ở Anh, người ta biết rằng cuộc chiến tranh này sẽ khó khăn và nguy hiểm. Hầu như ngay từ buổi đầu, người ta đã thấy thực tế là Uy-liêm Pít, người đã thôi việc từ năm 1801, trở lại cầm đầu chính phủ, Uy-liêm Pít đã rút lui từ ngày mà giai cấp lãnh đạo Anh, giai cấp tư sản và quý tộc cho rằng có khả năng và cần thiết thương lượng hoà bình với Bô-na-pác.Bây giờ đây, vào năm 1803, Uy-liêm Pít lại hoạt động. Con người này đã đánh cách mạng Pháp trong chín năm trời và từ nay lại gánh trách nhiệm theo đuổi một cuộc chiến tranh vô cùng khủng khiếp hơn chống Na-pô-lê-ông. Tuy nhiên, nếu Uy-liêm Pít nghĩ rằng đánh nhau với Na-pô-lê-ông sẽ khó khăn hơn là đánh nhau với những chính phủ cách mạng vừa qua thì Uy-liêm Pít cũng nhận thấy rằng cuộc chiến tranh mới này không gây nhiều nỗi lo lắng về mặt chính trị ở trong nước như cuộc chiến tranh trước đây với cách mạng Pháp. Đúng là vào năm 1803, nước Pháp đã mở rộng đất đai của mình một cách đáng kể làm cho Pháp trở nên giàu có hơn và có một quân đội được tổ chức khá hơn trước; đứng đầu nước Pháp là một nhà tổ chức thiên tài và một người chỉ huy lỗi lạc. Nhưng mặt khác, cái "nọc độc cách mạng" kia đã tan biến đi rồi, cái nọc đã bắt đầu phá hoại rõ rệt hạm đội của hoàng gia Anh, chưa nói đến nhân dân thợ thuyền ở các khu trung tâm kỹ nghệ và ở các vùng mỏ than. Pít nhớ rất rõ đến các cuộc nổi loạn của của thuỷ thủ vào năm 1797. bây giờ, trị vì nước Pháp là một tay độc tài đã từng đàn áp man rợ những người Gia-cô-banh và thủ tiêu mọi dấu tích của quyền tự do chính trị. Tất cả những cái đó đều là sự thật. Tuy vậy, trong 18 tháng đầu của cuộc xung đột ấy, giữa nước Anh bị cô lập với nước Pháp của Na-pô-lê-ông, có chỗ rất đáng lo ngại. Sau khi đã phấn khởi đón chào hoà ước A-miêng, trong vài ba tháng, gia cấp tư sản thương nghiệp và công nghiệp Anh tin chắc rằng - như trên đã nói - Bô-na-pác không muốn ký kết, bằng bất kỳ giá nào, một hiệp ước thương mại với nước Anh và sẽ không cho hàng hoá Anh nhập vào Pháp, cũng như vào các nước châu Âu thuộc quyền Bô-na-pác. Còn như bọn quý tộc, chúng mong muốn chiến tranh một cách có ý thức đầy đủ, vì nếu không có chiến tranh thì chúng phải ưng thuận một cuộc cải cách tuyển cử đến tận gốc, có lợi cho giai cấp tư sản, hoặc phải đương đầu với một cuộc đấu tranh ở trong nước kéo dài và cực kỳ nguy hiểm. Đó là một thực tế hiển nhiên, không thể chối cãi được. Vả lại, cái ám ảnh kinh khủng của phong trào thợ thuyền cũng làm cho giai cấp đang sắp sửa lao vào cuộc tử chiến ấy phải lo sợ. Uy-liêm Pít dốc tất cả tâm lực vào việc ngăn cuộc đổ bộ của Na-pô- lê-ông lên bờ biển nước Anh. Trước hết, Na-pô-lê-ông đã đánh chiếm Ha-nô-vrơ, một quốc gia lớn ở Đức và là đất đai của riêng vua Anh, đồng thời ở đấy, vua Anh có quyền