ào tháng Ba, trường đại học Sư phạm đã thắng trận cuối cùng gay go nhất đối với xí nghiệp “Cung ứng hoá phẩm”. Tầng dưới cùng của toà nhà đã được dọn dẹp và ở đó được tổ chức thành một phòng thể thao “nhỏ” để bổ sung cho phòng thể thao “lớn” vốn có của trường. Phòng “nhỏ” này dành riêng hẳn cho những người chơi bóng chuyền và do đó được gọi là phòng “bóng chuyền”. Huấn luyện viên bóng chuyền Vaxili Adamovich Kynbitsky dạo qua dạo lại với dáng điệu như vừa mới được để bạt làm trưởng khoa hay ít nhất cũng là phó khoa. Đội bóng chuyền bắt đầu tập luyện thường xuyên vì sắp tới sẽ tổ chức vòng hai giải các trường đại học. Ở vòng đấu loại thứ nhất kết thúc vào tháng Mười Một, đội nam của trường đứng thứ nhì. Đứng đầu là trường Hoá. Sergei Palavin được coi là cầu thủ xuất sắc nhất của trường và là thần tượng của khán giả trong trường. Trong đội, anh ta giữ vị trí trung phong số một, tức là “người khoác áo số 4”. Vadim cũng là một người chơi bóng chuyền giỏi. Anh ở vị trí số 3 - người nâng bóng cho Sergei làm bàn. Bốn cầu thủ còn lại của đội tuyển là sinh viên các khoa khác. Sau lần trình diễn văn học bị thất bại, Sergei suốt một tuần liền không đến trường. Người ta gọi điện cho anh, thì được báo là anh bị cảm lạnh phải ở nhà vì sốt cao. Mãi đến thứ ba, ngày tập của đội bóng anh mới tới, nhưng từ chối không tập, viện cớ là còn yếu sau khi bị ốm. Thay thế vị trí của anh là Rasit, một người mới chơi bóng chuyền, nhưng nhờ cao lớn, có sức khỏe và nhanh nhẹn, nên anh đã nhanh chóng đạt nhiều thành tích. Cũng như một số môn thể thao khác, chơi bóng chuyền rất mệt. Sau một thời gian dài không tập, Vadim cảm thấy ngay điều đó. Tập xong anh mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại, lưng không uốn thắng được nữa. Bất chợt Spartar thò cái đầu rối bù vào cửa: - Belov có đây không? Ra mình gặp một tí! Vadim mặc áo, nhét chiếc quần và đôi giày thể thao vào xắc, rồi bước ra ngoài hành lang. Spartar tựa lưng vào tường viết vội một câu gì đó vào cuốn sổ tay, đứng đợi bạn. - À cậu! Có việc này, Vadim ạ! Vài ngày nữa mình sẽ phải làm báo cáo công tác cho quận đoàn. Trong này mình đã viết qua về mấy việc của chúng ta ở nhà máy. Đây cậu xem, - anh đưa Vadim cuốn sổ tay. - Giờ thì thế này, hôm nay ta sẽ họp Hội khoa học sinh viên, hội ý thôi. Phải chọn đại biểu đến Leningrad họp hội nghị khoa học. - Thế cậu dự kiến ai chưa? - Rồi chúng mình sẽ quyết định sau. A, còn cái này nữa! - Spartar rút trong túi ra một tờ tạp chí cuộn tròn còn thơm mùi mực in. - Sergei mang đến cho mình cái này ngày hôm nay đây. Cậu đọc ở trang hai mươi ấy. Vadim cầm lấy tờ tạp chí - đó là tờ “Xmena“ - giỏ ngay trang hai mươi và nhìn thấy bài báo của Sergei “Turgenev - nhà viết kịch”. Bài báo được rút gọn hết mức, còn chiếm gần hai trang. Phía dưới nhan đề có ghi rằng bài báo này trích trong công trình nghiên cứu của sinh viên ở một trường nọ, thành viên của Hội khoa học sinh viên. - Thế nghĩa là Sergei được chỉ định à? - Vadim vừa hỏi, vừa gập cuốn tạp chí lại. Anh cuộn tròn lại và cứ thế xoắn cho nhỏ lại nữa. - Mình không biết, có thể như vậy. Đưa cuốn tạp chí cho mình, kẻo cậu làm nhàu mất… Mà tại sao lại không phải là Sergei hả? Cậu ấy đã viết xong một bài về Tsernysevsky và nói là hai ngày nữa sẽ đưa đến. Sao cậu lại nhăn mặt? Cậu với hắn cãi nhau hả? Có phải vì… - Không, không! - Tất nhiên, - Spartar gật đầu. - Mình cũng không tin đâu, chuyện vớ vẩn ấy mà. - Mình muốn nói với cậu vài chuyện về cậu ta, - Vadim nói. - Mình biết mà! Có liên quan đến buổi đọc truyện hả? - Tại sao lại đến buổi đọc truyện? - Thế này nhé, người ta chất vấn mình: tại sao các anh lại cho đọc một tác phẩm yếu như vậy? Mà lại mời cả khách nữa. Đáng ra, trước tiên phải để các ủy viên thường vụ Đoàn đọc trước mới phải. - Thực ra thì sao? - Lý do rất đơn giản thôi, - Spartar nghiêm nghị nhìn Vadim, rồi nắm lấy vai anh. - Chúng mình đã đọc cuốn truyện. Đúng hơn là có mình đọc thôi. Và mình thấy là câu chuyện rất dở, nó sẽ bị phê bình, về mặt nội dung tư tưởng thì không có điều gì xấu, đặt vấn đề đúng, đề tài rất thiết thực, bởi vì nó rút ra từ các báo hàng ngày. Có phải thế không nào? Nhưng cái cậu chàng gì đó ở nhà máy lại bảo là “có hại” như vậy là không đúng. Có hại ở chổ nào? Chỉ có viết dở thôi, không có gì là văn học cả và cũng bởi vì thế người đọc có cảm tưởng là nó xuyên tạc cuộc sống. Cậu hiểu không? viết yếu thôi, hơi nhạt quá. - Đúng thế. - Thế đấy. Còn chúng mình không mời một người khách nào cả. Các bạn ở nhà máy trong nhóm văn học bây giờ chúng ta không coi là khách nữa