Tan tầm, tôi về nhà dựng xẻng vào sau cánh cửa, nhìn thấy chiếc roi ngựa còn treo trên vách, chiếc roi đã bám đầy một lớp bụi mỏng. Tôi liền kéo cả roi nhổ cả đinh xuống, bẻ gãy đôi ra, ném thẳng ra ngoài cửa. - Anh đã về đấy à? Cô ngồi ở ghế đẩu, trước mặt là một chiếc giỏ đựng đầy trứng vịt, cười hỏi tôi. - Ừ! Vừa mới về. - Bán mất ngựa anh tiếc lắm nhỉ? Cô nhặt từng chiếc trứng vịt xếp vào trong vại. Vại đựng nước muối đã đun sôi, để nguội vừa phải. - Có gì mà tiếc? Đến người, anh cũng chẳng tiếc nữa là! Căn phòng nóng hừng hực, chiếc nắp lò đốt đến rực hồng. Tôi đưa tay trên lò để sưởi ấm một lát, rồi nhắm hai mắt lại, đưa tay áp lên má. Tôi cảm thấy một cơn choáng váng ngây ngất đến là dễ chịu. Đây chính là chút ấm áp nhỏ bé đến thảm hại mà ai ai cũng cần có. Nhưng con người sáng tạo ra tất cả, thì cũng bị tất cả những gì nó sáng tạo ra buộc chặt lấy. Ngọn lửa lò chiều đông này, những cái vại cái chum kia, cho đến hai gian buồng đây, đêu dành cho tôi hưởng thụ, nhưng tôi phải đem tự do của mình ra trả giá. - Em đang ủ trứng muối cho anh đấy, anh xem này! Cô nói sau lưng tôi. - Có gì mà phải xem! Tôi mở to hai mắt, liếc nhìn cô với vẻ thờ ơ. Cô không hề cụt hứng, ngừng một lát, lại cười bảo: - Ngày giờ thấm thoát đến là nhanh, mới ngày nào chúng mình mới cưới nhau, mua mấy ả vịt con, bây giờ đã đẻ hơn bao nhiêu là trứng rồi. Đúng thế. Con mèo con đã lớn, giờ đây đang ung dung nhàn nhã nằm trên bệ lò, lim dim mắt ngáy o o. Nó chính là con mèo mun chui qua dưới háng Tào Học Nghĩa cái đêm hôm ấy! Cũng như con ngựa Xám, nó đã chứng kiến biết bao nhiêu là sự việc. Ở trên đời này, con người ta sợ nhất là con người, chứ không phải là con vật, kể cả loài thú dữ. Cô cúi đầu, tiếp tục nhặt trứng xếp vào vại. Trứng không chịu chìm xuống, cứ nổi lập lờ trong muối, thành một lớp trắng ngà. Cô hỏi bằng một giọng hân hoan: - Em nghe nói, người miền Nam đều thích ăn trứng muối, có đúng thế không? Tôi hứ một tiếng bằng mũi, rồi bảo: - Em nghe được nhiều quá đấy! Cô ngẩng đầu lên lườm tôi một cái, cặp mắt như tối sầm lại. Một lát sau, cô xị mặt rụt rè trách móc tôi: - Em nói câu gì anh cấm có quên! - Nói thì có thể dễ quên, nhưng việc làm thì khó mà quên được lằm! Nói đoạn, tôi vém rèm cửa bước vào gian trong, ngồi xuống cạnh chiếc bàn làm bằng cánh cửa của tôi, lôi cuốn sổ ghi chép ngoài bìa in dòng chữ “ Nhật ký Hồng vệ binh ” ra, giở ra trước mặt. Niềm vui, viết lách không hoàn toàn ở chỗ viết ra được cái gì, mà quá nửa là ở trong quá trình viết. Phân tích, tổng hợp, suy lý, phán đoán, những hoạt động ấy của đại não, cũng tựa như vận động thể dục, chẳng cứ phải dành được ngôi thứ mới khiến người ta vui sướng, mà chính là trong hoạt động cúa các bộ phận cơ thể, người ta được hưởng niềm vui của việc phát huy sức sống. Ngót hai chục năm nay ngoài những thứ như “ bản tự kiểm điểm ”, “ tờ kiểm thảo ”, “ báo cáo tư tưởng ” hằng tuần,” báo cáo ” xin thêm tiêu chuẩn gạo và lá đơn “ xin kết hôn ” kia, cùng với những bài “đại phê phán ” chép hộ người khác ấy ra, tôi chưa hề viết được một dòng chữ nào hẳn hoi đứng đắn. Có lẽ, đây chính là thủ đoạn cải tạo tôi và mục đích tôi chịu cải tạo? Bóc rời văn hoá ra khỏi con người cũng giống như lột da con thú vậy, quá trình đó đối với con người bị bóc mà nói thì thật là đau khổ, nhưng về phía thợ săn mà nói thì lại là nhất thiết phải tiến hành. Nhưng bốn tháng trước đây, sau khi nguy cơ nước lũ đã