Dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa
Chương 24
"BỘ ĐỘI" TRÀN VÀO THỦ ĐÔ

Thứ Tư, ngày 30 tháng Tư, 1975

Cuộc di tản ồ ạt và ồn ào của người Mỹ đã chấm dứt. Chiếc trực thăng cuối cùng đã nặng nề cất cánh lúc tờ mờ sáng từ khu vườn hoa của tòa đại sứ Hoa Kỳ làm tung lên một đám bụi, mù trời: đó là mớ tro từ những tài liệu mà người Mỹ đã đốt suốt đêm qua.
Người dân Sài Gòn được nghe đài phát thanh Úc đại Lợi mới được biết là Tổng Thống Ford của Hoa Kỳ vừa mới thông báo cho toàn dân Mỹ là Hoa Kỳ đã chấm dứt sự hiện diện ở Việt Nam sau hơn 15 giờ thật dài lo âu về một cuộc hành quân di tản khó khăn trong đêm qua đầy thảm họa.
Bản thông báo có chữ ký của Tổng Thống Gerald Ford đã được phát ngôn viên của ông là Ron Nessen đọc trước ống kính truyền hình:
- "Trong suốt tuần vừa qua, tôi đã cho lệnh phải giảm nhân viên của các phái bộ Hoa Kỳ ở Sài Gòn xuống đến mức có thể di tản họ nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp mà vẫn không trở ngại cho công tác được giao phó.. Trong ngày thứ hai, phi trường ở Sài Gòn bị pháo binh và rốc kết nã vào liên tục nên phải đóng cửa. Tình hình quân sự trong vùng đã tồi tệ nhanh chóng. Vì thế, tôi đã phải ra lệnh di tản tất cả nhân viên Hoa Kỳ hiện còn lại ở Việt Nam.
Bây giờ thì cuộc hành quân di tản đã chấm dứt. Tôi ngợi khen hết tất cả những binh sĩ thuộc quân lực Hoa Kỳ đã tiến hành rất tốt cuộc di tản nầy, cũng như Đại Sứ Graham Martin và nhân viên thuộc phái bộ của ông, họ đã hoàn thành mỹ mãn sứ mạng của họ trong những hoàn cảnh thật khó khăn.
Cuộc hành quân nầy đã chấm dứt một chương trong lịch sử Hoa Kỳ. Tôi yêu cầu tất cả người Mỹ hãy siết chặt hàng ngũ, tránh mọi đả kích lẫn nhau về quá khứ, để tiến tới tất cả những mục tiêu chung của chúng ta, và hãy cùng nhau chung lưng góp sức vào những công việc lớn còn lại của đất nước mà chúng ta phải thực hiện "
Sau đó vài phút ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, Henry Kissinger bằng một giọng nghiêm trọng và một vẻ mặt mệt mỏi, đã bình luận với báo chí về những biến cố trong 24 giờ cuối cùng.
Ông ta đã chứng minh quyết định của Tổng Thống Ford trong việc thi hành "Kế Hoạch Bốn" để di tản "những người bị đe dọa nhất" qua một loạt tấn công của lực lượng cộng sản Bắc Việt vào phi trường Tân sơn Nhứt. Không một lúc nào ông nói tới chuyện tướng Dương văn Minh đòi hỏi sự ra đi của tất cả người Mỹ và phải đóng cửa tòa đại sứ Hoa Kỳ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Nghe Henry Kissinger nói, người ta chỉ thấy quyết định cuối cùng của Hoa Kỳ ở Việt Nam chỉ do điều bận tâm duy nhất là phải cứu mạng sống của những công dân Mỹ cuối cùng còn hiện diện ở Sài Gòn. Về vấn đề nầy ông ta cho rằng mục tiêu đã đạt: chỉ tiếc rằng có 2 binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến bị tử thương vì đạn rốc kết đã rơi vào phi trường Tân sơn Nhứt trước khi cuộc hành quân bắt đầu khai triển và có 2 phi công tử nạn vì trực thăng của họ bị rơi ở biển Nam Hải..
Ông cũng cho biết là Hoa Kỳ coi như đã đạt được một mục tiêu khác:là đã di tản 5.500 người Việt Nam ở Miền Nam cùng lúc với 950 người Mỹ cuối cùng, thay vì trước đó "kế hoạch Bốn" (tức là cuộc hành quân di tản bằng trực thăng) trên nguyên tắc chỉ có dự trù bốc đi những công dân Mỹ mà thôi.
Cuối cùng về mục tiêu thứ ba, cũng như hai mục tiêu vừa nói, ông Kissinger trích dẫn từ thông điệp mà Tổng Thống Ford đã nói với thế giới ba tuần qua:Hoa Kỳ đã cố gắng tạo một tình hình cho phép tiến tới một cuộc thương thảo ở Miền Nam Việt Nam. Ông Kissinger đã ước tính rằng chánh sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã làm hết sức mình qua trung gian của các nước thứ ba mà ông không muốn nêu lên đây. Ông cho biết là giai đoạn đầu của sự di tản đã được tiến hành với sự dồng ý ngầm của Miền Bắc và của CPLTCHMN" mà chúng ta đã cho họ biết rõ ý định của chúng ta". Nhưng sau đó ông ta không chịu nhìn nhận là không thể giải thích được sự leo thang đột ngột về các đòi hỏi của cộng sản. Đánh giá thái độ " không nhẫn nại" của họ, ông ta ghi nhận
" Mới vừa tuần lễ trước đây, họ chỉ đòi sự ra đi của ông Thiệu. Khi đã đạt được chuyện đó rồi, họ lại không thừa nhận người kế vị. Nhưng sau đó khi đã tìm thấy được người đối thoại là tướng Minh mà dường như họ đã đòi rồi, thì họ lại còn muốn thêm nữa.
" Mới vừa tuần lễ trước đây. họ chỉ đòi các cố vấn quân sự Mỹ phải ra đi, vài ngày sau đó họ lại đòi sự ra đi của tất cả những người Mỹ"
Trong những trường hợp đó, ông Kissinger từ chối không thể nói trước được là một cuộc thương thyết có thể thiết lập được giữa những người anh em thù địch hay không, hay là phải nghi đến chuyện Bắc Việt sẽ dùng lực lượng quân sự để cưỡng chiếm Sài Gòn bằng võ lực đây. Trong mọi trường hợp, ông ta xác nhận là Hoa Kỳ không nhìn nhận một Chánh Phủ Sài Gòn lưu vong.
Thật không còn gì rõ ràng hơn! dân chúng Sài Gòn chua cay cười khẩy rồi mới chịu tắt máy thu thanh của mình. Kissinger vừa mới viết trên tấm mộ bia của chúng ta:
- "Nước Việt Nam ư? Đã hết rồi! Và người ta không muốn nghe nói tới nó nữa! Cuối cùng Hoa Kỳ đã tìm lại được sự yên ổn trong lương tâm của họ!"
Lúc nầy tiếng đại bác nổ rền liên tục ở ngoại ô thủ đô Miền Nam Việt Nam, đang có những cột khói tuôn lên cuồn cuộn chung quanh. Cuộc cướp phá hôi của không vì thế mà chấm dứt.... Có nhiều nhóm người có vẻ như tướng cướp, mặc toàn đen hay quân phục kaki, súng M.16 cầm tay, băng đỏ đeo ở cánh tay, đang lang thang khắp thành phố. Đặc công cộng sản xâm nhập hay xuất hiện từ bóng tối? Không phải! Đó chỉ là bọn vô lại, bọn tự vệ của các khu phố hoặc là bọn côn đồ chuyên nghiệp đang đóng vai tiền sát viên của "lực lượng cách mạng" để đi vơ vét những nhà cửa hay biệt thự không có người ở. Họ tự trang bị rất dễ dàng. trên các đường phố, các vỉa hè, ở các cống rãnh... đâu cũng có nón sắt, áo giáp chống đạn, cạt bin và lựu đạn, thậm chí còn có cả súng liên thanh nữa. Hàng trăm xe của người Mỹ bỏ lại chật đường hay trong các khu chung cư, phần lớn đều chỉ còn có cái sườn chơ vơ, không vỏ ruột, không ghế ngồi, không máy móc....
Chung quanh phi trường Tân sơn Nhứt ầm ỳ tiếng súng của chiến trận đã trở lại từ sáng sớm. Các tiểu đoàm Dù tập trung trên các đường bay đang anh dũng chiến đấu để giúp các phi công cất cánh mang đi được bao nhiêu phi cơ hay bấy nhiêu. Hơn 130 phi cơ và 20 trực thăng đã đến được phi trường Utapao ở Thái Lan, căn cứ B.52 của Hoa Kỳ, ngoài 18 chiếc phi cơ và trực thăng khác đã đến được các chiến hạm của Hạm Đội VII trong các điều kiện mạo hiểm hết sức khó khăn.
