Phần I: Về An Thái
Chương 25

Vì dinh tuần vũ đã bị đốt cháy, nên Nhạc ăn ở và làm việc tại dãy nhà ngói cánh tả nơi xưa kia là chỗ làm việc của bọn ký phủ duyện lại chuyên lo thuế khóa. Mái lợp ngói thẻ, tường vôi, nhưng vì thấp nên không tránh được không khí ủ dột, ẩm ướt. Mùi giấy mục ngai ngái khiến lâu lâu, cả Nhạc lẫn ông giáo phải hắt hơi. Nhạc và xong một miếng cơm, nói với ông giáo:
- Việc quân lương ngày nay nặng nhọc đấy. Thầy đã biết rồi, tôi không thể đem cái bao tử của chúng ta giao cho lão Huyền Khê được. Còn thằng Lữ thì chậm chạp quá. Lợi rất nhanh nhẹn, nhưng tôi còn lạ gì nó nữa. Có tài thì phải có tật. Hồi còn trạm buôn nguồn trên Tây Sơn thượng, tôi vẫn nhờ Kiên kềm chế bớt, không thì Lợi nó trổ trời mà đi. Tôi phải nhờ Kiên lần nữa. Trên danh nghĩa, cứ để cho đệ tam trại chủ tiếp tục cai quản quân lương. Thay đổi chức vụ bây giờ, bất tiện lắm. Đến những cái động trời như vụ lão Thung, tôi còn phải bấm bụng làm lành nữa là! Ách...xì! Gớm, cái mùi khó chịu quá. Lỡ đốt mất dinh phủ, tiếc thật. Phòng này âm u như nhà mồ! Vụ lão Thung và Huyền Khê, tôi đồng ý với thầy là phải nhịn. Tiếc là thầy không có mặt ở đây hôm ta chiếm phủ. Tôi tuyên dương lão, mà chẳng khác tùng xẻo lão trước mặt ba quân. Ách...ách xì... Tiếc quá. Nhưng không đốt không được. Đốt là phải!
Ông giáo nói:
- Cũng may là chưa đốt hết sổ sách, giấy tờ. Đốt hết, tôi chỉ có nước dơ tay lên hàng thôi!
Nhạc cười ha hả:
- Tụi nó đã chất đống, định cho một mồi lửa rồi. May chú Huệ ngăn kịp.
Thấy Nhạc đang vui, ông giáo hỏi:
- Còn đối với những người thu thuế, ông tính sao?
Nhạc kinh ngạc hỏi:
- Chúng nó đã bỏ trốn cả. Mấy tên còn kẹt trong phủ này, tôi đã đuổi ra. Thầy chưa biết sao?
- Tôi biết chứ. Nhưng đây là chuyện về lâu về dài. Ý tôi hỏi ta có nên dùng họ không?
- Trời ơi! Dùng làm gì bọn bóp hầu bóp họng dân nghèo. Tôi xuất thân làm biện lại, tôi hiểu dân chúng thù ghét lũ thu thuế đến mức nào. Tha cho chúng là nương tay lắm rồi.
- Nhưng rồi đây ai đi thu thuế? Giả sử ta giao việc đó cho anh em chia nhau gánh. Nhưng ở từng làng, từng tổng, ai thiếu ai đủ, ai nợ ai không, làm sao biết?
Nhạc càng kinh ngạc hơn, hấp tấp hỏi lại:
- Thầy nói gì vậy? Thầy tính giữ y cái sắc thuế như cũ à? Giáo Hiến cũng ngạc nhiên không kém:
- Không có thuế lấy gì nuôi quân? Không giữ các sắc thuế, thì làm gì? Xưa nay qua bao việc phế hưng, có ai không thu thuế đâu!
Giọng Nhạc đầy kiêu hãnh:
- Họ khác, tôi khác. Điều này lòng tôi càng quyết. Không thu thuế. Vâng, tôi không lầm lẫn đâu. Nhất định không thu một đồng kẽm thuế của dân. Thuế đinh, thuế muối, thuế đầu nguồn, thuế chợ, thuế đò, tiền siêu tết, tiền cơm nước, trăm thứ lằng nhằng từng làm khổ dân đen, bỏ hết. Chỉ giữ độc cái thuế điền thổ quan năm mà thôi.
Thấy Nhạc hăng hái quá, ông giáo không giám cản. Nhưng ông lo ngại. Vừa lúc đó, Chỉ xồng xộc vào phòng. Ông ta tưởng chỉ có một mình Nhạc. Gặp ông giáo, Chỉ khựng lại, đưa mắt hỏi trại chủ. Nhạc hỏi:
- Ông tới sớm thế? Ngồi chờ cho chúng tôi xong bữa cơm đã.
