Đền em một tháng trời gần
Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Kiếp Sau -- Cung Trầm Tưởng
Như đã tâm sự cùng bạn đọc, trên 20 năm sống ở một phần quê hương khi đất nước bị đặt vào hoàn cảnh phân chia Quốc-Cộng, đời tôi quả là một cuộc phiêu lưu trong nghệ thuật hơn là cuộc đi bộ dài dài trên bản đồ Việt Nam như trong thời thơ ấu, vào đời, đi hát rong rồi đi kháng chiến. Dù trong thời gian hơn hai thập niên ấy, tôi có hơn một lần xuất ngoại, những cuộc đi về các nẻo chân trời xa lạ không có gì là phiêu lãng mà chỉ để bồi đắp cho vốn liếng nghệ thuật của mình. Có thêm một cuộc phiêu lưu khác là khi tôi phải bỏ nước ra đi để trở thành công dân của một xứ có nền văn hoá khác (nếu không nói là trái ngược) với những gì làm nên tôi, từ thuở lọt lòng tới khi lòng tới khi phanh ngực vào đời, cho đến ngày tóc đã bạc, lưng đã cong, giọng đã khàn, trí óc đã cùn và trái tim đã mỏi.
Trong hơn 20 năm sống với cái mờ mờ nhân ảnh mà tiền nhân Nguyễn Gia Thiều đã thấy từ khá lâu về trước, tôi cũng được gần đàn anh Nguyễn Đức Quỳnh để thấy làm chính trị ở Việt Nam trong những năm đó khó như người đi đêm. Tôi không làm chính trị như anh Quỳnh, nhưng nhìn nhận chính trị là con rắn không buông tha ai cả. Từ ngày Cách Mạng mùa Thu 45 cho tới bây giờ, trong cuộc sống hằng ngày và ngay cả trong giấc ngủ, không một người Việt Nam nào ra thoát khỏi cái lưới chính trị. Suốt nửa thế kỷ vừa qua, trong sự nghiệp (!) của mình, tôi hoàn toàn bị chính trị bủa vây nhưng tôi luôn luôn cố gắng không để cho chính trị trói buộc. Mở to đôi mắt để nhìn vào thời thế. Tỉnh táo theo dõi đường đi nước bước của chính trị. Không có một nhượng bộ chính trị nào với bất cứ ai, nếu thấy sai. Được Việt Minh chiếu cố mà không chóng mặt. Được quốc gia nuông chiều mà không nóng đầu. Được ngoại quốc đãi ngộ mà không hoa mắt. Bị ngộ nhận, theo dõi hay bị đe doạ cũng không đầu hàng (°°). Làm một nghệ sĩ trong 20 năm ở miền Nam kể ra cũng không khó lắm đâu. Chắc chắn là dễ hơn người đi trên giây của nhà thơ miền Bắc Phùng Quán:
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật...
Qua những trang hồi ký vừa cống hiến bạn đọc, không muốn tiến trình sáng tác bị đứt quãng, tôi viết qua loa về những biến cố chính trị ảnh hưởng tới tôi. Tôi chưa đả động tới những bộ mặt chính trị hay một số sự kiện lịch sử đã chi phối mọi việc để tôi nhìn thấy và soạn ra những bài ca chứng tích. Tôi cũng chưa có dịp nói tới hoạt động của các văn nghệ sỹ đồng thời. Bây giờ là lúc tôi muốn tạ ơn những hoàn cảnh, nhân vật và những chứng liệu, chứng nhân của 20 năm sóng gió đó, như đã từng tạ ơn cuộc đời nói chung qua một ca khúc.
Xin được cắt thời gian 20 năm nổi trôi với lịch sử làm bốn giai đoạn.
Đoạn đầu: Tôi rời bỏ vùng Việt Minh để vào Hà Nội rồi kéo gia đình nhà vợ vào sinh sống ở Saigon, dưới cái gọi là chế độ quốc gia Việt Nam (Etat du Viet Nam) nằm trong Liên Hiệp Pháp (°°°) con đẻ của giải pháp Bảo Đại. Lúc đó, tôi dửng dưng trước thời cuộc vì còn tiếc nuối những ngày được cùng cùng toàn dân làm cuộc lên đường vĩ đại, thực hiện giấc mộng đánh Tây mà cha ông ấp ủ. Hơn nữa tôi còn buồn tủi khi bị người quốc gia chưa chân chính, con đẻ hay con nuôi của thực dân nhốt vào khám Catinat cùng với Lê Thương, Trần Văn Trạch trong 120 ngày.
