hế là Boris Bodnariuk trốn biệt tăm. Cả người Nga lẫn người Mỹ đều không tìm ra hắn ở đâu cả. Trong lúc đó Pillat và Marie vẫn còn ở lại quân y viện Mỹ. Hai tuần sau họ nhận được giấy mời của phái đoàn Úc Đại Lợi, vì những ai được di cư đều phải trình diện gấp để đi Hambourg. Marie, Pillat và đứa con rời ngay nhà thương trong ngày hôm đó với không biết bao nhiêu là quà bánh do các bác sĩ và y tá ở bệnh viện gởi tặng. Doina Australie là đứa bé duy nhất sinh ra trong nhà thương đó, dưới lá cờ nhiều ngôi sao của nền dân chủ Hoa Kỳ. Lúc mới đến nhà thương trên chiếc xe của Milan Paternik, hai vợ chồng Pillat chỉ có một cái xách nhỏ, thế mà bây giờ hành trang họ đã khá bộn, lại còn được xe đưa ra ga, được cung cấp thực phẩm tiền bạc đầy đủ. Họ đến Hambourg như là những kẻ được số phận ưu đãi nhất. Báo chí vẫn tiếp tục bàn về việc Boris Neva bị mất tích, nhưng không ai biết thêm điều gì về hẳn cả. Pillat và Marie lại càng không cần quan tâm đến vấn đề đó, vì đang bận con, bận di chuyển, bận lo nghĩ về tổ quốc mới của họ. Pillat an ủi vợ: - Đừng bao giờ cho là muộn màng cả. Cách đây vài tháng, lúc mọi phái bộ di cư đều từ khước chúng ta thì hầu như chỉ còn có nước tự tử mà thôi, thế mà hôm nay mộng ước chúng ta sắp thành. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ tìm thấy ba cho mà xem. Đến Hambourg, tâm hồn thơ thới, họ thầm cám ơn trời đất đã cứu sống họ. Đã sẵn tiền nên đến ga họ thuê ngay taxi đến trình diện phái đoàn Úc. Một nhân viên phái đoàn bảo: - Tàu sẽ nhổ neo trong ba hôm nữa. Ông bà đến trình diện gấp ủy ban kiểm soát để xuống tàu mà đi. Sau khi trình thẻ được phép di cư cho ủy ban họ ngồi ở ghế và cứ ngỡ là cả ba sẽ được xuống tàu trong vòng chừng một giờ. Một viên chức mời họ vào văn phòng. Marie bế con với một con búp bê trên tay. Ủy ban kiểm soát gồm ba người. Có tiếng hô tên: - Pillat Marie. Marie cười kiêu hãnh trả lời: - Có tôi đây. Gọi tên Pillat xong, cả ba yên lặng nhìn về phía con búp bê trên tay Marie. Con búp bê to gần bằng đứa bé. Marie giải thích: - Dạ con búp bê này do vị Y sĩ trưởng bệnh viện tặng đấy. - Không, chúng tôi muốn nói đến đứa bé cơ chứ. Ba người nhìn kỹ Doina. Pillat lên tiếng: - Con bé tên là Doina Australie. Chúng tôi gọi là Doina vì đó là tên một khúc hát có ý nghĩa một sự lưu đày của xứ sở chúng tôi, còn Australie là để kỷ niệm tổ quốc mới mà chúng tôi sắp có. Người ngồi giữa bảo: - Trong danh sách chính thức những người được di cư sang Úc chỉ có tên Pierre Pillat là ông đây, và Marie Pillat là bà. Ngoài ra không còn ai khác nữa. - Nhưng mà Doina Australie là con đẻ của chúng tôi mà! - Rất tiếc là cô bé không có tên trong danh sách. - Nhưng mà con tôi vừa mới sinh ra chừng hai tuần, trong lúc chúng tôi chờ có tàu cơ mà. - Dù sao thì tên đứa bé cũng không có trong danh sách này. Sau một chốc yên lặng đến nghẹt thở, một người hỏi: - Bây giờ ông bà định thế nào? Pillat nhìn sững anh chàng vừa hỏi, rồi lại nhìn vợ con. Chàng không có gì để trả lời câu hỏi đó cả, nên đành phải hỏi lại: - Ông hỏi như thế nghĩa là chúng tôi phải quyết định ra sao? Và chàng được trả lời: - Nghĩa là ông bà chỉ có thể di cư hai người có tên trong danh sách này thôi. Marie hỏi lại: - Thế thì chúng tôi không thể ghi tên thêm đứa con sao? - Không thể nào được cả. Trẻ con dưới mười tuổi không thể di cư. Giọng nói anh chàng đó thật lành lùng rắn rỏi. Marie chỉ còn nước nhìn