Chương VII (3)
B- CHÍNH TRị

1- Quân chủ chuyên chế.
Tướng Chu Nguyên Chương rất xấu mặt như mặt heo, hồi nhỏ cực kỳ nghèo hèn- trái hẳn với Lý Thế Dân- mà lập được sự nghiệp vĩ đại, lên ngôi, nhờ thông minh, biết nhìn xa, khôn khéo nữa, liêm chính, nhất là cần mẫn, nhưng tự phụ, đa nghi, nóng nảy, tàn bạo. Hồi cuối đời ông viết:" Luôn ba mươi mốt năm, ta rán hoàn thành sứ mạng Thượng Đế giao cho vừa lo lắng, vừa sợ sệt, không một ngày nào được yên". Có thể vì tính khí ông như vậy mà ông hóa ra độc tài. Cũng có thể một phần vì ông muốn quét cho sạch những dấu vết, ảnh hưởng của nhà Nguyên.
Lên ngôi, ông bỏ ngay cơ quan Trung thư tỉnh và dĩ nhiên không dùng tể tướng( người cầm đầu cơ quan đó) nữa. Ông đích thân chỉ huy lục bộ: bộ lại, bộ lễ, bộ hình, bộ binh, bộ hộ, bộ công. Ông lập bốn điện( Văn hóa điện, Vũ anh điện, Trung cực điện, Kiến cực điện) và hai các ( Văn uyên các, Đông các) với chức đại học sĩ chỉ để làm cố vấn cho ông, chứ không có chút quyền hành gì cả.
Sau đời Thành tổ, các vua cởi mở một chút, cho các đại học sĩ ấy tham dự triều chính và gọi cơ quan của họ là nội các, đến cuối đời Minh, nội các bị các hoạn quan nắm lần lần. Nhà Minh lúc đó đã suy.
Cũng để củng cố chế độ chuyên chế, nhà Minh lập ra Đô sát viện. Cơ quan đó có tính cách độc lập, đặc biệt là nhân viên đều tuyển trong giới quan lại còn trẻ, chức thấp, có đức liêm chính. Họ có quyền trách hạch bách quan, biện minh oan uổng, tuần hành trong nước, vỗ về dân, quân. Mỗi năm họ đi thanh tra một lần trong nước, xét xem việc xử kiện và hành lễ ra sao, soát các trường học và các kho lúa, nhận những báo cáo của các quan và những lời kêu ca của dân. Họ có quyền trình bày thẳng với vua, được phép nói thẳng không phải tránh né ai hết, ngay cả những chiếu, lệnh của vua, nếu họ thấy có điều gì đáng xét lại, thì có thể xin vua sửa đổi. Tuy quyền rất lớn, được gọi là tai mắt của nhà vua, nhưng họ không được gì che chở cả, vẫn phải tùy thuộc thị hiếu nhất thời của vua, rồi sau khi giữ chức được ít năm, họ phải rời Đô sát viện, lãnh một chức khác, thường không cao, nên họ cũng chỉ như những quan lại khác, không dám trực ngôn mà phải tránh những cơn thịnh nộ của nhà vfua, nên Đô sát viện không hơn gì một cơ quan tình báo hay thanh tra của Quốc Dân đảng hay Cộng Sản ngày nay.
Vì các vua dầu nắm hết quyền hành, các vua sau vẫn giữ được ít nhiều tinh thần chuyên chế, kỷ k luật rất nghiêm đó, nên nhà Minh không bị các nạn quyền thần gian giảo, chỉ bị cái nạn nịnh thần và hoạn quan thôi, mà hoạn quan cũng không dám lần cái việc thoán thí như đời Đường.
Chế độ quân chủ của Trung Hoa có khuyết điểm là vua có quyền quá lớn, không có luật pháp nào cao hơn ông cả, không có hiến pháp hạn chế bớt quyền của ông. Cho nên vua mà tài giỏi, cương quyết thì dễ hóa ra độc tài hoặc tàn nhẫn, trái lại, nếu vô tài, nhu nhược thì bị bọn cận thần lấn lướt, lần lần cướp hết quyền, có hại cho dân hơn nữa.