Vào đầu thập niên 50 này, ông Bảo Đại không còn là sự hi vọng của những người yêu nước không đi với Việt Minh ngay từ đầu hoặc đã vỡ mộng với Mặt Trận Kháng Chiến. Ai cũng biết rằng trong cuộc đấu tranh để giành độc lập, đấu lực với Pháp vẫn hơn là đấu trí. Nhưng nếu muốn cầm súng đánh Pháp thì phải đi với ông Hồ. Lúc bấy giờ, ai cũng biết Bảo Đại không phải là người chơi trò chiến tranh với Pháp, nhưng chơi trò chính trị với thực dân, Cựu hoàng cũng không thua kém ai đâu. Cho tới năm 51, tôi còn nhìn Bảo Đại như một chính trị gia giỏi. Vào ngày Cách Mạng thành công, cái đầu của bất cứ một ông vua nào cũng giống như trứng để đầu đằng, ông ta biết rời ngai vàng với một câu tuyên bố bất hủ: Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ. Sau đó, ông Hồ Chí Minh cũng phải dựa vào Bảo Đại để thu phục nhân tâm và đánh lừa thế giới khi mời Cựu hoàng làm Cố Vấn chính trị. Rồi khi thấy cố vấn thoát khỏi tay Việt Minh để lập triều đình ở Hồng Kông thì tôi còn cho Bảo Đại là giỏi quá chừng!
Nhưng giải pháp Bảo Đại cho một nền độc lập không thành công vì trong suốt thời gian từ 1948 cho tới 1954, các đảng phái và các nhân vật quốc gia, chống Pháp hay thân Pháp, dần dần bỏ rơi ông dù ai cũng thấy ông đòi được ở Pháp vài điều mà trong Cựu hoàng mà thôi!
Tôi thường tự hỏi: sự chọn lựa làm người hành lạc hơn là hành mệnh (thiên mệnh) của cựu hoàng là do bản chất của ông hay vì ông cần phải đóng kịch chính trị? -- tôi cũng từng phải đóng vai ăn chơi đàng điếm để dễ dàng xa lánh chính trị --Trong thực tế, hình như vị Hoàng Đế cuối cùng của Việt Nam không muốn làm vĩ nhân. Là BẢO và ĐAI, ông chỉ muốn bảo toàn sinh mạng của mình và không hề có ý định thực hiện đại nghĩa cho dân tộc. Ông không làm được điều gì gọi là vĩ đại nhưng ông cũng không giết ai và không bị hạ sát như ông Diệm. Lịch sử muốn phán xét cựu hoàng ra sao cũng phải nhìn nhận vào lúc khởi đầu của một miền gọi là quốc gia Việt Nam, giải pháp Bảo Đại có ưu điểm mở đầu cầu cho những người ở chiến khu về và nhất là mở đường cho giải pháp Ngô Đình Diệm,
Cho tới năm 1954, ngoài giới làm chính trị, có nhiều điều làm cho văn giới cũng xa l
Chương Mười Bốn
Chương Mười Lăm
Chương Mười Sáu
Chương Mười Bảy
Chương Mười Tám
Chương Mười chín
Chương Hai Mươi
Chương Hai Mươi Mốt
Chương Hai Mươi Hai
Chương Hai Mươi Ba
Chương Hai Mươi Bốn
Chương Hai Mươi Lăm
Chương Hai Mươi Sáu(*)
---~~~mucluc~~~--- ---~~~cungtacgia~~~---
!!!3976_25.htm!!!ánh chính quyền. Lúc đó, quả rằng trong xã hội vẫn còn quá nhiều bất công, cờ bạc đĩ điếm được tổ chức và bảo trợ bởi chính phủ, người lãnh đạo thì bất xứng, kẻ thù là Pháp vẫn còn hiện diện, đa số trí thức, văn nghệ sĩ ở miền quốc gia đều có vẻ trùm chăn.
Riêng đối với tôi, trong mấy năm đầu sống tại Saigon dưới một chính quyền độc lập có thực hay giả tạo, tôi cũng mang nhiều thất vọng. Ngó lại những ngày đi theo Việt Minh thì chua sót, nhìn vào người quốc gia thì thiếu hứng khởi. Nhưng sau khi bị ép lòng tới tột độ, tôi bung ra để soạn bài Tình Ca. Rồi trong đà sáng tác đó, nhờ ở gia đình êm ấm, nhờ ở đời sống khá sung túc, nhờ ở tình bạn thân thương, nhờ ở quần chúng yêu nhạc... tôi soạn thêm những bài hát ngọt ngào như Tình Hoài Hương, hạnh phúc như Vợ Chồng Quê, tung cánh như Viễn Du, phiêu diêu như Lữ Hành... Tôi chấp nhận đầu cầu Bảo Đại để bám vào mà sống, mừng thay cho tôi, một số tình ca quê hương đã ra đời để cho người yêu nhạc còn hát lai rai sau gần một nửa thế kỷ.
Tôi còn có may mắn sống chung với một gia đình ca nhạc sĩ. Trong giai đoạn sáng tác này, nếu không có Thái Thanh và ban Thăng Long, chưa chắc tôi đã tung ra nổi một số ca khúc căn bản của ý niệm về bản sắc quốc gia và mang tinh thần vượt thời gian không gian nói trên. Thái Thanh sẽ còn là bạn đồng hành của tôi trên con đường dân nhạc đầy hứa hẹn này. Tôi sẽ trở thành người khuyến khích Thái Thanh lúc nào cũng nâng giọng hát của mình lên cao, không bao giờ hạ mình hát những bài hát thiếu giá trị. Và ngược lại, Thái Thanh luôn luôn là khuôn vàng thước ngọc để tôi đo chiều cao chiều sâu trong âm vực của từng bài hát quê hương, dù là đoản khúc, dù là chương khúc hay trường khúc...
