Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
XII & XIII & XIV & XV

     nte Petrovici từ chối không đóng đinh vào chiếc thùng đựng Motok. Nhưng anh chàng nầy đã nhờ được một người bạn khác làm công việc đó. Đúng 7 giờ sáng chiếc thùng có Motok ở trong đến phi trường, được đặt cạnh chiếc máy bay đi Nữu Ước, cùng với các kiện hàng chiến lợi phẩm khác. Không ai khám phá được Motok đang ở trong, hắn lắng tai nghe được tiếng chong chóng quay, tiếng hành khách nói chuyện với nhau. 
Hai người đàn ông đến gần thùng đựng Motok, họ nói với nhau bằng tiếng Nga. Motok đoán họ cũng là những hành khách bắt buộc như mình, nên hắn lắng nghe xem họ nói những gì. Một người tên là Igor và một người tên là Anatole Barsov. Hai người nầy đang cãi cọ với nhau. Theo dõi câu chuyện, Motok mới biết họ là hai phi công Sô Viết đã đào ngũ và những người Mỹ đang chở họ về Hoa Kỳ. Igor bảo: 
- Mầy thật ngu độn. Nếu mầy cứ tiếp tục nói với tụi Mỹ là mầy trốn đi không vì những lý do chính trị thì tụi hắn sẽ trả mầy về nhà mầy ngay. 
- Nhưng tao không thể nói dối được.
- Nhưng ít nhất mầy cũng phải nói những gì mà tụi Mỹ thích chứ. Bởi vì người Mỹ không cần những sĩ quan Sô Viết trốn qua xứ họ vì đã cãi nhau với vợ hay vì không thể trả hết nợ được. Người Mỹ nhận chúng mình và hậu đãi như những ông hoàng bởi họ cho là chúng mình trốn đi vì thù ghét chế độ. Cho nên thay vì nói với báo chí về những tàn bạo của Staline, của Boris, của cả chế độ cộng sản, mầy cứ lập lại như một thằng ngu là suốt ngày mầy cãi với vợ con, với cấp chỉ huy không đoàn và mầy đã bị thương ở chiến trường như thế nào. Mấy chuyện đó không liên hệ gì với tụi Mỹ cả, họ muốn mầy nói về Staline hơn. 
- Tao không biết gì về Staline cả. Tao cũng chưa bao giờ thấy ông ta nữa, làm sao mầy bảo tao kể chuyện ông ta được. 
- Thì mầy cứ bảo với họ là mầy có thấy Staline trong một cuộc duyệt binh, thấy ở đằng xa, rằng không ai có thể lại gần ông ta vì chung quanh toàn là lính gác người Caucase cao đến hai thước và trang bị vũ khí đầy đủ. Như là tao đã bảo với họ như thế. Mầy không để ý là tụi Mỹ thích những câu chuyện như thế lắm sao.
- Tao không thể làm như thế được. 
- Thì cứ nói với họ là mầy trốn đi vì những lý do chính trị, rằng sự khủng bố đang ngự trị trên đất Sô Viết, rằng không ai muốn sống ở Nga Sô cả. Ít nhất là mầy cũng nói với họ là sĩ quan Sô Viết hút toàn thuốc lá dở ẹt, và chúng mình ăn uống không đầy đủ. 
- Ừ, tao có thể nói với họ là ăn uống, thuốc men không đầy đủ, vì điều đó có thật.
- Bảo với tụi Mỹ là mầy đã chóa mắt vì xe cộ của họ, vì áo quần, sự ăn uống của họ, mầy thích thú đến cả với miếng sô cô la thơm ngon của họ, nói với họ là những thứ đó không có ở Nga Sô. Tụi Mỹ là những kẻ buôn bán, nên họ thích ai ca tụng họ là những quân nhân và nhà ngoại giao giỏi. Nếu mầy nói với họ như thế thì kể như sự nghiệp mầy đã tạo dựng xong xuôi rồi đó. 