rồi. Còn việc phê phán cuốn sách là tất nhiên. Để làm cho anh chàng Sergei kính mến phải tỉnh ngộ. Điều đó, có ích cho cậu ta chứ. Cậu thấy không, những ngày gần đây cậu ta có vẻ huênh hoang thế nào ấy, thật thế! Thực ra, cậu ta cứ tưởng rằng cậu ta là cái rốn của vũ trụ không bằng., cậu hiểu không! Vadim nhếch mép cười mai mỉa, nhưng vẫn im lặng. - Phải, phải! - Spartar sôi nổi nói tiếp - Có lẽ cậu không thấy điều ấy, còn mình thì mình thấy ngay! Mà cũng không chỉ có mình tớ đâu. Quáng mắt vì thành tích, cũng như bất kỳ một sự huênh hoang nào cũng phải được chạy chữa, cậu hiểu bằng cách nào không? Cho một gáo nước lạnh. Phê phán bằng cách ấy trong những trường hợp như vậy sẽ rất hiệu quả. Giờ thì cậu hiểu rồi chứ? - Mình hiểu rồi. Không, mình không muốn nói với cậu về buổi đọc truyện. - Chúng ta sẽ bàn, Vadim ạ. Có điều là… - Spartar nhìn đồng hồ. - Bây giờ mình phải gọi điện cho quận đoàn. Cậu đọc ngay bản nháp của mình đi. Sau khi họp Hội khoa học, chúng mình sẽ nói chuyện. Vadim nói với theo sau: - Mình sẽ phát biểu chống lại việc đề cử cậu ta đấy. - Để làm gì? - Spartar vừa chạy vừa ngoảnh lại, hét lên. - Đến đấy cậu sẽ biết… Vadim bước nhanh lại phía sau, suýt nữa thì chạm phải Sergei cũng vừa mới bước rất nhanh từ một góc hành lang đi ra. Mặt đối mặt, hai người lập tức như cùng nhận được một khẩu lệnh, cùng quay nhìn sang phía khác. Cả hai cùng đứng đờ ra đến mấy giây, cùng bước những bước ngắn, vụng về và cùng cố tìm hết cách tránh nhau mà không được. Cuối cùng mỗi người đi một phía. Cậu ta có nghe thấy không nhỉ? - Vadim nghĩ - Nếu không nghe được thì cũng đoán được. Chắc là cậu ta đã đoán ra, vì cậu ta vốn thính lắm. Sau khi giáo sư Kodensky ra đi. Ivan Antonovich tạm thời được cử lãnh đạo Hội khoa học sinh viên. Ông mang theo số đầu của bộ hợp tuyển vừa mới in xong. Mọi người vui vẻ và ồn ào đứng lên, xúm quanh chiếc bàn, sau đó cuốn sách được chuyền tay khắp lượt Ivan Antonovich gia cho xem cả số “Xmena” có bài của Sergei. Trong khi khoan thai tiếp nhận những lời chúc mừng, Sergei nói với nụ cười khiêm tốn và hơi rầu rĩ: - Ở đây họ đã rút lại chả còn mấy, cắt xén hết cả, về phong cách thì đặc biệt là… Sergei tặng thầy Ivan Antonovich một số có kèm lời để tặng ở trang hai mươi. Ivan Antonovich lịch sự cúi xuống nhận quà biếu và với vẻ trịnh trọng đến buồn cười và áp nó vào ngực. Khi không khí sôi động xung quanh các tờ tạp chí đã lắng đi, lớp trưởng Fedor Kaplin tuyên bố khai mạc cuộc họp Hội khoa học sinh viên. Anh nói rằng các thành viên của Hội phải đề cử một đại biểu đi dự hội nghị khoa học của sinh viên ở trường đại học Tổng họp Leningrad. Người được đề cử sẽ do Ban giám hiểu và Đảng ủy trường phê chuẩn. Đại biểu phải là người có công trình khoa học do hội đồng khoa học của khoa công nhận. Ivan Antonovich giới thiệu đại biểu là Andrei Syryk và Kaplin. Sau đó chính Kaplin lại giới thiệu Sergei và ý kiến của anh được Kamkova ủng hộ. Vadim đưa mắt nhìn những người tham dự - qua nét mặt của họ anh thấy rằng đề nghị của Ca-pỉỉn không làm ai ngạc nhiên, Tất cả chăm chú nghe Kaplin nói những điều mà mọi người đều biết: - Một người được học bổng đặc biệt… Một đoàn viên thanh niên cộng sản, một người hoạt động xã hội tích cực… Một công trình nghiên cứu xuất sắc về Turgenev được in trên tạp chí, lại sắp có một công trình nghiên cứu mới về Tsernysevsky… Cũng như mọi người, Sergei nghiêm trang nghe anh nói, với vẻ gần như lãnh đạm. Nhưng một cái liếc mắt rất nhanh của anh ném về phía Vadim - một cái nhìn không độc địa mà cũng không có vẻ đắc thắng, - chỉ một cái nhìn ấy thôi chợt khiến Vadim nhận ra rằng Sergei rất lo lắng. Vadim vẫn im lặng. Anh lắng nghe. Một người nào đó đề cử Nina Fonika. Một người lại đề nghị Andrei, lại Sergei. Sau đó. Ivan Antonovich nói rằng trước hết phải xem xét công trình nghiên cứu mới của Sergei đã. - Chúng ta còn đủ thì giờ, thưa thầy Ivan Antonovich, - Kaplin đáp. - Sergei, tuần này cậu mang đến được không? - Được, mình chỉ còn sửa lặt vặt thôi. - Thế là chúng ta còn kịp! Hội nghị dự định khai mạc vào đầu tháng Tư. Còn việc giới thiệu tôi, các đồng chí ạ, xin các đồng chí cho tôi rút, vì năm nay là năm cuối cùng, tôi đang lo chuẩn bị để thi tốt nghiệp. Tôi xin tán thành cử Sergei. Đúng lúc đó, Sergei xin nói. - Các đồng chí, tôi có một đề nghị khác, - anh ta vừa nói vừa đứng dậy, hình như nhìn vào Vadim, nhưng thực ra nhìn lướt phía trên đầu anh. - Phải cử Vadim. Đề tài của cậu ấy là hấp dẫn nhất, cậu ấy nghiên cứu đã lâu và cũng đã viết sắp xong đề cương rồi. Ivan Antonovich gật gật đầu xác