Vào hồi 8 giờ sáng, hai tràng đại pháo 152 ly cộng sản đánh trúng ngay trường trung học Gia Long, làm cho 12 người chết ngay tại chỗ, trong đó có một vị sư của chùa Xá Lợi ở gần đó. Nhưng đó chỉ là những tràng tác xạ cảnh cáo hay để điều chỉnh mà thôi. Đồng thời lại có một loạt rốc kết bay xuống thành phố người Hoa ở Chợ Lớn. Một chiếc trực thăng quan sát bị rơi ở ngoại ô Phú Lâm vốn đang bị pháo kích.
Vào lúc 9 giờ sáng, tướng Dương văn Minh có một phiên họp tại Dinh Độc Lập với ông Phó Tổng Thống Nguyễn văn Huyền và ông Thủ Tướng Vũ văn Mẫu. Họ vẫn chưa có tin tức gì của phái đoàn đi vào gặp các sĩ quan cộng sản ở "trại Davis ", Tân sơn Nhứt. Tướng Minh nhờ hai vị nầy thảo một bản tuyên bố đơn phương ngừng bắn để lát nữa đây ông sẽ đọc trên đài phát thanh Sài Gòn.
Đã không thấy còn lính gác trước dinh Độc Lập nữa. Bất cứ ai muốn vào đây cũng được.. Một người nhỏ thó, nhưng mập mạp bụng phệ bước qua cửa rào băng qua bải đậu xe và bước lên bậc thang danh dự. Đó là tướng Vanuxem, một trong những cựu "thống chế" của De Lattre ở Bắc Việt (nguyên tác: Tonkin ), chuyển sang nghề làm báo. Tướng Minh đã từng phục vụ dưới quyền của Vanuxem, đã tiếp ông rất niềm nở và thân mật, rồi kéo ông ra riêng, cảm động nói
- "Thưa Đại Tướng, không còn có gì để làm được nữa rồi! Để tránh một cuộc tàn sát, tôi sẽ đầu hàng cộng sản. Ông là một người lính già, và chúng ta đã từng phục vụ chung trong cùng một bộ quân phục, ông có thể nhận chuyển giùm tôi một thông điệp cuối cùng cho các đồng hương của ông không?
Tướng Vanuxem ghi vội mấy hàng chữ do tướng Minh đọc cho ông:
- "Chúng tôi yêu cầu nước Pháp tiếp nhận những người Việt Nam từng được nuôi dưỡng và đào tạo trong tinh thần, trái tim và lý tưởng của quốc gia nầy. "
Sau đó tướng Minh vôi vàng lên xe Mẹc xê đét (Mercedes) của Tổng Thống để đi đến đài phát thanh.
Hồi 10 giờ 15: tướng Minh loan báo qua đài phát thanh bản tuyên bố của ông "ra lệnh cho tất cả binh sĩ và lực lượng địa phương quân của Việt Nam Cộng Hòa phải bình tĩnh chấm dứt chiến sự và ở đâu ở đó. "
Khi tướng Minh về đến Dinh Độc Lập, vẫn có 3 chiến xa M.48 của QLV NCH đang bố trí im lặng dưới những gốc cây to trong vườn. Hai sĩ quan trẻ chạy lại gặp Tướng Minh, bực tức la lên:
- "Không thể có vấn đề đầu hàng. Chúng tôi sẽ chiến đấu và sẽ chết tại đây.
Tướng Minh đưa hai bàn tay to lớn của ông ta nắm chặt vai của họ và nói với họ bằng một giọng rất cương quyết::
- " Đã quá trể rồi các bạn ơi! Nếu chúng ta kháng cự thì họ sẽ nghiền nát thành phố bằng đạn pháo.
Sau vài phút bàn cãi, các sĩ quan nầy trở lại vị trí và các chiến xa rời khỏi Dinh Độc Lập, chỉ để lại khoảng 30 binh sĩ với nhiệm vụ "cận vệ" cho Tổng Thống.
Vào lúc 11 giờ 30, ở ngay trung tâm thủ đô, một vị đại tá lớn tuổi thuộc Cảnh Sát Dã Chiến, trong lễ phục chỉnh tề chậm rãi bước về phía kỳ đài "Chiến Sĩ Trận Vong" trước Quốc Hội VNCH. Đến đó rồi, đứng dưới tượng hình to lớn của hai quân nhân uy nghiêm màu đồng đen, người sĩ quan cảnh sát lột mủ cát kết xuống cầm đặt vào ngay trái tim của mình xong rút súng bắn ngay một phát vào đầu. Ông ta bật té ngữa, nằm dài ra phía sau, bất động trong tư thế nghiêm lần cuối cùng giữa một bãi máu đỏ đang lan rộng ra.....
Tiếng đại pháo của cộng sản vẫn tiếp tục nổ dữ dội hơn, càng lúc càng gần hơn, về hướng Tân sơn Nhứt, nơi các chiến binh thuôc binh chủng Nhảy Dù đang đánh một trận chiến cuối cùng.
Trời Sài Gòn đang mưa...
Trong đại sảnh của Dinh Độc Lập, tướng Dương văn Minh cùng các thành viên trong Chánh Phủ đang ngồi chờ cộng sản tới. Ông ăn mặc thật giản dị, một quần màu chàm đậm và một áo bốn túi. Ông cho người sĩ quan tùy viên biết là: "những người cách mạng không ai đeo cà vạt"
Ông chấp tay sau lưng đi tới đi lui, như một vị chủ nhà đang chờ khách đến. Ông không tỏ vẻ gì lo lắng hết. Tại sao phải sợ? và sợ cái gì mới được? Ông đã cho lệnh toàn quân ngừng chiến đấu. Hai điều kiện mà phía "những người cách mạng đã đặt ra: đuổi hết người Mỹ ra khỏi Việt Nam, và giải thể Quân đội và Cảnh Sát thì coi như đã thực hiên. Kể ra ông cũng có thể chạy đi trong giờ phút cuối cùng bằng trực thăng. Nhưng ông thích ở lại để chờ những người đại diện của CPLTCHMN. Xét cho cùng, những người lảnh đạo của "phía bên kia" phải chăng cũng là người Miền Nam như ông? Tại sao ta không tin họ? Ông sẳn sàng trao quyền lại cho họ. Ngoài chuyện không thể thực hiện cuộc thương thuyết như đã hứa thì ông tin chắc rằng ông đã cứu Sài Gòn khỏi một sự tàn phá và hằng triệu sinh mạng. Va sau đó người Pháp còn có thể thực hiện được một phép lạ! Tướng Minh bám chặt cho đến cùng những bảo đảm mà đại sứ Jean - Marie Mérillon đã trao cho ông. Vài phút trước đó, ông đã có nói thật câu nầy cho một nhà báo thuộc thông tấn xả A.F.P: "Ông hãy nói rõ cho Đại Sứ Pháp biết là ông đã có thấy tôi ở đây..."
Một lời nói sau cùng có ý nghĩa, thống thiết, nhưng hỡi ôi! không có một chút giá trị nào!
Thình lình, tướng Minh giật nẩy người. Ông nghe một tiếng động lớn, xen lẫn với tiếng xích xe. Ông nhìn đồng hồ: Đúng 12 giờ 4 phút. Vài phút đã trôi qua. Tiếng máy xe càng ngày càng nghe to hơn. Đúng 12 giờ 10 phút, ba chiếc xe tăng T.54 cán dẹp những hàng rào cản sơn màu trắng đỏ bao quanh Dinh Độc Lập. Họ bắn chỉ thiên một tràng dài, ủi sập cánh cổng lớn và cán lên trên và tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, cày bừa lên các bãi cỏ trong sân. Hai chiếc xe Jeep và một xe vận tải chạy đến, qua mặt các chiến xa. Tất cả đều mang cờ của CPLTCHMN, (cờ của M TGP MN xanh đỏ với ngôi sao vàng ở giữa).Trên 15 anh "bộ đội", mặc quân phục xanh và đội nón cối súng trường cặp nách chỉa tới trước, có một sĩ quan cấp tá dẫn đầu, đang rầm rập chạy lên các bậc thang trước bao lơn chánh.. Toán binh sĩ gác Tổng Thống Phủ đã để súng xuống thành một đống trên sân từ trước, đưa hai tay lên và đầu hàng...
Một vài phút nữa trôi qua. Trên sân thượng của Dinh Độc Lập xuất hiện một số lính với quân phục màu xanh. Họ hạ cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH xuống và từ từ kéo lá cờ của họ lên.