Ủy ban kiểm soát và òa khóc, khóc mà không thể chùi nước mắt được vì tay nàng đang bận con và búp bê, nước mắt nàng chảy cả xuống đôi má hồng hào của con búp bê. Pillat gạn hỏi: - Thế chúng tôi phải làm sao bây giờ? - Thì ông tự quyết định đi chứ còn sao nữa? - Có thể nào có một quyết định trong trường hợp tương tự? - Hoặc là ông bỏ đứa con hoặc ông từ chối không di cư nữa. Pillat có nghe câu trả lời nhưng chàng không thể ngờ như thế, nên chàng vẫn hỏi lại: - Chúng tôi phải làm sao bây giờ? - Ông cứ để đứa con ở lại đây tức khắc ông được di cư. Lúc nào đứa bé lên mười, ông có thể đưa nó sang Úc. Giản dị có thế thôi. Pillat nắm chặt tay tức tối: - Hừ, giản dị? Ông cho thế là giản dị ư? Marie thì chỉ biết đứng khóc. Người nọ bực bội: - Không có lôi thôi gì hết. Chúng tôi không rảnh để mà nghe than thở. Chúng tôi còn gọi tên người khác nữa. Nào, ông bà quyết định đi cho. Pillat nổi nóng: - Có thể nào ông đòi hỏi một điều như thế đối với bậc làm cha mẹ? Ông có phải là người không? Ông có phải là người có đạo Thiên Chúa không? Ông có phải là người văn minh không? - Chính vì chúng tôi là những người văn minh mà chúng tôi mới yêu cầu điều đó. Chính vì những lý do của những người có nền văn hóa cao mà chúng tôi không thể nào hành hạ những đứa bé dưới mười tuổi bằng một cuộc hành trình từ đây đến Úc châu. Vả lại, luật lệ của hội Hồng thập tự Liên hiệp quốc, và lương trị của một con người văn minh, nếu có, buộc chúng tôi phải làm thế. Chúng tôi sẽ trở nên dã man nếu chúng tôi làm khác hơn. - Nghĩa là các ông buộc một người mẹ phải bỏ rơi một đứa con? Pillat là một người rất điềm tỉnh, nhưng trước trường hợp này chàng muốn đập phá hết thảy. Nhưng người nọ vẫn thản nhiên: - Hãy gác tình cảm sang một bên rồi quyết định đi. Không phải là chuyện phi thường gì đâu, ông gởi con lại cho một viện mồ côi nào đó, rồi chừng mười năm sau lấy lại. Chỉ tạm thời xa nhau thôi. Pillat vỗ vai vợ: - Chúng ta đi thôi. Người nọ còn ráng hỏi: - Ông bà định sao? Pillat quay lại nhìn bộ mặt của anh chàng vừa hỏi, nhìn cách ăn mặt sạch sẽ của hắn mà phát tởm đến buồn nôn. Lúc chàng nghe lại câu hỏi: «Ông bà quyết định sao», chàng muốn khạc vào nền văn minh, vào cách thức giữ vệ sinh, vào nền văn hóa, vâng, chàng muốn dùng hết sức bình sinh để khạc vào nền văn minh này, và nền văn hóa này, vào cách thức giữ gìn vệ sinh này. Thế là chàng bỏ ra đường, ôm con trong tay. Đứa bé khóc liên hồi từ khi chàng và Marie bỏ Ủy ban kiểm soát để ra phố. Marie đặt con xuống đất, cởi áo cho con nhưng vẫn không làm đứa bé thôi khóc được. Người qua đường ái ngại, một người đàn bà khuyên: - Đi kiếm bác sĩ đi chứ. Khóc như thế ắt là có bịnh gì rồi đó, tại sao không đem nó đi bác sĩ. Cả hai nghe lời đem con đến bệnh viện. Người ta khám bệnh cho đứa bé ở phòng ngoại chẩn. Bác sĩ chích một mũi thuốc, đứa bé vẫn không nín. Tiếng khóc mỗi lúc một khàn và yếu dần đi. Pillat thương con nên cũng khóc theo, chàng lo ngại hỏi bác sĩ: - Con tôi đau gì đấy thưa bác sĩ? Sau một hồi yên lặng, bác sĩ bảo: - Nó chết rồi. Thật sự là tiếng khóc không còn nữa, Doina đã tự làm vỡ hai lá phổi của mình vì những tiếng khóc thất thanh đó, hai lá phổi nhỏ nhoi của một kiếp sống lưu đày. Pillat và Marie nghẹn ngào trước cái xác nhỏ nhắn xanh xao, trần truồng của bé Doina Australie. Họ biết là ủy ban Úc còn ở lại ba hôm nữa. Doina chết rồi, họ có thể ra đi được, nhưng