qua đi, sau khi tôi lại trở thành con người bình thường, tôi đã bắt đầu cầm lấy cây bút. Mấy hôm đầu, ngòi bút sao mà khó khăn ngắc ngứ thế, cơ hồ như viết được một chữ lại ngừng mất một lúc, có lẽ người xưa khằc chữ lên thẻ tre cũng giống như vậy thôi. Bộ máy truyền động giữa đại não với ngón tay đã phát sinh sự cố nghiêm trọng, đã han gỉ, hơn thế nữa đã gỉ kết lại. Những điều đã nghĩ được ở trong óc, những lời đã có thể nói ra được đầu lưỡi, mà không tài nào biến thành chữ viết một cách suôn sẻ, hai mắt cứ phải chong chong rướn lên, mãi nhìn vào không trung tìm kiếm từng chữ một. Nhưng chẳng bao lâu, nhờ vận động thường xuyên, bộ máy truyền động ấy đã dần dần trở nên nhạy bén hơn. Những con chữ mới lạ cũng thành ra quen thuộc trở lại trường hợp mà con người chưa được chuyện trò giao tiếp thoải mái, thì việc một mình ngồi viết đã trở nên thủ đoạn trợ lực cho tư tưởng có hiệu quả nhất. Một khái niệm nào đó trong óc, xuống đến đầu ngòi bút, hoá thành một con chữ khối vuông ghép bằng những chấm, ngang, sổ, hất, móc..v..v.., lập tức biến thành một tồn tại khách quan độc lập bên ngoài chủ thể, tự nhiên buộc anh đi tìm tòi nghiên cứu mối liên hệ của nó với những khái niệm khác. Sau đó ghép những con chữ khối vuống ấy với nhau, xâu chuỗi nó lại. Những suy nghĩ lung tung lộn xộn, điều linh cảm của lý tính giây lát, bước đột biến của nhận thức nẩy sinh từ một câu nào đọc được trong sách, thậm chí những điều sằng bậy của người ngớ ngẩn, những tiếng ú ớ của kẻ ngủ mê, đều có thể qua ngòi bút mà sắp đặt ngay ngắn, ngăn nắp hàng lối hẳn hoi. Ngoài cái sung sướng của thị giác, thính giác, vị giác và xúc giác ra, còn có cái sung sướng của lý trí được vận hành. Niềm vui sướng ấy chẳng phải là do có được một kết quả tư tưởng nào đó, mà là do nhìn thấy một ánh chớp của lý tính chỉ riêng con người mới có, nhìn thấy được ánh chớp ấy ở ngay cái nơi mà thị giác không thể thấu tới được, ở ngay cái nơi sâu thẳm thường bị cái gánh nặng cuộc đời che lấp đi. Hơn thế nữa, bị gạt ra ngoài nhân quần chẳng phải là điều gì tệ hại ghê gớm mà chính là dành được quyền tự do của tư tưởng, khiến lý tính được hoàn toàn thuần khiết. Lý tính được thuần khiết ấy ban đầu chỉ lập loè như ma trơi, sau đó thì mạnh dần lên mãi. Nó không khai phá con đường đi, nhưng nó có thể rọi sáng phía trước. Nhưng con đường đi về phía trước càng hiểm trở gian nan hơn. Hôm nay, tôi không định viết cái gì cả. Nói là tư tưởng rất loạn thì không hẳn đúng, phải nói là đang ấp ủ quyết tâm cho chín mùi thì đúng hơn. Tôi gấp cuốn sổ vào, chẳng buồn cởi áo bông, cứ thế nằm kềnh ra giường. Cái cổ áo bông mềm mềm cọ vào má tôi. Cái áo bông này là do cô tỉ mẩn từng mũi kim khâu cho. Đúng như cô từng nói một cách đắc ý: “ Dễ thường hai chục năm nay, anh chưa bao giờ được mặc chiếc áo bông ấm áp như thế này nhỉ ”. Dĩ nhiên là Mã Anh Hoa cũng đã từng khâu cho tôi một chiếc quần ấm bằng dạ, nhưng chuyện ấy đã xa xôi mờ nhạt như xảy ra từ đầu thế kỷ trước, mờ nhạt và xa xôi đến nỗi tôi nghi nghi hoặc hoặc, không biết việc ấy có xảy ra hay không. Còn giờ đây, chiếc áo bông này thì có thực một trăm phần trăm. Đàn bà thật khéo biết dùng mũi kim sợi chỉ khâu chặt anh vào cơ thể họ. Cứ mặc đến nó, là tự nhiên anh nhớ tới cái dáng dấp đặc biệt rất đàn bà của cô, ngồi cặm cụi dưới ngọn đèn kia, ngón tay cái và ngón trỏ kẹp chặt lấy cái kim, còn ngón tay út thì khều sợi chỉ lên. Bởi thế từng mũi kim sợi