Chỉ đáp:
- Thế mà anh Nhật bảo tôi đến ngay. Tôi đang ngắm dở mấy cây cột cháy. Đẹp tuyệt. Thợ khéo tay thật. Có xem mấy con rồng ở đây mới thấy cái lão tôi thuê ở Kiên thành kém quá. Vẽ rồng chẳng khác nào vẽ rắn, tệ thật!
Ông giáo bỏ đũa xuống cái mâm đồng ba chân, lắc đầu từ chối khi Nhạc mời ăn thêm chén nữa. Thấy Nhạc sắp ăn xong, Chỉ tráng cái chén xứ mỏng, rót một chén trà thơm, bưng đem đến đặt sẵn trước mặt Nhạc. Ông giáo khó chịu, bảo Chỉ:
- Bác chưa được xem vẽ rồng nhiều nên tưởng thế. Thật ra ở đâu cũng thế thôi. Vẽ con heo, con bò thì khó. Chứ vẽ rồng phượng, ma quỉ, dễ thôi. Có ai được trông thấy con rồng thật đâu mà trách thợ vẽ giống hay không giống. Cũng như ma quỉ, có nói được đâu, có ăn được đâu. Người ta nói thay ăn thay cả đấy!
Chỉ trợn mắt nhìn ông giáo hồi lâu, rồi cười nhạt đáp:
- Thầy nói đúng, nhưng còn thiếu. Ma quỉ, và cả thánh thần nữa, đều do con người bịa ra hết. Cho nên có bọn nói thay ăn thay cho ma quỉ, thì cũng có lũ đạo đức giả nói thay ăn thay thánh thần. Cùng một duộc với nhau thôi.
Thấy tình thế quá căng thẳng, Nhạc cười giải hòa:
- Gớm, tôi xin chịu cả hai thầy. Một bên quen sống với ma quỉ, một bên quen sống với thánh thần. Thảo nào hai thầy hơn tôi ở tài nhìn xa thấy rộng. Không có hai thầy giúp đỡ, tôi không ngồi ăn cơm được trong cái nhà này buổi tối hôm nay đâu. Thế nào tôi cũng nhờ vào hai thầy nhiều việc nữa. Trước mắt thầy Chỉ đã nghĩ hộ cho tôi chuyện ấy chưa?
Chỉ hãnh diện đáp:
- Xong rồi. Chờ anh Nhật với bác Ngạn tới đã chứ?
Vừa hỏi Chỉ vừa liếc xéo về phía ông giáo. Ông giáo hiểu buổi họp tối nay Nhạc không muốn ông có mặt, nên vội nói:
- Tôi có việc cần gặp thằng Kiên một chút. Xin phép hai ông!
°

*

Ông giáo vừa đi khỏi, Chỉ đã nói với Nhạc:
- Tôi ghét cay ghét đắng bọn đồ gàn. Ông xem, tôi...
Nhạc đưa cơi trầu ra mời để cắt lời Chỉ. Nhân lúc Chỉ bận đưa miếng trầu vào miệng và lí nhí cảm ơn. Nhạc bảo:
- Không nên nói sau lưng người khác. Ta bàn ngay chuyện tôi nhờ thầy trước khi anh Nhật và ông Ngạn đến đi.
Chỉ nhai dập dập miếng trầu cho phải phép, quay lại phía tối lén nhả trầu ra để nói cho dễ:
- Tổ chức duyệt binh thật long trọng như trên Kiên thành cũng dễ thôi. Ta đã đặt năm đồn tung tiền hậu tả hữu để phòng bị. Lấy số quân đó diễn binh, tập luyện thuần thục chừng mười ngày là được. Nhưng tôi thấy có hai điều bất lợi: một là nghĩa binh của ta lâu nay quen ở chốn rừng rú, tuổi tác chênh lệch, quần áo lôi thôi, chắc chắn không có đủ uy nghi như toán dàn chào tôi tuyển lựa và huấn luyện kỹ trên Kiên thành. So với lính phủ, cũng không thể được. Hai là phần lớn binh tinh nhuệ ta đã gửi ra Bích Khê và xuống Chợ Giã, năm đội ở đây cũng còn ít quá. Quân đã ít, đi đứng chuệch choạc, quần áo xốc xếch, diễu binh nhiều khi không lợi mà còn có hại. Biểu diễn quần áo, cờ phướn, khoe võ khí là nghề của bọn lính phủ. Ta biểu diễn làm sao cho bằng họ được. Cho nên tôi nghĩ phải tìm cách khác.
Nhạc nôn nóng hỏi:
- Cách nào? Ngoài cái cách đó!
Chỉ hại thấp giọng, ghé sát vào tai Nhạc cho thêm vẻ thân tín:
- Con người ta ai cũng hiếu kỳ. Kinh nghiệm một đời đi đây đi đó, giao thiệp với đủ hạng người giúp tôi hiểu điều đó. Nhiều trường hợp sự đơn giản chơn chất làm hại cho đại cuộc. Cũng như cái nghề thầy cúng của tôi đấy ông. Không có phù chú, hương hoa, không cờ phướn sặc sỡ thì không ai tin đâu. Cho nên tôi nghĩ đến cách này, ông xem thế nào.
Chỉ tự bốc một miếng trầu bỏ vào miệng nhai chầm chậm. Quả nhiên Nhạc nóng ruột. Nhạc giục:
- Thầy nghĩ ra cách gì thế? Có nên nhờ anh Nhật và ông Ngạn tới để bàn không?
Chỉ vội nhả miếng trầu ra, đáp:
- Ấy, để tôi trình bày trước cho ông nghe xem sao đã. Ông có nhớ hôm ta họp ở Kiên thành để bàn cách đánh phủ hay không? Hôm đó ông đưa kế tự nhốt mình vào cũi nộp cho Tuần Vũ Tuyên để vào thành. Ta không thực hiện diệu kế ấy được, nhưng bây giờ ta đã chiếm được thành rồi, thì ai cấm ta loan truyền câu chuyện ly kỳ ấy ra dân gian? Dân họ hiếu kỳ, nghe được chuyện lạ chạy đi thuật cho mười người, mười người tin cho trăm người...Đến lúc cả phủ đều biết chuyện. Họ sẽ nghĩ thế nào về ông? Lợi hay hại? Không cần diễn võ lập oai, dân phủ này phải phục ông là người xứng mặt dẫn dắt họ.
Nhạc thích chí mắt sáng lên. Nhưng vẫn còn một điểm e ngại. Ông hỏi:
- Nhưng nhiều người trong anh em ta biết tôi ở Kiên thành khi phủ mất. Họ sẽ nghĩ ta dối trá.
Chỉ cười tự tin, đáp lại:
- Một số nhỏ biết, nhưng số lớn còn lại chưa biết. Vả lại, ngay số nhỏ đó cũng chưa biết đích xác. Họ có thể nghi ngờ, cho đến lúc mọi người đều tin chuyện nộp mình là thật. Lúc đó họ sẽ băn khoăn, và nghĩ ra mọi cách để tin rằng họ đã lầm. Chẳng hạn họ nghĩ: Biết đâu một người đa mưu túc trí như trại chủ không tìm một người giống mình để giả làm tù nhân, còn chính trại chủ thì làm người khiêng cũi. Hoặc biết đâu vừa chiếm được phủ, trại chủ đã giao lại cho đệ nhị trại chủ để về Kiên thành họp bàn đánh hai kho Càn Dương, Nước ngọt. Vả lại, nghĩ như mọi người có lợi hơn. Số nhỏ đó không dại gì mà nói, hoặc nghĩ khác đi. Nguy hiểm cho họ lắm!
Nhạc gật gù khen:
- Thầy vẽ bùa quen tay có khác. Đến tôi mà cũng chưa nghĩ xa đến như thầy. Được lắm. Việc này cũng quan hệ đấy, vì lòng người lúc này còn hoang mang. Họ tin ta là “quân hoàng hôn”, nhưng chưa tin hẳn. Nhiều anh em còn nói huỵch toẹt cho dân họ nghe, bảo “thờ làm gì cái thằng không có cu”. Dân cũng chưa rõ tôi thế nào, có đáng tin không. Phải cho họ cái gì đó cho họ yên tâm. Ý thầy được lắm!
°

*

Hình như có hẹn trước nên Năm Ngạn và Nhật cùng tới một lượt. Thấy hai người thân tín bước vào phòng, tự nhiên Nhạc bối rối, da mặt đỏ đến tận chân tóc. Ông sợ hai người nghe được câu chuyện Chỉ vừa bàn với mình, hoặc tên thầy cúng quá hăng hái đem câu chuyện ra kể lại với bọn Nhật, Ngạn.