họ không còn can đảm nghĩ đến những người Úc Đại Lợi nữa. Úc châu là nơi mà trẻ con không được thâu nhận, là nơi mà người ta bắt người mẹ phải bỏ rơi đứa con vì những lý do của một nền văn minh tiến bộ. II Trong lúc các lực lượng đồng minh đang kiếm tìm Boris khắp nơi thì hắn đã đến Ba Lê, tìm ra sứ quán Sô Viết và xin hội kiến với viên đại sứ. Nhân viên tòa đại sứ trả lời: - Đồng chí đại sứ không cho ai yết kiến cả. Vừa trả lời, ông ta vừa quan sát bộ mặt chưa cạo râu của Boris. Vết sẹo trên trán, áo choàng đỏ đã bị cháy xém, cũng rách nát, khăn choàng loang lổ. Trong trạm gác, người cảnh sát Pháp theo dõi mọi cử chỉ của Boris nhưng vẫn giả bộ đang nhìn nơi khác. Boris nóng nảy: - Tôi muốn thông báo một tin hết sức quan trọng, tôi cần gặp một người nhân viên nào cũng được trong văn phòng ông đại sứ. - Ông là công dân Sô Viết? Nhân viên nọ hỏi Boris một cách lạnh nhạt, tay vẫn sắp lại một chồng báo. Boris vội vã trả lời, ngỡ rằng câu trả lời của mình sẽ mở được mọi cánh cửa: - Vâng, tôi là công dân Sô Viết, và tôi cần được hồi hương ngay tức khắc, chính vì vậy mà tôi đến đây. Cùng với những động tác lạnh nhạt, máy móc, nhân viên nọ đưa cho Boris một tờ giấy và bảo: - Điền vào tấm giấy này các thủ tục hồi hương, ông sẽ nhận tin trả lời tại nhà. Boris biết là hắn sẽ phải chờ hàng tháng nếu hắn dùng đến lối hồi hương này. Tuy vậy, hắn vẫn cố làm đúng theo thủ tục, kèm theo một bức thư. Viết xong, hắn cẩn thận đọc lại: «Thưa đồng chí đại sứ, Tôi tên là Boris Neva, công dân Sô Viết, bị tai nạn phi cơ trong dãy núi Alpes, đã trốn khỏi một bệnh viện Hoa Kỳ tại Đức với ý định là sẽ trình diện với bộ chỉ huy Sô Viết. Nhưng vì cuộc lùng bắt của cảnh sát tôi phải nhảy qua một chuyến tàu khác đang đi về hướng nước Pháp, tôi bắt buộc phải làm như thế để khỏi bị giữ. Đến Pháp, tôi đến trình diện tức khắc tại sứ quán để xin hồi hương. Đồng chí Đại sứ có thể tìm biết lai lịch của tôi nơi bộ chỉ huy Sô Viết tại Vienne.» Boris biết là viết thư như vậy chưa đủ, nhưng dù sao cũng đã gợi được óc tò mò của tòa đại sứ. Nhân viên nọ vẫn thản nhiên: - Chúng tôi không nhận thư. Ông ta chỉ nhận tấm phiếu khai hồi hương của Boris, còn trả thư lại cho Boris mà không cần xem trong thư nói gì. Boris van nài: - Tôi là công dân Sô Viết, tôi đến đây sau một tai nạn, và bây giờ cần thông báo một tin hết sức quan trọng. Nhân viên tòa đại sứ thầm nghĩ: «Sau khi đã phản bội, mọi con rắn độc đều có những tin tức quan trọng cần thông báo. Và nhìn Boris ra chiều khinh bỉ, nếu có thể thì hắn ta đã giết tên này, bởi như mọi công dân Sô Viết, hắn ta ghét cay ghét đắng lũ gián điệp và phản bội, đâu đâu hắn ta hình như cũng có gặp tụi do thám và phản bội cả. - Ông không ghi chỗ ở. - Tôi không có chỗ ở tại Pháp, vì tôi chỉ mới đến đây có mấy tiếng đồng hồ. Thế là nhân viên nọ trả lại tờ khai: - Ông không thể xin hồi hương nếu chưa có chỗ trú ngụ cố định. Chúng tôi không được phép nhận tờ khai thiếu sót. - Thế tôi không thể nào nói chuyện với một ai ở tòa đại sứ này? - Tôi là nhân viên của tòa đại sứ đây. Tôi đã cho ông mọi chi tiết đầy đủ. Bây giờ ông có thể đi, không được đứng ở đây lâu. Nói xong, nhân viên nọ mở cửa, đến gần Boris, nắm lấy tay hắn đuổi: - Đi, đi. Vừa đuổi vừa yêu cầu người cảnh binh Pháp đến can thiệp. Lúc đó Boris muốn nói rõ với nhân viên nọ rằng hắn ta là Boris Bodnariuk, tướng lãnh Sô Viết đang giữ chức bộ trưởng