Barsov trả lời: 
- Tao có lương tâm, tao không phải là một thằng nói dối. Mầy thì có thể như thế được. 
- Mầy ngu lắm. Nếu mầy không nghe tao, tai họa sẽ đến với mầy, rồi mầy xem. 
Nhân viên máy bay đã mang kiện hàng có Motok ở trong nhẹ nhàng đặt lên phi cơ. Họ đã trông thấy trên kiện hàng chữ «chiến lợi phẩm» và họ thừa biết là họ phải cẩn thận đối với các kiện hàng đó.

XIII

 
Boris Bodnariuk bay đến nước những người Slaves miền Nam. Hai vị đại tá Sô Viết yên lặng không nói, cả Boris cũng thế. Gần như cả ba đang buồn ngủ, nhưng thật sự cả ba đang nghĩ đến kế hoạch ám sát viên thống chế xứ đó. 
Viên đại tá to lớn đang ngậm kẹo ho. Đến gần Boris, ông ta mời một viên kẹo và bảo nhỏ: 
- Trưa nay sẽ có một bữa ăn khoản đãi đồng chí ở biệt thự tên thống chế đó. Chúng ta phải để súng lục tại phòng thay áo. Nhưng người của chúng ta sẽ trao lại súng khác vào túi chúng ta. Như thế là khi ngồi vào bàn ăn, chúng ta sẽ gồm có năm người được trang bị vũ khí rồi đó. 
Yên lặng. Máy bay đang bay vào mây mù. Boris nhổ viên kẹo ho vào khăn tay. Viên đại tá bảo: 
- Giờ nầy quân ta đang tiến vào xứ tụi Slaves miền Nam. Đến tối viên thống chế đó sẽ bị giết. Quân ta sẽ chiếm trọn xứ đó, chỉ cách Vatican vài trăm cây số. Công cuộc loại bỏ viên thống chế đó mở đường cho Hồng quân tiến vào Ý Đại Lợi, Ba Lê, Luân Đôn. Cho nên hành động chúng ta hôm nay là một hành động rất quan trọng cho diễn biến của lịch sử. Tất cả tùy thuộc vào sự khéo léo của chúng ta. 
Nhìn đồng hồ, viên đại tá cười nói tiếp: 
- Từ đây cho đến một giờ trưa, con chó của viên thống chế sẽ bị mồ côi. Một con chó không có thống chế nữa. 
Viên đại tá lại ngậm thêm một viên kẹo ho. Máy bay đang bay thật cao, hình như đang nghiêng về bên phải. Boris quá mệt mỏi. Một người trong phi hành đoàn quay lại, la to: 
- Cháy.
Boris soát lại dù nhảy, và nhìn qua cửa sổ. Máy bay vẫn tiếp tục bay, nhưng đã hơi nghiêng. Hắn nắm chặt tay định đập vỡ cửa kính. Đáng lý phải hỏi phi hành đoàn xem thử phải làm những gì, hắn ta lại nắm chặt tay như hồi 15 tuổi hắn quyết định bơi qua sông Dniestr, hệt như thế. 
Bên ngoài chỉ toàn là mây trắng. Boris không thấy sợ hãi gì cả. Hắn nhét cặp da vào trong áo và quàng áo choàng lên ngực. Hắn đoán là hắn đang ở trên không phận nước Đức. Nếu phi cơ không đáp được, hẳn phải nhảy bằng dù. Chỉ có một điều làm hắn khó chịu là vì kẹo ho trong cổ. Hắn ho đến muốn ói thứ đó ra. Phi cơ đã đầy khói rồi. 