chỉ ấy đã khâu vào cả mùi hương thơm thoang thoảng, cả tình cảm dịu dàng lẫn tâm hồn phong cách của cô. Không phải là vải và bông đang phủ ấm ngực anh, mà là đôi tay xinh xắn ấm nóng hừng hực của cô đang ôm ghì và ấp ủ anh đó. “ Cuộc sống há lại chỉ có chén thịt cừu thôi ư? ”. Thế nhưng, ăn rốt cuộc vẫn rất quan trọng, đặc biệt là đối với người nghèo chúng ta. Mỗi người ở nông trường, hai tháng chỉ được cung cấp một lạng dầu ăn. Cứ đến đầu tháng, Hà Lệ Phương lại chửi đổng: - Mẹ nó chứ! Chúng mình đi lĩnh dầu ăn thì chỉ đem cái lọ thuốc đau mắt đi là đủ. Mỗi bữa xào rau thì nhỏ vào chảo một giọt là được. Vậy mà Hương Cửu lại nhịn mốt cái lạng dầu ăn ấy để nhường cho tôi. Cô chưng riêng chỗ dầu ăn ấy lên, rắc hành vào, thành một thứ nước hàng ngầy ngậy, mỗi bữa ăn lại rưới một tí vào bát mì sợi của tôi. Cô không hề ăn một tí nào, mỗi lần rưới nước hàng vào bát tôi xong, chỉ liếm qua cái cùi dìa. Động tác ấy có phần quê kệch khó coi, nhưng nó lại biểu hiện lòng yêu thương chăm sóc của cô dành cho tôi. Cô là người đàn bà quyết biểu hiện ra cho bằng được tình yêu của cô, để anh biết cho thật rõ ràng và chính xác sức nặng và mức độ tình yêu của cô. Chút thịt ít ỏi đến thảm hại nông trường chia cho, cô cũng chẳng ăn bao giờ, chỉ gặm cái xương thôi. Tôi thường cảm thấy tình yêu như vậy đối với tôi là một sức ép, là một sự chịu đựng, nhưng cô lại thường an ủi tôi rằng: - Em không ăn thịt, không ăn dầu vẫn khoẻ như thường, anh không thấy bây giờ em béo đẫy ra đấy ư? – Cô bắt tôi nắn thử cánh tay cô – Em nghe nói, đàn ông tiêu hao nhiều hơn đàn bà. Anh đã ở đội lao cải mãi, còn không biết hay sao? Đúng, năm 60 chết trong đội lao cải, phần lớn là đàn ông. Tóm lại sau khi kết hôn với cô, những thói quen của tôi trước kia hồi còn độc thân nay bỗng nhiên bị ngắt đứt đi để chắp vào đó tập quán sinh hoạt gia đình. Nói cho thật chính xác, thì những tập quán sinh hoạt gia đình ấy đều là do cô bồi dưỡng cho tôi. Và nếu nói cho sâu sắc hơn, thì mọi thứ trong sinh hoạt của tôi đều dựa hẳn vào cô; tôi đã bị cô cưng chiều thành ra mất nết đi rồi. Tấm áo bông ấm áp này, chiếc áo lót giặt sạch thơm phứt kia, chăn này, đệm này, khăn trải giường này, cho đến cả chiếc giường lò, và mọi thứ trong nhà, thậm chí cả chiếc lọ kem thoa mặt trắng muốt như ngọc, chiếc rèm cửa sổ may bằng vải hoa rẻ tiền kia, tất cả đều một tay cô sắm sửa, nhưng lại đã làm nên nội dung cuộc sống của tôi. Cô đã sáng tạo nên cái tổ ấm gia đình xinh xắn này, một cách hoàn toàn tự chủ theo đúng quan niệm của cô về gia đình, rồi thả tôi vào trong đó, và tôi cũng đã thích ứng với nó, trở thành một bộ phận của nó. Muốn thoát khỏi nó đâu phải dễ dàng, bởi vì như vậy trước tiên tôi phải thoát khỏi chính mình. Tâm trí hoàn toàn trống rỗng, tôi ngước nhìn lên cái trần nhà dán bằng giấy báo. Trên đó chi chít toàn chữ là chữ, nhưng không có lấy một dòng nào giải thích về cuộc sống và chỉ dẫn cho con người ta nên sống như thế nào. Mười mấy năm nay, người ta đã nói hết sức đứng đắn nghiêm chỉnh biết bao điều vô bổ cùng với biết bao điều khoác lác, mà nói cứ như thật ấy! Vô số những điều vô bổ và những điều dối trá ấy đã thêu dệt nên một thế giới hư ảo mà cũng là một thế giới thật rùng rợn. Tôi như đang sống giữa hai thế giới, một thế giới chân thực, tức là cảnh ngộ tôi hiện tại, và một thế giới giả dối, như chính cái thế giới giả dối ấy lại chi phối cuộc đời tôi, quyết định cuộc sống