nhận. - Đúng, đúng đấy! Vadim có một công trình hấp dẫn lắm. - Phải cử Vadim, - Sergei vừa ngồi xuống vừa nhắc lại. - Thế nào, Vadim? sắp viết xong chứ? - Kaplin hỏi. - Tôi nghĩ rằng. - Vadim quả quyết đứng dậy. - Tôi chưa viết xong được, về tôi thì không có điều gì đáng nói - phải hai tuần nữa, không hơn, tôi mới viết xong được. Tôi ủng hộ việc đề cử Andrei Syryk. Tôi cho rằng, cậu ấy là người xứng đáng nhất trong chúng ta. Còn người không xứng đáng tí nào là Sergei Palavin. Mọi người quay lại nhìn anh, hết sức ngạc nhiên. Căn phòng lặng hẳn đi. - Tại sao như vậy? - Spartar hỏi. - Cậu giải thích đi. - Tôi sẽ giải thích. Tôi cho rằng chúng ta phải cử những người ưu tú nhất. Và không chỉ xứng đáng trong học tập, mà còn về mặt xã hội, đạo đức và tư cách người đoàn viên thanh niên nữa. Sergei không đáp ứng được những yêu cầu đó. - Thế anh ta làm sao, - Kaplin hỏi, - là một con người phi xã hội à? - Như bất cứ kẻ hám danh nào. - Tôi mà là một kẻ hám danh? - Có phải đó là một điều mới lạ đối với cậu không? Mọi người bỗng nhiên sôi động lên, cùng tranh nhau nói một lúc. Kaplin nắm lấy tay Sergei, cố kéo anh ta ngồi xuống ghế, còn Sergei cố giằng ra, nhắc lại bằng một giọng căm tức: - Không, khoan đã!. Khoan đã, để tôi nói! - Ngồi xuống đã! - Kaplin đập mạnh tay xuống bàn hét lên. - Tôi yêu cầu trật tự. Spartar đến bên Vadim. - Cậu phải giải thích, giải thích ngay bây giờ. - Ngày kia tôi sẽ nói trong ban thường vụ. Tôi sẽ chứng minh cụ thể. - Yêu cầu phải nói ngay ở đây! - Sergei hét lên. - Tôi yêu cầu nói ngay ở đây! - Tôi sẽ không nói ở đây. - Vadim đáp. - Đó là một âm mưu. Tôi yêu cầu nói ngay lập tức! Sao cậu ấy dám nói như vậy!… - Tôi sẽ không nói ở đây, - Vadim nhắc lại thật to. - điều đó có liên quan tới uy tín đoàn viên của cậu. Ở đây có những người ngoài đảng, những người không phải là đoàn viên thanh niên. Đừng nóng vội - tôi sẽ nói tất cả trong buổi hợp thường vụ. - Thật là một lời đe doạ ghê tởm! - Kamkova xì một cái, rồi nói. - Nhưng tôi bị lăng nhục! Cho phép em nói, thầy Ivan Antonovich! - Tôi hoàn toàn không biết gì về điều lệ Đoàn của các anh. Rõ ràng đây là một trường hợp khó xử… Spartar đứng lặng đi một phút, hết nhìn Sergei lại nhìn sang Vadim. Sau đó anh bắt đầu nói: - Được, nếu vấn đề quả thật là quan trọng, anh ấy sẽ không cần phải trình bày ở đây. Những giọng nói vang lên ở khắp các chỗ ngồi và như thường thấy, trong đó có cả những lời nghiêm chỉnh lẫn cả những lời châm chọc: - Đúng đấy, Spartar! - Nhưng chúng tôi muốn biết… - Sergei, bảo cậu ta chọn vũ khí đi! Bỏ bao tay ra! - Thế chúng ta giới thiệu ai bây giờ? - Bình tĩnh, - Kaplin giơ tay nói. - Tôi đồng ý với đồng chí bí như Đoàn. Rõ ràng là Vadim có những nguyên nhân không thể nói được, ở đây. Hôm nay chúng ta đã gần như nhất trí đề cử ba người: Syryk, Sergei, Fonika. Ai sẽ là người được chọn, trong những ngày tới chúng ta sẽ rõ. Chấm hết. Tôi tuyên bố kết thúc cuộc họp. Bây giờ, xin thông báo: ai muốn mua hợp tuyển của chúng ta - trả cho Nina Fonika hai rúp rưỡi! Nhiều sinh viên lại gần Vadim hỏi khẽ: - Có việc gì thế, hả? - Cậu bị con ruồi nào đốt mà lồng lên thế? - Nina hỏi. - Cậu ta là một kẻ hám danh thì giữa chúng ta biết rõ qua đi rồi. Nhưng cần phải có cơ sở xác đáng… Vadim xua tay tức giận. - Đừng nóng vội, rồi các bạn sẽ biết… Mọi người lần lượt ra khỏi giảng đường, Sergei ra đầu tiên, sau đó quay trở lại, nói một câu gì đó với Kaplin. Vadim chỉ nghe được mỗi một câu: - Mình đã nói với cậu rồi mà, cậu có nhớ không? Vừa nhét những tờ giấy vào cặp. Kaplin vừa gật đầu có vẻ quan tâm: - Chúng mình sẽ giải quyết, sẽ giải quyết… Họ cùng với thầy Ivan Antonovich và Kamkova đi ra. Vadim ở lại trong phòng, vì biết rằng Spartar có chuyện cần nói với anh. Người cuối cùng đã ra khỏi phòng. Nhưng vẫn còn nghe thấy tiếng tranh luận ồn ào tiếp tục ở ngoài hành lang. Một giọng nam ồm ồm của một người nào đó, hình như là tiếng một sinh viên lớp trên có cặp môi dày ngồi cạnh Kaplin, kề cà: - Người Pháp có câu nói về những trường hợp bí hiểm như thế - Cherchez là femme. Hãy kén vợ đi. Có phải thế không? - Thôi đi, chỉ tán nhảm! - Không nhảm đâu, cứ kén đi, rồi sẽ tìm được đấy… Một người nào đó phá lên cười, sau đó cái giọng nói xa dần, rồi lặng hẳn, Spartar ngồi xuống một cái ghế bên cạnh Vadim. - Sao? - anh nói về sốt ruột. - Nói luôn đi. Vadim kể lại vắn tắt câu chuyện mà Valia Grydinova đã kể cho anh. Spartar mỗi lúc một cau có và thở phì phì. Anh bao giờ cũng thở phì phì như vậy khi phải đau đầu suy nghĩ một cách khó khăn và không có gì là hứng thú. - Như