chiến tranh Lỗ ma ni, nhưng hắn đã tự chủ được, vì nhớ ra là không được để lộ tông tích. Lúc đó người cảnh sát đã ra lệnh: - Cút đi ngay. Boris đành nhục nhã bỏ đi. Viên cảnh sát mỉm cười nhìn hắn, còn nhân viên nọ lại càng không thèm nhìn Boris nữa. Dưới mắt hắn Boris chỉ là một trong vô số tên phản bội đang vây quanh các tòa đại sứ trên thế giới để làm mật thám cho đế quốc, hay là hối hận muốn hồi hương. Cả hai loại đó đều nguy hiểm. Nên lệnh ban ra rất nghiêm nhặt, không được lắng nghe hay cho phép lũ đó vào tòa đại sứ, hoặc là chúng giăng bẫy để báo chí tư bản có dịp làm rùm beng mọi chuyện, hoặc chúng là những thành phần cằn cỗi rải rắc khắp nơi mà Sô Viết không biết nữa. Vì thế mà nhân viên nọ đã không nhìn đến Boris. Vả lại hắn không được phép nói chuyện với Boris, vì mọi công dân Sô Viết sống trong một nước tư bản đều được báo động rằng người lạ mặt nào muốn khơi chuyện đều có thể là kẻ thù của Sô Viết, một tên mật thám đáng sợ. Lang thang ngoài đường, Boris tự vấn lương tâm của một đảng viên xem thử mình đã hành động đúng cách và sáng suốt hay không. Theo lệnh trên, hắn không được tiết lộ hành tung của mình. Lúc mà hắn tưởng Pillat đến nhận diện hắn, hắn đã trốn khỏi nhà thương. Hành động đó chắc chắn là không sai lầm rồi. Hắn lên tàu trốn qua Vienne, và lúc cảnh sát khám tàu, hắn lại nhảy qua tàu bên cạnh để chờ cho hết cuộc bố ráp. Hại thay tàu lại chạy qua Pháp, hắn phải đến trình diện với sứ quán. Sứ quán Sô Viết ở Pháp lại từ chối không cho hắn gặp được vị đại diện. Nên hắn phải lang thang trên đường phố Ba Lê vừa đói vừa rét. Hắn không còn lê nổi đôi chân nữa. Cái tiện nghi duy nhất của hắn bây giờ là không ai thèm dòm ngó đếm xỉa đến hắn nữa. Ở Sô Viết, bất cứ một người nào lê gót lang thang trên hè phố như hắn bây giờ tức thời bị bắt và tra hỏi giấy tờ đủ loại ngay, nào là giấy phép, nào là chứng chỉ việc làm. Hắn ở đây được tự do hoàn toàn nhưng vẫn thầm nghĩ: «Tòa đại sứ Sô Viết đã hành động thật khôn khéo. Bởi vì một tòa đại sứ Sô Viết ở trên đất một quốc gia tư bản luôn luôn sẵn sàng bị mọi cạm bẫy, mọi khiêu khích. Tuy nhiên, nếu không có tòa đại sứ giúp đỡ, mình không thể đi đâu được cả. Giấy tờ, tiền nong không có, sức lực cũng hao mòn cả rồi. Mà mình lại phải đến Bucarest gấp. Vụ án khởi tố tên thống chế trưởng giá đó phải bắt đầu càng sớm càng hay». Boris đi giữa những cửa hàng bóng nhoáng, những người đàn bà lộng lẫy mà không thấy gì cả. Mắt hắn bây giờ chỉ muốn tìm được một lối thoát tức khắc; vì hắn tự cho là: Nếu mình không có cách gì thông tin tên tuổi cho tòa đại sứ, điều đó có nghĩa rằng mình đã đào ngũ và phản bội, dù mọi sự xảy ra ngoài ý muốn của mình. Một nỗi đau xót đâm vào lòng ngực Boris cơ hồ như hắn không thể nào đứng vững được nữa. Rồi mọi sự quay cuồng chung quanh hắn, hắn lả đi bên lề đường. Mọi người đi qua vẫn không thèm nhìn hắn. Hắn bỗng sống lại cảnh cô đơn sâu xa như hồi còn ở sân trường hoàng gia Kichinev lúc hắn phải mặt bộ đồ nhục nhã và bạn bè chung quanh thản nhiên không thèm nhìn hắn nữa. Hai người lính đi qua nhìn hắn một lát rồi lạnh lùng bỏ đi, làm cho nỗi cô đơn buồn tủi của hắn càng thêm sâu đậm. Ngước mắt nhìn cửa hàng trước mặt, hắn đoán là một cửa hàng bán áo quần. Hắn cố đứng dậy bước vào bên trong, muốn giải thích cho họ biết là hắn muốn bán chiếc áo nhưng không nói được tiếng Pháp. Người bán hàng gốc Bắc Phi hiểu ngay. Hắn