và cái chết của tôi. Tôi chẳng những phải thoát khỏi cái thế giới ấy, mà còn phải vượt ra ngoài cái thế giới đó. Giữa lúc tiền đồ còn mờ mịt, mưa gió hãi hùng này, cái thế giới này há cũng chẳng đáng cho tôi lưu luyến lắm sao…Cô bất chợt vén rèm cửa lao vào. - Tôi nói cho anh biết – Cô ngồi xuống giường sắc mặt hầm hầm – Anh đừng có mà ôm khư khư lấy cái việc cũ kia của tôi, không chịu buông tha. Anh cũng có cái để cho người ta túm gáy đấy! Cô còn đang cài váy, nên bộ ngực đầy đặn của cô càng nhô cao lên khác thường, hai bàn tay bôi đầy kem nẻ, xoa lấy xoa để, như đang vặn vẹo đôi tay mình một cách đau khổ. - Cái gì cơ? Tôi ngồi ngay dậy, không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Tôi đã quên phứt câu nói của tôi xúc phạm cô vừa rồi. - Tôi nói cho anh biết, anh mà cứ túm chặt lấy chuyện cũ của tôi để nằng nặc đòi ly hôn với tôi, thì tôi cũng sẽ túm chặt lấy cái việc hiện nay của anh, cả hai chúng mình rồi chẳng ai tốt đẹp gì đâu! Đôi mắt cô nẩy lửa, chất chứa oán hờn, không hề có một giọt nước mắt, nhưng xem chừng sắp khóc đến nơi. - Tôi….tôi hiện nay có việc gì? Lẽ ra tôi phải lường trước được rằng cô sắp nổi cơn tam bành. Cô thường khi cứ dịu dàng ngoan ngoãn, giống như dòng nước êm đềm kia, nhưng vẫn dần dần tích tụ sức lực cho đền khi đủ mạnh thì thình lình phá vỡ tung toé. Cơn tam bành này của cô, có lẽ đã được tích tụ ngay từ khi cô đang ngâm trứng muối kia, trứng ngâm xong thì cơn giận đã được tích tụ đầy đủ. - Hừ! Tối nào anh cũng cặm cụi hí húi viết, anh viết cái gì thế? Tôi xem ra cái nhà này rồi đến bại hoại tan nát trong bàn tay anh mất thôi! - Buổi tối không có việc gì làm, tôi viết mấy dòng, thì liên quan gì đến cô. Tôi cố làm ra vẻ bình tĩnh hỏi lại cô. - Tất nhiên là có liên quan đến tôi chứ! Liên quan quá đi chứ! – Cô gào lên – Anh phải biết rằng, bây giờ anh chẳng phải có một thân một mình đâu; anh đã có gia đình, trong gia đình có hai người… Tôi hít vào một hơi thật sâu: quả có thế, là hai con người! Điều này tại sao lâu nay tôi không nghĩ tới nhỉ? Lại dấu béng đi một người, rồi bắt cô phải gánh lấy trách nhiệm. Nhưng cô đã nói tiếp: - Hừ! Anh đừng tưởng tôi không biết nhá! Đêm đêm, người anh nằm trên bụng tôi, nhưng lòng dạ anh thì bay đi tận đẩu tận đâu, ai mà biết được! Tôi nhếch mép cười khinh bỉ, và lập tức bỏ ngay cái ý định toan nói rõ hết mọi điều với cô. - Buồn cười nhỉ! – Tôi nói – Tôi đã nói từ lâu, rằng cảm giác của cô nói kỳ lạ lắm, khác người lắm! - Anh đừng có mà đánh trống lảng! – Cô nói với một sắc mặt rất nghiêm chỉnh – Tôi đã nói với anh ngay từ đầu rằng, chúng mình đừng nên sinh sự với nhau, đừng nên bới chuyện ra, nhưng anh không chịu nghe, cứ đi mua cái chết! Có biết bao nhiêu người chỉ vì trót viết nhật ký mà bị tống cổ vào đội lao cải rồi, anh còn không biết ư? Tội vạ ấy anh è cổ ra chịu chưa đủ hay sao? - Chưa đủ! - Tôi nói liều một cách lỳ lợm. - Thế cũng được. Miễn là anh bỏ qua chuyện cũ cho tôi, thì có phải chết, tôi sẵn sàng chết theo anh. Trong giây phút đó, tôi cảm thấy tình cảm mình xúc động. Đó là câu chuyện từ xa xưa cho mãi đến thời hiện đại vẫn lặp đi lặp lại mãi. Hay là cứ nói quách cho cô rõ tôi đang nghĩ gì, tôi đang làm gì? Nhưng liệu cô có phải là người như vậy không? Rất tự nhiên, tôi liếc nhìn cô một cách vô ý thức: xinh đẹp, khêu gợi, nhưng lại ngu xuẩn. Cô luôn có thể khêu gợi sự thích thú của những gã đàn ông loại như Tào Học Nghĩa, và dễ dàng bị cám dỗ. Trong óc tôi hiện lên hình ảnh một con người, một anh giáo viên tiểu học đã từng viết một bài thơ ca ngợi tình yêu. Anh ta cũng bị tống vào đội lao cải với tôi trong ba năm vì tội “ ngôn luận phản cách mạng ” mà người tố giác chính là vợ anh ta. Tôi bĩu môi đáp: - Thôi được rồi, có gì ghê gớm đến thế đâu? Thật thà mà nói; tôi chỉ sợ, quên hết chữ nghĩa học được ngày xưa, nên mới viết nhăng cuội đấy thôi…. - Anh chẳng bảo những chuyện trước kia anh không thể nào quên đó sao? – Trên gương mặt cô thoáng một nét cười cay độc, nhưng chỉ thoáng qua rồi tan biến đi ngay, để lộ hai hàm răng trắng muốt. Cô nói với một giọng rất hung hăng - Viết mấy câu nhăng cuội! Anh viết cái gì thì chỉ có anh biết lấy! Có chữ nào dòng nào của anh mà không chống đối lại việc phê phán pháp quyền tư sản, phê phán Tống Giang kia chứ?! Chẳng gì thì tôi cũng đã học đến trung học rồi! Chưa hết đâu! Tôi mua cho anh cái đài, tưởng để anh nghe kịch nghe hát cho đỡ buồn, nhưng mà anh thì tối nào cũng chụp cái tai nghe lên, y như thằng đặc vụ ấy, anh làm cái gì thế?…. - Thôi được, thôi được! Tôi không định cãi nhau với cô! Tôi hốt hoảng ngăn cô đừng to tiếng ầm ỹ lên, rồi nằm hẳn xuống giường tỏ ý đình chiến. - Thế anh định làm gì? Anh định làm cái gì? – Cô quay người lại, nhìn thẳng vào tôi, hỏi dồn một chập. Tôi nhìn thấy mắt cô ươn ướt. Nhưng cô đã kìm nước mắt không để nó ứa ra. “ Tôi định rời bỏ cô! Chẳng những rời bỏ cô, tôi còn muốn rời bỏ nơi này! ”. Nhưng tôi không nói ra, hai mắt tôi đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Ở nơi xa tít tắp kia, trên bầu trời cao cao màu tro kia, có cái gì đó khiến lòng tôi nôn nao. Bên ngoài cửa sổ chỉ có một chú chim sẻ đang chiêm chiếp kêu, bay lướt qua trong gió rét. Căn buồng này thật ấm áp, nhưng tôi sẵn sàng đánh đổi với chú chim kia. - Tôi những tưởng rằng anh không như những thằng đàn ông khác, anh biết điều biết nghĩ hơn, anh không nhỏ nhen tẹp nhẹp như họ - Cô ngồi bên mép giường kể lể - Tôi nói cho anh biết, bao nhiêu lần những khi anh ngủ say, tôi ngồi bên cạnh anh, tôi sờ anh, tôi thơm anh…nhưng kết quả là anh cũng như những thằng đàn ông vô học kia thôi! Bây giờ anh khỏi rồi, anh bây giờ đã là người hẳn hoi rồi, tôi chỉ trót dại có lần ấy thôi, vậy mà anh cứ túm chặt lấy không tha, cứ nẹt nhau mãi. Tôi nói cho anh biết, không dễ dàng như thế đâu! Những việc anh làm đó, chỉ cần tôi hé ra một tiếng với trên, thì Chương Vĩnh Lân chẳng còn là Chương Vĩnh Lân nữa đâu! Hứ! Anh tưởng rằng tôi ngốc lắm sao? Anh tưởng tôi không biết những ngày này anh có những mưu ma chước quỷ gì ư? Anh tưởng gái này dễ mà phủi bỏ lắm sao?….Không tin anh cứ thử xem! Những điều kể lể con gà con kê của cô vừa khiến tôi mủi lòng, lại vừa khiến tôi bực bội. Tôi không muốn nhìn cô, nhưng cô cứ nhất định nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Lúc dịu dàng ngoan ngoãn thì cô là một con mèo nhỏ, nằm gọn trong lòng anh, mặc anh tha hồ sờ mó vuốt ve. Nhưng lúc gây sự thì cô là con dế bất trị, cứ nằng nặc mặt đối mặt, đầu đối đầu, chọi nhau với anh một phen sống chết. Đôi mắt cô thâm trầm mà kiên quyết, nhưng trên má đã ngoằn ngoèo hai dòng lệ yếu đuối. Đúng cô chính là như vậy đấy, đấy chính là cô! Ôi tình yêu! Hai tiếng ấy, bao nhiêu cuốn tiểu thuyết dày cộm đã nhắc đi nhắc lại hàng triệu lần hàng tỉ lần, hai tiếng ấy miệng cô chưa từng thốt lên bao giờ. Thế nhưng, đây đích thực là tình yêu