thế là có mang phải không? - anh hỏi một cách giật giọng. - Không có đâu, mình đã nói rồi mà. Nhưng vẫn để không phải là có mang hay không. - Hiểu rồi. - Anh cúi đầu không nói nữa, cứ cắn cắn móng tay út &. - Mình chả hiểu gì, - cuối cùng anh nói. - Sergei hả? Có quỷ biết điều đó… Thế đấy. Nhưng đó là một việc, ở đây có gì là hám danh? Lại chính ở đó đấy. Mình cho là tính háo danh và tính vị kỷ là hai mặt của một cái mề đay. Một người mà đời sống riêng là một con người ích kỷ, thì người đó không phải là người trung thực trong đời sống xã hội. Chẳng lẽ cậu lại không thấy mối liên quan ấy hay sao? - Liên quan thì vẫn liên quan… Nhưng, cậu hiểu… - Hiểu cái gì? - Đấy là một chuyện rất xấu xa. Một chuyện phức tạp, Những vấn đề luân lý, đạo đức của người thanh niên - tất cả những điều đó là những vấn đề cực kỳ quan trọng, nó động chạm nghiêm trọng đến chúng mình. Nhưng cần phải giải quyết nó một cách nghiêm túc. Về thực tế chúng ta chạm tới đời sống tình cảm sâu kín của một con người. Có phải thế không? Khi tiến hành phải suy nghĩ, phải có cơ sở chắc chắn. Nhưng làm sao thì làm, chứ không khéo rồi nó sẽ bảo là các đồng chí trong “ban chấp hành Đoàn” định vạch màn phòng ngủ nhà người ta - mà họ đang vạch thật đây này. Người ta có thể nghĩ thế không? - Cũng có thể… - Không phải là cũng có thể, mà họ sẽ nghĩ thật. Nhưng không thể để họ nghĩ như thế! Cậu hiểu chứ? Ta cùng nghĩ thêm xem… - Bỗng nhiên anh nheo mắt lại và nói một cách chậm chạp, tập trung suy nghĩ như cân nhắc từng câu nói của mình. - thể… Cậu ấy đã quyến rũ một cô gái, hứa sẽ lấy cô ta. Nhưng lại không lấy… Cậu ta đã xử sự một cách đê tiện. Thế… Không, láo toét hết! Đần quá! Mọi sự việc xảy ra không phải hoàn toàn như vậy đâu, mà phức tạp hơn nhiều và chúng ta không thể nói như thế được, nhảm nhí! Phải, nhưng mà… Cậu có tin cái cô Grydinova ấy không? - Mình tin, - Vadim nói khẳng định. - Mình biết cô ấy đã lâu và còn cho rằng cô ấy vẫn chưa hẳn là nói hết ra đâu, mà đã… - Thế là cũng không xứng đáng nốt. - Cô ấy là một người biết kìm nén, Spartar ạ. Cô ấy rất đau khổ khi phải quyết định nói chuyện đó với minh. Mà mỗi người ai chẳng… - Thế đấy! Có thể mời cô ta đến gặp được không? - Mời cô ta ấy à? - Vadim nghĩ ngợi giây lát. - Cô ấy không đến đâu. À, mà cô ấy đi rồi! Cô ấy đi Kharkov. - Vì thất tình à? - Được cử đi công tác. - Rõ rồi. Spartar thở dài lấy tay ôm đầu. Anh lại tư lự và lần này thở phì phì rất lâu. - Sự đời thật rắc rối, phải không? - anh nói sau khi nhếch mép cười và nhìn Vadim như đặt câu hỏi. - Cậu đã biết một người - người đó được mọi người rất kính mến, một sinh viên được học bổng đặc biệt, một nhà hoạt động tích cực, một người rất thông minh, đủ cả… thế mà bỗng nhiên giở chứng! Cậu biết được một chi tiết ngẫu nhiên nào đó, một nét sinh hoạt nào đó, còn con người đó… Bỗng nhiên tất cả đều rơi xuống như một cái vỏ bề ngoài không cần thiết nữa, tài năng, sự uyên bác bay sạch. Điều chủ yếu, chính cái câu này” Phải hỏi ý kiến mẹ đã!” đã làm mình rất ngạc nhiên. Có phải thế không? Chính ở đây nó thể hiện đầy đủ con người cậu ta. Mình biết cậu ta hỏi ý kiến mẹ thế nào rồi… Còn những chi tiết khác thì đê tiện quá, đểu quá… Hừm, khó chịu thật! - Spartar cau mặt lại như đau đớn, gãi gãi đầu. - Mình nói là cậu ấy đã trở nên tệ hại nhanh thật. Nhưng điều đó còn ít, chưa đủ để buộc tội, Vadim ạ. Cần phải có bằng chứng thực. Vậy bằng chứng đâu nào? - Spartar, chính cậu vừa mới nói rằng cậu ấy đã hành động một cách đê tiện cơ mà! - Đúng mình đã nói, nhưng mình không tin. Cô ấy là một người lớn, cô ấy biết cái gì sẽ xảy ra. Có phải thế không? Hơn nữa, có lẽ, cậu ta thực sự yêu cô ấy, thực sự muốn lấy cô ấy. Nhưng sau này biết cô ấy kỹ lưỡng hơn, giả sử là cô ấy không tốt chẳng hạn và thế là tình yêu không còn nữa và cậu ta bỏ đi, có thể như thế được không? Có thể lắm chứ. Và nếu chúng mình hỏi cậu ấy, thì chắc chắn cậu ấy sẽ trả lời như thế. Cậu hãy thử bác lại xem sao. Và như thế chúng ta sẽ lâm vào tình thế bế tắc khó xử. Hơn nữa cô ấy lại không có mặt ở Moskva. Cậu hiểu không?