Trong lúc đó. vị sĩ quan cao cấp được 4, 5 chú bộ đội súng ống đầy mình hộ tống, ập vào đại sảnh, nơi mà tướng Dương văn Minh đang hội họp với những người cộng sự viên thân cận nhứt của ông ta. Thấy vị sĩ quan nầy đeo đầy sao vàng trên cầu vai nền đỏ, vì không biết cấp bậc của quân đội nhân dân Miền Bắc, nên tướng Minh tưởng rằng mình đứng trước một sĩ quan cao cấp.
- "Thưa ông quan sáu (nguyên tác: mon général ( ông sao) ) ông nói, tôi đã chờ ông từ ban sáng để trao quyền cho ông"
- "Mầy dám nói là trao quyền hả?, vị sĩ quan nầy dùng danh từ "mầy" (nguyên tác:tutoyant le Grand Minh) xẵng giọng cãi lại, Mầy chỉ là một kẻ cướp quyền và một bù nhìn. Mầy không có quyền nào để giao cho tao hết. Chúng tao lấy được quyền đó bằng khẩu súng trên tay. Tao xác nhận với mầy tao không phải là tướng mà chỉ là một trung tá và ủy viên chánh trị. Và kể từ bây giờ tao cấm mầy không được ngồi xuống!"
Mặt tướng Minh co dúm lại. Sự hung bạo của những lời nói, giọng nói đầy khinh bỉ đanh đá của vị sĩ quan chợt làm cho ông Minh hiểu rõ là ông không gặp được những người của C PLT CHMN, nhưng là những người Bắc Kỳ (nguyên tác:Tonkinois). Mặc dù họ treo cờ Việt Cộng trên xe, nhưng không phải là những binh sĩ người Miền Nam đã vào chiếm Dinh Tổng Thống. Mà đang đứng trước mặt ông là những chiếc xe tăng, những sĩ quan và bộ đội Bắc Việt thuộc lữ đoàn M. 26! chỉ toàn là người Bắc (nguyên tác:Tonkinois) mà ông không bao giờ ưa và họ đã đối đãi với ông không như bạn hay đồng bào, mà như một kẻ thất trận!
Tướng Minh cố gắng tự kềm chế và nói tiếp bằng một giọng mà ông muốn dịu dàng hơn:
- " Chúng tôi đã có làm sẵn một bữa cơm để tiếp các ông. Có yến, súp măng cua...
Vị trung tá Bắc Việt ngăn ông lại và xẳng giọng:
- "Mầy và những đứa khác, tụi bây đang ở trong tình trạng bị bắt. Hãy giữ cái bếp tư sản của mầy lại đi. Chúng tao sẽ ăn cơm dã chiến: một nắm cơm nắm và một hộp thịt kho mặn"
Tất cả các tổng trưởng hiện diện đều bị nhốt trong một gian phòng, sau khi đã được khám xét không khoan nhượng. Bây giờ thì Dinh Độc Lập đầy ấp nhà báo ngoại quốc. Họ tràn tới đầu các chiếc T.54.
Tướng Minh bị những tên "bộ đội" bao quanh chĩa súng vào người ông, và vị sĩ quan cao cấp vung khẩu súng lục to đẩy ông lên một chiếc xe Jeep và phóng đi dưới hàng loạt ánh đèn chớp của máy ảnh và máy quay phim của báo chí. Những người cộng sản đưa ông đến đài phát thanh để ông phải lên tiếng kêu gọi lần chót với các binh sĩ còn đang tiếp tục chiến đấu. Vì chiến trận vẫn còn tiếp diễn gần như khắp nơi, ở ngoại ô, ở Chợ Lớn, chung quanh Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, ở khu vực gần Tân Cảng, trước trung tâm truyền tin Phú Lâm,...
Vào hồi 13 giờ, tướng Minh được đưa trở về Dinh Tổng Thống và bị nhốt trong một văn phòng ở dưới tầng hầm.
Thế là nhiệm vụ của ông coi như đã hoàn tất. Một nhiệm vụ đặc biệt rất là ngắn ngủi. Không đầy 48 tiếng đồng hồ, giữa giờ nắm chánh quyền và giờ bị cách chức...
°
°
Trên đại lộ từ vườn bách thảo đến Dinh Độc Lập, có nhiều chiếc tăng khác đi tới, dính đầy bụi bậm bùn sình hòa lẫn với cơn mưa lắc rắc và trên xe còn nguyên cành lá nghi trang. Tất cả các pháo tháp đều mở toang ra. Phía sau các khẩu liên thanh nặng với ổ đạn tròn, thấy có một anh lính chiến xa đội nón cối bằng da đen đang ghì chặt bàn tay vào cò súng. Binh sĩ ngồi hai bên khẩu đại bác lòng dài, hai tay nắm chặt khẩu súng tự động của họ. Theo sau các chiến xa là bộ binh cơ giới, đứng chật nít trên các xe vận tải Molotova của Nga. Phía sau các xe bộ binh là các dàn súng cao xạ, đi hàng ba, cũng được cơ giới hóa và trang bị mỗi xe 4 khẩu liên thanh ghép.
Rất là cẩn thận và thật chậm rãi, nhiều toán bộ binh cộng sản đi bộ vào đường Pasteur. Có một tràng súng nổ khoảng ngang Tòa án. Rồi có tiếng lựu đạn nỗ, tiếng súng máy từng hồi tiếp theo. Các "bộ đội" đi vào đường Tự Do (Catinat), con đường nổi tiếng là xa hoa của người dân Sài Gòn. Một chiếc xe Jeep chở đầy "lính du kích" với quân phục tạp nham, chạy một vòng chung quanh kỳ đài chiến sĩ Miền Nam và chạy lại trụ sở Quốc Hội.Cửa của trụ sở đang được đóng kín. Có một người mặc quần xanh áo sơ mi ka ki đã phai màu chân không, leo qua rào gỡ lá quốc kỳ Miền Nam Việt Nam xuống và treo vào đó lá cờ của CPLTCHMN.
Chung quanh Quốc Hội và đường Tự Do vắng tanh, không có một bóng người. Các tiệm buôn đều đóng kín cửa kể cả cửa sổ cũng sập xuống. Không có một bó hoa hay những tiếng vỗ tay hoan nghinh chào đón những người "giải phóng"
Xa xa, các súng đại liên vẫn còn tiếp tục nổ ròn, thỉnh thoảng lại bị ngắt khoản bằng những tiếng nổ ngắn nhưng nặng nề. Các binh sĩ Dù đang còn hăng say chống giữ lối vào phi trường Tân sơn Nhứt. Sáu chiến xa T.54 và hơn một chục chiếc Molotova đang bốc cháy trên các đường bay. Cuộc chiến còn đang tiếp diễn tại nghĩa trang lớn của quân đội giữa những hàng thập tự giá trắng tinh dọc theo các mộ, và có những quả đại pháo làm bật tung các hòm lên.
Các xe tăng cộng sản đầu tiên vào Sài Gòn từ hướng Đông theo con lộ cũ hồi thời Pháp, và theo xa lộ Biên Hòa từ thời Mỹ.
Các cánh quân tiến vào từ Bến Cát và Tây Ninh theo hướng Bắc xuống, chỉ đến được trung tâm thành phố vào lúc 17 giờ chiều. Họ đến trễ vì bị đụng nặng từ chiều ngày hôm qua ở vùng Hóc Môn, nơi có trung tâm huấn luyện Nhảy Dù do Lữ đoàn 4 Dù trấn giữ, tập trung dưới sự chỉ huy của đại tá Vinh, một sĩ quan to con đen sạm đã từ chối không chịu tuân theo lệnh ngưng bắn. Các cánh quân nầy của Bắc Việt bị thiệt hại rất nặng và sau đó còn phải giao chiến ác liệt ở hai điểm trong dường phố: một ở trước Bộ chỉ huy Cảnh Sát Lưu Thông, nơi đó hơn một trăm Cảnh Sát dã chiến chống giữ gần một tiếng đồng hồ trước khi bị chiến xa cộng sản đè bẹp; và một nơi khác ở ngay ngã tư đường Chasseloup và đường Verdun, ở đây chỉ có vỏn vẹn 4 anh lính Dù với súng liên thanh và súng không giật đã quyết chiến trong hơn 50 phút, bắn cháy nhiều quân xa cộng sản, sau đó vì hết đạn 4 vị anh hùng mũ đỏ nầy cùng nhau ra khoảng trống giữa đường, cùng nắm vai nhau thành một vòng tròn và cho nổ một xâu mấy quả lựu đạn để cùng nhau tự sát.
