THIÊN XVII
BỊ NỘI

(ĐỀ PHÒNG BÊN TRONG)

Cái họa của bậc vua chúa là tin người, tin người thì bị người chế ngự. Bề tôi đối với vua không có tình cốt nhục, bị cái thế bó buộc không thể không thờ vua, cho nên, luôn luôn dò xét lòng vua, không một phút nào ngưng; mà vua lại ngồi trên ngạo mạn, biếng nhác, vì vậy mới có những ông vua bị áp bức và bị giết.
Làm vua mà quá tin con thì gian thần sẽ dựa vào con vua để thực hiện tư dục của họ. Vì vậy mà Lí Đoái giúp vua Triệu, bỏ Chủ Phụ chết đói[1]. Làm vua mà quá tin vợ thì gian thần sẽ dựa vào vợ vua để thực hiện tư dục của họ. Vì vậy mà Ưu Thi giúp Li Cơ giết Thân Sinh, lập Hề Tề[2]. Thân cận như vợ con mà còn không thể tin thì người khác làm sao có thể tin được? Vả lại chúa có vạn cỗ xe, vua có ngàn cỗ xe thì hoàng hậu, thứ phi, phu nhân, đích tử làm kế tự, thế nào cũng có người muốn cho vua chết sớm.
Làm sao biết được như vậy? Là vì vợ không có tính cốt nhục với chồng, hễ yêu thì thân, không yêu thì sơ. Tục ngữ có câu: “Mẹ được yêu thì con được chiều”. Ngược lại, hễ mẹ bị ghét thì con bị bỏ. Đàn ông năm chục tuổi vẫn còn hiếu sắc, đàn bả ba chục tuổi sắc đã tàn. Vợ sắc đã tàn mà thờ chồng hiếu sắc thì tất ngại bị hắt hủi, con tất ngờ sẽ không được nối ngôi. Đó là lẽ tại sao hoàng hậu, thứ phi, phu nhân mong cho vua chết sớm. Chỉ khi nào mẹ làm thái hậu, con làm vua thì lệnh mới được mọi người thi hành, điều cấm mới được mọi người tuân; cái vui trai gái không giảm so với khi tiên vương còn mà lại chắc nắm được quyền một ông vua vạn cỗ xe. Do đó mà có những vụ đầu độc bằng rượu mà thắt cổ lén. Vì vậy sách Đào Ngột Xuân Thu[3] bảo: “Bậc vua chúa chết vì bệnh chưa được phân nửa”[4]. Làm vua mà không hiểu điều đó thì loạn sẽ sinh ra nhiều. Cho nên có câu: “số người có lợi thấy vua chết mà nhiều thì tính mạng vua sẽ nguy."
Vương Lương yêu ngựa, Việt Vương Câu Tiễn[5] yêu dũng sĩ vì thích cưỡi ngựa, đánh giặc. Thầy lang khéo mút vết thương, ngậm máu bệnh nhân đâu phải vì tình cốt nhục mà chỉ vì lợi. Thợ đóng xe mong cho nhiều người giàu sang, còn thợ đóng quan tài mong nhiều người chết yểu, không phải là thợ đóng xe có lòng nhân mà thợ quan tài tàn nhẫn, chỉ vì người ta không giàu sang thì không mua xe, người ta không chết thì quan tài không bán được. Thợ đóng quan tài không phải là ghét người, nhưng có người chết thì chú ta mới có lợi. Cho nên bè đảng của hoàng hậu, thứ phi, phu nhân, thái tử mà thành thì họ mong cho vua chết, vua không chết thì quyền thế của họ không mạnh; họ không phải là ghét gì vua, nhưng vua có chết thì họ mới có lợi. Bởi vậy bậc vua chúa phải hết sức lưu ý tới những kẻ có lợi nhờ thấy mình chết. Mặt trời mặt trăng mà có quầng bên ngoài là tại chính bên trong của nó. Người ta thường đề phòng những kẻ mình ghét nhưng họa lại xảy ra do những kẻ mình yêu. Cho nên bậc minh chủ không làm những việc mình chưa tham khảo kĩ, không ăn những món khác thường; mà phải nghe những tin tức ở xa, xem tình hình ở gần để biết trong ngoài có cái gì sơ suất không; xét những lời giống nhau và khác nhau để phân biệt các bè đảng, khảo nghiệm lời người ta nói để bắt buộc người ta phải trung thực, không được hư trá; hễ dùng lời một người nào rồi thì xem kết quả về sau có phù hợp với lời nói trước không; cứ theo pháp luật mà trị dân; xem xét tất cả các đầu mối của sự việc; kẻ sĩ không có công thì không thưởng, mà công nhỏ thì không thưởng nhiều; kẻ nào đáng giết thì mới giết, có tội thì không tha. Như vậy thì kẻ gian tà không thể làm chuyện riêng tư được.