Boris đập vỡ cửa kính, nhưng không khí tràn vào lại càng ngột thở hơn nữa. Khói tràn cả phi cơ, hắn đứng dậy tìm cánh cửa lớn, vì cửa sổ nhỏ quá, không nhảy ra ngoài được. Gài chặt áo lại, Boris tức là đã không kiếm của lớn được trước khi khói tràn vào ngập phi cơ. Giờ nầy không thể kiếm được nữa, cái bụng lại bắt đầu khó chịu. Mùi kẹo ho làm hắn buồn nôn. Hắn nghiêng cả người, tưởng như sắp ngạt đến nơi. Có ai la to bên tai, nhưng hắn không trả lời được. Hắn gập người lại, và tưởng như đang ở trong đêm tối mù mịt và trong một cơn buồn nôn vô tận vì chất kẹo ho. Hắn rủa thầm: «Đồ thứ kẹo khốn nạn!». 
Cơn buồn nôn đã thu nhỏ cơ thể hắn vào hư vô. Cơ thể hắn đã phản bội hắn. Đâu đâu cũng toàn là chuyện phản bội. Anatole Barsov phản bội. Viên thống chế nuôi con chó đẹp cũng phản bội. Và bây giờ chính cơ thể hắn cũng không tuân lệnh hắn nữa. 
Chán nản, hắn nhắm mắt lại. Chỉ còn có mùi kẹo ho trong cổ. Hắn ghét cay cái mùi kẹo nầy cũng như hắn ghét cay lũ phản bội. Ghét hết các thứ phản bội, nhưng nhất là sự phản bội của cơ thể hắn. 
Bây giờ chỉ còn lại một cơn buồn nôn, một sự rơi xuống vực thẳm và hư vô. 
Lúc hắn mở mắt ra, chung quanh toàn màu trắng. Ánh sáng đó làm hắn chảy nước mắt. Nhắm mắt lại, thì hắn lại có cảm tưởng rơi vào một màn tối dày đặc. Hắn thầm nghĩ «Lại là một thứ phản bội khác nữa đây». Hắn cố nhấc chân lên, nhưng không được. Muốn đưa tay lên, cũng không được nữa. Tay chân hắn đã chết hết cả rồi. Boris nghĩ «Kẻ thù Sô Viết đã biết nhiệm vụ của mình và chúng nó đã gây ra tai nạn». 
Boris lại mở mắt ra. Thì ra hắn rơi trên núi tuyết. Hắn muốn nhúc nhích, nhưng thân thể không vâng theo ý muốn hắn nữa. Chỉ còn lý trí và một mắt còn nghe theo hắn, nhưng mắt hắn chỉ còn trông thấy màu trắng, nhắm mắt lại thì toàn màu đen bao phủ. 
Chỉ còn một mắt mở được, con kia rất có thể đã rơi mất. Hắn nhắm mắt lại. Đen tối. Lại mở mắt ra, toàn màu trắng. Nhưng không phải toàn là màu trắng của tuyết mà là những người đàn bà mặc quần áo trắng, những người đàn ông trắng, bức tường trắng, nệm trắng... Hắn thầm nghĩ :
- Mình chỉ còn một mắt. Y hệt như Angelo. Với một mắt thì chỉ thấy hoặc đen hoặc trắng. Chỉ thấy có hai màu mà thôi; mà đen, trắng có phải là màu sắc đâu. 
Boris cố tìm trong trí nhớ một màu khác, nhưng ngay cả trong trí nhớ cũng chỉ có hai màu đen và trắng. Tất cả dỉ vãng của hắn chỉ là đen hoặc trắng mà thôi. 
Vào lúc đó, Boris không biết là hắn đã đạt đến lý tưởng của Đảng và các đồng chí hắn. Tức là chia vũ trụ làm hai màu: đen và trắng. Cũng như hắn nhắm mắt thì thấy đen và mở mắt thấy trắng, nhân loại cũng thấy sự vật trắng hay đen tùy theo nhu cầu của lịch sử. Điều đó đã là lý tưởng rồi. Một vũ trụ trong sáng, chính xác không màu sắc. Màu sắc vừa vô ích vừa rắc rối. Trắng và đen là đủ rồi. Hoặc có hoặc không là đủ rồi. Vũ trụ không cần giải đáp nào khác ngoài hai chữ có hay không. Những câu trả lời khác đều là phản động, hay chỉ là những dị biệt nho nhỏ.
