Cũng cần nói về người hàng xóm của chúng tôi. Hơn trăm năm trước, Thổ ti La Tuyết Ba đã một thời vô cùng hùng mạnh. Một Thổ ti hùng mạnh cũng sẽ làm những việc cậy khoẻ bắt nạt kẻ yếu. Họ đã từng ép gả một người con gái trong họ cho Thổ ti Mạch Kỳ, như vậy Thổ ti La Tuyết Ba trở thành cậu của Thổ ti Mạch Kỳ. Về sau, chúng tôi cùng người hàng xóm là Thổ ti Nhung Cống vùng lên đánh bại Thổ ti La Tuyết Ba. Nhân cơ hội ấy, Thổ ti Mạch Kỳ cũng ép gả con gái của người em cho Thổ ti La Tuyết Ba làm vợ ba, như vậy, trở thành bác của Thổ ti La Tuyết Ba. Vừa lên đến biên giới, chúng tôi mong người họ hàng đến. Nhưng Thổ ti La Tuyết Ba làm chúng tôi phải thất vọng. Hàng ngày, vây quanh tường rào công sự của chúng tôi là những khuôn mặt xanh như tàu lá vì đói. Một vòng, một vòng, lại một vòng, một vòng, một vòng, lại một vòng, vây quanh chúng tôi. Nếu với cách ấy họ tràn vào chiếm công sự thì thật buồn cười. Nhưng xem ra họ chỉ không ngưng nghỉ bao vây, tốp này đến vây vài ngày, lại một tốp khác đến vây vài ba ngày, khiến chúng tôi không vui. Nhưng ông cậu chúng tôi trước đấy về sau là cháu, vẫn không chịu lộ mặt. Dân của ông ta chết, họ xoay tròn rồi ngã vật ra đất, không còn dậy nữa. Hay là Thổ ti La Tuyết Ba dùng cách này để thức tỉnh lòng từ bi và xót thương của chúng tôi? Nếu ông ta nghĩ vậy thì ông ta không phải là một Thổ ti.Trên vùng đất này không có một Thổ ti nào gưi gắm hy vọng vào lòng từ bi của người khác. Chỉ có người dân đáng thương mới có cách nghĩ ngây thơ như vậy.Trước mắt, chỉ có mùa xuân giống với mọi mùa xuân. Hôm ấy tôi gọi Trác Mã đến, dặn cô đừng nấu cơm, cùng với mười người khác bắc mười cái bếp ở sân để rang gạo. Rất nhanh chóng, bếp lửa được nhóm lên, gió thổi ngọn lửa bay phần phật, lửa reo dưới đít nồi, gạo nổ lép bép trong nồi. Ông quản gia nhìn tôi khó hiểu, tôi nói "Không phải tôi chỉ nghe tiếng gạo rang nổ vui tai đâu". Ông quản gia nói "Vâng, nếu chỉ để nghe thì thà rằng nổ luôn một tràng súng liên thanh cho những người ở ngoài kia phải khiếp vía". Ông quản gia quả là thông minh, ông nhăn mũi nói "Mùi thơm quá". Rồi ông vỗ trán, như nghĩ ra điều gì, nói "Cậu ơi, như thế coi như giết những kẻ đang đói kia". Ông ta lôi tay tôi, đi lên bốn vọng quan sát chung quanh công sự để nhìn ra ngoài. Vọng quan sát cao chừng năm tầng lầu, đứng trên đấy có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng rộng lớn. Người đói đang vây quanh phía ngoài, xem ra mùi thơm của gạo rang vẫn chưa ra đến nơi. Ông quản gia nói "Người nghĩ ra mẹo này xin đừng sốt ruột". Tôi nói "Tôi hơi sốt ruột". Trác Mã chỉ huy việc rang gạo ngước nhìn chúng tôi, chừng như việc rang gạo nhiều như thế làm cô xót.Tôi vẫy tay, cô