°
Sưu dịch nhiều thì dân khổ, dân khổ thì quyền thế của bề tôi dấy lên (nghĩa là bề tôi nhân đó mà nắm lấy quyền thế); quyền thế của bề tôi dấy lên thì sự miễn dịch xảy ra nhiều, miễn dịch nhiều thì người sang càng giàu (vì dân phải hối lộ cho họ để được miễn dịch). Hậu quả là làm khổ dân để cho người sang được giàu làm dấy lên (tăng) cái quyền thế của bề tôi để bề tôi dùng[6]; đó không phải cái lợi lâu dài của dân chúng. Cho nên có câu “Sưu dịch ít thì dân được yên ổn, dân yên ổn thì bề tôi không có quyền lớn, bề tôi không có quyền lớn thì quyền thế bị diệt, quyền thế diệt thì “đức” tức việc ân thưởng thuộc về vua." Nước thắng (làm tắt) được lửa, điều ấy hiển nhiên. Nhưng nếu đựng nước trong nồi để ngăn cách nước với lửa, rồi đun, thì nước bốc hơi ở trên cho tới cạn, mà lửa ở dưới vẫn bừng bừng cháy; nước đã mất cái thế thắng lửa. Pháp luật là để cấm gian tà (pháp luật thắng được gian tà), điều đó còn hiển nhiên hơn nữa. Nhưng bề tôi thi hành pháp luật mà hành động như cái nồi (ngăn cách pháp luật với gian tà, nghĩa là không thi hành pháp luật với bọn gian tà) thì pháp luật chỉ còn sáng rõ trong lòng (vua) mà mất cái thế cấm gian tà rồi. Căn cứ vào các truyền thuyết thời cổ và các điều ghi chép trong sách Xuân Thu thì những kẻ phạm pháp làm phản, thành đại gian ác đều từ trong giới bề tôi tôn quý mà ra. Còn những người bị pháp lệnh đề phòng, bị hình phạt trừng trị, đa số là trong bọn dân thấp hèn. Do đó mà dân chúng tuyệt vọng, không biết tố cáo ở đâu. Đại thần kết bè đảng nhất tề che lấp vua, ngầm thân nhau mà bề ngoài làm ra vẻ ghét nhau, để tỏ ra rằng mình không có tư tình; họ cùng dùng tai mắt để rình kẽ hở của vua. Vua bị che lấp, không có cách nào biết được chân tình nữa, thành thử chỉ có cái danh là vua mà mất cái thực; bề tôi chuyên thi hành pháp luật (theo ý họ). Các vua nhà Chu như vậy đó. Giao quyền thế cho bề tôi thì vị trí của vua tôi sẽ đảo lộn. Vậy không nên giao quyền thế cho bề tôi.
Chú thích:
[1] Lí Đoái (có chỗ gọi là Lí Khắc), quan thái phó nước Triệu, theo phe Huệ Vương, bao vây cung của Triệu Chủ Phụ để Chủ Phụ chết đói.
[2] Ưu Chính Nghĩa là người kép hát. Ưu Thi là kép hát tên Thi, tình nhân của Li Cơ – một mỹ nhân – vợ sau của Tấn Hiến Công, xui Hiến Công giết thế tử Thân Sinh để lập con Lí Cơ là Hề Tề.
[3] Một bộ sử nước Sở. Có sách chép là Đào Tả Xuân Thu.
[4] Còn già nửa bị ám hại, bất đắc kì tử.
[5] Vương Lương, người nước Tần thời Xuân Thu, giỏi đánh xe. Câu Tiễn vua nước Việt, muốn có binh mạnh để diệt Phù Sai, vua nước Ngô báo thù. Sau ông làm bá chủ cả vùng sông Dương Tử và sông Hoài.
[6] Nguyên văn: khổ dân dĩ phú quí nhân, khởi thế dĩ tạ nhân thần. Câu này tối nghĩa. Diệp Ngọc Lân dịch là: làm khổ dân vì bọn người phú quí được khởi thế (quyền thế được nổi lên, được tăng lên) mượn bề tôi giúp sức (?). Nghe không thông chút nào cả. Có dịch giả dịch chữ khởi trong câu đó là bỏ (vua bỏ cái thế của mình) cho bề tôi mượn dùng. Dịch như vậy thông, chỉ ngặt một điều: chữ khởi ở câu trên dịch là dấy lên (rất đúng) sau ở đây là bỏ đi? Cách dịch của chúng tôi cũng gượng lắm.