May cho Nhạc là ánh đèn sáp không đủ sáng để chiếu rõ nét ngượng ngập. Tuy thế, Nhạc vẫn lo. Ông nói mau, gần như cướp lời Chỉ:
- Chúng tôi đang chờ hai ông. Không, không trễ đâu. Tôi vừa dùng cơm tối xong, và nói chuyện tầm phào cho vui với thầy Chỉ. Tình hình thế nào, anh Nhật?
Bùi Văn Nhật đáp:
- Tôi đã cho lùng bắt tất cả bọn quan lại lớn nhỏ ở khắp huyện. Bọn độc ác thì trừng trị ngay tại chỗ. Ta cũng đã phá các nhà tù, giải thoát tất cả tù nhân. Trong Phú Yên ông Tiếp cũng làm y như vậy.
- Còn Tuần Vũ Tuyên?
- Người ta đồn đúng đấy. Hắn đã trốn được ra Tam Quan. Vợ hắn khai hắn không kịp mang theo vàng bạc gì cả. Chỉ kịp vơ lấy chiếc ấn.
Nhật đưa tay nắn nắn túi áo, ngước nhìn Nhạc cười tủm tỉm. Nhạc lấy làm lạ hỏi:
- Cái gì thế?
Nhật sung sướng nói:
- Trại chủ đoán xem!
Nhạc mất kiên nhẫn, trách:
- Anh nói ngay cho xong. Ta còn nhiều việc cần bàn.
Lúc ấy, Nhật mới lấy một cái bọc giấy gói buộc cẩn thận đưa cho Nhạc. Nhạc đưa tay nhận, chưa dám mở. Nhạc hỏi:
- Cái gì đây? Của ai?
- Xin trại chủ mở ra sẽ rõ.
Nhạc mở cái bọc, tay hơi run nên gỡ mãi không ra cái nút buộc. Hơi bực bội, Nhạc lòn ngón tay trỏ vào một dây gai bứt tung. Một vật sáng chói dưới ánh đèn sáp. Ông ngập ngừng hỏi:
- Cái ấn à? Của ai vậy?
Giọng Nhật đầy kiêu hãnh:
- Của Tuần Vũ đấy. Hắn vội quá, đánh rơi ấn giữa đường. Một người dân Phù Ly nhặt được đem nộp. Tôi đã thưởng cho cụ ấy mười quan.
Nhạc không còn nghe gì. Ông đưa cái ấn lại sát đèn, mân mê ngắm nghía. Nhạc khen:
- Đẹp thực. Chữ triện mà khắc như thế này không dễ đâu. Thầy Chỉ, ông Ngạn, lại đây. Ta đoạt được ấn, chỉ còn thiếu kiếm là trở thành quan phủ hợp thức rồi! Ha ha! Tiếc quá. Ta lỡ đốt mất dinh rồi. Nếu không...
Năm Ngạn tìm được lúc thích hợp, chen lời:
- Nếu còn dinh, ta bắt bọn quan lại hào lý lớn bé đến hầu, y như trước đây chúng hầu Tuần Vũ Tuyên. Chắc vui lắm! Vâng, tiếc quá!
Chỉ thắc mắc:
- Bây giờ ta xưng hô thế nào nhỉ? Chẳng lẽ đã chiếm được cả phủ mà còn gọi là trại chủ, sao được. Chẳng những ta làm chủ trại Kiên thành, mà làm chủ cả một dải đất từ Bồng Sơn cho đến Phú Yên, bao gồm hai phủ. Trại chủ? Không còn thích hợp nữa!
Bùi Văn Nhật cũng hỏi:
- Còn ông Thung và ông Huyền Khê vị trí thế nào? Họ còn đệ nhị trại chủ, đệ tam trại chủ nữa không? Còn Châu Văn Tiếp trong Phú Yên?
Nhạc chợt nhớ đến mục đích quan trọng cuộc họp tối nay, vội bỏ chiếc ấn vào túi, quay sang bảo ba người:
- Thôi danh xưng là chuyện phụ, ta sẽ tính sau. Không khéo giữ, đến ba thước đất vùi thây cũng không có, chứ đừng nói danh này danh nọ. Nào, ta bắt đầu đi. Anh Nhật, anh cứ nói hết các điều cần làm, rồi ta sẽ bàn từng điểm.
Đêm đó, họ bàn cãi đến khuya biện pháp phân chia lại các toán nghĩa quân để chấm dứt tình trạng cát cứ, đặc biệt là đối với đám bộ hạ của Nguyễn Thung và Nhưng Huy, Tứ Linh. Nguyễn Thung đã lãnh trách nhiệm trấn giữ núi Bích Khê để khỏi phải gặp Nhạc, nên việc bàn bạc khá dễ dàng.