Đoạn hai là từ 1954 tới 1963.
Sau khi giải pháp Bảo Đại -- tức giải pháp Pháp -- kết thúc, với sự phân chia nước ta ra thành hai miền Quốc-Cộng và với sự rút lui của người Pháp, bây giờ miền Nam có chủ quyền thực sự. Giải pháp Ngô Đình Diệm -- nói thẳng thừng là giải pháp Mỹ -- được đưa ra để đương đầu với miền Bắc Cộng Sản. Trong chiến lược toàn cầu, sau thắng lợi của Cộng Sản quốc tế với một tỉ người Trung Quốc rơi vào chế độ mầu hồng của họ Mao và với sự liên kết hãy còn chặt chẽ giữa Trung Cộng và Nga Sô, miền Nam nước Việt -- cũng như Đại Hàn, Tây Đức -- phải trở thành tiền đồn chống Cộng, dù ông Diệm, ông Nhu muốn hay không muốn.
Chính thể Ngô Đình Diệm có rất nhiều ưu điểm mà tôi không cần nhắc ra đây nhưng sau một thời gian khá lâu, với cái nhìn khá xa, có một số người thấy rằng trong gần mười năm cầm quyền, để trị nước, hai anh em họ Ngô dựa trên căn bản quyền lợi gia đình và tôn giáo hơn là dựa trên quyền lợi quốc gia dân tộc.
Ngay từ lúc khởi đầu, dựa vào Ky Tô Giáo ở trong nước và ở Hoa Kỳ hay ở La Mã - Hình như đã có lần ông Diệm tuyên bố: Je vais évangéliser le Việt Nam - họ Ngô đánh tan một số giáo phái nhỏ, truất phế Bảo Đại, thành lập chế độ gia đình trị, rồi cuối cùng đụng độ với Phật giáo và bị đánh đổ luôn (Lẽ dĩ nhiên, cũng có thêm những thành phần xã hội khác và nhất là có bàn phù thủy nhúng vào việc lật đổ ông Diệm. Hồi Ký của tướng Đỗ Mậu cho rằng vì hai anh em ông Diệm, Nhu có liên lạc với Hà Nội để mưu đồ việc thống nhất nên bị thủ tiêu. Nếu đúng như vậy thì thật là một oan nghiệp lớn cho hai ông Diệm, Nhu và cho nước Việt Nam). Để ngay sau khi hết thời nhà Ngô, suýt nữa thì xẩy ra cuộc đổ máu lớn giữa Công Giáo và Phật Giáo, qua những cuộc xuống đường đánh nhau của một số giáo dân và Phật tử mà tôi đích thân chứng kiến ở gần nhà thờ Huyện Sĩ. Dù sao đi nữa, trong thời thịnh của Cộng Hoà thứ nhất, nhờ được sống yên ổn và hứng khởi dưới một chế độ vững chãi, qua một số bài tình ca quê hương và tình tự dân tộc, tôi tạo dựng được hình ảnh một nước Việt Nam tự do để đối kháng với Cộng Sản. Miền Bắc chủ trương đấu tranh giai cấp, chọn chủ nghĩa Mác-Lê làm kim chỉ nam nên phủ nhận một tầng lớp xã hội, phủnhận quá khứ và phủ nhận luôn những giá trị truyền thống như gia đình, tôn giáo, tổ tiên.
Sống tại một miền mà tất cả mọi người đang xây dựng một bản sắc quốc gia dân tộc, tôi phát triển những gì tôi chỉ mới phác hoạ trong bài Tình Ca như: Hình ảnh quê hương trọn vẹn ba miền đất nước với lịch sử và tiếng nói chung của toàn dân. Qua những bài mang tính chất dân ca mới, tôi đưa ra một bản sắc Việt Nam, man mác hình ảnh những con người vốn là sản phẩm của một nền nông nghiệp miền nhiệt đới, bám vào đất nước, gia đình, làng xóm, tổ tiên để sống còn.
Cũng cần nhắc lại những gì tôi đã viết ra trong những Chương đầu của cuốn Hồi Ký này. Khi nước nhà đã có chủ quyền, sống dưới một chính phủ đang được tín nhiệm, với khung cảnh thái bình và khi xã hội đang được lành mạnh hoá, các văn nghệ sĩ ở trong các lãnh vực nghệ thuật khác cũng đều làm như tôi, nghĩa là hoàn toàn ủng hộ ông Diệm. Thi bá Vũ Hoàng Chương bỏ phiếu cho ông Diệm với câu thơ có tính chất khẩu hiệu: Lá phiếu trưng cầu một hiển linh, phá tan bạo ngược với vô hình. Vả lại đại đa số văn nghệ sĩ là những người từ miền Bắc di cư vào Nam và đã bầu ông Tổng thống bằng đôi chân của mình trước khi tham gia tích cực vào đời sống văn học nghệs thuật trong thời thịnh của nhà Ngô này. Cùng với lớp văn giới di cư, những văn nghệ sĩ già hay trẻ ở trong Nam cũng ủng hộ ông Diệm. Về sau, nếu ông Diệm không còn được toàn dân tín nhiệm nữa khi ông chủ trương gia đình độc trị thì vào lúc ông tiếp tục đường lối chống lại đòi hỏi của Hoa Kỳ là được đổ quân tham chiến trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam -- nhất là qua cuộc đối thoại vào giờ phút cuối cùng với Đại Sứ Cabot Lodge -- ông là một Trần Bình Trọng thứ hai mà lịch sử cần ghi lại.