tuyển cử hoàng đế Đức. Sau đó, Na-pô-lê-ông đã hạ lệnh chiếm đóng một số căn cứ khác nhau ở miền nam nước ý, những nơi mà trước đây quân đội Pháp còn chưa tới. Na-pô-lê-ông chỉ thị cho Hà Lan và Tây Ban Nha phải để hạm đội và quân đội của họ cho Pháp điều động. Đồng thời có lệnh tịch thu hàng hoá của Anh trong tất cả các nước chư hầu; bắt tất cả những người Anh ở Pháp và giam giữ cho đến khi nào ký hoà ước với Anh. Rồi Na-pô-lê-ông đã tiến hành xây dựng một trại lính lớn ở Bu-lô-nhơ, đối diện với bờ biển nước Anh, nơi tập trung lực lượng rất lớn nhằm đổ bộ sang Anh. Na-pô-lê-ông chỉ cần ba ngày sương mù là làm chủ được Luân Đôn, trụ sở Quốc hội và nhà Ngân hàng Anh, Na-pô-lê-ông đã nói như vậy vào tháng 6 năm 1803, tức là một tháng sau khi chiến tranh bùng nổ. Công việc chuẩn bị xây dựng trại lính Bu-lô-nhơ được xúc tiến hết sức khẩn trương vào năm 1803, và sang năm 1804 càng khẩn trương hơn nữa. Không khí hoạt động căng thẳng trùm khắp các hải cảng và các xưởng đóng tàu biển của Pháp. "Ba ngày sương mù" có thể cho phép hạm đội Pháp thoát được hạm đội Anh và đổ bộ lên đất Anh. Và lúc bấy giờ, chọc thủng mọi phòng tuyến, Na-pô-lê-ông sẽ tiến thẳng về Luân Đôn và đột nhập thủ đô. Na-pô-lê-ông và rất nhiều người ở Anh đã nghĩ như vậy. Nhiều người Anh, đã sống trong thời kỳ đó, về sau này nói rằng trong những tháng đầu chiến tranh, người ta muốn chế giễu chương trình đổ bộ của Bô-na-pác. Nhưng vào cuối năm 1803 và nhất là vào năm 1804, người Anh không còn cười được nữa. Kể từ ngày nước Anh chờ đợi sự xuất hiện của chiến thuyền Tây Ban Nha vào năm 1588 đến nay, chưa bao giờ nước Anh lâm vào tình trạng náo động khẩn cấp đến như thế. Trong lúc đi thăm các hải cảng và các thành phố trên bờ biển tây-bắc nước Pháp, Na-pô-lê-ông đốc thúc công việc và trong các bản tuyên bố, Na-pô-lê-ông đã làm loé rực trong ánh mắt của dân chúng các khu trung tâm buôn bán cái viễn ảnh rạng rỡ của sự chiến thắng kẻ địch muôn đời. Chính phủ Anh nhận được nhiều tin tức rất đáng lo ngại về quy mô chuẩn bị lớn lao của Na-pô-lê-ông. Nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhất được ban ra. Con người mà vào năm 1789, với một hạm đội và một đội quân hùng mạnh đã có thể thoát khỏi cuộc đuổi bắt của hạm đội Anh trên khắp Địa Trung Hải và đổ bộ lên Ai Cập không gặp khó khăn gì, chiếm đảo Man-tơ khi đi qua, một con người như vậy hoàn toàn có thể lợi dụng sương mù rất hiếm ở Địa Trung Hải, nhưng thường luôn luôn có ở biển Măng-sơ. Và thời gian cần cho Na-pô-lê-ông để thực hiện tốt sự nghiệp lần này không phải là một chuyện hàng tháng, mà chỉ là hàng giờ hoặc nhiều nhất là vài ngày. Vậy làm thế nào?Có hai giải pháp đề ra. Thứ nhất là vung vãi thật nhiều vàng ra để thành lập gấp một khối liên minh châu