Vì biết vậy, nên từ đời thượng cổ. Trung Hoa đã đặt ra chức thái sử, lựa những người có công tâm, không ham danh vọng, phú quý, nhất là không sợ chết, những người có " hạo khí " như Mạnh Tử nói, để giao cho chức đó. Nhiệm vụ của Thái sử có chép đúng tất cả ngôn, hành tốt cũng như xấu của nhà vua, và các đại thần, lưu lại đời sau, để khuyến lhích họ làm điều thiện và cảnh cáo họ làm điều ác. Thái sử muốn viết gì thì viết, miễn là đúng sự thực. Điểm đó tôi đã trình bày ở các trang trên.
Phương Hiếu Nhụ tuy không làm chức Thái sử mà cũng có tinh thần đó, thà chịu chết chứ không chịu thảo tờ chiếu lên ngôi cho Yên vương Lệ tức Thành tổ.
Nhưng đa số - nếu không phải là tất cả - những ông vua xấu đều bất chấp dư luận đương thời thì đâu có coi dư luận đời sau ra gì, nên thái độ của họ là: Thái sử chép gì thì chép, ta cứ làm theo ý ta, đời sau chê gì cũng mặc, ta đâu còn biết nữa.
Cho nên Trung Hoa lại đặt thêm chức gián quan, cũng lựa những người đạo đức, được nhiều người trọng, phong làm gián nghị đại phu để can vua những khi vua làm bậy. Họ có bổn phận vạch lỗi của vua, dù là ở giữa triều đình để cho mọi người thấy. Nhiều vị gián quan bị cách chức hay bị giết vì trực ngôn, và một số vua độc tài bải bỏ luôn chức đó. Hàn Dũ đời Đường không làm chức giám quan mà cjỉ vì can vua Hiến Tôn đừng rước tượng Phật, mà bài sớ dâng lên buổi sáng, buổi chiều bị đày đi miền Triều Châu liền, một miền thời đó còn man rợ.
Nhà Minh đặt ra Đô sát viện để kiểm soát việc làm của các quan mà cũng để thay chức gián quan nữa. Thái sử gián quan, đô sát đều là những biện pháp có mục đích hạn chế bớt quyền hành của vua nhưng gặp những ông vua tàn bạo, độc tài quá thì đều vô hiệu. Chỉ có mỗi một cách là lật đổ họ thôi, " cách cái mạng " của họ đi. Việc đó hoàng tộc, triều đình không làm thì nông dân sẽ làm.
2- BINH CHẾ
Quyền thông suốt quân đội thuộc về Đô Đốc phủ, sự điều khiền quân đội trong việc chinh phạt thuộc về Binh Bộ.
Các quan vô đa số là cha truyền con nối, họ được cấp phát đồn điền để hưởng lợi, triều đình khỏi phải trả lương, quân lính cũng được cấp cho ruộng để trồng trọt mà sống, mỗi năm phải luyện tập một thời gian, khi hữu sự thì chciến đấu. Như vậy không có lính chuyên nghiệp, cho nên quân đội nhà Minh không mạnh, cuối đời Minh sau hai trăm năm thái bình, chiến đấu rất dở. Các triều đại Trungb Hoa hầu hết đều có nhược điểm đó.
3- HÌNH PHÁP
Bộ Đại Minh luật phỏng theo luật của nhà Đường, chia làm lại luật ( luật xử các quan lại), hộ luật, lễ luật, binh luật, hình luật, công luật ( luật về công nghiệp). Cấm dùng những hình cắt mũi, xẻo tai, xâm vào mặt.... nhưng rất nghiêm khắc cới quan lại, nhiều vị đại thần vì lỡ xúc phạm nhà vua mà bị đánh trượng đến chết.
Việc hình ngục quan trọng thì phải qua ba phép ti: Hình bộ, Đô sát viện, Đại lý tự, như vậy là rất thận trọng.
