Bang không thể trả lời được. Đổng Công mỉm cười vuốt nhẹ hàm râu, làm ra vẻ như mình đã có sẵn mưu lược ở trong lòng, nói: - Tôi nghe nói thuận lòng dân thì thắng, nghịch lòng dân thì bại. Đi thảo phạt người có tội cần phải có danh nghĩa, nếu không có danh nghĩa thì sẽ không thành công, cho nên cần phải vạch mặt bọn đạo tặc thì kẻ thù mới chịu khuất phục. Hạng Võ hung ác hiểm độc, không kể chi tới đạo nghĩa, nên đã giết chết nhà vua của ông ta là Nghĩa Đế. Đó là đại tội không thể khoan dung. Thực hành một chính sách cai trị nhân nghĩa, thì không cần dùng tới vũ lực thiên hạ cũng tự mình phục tùng; khi nói đạo nghĩa thì không cần tới vũ lực cả thiên hạ cũng sẽ được yên. Xin Đại Vương hãy cho tất cả binh sĩ của mình mặc đồ tang, và cử hành lễ phát tang cho Nghĩa Đế, rồi truyền rao cho tất cả các nước chư hầu, cùng đứng lên báo thù cho Nghĩa Đế. Như vậy là Đại Vương xuất xử, có danh nghĩa và sẽ được toàn quốc ngưỡng mộ đức hạnh, tranh nhau đứng lên hưởng ứng. Ba đời Hạ, Thương, Châu đã dùng cách này để dựng nghiệp đế vương! Những lời nói của Đổng Công làm cho Lưu Bang bừng hiểu ra. Đối với việc Hạng Võ đuổi và giết chết Nghĩa Đế từ lâu ông đã canh cánh bên lòng; nay qua lời nói của Đổng Công, ông chợt nghĩ ra nếu cử hành lễ phát tang cho Nghĩa Đế, chẳng những thể hiện cái đức của mình trong thiên hạ, tạo dựng uy tín cho mình, mà còn có thể cổ xúy cho các nước chư hầu đứng lên chống Hạng Võ. Như vậy, không phải là nhất cử lưỡng lợi hay sao? Thế là ông mạnh dạn hứa hẹn với Đổng Công, sẽ bắt tay vào việc cử hành nghi thức phát tang một cách long trọng. Việc tang lễ của một bậc đế vương là đại sự của đất nước, từ xưa cho tới nay bao giờ cũng được xem trọng. Lưu Bang dựa theo nghi lễ đời xưa, chuẩn bị một cỗ quan tài bằng gỗ tử, bên ngoài quan tài được vẽ hoa văn nghiêm túc, trang trí bằng châu ngọc quí giá và có cả đồ dùng hằng ngày để tùy táng. Ngày đưa tang ông đặt linh cữu lên cỗ xe "Ôn Lương" (loại xe có chỗ nằm và cũng dùng làm xe đưa tang thời cổ), lại có nhà vàng, có xe phối phó. Những nơi xe tang đi qua, bên vệ đường có đặt nhiều hương án. Lưu Bang huy động nam nữ bá tánh cùng nhau khóc to, và bố cáo khắp thiên hạ, chư hầu có thể đến đưa tang, nếu ai không đến được thì hướng về quốc đô mà khóc. Khi cử hành nghi thức, Lưu Bang cởi hai tay áo ra để trần đôi vai rồi òa lên khóc thật to, đồng thời, ra lệnh cho toàn quân ai điếu ba ngày. Tiếp đó, ông lại phái sứ giả đi thông báo cho các chư hầu biết: "Nghĩa Đế do toàn thể thiên hạ đưa lên ngôi, và chúng ta đều xưng thần trước Nghĩa Đế. Không ngờ ông lại bị Hạng Võ lưu đầy xuống Giang Nam, rồi dùng cách mưu sát để giết chết. Đó đúng là nghịch bất đạo, tội không thể dung tha. Để báo thù cho Nghĩa Đế, tôi đã sử dụng quân đội tại Quan Trung, và huy động các tướng sĩ ở Hà Nam, Hà Đông, Hà Nội. Tất cả sẽ vượt qua sông Trường Giang, Hán Thủy để thảo phạt bọn gian nịnh. Mong các chư hầu vương sẽ cùng hợp lực đánh kẻ sát hại Nghĩa Đế!" Lưu Bang biểu diễn trò phát tang cho người chết, nhưng kỳ thật là để hiệu triệu người sống, đối với các chư hầu có quan niệm trung quân sâu đậm đã gây nên một tác dụng đặc thù. Mọi người đều cho Lưu Bang là người trọng chính nghĩa, thảo phạt vô đạo, nên đua nhau khởi binh hưởng ứng. Nhưng, khi Lưu Bang phái sứ giả đến Triệu để kêu gọi Trần Dư cùng đứng lên đánh Hạng Võ, thì lại gặp một rắc rối nhỏ. Trần Dư vì có mối thù với Trương Nhĩ nên đã chạy sang đầu Lưu Bang, hiện nay đang ở trong quân Hán, nên ông ta đề xuất một điều kiện: "Quân Hán giết chết Trương Nhĩ thì Triệu sẽ gửi binh giúp Hán, bằng không, sẽ không tuân theo mệnh lệnh." Sứ giả trở về báo cáo với Lưu Bang, Lưu Bang suy nghĩ đắn đo, ông biết giữa Trần Dư và Trương Nhĩ nguyên là hai người bạn kết giao rất thân thiết chỉ vì trận đánh tại Cự Lộc, Trần Dư không cứu Trương Nhĩ nên đôi bên trở nên thù oán, về sau Hạng Võ đã phong Trương Nhĩ làm Thường Sơn