Tôi mang ơn những ngày được sống dưới chế độ nhà Ngô để chen vai thích cánh với bạn bè trong việc xưng tụng tổ quốc nghìn năm, con người muôn thuở. Thời Cách Mạng và kháng chiến khi xưa giúp tôi trưởng thành trong khói lửa, qua cuộc đấu tranh sắt máu với thực dân, cùng vui cùng buồn, cùng sướng cùng khổ với mọi tầng lớp nhân dân. Nay sống ở miền Nam, tôi không còn phải trèo đèo lặn suối như trước và trong niềm vui của người dân một nước vừa được giải thực sau nhiều khó khăn, tôi thảnh thơi để tự do học hỏi, tự do đi lại, tự do sinh hoạt và nhất là tự do sáng tác. Tôi cũng được chính quyền và tư nhân khuyến khích, ủng hộ rất nhiều. Qua những người nắm trong tay các tổ chức hay cơ quan phổ biến âm nhạc như Đài Phát Thanh, phòng trà, phòng thu băng và dĩa hát, nhà xuất bản nhạc tập.
Trong khung cảnh tương đối thanh bình của thời Cộng Hoà thứ nhất, chấp nhận những hệ lụy của đời người, tôi còn được uống một liều thuốc nhục và một viên kẹo ngọt với hai cuộc tình vực thẳm và trời cao để soạn ra những khúc nhạc tình cho nhiều thế hệ tình nhân còn hát mãi mãi trong tình yêu. Hơn thế nữa tôi còn được che chở và nâng đỡ bởi sự bao dung và hi sinh của người vợ hiền để sống tận cùng với tình cảm đa đoan của một người chót sinh làm kiếp nghệ sĩ. Xin trân trọng cám ơn tất cả.
Giai đoạn nhạc tình này còn phải nhờ tới giọng hát Thái Thanh thì những rung cảm về tình của tôi mới có nơi để vươn lên hay chìm xuống. Lúc này Thái Thanh đạt tới đỉnh cao của danh vọng, nghĩa là trở thành vương hậu của Đài Phát Thanh, Đại Nhạc Hội, Phòng Trà, dĩa hát hay băng nhạc. Chúng tôi không còn ở chung một nhà nữa nhưng không bao giờ Thái Thanh hát lạc điệu một bản nhạc tình của tôi. Nhất là những bài tình ca hoan lạc, có lẽ tại vì lúc đó cô em đã tìm được tình yêu và hôn nhân sau khi có danh vọng chăng?
Đoạn ba, khởi sự từ sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung cho tới khi Hội Đồng Tướng Lãnh đưa ra một liên danh nhất trí cho cuộc bầu cử năm 1967, khởi đầu nền đệ nhị Cộng Hoà.
Trong mấy năm 64-66, phải nói rằng miền Nam nước Việt là một quốc gia vô chủ vì không có một Nhà Nước nào đứng vững được trước những cuộc đảo chánh, chỉnh lý thường xuyên với những thay đổi nhanh chóng từ chế độ quân nhân này qua chế độ quân nhân khác, từ chính quyền nhà binh qua chính quyền dân sự rồi rút cục lại trở về chế độ quân nhân. Trong thời gian này, Hoa Kỳ đổ nửa triệu quân vào nước ta vì trong chiến lược toàn cầu, Chú Sam không tin rằng có mâu thuẫn thực sự giữa Trung Cộng và Nga Sô và muốn dùng Việt Nam làm nơi bao vây địch thủ, với chính sách be bờ để ngăn làn sóng đỏ. Cho tới khi Kissinger và Nixon lại dùng luôn Việt Nam để làm cửa lớn hay cửa hẹp đi vào Trung Quốc nói chuyện với họ Mao, yên chí về sự chia rẽ của khối Cộng Sản thì bình thường hoá ngoại giao với Tầu Cộng sau 20 năm đối địch. Xong xuôi mọi việc rồi thì Hoa Kỳ rút lui ra khỏi Đông Dương bằng cuộc Việt Nam hoá chiến tranh.
Sự có mặt của người Mỹ tại miền Nam làm cho chiến tranh gia tăng, xã hội băng hoại ra sao và làm cho tất cả mọi người công phẫn như thế nào, tôi đã nói qua trong những Chương sách trước. Xin kể thêm phản ứng của quần chúng vô danh qua câu châm ngôn: Nhất đĩ -- Nhì cha -- Ba sư -- Bốn tướng. Hay câu ca dao:
Rớt Tú Tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Mai rồi xong việc nước non
Anh về anh có Mỹ con anh bồng...