Boris cảm thấy một vật lạ bên tai, sau đó hắn nghe được. Hắn quên là hắn đang có thính giác. Độ sau nầy, hắn không còn nghe gì nữa cả. Hắn đã sống trong câm điếc. Hắn không còn cảm nhận đau đớn, thế mà bây giờ đây mi mắt của hắn cho hắn biết lại thế nào là đau đớn. Bỗng một giọng nói rắn rỏi, bằng tiếng Anh: 
- Chúng tôi muốn nói chuyện riêng với bệnh nhân.
Cái máy nghe để bên tai Boris thật lạnh, hình như lần đầu tiên cảm giác lạnh lẽo đó xâm chiếm con người hắn, hắn có nhớ ra rằng đôi lúc cũng có ấm áp, nhưng lúc nầy hắn chỉ thấy toàn là lạnh lẽo. 
Mở mắt, Boris trông thấy hai sĩ quan Sô Viết. Những người áo trắng đi hết rồi, hai sĩ quan nọ hình như đang bận áo toàn đen. Một viên sĩ quan nói bằng tiếng Nga: 
- Nhờ mũi thuốc, đồng chí sẽ tỉnh táo chừng một giờ. Hãy cho chúng tôi biết là đồng chí có nghe hiểu chúng tôi nói gì không, nếu không, chúng tôi sẽ chích thêm một mũi thuốc nữa. Chúng tôi cần hỏi đồng chí vài điều. Chúng tôi được bộ chỉ huy Sô Viết ở Vienne gởi đến đây. 
Họ đưa cho Boris tấm căn cước để xem thử Boris có đọc và hiểu được không. Boris thấy rõ khuôn dấu sở mật vụ Sô Viết và cảm thấy yên tâm hơn. Một người lại bảo:
- Đồng chí đang nằm trong một bệnh viện của người Mỹ. Đồng chí có nhớ những gì đã xảy ra không? 
Người kia giải thích tiếp: 
- Đồng chí đi từ Piatra bằng phi cơ và rơi trên núi, đồng chí là người sống sót duy nhất sau tai nạn đó, mấy người kia đều chết hết. Người Mỹ mang đồng chí lại đây, và báo tin cho chúng tôi. Suốt hai tuần nay chúng tôi có nói chuyện với đồng chí nhưng vô ích. Người ta bảo là trong cơn mê sảng, đồng chí đã khai đồng chí tên là Boris Neva, và chính người ta đã ghi tên đó vào sổ bệnh viện. Tốt lắm, đồng chí cần giữ nguyên lời khai đó. Cần nhất là đừng để cho tụi Mỹ biết lý lịch của đồng chí. Thế nhưng, đồng chí có nhớ rõ tên của đồng chí không nhỉ? 
- Boris Bodnariuk. 
- Chúng tôi sẽ cho đồng chí hồi hương trong chừng 10 hôm nữa. Trong lúc chờ đợi, nhớ giữ cái tên Boris Neva. Bây giờ, đồng chí cố lập lại những gì chúng tôi vừa nói.
- Tôi bị tai nạn phi cơ, được chở đến bệnh viện Mỹ với cái tên là Boris Neva. Tôi sẽ được hồi hương trong 10 ngày. Tôi không được để lộ lý lịch của tôi. 
http://eTruyen.com

Đánh máy: Nguyễn Đ Thanh & Ct.Ly
Nguồn: Nhà xuất bản Lá Bối ngày 7- 10- 1968
casau - VNthuquan.net
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 15 tháng 10 năm 2014


© 2006 - 2024 eTruyen.com