Vương, còn Trần Dư chỉ được phong có ba huyện, nên mối thù giữa hai người càng sâu, và cuối cùng họ đã xua quân đánh nhau. Trương Nhĩ phải bỏ chạy sang quân Hán. Thời bấy giờ Lưu Bang sở dĩ thu nạp Trương Nhĩ là do muốn mở rộng lực lượng của mình, nhưng không ngờ chuyện đó đến ngày nay, khi kêu gọi quân Triệu phát binh thì lại gặp trở ngại. Làm thế nào đây? Lưu Bang từ trước tới nay bao giờ cũng yêu mến nhân tài, ông tuyệt đối không bằng lòng sát hại Trương Nhĩ. Đặc biệt là hiện nay cần phải có tướng tài binh giỏi để đánh Hạng Võ, vậy nếu giết Trương Nhĩ, thì chẳng những làm cho tướng sĩ bất mãn, mà còn làm cho việc chiêu mộ nhân tài sẽ gặp nhiều khó khăn. Lưu Bang từ trước đến nay xem trọng danh dự và tiếng tăm của mình, ông phải trải qua rất nhiều khó khăn mới tranh thủ được sự ủng hộ của mọi người khắp trong nước, chả lẽ nay lại đi sát hại một hàng tướng, để các nhân tài trong thiên hạ có lòng sợ hãi đối với mình hay sao? Nhưng, Trần Dư lại tỏ ra cố chấp như thế, nếu không giết Trương Nhĩ ông ta sẽ không chịu xuất binh. Suy tới nghĩ lui, Lưu Bang cảm thấy rất khó khăn, nhất thời không thể có sự định đoạt dứt khoát được. Lưu Bang cố moi óc suy nghĩ, chân mày nhíu lại như một vết sẹo. Lưu Bang thích uống rượu, nay gặp chuyẹn buồn, càng muốn dùng rượu để tiêu sầu. Thị nữ lập tức mang rượu và thức ăn ra, hầu hạ Lưu Bang. Lưu Bang uống từ ly này sang ly khác, bỗng ngước mặt nhìn lên và hai mắt của ông đã chạm vào hai mắt của người thị nữ. Người thị nữ tươi cười với ông, đôi gò má cũng ửng hồng. Lưu Bang híp đôi mắt nhìn thẳng vào người thị nữ một lúc lâu. Ông thấy cô gái này rất xinh đẹp, nên đã động lòng háo sắc, đưa bàn tay ra nắm lấy cổ tay của cô gái, và ôm cô ta vào lòng. Người thị nữ lúc ban đầu có vẻ sợ sệt, nhưng cô ta đã nhanh nhẹn tươi cười, vừa có vẻ e thẹn vừa ngả đầu vào ngực Lưu Bang, đêr mặc tình cho ông ta âu yếm. Lưu Bang nhìn thẳng vào gương mặt của nàng, bỗng không khỏi giật mình, vì cô gái này rất giống phu nhân của ông là Lữ Trĩ. Bấy lâu nay ông ta hết sức nhớ mong phu nhân của mình đang ở tận huyện Bái. Trước đây ông có phái Vương Lăng đi huyện Bái để đón Thái Công và Phu Nhân, nhưng bị Hạng Võ chận lại ở Dương Hạ, nên không thể rước họ được. Nay thấy cô gái này có gương mặt giống phu nhân, ông tỏ ra rất có tình cảm, cúi xuống hôn nàng một lượt và cảm thấy như mình đang hôn Lữ phu nhân. Qua một chốc, ông bỗng đẩy người thị nữ ra, lộ sắc vui mừng nói: - Hay lắm! Hay lắm! Một ý nghĩ hay lắm! Người thị nữ hốt hoảng, tưởng đâu Lưu Bang đã say, nên vội vàng lui ra, Lưu Bang không cần biết tới nàng đi đâu, vội vàng cho gọi Trương Nhĩ đến, rồi kề tai nói nhỏ với ông ta một lúc. Hai hôm sau, Trương Nhxi dẫn một người tới, người này cũng có gương mặt giốg Trương Nhĩ. Trương Nhĩ cho biết ông đã phái người đi vào làng quê tìm kiếm mới tìm được người này. Lưu Bang nhìn anh ta một lúc lâu, rồi vui vẻ gật đầu. Ông bí mật sai người đến nhà người đó tặng cho gia đình anh ta một số tiền bạc và đồ vật, rồi cắt lấy đầu người đó và bảo là thủ cấp của Trương Nhĩ, tức khắc đưa sang nước Triệu tặng cho Trần Dư. Trần Dư xem qua chiếc thủ cấp, cảm thấy rất hả hê, nói: "Tên bất nghĩa nhà ngươi, cuối cùng rồi cũng có ngày hôm nay!" Ông xuống lệnh đem chiếc thủ cấp đó bỏ vào đỉnh nước sôi nấu cho rục ra, rồi quay sang nói với người sứ giả của Lưu Bang phái tới: - Hán Vương là người trọng nghĩa khí như vậy, Trần Dư tôi tất nhiên sẽ đem hết sức mình ra tương trợ. Hãy về bẩm lại với Hán Vương, cho biết quân Triệu đã chuẩn bị sẵn sàng, chờ đợi sự sai khiến của Hán vương bất cứ lúc nào để cùng nhau đi đánh Hạng Võ! Khi người sứ giả trở về báo cáo lại lời hứa hẹn của Trần Dư cho Lưu Bang nghe, Lưu Bang hết sức vui mừng. Ông thầm khen mưu kế của mình quả là rất hay. Việc "phát tang" và việc "tráo đầu" đều là tuyệt vời cả! Ông có cảm tưởng như sự thắng lợi đã nắm trong tay nên tinh thần hết sức phấn chấn.