… - Này Spartar, mình muốn… - Khoan đã. Cậu nên hiểu là nói về những trường hợp như vậy bao giờ cũng gay go cả. Mình biết những câu chuyện xảy ra ở các ban chấp hành Đoàn, trong những cuộc họp chung thảo luận về những hành động vô đạo đức. Không phải ở trường ta. Mà ở một trường đại học khác, mình biết có một trường hợp xảy ra vào năm kia. Người ta đã khai trừ ra khỏi Đoàn một cậu, vì có quan hệ với một cô làm cô này có chửa. Thật là một chuyện đê tiện - cậu này đòi cô kia phải nạo thai, cô ấy từ chối, cậu ta liền bỏ mặc cô ấy với đứa bé. Khai trừ cậu kia là đúng, Vì mọi việc đã rõ ràng. Nhưng đối với Sergei… thì chưa có gì rõ cả. Vadim im lặng, cau mày nhìn về phía trước, Sau đó anh đưa mắt nhìn Spartar và chậm rãi lắc đầu &. - Không. Vấn đề không phải là ở chỗ đó. Đối với riêng cá nhân mình thì tất cả mọi hành vi của cậu ta với Valia chỉ là nét vẽ cuối cùng hoàn thiện nốt bức chân dung thật của cậu ta. Đấy, vấn đề chính là ở chỗ đó. Trong một thời gian dài mình không thể nào hiểu rõ được cậu ấy. Rồi sau đó mình đã hiểu ra, nhưng vẫn im lặng mãi. Cậu chả nói là cậu ta hay vênh váo là gì. Mình sẽ nói cho cậu biết nhiều hơn nữa. Mình đã nhìn thấy thái độ của cậu ta đối với học tập - cậu ấy đã khinh miệt trường chúng ta và tất cả chúng ta, bởi vì cậu ấy cho là những thầy giáo tương lai là những người khả năng có hạn, không sáng tạo, là đồ bỏ đi. Nhưng vì sao cậu ấy lại học ở trường ta? Bởi vì trên cái nền “đần độn” này của chúng ta cậu ấy dễ trội lên, để đạt được công danh. Cũng vì vậy mà trong các kỳ thi bao giờ cậu ta cũng vào cuối cùng, cùng với những người học yếu nhất. Mình đã thấy cậu ta dành được học bổng đặc biệt như thế nào. Phải nói rằng, cậu ấy nhận được nó không chỉ nhờ có năng lực riêng của người sinh viên, mà còn nhờ có một số năng lực khác. Mình đã thấy điều đó. Mình đã thấy cậu ấy khôn khéo với Kodensky, với cậu, và với toàn thể chúng ta như thế nào. Bởi vì cậu ấy biết lợi dụng mỗi người trong chúng ta để đạt lợi ích của riêng mình. Đúng, nếu không thấy cậu ấy như thế, thì rất khó mà hiểu được… - Này… - Spartar bỗng nhiên đứng phắt lên. - Cậu đã mở mắt cho minh đấy! - Đúng. Có thể mình hành động không khéo, bởi vì cậu ta không bao giờ cởi mở với ai như với mình. Mình đã tranh luận với cậu ấy một cách quá dễ dãi. Mình đã mỉa mai nhiều, chứ chính ra là phải hành động kiên quyết hơn kia. Mình đã có lỗi trong nhiều vấn đề. Nhưng bây giờ, cậu hiểu cho… Mình không thể nào nói chuyện mặt đối mặt với cậu ấy. Cần phải tổ chức một cuộc tranh luận lớn để tất cả mọi người đều tham gia. Như thế may ra mới có kết quả. Nhưng dù sao… chúng mình cũng không nên coi cậu ấy là một người không thể uốn nắn được, có phải thế không? đúng thế, một việc rõ ràng… - Được rồi - Spartar bất chợt quả quyết. - Chúng ta sẽ họp kín toàn thể ban chấp hành. Ngày kia. Ngày thứ tư toàn khoa đã biết sự kiện xảy ra ở Hội khoa học sinh viên. Nhiều bạn đến gặp Vadim hỏi: “Có chuyện gì thế?” Vadim lập tức cắt lời một cách lúng túng. Anh không muốn kể tất cả thậm chí đối với các bạn thân. Tuy nhiên anh thấy là, những người tò mò muốn biết vấn đề này đã đến gặp Sergei và cậu ta đã giải thích một cách dài dòng và khôn khéo cho họ rồi. Suốt ngày, Vadim đã giấu đi sự căng thẳng đến bã người của anh dưới cái vẻ bình tĩnh bề ngoài. Anh nhận thấy rằng có một số sinh viên liếc nhìn anh một cách nghi hoặc và giễu cợt, một số khác bực tức với anh vì anh đã từ chối không nói chuyện với họ. Lena Medovskaya đi ngang qua trước mặt anh, nhưng không nhìn anh, và không giấu giếm sự khinh bỉ lộ ra trên nét mặt. Rõ ràng, nhiều người đã gần nắm được thực chất của vấn đề sẽ đem ra thảo luận tại ban chấp hành. Biết chuyện có Raya Volkova và Lagodenko, cả Spartar nữa. Họ đã kể lại cho một người nào đó, và những người này cứ thế truyền đi… Ở hành lang, Vadim nghe thấy Sergei đang nói rất to với hai sinh viên lớp trên: - Cả Fonika cũng đến à? Chắc cái bà mũi diều hâu ấy đến là để phát huy cái mồm quạ khoang của mình chứ gì… Cả ba phá lên cười. Cũng trong giờ nghỉ đó Remescov đến gần Vadim, và vừa hỏi vừa nhìn anh một cách sợ hãi: - Này, người anh em, cậu định tuyên truyền sự thụ thai tinh khiết à? - Đồ ngốc! - Vadim giận dữ trả lời. - Có thực vậy không? thế sự thể ra sao? - Có đấy, ngày mai mình sẽ nói một cách nghiêm túc. Cậu tránh ra. Liuxia Voronkova say sưa với những việc đã xảy ra và những việc sắp xảy ra. Thỉnh thoảng cô lại thông báo cho một ai đó biết: “Sergei và Vadim giận nhau đến nổ máu mắt! Ôi, sẽ xảy ra cái gì đây!” Khó mà nói được rằng liệu cô ta có thể đợi đến thứ tư được không hay là ban đêm lăn quay ra chết vì quá tò mò. Nhưng Vadim cảm thấy đa số anh chị em sinh viên đối xử với Sergei có vẻ ít cảm tình hơn. Andrei và Mắc không hỏi anh một điều gì, vì biết là anh không muốn nói. Lagodenko hình như vô tình nắm lấy tay Vadim: - Này ông cụ non, hăng lên nhé! Chúng mình sẽ ủng hộ. Sau giờ lên lớp, Vadim đến thư viện Lenin và đọc liên tục cho tới giờ đóng cửa, tới mười một giờ đêm. Hôm ấy anh làm được nhiều việc hơn bao giờ hết và đã phác xong về