Lữ đoàn 4 Nhảy Dù, đã đánh nhau với cộng sản chung quanh Tân sơn Nhứt, ngay trong Bộ Tham Mưu, ở đó họ dùng súng không giật bắn cháy 3 chiến xa cộng sản và tối đến họ rút về trong trật tự bằng con đường cũ kỹ của đồn điền cao su để về Chợ Lớn. Họ không hề để lại phía sau một người chết hay bị thương nào cũng như một quân trang quân dụng nào.
Đến chiều tối, 400 binh sĩ mũ đỏ, rút về từ Hóc Môn và từ phi trường, đã tập họp chung quanh đại tá Vinh, còn tiếp tục chiến đấu ở khu chợ và các nhà máy xây lúa ở Chợ Lớn. Và lúc 22 giiờ đại tá Vinh cho lệnh họ phân tán thành từ toán nhỏ, và lợi dụng đêm tối để đi về Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng vị đại tá Dù, một người đã từng "nhảy" ở chiến trận không biết bao nhiêu lần, già dặn, đã từng được đào tạo ở Trung tâm Nhảy Dù Pau của Pháp trong thập niên 50, không bao giờ chịu đầu hàng. Ông đã tự cho nổ một phát vào đầu bằng chính khẩu súng phóng lựu của ông!
°
°
Thứ Năm, ngày 1 tháng Năm, 1975
 
Ngày hôm sau, 1 tháng 5, dân chúng Sài Gòn ngơ ngác và nhốn nháo, quá ngạc nhiên tại sao mình vẫn còn sống, đã điện thoại với nhau để cùng biết tin tức của nhau.
Trước tiên trong buổi sáng, có nhiều nhóm nhỏ, rồi lần lần đông hơn, họ đi ra khỏi nhà để khám phá những trung đoàn binh sĩ với quân phục xanh lá cây đã vây hãm thành phố của mình đêm qua. Mấy anh binh sĩ với bộ mặt ngờ ngệch, gầy đến hai gò má nhô cao, mặc quân phục rộng thùng thình bằng vải bố thô, cổ quàng khăn và chân mang dép râu, một loại dép làm bằng vỏ xe cũ, mới thoạt nhìn trông như những anh nhà quê vụng về mới vào thành phố lớn lần đầu tiên. Có nhiều anh chưa tới 16 tuổi.
Ở bãi cỏ rộng lớn rợp bóng mát trước Dinh Tổng Thống người ta thấy đầy những xe tăng, xe chạy xích, và những chú "bộ đội" đang ngồi quanh dưới các chiến cụ đáng sợ của họ. Và giữa những bãi cỏ gần nhà thờ Chánh Tòa, họ đang nấu cơm bằng củi, coi như họ đang cấm trại trong rừng vậy. Có nhiều người đang giặt quần áo. Phần đông họ đang soát lại vũ khí cá nhơn, tháo ra lau chùi cẩn thận như những anh thợ đồng hồ. Các binh sĩ thì xài súng A.K. 47 hay súng tiểu liên Tiệp Khắc ngắn mà tốc độ tác xạ nhanh, bá xếp có móc. Sĩ quan thì xài súng lục của Liên Xô, có tên là súng lục Ma Ca Rốp (Makarov) và loại súng lục Stechkin lớn hơn, vỏ bằng cây có thể ráp lại thành bá súng để đưa lên vai nhắm bắn một mục tiêu xa chừng 120 thước được.
Người dân Sài Gòn cẩn thận bước lại gần các chiến xa "Molotova" và bắt chuyện với các anh "bộ đội". Họ tò mò hỏi
- " Các anh từ đâu vô đây vậy?
Các câu trả lời lúc nào cũng giống nhau, với một giọng phát âm hơi chói tai:
- "Từ ngoài Bắc...
Và ngay sau đó mới là tên của thành phố hay các tỉnh như Hà Nội, Nam Định, hay Ninh Bình v.v...
Không còn chút nghi ngờ nào nữa, tất cả những anh lính chánh quy vào Sài Gòn là những người Bắc (nguyên tác Tonkinois). Miền Nam không phải được giải phóng, mà là bị chiếm!
Không thấy có một anh nào thuộc cái CPLTCHMN.
Một "Ban Quân Quản" đang nắm quyền hành chánh tại thành phố Sài Gòn, mà người chỉ huy là tướng Trần văn Trà, 57 tuổi, người tuy gầy nhưng rất mạnh khỏe, hàm rộng, đôi mắt sắc bén mang kính gọng sừng, tóc đen và hớt ngắn. Tướng Trà là người ở Miền Trung, một người đấu tranh cách mạng già dặn, đảng viên đảng cộng sản Đông Dương, bị tù năm 1939, vượt ngục năm 1944. Từ năm 1946 đến 1951 ông là người đứng ra phối hợp hoạt động của 4 vùng quân sự Việt Minh ở Miền Nam để chống lại lực lượng viễn chinh Pháp. Từ sau Hiệp Định Genève, ông tập kết ra Hà Nội và trở thành Tổng Tham Mưu Phó "Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt" và sau đó là Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương ở Miền Nam. Ông cũng còn là Ủy viên dự khuyết cùa Chánh trị Bộ cộng sản ở Hà Nội. Vào năm 1968, ông đã tổ chức cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, và năm 1972, chỉ huy trận tấn công vào An Lộc. Từ sau thời kỳ đó ông đứng vào hàng thứ ba trong hệ thống quân ủy của Miền Bắc, sau tướng Võ nguyên Giáp và tướng Văn tiến Dũng. Vào đến Sài Gòn vào đầu buổi trưa, ông đến ngay Dinh Độc Lập. Ông cho tổ chức ngay buổi lễ chánh thức "bàn giao quyền hành", xử dụng đội ngũ quay phim của cộng sản trong công tác thu hình để tuyên truyền, và ra lệnh thả tướng Minh và các tổng trưởng của ông nầy ra hết.
Đến 4 giờ 30 chiều, tướng Minh rời khỏi phòng giam ở tầng dưới. Ông bước lên bao lơn chánh của Dinh Tổng Thống lúc nào cũng có lính canh chừng hộ tống bên cạnh, đi dọc theo hành lang có trải thảm đỏ để vào căn phòng nhỏ của các tùy viên. Một sĩ quan Bắc Việt đến nói với ông:
- "Ông hãy ở đây đợi lệnh của chánh quyền cách mạng "
Các nhà báo "xã hội chủ nghĩa" bước vào phòng. người phóng viên của nhật báo "Quân đội Giải Phóng" đến trước mặt tướng Minh và hỏi ông:
- " Ông nghĩ thế nào về những biến cố mà ông vừa trải qua?
Tướng Minh giữ im lặng trong một vài giây.... sau đó mới trả lời, không quên dùng toàn những danh từ mà cộng sản thường hay xử dụng trong tuyên truyền:
- " Chúng tôi đã ý thức được sức mạnh của Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời và của Quân đội Giải Phóng. Các đơn vị Thiết Giáp của Giải Phóng Quân thật là hùng mạnh. Quân đội Sài Gòn không cón lực lượng để chống trả nữa. Chỉ còn một quyết định đúng nhất là đầu hàng không điều kiện mà thôi.
Và ông còn nói tiếp
- " Thật vậy, chúng tôi tin tưởng các ông, nếu không thì chúng tôi không bao giờ đem cả gia đình chúng tôi đến đây để chờ các ông tới. Các ông đã đi đến chiến thắng một cách nhanh chóng. chúng tôi rất là có phước, thật sự rất là có phước. Chúng tôi và gia đình chúng tôi không hề hấn gì. Thật là cả một niềm an ủi và một niềm vui."
Ông Nguyễn văn Huyền, người lãnh tụ giáo dân, quá mệt mỏi, được phép vào nằm nghỉ trong phòng. Để trả lời cho các nhà báo muốn biết " ý kiến của ông về đường lối chánh trị của Chánh Phủ cách mạng", ông đã trả lời nước đôi với một giọng nhẫn nhục và dè dặt:
- "Chúng tôi không chấp nhận các "người di tản". Là người Việt Nam thì họ phải ở lại sống trên đất nước quê hương của mình chớ?
Ông Vũ văn Mẫu, vị cựu Thủ Tướng thì tươi cười, nhảy nhót và bày tỏ một niềm vui nhiệt thành ra mặt:
- " Các anh đánh hay lắm, đánh rất là hay!" ông hướng về các anh cán bộ Bắc Việt đứng lẫn trong các nhà báo. Tôi rất bằng lòng là đã duổi hết người Mỹ đi. Bây giờ thì chỉ có chúng ta với nhau mà thôi".
Ông nhắc lại lịch sử của cái "đầu trọc" của ông, "vào lúc đó là một dấu hiệu để phản đối sự bầu cử Tổng Thống gian lận và độc diễn của ông Thiệu", và ông thích thú nói thêm:
- " Từ hôm nay là tôi sẽ để tóc lại được rồi!"