Âu, khối ấy sẽ tiến công Na-pô-lê-ông về phía đông và như vậy sẽ ngăn chặn được Na-pô-lê-ông xâm lược nước Anh. Nhưng nước áo đã bị Bô-na-pác đánh bại và đã bị thua thiệt nặng vì hoà ước Luy-nê-vin, đang chưa hoàn toàn hồi phục. áo muốn chiến tranh nhưng không tự quyết định được. Phổ lưỡng lự, Nga cân nhắc. Các cuộc thương nghị đang tiến hành. Pít không thất vọng về việc thành lập khối liên minh, song, phương kế đó tuy có chắc nhưng lại chậm chạp: không phải tức thời thành lập ngay được. Còn lại một thủ đoạn khác. Từ lâu, Uy-liêm Pít và Ô-két-biu-ri đều đã biết rằng Gioóc-giơ Ca-đa-đu, gã bảo hoàng đến tận xương tuỷ đang ở Luân Đôn và ở đấy hắn liên hệ với bá tước ác-toa; ngoài ra họ còn biết đại khái rằng bọn người Pháp xuất dương đang mưu mô gì đó. Thế là tức thì chính phủ Anh biết được những nét lớn về công việc của bọn bảo hoàng trốn ở Luân Đôn đang chuẩn bị. Tin chắc rằng cuộc bạo động ở Văng-đê đã hoàn toàn bị đè bẹp và không có khả năng lật đổ Bô-na-pác bằng vũ lực nên bọn chúng lặp lại cái mưu mô đã ngẫu nhiên bị thất bại hồi vụ bom nổ năm 1800. Những viễn cảnh bất ngờ hiện ra trước mắt Uy-liêm Pít. Chính phủ Anh muốn thực hiện công việc này một cách rất khéo léo. Tốt nhất là làm như đã làm vào năm 1801 đối với Pôn đệ nhất, trong lúc Pôn đang tiến hành chinh phục ấn Độ, nghĩa là chơi lối ném đá giấu tay, vừa giữ được nghi thức lại vừa giành được cho mình khả năng bày tỏ những lời thăm viếng chia buồn một cách đàng hoàng đứng đắn nhất, như xưa kia, nhân dịp Sa hoàng bị "trúng phong" ở trong buồng ngủ, lúc đại sứ Nga Vô-rôn-xốp chính thức báo tin cho người Anh biết về cái tai nạn đáng phàn nàn về mặt y học đó. Nhưng tổ chức vào năm 1804 ở cung Tuy-lơ-ri một "cơn trúng phong" là việc khó khăn và rất phức tạp hơn lúc ở cung điện Mít-sen ở Pê-téc-bua. Bên cạnh Na-pô-lê-ông không thấy có bọn sĩ quan cận vệ công phẫn, không có một bá tước Pa-len, một tên Ben-nít-xen, một tên Pla-tôn Du-bốp, một trong số những người đã trực tiếp gây ra "cơn trúng phong". Mà giải quyết công việc này cũng không phải bằng một bà kiều diễm trên đời như kiểu On-ga A-lếch-xan-đrốp-na Dê-rép-sê-va, chị Pla-tôn Du-bốp, mà Uých-oóc, đại sứ Anh ở Pê-téc-bua lúc bấy giờ đã dùng làm trung gian để biểu thị lòng ân cần của mình đối với sức khoẻ của hoàng đế Pôn; bây giờ lại phải bàn bạc với một tên thộn người xứ Brơ-ta-nhơ chẳng hiểu những lời bóng gió tế nhị, những câu hiểu ngầm, và chỉ có cái việc "triệt" vị Tổng tài thứ nhất đi mà hắn chịu không hiểu phải làm thế nào. Tóm lại, Ca-đu-đan không hiểu thật rõ rằng phải làm thế nào để có thể "triệt" được người đứng đầu chính phủ ở ngay trong kinh thành của ông ta. Những kiểu nói tinh tế như vậy hoàn toàn xa lạ đối với Ca-đu-đan và hai chân to quá khổ của hắn xỏ trong đôi ủng săn to tướng chưa đủ khéo léo để tiến bước trên sàn ván bóng như gương của các phòng khách và văn phòng ngoại giao ở Luân Đôn. Trong các cuộc bàn luận đó, câu nói "triệt Bô-na-pác" cũng có ý nghĩa thú vị như câu nói "mời hoàng đế Pôn thoái vị" trong những cuộc bàn bạc bí mật giữa bá tước Pa-len và A-lếc-xan và đêm 12 tháng 3 năm 1801. "Lời nói có làm chết người đâu", đó là câu tục ngữ xã giao nhất trong số những câu châm ngôn Nga, Uy-liêm Pít con, đã suốt đời tuân theo ý nghĩa giáo huấn của câu đó mặc dầu hắn không biết tiếng Nga. Âm mưu đó nảy sinh và được trù tính ở Luân Đôn. Gioóc-giơ Ca-đu-đan phải trừ được vị Tổng tài thứ nhất, nghĩa là phải cùng với một vài người có vũ khí bất thần xông vào giết vị Tổng tài thứ nhất lúc ông ta cưỡi ngựa dạo chơi, chả là ông có thói quen hay đi dạo một mình quanh khu Man-me-dông, nơi ông ở. Ca-đu-đan là một tên bảo hoàng cuồng tín, theo đúng nghĩa của danh từ. Hắn đã nhiều lần liều mình ở Văng-đê và đã trải qua nhiều chuyện mạo hiểm kỳ quặc nhất. Không ngần ngại, không sợ hãi, bây giờ Ca-đu-đan sẵn sàng giết Bô-na-pác vì hắn thấy Bô-na-pác là hiện thân của sự thắng lợi của cách mạng mà hắn căm hờn, là kẻ đã chiếm đoạt ngai vàng của ông vua chính thống là Lu-i của dọng họ Buốc-bông.Vào một đêm tối trời tháng 8 năm 1803, Ca-đu-đan và đồ đảng của hắn được một tàu Anh cho đổ bộ lên bờ biển Noóc-măng-đi và bọn chúng tức khắc đến Pa-ri. Bọn mưu sát có nhiều người, có nhiều tiền, có những mối liên lạc ở thủ đô, có những địa chỉ và nơi hẹn hò bí mật, có nơi ẩn trốn chắc chắn. Nhưng ngoài ra còn phải bắt liên lạc với nhân vật sẽ lên nắm chính quyền và triệu hồi bọn Buốc-bông về ngai vàng của tổ tiên họ ngay sau khi vừa thủ tiêu được Bô-na-pác. Bọn bảo hoàng tin tưởng sẽ tìm được nhân vật đó ở tướng Mô-rô, ở Pi-sơ-gruy - một viên tướng khác sẽ làm trung gian giữa Ca-đu-đan và Mo-rô. Pi-sơ-gruy là kẻ bị đày ra Guy-an sau ngày 18 Tháng Quả, đã vượt ngục trở về năm 1803 và sống bí mật ở Pa-ri. Bị buộc tội là phản bội, lại là một tên tù vượt ngục thì thực tế Pi-sơ-gruy có thiệt gì khi hành động. Nhưng tướng Mo-rô lại là người có cái cốt cách khác hẳn và ở vào một hoàn cảnh khác hẳn. Mo-rô là một trong những tướng tài nhất của quân đội Pháp, một kẻ tham lam, nhưng một kẻ tham lam do dự. Đã từ lâu, Mo-rô căm ghét Bô-na-pác, vẫn cầu hại cho Bô-na-pác vì Bô-na-pác đã dám làm cuộc đảo chính ngày 18 Tháng Sương mù, điều mà bản thân y không dám làm, và từ đó Mo-rô ở vào tình trạng đối lập ngấm ngầm với Bô-na-pác. Một số người Gia-cô-banh tưởng Mo-rô là một tay cộng hoà kiên định, và bọn bảo hoàng biết rõ chân tướng Mo-rô thì đinh ninh rằng chỉ nội chuyện căm ghét Bô-na-pác cũng đã đủ để Mo-rô sẵn sàng giúp bọn chúng một tay. Thực ra, mối căm