1920 – 1924 -Tình hình chính trị tổng quát ở toàn xứ, sau những vụ Phan-xích-Long ở Saigon (1916), vụ Duy-Tân ở Huế (1916), vụ Đội Cấn ở Thái Nguyên (1917) và Phạm Hồng Thái ở Sa Điện (1923) -Những ngày tàn của Nho học. -Một lớp học chữ Hán sáng thứ Năm. -Các cụ nhà Nho còn tôn kính " Hoàng - Thượng ". -Một lễ "Bái mạng" trước Hành Cung, có sự chứng kiến của các ông Tây bà Đầm. -"Văn minh khắp cả hoàn cầu, ông sư cũng cúp cái đầu 3 xu ". -Sinh viên Cao Đẳng Hà Nội đã bắt đầu mặc đồ Tây trước tiên. - Đá kiện, trò chơi phổ thông nhứt của học sinh Từ 1920 đến 1924, tình hình chính trị tổng quát ở toàn cõi An-nam có thể gọi là yên ổn. Từ thành thị đến thôn quê, uy quyền của nước Pháp đã được triệt để tôn trọng, địa vị của chính phủ thuộc địa đã vững chắc, không có gì làm lay chuyển được. Tất cả các cuộc vận động cách mạng trong nước hoặc âm mưu khởi nghĩa, đều đã bị thất bại. Ở Saigon, vụ Phan xích Long đánh phá Khám lớn năm 1916, ở Bắc Kỳ, vụ Đội Cấn và đảng Việt Nam Quang Phục đánh chiếm tỉnh Thái Nguyên năm 1917, cho đến cả ở Quảng Châu, bên Tàu, vụ Phạm Hồng Thái ném bom ở tô giới Sa Điện toan giết viên Toàn quyền Merlin năm 1923 – không một cuộc hoạt động nào trên kia thành công, và tất cả những nhà ái quốc khởi xướng đều bị đàn áp, bị bắt, bị giết, hoặc bị đày đi xa. Trong toàn xứ An-nam, hình như không còn ai dám rục rịch nổi dậy đánh Tây, hoặc hô hào cách mạng nữa. Nước Pháp lại vừa thắng nước Đức trong cuộc Thế giới Đại chiến 1914-1918, và cứ hàng năm, đến ngày 11 tháng 11 dương lịch là chính phủ thuộc địa ở Đông Dương tổ chức ngày lễ Chiến Thắng ( họ gọi là “ Fête de la Victorie") rất long trọng, uy nghi, hùng hổ, vừa để mừng một ngày kỷ niêm vẻ vang nhất của họ, vừa để nhắc nhở cho dân An-nam rằng nước Pháp rất hùng cường, vĩ đại, "văn minh bậc nhất trên tòan cầu ". Người dân An-nam lúc bấy giờ cũng nhìn nhận rằng nước Pháp thật là văn minh, hùng cường hơn nước ta trên rất nhiều phương diện. Phái nhà Nho "từ Tú-tài lên đến Tiến sĩ, Phó Bảng " mà có tinh thần chống Pháp, đã tham gia trực tiếp các phong trào cách mạng từ 1916, thì đã bị giết chết hoặc đi Hải ngoại, phần đông sang Nhật, sang Tàu. Một số bị đày ra Côn Lôn, nhưng lúc mãn hạn tù trở về làng xã, hầu hết là trước 1924, đều lo an-thường thủ phận, không hoạt động gì nữa cả. Một số đông các cụ mở trường tư ngay tại nhà dạy chữ Nho và chữ Quốc-ngữ cho một ít học trò nhỏ để vui qua ngày tháng, hoặc làm nghề Đông-Y, xem mạch, bốc thuốc, hoặc chuyên về khoa bói, quẻ Dịch, quẻ Lục-nhâm, tử-vi, tướng-số, v.v…theo các sách Tàu. Còn phái nhà Nho thụ động, không có tham gia một cuộc hoạt động chính trị nào cả, thì hoàn toàn ngưỡng mộ người Pháp và triệt để ủng hộ chính sách thuộc địa, triệt để trung thành với Hoàng Đế An-nam. Những ông Tú-tài có đôi chút thế lực, đem tiền lo lót -- không có tiền thì bán đất bán ruộng -- để được làm một chức quan nho nhỏ như Đề-lại, Thư-lại. Mấy ông Cử nhân thì được bổ đi Tri Phủ, Tri Huyện, Tri Châu. Một số Tú-tài, Cử Nhân khác ở nhà làm ruộng, tham gia vào việc làng xã, hoặc sống một cuộc đời nhàn hạ, uống rượu, ngâm thơ, làm đối, làm liễn dùm cho các người ít học, và được dân làng trọng vọng như một bậc danh nhân ở địa phương. Tuy từ năm 1919 không còn Thi Hương, Thi Hội nữa, và Nho-học đã chính thức bãi bỏ ở toàn xứ An Nam, bị chữ Pháp và chữ Quốc-ngữ hoàn toàn thay thế, nhưng chính phủ Nam triều vẫn còn dùng chữ Hán một cách mặc nhiên, người Pháp không ngăn cản. Chữ Nho bị bỏ, chứ không bị cấm. Cho nên, bên Hành Chính Thuộc Địa, các quan Tây thì dùng chữ Pháp ; còn bên Hành Chính Nam Triều các quan An-nam vẫn dung toàn chữ Nho. Các giấy tờ, công văn, từ Bộ về Tỉnh, từ Tỉnh về Phủ, Huyện, từ Phủ, Huyện về làng, đến năm 1924 vẫn còn áp dụng chữ Nho. Ngay ở các trường Tiểu học Pháp Việt, mỗi tuần vẫn còn 2 giờ học chữ Nho buổi sáng thứ Năm. Theo chương trình tiểu học, lớp Nhất cũng như lớp Nhì A, Nhì B, và lớp Ba, đều phải học hai giờ chữ Hán sáng thứ Năm. Thầy dạy chữ Hán cho lớp Nhất của Tuấn học là một ông Tú-Tài, tên là ông Tú Cẩn. Một hôm đang học, bỗng có thanh tra người Pháp, tên là Délétie, ở Huế đi thanh tra các trường đột ngột bước vào lớp học, không báo tin trước cho thầy giáo và học trò biết trước. Ông Tú, khăn đen áo dài đen như thường lệ, đang đứng nơi bảng đen giảng nghĩa bài học về con Hoàng-ngưu ( con bò ). Ông dạy theo nghĩa từng tiếng một theo lối nhà Nho: -"Kỳ nhục sở thực, Kỳ nhũ sử ẩm", nghĩa là "Sửa thịt khá ăn, sửa sữa khá uống". Ông Délétie mà ai cũng biết là giỏi chữ Nho, trố mắt hỏi học trò: - Các anh có hiểu lời giảng của ông Thầy không? Dĩ nhiên, học trò chẳng ai hiểu cả. Ông Tây hỏi ông Tú: - “ Sửa thịt khá ăn, sửa sữa khá uống “ là nghĩa làm sao? - Dạ bẩm quan lớn, kỳ là sửa, nhục là thịt, khả là khá, thực là ăn …kỳ là sửa, nhũ là sữa …ông Tây cười xòa, rồi bỏ lớp đi ra. Tuy nhiên, các ông Tú, ông Cử cuối cùng của mùa Hán-học đã suy tàn, còn có thể hãnh diện là đã có lần được lĩnh áo mão của Vua ban hồi các ông mới thi đậu, mặc dầu những ngày vinh quang ấy đã khá xa rồi. Họ còn tôn kính Vua, thờ Vua, và luôn luôn, dù ở trong hương thôn, mỗi khi có dịp gì nói đến Vua, họ đều cung kính suy tôn Hoàng Thượng, hay là “Đức Hoàng Thượng". Năm 1924, những ngày mừng vua Khải- Định được 40 tuổi ( lễ Tứ-tuần ). Tuấn-em có chứnhông có môn nào trội hơn để cứu vớt các môn kém, thì nhất định là "trợt vỏ chuối". Đấy là không kể một vài trường hợp hy hữu mà học trò thừa lúc giám khảo vô ý, lén lút "gà " cho nhau, như trường hợp trò Tuấn. Ngoại giả, việc thi cử thời Tây rất nghiêm ngặt. Không bao giờ các đề thi bị tiết lộ ra ngoài dù là thi Tiểu -học, Trung-học hay Tú-tài. Chưa bao giờ xảy ra một vụ bán đề thi, từ 30, 40 nghìn đồng đến 100,200 nghìn đồng. Không có sự gian lận của các thí sinh thi mướn với sự đồng lõa im lặng của giám khảo. Không có những vụ con em của một số hiệu trưởng, giám khảo, giáo học, học dốt mà thi đậu - nhiều khi đậu cao - còn học trò ngoài học giỏi hơn, trội hẵn mà lại thi rớt. Trong các kỳ thi thời trước, bất cứ là thi gì, sự may rủi đã là ít có rồi, sự gian lận lại còn khó khăn hơn. Nói chi đến chuyện ăn tiền, “đút lót, “ nhờ cậy “,” gởi gấm “, thật hoàn toàn không có, và không thể có. Dù là con em ông giám khảo, ông Đốc học hay là con cháu ông Tổng Đốc, ông Thượng Thư, ông Sứ, ông Khâm, hễ học giỏi là nhất định đỗ, học kém là phải rớt, không có đút lót được ai cả, không gởi gấm cách nào được cả. Bạn của Tuấn-em, sau này cùng Tuấn đi thi Tú-tài ở Hà Nội, có một số đông là con cháu của các vị quan to lớn có uy quyền, và thế lực biết bao. Họ quen thân với các ông giám sư, ăn uống tiệc tùng với các vị giám khảo, thế mà con cháu của họ thi hai ba lần đều hỏng cả, chỉ vì quanh năm chúng ăn chơi phè phởn, nhẩy đầm, nghiện rượu, say mê tình ái, không lo học hành. Tuấn thi Tú-tài cũng hỏng hai khóa, vì một lần làm sai bài toán Hình-học, một lần không thuộc bài Vật-lý học, chứ không phải vì “ học tài thi phận “. Những bạn của Tuấn đỗ trước Tuấn một hai năm, đều là học giỏi hơn Tuấn về các môn đó, chứ không phải nhờ đút lót tiền cho các ông giám khảo, hoặc nhờ gởi gấm cho ai.