cởi bộ áo cho Boris và hỏi: - Người Nga? Boris gật đầu. Điều đó không quan hệ gì với người bán hàng nầy cả, cũng như những vết sẹo đầy trên ngực Boris. Hắn thản nhiên cầm lấy chiếc áo kaki, áo sơ mi và hai áo nỉ mỏng mà Boris giao cho. Hắn nhìn luôn chiếc áo choàng da nhưng Boris đã mặc vội vào người cùng với chiếc khăn quàng đỏ muôn thuở của Boris. Người bán hàng nhìn ngần ấy thứ trên tay và trao cho Boris 150 quan. Boris cầm tiền mà không biết là mình bán đắt hay rẻ, vì hắn không biết giá tiền đồng quan Pháp. Ra đường, hắn lại chóng mặt, và cảm thấy chất da nham nhám của tấm áo choàng cọ vào lưng, vào ngực, vào vai rất khó chịu. Hắn muốn uống ly rượu, ăn chút bánh, hút điếu thuốc cho ấm lòng, nhưng hắn đã tự chủ được ngay, và tìm một quán điện thoại. Hắn ra hiệu muốn gọi điện thoại. Hắn định không cho ai biết gọi điện thoại cho ai, nhưng khốn nỗi hắn không biết xử dụng cuốn niên giám, nên đành phải hỏi ông chủ quán. Lúc đã gọi được sứ quán Sô Viết, hắn nói bằng tiếng Nga. Một giọng đàn bà trả lời: - Ông tổng lãnh sự hiện không có đây. - Tôi là phi công Sô Viết Boris Neva đang ở đầu giây. Tôi muốn hồi hương ngay. Boris muốn giải thích thêm, nhưng đã có tiếng trả lời. - Vấn đề hồi hương, ông cần hỏi ở văn phòng sứ quán, ở đó người ta sẽ cho ông giấy tờ để điền vào, sau đó ông cứ chờ ở nhà người ta sẽ trả lời. Boris nghe tiếng gác máy ở đầu giây, như tiếng xé lòng. Hắn ngẩn ngơ giữ ống nghe một chốc rồi cũng đành gác máy xuống. Viên chủ quán hỏi: - Ông cần gọi lại số đó nữa không? Ông ta cầm số tiền gọi điện thoại trong tay Boris, số tiền bằng nửa số tiền bán áo trong người hắn, rồi quay lại một lần nữa số điện thoại của tòa đại sứ Sô Viết. Boris van nài: - Tôi xin bà nghe tôi, vì đây là một trường hợp khẩn cấp. Tôi là phi công Boris Neva đang gọi điện thoại đây. - Ông mới gọi cách đây ít phút thôi. Ông đã được chỉ dẫn đầy đủ rồi, tại sao ông gọi lại làm gì? Nói xong điện thoại viên lai gác máy ngay. Boris như treo lưng chừng giữa khoảng không. Sô Viết và đảng còn xa quá, hắn chưa thể đến gần được. Đành phải ra đường, giữ kỷ số tiền còn lại trong tay. Hắn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: hắn đã đến trễ về việc bản án ở Bucarest, mỗi giờ mất đi là xem như một giờ phản bội, nhưng trí óc hắn không thể tìm ra một giải pháp nào nữa. Boris phải nghĩ đến những đồng chí cộng sản mà hắn đã từng gặp ở Nga, hy vọng đến gặp họ để bắt liên lạc với tòa đại sứ Sô Viết, có lẽ thế là giải pháp đẹp nhất. Hắn có nhiều bạn Pháp ở Mạc Tư Khoa nhưng bây giờ không còn nhớ đến ai nữa. Hắn ráng nhớ lại xem thử còn đảng viên cộng sản nào quen đang ngụ tại Ba Lê hay không, thứ quen thân mà hắn có thể thố lộ tông tích rằng hắn là Bodnariuk và đang cần trở lại Nga gấp. Cộng sản là một đại gia đình có đảng viên trên tất cả thành phố. Đảng viên cộng sản đi đâu cũng không thể cô đơn được, thế mà hắn không nhớ nổi một đảng viên cộng sản Pháp nào cả. Hắn bóp trán suy nghĩ, vụt chốc một cái tên hiện ra trong trí: giáo sư Voivod, một nhà điêu khắc gốc Lỗ ma ni hiện đang ở Ba Lê. Đó là một người cộng sản mà báo chí nhắc nhở đến luôn. Boris thầm tính là: mình sẽ đến ông ta để bắt liên lạc với sứ quán Sô Viết». Hắn chưa bao giờ thấy mặt giáo sư Voivod, nhưng chỉ cần ông ta là đảng viên cộng sản mà hắn lại là người cùng làng nữa. Tìm địa chỉ ông ta trong niên giám điện thoại Boris đi bộ đến nhà. Giáo sư Voivod