của cô, cô yêu đến mức dã man và độc đoán. Tình yêu, quả là thứ vừa khiến người ta quyến luyến vừa khiến người ta chán ghét. Không có không ổn, nhưng thừa thãi quá thì chịu không nổi! - Hừ! – Tôi lạnh lùng cười khẩy - Chỉ trót dại một lần ấy thôi! Giết người thì cũng chỉ cần một nhát dao là đủ. Chỉ một lần của cô cũng đủ chết điếng cả trái tim tôi rồi. Không sao lành được nữa. Cô lại còn toan đi tố giác tôi, tôi xem cô có dám? Hễ cô hé răng nói với ai một tiếng, thì chúng ta chẳng còn vợ chồng gì nữa hết! - Rồi anh xem tôi dám hay không dám! – Cô nói. Trong đôi mắt cô có một thoáng ngập ngừng, một tia bối rối. Cô không biết làm thế nào cứu vãn tình thế bây giờ, nhưng lại không muốn tỏ ra yếu thế. Cô đã nhận ra vẻ lạnh lùng nghiêm khắc trong ánh mắt tôi, nhưng chưa thấy được nguyên nhân của sự nghiêm khắc lạnh lùng ấy. Cô không hiểu tôi. Cô chỉ coi tôi như một phần của cô, bởi thế cô không hiểu được cả bản thân cô. - Hễ anh còn nhắc đến chuyện cũ của tôi, thì anh sẽ biết tôi dám hay không dám – Cô nhắc lại. - Cô thật không hiểu gì cả. Việc của tôi với chuyện của cô là hai cái hoàn toàn khác nhau! Thế nào? Cô còn muốn lấy việc đó ra để bắt nẹt tôi nữa không? - Đấy! Thì tôi cứ nhất định bắt nẹt anh đấy! – Cô bỗng đổi giọng, giở trò ăn vạ lý sự cùn – Anh định thế nào? Anh tưởng muốn rảy tôi ra là dễ lắm đấy phỏng? - Tôi vốn chẳng hề muốn rãy cô, thế nhưng cô đã giở đến cái giọng ấy, thì dù cô chưa làm như vậy, tôi cũng dứt khoát không rảy cô đi không xong! Tự trong lòng cô, cô biết rõ đấy: ý định cáo giác tôi, cô đã nuôi sẵn trong lòng từ lâu! –Tôi co hai đầu gối lại và rút ra một điếu thuốc lá. Không có cái cớ nào tốt hơn như vậy để tôi rời khỏi cô, tôi nghĩ vậy. Mặt cô bỗng nhiên bệch ra, tái đi vì tức giận, ngúng ngoảy mấy cái trên giường, rồi cuối cùng quyết định nhảy chồm dậy như một con mèo. Tôi tưởng cô sẽ chồm tới vồ lấy tôi, nhưng không, cô lao ra chiếc bàn viết làm bằng cánh cửa, vồ lấy quyển sổ ghi chép của tôi ghì chặt vào ngực. Tôi nhỏm dậy, trỏ ngón tay vào cô: - Cô chả việc gì phải ghì chặt thế, không ai thèm dành với cô đâu! Nói xong, tôi lại nằm xuống châm thuốc, quẳng que diêm ra cửa, tiện tay trỏ ra cửa nói: - Tôi xem cô có đặt bước chân ra ngoài không chỉ cần một bước thôi! Tôi biết cô sẽ không bước ra ngoài, nhưng tôi vẫn mong cô làm như vậy. Tôi cần có một hành vi trái lẽ của cô để an ủi lương tâm của tôi. Lúc định rời khỏi một con người, tốt nhất là để cho người ấy làm một việc gì đó tổn hại đến anh trước. Cô ngập ngừng do dự, trong chốc lát không biết làm thế nào cho phải. Tôi lại chỉ tay ra cửa: - Cô có giỏi! Tôi chờ cô bước ra một bước đấy! - Thế anh còn nhắc lại chuyện cũ của tôi nữa không? – Cô hỏi. - Sao lại không nhắc? Tôi đã nói rồi, chuyện của cô với việc của tôi hoàn toàn khác hẳn nhau. Khuôn mặt cô vụt thay đổi hẳn, cơ hồ không nhận ra được nữa, trở nên hoàn toàn xa lạ. Đó là một khuôn mặt đã mất hết lý trí. Cô ôm lấy quyển sổ ghi chép của tôi chạy ra cửa thật rồi, vừa chạy vừa khóc tức tưởi. Tôi ngồi dậy, quẳng thuốc lá, lắng nghe động tĩnh của cô. Cô chạy đến gian nhà ngoài thì dừng lại, nằm bò ra chiếc bàn ăn mà bù lu bù loa lên. Chiếc bình hoa rung lên lanh canh. Cái hố ngăn cách đã được khơi ra, nên lấp hay đào sâu thêm? Tôi đứng bên bờ miệng hố ấy, nhìn xuống phía dưới, đầu choáng mắt hoa, nhưng dưới đáy hố dường như có một lực hút rất mạnh. Tôi chỉ lao mình xuống dưới đó thì mới thoát