ghét đối với Bô-na-pác là thiên kiến chủ yếu của Mo-rô, nhưng không thể vì thế mà cho rằng Mo-rô muốn đặt lại bọn Buốc-bông lên ngai vàng. Nhưng cái việc "đã biết rõ âm mưu mà lại không phát giác" sau này đã làm cho Mo-rô bị khốn đốn. Pi-sơ-gruy, thường xuyên liên hệ với bọn gián điệp của chính phủ Anh, bảo đảm với người Anh và bọn bảo hoàng rằng Mo-rô đã bằng lòng cộng tác. Nhưng Mo-rô từ chối, không nói chuyện với Ca-đu-đan và tuyên bố thẳng với Pi-sơ-gruy rằng y sẵn sàng hành động chống Bô-na-pác nhưng không muốn phụng sự bọn Buốc-bông. Trong khi các cuộc hội đàm và bàn bạc bí mật đó đang tiến hành thì cảnh sát của Na-pô-lê-ông rình mò và hàng ngày báo cáo lên vị Tổng tài thứ nhất tất cả những điều đã khám phá được. Ngày 15 tháng 2 năm 1804, tướng Mo-rô bị bắt tại nhà riêng và tám ngày sau thì Pi-sơ-gruy bị tóm cổ vào ban đêm: chả là Pi-sơ-gruy trốn trong nhà người bạn thân nhất của hắn, người này đã báo cho cảnh binh để lấy 300.000 phrăng. Những cuộc thẩm vấn diễn ra liên tục, nhưng Pi-sơ-gruy không chịu khai một điều gì. Nhân danh Bô-na-pác, người ta hứa với Mo-rô rằng sẽ trả lại tự do và khoan hồng nếu Mo-rô nhận đã gặp gỡ bàn bạc với Ca-đu-đan. Mo-rô từ chối. 40 ngày sau khi bị bắt, người ta thấy Pi-sơ-gruy chết treo trong nhà giam bằng chiếc cra-vát của hắn. Thế là tiếng đồn không ngớt truyền đi rằng không phải Pi-sơ-gruy tự sát mà bị ám sát theo lệnh cấp trên. Sau này, Na-pô-lê-ông cải chính một cách khinh bỉ những tin đồn đó rằng: "Tôi có toà án để xét xử hắn và có lính để bắn hắn. Trong đời tôi, không bao giờ tôi làm một việc vô ích". Song những tin đồn đó có đất tốt để phát triển, vì trước cái chết bí mật của Pi-sơ-gruy vài ngày, một sự cố hoàn toàn bất ngờ đã làm rung động các tầng lớp trên ở Pháp và ở châu Âu: công tước Ăng-ghiên, một người thuộc dòng họ Buốc-bông, bị hành hình.Từ ngày Mo-rô, Pi-sơ-gruy và tiếp luôn là nhiều người khác dính líu đến âm mưu đó bị bắt, có thể nói rằng Na-pô-lê-ông không lúc nào nguôi giận. Trong việc này, Na-pô-lê-ông thấy rất rõ vai trò chủ đạo của bọn Buốc-bông cũng như bàn tay của người Anh. Na-pô-lê-ông biết rằng người Anh đã đưa Ca-đu-đan đổ bộ lên đất Pháp từ cuối mùa hạ năm 1803, mang theo tiền bạc của người Anh và những lời chỉ giáo của bá tước ác-toa, biết rằng Ca-đu-đan hiện ở Pa-ri và có thể bất cứ lúc nào gây ra một vụ mưu sát do một mình hắn hoặc cùng bọn tâm phúc của hắn tiến hành. Trong cơn giận dữ, có lần Bô-na-pác nói rằng bọn Buốc-bông đã lầm tưởng Bô-na-pác không có đủ tư cách để bắt chính bọn chúng phải đền tội về những vụ mưu sát ấy. Khi nghe câu la lối ấy, để lấy lòng Bô-na-pác và đồng thời để trả thù bọn bảo hoàng đang căm ghét mình mà không gặp nguy hiểm gì, Tan-lây-răng liền nhận xét chêm vào: "Thật vậy, bọn