tưởng tấn công vào vòng đai Đại Đông Á ngay nơi phần chính giữa Thái Bình Dương và là phần nằm gần Nhật Bản nhất đã tỏ ra có tiến bộ nơi các nhân vật chung quanh Roosevlet. Nhiều người có hảo ý nghĩ rằng “nên vặn cổ con mực ma hơn là chặt từng cái vòi một của nó”. Thiếu tá Alexandre De Seversky, một chuyên gia đóng phi cơ cừ khôi và lý thuyết gia về kỹ thuật oanh tạc tầm xa, đã hăng hái bênh vực một dự án nhằm tiêu diệt kỹ nghệ hàng không và những hải lộ giao thông của Nhật bằng cách oanh tạc các nhà máy và các khu vực kế cận hải cảng tại chính quốc. Ông muốn rằng nỗ lực chiến tranh của Mỹ phải được ưu tiên hướng đến sản xuất các pháo đài bay mới B-29 vốn có một bán kính hoạt động đủ để bay đến Nhật từ các phi trường tại Trung Hoa và trên các đảo thuộc quần đảo Aléoutiennes. Luận đề này được hỗ trợ bởi Tướng Chennault, vẫn còn nắm quyền Tư lệnh Không lực 14 tại Trùng Khánh và vẫn đề nghị dùng phi cơ B-25 oanh tạc tàu bè Nhật đang tự di di chuyển dọc theo bờ biển Nam Hải. Ủy ban tham mưu hỗn hợp đồng minh bác bỏ chủ trương này; sợ rằng sự sử dụng các phi trường Trung Hoa sẽ khiêu khích một cuộc tổng tấn công tại miền trung Trung Hoa nơi quân đội Tưởng Giới Thạch không thể kháng cự và, về phần quần đảo Aléoutiennes, thời tiết đáng ghét ở đấy thường làm cho hoạt động của không quân bị tê liệt suốt 8 tháng trời mỗi năm. Các biến công tiếp diễn sau đó chứng tỏ rằng chỉ có sự chống đối thứ hai là có giá trị, và sự chống đối vì lập luận liên quan đến các phi trường Trung Hoa không đúng. Dầu sao chăng nữa, những đề nghị nói trên cũng đã không được Ủy ban tham mưu hỗn hợp giữ lại, Ủy ban cũng không muốn gia tăng cường độ của cuộc chiến tranh tiềm thủy đỉnh. Phòng hành quân của Đô đốc King liền đệ trình một kế hoạch tấn công vào các quần đảo tại khu vực trung ương Thái Bình Dương bằng các lực lượng đổ bộ được các hàng không mẫu hạm che chở, chính ke này đã được Ủy ban chấp thuận. Quyền chỉ huy lại được giao về cho Nimitz là người đã nhận thức được kế hoạch ấy. Ông được ưu tiên cung cấp các mẫu hạm và hải vận hạm khi chúng dần dần được đưa ra khỏi công xưởng. Vì chiến trường Âu châu nhận phần lớn nhất trong sự phân phối các sản phẩm chiến tranh của Mỹ, cho nên các phương tiện được hứa hẹn này bị giảm thiểu không thể nào giúp cho cuộc tiến quân của Mac Arthur ngược lên Phi Luật Tân có thể cũng được xúc tiến song song. Về phương diện chính thức thì người ta không ra lệnh cho ông dừng lại, nhưng người ta để cho ông hiểu rằng từ nay ông chỉ có thể sở cậy vào chính lực lượng của mình. Không cần phải nói với ông Tướng sôi nổi chẳng bao giờ vui vẻ chấp nhận một vố cản trở mà người ta đã áp đặt như thế. Trong một văn thư dữ dội như sấm sét, ông cảnh giác Hoa Thịnh Đốn phải chống lại “một loại xung phong bằng quân đổ bộ được yểm trợ bởi các phi cơ của mẫu hạm nhằm đánh các cứ điểm được bộ binh, hải lực và phi cơ đặt căn cứ trên đất liền phòng thủ vững chắc” và nói thêm rằng “gương Midway còn đó để chứng tỏ các cuộc hành quân liều lĩnh giống nhau đến mức nào”. Nhưng Ủy ban tham mưu ước tính rằng các điều kiện khác nhau và bỏ mặc ác điểm ông lưu ý. Nếu tất cả mọi người đồng ý từ bỏ con đường quá dài đưa đến Đông Kinh ngang qua Tân-Guinée và Phi Luật Tân, thì đã không có sự nhất trí liên quan đến địa điểm tấn công phải chọn lựa đầu tiên nằm trên viền phía đông chu vi Đại Đông Á. Đô đốc King vẫn luôn luôn đề nghị quần đảo Marshall vì nếu chiếm được thì sẽ có thể tiếp tục nhảy đến quần đảo Mariannes và từ đó có thể oanh tạc trực tiếp lên đất Nhật. Thế nhưng King phải bay lượn trong các địa hạt của những giới chức cao cấp, và các ưu tư liên quan đến công cuộc đổ bộ tại Âu châu đã bắt buộc ông phải giao lại cho các cấp thuộc quyền suy tính - đặc biệt là Nimitz, người chủ chốt trong nội vụ. Mà Nimitz thì coi kế hoạch này như quá liều lĩnh. Ngoài việc ông không được tin tức chính xác về tình trạng phòng thủ của Nhật trên các đảo san hô, vị trí kế cận của pháo đài Tarawa kiên cố, trong quần đảo nhỏ Gilbert nằm cạnh phía Đông nam quần đảo Marshall, đã gợi cho ông nhiều âu lo sôi động nhất. Mặc dầu là người đầu tiên chủ trương chính sách “By- Pass”, ông cho rằng, trong trường hợp này, chính sách ấy quá nguy hiểm. Hơn nữa, Tarawa nằm trong vòng bán kính hoạt động của các phi cơ đặt căn cứ trên nhiều phi trường của Mỹ trên quần đảo Ellice, trong khi đó thì căn cứ Kwajalein hùng mạnh của Nhật thì không bị lâm vào tình trạng như thế. Cuộc tấn công thẳng vào căn cứ này phải được thực hiện với sự yểm trợ duy nhất của các phi cơ trên mẫu hạm của ông và ông ước tính rằng số lượng mẫu hạm chưa đủ để đảm bảo cho sự thành công. Ông đặt vấn đề cho ủy ban tham mưu hỗn hợp đồng minh dưới hình thức một thế lưỡng đao: hoặc tấn công Kwajalein, trong trường hợp này phải đợi các mẫu hạm được đưa đến (và như thế là giúp cho quân Nhật có đủ thì giờ tăng cường kiên cố thêm nữa các đảo san hô thuộc quần đảo Marshall) hoặc là tấn công Tarawa ngay lập tức (nghĩa là ngắt ngang các lực lượng tăng viện của ông). Và vì vấn đề tuần trăng và giờ thủy triều lên bắt buộc phải chọn lựa ngày 20 tháng 11, ủy ban tham mưu bị thì giờ thúc giục nên phải nghe theo. Nimitz ra lệnh áp dụng ngay lập tức cuộc hành quân Galvanic: đổ bộ lên các đảo san hô Tarawa. Lúc ấy không ai biết rằng vùng biển san hô hẻo lánh, chung quanh bị một chuỗi đá ngầm hình tam giác bao bọc, lại là một trong các cứ điểm được phòng thủ vững chắc hơn cả trên Thái Bình Dương và trận đánh sắp đến là một trong các trận đẫm máu nhất trong chiến tranh.