hiểu ý, những người gần tôi đều hiểu ý.Trác Mã cũng vẫy tay, những người giúp việc cho cô đổ thêm gạo vào nồi. Xem ra cô ta vẫn chưa trở lại với dáng dấp hồi ngủ với tôi, nhưng cũng không còn là người đầu bếp bẩn thỉu. Lửa đúng là thứ diệu kỳ, nó làm chín gạo cũng đồng thời làm cho gạo thơm hơn nhiều lần, khiến mọi sinh mệnh trước khi chết được toả sáng. Mùi thơm rất hấp dẫn từ trong khu nhà chúng tôi bay ra ngoài, được gió trải khắp cánh đồng. Những người đang đói phải ngước mắt nhìn lên trời, hai cánh mũi phập phồng tham lam hít thở, bước chân xiêu vẹo như người say. Ai đã từng nhìn thấy cảnh hàng trăm hàng ngàn người, không phân biệt già trẻ trai gái say rượu bao giờ chưa? Tôi dám bảo đảm chưa ai trông thấy. Cảnh tượng nhiều người cùng ngửa mặt lên trời trông hết sức xúc động. Những người dân đói đang lảo đảo bước đi, không nhìn xuống chân mà nhìn trời. Cuối cùng bước chân của họ chậm lại, quay một vòng trên mặt đất. Họ quay tròn, đứng yên, rồi quay tròn. Mùi thơm của gạo rang làm cho những người đang đói kia phải ngất xỉu. Mắt tôi trông thấy gạo còn mạnh hơn cả súng đạn. Tôi hiểu được tại sao cha tính giá thóc gạo có thể tăng cao gấp chục lần. Tôi hạ lệnh cho mở cổng. không hiểu anh tôi tìm đâu ra thợ làm cổng vững chắc đến thế. Lúc đóng, cánh cổng nặng nề vững chắc, lúc mở lại rất nhẹ nhàng.Tiếng bánh xe dưới cánh cổng rền vang như sấm, cánh cổng được mở ra. Người trong ra ngoài, để một ít gạo rang trước mũi những người đói đang nằm lăn ra kia, gạo rang thơm lừng. Làm xong việc ấy mặt trời đã khuất núi. Những người nằm hôn mê tỉnh lại trong gió chiều, phát hiện nắm gạo rang từ trên trời rơi xuống. Họ ăn nắm gạo, sức lực dần hồi phục. Họ đứng dậy, trong ánh hoàng hôn ấm áp, từng người từng người nối nhau lội qua con sông nhỏ, vượt qua một sườn đồi thấp, biến khỏi tầm mắt chúng tôi. Ông quản gia đứng phía sau tôi ho vài tiếng, tôi không nghĩ ông bị cảm gió "Ông có gì thì nói đi", tôi nói. "Nếu không phải là đi theo cậu mà đi theo cậu Cả, trong bụng nghĩ điều gì tôi cũng không dám nói ra". Tôi biết ông ta nói rất thật, nhưng vẫn hỏi "Có phải vì tôi là thằng ngốc không?" Ông quản gia lắp bắp "Nếu tôi nói thật, có thể cậu cũng ngốc thật, cũng có thể là người thông minh nhất thiên hạ. Dù sao thì tôi cũng là kẻ thuộc hạ của cậu". Tôi rất thích nghe ông ta nói, cậu là một người thông minh nhưng ông ta không nói. Lòng tôi nguội lạnh, xem ra tôi đúng là ngốc. Nhưng đồng thời ông ta tỏ ra trung thành với tôi, điều ấy khiến tôi cảm thấy được an ủi.Tôi nói "Nói đi, ông nghĩ gì thì cứ nói ra". "Ngày mai, cùng lắm là ngày kia, khách của chúng ta sẽ đến". "Ông chuẩn bị chu đáo để đón khách nhé". "Chuẩn bị tốt nhất là để họ nhận