ra khỏi hai cái thế giới kia, để đến một vùng trời đất mới hoặc giả lại lao đầu vào cái địa ngục mà tôi từng quen thuộc. Thế là tôi bèn làm ra vẻ hoảng hốt, nhảy từ trên giường lò xuống, bước hai bước ra đến gian ngoài, làm bộ như muốn giằng lấy cuốn sổ. Cô vốn chỉ dừng lại ở đó, tôi đã không đánh giá sai tình hình: thấy tôi xông ra ngoài, cô lập tức nhảy lên, lại ôm lấy cuốn sổ của tôi, toan mở cửa buồng ngoài, tựa hồ như sắp cầm cái bằng chứng phạm tội đó chạy đi tố cáo. Tôi đưa tay tóm được lấy cô, cô càng ra sức vùng vẫy giãy giụa trong vòng tay tôi. Tấm thân kiều diễm từng kích thích tình dục tôi nổi lên đó, lúc này đây trở nên cứng đờ, thô bạo dữ dằn, đầy thù hằn, vừa dễ ghét vừa dễ sợ. Tôi định cướp lấy quyển nhật ký kia, còn cô hai tay ghì chặt, giữ riệt lấy không buông. Chúng tôi, kẻ kéo qua, người lôi lại. Tấn trò mới diễn đến đó, thì kịch bản bị đứt nửa chừng. Diễn viên chẳng biết nên diễn tiếp ra sao nữa, đành ai nấy bằng vào bản năng của mình mà nhập vai diễn rất thật cái tấn trò giả ấy. Giữa lúc đó, cửa bật mở. Đen ở đâu nghiêng người lách vào. Chúng tôi đều quá bất ngờ, không kịp đề phòng, vẫn giằng co nhau. Chỉ nhác trông qua, cậu ta đã biết ngay là chúng tôi đang giằng nhau cái gì. Cậu ta khẽ tách các ngón tay của cô ra và nói rành rọt: - Cứ bỏ ra! Hoàng Hương Cửu, có chuyện gì cứ nói cho hẳn hoi chư! Cô nhét cuốn nhật ký vào áo tôi, rồi vừa khóc vừa chạy vào buồng trong. Đen đưa mắt cho tôi hiểu ý. Tôi nhét cuốn sổ ghi chép vào túi áo bông, điều chỉnh lại nhịp thở, rồi theo Đen đi ra ngoài. Gió mùa đông đang khoe hết uy lực của mình, gầm rít dữ dội, thổi tung cỏ khô từ ngoài bãi hoang vào trong xóm nhỏ, và xua hết rác rưởi trong xóm ra đồng. Con đường đất ngoài xóm, cuộn tung đất bụi vàng khè, từng trận mù mịt phả vào rừng cây trơ cành trụi lá. Hai chúng tôi kiếm được một góc kín gió, ngồi xổm xuống bên nhau, mỗi đứa đều xoay xoay để chắn gió, châm thuốc hút. Rít xong mấy hơi thuốc, Đen nheo nheo mắt nói: - Tớ thì không trông thấy gì, cũng chưa biết chuyện gì cả. Tớ cũng chẳng hỏi cậu chép cái gì trong đó – Anh đắn đo một chút, nhổ một bãi nước bọt – Nhưng đại loại những việc như vậy tớ đã từng đã trải qua, đ.mẹ nó chứ, cái hồi tớ đang là Hồng vệ binh ấy, trên đường phố Bắc Kinh, đ.mẹ nó, có một con mẹ chó chết đưa cuốn sổ tay sổ tiếc gì đó của chồng đến nộp vào tay tớ. Mẹ kiếp, tớ lúc đó cũng ngu, liền kịp thời nộp lên trên không chút chậm trễ. Cuối cùng là thằng chồng bị kết án, con mẹ chó chết ấy, được giấy chứng nhận ly hôn….. - Cậu Chương này, tớ bảo, đàn bà nó có lười một chút, ăn tham một chút cũng không sao, nhưng nhất thiết không được để nó thành ra ong trong tay áo! Cậu nghĩ xem, đêm đêm cậu cứ ôm lấy quả mìn định giờ ấy mà ngủ thì ghê tởm biết chừng nào! Tớ đã bảo cậu từ lâu rồi: con này phải nện mới được! Tớ cũng đã nói cho cậu biết: con mẹ chó chết này có tình ý với thằng cai. Lúc đó tớ thấy cậu có vẻ khiếp hãi, cứ tưởng cậu có cái gì hớ hênh để nó túm được gáy. Hoá ra là cái của nợ này! Cậu Chương này, cái này không phải là chuyện chơi đâu! Cái con mẹ chó chết này, cậu còn giữ làm quái gì! Chưa biết lúc nào nó lại tống cậu vào tù đấy. Cậu cứ gọi là, phải tìm cách mà rảy nó ra…. Đường làng hoàn toàn vắng vẻ, gió tưởng chừng thổi bay cả người đi. Tôi chưa rít được mấy hơi, nhưng trong gió điếu thuốc đã cháy hết một nửa. Ai hiểu nổi tình cảm phức tạp của tôi lúc này? Thần kinh không nối