Trước lúc tan họp, Nhạc kéo riêng Chỉ ra dặn:
- Việc thầy nói với tôi lúc nãy, thầy cứ làm đi nhé! Liều liệu sao cho khéo. Tôi tin ở thầy!
°

*

Ông giáo xuống nhà viên cai đội thăm Kiên, đã gặp Huệ ở đấy. Ông ngạc nhiên vì cả Huệ lẫn Kiên đã thay đổi hẳn, gần như hai người xa lạ trước mắt ông.
Ông còn lạ gì Huệ! Cậu học trò thông minh ưa xét lại mọi vấn đề ngay từ gốc rễ, hay hoài nghi vì tự tin, có lối nhìn vừa thân mật vừa giễu cợt đối với kẻ cơ hội lẫn bọn cố chấp, ông quen thuộc biết bao với cái tính độc đáo ấy. Ông hiểu Huệ hơn cả con ông, hơn cả hiểu chính mình. Có nhiều điều ông không thể đem ra bàn luận với con cái, hoặc với một người cùng tuổi tác, nhưng ông giáo lại bàn luận thẳng thắn, rốt ráo với Huệ. Ông tưởng đọc được tâm hồn Huệ như đọc chữ trong sách. Tối hôm ấy, ông giáo bắt đầu thấy mình lầm lẫn. Ông ngờ ngợ cảm thấy Huệ có thay đổi. Những gì nào? Vẫn lối nhìn ấy. Vẫn khuôn mặt ấy. Vẫn cái thói quen lâu lâu đưa tay hất chéo tóc quăn ở góc trán, rồi vuốt nhẹ mái tóc từ trước ra sau ót. Nhưng trong từng chi tiết dường như bất biến, mức độ, động tác, mầu sắc, hình như có nhanh, đậm hơn một chút. Có thể nói Huệ lấy thêm được một sinh lực mới, tìm thấy khoảng rộng cần thiết để bộc lộ thêm cá tính, xác lập bản ngã. Những suy luận ấy hoàn toàn trừu tượng, gần như siêu hình, không lấy gì làm chuẩn để đo lường. Tuy nhiên, ông giáo biết chắc là cậu học trò ngày nay đã khác hẳn ngày xưa. Đối với Kiên, sự thay đổi rõ nét hơn!
Giống như Huệ, Kiên cũng “đậm” lại. Ông giáo thấy con sớm trở thành một người bình thường, từ đây cho đến cuối đời. Không thể chờ đợi Kiên đổi khác, dù lịch sử có giông bão quay cuồng đến mức nào. Thật vậy, sau khi lo việc ma chay cho mẹ con góa phụ, Kiên ở luôn nhà viên cai cơ. Không biết Kiên tìm đâu ra một bộ quần áo tứ thân màu xám tro, và một đôi guốc gỗ. Anh ngồi ghé ở mép phản để tiếp chuyển với Huệ, con bé Út viên cai đội sà vào lòng Kiên. Anh gãi lưng cho con bé, tay kia phe phẩy quạt như một người cha bằng lòng với số phận và chăm chút đến những việc bình thường một cách say sưa.
Ông giáo không hiểu hai người có thể nói được chuyện gì với nhau trước khi ông đến. Họ không có điểm nào chung để hâm nóng cuộc giao thiệp, cũng không đủ kiên nhẫn khách sáo về những chuyện mưa nắng. Họ đố kỵ những điều giả dối, ông biết. Thế thì họ đã nói gì? Ông chịu thua, không hiểu được!
Huệ và Kiên đều lúng túng ngượng ngập khi đứng dậy chào ông. Huệ nhường chỗ ngồi thuận lợi nhất cho thầy. Kiên đứng dậy một chút, lại ngồi ghé ở mép phản. Con bé vẫn không chịu rời Kiên. Ông giáo hỏi:
- Có phải con ông cai đội không?
Kiên đáp, giọng hơi bực bội vì tưởng cha sắp phiền trách mình:
- Thưa vâng. Con đã nhận làm con nuôi rồi!
Ông giáo không ngờ Kiên đi xa như vậy, hỏi:
- Con đã suy nghĩ chín chắn chưa?
Kiên mím môi một lúc, rồi đáp:
- Con đã gần ba mươi tuổi đầu!