3- GIÁO DỤC- THI CỬ
Bắc kinh và Nam kinh đều có Quốc tử giám ( các đời trước gọi là Quốc tử học). Giáo sư thì có chức Tế tữu, Tư nghiệp. Ở địa phương có các b viên giáo thụ, huấn đạo.
Thi cử thì cứ ba năm thì có một kỳ hương thí ở các tỉnh, vào mùa thu năm tí,ngọ, mão, dậu, trúng tuyển gọi là cử nhân, qua mùa xuân các năm sau ( sửu, mùi, thìn, tuất) thì có thi hội ở Bộ Lễ, trúng tuyển gọi là tiến sĩ, sau cùng có điện thí, cũng gọi là đình thí do đích thân nhà vua chấm, trúng tuyển thì là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Số trúng tuyển ở hương thí, b n hội thí luôn luôn được quyết định trước.
Đầu đời Minh, thi cử còn trọng thực dụng, có những môn kị xạ, thư, toán, luật; về sau chỉ chuyên dùng thi phú, lối văn tám vệ bát cổ) để lựa nhân tài
Như vậy ta thấy chính sách dạy dỗ và thi cử đời Nguyễn của ta chép đúng đời Minh bốn năm thế kỷ trước, từ cách tổ chức tới các danh từ, chức tước.
Nên ghi thêm rằng năm 1397 Chu Nguyên Chương bắt dân ở mỗi làng một tờ ghi sáu lệnh dân phải theo: " Phải
hiếu, phải kính trọng người già, thờ phụng tổ tiên, phải dạy con, phải yên ổn làm ăn.....". Năm 1670 vua Khang Hi nhà Thanh cũng ra một sắc lệnh gồm 16 điểm, đại khái như vậy, bà buộc các hương chức và kẻ sĩ trong làng cứ nửa tháng một lần đọc và giảng cho dân nghe.
5- CANH NÔNG - THUẾ
Khuyến nông và ức thương là chíng sách chung của các triều đại Trung Hoa. Người Mông Cổ rút đi rồi, để lại rất nhiều đất vô chủ, Chu Nguyên Chương đem phân phát cho nhân dân và lính ( để lập đồn điền) như vậy khỏi phải nuôi lính. Ông thường khoe rằng không mất một hột lúa mà nuôi được triệu dân. Việc đó tự nhiên, chằng có gì đáng khen. Về sau, ông chia đất cho cả bà con, bạn bè và những kẻ bợ đở ông nữa, có người được một khu đất mênh mông nuôi được 20.000 gia đình nông dân. Ông lại ban bổng lộc cho hoàng tộc như người Mông Cổ đã làm. Riêng ở Kinh Đô, những bổng lộc, trợ cấp đó, mỗi năm lên tới tám triệu " thạch lúa ", trên 150 triệu tấn, đã tốn kém cho quốc gia mà gây khió khăn về sự chuyên chở.
Ông phát bò và nông cụ cho các đồn điền, bắt dân miền Bắc cũng phải trồng bông vải như miền Nam, tùy chỗ trồng cả lúa mùa nữa, ông làm lại công việc thủy lợi, lập những kho trữ k lúa phòng năm đói kém. Tới cuối đời ông, một nửa diện tích đất ruộng được trồng trọt, sự sản xuất ngụ cốc gấp hai đời Nguyên.
Ông lấy bớt đất của bọn đại điền chủ, của chùa chiền ( mặc dù hồi nhỏ ông ở chùa), nhưng biện pháp đó ông không áp dụng được đến nơi đến chốn, đặc biệt là ở miền Thượng Hải ngày nay, vì miền này trước có nhiều nhà giàu giúp tiền, lúa cho ông để đánh Mông Cổ, bây giờ ông không thể quá mạnh tay với họ được.
Ông ban hành những sắc lệnh ngăn chặn sự bóc lột của thương nhân giàu nhất đa số là ngoại nhân. Họ bị trục xuất ra khỏi cõi, hoặc bị giết. Nhưng một số dùng tiền chạy chọt, xin nhập tịch Trung Hoa, mang tên Trung Hoa và được yên ổn.
Về công nghiệp, ông tổ chức lại các phường thủ công.