đại thể toàn bộ đề cương. Khoảng tám đến mười ngày nữa anh sẽ hoàn chỉnh, chép lại và như vậy công trình nghiên cứu coi như hoàn thành. Ở thư viện Vadim hoàn toàn không nghĩ gì tới Sergei. Nhưng khi ngồi trên ô tô điện chạy từ thư viện đến Kaluzhskaya, khoảng mười lăm phút, những suy nghĩ về cuộc họp ngày mai lại ập đến như một đàn chó săn được thả ra. Anh tì trán vào tấm cửa kính, chuyển từ ghế này sang ghế khác, rồi sau đó không hiểu tại sao lại xuống xe sớm những hai bến. Anh bồn chồn trước cuộc họp ngày mai hơn là trước một kỳ thi khó khăn nhất. Mấy hôm trước bà Vera Fadeevna từ nhà an dưỡng trở về. Lúc này Vadim lại nghĩ rằng giá mà bà trở về nhà chậm hơn ít bữa - tức là khi toàn bộ câu chuyện với Sergei đã xong thì hay hơn biết bao. Giá tối nay mà anh được ngồi một mình thì chắc dễ chịu hơn. - Tại sao con về muộn thế? - bà Vera Fadeevna vừa hỏi vừa mỏi cửa đón Vadim. - Con lại đến nhà máy hả? - Không, con ở thư viện, mẹ ạ. - Có một người khách đợi con mãi. Người ấy cứ ngồi mãi, ngồi mãi, nói chuyện với mẹ đến lúc không đợi được nữa phải ra về. Người ấy về cách đây nửa giờ. - Ai thế hả mẹ? - Vadim cảnh giác hỏi, anh lập tức có ý nghĩ không tốt về Lena. - Có phải cô Lena không? - Không, người này già hơn nhiều. Bà Irina Vichtorovna ấy mà. - Thế hả mẹ! - Vadim đáp, rồi cởi quần áo và bước vào phòng tắm: “May mà mình không phải giáp mặt bà ta, anh vừa nghĩ vừa rửa tay, - Không hiểu bà đại sứ này đến để làm gì mới được chứ?”. Nhưng khi ngồi vào bàn ăn, Vadim cũng không hỏi thêm mẹ một câu nào hết. Anh đợi mẹ tự nói trước. Nhưng bà Vera Fadeevna lại chỉ chú ý đến bữa ăn: cho muối thế có vừa không, có ăn mù tạc không. - Ừ, con ăn thế mới là ăn chứ, - bà nói. - Còn bà Irina Vichtorovna lúc nãy mẹ mời, thì cứ gẩy gẩy tay rồi bỏ dở. Mẹ cứ nghĩ là không ngon… Sau khi ăn xong và châm thuốc hút, Vadim đành phải hỏi: - Bà ấy nói gì thế, mẹ? - Ôi, bà ấy kể nhiều chuyện lắm, rất nhiều. - bà Vera Fadeevna lắc đầu đáp. - Bà ấy chạy đến đây mặt tái mét lại, mẹ đâm lo không hiểu chuyện gì xảy ra. Hoá ra là con có điều gì chống lại Sergei các con cãi lộn nhau, còn con hình như doạ sẽ báo cáo cho ban chấp hành Đoàn thanh niên. Con có biết không - suýt nữa thì bà ấy oà lên khóc đấy. Mẹ đã cuống cả lên. Mẹ không biết nói thế nào để an ủi bà ấy… chủ yếu là mẹ không rõ chuyện gì? - Thế bà ấy có nhắc tới Valia không? - Có, có nói đến Valia.? - Bà ấy nói sao? - Bà ấy nói rằng, cô gái kia là một người có học, nhưng thuộc vào loại người, con biết không… nói tóm lại, có thể dám làm nhiều chuyện. Mẹ hiểu như thế. Bà ta nói là bà ta phản đối việc hai người quen biết nhau, nhưng Sergei lại không nghe! Thế là hai người kết bạn với nhau, chơi bời với nhau, rồi bỏ nhau. - Thế tại sao họ bỏ nhau. - Bà ấy nói rằng hai người giận nhau. Bà ta rất ca ngợi Sergei, theo ý kiến bà ấy, thì có Valia kia không xứng với cậu ta. Cô ấy có vẻ khó tính, sức khỏe không ổn, hơn nữa gia đình không phải là gia đình trí thức… - Mẹ, bà ấy là tiểu tư sản mà. Chẳng nhẽ mẹ lại không biết? - Mẹ biết bà ta đã hai mươi năm nay. Nhưng… - bà Verai Fadeevna thận trọng nhìn Vadim. - Nếu mọi chuyện đã tương đối ổn cả rồi thì thế nào? Liệu có nên nhắc lại toàn bộ câu chuyện cũ không? Mẹ ngần ngại chỗ ấy… - Thế nào là mọi chuyện tương đối ổn rồi, hả mẹ? - Nghĩa là không có những hậu quả đặc biệt, không có bi kịch… Vadim mỉm cười, nhắm mắt lại. Anh cảm thấy rất mệt mỏi và chỉ muốn đi ngủ. - Như thế là không có ai lao vào gầm tàu tự tử phải không mẹ? Đứa trẻ không bị dìm chết phải không? Có phải thế là tương đổi ổn không ạ? Đúng, tất nhiên đối với cậu ta, mọi việc diễn ra như vậy là hoàn toàn ổn thoả. Cậu ta lại vui vẻ như trước, khỏe mạnh và được tự do. Còn gì ổn bằng nữa! Còn đối với cô ấy đây là nỗi đau khổ, mẹ hiểu không? - Vadim mở mắt và đứng thẳng lên. Giọng nói của anh âm vang, phẫn nộ, bởi vì anh muốn ngủ và đồng thời cũng muốn chứng minh cho mẹ biết lẽ phải của mình. - Một sự đau khổ thực sự, mà cậu ta là người duy nhất có tội! - Mẹ thấy cô gái ấy cũng có lỗi nhiều chứ. Ngày nay con gái cần phải chín chắn hơn. - Thế mẹ bảo cô ấy có lỗi ở chổ nào? Có phải vì đã cả tin, đã yêu cậu ta… Không, mẹ đã bị bà ấy làm mũi lòng rồi, ngoài đứa con yêu quý của mình, bà ấy đã không biết và không hiểu gì hết, thế mà mẹ lại cố thực hiện lời hứa của mình. Có phải mẹ hứa với bà ấy là sẽ bảo con, sẽ thuyết phục con để con không nói nữa chăng? Mẹ hãy nhận đi! - Mẹ không hứa gì cả, - bà Vera Fadeevna giận dữ đáp. - Mẹ chỉ nói điều mà mẹ nghĩ thôi. Mẹ cho rằng vấn đề không nghiêm trọng đến như vậy, còn