Chương 11


Chương 25

Chương 25
Dĩ nhiên một kẻ chuyên tạo khủng bố như Mao rất sợ người ta trả thù.
Mao cho cất một căn nhà ở ngoại ô Diên An, chung quanh có hàng rào cao, và có lính gác. Ai cũng tưởng Mao sống ở đây, nhưng không phải. Mao còn một căn nhà khác sâu vào trong núi, có khả năng chống được bom, nối với căn nhà ở ngoài bằng một con đường đủ rộng cho xe chạy. Con đường được che kín bởi cây cối, người ngoài khó thấy. Toàn bộ căn nhà được ngụy trang kín đáo, chỉ khi đến thật gần, bước lên bậc thềm mới thấy nó. Không ai được tới đây, ngoại trừ những người Mao cho đòi tới. Và cũng chỉ có thể tới một mình gặp Mao mà thôi. Lính hầu bị giữ lại bên ngoài. Mao sống ở đây.
Trùm mạng lưới KGB của TQ là hung thần Khang Sinh. Khang có phải là đảng viên CS không, không ai biết. Những người bảo lãnh Khang vào đảng, dựa theo hồ sơ của Khang, đều khai không biết gì về chuyện đó. Khang cũng từng bị tù bởi Quốc dân đảng. Dimitrov cũng kết tội Khang là không đáng tin cậy. Nhưng Mao đã sử dụng Khang, như Stalin sử dụng Vyshinsky (gốc Menshevik), cho Khang toàn quyền tra tấn và kết tội kẻ khác. Trong cương vị này Khang đã bộc lộ hết bản chất tàn ác của y, nhưng với một gốc gác mơ hồ như vậy, Khang lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ, vì thế Khang tuyệt đối trung thành với Mao cho tới lúc chết. Đây cũng là một cách dùng người của Mao.
Quyền uy của Khang lớn tới độ chính Lưu Thiếu Kỳ đã phải nhờ Khang che chở nhiều lần để khỏi bị thanh trừng trong cuộc chỉnh huấn ở Diên An.
Trong cuộc chỉnh huấn ở Diên An có hai người đàn bà. Một là Diệp Quần, vợ Lâm Bưu và một là Giang Thanh, vợ Mao. Một ngày tháng 3-1943, trong khi Lâm Bưu đang ở Trùng Khánh, Diệp Quần bị cột vào ngựa và cho ngựa kéo. Khi về tới, Lâm Bưu đến gặp mặt Mao và chửi thẳng vào mặt Mao: "Đ.M. mày. Chúng tao chiến đấu ở mặt trận để ở nhà mày đối xử với vợ tao như vậy hả?" Mao phải trả tự do cho Diệp Quần, và còn cho bà trắng án. Giang Thanh, ngược lại, không được Mao che chở như vậy. Bà cũng phải bị kiểm thảo và bị đấu tố, dù không nặng nề như những người khác, thế nhưng cũng đủ để khiến bà sợ Mao tới suốt đời.
Sự khủng bố của cuộc chỉnh huấn Diên An đã xây dựng thành công một ông vua kiểu Tần Thuỷ Hoàng: không ai dám trái ý. Mọi người phải học tập các bài nói chuyện của Mao, và tung hô: Mao Chủ tịch muôn năm. Bài hát "Đông phương hồng" trở thành phổ thông khắp mọi nhà. Hình Mao được phổ biến khắp nơi. Mao cũng cho sửa lại lịch sử theo kiểu "cái gì sai là do kẻ khác làm, cái gì đúng là do công của Mao". Vì thế, những trận đánh thua của hồng quân là do làm trái ý Mao, cuộc chiến phá huỷ đường ray xe lửa chống Nhật đưa đến kết quả lẫy lừng cho hồng quân là do lệnh của Mao. Thậm chí trận đánh cầu Dadu, một trận đánh mà tài liệu giáo khoa kể là bên Mao chỉ chết một con ngựa, không có cũng biến thành có.
Không còn đối thủ, Mao tổ chức đại hội đảng lần thứ 7 ngày 23-4-1945 (lần thứ sáu là 17 năm trước) và nghiễm nhiên trở thành Chủ tịch ĐCSTQ thực sự, với đầy đủ uy quyền của một hoàng đế.