Ông giáo không muốn bàn chuyện riêng của gia đình trước mặt Huệ, nhất là trong nhà một góa phụ xa lạ, nên nói sang chuyện khác:
- Được. Cái đó tùy con. Cha vừa gặp ông cả. Ông ấy định sắp xếp cho con làm việc chung với anh Lữ. Việc quân lương ấy mà. Cha thấy như vậy cũng tiện, vì con đã quen với công việc này từ thời ở trạm buôn nguồn. Nhưng trước hết con về An Thái cho các em gặp mặt đã. Chúng nó mong đợi con từng ngày. Chừng nào con đi?
Kiên có vẻ lo lắng, do dự. Anh rụt rè hỏi lại:
- Con An với thằng Lãng không định xuống đây sao cha?
Ông giáo ngạc nhiên:
- Xuống đây làm gì? Tại sao con hỏi thế?
Kiên đáp:
- Con đã hứa đưa mấy mẹ con về quê. Tình cảnh họ thế này...
Ông giáo nóng nảy cắt lời con, hạ thấp giọng cho buồng trong khỏi nghe thấy:
- Đưa về tận quê? Nhưng quê họ ở đâu?
Giọng Kiên gãy gọn, bình tĩnh như muốn thách đố:
- Ở Điện Bàn. Con định ngày mốt sẽ khởi hành.
Ông giáo tròn xoe mắt nhìn con:
- Con nói sao? Điện Bàn à? Con có biết quân triều đã kéo vào chặn đường ở Bến Đá không? Ai cho con đi? Mà đi bằng cái gì? Đường bộ không đi qua được Tam Quan. Đường thủy không vượt được Sa Huỳnh. Con có nói đùa không đấy?
Kiên đáp rành rẽ, cương quyết:
- Có chết con cũng phải đưa người ta về Điện Bàn. Con không phải là hạng vong ân?
Ông tức giận hỏi:
- Ân gì? Mày nói như người đi lạc, tao không hiểu gì cả.
Kiên không trả lời, ôm chặt con Út vào lòng. Đứa bé sợ hãi hết nhìn ông giáo lại ngước lên nhìn Kiên, rồi khóc òa. Kiên tìm thấy được cơ hội, vội đừng dậy, dẫn con bé vào phía trong, vừa đi vừa dỗ dành:
- Út ngoan, đừng sợ. Ông không đánh Út đâu. Đã có chú đây. Ngoan nào, đã bảo đừng khóc nữa. Mẹ đâu rồi? Thôi lại với chị. Dỗ em giùm chú nhé. Tìm khăn chùi mặt mũi rồi cho nó ngủ. Nhớ đắp chăn cẩn thận, không lại cảm.
Ông giáo chờ, nhưng Kiên không trở ra nữa. Ông ngượng với Huệ, giận con mà không biết làm sao thoát khỏi tình trạng khó xử. Huệ rụt rè hỏi:
- Lâu nay thầy vẫn khỏe ạ?
Ông giáo hiểu thiện chí của học trò, cảm động đáp lại:
- Vẫn thường. Về xuôi sức khỏe tôi có khá hơn. Hôm qua tôi nghe anh sắp vào Cù Mông. Chừng nào đi?
- Còn tùy anh cả con. Cói lẽ khoảng vài hôm nữa.
Ông giáo chặc lưỡi, buồn rầu hỏi:
- Không kịp. Như vậy là không được rồi!
Huệ vội hỏi:
- Thầy nói gì ạ?
- Tôi định gửi thằng Lãng cho anh. Tính của nó, anh biết rồi. Chỉ có thể gửi nó đi với anh mà thôi. Trong hoàn cảnh này, để nó đứng ngoài làm những chuyện vặt của đàn bà, sao được.
- Chỉ sợ Lãng nó không thích cầm gươm giáo. Vâng, con biết tính Lãng. Nhưng nếu cần, con sẽ gửi người về An Thái đón Lãng xuống Cù Mông.
Ông giáo vui mừng nói:
- Nếu thế thì tốt quá. Tôi khổ vì mấy đứa con trai. Vừa rầy la thằng Chinh vì cách ăn mặc quái dị, thì...anh thấy đấy...
Ông giáo liếc nhìn vào buồng trong, lắc đầu. Sau một lúc im lặng, ông nói:
- Thế mà tôi định cả chúng nó về An Thái làm tiệc mừng đoàn viên trước khi mỗi đứa đi mỗi ngả!