Sergei có thể bị nguy hại. Dù sao nó cũng vẫn là bạn con. Các con cùng lớn lên, cùng học với nhau… Hai nhà đã quen thuộc bao nhiêu lâu nay. Con vẫn có thể rủ nó đến nhà chơi, rồi mẹ con mình cùng khuyên giải cho nó hiểu để nó đừng làm những chuyện bệ rạc như thế. Đằng này con lại đi dựng lên cả một vở kịch… - Vâng, con có lỗi, - Vadim vừa gật đầu vừa trả lời một cách ngoan ngoãn, - có lỗi ở chỗ ngay từ đầu đã không nói với cậu ấy một cách nghiêm chỉnh. Còn bây giờ thì không thể không nói được. Con là bạn cũ của cậu ấy, con phải nghiêm khắc hơn những người khác, có thể thôi. - Con là một kẻ tàn nhẫn, Vadim ạ, - sau một hồi im lặng, bà Vera Fadeevna đáp. - Thôi, con muốn thế nào thì tùy… Bà bước ra khỏi phòng. Khi bà quay lại Vadim đã dọn giường đi ngủ. Nhưng lúc này, khi anh đã đắp chăn kín rồi, anh vẫn không tài nào ngủ được. Bà Vera Fadeevna tắt đèn và cũng đã đi nằm, nhưng anh vẫn không chợp mắt được. Trong phòng và bên ngoài, trời đã tối đen. Chỉ có chiếc đồng hồ có mặt số dạ quang của cha treo trên tường là lấp lánh như những con đom đóm. Bỗng nhiên, Vadim muốn lấy xem những cuốn nhật ký cũ và nhớ lại Sergei như từ hồi xa xưa, lâu lắm rồi, như không phải là “một người bạn cũ từ hồi học phổ thông” mà chỉ là Xeriozha với cái tên tục là “Keks”. Vadim có một số cuốn nhật ký viết hồi còn học phổ thông và một cuốn sổ tay ghi chép ở mặt trận. Tất cả nằm lẫn lộn trong đống giấy tờ cũ, thư từ, các bài báo cắt rời xếp ở ngăn dưới cùng của chiếc bàn viết. Vadim vùng dậy và bật chiếc đèn bàn. Đây là cuốn nhật ký đầu tiên - một quyển vở bọc bìa cứng đã ngả màu vàng ố có hàng chữ viết bằng thuốc nước “Cuộc đời của tôi”, xung quanh vẽ những chiếc tàu thủy, những cây dừa trông giống như những con nhện, những đỉnh núi và sao Thổ. “Ngày 7 tháng Bảy năm 1936. Hôm nay là ngày sinh của tôi. Thế là tôi bước vào tuổi mười một. Tất cả các bạn ở trong ngõ đều mang quà tặng tôi. Sau đó chúng tôi chơi trò đánh nhau một chọi một, tôi chỉ thua có Surka, còn thì thắng hết. Xeriozha cũng thua tôi và nói rằng nó chủ tâm thua, bởi vì hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Người nó mồ hôi nhễ nhại, chín đỏ như cà chua, bởi vì nó đã cố hết sức. Sau đó chúng tôi chơi thả diều. Diều dán bằng những tờ bản đồ không in địa danh. Ngày 13 tháng Tám năm 1938. Chúng tôi đi tắm ở sông Ga-bai, nơi có bãi tắm tốt và nước thì sâu. Tôi với Xeriozha bơi sang bờ bên kia. Cùng bơi với chúng tôi có Zina, nó bơi rất giỏi, nhưng lúc nào cũng kêu lên the thé và cười ầm ĩ như bị ai cù. Sau đó chúng tôi đi ra bờ khác. Ở đó có một cánh đồng cỏ rộng lúc nào cũng lấp lánh như ngọc bích dưới ánh nắng mặt trời. Khi bơi trở về, tôi bị tụt lại. Chúng nó đã lên được bờ và đang chạy cho khô người. Tôi thét gọi Xeriozha mang quần áo của tôi đến chỗ tôi sẽ bơi vào, và ở dưới nước tôi giơ tay ra hiệu: “Chỗ này, Chỗ này!” Bỗng nhiên nó lao mình xuống nước và bơi sải lại phía tôi. Tôi cười phá lên và hét ầm ĩ gọi nó, nhưng nó chẳng nghe thấy gì hết. Nó bơi đến gần, tóm lấy tay tôi, còn tôi cứ thế phá lên cười. Nó nghĩ là tôi bị chìm. Nó là người bạn tốt nhất của tôi. … Ngày 15 tháng Tám. Zina đã 15 tuổi. Xeriozha nói rằng nếu Zina sống ở châu Phi thì nó đã có con từ lâu rồi. Theo tôi, nó nói láo. Ngày 10 tháng Mười Hai năm 1938. Ngày hôm qua ở Cung thiếu niên có tổ chức liên hoan. Ở đó có các bạn Tây Ban Nha đến thăm. Một cậu đen và gầy, trông giống như Misa Surts, kể về cuộc đấu tranh của những người cộng hoà chống lại bọn cướp phát-xít. Cậu ấy nói tiếng Tây Ban Nha, có một cô phiên dịch dịch lại. Sau đó khai mạc triển lãm của trường hội hoạ nơi tôi đã theo học. Triển lãm giới thiệu các chiến sĩ của nước Cộng hoà Tây Ban Nha, Tôi vẽ một bức tranh màu mô tả trận đánh ở Teruen. Anton Dmitrievich khen nét vẽ và cách thể hiện của tôi, nhưng nói rằng cọ không phải là loại cây đặc trưng cho Tây Ban Nha (chính ra là cây nguyệt quế mới đúng). Xeriozha cũng có mặt ở buổi liên hoan cùng với đội kịch của của mình. Chúng nó diễn một vở kịch về cuộc sống của những người cộng hoà. Xeriozha đóng vai chính - vai đồng chí Hoan. Ngày 8 tháng Mười Hai năm 1930. Chúng tôi dọn sang một căn hộ mới ở phố Kaluzhskaya. Toà nhà mới xây, có sáu tầng, căn hộ chúng tôi đẹp hơn căn hộ cũ, nhưng tôi rất tiếc là phải xa trường với các bạn. Tất nhiên tôi với Sergei vẫn sẽ thường xuyên gặp nhau. Mùa hè năm ngoái! tôi cùng với nó đi thám hiểm hồ Xeliger, hè năm sau hai đứa quyết định sẽ đến Kavkaz. Bây giờ ngày nào tôi cũng tập thể dục và tắm nước lạnh. Phải rèn luyện để sẵn sàng tham gia thám hiểm như Amunxen