Sau đó ông còn nói về nơi chôn nhao cắt rún của ông lá quận Thường Tín của ông ở phía Nam Hà Nội nữa.
Ông Nguyễn văn Hảo, cựu Phó Thủ tướng và Tổng trưởng Kinh Tế đưa tay lên và nói lớn
- " Thật là đáng phục là các anh đã đánh bại được Hoa Kỳ, chúng tôi hy vọng là tất cả tài nguyên cửa đất nước sẽ được dùng để xây dựng dất nước chúng ta."
Ông Lý quý Chung, cựu Tổng trưởng Thông Tin, nhắc đi nhắc lại nhiều lần ;
- "Chỉ có những binh sĩ và những người chỉ huy của quân đội cách mạng mới thật sự là những người chiến thắng. Sự đóng góp của chúng tôi thật là quá nhỏ nhoi."
Và sau vài phút suy nghỉ ông lại nói thêm:
- " Chúng tôi biết rất rõ tình hình. Chúng tôi tin tưởng ở dường lối chánh trị của cách mạng. Cuộc chiến thắng vĩ đại nầy thuộc về toàn dân Việt Nam. Từ đây về sau chúng tôi không còn một chút bận tâm lo nghĩ gì nữa. "
Nhìn qua cửa sổ thấy đám đông dân chúng tò mò đang tập trung đứng nhìn cánh cửa rào của Dinh Độc Lập bị xe tăng T.54 cán sập, ông ta phân chứng với các nhà báo:
- " Các ông xem kìa, dân chúng đang chạy lại để chào mầng chiến thắng của các anh chiến sĩ giải phóng đó. Chưa từng thấy cái cảnh nầy ở đây bao giờ. Lịch sử của nước Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên mới "
Vào lúc 5 giờ chiều: trong đại sảnh của Dinh Tổng Thống đã diễn ra cuộc gặp gỡ chánh thức giữa những người đại diện của Ban Quân Quản Sài Gòn - Gia Định và "16 nhân vật trách nhiệm của chế độ cũ" ở Miền Nam. Thứ tự ngôi thứ được áp dụng triệt để nghiêm túc. Những đại diện của Ban Quân Quản và những vị chỉ huy đơn vị của Quân đội Nhân Dân Bắc Việt (11 tướng tá) được xếp ngồi ở hàng ghế danh dự, các ghế dựa có bọc lụa đỏ. Trước mặt họ là tướng Minh và những thành viên khác của "cơ quan hành chánh cũ" hai tay phải úp xuống đầu gối của mình.
Một đại diện của Ban Quân Quản thông báo cho họ là Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời đã quyết định cho phép họ được tự do trở về nhà. Ông bày tỏ hy vọng là tùy theo khả năng của mỗi người họ sẽ "đóng góp" vào công tác xây dựng đất nước."
Các vị tổng trưởng và tướng Minh "cảm động" vỗ tay.
Tướng Minh sau dấu hiệu gật đầu của tướng Trà, đứng dậy và bước tới mi crô và tuyên bố với một giọng run run:
- " Tôi xin thành thật gởi tới CPLTCHMN và lực lượng thuộc Quân đội Nhân Dân Giải Phóng những lời chúc mừng nồng nhiệt về chiến thắng hoàn toàn và quyết định vừa qua.
Ở vào tuổi 60, tôi rất là hạnh phúc được trở về với đời sống của một công dân thường của một nước Việt Nam thật sự tự do và độc lập." (1)
Cả chương trình và diễn tiến của buổi lễ nầy đã được dàn dựng chi ly từ Hà Nội và được các chuyên viên đưa từ Hà Nội vào để quay thành phim từ đầu cho đến cuối. Cuốn phim nầy được trình chiếu trong tất cả các rạp hát trên toàn quốc Việt Nam và ở những nước "xã hội chủ nghĩa anh em"
Trong những ngày kế tiếp, các binh sĩ chánh quy Bắc Việt thuộc các sư đoàn đã đánh vào Sài Gòn được phép đi dạo thành phố. Thủ đô Miền Nam Việt Nam và mặt tiền của thành phố với các tiệm nữ trang, hàng sơn mài, hàng sành sứ và đồ cỗ, cả tiệm cà phê với hai bên vách toàn kiến, với các chợ đầy ấp mọi loại thực phẩm, thức ăn... đã làm cho các chú "bộ đội" chóa cả mắt mũi và quá đỗi ngạc nhiên. Tất cả các binh sĩ nầy đều đã in trí rằng mình phải "giải phóng" một thành phố đói nghèo đang bị áp bức bóc lột, nhưng họ phát giác ra đây là một thành phố lớn ở Miền Nam, giàu có, linh hoạt, hạnh phúc, chỉ bị ảnh hưởng một ít thôi về chiến tranh. Các anh "bộ đội" trẻ đi phép nầy đi dạo từng cặp hai người một, bàng hoàng choáng váng vì sự lưu thông ở đây, dán mắt khắp các tủ kính đầy ngạc nhiên như những anh chàng nhà quê cục mịch. Các bác "phó nhòm" chụp hình lấy liền bằng máy Polaroid trên đường phố làm họ càng sửng sốt hơn đến câm lặng không nói được một lời nào. Họ đi lẫn vào các đám đông dân chúng, để thử cố gắng bắt chuyện với họ, cố mỉm cười để tỏ ra là người có lễ độ.
Yên chí với tính trẻ con dễ dãi của các "anh" người Bắc, người dân bé nhỏ và không có Chánh Phủ của thành phố lớn nầy hội nhập rất mau với những người chủ mới. Lực lượng chiếm đóng bị đưa vào tròng ngay: trộm và đổi chác vật dụng, từ hộp thực phẩm khẩu phần qua những bao đường, đến những chuyện hút xăng ra từ các chiến xa hay các xe vận tải, buôn đủ mọi thứ: tất cả các anh "bộ đội" đi phép đã nhanh chóng không còn đồng nào trong túi, miễn là có được chiếc đồng hồ bằng nhựa không chạy được, đôi kính chống nắng của Mỹ, chiếc máy thu thanh bán dẫn vừa mới đánh cắp đâu đó. Người ta còn bắt họ hút thuốc cần sa mà họ vẫn không biết...
Những chú khác thì bị sắc đẹp của mấy cô gái ăn sương mê hoặc, bị cám dỗ đưa vào các phòng ngủ qua đường để rồi vài ngày sau lũ lượt kéo nhau vào khám bệnh hoa liễu.
Các xe mô tô của Nhật thì quá thành công. Các chú "bộ đội" đèo nhau từng hai người, ba người, có khi đến bốn người chạy bất kể, nổ máy liên hồi, báng vào các lề đường, đôi khi tông vào cột đèn hay tuông vào bồn nước lớn ở đại lộ Charner.
Người dân Sài Gòn dứt khoát nghĩ rằng các chú "bộ đội" nầy quả thật quá vụng về dễ bị "quay" lắm.
Nhưng trò chơi "láu lỉnh" nầy không đứng mãi lâu được.Có nhiều xe phóng thanh bắt đầu chạy khắp nơi trong thành phố cảnh cáo rằng trò "lừa bịp" các "giải phóng quân" là bất lương.... và hành động bất lương đó sẽ bị "nghiêm trị"
Biện pháp ngăn chận đầu tiên nhắm vào các "chủ trương quyến rũ, hủ hóa và mua bán đổi chác", Ban Quân Quản loan báo là "các nhà thổ, các tiệm hút, các tiệm nhảy, bài bạc, kể cả mọi tàn tích của xã hội suy đồi của Mỹ.Ngụy. bị cấm hẳn từ đây".
Cứ mỗi 5 ngày là binh sĩ trú phòng sẽ được thay đổi. Không còn thấy xăng lẻ bán ở lề đường nữa. Xe Honda cũng vậy. Lượng xăng cạn dần và không còn được tiếp tế cho nữa, nên các trạm xăng tuần tự đóng cửa. Xe đạp bắt đầu thay thế xe mô tô. Trên tường treo đầy các tấm bảng ghi rõ là sẽ nghiêm trị thật nặng những ai còn tàng trữ vũ khí, đạn dược và máy truyền tin.