Phản ứng của các văn nghệ sĩ cùng thời, ngoài nhạc phản đối của Trịnh Công Sơn, mệt mỏi của Lê Uyên Phương, tìm quên của Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang... đó là Thơ Đen, Thơ Chì, Thơ Xám của Tú Kếu, Trần Đức Uyển:
Điên từ khi mất tuổi thơ
Mười năm loạn lạc bơ phờ tóc xanh
Súng thay câu hát ngọt lành
Bom thay lời mẹ dỗ dành đêm đêm...
Là thơ cảm khái hay thơ ngất ngưởng của Nguyễn Bắc Sơn, một trong hàng triệu thanh niên miền Nam phải đi lính, nhìn địch quân là đứa xâm mình, ăn muối đá, điên say chiến đấu và mình là lính cậu hiền khô, đi hành quân rượu đế vẫn mang theo... thì chúng ta đánh nhau không hề vì thù hận:
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi...
Còn là phản ứng của Phạm Thiên Thư, tự coi mình là gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng.... nhớ nhau!
Ngoài nhạc phản đối, nhạc phản chiến, thơ đen, thơ ngất ngưởng, thơ lẩn tránh của lớp trẻ, còn là sự thất vọng hiện ra nơi bộ óc và trái tim văn nghệ lớn như Vũ Khắc Khoan: Không có cuộc sống nào đáng sống hết! Nghiêm Xuân Hồng: Đời toàn là ảo ảnh! Thi nhân Vũ Hoàng Chương thì tâm sự với Nguyễn Mạnh Côn và trả lời phỏng vấn trong báo VĂN: Tôi chỉ muốn tự tử!
Tôi sực nhớ tới anh bạn Tam Ich, mới ngày nào treo cổ lên trần nhà, đưa chân đạp chồng sách cao để tự tử. Đạp sách để chết, là coi như cái hiểu cái biết cũng chẳng dẫn mình đi đến đâu cả! Và nhớ tới cái chết vào đầu năm 1975 của người anh ruột học giỏi tài cao Phạm Duy Khiêm, một người suốt đời cho rằng mình đã hiểu biết rất nhiều, hơn thằng em út và có thể hơn tất cả mọi người nữa, rồi cũng phải quyên sinh vào lúc miền Nam đang hấp hối! Khiến cho tôi muốn sửa lại câu: Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết... cũng chết!
Phản ứng trước nghịch cảnh của giới văn nghệ sĩ còn là đi vào Thiền như Nhất Hạnh, Trụ Vũ, hay dấn thân như Nguyễn Văn Trung, Lữ Phương, Vũ Hạnh về một phía này và như Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam về một phía khác. Rồi viết bạo như Chu Tử và một số nhà văn nữ..
Phản ứng của tôi là Mẹ Việt Nam, là 10 bài tâm ca, là tâm phẫn ca, tục ca và đạo ca. Chân thành hết sức thì đem Mẹ Tổ Quốc ra để kêu gọi. Thương tâm vô cùng thì đem con tim ra để than thở. Công phẫn cực điểm thì nổi giận và chửi bới bằng tiếng nói mỉa mai hay bằng ngôn ngữ vỉa hè. Rồi khi thấy phản ứng của mình có vẻ tiêu cực thì, trước hết, tôi quyết định không phổ biến tục ca. Sau nữa tôi đi theo anh bạn Phạm Thiên Thư vào đạo ca để siêu hoá mọi sự.
Xin tri ân tất cả bạn bè vì trong những năm leo cao và xuống dốc đó, tôi không thấy mình lẻ loi trong việc gánh vác định mệnh oan khiên của dân tộc mình.
Vào lúc nhạc của tôi không còn là nhạc để ngồi nghe mà là nhạc để hát hay nhạc để bàn bạc như các bản du ca, tâm ca, tâm phẫn ca... thì Thái Thanh vắng tiếng. Tôi cũng không thể tưởng tượng nổi việc Thái Thanh hát Sức Mấy Mà Buồn hay hát tục ca trước công chúng, qua radio hay trong cassette. Cho tới khi có đạo ca thì giọng hát vượt thời gian này mới quay về với tôi và dù những bài hát đi tìm sự thực này không được phổ biến nhiều, băng cassette đạo ca do Thái Thanh hát từ 1970, cho tới ngày hôm nay (1991) vẫn còn gây cảm động cho những người nghe. Khi hát đạo ca, tôi ngờ rằng Thái Thanh vừa kinh qua một khổ đau lớn của riêng mình nên tìm được an ủi ở những lời thơ tuyệt vời của Phạm Thiên Thư và ở những nét nhạc thoát tục của tôi chăng?
Đoạn bốn là thời Đệ nhị Cộng Hoà.