đã làm… Ngày 10 tháng Tư năm 1940. Hôm qua nhà Sergei tổ chức một tối vui. Tất cả các bạn học cũ cùng trường trong nhóm chúng tôi đều đến. Ma-sa đã lớn hẳn lên, hiện đang học ở trường múa ba-lê. Nó dạy tôi nhảy. Vui lắm, Sergei đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ của nó (thơ rất hay, phải cái hơi bắt chước). Sau đó bỗng nhiên chúng tôi bắt được làn sóng ngắn ở Oslo. Một giọng nói Đức cất lên tuyên bố rằng quân đội phát-xít đã chiếm được thủ đô Na Uy, “Các vị hãy lắng nghe tiếng bước chân của đoàn quân chiến thắng… Thực sự chúng tôi có nghe thấy tiếng giày đinh lạo xạo trên đường phố rập-rập-rập và tiếng trống trận. Sau đó có tiếng gầm lên trầm trầm: “Bà có biết tiếng Đức không?” và một giọng nói thanh thanh đáp lại: “Tôi biết! Tôi biết!” Thật là bọn kẻ cướp! Sở dĩ lúc này chúng thắng là vì chúng tấn công những kẻ yếu hơn. Ngày 22 tháng Sáu năm 1941. Chiến tranh! Đêm nay bọn Đức đã đánh vào nước ta. Bên kia sông, ở sân bay suốt ngày tiếng động cơ gầm rú. Không lúc nào viết được cả, - chúng tôi đã đào một cái hào tránh bom ở trong sân. … Ngày 13 tháng Tám. Lại ném bom. Tôi đã quen rồi. Đã lâu cha không viết thư về nữa. … Ngày 30 tháng Tám. Tôi và Sergei tham gia đội chữa cháy của quận Leningrad. Chúng tôi sống trong một doanh trại… … Ngày 10 tháng Chín. Đêm hôm qua gác thượng bị cháy do một quả bom gây ra. Tôi và Sergei chạy đến đó, Sergei bị ngã và bị một thanh sắt gỉ đâm vào cánh tay. Máu chảy ròng ròng. Nó không đi băng lại và chúng tôi lấy cát để dập lửa… Đó là những dòng chữ cuối cùng trước khi vào quân đội. Phải, bắt đầu từ cái năm bốn mốt là năm bắt đầu cuộc sống phân ly của hai người, chẳng còn ai biết được tin tức gì về bạn mình nữa. Những điều họ biết được về nhau chì là: bạn mình vẫn còn sống, áng chừng đóng quân ở vùng này, vùng nọ, hình như đang làm cái gì đó thì phải… Nhưng cả những cuốn nhật ký viết từ hồi còn học phổ thông này cũng không gợi ra được những cơ sở để suy nghĩ. Ít ra là đối với Vadim chúng cũng như những mảnh gương vỡ, không còn phản ánh được một phần nghìn cuộc đời của anh, trước chiến tranh. Đâu là những dấu vết tính cách phát triển mạnh mẽ đến như thế, xấu xa đến như thế ở một con người hai mươi bốn tuổi? Vadim bắt đầu nhớ lại những mảnh rời rạc trong tình bạn của anh với Sergei trước chiến tranh, quan hệ của Sergei với bạn bè, với các bạn nữ, và với họ hàng. Đối với mẹ - bà Irina Vichtorovna. À, có lẽ, đó là sự bất ổn chủ yếu… Sinh hoạt của gia đình Sergei đối với Vadim bao giờ cũng có cái vẻ rất kỳ quặc, không thoải mái, không đúng đắn. Cha mẹ suốt ngày cãi nhau, người cha lúc thì bỏ gia đình đi đâu đó, lúc thì trở về. Đó là một người to béo và cao lớn, cau có, không bao giờ biết cười và rất ít chuyện trò. Ông ta sống trong gia đình như một người xa lạ. Còn mẹ Sergei luôn luôn làm Vadim ngạc nhiên về những hành động vô nghĩa của mình. Bà sẵn sàng chiều theo mọi ý thích của con trai, mặc dù chính bà vẫn gây ra những cuộc cãi cọ vì những điều lặt vặt. Không hiểu tại sao Sergei lại gọi mẹ là “con cá khô” thế mà hồi còn bé, điều đó Vadim lại cho là thông minh tuyệt diệu. Bây giờ thì rõ là bà Irina Vichtorovna nhu nhược thiển cận kia với cái tình yêu hy sinh đến lú lẫn vì con trai và sự tin tưởng mù quáng vào tài năng của người con ấy đã ảnh hưởng lớn tới tính cách của Sergei. Vadim nhớ lại hình như Tsekhov có viết một ý gì đó về vấn đề này trong những cuốn ghi chép của ông. Anh lục tìm trong các tập sách của Tsekhov, tìm mãi cái đoạn đó và cuối cùng tìm thấy: “Trong gia đình có người phụ nữ là tư sản thì dễ dàng nãy sinh những tên xỏ lá, những đồ đểu cáng vô hy vọng”. Sergei không thể trở thành một “kẻ hối lộ” hoàn toàn hay “một tên đều cáng vô hy vọng” bởi vì xung quanh cậu ta là những con người lành mạnh, là một cuộc sống lớn lao và vững vàng. Câu chuyện trọng đại ngày mai sẽ bàn tới điều đó. Vadim tắt đèn, rồi nằm xuống giường. Anh nghĩ đến ngày mai, cố gắng hình dung những lời nói của mình tại ban thường vụ, những câu đối đáp của Sergei và cả những ý kiến mà các bạn khác sẽ phát biểu. Bỗng nhiên trong nháy mắt một tình cảm do dự, buồn bã, xấu hổ bao trùm lấy anh. Liệu anh mở đầu cái câu chuyện ồn ào đang làm náo động của khoa kia ra có phải là vô ích không? Có lẽ cần phải gặp riêng cậu ta một lần cuối cùng để nói cho hết chăng? Cũng có thể nói chung, anh mắc sai lầm ở chổ nào đó. Và mọi chuyện hoàn toàn không phải như vậy, mà phức tạp hơn, bí ẩn hơn nhiều… Anh thiếp đi vào lúc nửa đêm, trong một tâm trạng mệt mỏi, lo lắng và lập tức một giấc ngủ nặng nề, mờ mịt trùm lên.