ra chúng ta không chuẩn bị gì". Tôi cười. Biết Thổ ti La Tuyết Ba sẽ đến, tôi lên núi đi săn, đem theo nhiều người, đem theo thật nhiều vũ khí khiến cho những Thổ ti khác mới nghe nói đã phải lạnh người. Hôm ấy, La Tuyết Ba người có họ với chúng tôi đến biên giới trong tiếng súng nổ dồn dập. Chúng tôi từ trên một mỏm núi nhỏ vừa nhìn đám quân thuộc hạ của La Tuyết Ba kéo về phía khu nhà chúng tôi ở, vừa bắn chỉ thiên cho đến khi họ vào tận cổng. Chúng tôi không cần thiết phải về ngay. Đám thuộchạ của tôi đốt lửa, nướng thỏ làm bữa ăn trưa. Tôi làm một giấc ngay trên thảm cỏ đầy hoa đỗ quyên.Tôi học cách của những người thợ săn già úp cái mũ lên mùi để che nắng. Lẽ ra tôi chỉ vờ ngủ, vậy mà ngủ thật. Mọi người chờ tôi dậy mới ăn thịt thỏ nướng. Mọi người ăn no, ngồi trên bãi cỏ như một tấm thảm, không ai muốn đứng dậy ngay. Với những người được ăn no thì đây là mùa đẹp trời. Gió nhẹ thổi trên đồng cỏ chăn thả gia súc. Hoa thảo quả trắng rụng khắp nơi, những cánh hoa tươi bay trước mắt chúng tôi.Thỉnh thoảng lại có một vài bông bồ công anh càng thêm sáng chói.Tiếng chim cuốc từ trong rừng vọng ra. Một tiếng, hai tiếng, lại một tiếng nữa.Tiếng sau giòn giã hơn, kéo dài hơn tiếng trước. Người của chúng tôi nằm cả trên thảm cỏ họ nhại tiếng chim cuốc. Đấy là một điềm tốt. Ai cũng tin rằng, nghe thấy tiếng chim cuô;cô kêu đầu tiên thì những gì đang có hiện tại sẽ kéo đàin khi nghe thấy tiếng cuốc kêu vào năm sau. Lúc này mọi chuyện của chúng tôi đang tốt đẹp. Chúng tôi ở trên núi, săn thỏ bằng súng đạn vốn để đánh trận. Ăn xong lại được uống sữa thật khoái khẩu, đang nằm trên thảm cỏ thì nghe cuốc kêu Thật tuyệt vời. Tôi kêu lên "Tuyệt quá!" Vậy là đầu tiên là ông quản gia, tiếp theo là những người khác đều quỳ xuống bên tôi. Họ tin tôi là người có phúc lớn. Họ quỳ quanh tôi ý muốn nói, từ hôm nay trở đi họ nguyện trung thành với tôi.Tôi xua tay "Các người đứng dậy". Điều ấy có nghĩa là tôi nhận lòng thành của họ. Đó không phải là cái quỳ đơn giản mà là một nghi thức. Có nghi thức ấy hoàn toàn khác với không có. Hoàn toàn khác. Nhưng tôi không nói ra.Tôi chỉ khoát tay "Về!". Mọi người lên ngựa, miệng hoan hô, cùng đi xuống núi. Tôi nghĩ, các vị khách đang nhìn đội ngũ chúng tôi với đầy đủ vũ khí. Tôi rất bằng lòng về những việc Trác Mã làm. Cô bày ra trước mặt mỗi vị khách một đống thức ăn cao như núi, ba cái bụng đói ăn không hết. xem ra khách cũng không khách khí gì. Chỉ có những người ăn no, chỉ có những người dạ dày không còn chứa được thêm thức ăn, nét mặt mới tỏ ra cái vẻ ngớ ngẩn thế kia. Trác Mã nói "Ba ngày nữa họ không ăn gì vẫn không đói". Tôi nói với Trác Mã "Làm được lắm!" Trác Mã mặt đỏ bừng, tôi định nói