Rồi muốn tránh nhắc thêm chuyện buồn của gia đình, ông lại chuyển câu chuyện. Ông giáo hỏi Huệ:
- Anh về Cù Mông chuyến này chắc công việc nhọc nhằn lắm? Trong Phú Yên đã có ông Tiếp (Châu Văn Tiếp). Lâu nay mình chỉ liên lạc qua lại bằng thư từ, qua trung gian đệ nhị trại chủ. Thực sự ông ấy muốn gì, nhận định tình thế ra sao, ta khó biết được. Hiện nay tình thế hỗn loạn, lòng người càng khó lường. Ai có quân trong tay cũng nghĩ đến chuyện cát cứ. Hơn nữa, ta khuyến dụ được ông ấy là nhờ mục đích tôn phù hoàng tôn. Bây giờ lòng ta đã khác, biết ông ấy sẽ thế nào!
Huệ vội hỏi:
- Thầy bảo lòng mình thay đổi, là thế nào ạ?
Ông giáo buồn rầu đáp:
- Tôi có cảm tưởng như vậy. Hôm qua trong tiệc rượu chung vui với anh em nghĩa quân, ông cả đem chuyện “cái thằng không có cu” ra làm chuyện đùa, khiến mọi người cười nói ầm ĩ! Hồi trước ai đùa cợt như vậy bị ông cả phạt năm mươi hèo, anh nhớ không?
Huệ mỉm cười, trả lời:
- Vâng, con nhớ! Nhưng con cũng nhớ là trước khi về Kiên thành, thầy đã tốn bao nhiêu tâm sức mà anh em vẫn chưa rõ hoàng tôn là ai, đối với họ có quan hệ gì. Việc tôn phù ông hoàng này hay ông hoàng kia, đối với đa số anh em, cũng xa lạ như chuyện trên trăng. Họ chịu im lặng nghe thầy, nhưng không cả tin. Được dịp họ lại đem chuyện hoàng tôn ra pha trò, nhất là khi không có thầy...
Ông giáo nóng nảy cướp lời Huệ:
- Họ khác ta khác. Anh em nghĩa quân phần lớn chân lấm tay bùn chưa có dịp được nhìn xa quá cái niêu cơm. Cái gì làm cho họ thích thú nhất? Một niêu cơm đầy. Cái gì làm cho họ phẫn nộ? Kẻ đập vỡ cái niêu cơm của họ, trước mắt là bọn thu thuế, bọn chức sắc chuyên nạt nộ dọa đóng gông những ai không chịu nộp thóc nộp tiền cho quan phủ! Đem bọn đó ra giễu cợt, họ vui đùa thỏa thích ngay! Nhưng ta may mắn nhìn được xa hơn đám đông, ta phải tính trước cái lợi hại. Ta đạp đổ hết, có khác nào dúi lửa đốt quách cái nhà cũ để xây hẳn cái nhà mới. Tôi nhớ có lần đã nói với anh chuyện này rồi! Huệ cũng không vừa:
- Và con nhớ lần đó đã thưa với thầy rằng chỉ có những ai đủ tiền dựng nhà mới băn khoăn không biết nên đốt quách cái cũ xây cái mới hoặc nên xem xét dùng lại mấy cây cột, cây kèo, rui mè, cửa ngõ. Còn đối với những kẻ vô gia cư, bị đẩy đi lang bạt nơi đầu đường xó chợ như đa số anh em nghĩa quân, thì đốt hay không đốt không cần bận tâm. Họ sẽ tìm một chỗ đất trống, và xây hẳn một cái nhà mới.
Ông giáo ngạc nhiên đăm đăm nhìn Huệ, thảng thốt hỏi:
- Anh mà cũng nghĩ thế sao?
Huệ thấy thầy giận, vội đáp:
- Ấy là con thấy tâm lý chung của anh em như vậy.
Ông giáo thở dài, nói:
- Tôi già rồi. Có lẽ không còn theo kịp các anh nữa. Đến nỗi lúc nãy tôi không nhận ngay ra anh.
Huệ xúc động vì giọng chua chát trách móc của thầy, vội nói:
- Con xin lỗi đã làm thầy buồn. Tuổi trẻ nhiều lúc nông nổi. Chắc thế nào có chút từng trải, con sẽ chín chắn hơn. Về việc em Lãng, thầy yên tâm. Con sẽ cho người lên đón. Kỳ trước nhận được thư thầy, con cố nói mãi mà Lãng vẫn không chịu. Bây giờ đã có lệnh tất cả trai tráng phải sung quân. Lãng nên về với con.