Buốc-bông cho rằng máu của ngài không quý bằng máu của bọn chúng". Lời nhận xét này đã làm cho Na-pô-lê-ông phát điên khùng. Chính vì thế mà lần đầu tiên người ta nghe nói đến công tước Ăng-ghiên. Giận dữ đến cực điểm, Na-pô-lê-ông tức tốc họp hội đồng tư vấn (có Phu-sê và Tan-lây-răng tham dự), quyết định bắt công tướng Ăng-ghiên. Có hai khó khăn: trước hết là công tước không sống ở Pháp mà ở đất Bát-đơ, hai là công tước không dính líu gì đến cái âm mưu đã bị bại lộ kia. Nhưng trở ngại thứ nhất đối với Na-pô-lê-ông thì không thành vấn đề vì lúc bấy giờ Na-pô-lê-ông đã hành động ở Tây Đức và Nam Đức như ở trên đất nước mình rồi. Trở ngại thứ hai cũng chẳng đáng kể vì người ta đã quyết định từ trước là sẽ đưa công tước ra trước hội đồng quân sự, mà đặc biệt hội đồng này không đòi hỏi gì nhiều chứng cớ cho lắm. Lệnh bắt được truyền đi ngay. Công tước Ăng-ghiên, sống ở ét-ten-hai, một thành phố nhỏ trên đất Bát-đơ, có ngờ đâu đến cái nguy cơ khủng khiếp đang treo trên đầu. Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 3 năm 1804, một phân đội hiến binh đi ngựa, xâm phạm đất Bát-đơ bắt công tước Ăng-ghiên và đưa ngay về Pháp. Rõ ràng là các vị thượng thư xứ Bát-đơ tỏ vẻ hài lòng vì người ta đã có ý không bắt họ cùng với công tước, và suốt trong thời gian công tước bị bắt, các nhà chức trách xứ Bát-đơ đi biệt tăm biệt tích đâu không biết. Ngày 20 tháng 3, công tước bị giải tới Pa-ri, đưa về lâu đài Vanh-xen-nơ. Chiều ngày 20 tháng 3, hội đồng quân sự họp ở đấy để xét xử công tước Ăng-ghiên đã can tội ăn tiền của nước Anh chống lại nước Pháp. Ba giờ kém mười phút sáng, Ăng-ghiên bị kết án tử hình. Ăng-ghiên viết một lá thư và yêu cầu gửi đến tận Na-pô-lê-ông. Chủ tịch hội đồng quân sự Huy-lanh (một trong số những người anh hùng phá ngục Ba-xti) muốn nhân danh toà án gửi lên Na-pô-lê-ông đơn xin giảm tội cho Ăng-ghiên, nhưng tướng Xa-va-rin, đặc phái viên của điện Tuy-lơ-ri, giằng bút ở tay Huy-lanh và nói: "Bây giờ là việc của tôi". Ba giờ sáng, công tước Ăng-ghiên bị đưa xuống hào của lâu đài và bị xử bắn. Khi xem thư của công tước Ăng-ghiên, Na-pô-lê-ông nói rằng nếu nhận được sớm hơn thì sẽ đã xá tội cho Ăng-ghiên. Suốt ngày hôm đó, Na-pô-lê-ông vô cùng ủ dột và tư lự, không một ai dám nói gì với ông cả. Sau này, Na-pô-lê-ông quả quyết rằng mình hoàn toàn đúng khi cho hành hình công tước: quyền lợi của Nhà nước đòi hỏi làm như vậy và cần phải làm cho bọn Buốc-bông khiếp sợ rụng rời. Vài ngay trước khi xử tội công tước Ăng-ghiên, cuối cùng Ca-đu-đan cũng đã bị bắt. Khi người ta tóm được hắn ở ngoài phố, hắn chống cự lại một cách tuyệt vọng, làm chết và bị thương nhiều cảnh binh. Ca-đu-đan và bọn tâm phúc của hắn đều bị lên máy chém. Tướng Mo-rô bị phát vãng ra khỏi nước Pháp.