với cô, một ngày nào đấy tôi sẽ giải thoát thân phận nô lệ cho cô, nhưng sợ nói rồi sẽ không có ý nghĩa. Ông quản gia đang từ sau lưng tôi đi ngang lên trước mặt, đến căn phòng khách đang trú chân.Trác Mã nhìn tôi đang ngắm cô, mặt đỏ bừng. Cô đem gạo rang ra đãi khách, hai sự việc làm cô trở nên tự tin như hồi xưa theo hầu tôi. Cô nói "Thưa cậu, cậu đừng xem em như trước đây, em không còn là Trác Mã ngày xưa nữa, mà là một bà già rồi". Cô cười khúc khích. Con gái lúc cười trông rất ngây ngô.Tôi nghĩ, mình phải nói với cô điều gì, nhưng nói gì? Tôi không thể lên giường với cô, mà cũng không thể khen những việc cô làm hôm nay. Đang lúng túng thì ông quản gia đưa một người béo mập, lê ủng trên mặt đất, đi tới. Trác Mã rỉ tai tôi "Thổ ti La Tuyết Ba đấy". Nghe nói Thổ ti La Tuyết Ba mới hơn bốn mươi tuổi, nhưng trông già hơn cha tôi. Có thể ông ta béo quá, bước đi trên sàn nhà bằng phẳng mà cũng thở phì phò.Trong tay ông ta cầm cái khăn, liên tục đưa lên lau mồ hôi trên mặt. Một người béo đi đứng khó khăn, vừa đi vừa lau mồ hôi trông rất buồn cười. Tôi bật cười. Nhìn ánh mắt ông quản gia tôi biết ông đang nói tôi cười rất đúng lúc. Như vậy tôi khỏi cần lên tiếng chào vị khách kia. Thổ ti La Tuyết Ba lên tiếng, trong giọng nói đầy tạp âm "Trời đất ơi, người cười kia chính là cháu ta". Ông ta vẫn nhớ từ mấy đời trước chúng tôi có quan hệ thân thuộc họ hàng với nhau. Con người đi lại khó khăn này đến trước mặt tôi, ông ta lay hai vai tôi như lay một người đang ngủ say, giọng nói nghe như đang khóc "Cháu Mạch Kỳ, tôi là cậu của cháu đây". Tôi không đáp lời, chỉ quay đi nhìn ráng chiều rực rỡ. Không phải tôi muốn ngắm nhìn ráng chiều mà chỉ là không muốn nhìn mặt ông ta. Khi tôi không muốn nhìn cái gì đó, tôi thường ngước lên nhìn trời. Thổ ti La Tuyết Ba quaysang ông quản gia nói "Trời ơi, thằng cháu tôi đúng là như người ta nói". Ông quản gia hỏi "Ông nhận ra rồi à?" Thổ ti La Tuyết Ba nói với tôi "Cháu đáng thương, cháu có nhận ra cậu không? Cậu là La Tuyết Ba của cháu". Bỗng tôi lên tiếng khi ông ta không ngờ tới. ông ta cứ nghĩ thằng cháu ngớ ngẩn của ông gặp người thân chắc là không dám nói năng gì.Tôi nói "Chúng tôi rang nhiều gạo lắm". Cái khăn lau mồ hôi trong tay ông ta rơi xuống đất. Tôi nói "Dân bên nhà ông đói không có cái ăn, tôi rang gạo cho họ ăn, họ về cả rồi. Nếu không, thóc rơi xuống đất mọc mầm, mà họ thì không có cái gì để ăn". Lúc tôi nói ra điều đó, mùi gạo rang vẫn còn phảng phất trong khu nhà tôi ở. Chim từ các nơi cũng bị mùi thơm gạo rang hút đến chung quanh nhà. Vào lúc hoàng hôn, đàn chim lượn vòng hót tiếng cuối cùng kết thúc một ngày. Nói xong câu ấy, tôi lên lầu, về phòng mình. Trên lầu, tôi