Sau quá nhiều bất ổn về chính trị, tình hình tạm yên khi Đệ Nhị Cộng Hoà ra đời nhưng dân chúng ở thành phố đã ê ẩm mặt mày vì những vụ đảo chính, chỉnh lý, bãi khoá, xuống đường, đốt xe, bãi thị. Gian thương tiếp tục hoành hoành dù có dựng pháp trường cát ở giữa Saigon. Ở thôn quê, ấp chiến lược, ấp dân sinh bị phá tan, cán bộ quốc gia bỏ chạy lên quận lên tỉnh. Tình hình kinh tế suy sụp khiến cho chính quyền phải thành lập chính phủ của người nghèo. Những người hiểu biết cho đó là chính phủ của người nghèo làm cho người giầu vì biện pháp tân tiến hoá đất nước chỉ giúp cho hố sâu giữa người giầu và người nghèo sâu thẳm hơn lên.
Chiến tranh gia tăng khủng khiếp với cao điểm là vụ Cộng Sản tấn công hầu hết các tỉnh lỵ và thành phố lớn miền Nam trong Tết Mậu Thân. Rồi là Mùa Hè Đỏ Lửa, là Mặt Trận Bình Long, An Lộc... Đây là lúc các nhà văn Phan Nhật Nam và Nhã Ca diễn tả hộ chúng ta bộ mặt thực của đất nước nhưng đây cũng là lúc người ta quá sợ hãi thực tại nên chúi đầu vào chuyện chưởng của Kim Dung hay chuyện tình của Quỳnh Dao.Tôi đi tìm bạo động ở Lý Tiểu Long cũng như trước đây đi tìm lối đi (!) ở Hiệp Sĩ Mù. Có lần cùng vợ con xếp hàng lấy vé vào rạp chiếu bóng REX, hết chỗ tốt, phải ngồi vào hàng ghế đầu, nhìn lên màn ảnh mà muốn mù mắt luôn, thế nhưng vẫn hả hê với những cú đấm cú đá của Lý Tiểu Long.
Nhưng hoà bình có vẻ ló ra với Hội Nghị Paris. Đã quá mệt mỏi sau những đợt phản đối bằng tâm ca, tục ca và muốn quay về tắm mát trong cái ao tuổi thơ nên tôi soạn những khúc hoan ca. Tưởng rằng sắp có hoà bình, tôi muốn xây dựng lại con người ngay từ lúc đầu đời nên tôi soạn bé ca và nữ ca sau bình ca. Với những hoan ca, tôi cố tình vẽ ra khung cảnh thanh bình dù, cũng như mọi người, tôi không tin có hoà bình, vì tôi thấy hận thù giữa hai miền đã được nuôi dưỡng từ quá lâu.
Suốt một đời, tôi chứng kiến biết bao nhiêu chuyện đảng tranh, nhìn thấy biết bao nhiêu chính trị gia, cán bộ bị thủ tiêu dưới triều Hồ, triều Ngô khiến cho nhân tài, nói theo Nguyễn Trãi, hiếm hoi như lá mùa Thu và khiến cho vào lúc sắp sửa mất vào tay Cộng Sản, miền Nam chỉ được lãnh đạo bởi những người ngẫu nhiên nắm được quyền lực, sau khi ngồi vào chức vụ chỉ huy rồi, chỉ nghĩ tới quyền lợi riêng tư mà thôi. Tôi rất tiếc, tôi không mang một chút ân huệ nào đối với những người lãnh đạo quân nhân vô trí, vô dũng đó. Tôi chỉ kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu đồng bào vô danh đã gục ngã ở khắp mọi nơi, ngoài chiến điạ hay chốn hậu phương tưởng là an toàn của một quê hương trong thời loạn. Tôi chỉ sót sa cho hàng triệu gia đình -- trong đó có gia đình tôi -- vì sự vụng về và mù quáng của các nhà lãnh đạo ở hai miền Nam, Bắc nên suốt đời chịu cảnh chia lìa và ly hương. Phải dăm ba lần làm đi làm lại cuộc đời, từ thời thực dân qua thời độc lập, từ tỉnh thành chạy ra miền quê, từ thôn quê chạy vào thành thị, từ miền Bắc đi vào miền Nam. Phải sống hai mươi năm nguy khốn, âm thầm chịu đựng để sống sót, trước khi còn phải chia ly một lần nữa với người thân thích và giã từ nơi chôn nhau cắt rốn để đi sống ở nước người với nhiều hãi hùng trong những năm đầu của cuộc sống lưu vong.