ngụ trong một xưởng lớn ở Montparnasse. Ông ta có bộ râu thật đẹp như trong tranh: - Tôi không muốn tiếp ai cả. Nói thế xong ông ta muốn đóng cửa, không thèm nhìn Boris nữa, ông ta hằn học nói lại: - Tôi không có gì để phải nói chuyện với ai cả. Tại sao các anh cứ muốn gặp tôi? Boris tự giới thiệu: - Tôi là người Lỗ ma ni, người đồng hương với giáo sư. - Tôi không có liên lạc gì với người Lỗ ma ni cả, cũng không liên hệ gì với xứ Lỗ ma ni và toàn thể dân Âu châu. Tôi không quen ai ở xứ nào trên vũ trụ này nữa. Đi đi và để tôi yên. - Tôi vừa đến Ba Lê sáng nay sau khi rời khỏi bệnh viện. - Thế ra anh là người tị nạn? Tại sao lại tị nạn? Anh sợ cộng sản phải không? Các anh ai cũng sợ cộng sản cả, sợ họ bắt làm việc. Và các anh tưởng tại Tây Phương các anh không bị bó buộc làm việc ư? Lầm, Tây Phương đang đầy người tị nạn, đầy, đầy nhóc. Voivod giận đến tím mặt không nói nữa. Boris khoái trá. Giáo sư này hình như là một người cộng sản quá khích, thế là hắn gặp may rồi đấy. Giáo sư nhìn thẳng vào người Boris, vào những giọt mồ hôi đang chảy dài trên trán, trên vết sẹo, trên đôi má tái nhợt lởm chởm toàn râu chưa cạo. Voivod bảo: - Xin lỗi anh tôi biết anh muốn ở lại Lỗ ma ni. Ai cũng muốn ở lại trong làng mạc của mình. Tôi biết là lũ cộng sản tàn bạo đó không cho người ta vui thú gia đình nữa. Họ đuổi các anh ra khỏi nhà, tôi biết. Các anh năn nỉ muốn làm việc, nhưng người Nga không cho phép. Tôi biết, hạng người như anh tôi đã gặp hàng ngàn. Nhưng tại sao các anh đều qui tụ nơi nhà tôi, tôi chỉ là một tên điêu khắc già. Thôi cầm lấy chừng này và đi đi. Giáo sư Voivod đưa cho Boris 1000 francs, và muốn đóng cửa, nhưng Boris vẫn còn đứng đây. Qua cánh cửa người ta trông rõ những bức tượng trong xưởng, vô số. Chưa bao giờ Boris thấy cảnh tượng này. Không có bóng dáng con người, súc vật, cây cỏ, hoa lá, chỉ là hàng trăm bức tượng, cái cao cái thắp ngổn ngang. Boris thầm nghĩ: «Thì ra ông nầy chống Cộng. Ông ta đã phản bội tất cả». Boris đăm đăm nhìn các bức tượng, chỉ toàn là những nét linh hoạt, như là những hình lửa khói đang bốc thẳng lên trời. Giáo sư Voivod hỏi thêm: - Bức tượng tôi có còn ở làng không nhỉ? Lần đầu tiên giọng nói của Voivod có vẻ thân mật, nhờ lúc nghĩ đến số phận của các tác phẩm quá khứ của ông ta. Voivod nghi ngờ: - Tôi chắc là lũ cộng sản lang sói đã đập vỡ bức tượng đó rồi. - Không, họ chưa đập vỡ đâu. Nghe trả lời thế, mặt ông ta sáng lên, bảo Boris: - Nào, vào đây ăn uống gì đã. Nhưng ăn xong, anh đi ngay nghe chưa. Tôi không muốn mất thì giờ. Boris cầm bánh mì và miếng dâm bông ông ta đưa cho. Ông ta hỏi lại Boris: - Lần chót anh thấy bức tượng đó ở Roman từ bao giờ? Boris nhớ lại là lúc 14 tuổi mình có thấy một lần ở trong nghĩa địa Roman. Rồi từ đó hắn không trở về làng nữa. Tuy thế, hắn nhớ rõ ràng lắm, vì dân làng Roman ai cũng biết bức tượng của Voivod trong nghĩa địa, bằng cẩm thạch trắng, bức tượng chiếu sáng như một tấm gương soi, Boris trả lời bừa là hắn ta vừa thấy lại lần sau cùng chừng sáu tháng. Voivod sung sướng ra mặt hỏi: - Cách đây sáu tháng, bức tượng còn ở đó ư? Bức tượng trinh nữ đó là tác phẩm đầu tay của tôi. Sau đó, tôi có cả hàng ngàn bức tượng khác, để ở khắp viện bảo tàng trên thế giới. Năm mươi năm nay, lúc nào tôi cũng đẽo gọt các bức tượng nhưng chưa có bức tượng nào tôi thích hơn bức trinh nữ ở nghĩa địa làng Roman. Lúc mà các phê bình