nghe thấy tiếng ông quản gia chào Thổ ti La Tuyết Ba.Thổ ti La Tuyết Ba cứ ngỡ cái thằng con ngớ ngẩn của nhà Mạch Kỳ sẽ đối tốt với ông ta, đang ấp úng dưới kia "Nhưng mà việc của tôi vẫn chưa nói gì đến". Ông quản gia nói "Vừa rồi cậu tôi chả nói đến chuyện thóc gạo rồi là gì? Cậu biết không phải ông đến chỉ một chuyện thăm thân. Sáng mai dậy sớm chờ cậu tôi vậy". Tôi nói với mấy thằng nhỏ đi theo phục dịch "Xuống bảo với Trác Mã sáng mai dậy sớm, chim về nhiều, nhớ cho chim ăn". Dặn dò xong tôi lên giường đi ngủ, lập tức ngủ được ngay. Đám gia nhân để cái khăn mặt dưới cằm tôi, nếu không, lúc tôi ngủ say nước miếng sẽ chảy ra ướt hết. Sáng hôm sau tôi bị lũ chim nhiều chưa từng có, đánh thức. Nói thật, đầu óc tôi cũng có vấn đề. Khoảng thời gian này mỗi buổi sáng dậy, tôi không biết mình đang ở đâu.Tôi mở mắt, nhìn những vân gỗ trên trần nhà giống như lớp lớp sóng nước, nhìn bụi bay trong ánh nắng từ ngoài rọi vào qua cửa sổ, cứ muốn hỏi "Tôi đang ở đâu?" rồi mới thưởng thức cái vị chua của thức ăn ăn hôm qua ở trong miệng. Sau đấy, tự trả lời mình đang ở đâu, ở đâu. Rõ được những chuyện ấy rồi tôi mới dậy.Tôi sợ mọi người bảo tôi ngốc, nhưng đấy đúng là một thứ bệnh, tôi không muốn để ai biết, cho nên tôi cứ tự hỏi mình, nhiều lúc cũng không dám nói ra.Tôi vốn không như thế. Xưa kia, hễ ngủ dậy là biết mình đang ở đâu, ở tầng gác nào, trên cái giường nào. Hồi ấy, đối với nhiều sự việc, tôi vẫn chưa tỏ ra thông minh như bây giờ, cho nên cũng chưa có chứng bệnh này. Chưa hề có. Xem ra, sự ngu ngốc của tôi không giảm bớt mà đang dịch chuyển, không ngốc ở chuyện này nhưng ngốc ở chuyện khác. Tôi không muốn cho mọi người biết những chuyện tôi tỏ ra ngốc, hồi trước nay đã chuyển thành thông minh, càng không muốn để mọi người biết tôi ngốc trong những chuyện nào. Gần đây, tình hình đó càng thêm nặng. Phần lớn thời gian tôi tự hỏi mình chỉ một chuyện, có lúc hỏi sang chuyện thứ hai đầu óc mới tỉnh lại. Chuyện thứ hai là "Tôi là ai?" Khi hỏi chuyện này, người đánh mất mình trong giấc mơ chắc chắn lòng những đau khổ lắm. Vẫn tốt, sáng nay dậy chỉ xuất hiện một câu hỏi. Tôi khẽ tự nhủ "Mi đang ở trên biên giới phía bắc nhà Mạch Kỳ". Tôi bước ra cửa, mặt trời đã lên rất cao. La Tuyết Ba và đám thuộc hạ đi theo đã đứng cả dưới lầu.Trác Mã đang chỉ huy những người giúp việc rang gạo ở sân, mùi gạo rang thơm hơn. Chim về chung quanh nhà.Tôi gọi Trác Mã, cô ta dừng tay, bảo người đưa lên cho tôi một đấu gạo rang nở bung, bọn thuộc hạ của tôi mỗi người cũng cầm trên tay một ít.Tôi ném gạo rang cho lũ chim, mọi người cũng theo tôi tung gạo lên không trung. Chỉ giây lát sau các loài chim đậu kín sân.Trác Mã mở cánh cổng nặng