Ngày 4 tháng 5: có lệnh cho dân chúng Sài Gòn phải làm công tác vệ sinh và treo cờ trong thành phố để cho thành phố của mình "trở nên sạch sẽ, tinh khiết, vui vẻ và cách mạng." Tất cả mọi người đều phải ra quét dọn trước nhà mình. Có những người "tình nguyện" thì đi hốt hàng đống rác hôi thối còn nằm trên lề đường hay trong các cống rãnh từ bao nhiêu ngày nay. Các bà thì lo may cờ "giải phóng". Dân chúng ở các khu nghèo là những người ít vội vàng trong việc treo "cờ cách mạng ": cờ bán quá mắc, từ 1500 đến 1800 đồng một lá (bằng tiền công 3 ngày làm việc)
Ngày 6 tháng 5, "nhân dân" đập nát tượng đài chiến sĩ Việt Nam trước Quốc Hội:Đó là 2 anh chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến đang trong tư thế xung phong súng chỉa tới trước mặt. Tượng đài sập xuống gây nên một tiếng vang lớn.
Ngày 7 tháng 5, tức là một tuần lễ sau ngày thành phố đổi chủ, Ban Quân Quản mới ra mắt lần đầu tiên với dân chúng ở tại Dinh Độc Lập. Từ chiều hôm qua, người dân Sài Gòn được mời đến đứng ở bãi cỏ trước Dinh, ở đó họ sẽ vỗ tay hoan nghênh những người lãnh đạo mới của mình. Không biết vì không có thiện ý hay vì trời xấu (mưa suốt đêm qua) mà sáng nay không có bao nhiêu người đến dự. Những người lạc quan thì ước tính sẽ có khoản từ 20 đến 25 ngàn người. Và còn hơn thế nữa vì một phần lớn cử tọa phải được tính là các anh "bộ đội" mặc quân phục. Đối với một thành phố có 4 triệu dân thì con số ước tính đó không có là bao. Đối với một thành phố được "giải phóng khỏi 30 năm bị áp bức bóc lột" thì con số đó gần như không có nghĩa gì hết. Trên bao lơn tướng Trà chánh thức đọc một bài diễn văn đầu tiên. Đám đông giương các biễu ngữ và vẫy các lá cờ nhỏ. có quân nhạc và có tiếng vỗ tay...
Nhưng thật quá rõ ràng là không thấy có niềm vui nào ở đây hết. Các ủy viên chánh trị cố sức nhấn mạnh từng khẩu hiệu qua ống loa cầm tay của họ, nhưng không thấy được nồng nhiệt những tiếng hô theo. Nhìn chung, người ta thấy rõ là khán giả Miền Nam còn chưa có khả năng trả bài thuộc lòng đối với những khẩu hiệu quá mới mẻ.
Ngày hôm sau, 8 tháng 5, tất cả 54 rạp chiếu bóng ở Sài Gòn cùng phải chiếu một cuốn phim duy nhất:"Trận chiến Điện Biên Phủ".
Qua hình ảnh cũ từ hơn 21 năm, khán giả Việt Nam thấy hằng ngàn binh sĩ Pháp thất trận đang đi ra khỏi hầm trú ẩn, hai tay đưa lên trời. Một chút lịch sử được nhắc lại không đủ khả năng làm vẫn đục tâm hồn thanh thản của các nhà ngoại giao Pháp đang mài miệt bênh vực cho đường lối chánh trị vĩ đại của họ là " tình hữu nghị giữa Ba Lê và Hà Nội". Nhưng nó gây khó chịu sâu đậm cho những người công dân Pháp hiện còn đang bị kẹt lại ở Sài Gòn.
Các nhà báo ngoại quốc được mời đến dự buổi họp báo đầu tiên của Ban Quân Quản. Và cũng là một cuộc họp báo cuối cùng! Bài nói chuyện của tướng Trần văn Trà được một thông dịch viên dịch ra tiếng Anh và ông đã trình bày quá dài dòng, chán ngắt về công tác vãn hồi trật tự và an ninh, về sự biết ơn đối với các "quốc gia xã hội chủ nghĩa anh em" đã đóng góp vào chiến thắng. Mạc tư Khoa được nghe nhắc đến nhiều lần, còn Bắc Kinh thì chỉ nghe nói phớt qua.
Các nhà báo trong tuần qua đã cố tìm, nhưng vẫn không hy vọng không gặp được một người đại diện nào của CPLTCHMN, Họ đã lên tiếng hỏi tướng Trà về "sự vắng mặt không thể giải thích được của Chánh Phủ Lâm Thời nầy" Tướng Trà cười trừ, trả lời xoay quanh để thoát khỏi ngỏ bí:
- " CPLTCHMN đang ở trong Miền Nam Việt Nam nhưng tôi không muốn nói với các anh là họ ở đâu.".
Thật là quá lạ lùng cho cái Chánh Phủ Lâm Thời nầy!, không thấy mà cũng không thể tìm thấy, như thế là tính cách bí mật vẫn tiếp tục một cách lạ lùng khi mà chiến tranh đã chánh thức chấm dứt rồi!
Đã từ lâu rồi, chúng tôi không còn tin theo những lời hứa hẹn mà Hà Nội đã từng lớn tiếng tuyên truyền. Bộ mặt thật của "một Miền Nam trung lập được giải phóng khỏi sự kềm chế của ngoại bang".... hôm nay mới được thấy rõ. Chúng tôi cũng biết là xã hội chủ nghĩa không thể áp dụng ngay được ở đây... Miền Nam là Miền Nam... Chúng tôi luôn nghĩ tới tính cách cá biệt của Miền Nam. Trước hết phải thành lập tại Sài Gòn một Chánh Phủ đoàn kết quốc gia để hòa giải tất cả mọi công dân chung quanh một chương trình tối thiểu nào đó. Sự thống nhất hai Miền rồi cũng sẽ tới sau nầy.... nhưng phải dưới hình thức một "Liên Bang". Những ai đã từng gắn bó quá ngây thơ trong trắng vào một sự hòa giải quốc gia tự nhiên giữa những người anh em Miền Bắc và Miền Nam với nhau... bây giờ mới cay đắng biết rõ đó chỉ là một ảo tưởng.. Còn những ai hy vọng có thể nói chuyện với "phía bên kia" thì bây giờ đây họ còn đang đi tìm những người đối thoại với họ.
Vào những ngày cuối cùng trước khi mất Miền Nam Việt Nam, các quan sát viên quốc tế đều ghi nhận là có một "khoảng trống chánh trị " ở Sài Gòn.
Ngày hôm nay thì Sài Gòn không còn là một "khoảng trống chánh trị" nữa mà là một "bãi sa mạc chánh trị" nơi đó những "con ma" của CPLTCHMN được chờ đợi như một ảo tưởng. Thật vậy, cái CPLTCHMN đã từng bị tàn sát trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân (1968) chỉ là một con chim mồi không hơn không kém, cũng giống như cái gọi là "lực lượng thứ ba Việt Nam không cộng sản"... tất cả đều không ai nắm bắt được hết, và cũng không thể đại diện cho ai hết, nhưng chánh sách ngoại giao Pháp đã quá khờ dại dựa trên đó để đặt niềm hy vọng bảo vệ quyền lợi của nước Pháp. Không còn nghi ngờ gì nữa, quyền hành thật sự đang ở trong tay của Quân đội Nhân Dân Bắc Việt. Và tướng Trần văn Trà người "chủ" mới của Sài Gòn cũng chỉ là một công cụ của quyền hành đó mà thôi.
Vào ngày thứ năm 15 tháng 5, một cuộc diễn binh rầm rộ đã nói lên sức mạnh quân sự của những kẻ thắng trận. Dẫn đầu, đi sau một con rồng đỏ đang uốn khúc tượng trưng cho niềm vui và hạnh phúc, là các em nữ sinh rất ngoan với quần đen áo dài trắng, rồi đến các phái đoàn dân chúng mang biểu ngữ nhăng nhít đầy khẩu hiệu. Sau đó đến các trung đoàn thép của Bắc Việt đi thành một khối:các "bộ đội đi hàng mười, có bước đi như ngỗng, súng mang choàng qua cổ, mặt lạnh lùng. Kế tiếp là các chiến xa đi thành hình vuông, đồ sộ, ồn ào, các xe ra đa, các thiết giáp xa và hàng trăm khẩu pháo binh cơ giới hóa, và những giàn hỏa tiễn. Tất cả pháo binh Liên Xô ghê gớm đó lẽ ra đã bắn 70.000 quả đạn (3000 cho mỗi khu) và 6000 quả rốc kết để nghiền nát thành phố, nếu thành phố nầy không đầu hàng.
Đó là một cuộc trình diễn vĩ đại của chiến xa T.54, của hỏa tiển S.A.M. 6 và S.A.M. 7... những chiếc "Kalachnikov", những chiếc "Molotova" và những cỗ pháo 130 ly kinh hoàng. Các phi cơ Mig 19 và 21 gầm rú trên bầu trời. Nhưng điều phải thấy trên hết và được thấy trước nhất phải là: chiến thắng của những người Bắc Việt (nguyên tác: Tonkinois). Ở giữa rừng người đang liên tiếp đi tới như những làn sóng lớn... họa hoằn chịu khó lắm người ta mới nhận thấy được một vài xe vận tải chở đám "du kích quân" của "M TGP MN" và một xe Jeep chở nữ binh mặc đồ đen và đội nón "tai bèo" nhỏ.