THUẾ
Có hai thứ: thuế điền và thuế đinh, Chu Nguyên Chương cho đạc điền lại, lập số điền, kiểm tra lại dân số, lập số đinh, và cứ theo hai số đó trúng thuế.
Mỗi năm thu thuế hai kỳ: Thuê điền nộp bằng tiền hay lụa, thay lúa. Ruộng chia làm hai loại ruộng, quan điền của các quan, và dân điền của dân tự cày cấy.Đời Chu Nguyên Chương thuế quan điền gấp rưỡi thuế dân điền.
Con trai 16 tuổi thì thành đinh, phải làm tạp dịch ( làm xâu) cho tới 60 tuổi, nếu không muốn làm thì đóng một số thuế, số thuế đó dùng để thuê người làm thay.
Nhà Minh lập chế độ lí giáp. Mười nhà họp thành một giáp, 11 giáp ( 110 nhà) họp thành một lí. Mỗi lí cử ra 10 nhà làm giáp trưởng ( thường là những gia đình khá giả, mỗi nhà đó điều khiển một giáp 10 nhà.Mỗi năm lại thay phiên nhau, mười năm hết một vòng, trở lại như cũ. Chế độ tựa như chế độ bảo giáp trưởng không có trách nhiệm về an ninh trong giáp mà chỉ có bổn phận theo số điền, số đinh của mỗi giáp mà thu thuế.
Đầu đời Minh, ngoài tjhuế điền, thuế đinh, dân còn phải nộp nhiều thứ thuế lặt vặt khác, rất mất thì giờ cho người thu thuế, cả cho dân nữa. Đời Thần Tôn có một sự cải cách, gom tất cả các thứ thuế dân phải đóng làm một thứ thôi, và nộp bằng tiền. Biện pháp để gọi là "nhất điền tiên pháp" " phép quất một roi một" (1)
Nó tiện cả cả cho dân lẫn triều đình, nhưng kẻ thừa hành mà xấu thì biện pháp tốt tới mấy cũng hóa xấu
Việc giáp trưởng ( coi 10 giáp ) có thể khai báo bậy, sửa đổi số điền, số đinh, hiếp đáp người nghèo và vào phe cánh với người giàu mà sinh ra tình trạng bất công. Có vài tỉnh dùng nhân viên thu thuế của chính quyền, họ cũng không tốt gì hơn.
Tới cuối đời Minh, triều đình thiếu tiền quá, phải tăng thuế, nhất là đặt thêm những thuế mới, không còn là " quất một roi một" nữa, mà là quất thêm nhiều roi nữa.
6. Theo tách giả East Asia - The Great tradition, thì số quan lại đời Thanh ở các tỉnh có 2.000 chức quan trọng và khoảng 3.000 chức nhỏ, thêm vào quan lớn nhỏ ở trung ương, thì hết thảy có khoảng 20.000 quan lại vào năm 1800. Đời Minh số quan lại còn ít hơn. Các sử gia phương Tây đều phục Trung Hoa có tài tổ chức chỉ dùng rất ít quan lại mà giữ được trật tự trong một đế quốc mênh mông. Như vậy là nhờ triều đình theo truyền thống từ đời Chu, theo truyền thuyết của Khổng tử, nhất là của Lão tử, ít can thiệp vào đời sống của dân, cho các làng tự lập hương ước mà gần như tự trị ( nước ta thời xưa cũng theo chính trị đó: phép vua thua lệ làng) và cũng nhờ các kẻ sĩ ở mỗi làng, tổng, huyện... được dân tin, giúp chính quyền được nhiều việc cai trị, giáo dục, hòa giải các vụ kiện, trị bệnh, giữ an ninh..... Họ được dân trọng hơn các quan lại mà quan lại cũng nể họ. Đó là một nét đẹp của xã hội phương Đông.
(1) Theo tác giả East Asia - The great tradition ( Havard university) thì chính là I.t'ine pien ( nhất điều biện) nghĩa là gom lại một điều nhưng pien đọc chạnh ra là tiên ( roi) - một lối chơi chữ - và nghĩa là đánh một roi