nề, một đám đông theo cô, cô bỏ gạo rang đấy, chạy ra ngoài. Khách của chúng tôi phải trố mắt nhìn cảnh tượng ấy. Tôi nói "Ngay cả chim trên lãnh địa của Thổ ti La Tuyết Ba cũng đang đói sắp chết, cho chúng nhiều nhiều vào". Nói xong, tôi đưa cái đấu cho thằng Nhi Y. Khuôn mặt thằng này vẫn tái nhợt như người sắp chết, ném từng vốc gạo xuống sân cho lũ chim, mặt nó cũng hồng hào lên. Tôi mời khách cùng ăn sáng. Thổ ti La Tuyết Ba không còn nói tôi là cháu ông ta, mà nói "Chúng ta là họ hàng thân thuộc.Thổ ti Mạch Kỳ là bác tôi đấy". Tôi cười khà khà.Thấy tôi vui, nét mặt khách cũng phấn chấn hẳn lên. Cuối cùng nói đến chuyện lương thực. Hễ nói đến lương thực cậu Hai nhà Mạch Kỳ tỏ ra ngớ ngẩn, con người ngốc nghếch này nói "Trong kho nhà Mạch Kỳ không phải là lương thực, mà là bạc nặng gần như thóc lúa". Họng Thổ ti La Tuyết Ba không còn kéo bễ nữa, ông ta kinh ngạc hỏi "Vậy thóc lúa không nặng như bạc hay sao?" Tôi nói "Có thể là như thế". La Tuyết Ba nói một cách dứt khoát "Ở đời này làm gì có thứ lương thực đắt như vậy. Lương thực của các vị không có ai mua". Tôi nói "Lương thực nhà Mạch Kỳ dùng để bán, nhưng để tiện cho người mua, Thổ ti Mạch Kỳ vĩ đại có cái nhìn sáng suốt, xây cất kho lương thực ngay cửa ngõ nhà c'cô vị, nghĩa là không muốn những người đói phải đi xa". Thổ ti La Tuyết Ba cố nhịn để nói chuyện với thằng ngốc. "Lương thực là lương thực, lương thực không phải là bạc trắng, để lâu sẽ mục ra, cất nhiều trong kho như thế làm gì?" "Để lương thực mục ra, để dân bên ông chết đói". Người hàng xóm phương bắc của chúng tôi không chịu nổi, nói "Chỉ chết dân thôi, nhà Thổ ti sẽ không bao giờ chết đói". Tôi không nói gì. Thổ ti La Tuyết Ba muốn chọc tức tôi, nói "Để rồi xem, hạt thóc sẽ nảy mầm từ đất, nhiều lắm là ba tháng, chúng tôi có thể thu hoạch lúa sớm được rồi". Ông quản gia nói thêm vào "Tốt nhất phải có thóc trước khi dân bên ông chết đói". Tôi nói "Phải chăng Thổ ti La Tuyết Ba mời thầy phù thuỷ hoá phép để cây anh túc biến thành cây lúa?" Suýt nữa thì La Tuyết Ba bị mồ hôi của mình nhận chìm. Chúng tôi khoản đãi khách một bữa ra trò. Sau đấy tiễn họ đến tận biên giới. Lúc tiễn, chúng tôi hết sức chú ý không vượt qua đường biên.Tôi bảo đảm với người hàng xóm tuyệt đối không để người và ngựa vượt biên một bước. Lúc chia tay, tôi nói với Thổ ti La Tuyết Ba có thể là cậu, mà cũng có thể là cháu tôi "Ông có còn qua đây nữa không?" Ông ta há hốc miệng, định nói một câu nặng nề gì đấy, nhưng lại không nói nổi. Đúng vậy, ông ta không dám nói "Tôi không thèm đến nữa". Ông ta thở phì phò, không nói gì, cứ thế thúc ngựa lên dốc. Chúng tôi đưa tiễn họ bằng ánh mắt cho đến khi họ khuất hẳn sau rừng cây xanh kia.