°
Bây giờ mới là năm giờ sáng nên mặt trời mùa Thu chưa lên ở Thị Trấn Giữa Đàng của miền Cali chỉ ấm áp khi nắng lên cao. Nhưng lòng tôi không lạnh lẽo cho lắm. Còn ấm lòng hơn khi nghe tiếng khóc của thằng cháu ngoại, lai Mỹ tên là Tori. Mọi người trong nhà còn đang ngủ kỹ. Đứa bé khóc nhưng không ai dỗ thì nó ngủ lại. Ngồi trước máy điện toán để viết nốt những dòng chữ cuối cùng của cuốn Hồi Ký này, tôi như vừa trút xong một gánh nặng nhất của đời mình. Suốt trong 16 năm sống ở ngoại quốc, lúc nào tôi cũng bị cái dĩ vãng 20 năm sống ở miền Nam đè nặng trái tim. Dĩ vãng của thời thơ ấu rồi vào đời và đi chiến đấu xa quá, thơ mộng quá, hào hùng quá nên không được tôi thương sót bằng dĩ vãng quay cuồng và nhọc nhằn khi nước mình là nơi để hai đế quốc xanh đỏ đấu tranh bằng xương máu thanh niên hai miền Nam, Bắc.
Rồi tới khi Việt Nam trở thành sự nhức nhối của thế giới, phe biết tuyên truyền và chuyên nghề đánh đấm thắng phe không biết tuyên truyền và chống đỡ dở. Một phe thắng đại mùa Xuân rồi dương dương tự đắc và một phe chạy có cờ để luôn luôn chỉ nhớ mầu cờ -- như trong bài hát của một cô ca sĩ -- nhưng không bao giờ nhớ tới bài học chua cay của dĩ vãng, nghĩa là vẫn sống tới tận cùng của sự chia rẽ... Sự oan khiên của dân tộc mình chưa bao giờ được nói lên, hoặc có được nói tới qua những cuốn sách lếu láo hoặc qua những cuốn phim như Apocalypse Now, The Deer Hunter, The Last Patrol hay Rambo, nhất là loạt chương trình truyền hình VIET NAM, A TELEVISION HISTORY... thì đó chỉ là một sự thoá mạ dân tộc Việt Nam mà tôi không thể nào tha thứ được.
Phải sống hơn 20 năm trong một nước bị chia đôi, khi người hai miền bị đặt vào thế đối địch, tôi cũng phải chọn cho mình một chỗ đứng. Chua sót thay, trong hơn hai thập niên đó -- và còn tới bao giờ? -- người Việt Nam ít khi được là "người Việt thuần túy" (như dân Thụy Sĩ chẳng hạn). Phải hoặc là "người cộng sản", hoặc là "người quốc gia".
Là nghệ sĩ, chọn làm nghề ca hát, không muốn làm con khướu hót vui tai mọi người, hay làm con vẹt cho một phe, lại chọn làm kiếp ve sầu để hát lên những khổ đau của thời đại thì ráng mà chịu lấy oan khiên. Chất chứa oan khiên vào cõi lòng bé nhỏ của mình thì dù có soạn hàng trăm, hàng ngàn bài hát, cũng khó rũ sạch nổi. Phải chờ khi đi vào tuổi già và trở thành mầm non nghĩa địa mới được ngồi viết cuốn Hồi Ký này để trút bầu tâm sự với hi vọng giải oan cho mình, cho người.
Là người chỉ mong nói lên những thống khổ của cả hai miền đất nước nhưng vì sinh sống ở đàng trong, tôi dễ dàng trở thành đối tượng của đàng ngoài. Giá tôi chỉ là một nghệ sĩ ít người biết tới thì nỗi oan đến với tôi cũng vừa phải thôi. Nhưng tối thiểu cũng đã có ba người viết về tôi với tất cả nhiệt tình. Nếu tôi có Georges Etienne Gauthier với loạt bài Một Người Gia Nã Đại Với Nghệ Thuật Phạm Duy và Tạ Tỵ với cuốn Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn để nhiệt tâm cứu sống tôi (°°°°) thì cũng phải có nhà giáo Mác Xít Nguyễn Trọng Văn với cuốn Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào để giết tôi một cách nhiệt thành. Trong mấy chục năm qua, cũng có lúc tôi vui và buồn vì các nhiệt tình kể trên, nhưng bây giờ, đã bước vào tuổi 70 rồi, tôi mất cả buồn lẫn vui, chỉ xin được cám ơn cả ba tác giả đó. Là nghệ sĩ, sợ nhất là tác phẩm của mình rơi vào sự dửng dưng, im lặng. Được người đời nhắc tới, đó là hạnh phúc lớn.
A, còn thêm một nỗi oan nữa cần hoá giải. Hơn 20 năm sống với Saigon mà tôi không có một tiếng hát nào cho thành phố nơi tôi sống những ngày phong phú nhất đời mình. Saigon không phải chỉ có con đường Duy Tân cây dài bóng mát để tôi đưa người tình đi học. Tuy cũng có Y Vân ghé bến Saigon để thấy Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi! Và có thêm Hoàng Anh Tuấn cùng với Phạm Đình Chương nhìn mưa Saigon để nhớ tới mưa Hà Nội... nhưng nói chung, lũ nhạc sĩ chúng tôi rất vô ơn đối với Saigon. Phải bỏ xứ ra đi, phải sống trong thành phố bị đổi tên, rồi mới hối hận để có khá nhiều nhạc sĩ lưu vong hay ở trong nước hối hả soạn ra sau ngày 30-4-75 những bài như Saigon Ơi Vĩnh Biệt, Saigon Bây Giờ Buồn Không Em, Saigon Vĩnh Biệt Tình Ta, Saigon Niềm Nhớ Không Tên, Saigon Của Tôi, Saigon Ơi Thôi Đã Hết... Con người là thế đó, có viên ngọc trong tay không biết giữ, mất rồi mới tiếc ngẩn tiếc ngơ. Hãy cho tôi được xụp lạy thành phố thân yêu ở đây, với vài câu trong bài Thương Nhớ Saigon soạn năm 1981 ở Mỹ:
Saigon ơi! Yêu tôi xin chờ tôi nhé!