Giọng ông giáo vẫn còn bâng khuâng:
- Cảm ơn anh. Mọi sự đã ra ngoài tầm tay tôi rồi. Tôi có lo cũng không xuể nữa. Ngay như việc thằng Kiên, anh thấy đấy!
Chợt nhớ đến con, ông gọi:
- Kiên ơi!
Kiên không có cách nào khác, phải ra phòng trước gặp cha. Ông giáo bảo:
- Thôi cha tính thế này: Con tạm đưa bà ấy và các cháu bé lên An Thái với con An, chờ khi nào thông đường hãy đưa về Điện Bàn. Sẵn dịp cho anh em gặp nhau. Cha cũng sẽ xin về ít hôm với con. Khuya rồi, cha về thôi!
Huệ mau mắn nói:
- Xin thầy chờ con đi lấy thuốc đã. Lối qua trại có quá nhiều ổ gà!
°

*

Hai thầy trò đi bên nhau, không ai nói với ai lời nào. Huệ thấy trong hoàn cảnh mới, sự khác biệt giữa mình với thầy càng nhiều, và chỉ có thể bàn luận đến một giới hạn đó. Anh không có tham vọng san bằng các dị biệt, vì không thể được. Anh hiểu thầy không thể phủ nhận cái lâu nay đã trở thành nền móng của nếp suy nghĩ, cách xử thế, lối xét đoán. Xét lại tự căn, để tức là xét lại cả bản chất cuộc đời mình. Từ các bậc thánh trí, không ai dám làm một công việc phiêu lưu và đầy xót xa như vậy.
Về phần ông giáo, hình ảnh Huệ giơ nghiêng cây đuốc dẫn lối cho ông về trại đã tạo cho ông những xúc động mạnh. Ông nhớ lại những đêm hai thầy trò ngồi canh lúa bên con cúi rơm leo lét giữa khuya, chung quanh là đồng mênh mông và gió se lạnh. Ông tiếc biết bao nhiêu, những đêm tâm sự ấy. Hai thầy trò cùng ngồi trong bóng tối, run cầm cập trước gió lạnh, ngửi mùi khói rơm pha lẫn mùi bùn, mùi rạ mới. Ánh đóm con cúi heo hút, leo lét như chính tâm hồn họ. Họ cũng mon men đi tìm chân lý lịch sử, dìu nhau, dắt nhau qua khỏi khói mù hoài nghi. Họ khác biệt quá xa về tuổi tác, nhưng gần nhau ở sự thao thức, ở nỗi băn khoăn muốn làm một cái. Lúc đó lòng ông giáo ấm áp, vì chẳng những ông còn cảm thấy an toàn về vị trí nhà nho của mình, mà còn tìm được một tâm hồn bè bạn, thân ái. Hai thầy trò thông cảm nhau, ngồi với nhau giữa đồng vắng để nói chuyện cho nhau nghe về những điều tâm tư sâu kín nhất. Cả đời người chưa chắc gặp được những cơ hội như vậy.
Bây giờ, cũng vẫn hai thầy trò, đêm còn tối, gió có lẽ mạnh hơn, nhưng vị trí của họ đổi thay biết bao nhiêu! Họ không thể ngồi yên một chỗ được nữa. Họ đã đứng dậy. Họ đang đi tới. Điều oái ăm là trong cuộc đăng trình này, chân ông giáo đã mỏi. Người cầm đuốc soi giùm đường cho ông tối nay lại là chính đứa học trò thân yêu. Lòng ông buồn man mác, vị đắng tự nhiên lan man nơi đầu lưỡi.
Huệ thấy thầy dợm bước vào một chỗ lầy trên đường cái vì cơn mưa bất chợt khuya hôm qua, vội nói:
- Thầy tránh chỗ ổ gà. Không lại dơ cả quần.
Ông giáo khựng lại, bối rối và buồn rầu. Ánh đuốc không soi rõ nỗi bực dọc của ông. Huệ không thể thấy được nụ cười gượng chua chát của thầy, vì ông giáo xoay về hướng tối khi bảo:
- Cảm ơn anh. Mắt tôi hoa, không phân biệt đâu là chỗ đáng đặt chân nữa.
Huệ tưởng ông giáo nói thật, sốt sắng đưa tay ra:
- Thầy để con dắt cho.
Khi nắm bàn tay thầy, Huệ cảm thấy bàn tay ông giáo xương xẩu và lạnh ngắt. Hình như ông giáo run lên vì rét. Anh thương thầy vô hạn, cảm động nói:
- Thầy đi nhanh theo con, không lại nhiễm sương!