Các hàng ghế danh dự trên khán đài được dành cho phái đoàn 12 "anh lớn" dẫn đầu là 3 nhà lãnh đạo trong Chánh Trị Bộ cộng sản: ông Tôn Đức Thắng, Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông Lê đức Thọ, và tướng Văn tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội Bắc Việt.
Chủ Tịch Tôn đức Thắng hôm nay phải là người có một niềm vui thật lớn. Ông gốc người Miền Nam, sanh ở Long Xuyên, 85 tuổi, từng là một người nổi loạn ở Hắc Hải, một người thợ điện cũ của hãng Renault, nay là một ông lão trượng mệt mỏi và gần như điếc, được huân chương Lê Ninh, là một người đã có một quá khứ đấu tranh cách mạng hơn nửa thế kỷ. Vào năm 1927, chính ông là người đã thành công trong việc đánh cướp đầu tiên cho đảng cộng sản Đông Dương trên đường sông khi ông cầm đầu một toán đeo mặt nạ dùng súng lục chận cướp chiếc tàu đò Mỹ Tho. Ông bị bắt và bị kết án tử hình năm 1929, sau đó được ân xá giảm án xuống còn 16 năm tù giam ở Côn dảo trước khi vượt ngục năm 1945 để tiếp tục cuộc đấu tranh,
Ông Lê đức Thọ, một thương thuyết gia bền bỉ của Hiệp Định Ba Lê và lý thuyết gia của đảng cộng sản Việt Nam, là một nhân vật được biết nhiều ở Tây phương.
Tướng Văn tiến Dũng, người chiến thắng trong cuộc tổng tấn công khắp Miền Nam, là người chỉ huy của tất cả lực lượng vũ trang Bắc Việt từ sau khi tướng Võ nguyên Giáp bị lu mờ (2). Người béo lùn, cương nghị và bí mật, tướng Dũng là một người Bắc Việt chính cống, gốc ở tỉnh Nam Định giàu có. Là một người từng tham gia hết mọi chiến trận, cựu quân ủy trung ương, một người cộng sản trung kiên và một chủ chiến không chối cải được.. ông là một trong những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của chế độ Hà Nội.
Ông không quá kiêu ngạo và với một trình độ văn hóa kém hẳn ông Võ nguyên Giáp, con người tự học bền bỉ nầy đã chuẩn bị hành động có tính cách quyết định số phận của Miền Nam. Ông là người đã thành lập một sư đoàn đặc công để thi hành một trọng trách là làm tan rã hệ thống tiếp vận của địch quân, và là người đã biết xử dụng hợp đồng binh chủng giữa chiến xa và pháo binh của mình một cách toàn hảo.
Sự có mặt của ba nhân vật nầy ở Sài Gòn đã mang lại cho buổi lễ "giải phóng" nầy một biểu tượng rất có ý nghĩa: "ánh sáng nầy đã đến từ Hà Nội". Dù muốn dù không thì tương lai của quốc gia Việt Nam nầy cũng đã bị cột chặt vào một sự thật rồi: nó sẽ là một quốc gia cộng sản, cách mạng và không thể chia cắt được. Về điểm nầy không còn một chút nghi ngờ gì nữa, theo lời phát biểu sau cùng của ông Lê Duẫn, Tổng bí thư đảng cộng sản Bắc Việt, khi nói tới Việt Nam thì ông đã coi như một Quốc gia thống nhất rồi. Ông nói: "nước Việt Nam tốt đẹp đã trở nên toàn vẹn từ Lạng Sơn đến Cà Mau"
°
°
Sự mềm dẻo tạm bợ của những người "chủ mới" ở Miền Nam chỉ là một trạm dừng chân trên con đường phải đưa người dân Miền Nam đi những bước đầu của cuộc cách mạng. Chỉ là một sự tạm nghỉ chân có tính cách chiến thuật vì có một nhu cầu phải đặt lại các cơ cấu cải tạo và ghép vào một số cán bộ cần thiết cho dân chúng đang còn cứng đầu khó dạy, quen theo lối sống dễ dãi và khó thuyết phục, khó phục tùng bằng biện pháp quân sự.
Thời gian vui chơi đã qua rồi. Các cán bộ chánh trị của Miền Bắc đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Cứng rắn, dẻo dai và năng nổ họ đặt dân chúng Sài Gòn vào một mảng lưới, rồi càng ngày càng siết chặt lại. Sài Gòn không còn được gọi là Sài Gòn nữa, mà là "thành-phố-Hồ-chí-Minh" để kỷ niệm người cha đẻ của cách mạng Việt Nam.
Đã hết rồi thời điểm của "một nụ cười và một bàn tay thân thiện". Bây giờ đã đến thời điểm của sự "đe dọa" và của những "bước đi mới". Gọng kềm đột nhiên khép chặt lại, trước hết là trong những khu vòng đai ở Gia Định, Tân Định, Gò vấp... nơi mà các "ủy ban nhân dân" đã được thàh lập xong, và tiếp theo đó lần lượt vào trong thành phố.
Từng khu, từng đường, từng ngỏ hẻm, từng nhà một... tất cả đều được thanh lọc. Kiểm tra từng người, ai cũng được gọi lên, được hỏi về cá nhân mình, về gia đình mình, về những người chung quanh mình, và được trưng tập vào một lớp học tập chánh trị.... cũng được gọi là công tác làm sạch đường phố hay là "dọn cho sạch rác rến"
Tất cả trường từ tiểu học trung học cho đến đại học đều phải đóng cửa. Tất cả những tổ chức và sinh hoạt văn hóa "phản động, đồi trụy và dơ bẩn của đế quốc và của tay sai Thiệu" đều triệt để bị nghiêm cấm.. Nói trắng ra là tiêu hủy hết mọi phim ảnh, đĩa nhạc ngoại quốc, tất cả những tác phẩm văn hóa thế giới như của Balzac, Dostoiievski, Faulkner, Camus, Gogol đều bị đốt hết lẫn lộn với các tạp chí tình dục loại Play Boy, kể cả các "cuộc phiêu lưu của Tarzan".
Các giáo sư, thầy cô giáo, sinh viên học sinh mỗi ngày phải đến họp từ 9 giờ đến 1 giờ trưa để tập đồng ca những bài hát cách mạng, tập vỗ tay cho ăn nhịp hay tập "đọc" tập "hô" những khẩu hiệu.
Nhiều đoàn người mệnh danh là trưởng giả, là tư bản, là trí thức, là cựu công chức đã biết "ăn năn hối cải" bắt đầu đi riễu trên các đường phố với những tấm bảng đeo trước ngực với nội dung đại loại như "Tôi đã phản bội cách mạng", "tôi có bạn người Mỹ", "tôi đã cộng tác với kẻ thù" v.v...
Hết khu nầy đến khu khác, nhiều toán người nhỏ thó mặc quân phục xanh lá cây trèo lên bao lơn, hay các cột điện để chăng dây và treo loa, để cho dân chúng nghe ra rã những bản nhạc quân hành ầm ĩ suốt ngày...
Trên tường đâu cũng treo đầy hình to lớn của một ông già có chòm râu dưới cằm: hình của Chủ Tịch Hồ chí Minh. Nguyện vọng duy nhất của ông là tất cả nhân dân Việt Nam phải tôn thờ ông. Tất cả những sự tuyên truyền đều tập trung vào ông nầy, vào cuộc đời của ông, vào những tác phẩm của ông, vào những bài thơ của ông mà ai cũng phải học nằm lòng. Ông vừa là một Thánh nhân, một vị tiên tri vừa là một vị Thần hộ mạng của cựu thủ đô Miền Nam lúc này đã mang tên của ông. "Di chúc" của ông là một sự chỉ dẫn hoàn hảo, một giáo lý mà tất cả mọi người "Việt Nam thật sự" phải theo..
Nhịp nhàng với hành động tâm lý chiến của các "cán bộ" (ủy viên chánh trị), ảnh hưởng của mấy chú "bộ đội" thuộc quân đội nhân dân Bắc Việt mỗi ngày một nặng nề thêm lên, và càng ngày càng thấy rõ bộ mặt của một quân đội chiếm đóng.
Ban ngày thì các đội tuần tra khoảng 20 chú "bộ đội", với nét mặt hùng dũng, căng thẳng, đi cách nhau chừng 5 thước, tay ghì vào cò súng, đi rảo khắp thành phố, canh chừng các ngã tư, hoặc thiết lập các rào cản.