gia hỏi tôi tại sao có thể đạt đến thứ nghệ thuật gãy gọn hoàn toàn trừu tượng thì tôi đều nói về bức tượng trinh nữ ở Roman. Người bạn hàng trong làng mình có một người con gái chết lúc 16 tuổi. Ông ta có nhờ tôi làm một bức tượng để trên mộ. Qua bức ảnh và trí nhớ của riêng tôi, tôi cố hoàn thành bức tượng người con gái đó. Nhưng tôi không thể khắc một trinh nữ bằng cách để cả vú, đùi và háng được. Những thứ đó đều bằng chất thịt, thế mà một trinh nữ đã chết không còn chất thịt tục lụy đó được, mà chỉ còn cái gì tinh khiết, thanh cao. Thịt không thể nào thanh cao, và chỉ là chất liệu có tính cách giai đoạn nơi một trinh nữ đã chết, anh có nhận thấy thế không? Cho nên lúc nắn tượng, tôi bắt đầu lột hết da thịt của nàng để chỉ tạo đúng nàng như tôi đã thấy và đúng với thực chất của nàng là tinh khiết, thanh cao. Cho nên tôi chỉ giữ lại nơi nàng những đường nét lóng lánh cao ngất như một ngọn lửa, đúng là một ngọn lửa được điêu khắc. Đó là bức tượng trinh nữ ở làng Roman và cũng là tất cả hệ thống nghệ thuật của cả đời tôi, nghĩa là dừng lại nơi thực chất và loại trừ hết những gì tục lụy và vô ích. Ví như nơi con chim đang bay, tôi chỉ chọn khả năng bay được, vì đó là cái gì quan trọng nhất của con chim. Phần còn lại tôi gạt bỏ hết: đầu, cánh, chân, vì những thứ nầy không chính yếu, chỉ có khả năng bay được là đáng ghi lại mà thôi. Tất cả những bộ phận chim dùng để làm việc khác ngoài việc bay như ăn uống, sinh đẻ, chống đỡ với thời tiết đều phụ thuộc. Với tôi, chim không đẻ, chim chỉ bay mà thôi, anh hiểu chưa? Boris đã thấy giáo sư này là kẻ thù của đảng cộng sản. Đáng ra thì hắn chả hiểu gì về các bức tượng của ông này cả, nhưng hình như hắn cảm nhận rằng Voivod là một đồng chí của hắn trên lý thuyết, vì nhà điêu khắc Voivod làm việc theo một chiều hướng với đảng cộng sản, nghĩa là với hắn. Hắn hy sinh mọi điều cho thực chất. Ai cũng nhìn thấy ở con chim các bộ phận như cánh, lông, mỏ, trứng. Bay là một điều trừu tượng. Chỉ có cộng sản mới có thể thực hiện trên bình diện xã hội điều mà Voivod đã thực hiện trên bình diện nghệ thuật. Cộng sản chủ nghĩa giáo dục con người để dành cho kế hoạch và nếu cần hy sinh người cho kế hoạch, như Voivod đã hy sinh chim cho khả năng bay lượn. Voivod hỏi thêm : - Anh bị gì đấy? Sao lại không có đến chiếc sơ mi? Chắc lại trốn khỏi một nhà tù cộng sản rồi phải không? Họ có hành hạ anh? Boris muốn trả lời như thế này: «Không, thưa ông. Trái lại là đằng khác bởi vì tôi là người cộng sản. Tôi đang thực hiện cho lịch sử trên bình diện xã hội những gì mà ông thực hiện trên bình diện nghệ thuật. Tôi gạt bỏ hết vú, đùi, háng, tất cả những gì không trong sạch để đào tạo một xã hội hoàn toàn trong sạch. Ông nắn tượng thì tôi nắn người. Tôi phá bỏ thành kiến, cổ hủ, bản năng, để giáo dục con người theo một cuộc sống tập thể cao hơn y theo kế hoạch. Sự độc ác của ông lúc ông cắt thân thể người trinh nữ để lóc thịt hay lúc ông nhổ lông, cắt thân còn chim để chỉ nắn đương bay mà thôi nghĩa là chỉ thực hiện những gì toàn chân và toàn mỹ cũng giống như chúng tôi, bởi vì chúng tôi là những nhà kỹ sư tân kỳ đi kiến tạo một thứ người mới, loại bỏ những giai cấp phản động, lười biếng, chống đối, để mở đường đi đến một đời sống cao đẹp hơn. Cuộc đời cộng sản không giống đời người từ trước đến nay, như trinh nữ của ông không giống những trinh nữ khác mà chúng tôi đã thấy. Chúng