Tôi sẽ trở về để hôn những vỉa hè
Của Thành Đô, cao sang và say đắm
Chia sớt tủi hờn và xây đắp tình nồng.
Saigon ơi dù có thay tên
Mà người yêu còn nhớ không quên...
Lại nhắc tới Thái Thanh. Người ta thường gắn liền âm nhạc của tôi vào giọng hát của cô em. Đó là một vinh dự lớn cho tôi. Dù Thái Thanh không hẳn liên tục cùng đi từng bước với tôi trên nhiều đoạn đường vì có nhiều loại ca của tôi vắng giọng Thái Thanh (như bình ca, nữ ca, bé ca nhất là tị nạn ca, ngục ca, hoàng cầm ca và tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ... ) nhưng chúng tôi tái ngộ sau 10 năm xa cách vì hoàn cảnh lịch sử, chắc chắn Thái Thanh còn nhiều thời gian để đuổi kịp tôi. Vì nàng là giọng hát vượt thời gian mà.
Ước mong những điều tôi viết ra trong cuốn sách này không làm buồn lòng ai cả. Hi vọng nó có thể giải toả những oan nghiệt mà tôi, một nghệ sĩ miền Nam, đã cam chịu trong 20 năm trời. Cám ơn bạn đọc đã kiên nhẫn nhìn vào ba mảnh đời của một nghệ sĩ được sống hết mình với Việt Nam trong nhiều thời đại, từ thời êm đềm hay hào hùng tới thời tủi nhục hay thác loạn để cố gắng nói lên định mệnh chung của dân tộc.
Và dù tôi có trải qua dăm eo sèo nhân thế, tôi vẫn chưa phai lòng say mê để tiếp tục cống hiến nốt cho bạn đọc mảnh đời cuối cùng của mình bằng cuốn hồi ký thứ tư. Trong cuốn Hồi Ký THƠI HẢI NGOAI phát hành mùa Thu năm tới, tôi muốn cùng những người có chung số phận, ôn lại thời gian sống lưu vong, tuy chúng ta lúc nào cũng khắc khoải thương nhớ quê hương nhưng vẫn có thể mừng thầm vì được làm cuộc viễn du ra thế giới để cùng nhân loại đi vào thế kỷ 21 với kỷ nguyên kỹ thuật. Cuốn hồi ký này, may thay, được viết sau khi cuộc chiến tranh lạnh giữa các cường quốc chấm dứt, trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, chủ nghĩa Cộng Sản đang sụp đổ, các nước xã hội đang thay đổi và toàn cầu đang đi vào một trật tự mới. Người Việt Nam ở trong hay ngoài nước đã có thể nhìn thấy sự phi lý của 20 năm phân chia Quốc-Cộng chất chứa oan khiên và 15 năm phân chia Quốc Nội-Quốc Ngoại chan chứa hận thù. Liệu sớm có ngày chúng ta xúm nhau thực hiện sự Thống Nhất của Việt Nam mà vào năm 1975, có người đã làm mà chưa hề thành công. Thống nhất đất nước chưa đủ, cần phải thống nhất lòng người. Tôi hi vọng còn sống khoẻ, sống mạnh để đóng góp vào niềm vui chung đó.
Thị Trấn Giữa Đàng
Mùa Thu 1991
_______________________
(°) Xin được coi như những lời tạ ơn.
(°°) Một cán bộ của Đảng Cần Lao doạ tôi nếu không ca tụng nhà Ngô sẽ bị lôi thôi. Một trợ giáo mà tôi mướn tới nhà để kèm học cho các con tôi, về sau mới biết anh là người của Mặt Trận Giải Phóng.
(°°°) Danh xưng "người quốc gia" có khi từ chính phủ Cộng Hoà Nam Kỳ ra đời năm 46. Như vậy Nguyễn Văn Thinh là một trong những người quốc gia đầu tiên.Và là người quốc gia độc nhất tự tử khi biết mình lầm.
(°°°°) Có lẽ sau khi tôi soạn bài Mùa Thu Chết và có người hát nhại là "Em nhớ cho, Phạm Duy đã chết rồi. "... nên Tạ Tỵ bèn "cứu sống" tôi, viết cuốn sách này, cho rằng "Phạm Duy vẫn còn đó, với nỗi buồn." Nhưng tôi thường nói đùa với anh bạn: " Sách này nên đặt tên là "Phạm Duy còn đó nỗi buồn... cười! Vì tôi là kẻ... sức mấy mà buồn!!! "