liền được mạch tựa như đường dây điện bị đứt, cảm giác không truyền được cho người khác, bởi thế, công việc của người trong cuộc bao giờ cũng hết sức đơn giản trong con mắt của bất cứ một người ngoài cuộc nào. - Cám ơn cậu! Cậu đã giúp mình đúng lúc. Nếu không, tớ chưa biết còn đi đến cái kết quả thảm hại ra sao. Nhưng còn chuyện cô ta thì….. Đi đến kết quả thảm hại nào? Tôi thừa biết rằng cô cũng chỉ lồng lộn làm toáng lên một lúc thôi. Cái cơn tam bành của đàn bà nó cũng giống như dòng sông chảy trong sa mạc. Thoạt đầu thì ào ào cuồn cuộn, chảy mãi, về sau thì rồi mất tăm mất tích, chẳng thấy đâu nữa. Tức anh ách, tôi ném quách mẩu thuốc lá có dính mùi dầu tây, mẩu thuốc lăn đi vô tội vạ bị gió cuốn mãi ra xa. - À! – Thình lình, chợt Đen rùng mình một cái bảo - Mẹ kiếp, con mẹ chó chết lồng lộn lên, tí tẹo nữa thì tớ quên mất! Tớ chạy đến tìm cậu là cốt để báo cho cậu một cái tin, chiều nay đi làm, loa phóng thanh truyền đi: Chu thủ tướng đã qua đời. - Hả? Tôi nhìn vào mặt cậu ta, một lúc lâu không nghe rõ cậu ta nói cái gì. Chóng quá đi mất! Tôi đẩy cửa ra, tiện tay cầm lấy cái xẻng vẫn để sau cánh cửa, chống cửa thật chặt. Rồi bước đến bên cạnh lò than, mở nắp lò ra. Than trong lò nổ tí tách, lửa bốc đỏ rực. Đó là con mắt của một con rồng chột. Tôi móc cuốn nhật ký trong túi áo bông ra, giật bỏ cái bìa ni lông, xé ruột giấy ra từng tập mỏng, nhét vào trong con mắt chột ấy: đây mày xem đi! Mày kiểm duyệt đi! Giấy thè ra những cái lưỡi lửa hồng hồng, rồi chuyển sang màu đen, cuối cùng là một màu trắng xám. Tro tàn rơi xuống những hòn than đang cháy, còn lóe lên những đốm sáng, dường như nó đã hoá thành một hồn ma biết hít thở khí trời. Nó là một sinh vật có sinh mệnh, nó là tâm huyết của tôi, nó là thứ hợp chất trong đại não của tôi. Giờ đây nó nằm trong lò lửa, nhưng nó vẫn còn trăn trở, còn vật vã không yên. Đốt thì cứ đốt đi, chứ những ký hiệu trên xác ngươi đó, đã vĩnh viễn ghi khắc trong óc ta rồi. Dù ta có phiêu bạt đến chân trời góc biển nào, dù ta có phải ngồi sau song sắt, ta sẽ còn nhớ được ngươi, giống như người mẹ vẫn nhận ra con mình vậy. Và chắc chắn sẽ có ngày, ta sẽ đem ngươi ra công bố trước nhân dân. “ Mùa đông sẽ qua đi rất nhanh, nhưng mùa xuân sẽ không bao giờ đến nữa ”. Không! Mùa xuân rồi sẽ đến. Cô vẫn ở trong gian trong, nhưng không thấy động tĩnh gì cả. Được một lát, có lẽ ngửi mùi khét giấy, cô vén chiếc màn cửa bằng vải trắng bước vội ra. - Anh làm cái gì thế kia? Cô rùng mình một cái, lao tới giằng lấy một chút giấy rách còn sót lại trong tay tôi. Tôi giơ cánh tay lên ngăn cô lại. - Cô định làm gì nào? Còn toan cầm đi để tâng công chắc? Cô mở to mắt, trừng trừng nhìn tôi như hết sức xa lạ. Rồi liền đó, cô bủn rủn ngã vật xuống ghế. - Chương Vĩnh Lân ơi! Tôi nói cho anh biết, rồi anh sẽ chết không nhắm được mắt! Anh đã phụ lòng người quá. Anh cứ tưởng tôi làm như vậy thật sao? Tôi cũng là người chứ! Mười đầu ngón tay cô vò xé vặn vẹo một cách đau khổ, môi cô dệch ra hai bên một cách giận dữ và đau xót, cặp mắt đỏ hoe đờ đẫn nhìn vào ngọn lửa, nước mắt lặng lẽ trào ra. Tôi biết cô không bao giờ làm như vậy, nhưng tôi lại không thể không hành động thế kia. Chính vì tôi yêu cô, cho nên tôi không thể nào yêu cô được. Tôi cần phải làm tổn thương cô, tổn thương đến mức cô có thể hoàn toàn quên tôi đi. Hết rồi! – Tôi nhét tập giấy cuối cùng của cuốn nhật ký vào trong lò lửa – Hai ta cũng đã hết rồi!