tôi là kẻ sát nhân hay là những người thuộc thành phần ưu đẳng? Thưa ông, ông là đàn anh của tôi trên lý thuyết, bởi vì chúng tôi cũng lóc thịt người để đem lại một đời sống cao đẹp hơn. Xã hội cộng sản ngày mai sẽ trong sạch và đẹp đẽ như trinh nữ ở nghĩa địa Roman hay như con chim đang bay của ông. Người Sô Viết chúng tôi kiến tạo một xã hội trong đó con người không đơn độc tranh đấu cho miếng cơm manh áo như súc vật. Đây là lần đầu tiên con người vượt khỏi thân phận loài vật để cùng nhau tranh đấu chung cho đời sống, y theo kế hoạch». Duong nhu doan duoc y nghi cua Boris, nen Voivod duoi han : «Đi đi, lũ Á Châu súc sinh đã phạm những tội ác tày trời. Sô Viết là những kẻ sát nhân hung bạo nhất chưa bao giờ thấy trên đời. Thành Cát Tư Hãn là một thiên thần bên cạnh chúng. Những người cộng sản đã áp dụng vào đời sống con người những nguyên tắc mà tôi đã áp dụng trong nghệ thuật. Chúng tưởng là chúng được phép ứng dụng vào thịt sống của con người công việc mà tôi đang thực hiện trên đá. Con người nào có dễ dàng uốn nắn như đất đá, gỗ cây. Con người tự nó đã hoàn toàn rồi. Nếu anh lấy bớt bất cứ một cái gì trên con người tức là anh đã hủy hoại, đã làm hỏng nó đi mất. Người cộng sản muốn tước bỏ nơi con người những tình cảm, ích kỷ, bản năng, thành kiến, ảo tưởng. Kết quả là nơi nào họ đi qua, Sô Viết chỉ để lại đằng sau họ những xác chết. Không bao giờ một xã hội cộng sản có thể tạo dựng được. Đời sống cần có những lầm lỗi, những bí ẩn. Khi loại bỏ lầm lỗi, anh loại bỏ luôn cả con người. Như một thi sĩ Đức đã viết: «Đời sống chỉ có trong lầm lỗi. Khôn ngoan đồng nghĩa với sự chết». Chiều hướng đẹp nhất của con người là chiều hướng mà người Sô Viết và chủ nghĩa cộng sản không biết đến: đó là chiều hướng của bí ẩn, đẹp nhất của đời sống. Thôi anh đi đi, đi mua áo mà mặc và đừng bao giờ trở lại nhà tôi. Tôi van anh để cho tôi yên, tôi chỉ còn là một ông già cô đơn...» Boris cầm những tấm giấy bạc mới của Voivod trao cho. Ông ta còn nói thêm: - Hãy đi theo con đường định mệnh của anh. Rồi ông bước vào xưởng điêu khắc rộng như một nhà kho. Boris đi xa dần, vừa đi vừa đếm tiền, sau cùng hướng về nhà ga. Boris lên tàu đi Strasbourg theo như kế hoạch vừa mới nghĩ ra, hắn sẽ bí mật qua Đức và từ đó sang vùng Sô Viết. Hắn đã có tiền, thế nào hắn cũng đến được Bucarest đúng lúc. Trước khi từ giã Ba Lê, hắn ngạc nhiên nhìn người ta qua lại trên bến tàu. Ba Lê cho hắn cái cảm giác rã rời cùng cực, mỗi người là một con thú phải đơn độc lo cho thân mình. Mỗi cá nhân chiến đấu đơn độc cho miếng cơm, manh áo, cho cuộc đời riêng rẻ của mình. Đúng như loài vật. Xã hội trưởng giả không có trật tự, không che chở cho ai cả. Đó là một xã hội chỉ có danh từ mà không có ý nghĩa nào cả. Mỗi người là một thế giới cô đơn. Vì thế mà Tây phương không thể nào hiểu nổi tại sao một người cộng sản có thể chết đi để cho xã hội này được sống, vì đối với cộng sản hai chữ xã hội có nghĩa là che chở, cơm áo, giải trí, an ninh. Xã hội là tất cả, và cá nhân không là gì cả. Ở đây, xã hội vô nghĩa, chỉ có cá nhân là tất cả. Trong xã hội Tây phương, cá nhân hoàn toàn tự do và không được bao bọc che chở như con thú trong rừng, ý nghĩ đó thật đã làm cho Boris rã rời nhọc mệt. Tàu đã ra khỏi ga, hắn phải suy tính đoạn đường hắn sẽ đi qua. Hắn phải vượt hai biên giới, và rồi hắn sẽ được trở về với vũ trụ cộng đồng của những người Sô Viết.