Ban đêm thì cả một trung đội đi khắp nơi trên đường phố lúc nào cũng vắng ngắt, vừa đi vừa lắc cắc khua cò súng AK.47 của họ. Thường thì họ phục kich sau các cây trồng dọc đường và bắn lên nhiều tràng súng dài vào các bóng đen thoáng qua, lặng lẽ.
Thế nhưng mặc dầu lớn tiếng hăm dọa, với những áp phích, những phim ảnh phải xem, những buổi học tập cải tạo tập thể... người dân Sài Gòn vẫn cứng rắn và tham gia các buổi "sinh hoạt cách mạng" một cách lặng lẽ, hờ hững.
Cả ba buổi họp lớn đầu tiên trong tháng 5 (ngày 1, ngày 7 và ngày 15 tháng 5) chỉ qui tụ khoản vài chục ngàn người, không hơn được.
Ngày 15 tháng 5, "ngày lễ chiến thắng", trong khi các sư đoàn Bắc Việt rầm rộ diễn hành, các toán cán bộ cổ vũ đặt ờ các ngả tư đường không thành công được trong nhiệm vụ hô hào dân chúng vỗ tay hoan nghênh quân đội chiến thắng Miền Bắc. Chẳng những thế mà còn có rất nhiều khán giả Miền Nam khóc sướt mướt nữa.
Chế độ cũ đã phát hàng chục ngàn súng cho dân vệ trẻ trong các khu gia cư. Thủ đô lại có gần trăm ngàn Cảnh Sát được trang bị súng M.16, súng lục 32 và lựu đạn. Phía Bắc Việt đã tự thú nhận là mặc dầu đã treo nhiều giải thưởng cao cho những sự tố giác, nhưng chỉ thu hồi được một số rất ít ỏi vũ khí nầy.
Nhiều người dân Sài Gòn còn đi xa hơn nữa là họ từ chối không chịu đầu hàng..Một số tướng lãnh đã tự tử như: tướng Phú, cựu tư lệnh Vùng Cao Nguyên Trung Phần, đã uống nguyên một ống thuốc nivaquine và chết tại bệnh viện Grall; như tướng Nguyễn Vỹ, cựu Tư Lệnh sư đoàn 5 bộ binh, tướng Nguyễn khoa Nam và Tướng Lê văn Hưng, Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long; tướng Nguyễn văn Hai, Tư lệnh sư đoàn 7 bộ binh.... Nhiều sĩ quan khác, các nhân vật và các chánh trị gia đã tự kết liễu đời mình bằng thuốc độc hay bằng cách tự bắn vào đầu. Trong số những người nầy có ông Trần chánh Thành, cựu Tổng trưởng Thông Tin, một trong những người đối lập hàng đầu với Tổng Thống Thiệu; tất cả thành viên trong một gia đình công chức cao cấp (sáu người) và cả 3 người giúp việc trong gia đình. Một cựu hạ sĩ quan Dù tự tử ngay giữa chợ bằng cách tháo chốt một trái lựu đạn và nằm lên trên và la lớn lên:"Chúng bây không bao giờ bắt sống được tao đâu..đồ bọn cướp đểu giả!"
Trái lựu đạn nổ tan xác anh thành nhiều mảnh, trừ chiếc mũ bê rê đỏ của anh, nhưng không một ai dám nhặt lấy...
Một tuần lễ sau khi tượng đài "chiến sĩ VNCH" bị hạ bệ, có một vị cựu binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến của Miền Nam tẩm xăng tự thiêu như những nhà sư trước kia đã làm để phản đối "chế độ thối nát". Ông ta cháy như ngọn đuốc trong nửa giờ, trước hàng trăm dân chúng Sài Gòn đứng sững sờ nhìn ngọn lửa trên bụng anh làm cháy đen cả hai cánh tay anh. Một giờ sau, đài phát thanh Hà Nội cố làm nhẹ biến cố nầy bằng một bản tin được loan đi, nói rằng: "người tuyệt vọng nầy cầm trên tay một tấm giấy trên đó ông viết "tôi đói lắm"! (3)
Ngày hôm sau phát ngôn viên của Ban Quân Quản lại đưa ra một lời giải thích thứ hai:
- "Đó là một phật tử chống đối chế độ Thiệu. Anh ta để lại một bức thư nói rằng: cuối cùng đất nước tôi đã được giải phóng khỏi ách độc tài, nhiệm vụ tôi đã hoàn tất và tôi chỉ còn có chết mà thôi."
Cả hai luận cứ mâu thuẫn nầy không dối gạt được người nào hết. Người dân Sài Gòn chứng kiến tận mắt cái chết của anh Thủy Quân Lục Chiến có thể sẽ không nói được tại sao anh ta tự tử. Nhưng họ biết rõ nơi anh chết: đó là trên đống ximăng nát vụn của tượng đài hai anh lính Thủy Quân Lục Chiến tượng trưng cho lòng can đảm của người lính chiến VNCH.
Tất cả những người chết để khỏi phải kéo lê kiếp sống nô lệ như thế rất xứng đáng được kính trọng....
Các nhà báo đôi khi đưa ra những nhận xét đơn sơ không muốn nói nhiều hay chỉ muốn mua lòng độc giả bằng một câu nói bâng quơ bóng bẩy.
Một trong những bạn đó, một người cũng nổi tiếng lắm, được trui rèn trong tài nghệ và cũng có khá nhiều độc giả trên khắp thế giới, đã đưa ra một câu quá bất công và quá tàn nhẫn khi viết về cái chết của tướng Phú:
- "Tướng Phú, Tư Lệnh Vùng Cao Nguyên đã từng là một người lính rất tốt ở Diện Biên Phủ, đã không còn tốt nữa khi ông ta nhận bổng lộc của ông Thiệu như những người khác".
Nhà báo nầy không có quyền chửi bới, mạt sát hay lên án một người đã chết, nhất là khi anh chưa biết người đó là ai và dĩ nhiên chưa bao giờ thấy được hành động của người ta trên trận địa. Những ông được xem như là "chúa tể" của Dù ở Điện biên Phủ, tôi muốn nói như Langlais, Bigeard, Bizard, Touret và Botella, can đảm tột bực và không bao giờ biết xúc động,, họ rất quý mến và đánh giá cao ông trung úy nhỏ con tên Phú nầy mà họ coi như là một sĩ quan rất có giá trị trong quân đội Việt Nam. Tướng Phú là bạn của tôi (tác giả). Tôi đã biết ông ta từ lúc 23 tuổi. Lúc nào ông ta cũng đánh trận và đánh giỏi... trên khắp nước Việt Nam. Trong vùng thối nát như Cao Lãnh, khi ông là Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, cũng như khi ở Lào ông đã chiếm lại Tchépone và trong 2 ngày đã đánh tan một trung đoàn thiện chiến thuộc sư đoàn 312 Bắc Việt chuyên chiến trận ở miền núi. Ở phía Tây thành phố Huế, năm 1972, ông đã giữ vững vùng Bastogne với sư đoàn đầu tiên của ông và làm thất bại sư đoàn 308 được mệnh danh là sư đoàn sắt của quân đội Bắc Việt. Con người ông tướng Phú chỉ còn có một lá phổi, thường hay khạc ra máu và mặc dầu bị các bác sĩ cấm bay 10 năm nay nhưng ông vẫn tiếp tục lên trực thăng mỗi ngày, bay lên mặt trận và đáp xuống tiền tuyến. Tôi thường đi theo ông ta, thường ăn chung và ngủ chung một lều với ông ta. Tôi cũng biết bà tướng Phú, một người nông dân chất phát và 9 người con của ông. Tướng Phú nghèo nhưng được binh sĩ của ông kính trọng. Ông không biết buôn lậu và coi rẻ tiền bạc.Ông chỉ ở ngoài mặt trận, không bao giờ nghĩ đến chánh trị và cũng ít lui tới Dinh Tổng Thống.. Một buổi chiều nọ ở Huế, ông đã buồn bã tâm sự với tôi: "Ở Điện Biên Phủ, thiếu tá Botella mà tôi thương mến như cha tôi vậy, đã có nói là tôi sẽ được tuyên dương với "Bắc Đẩu Bội Tinh". nhưng tôi chưa bao giờ nhận được nó.Tôi đã được tuyên dương 27 lần với tất cả huy chương cao quý nhất của Việt Nam và của Hoa Kỳ. Nhưng tấm huy chương "Đỏ" đó mới là huy chương đẹp nhất thế giới!"
Một buổi sáng nào đó năm 1954, tướng Phú là người sĩ quan Việt Nam cuối cùng đã bắt đoàn quân hát bài quốc ca Marseillaise của Pháp trên một trận tuyến ở Đông Dương khi ông dẫn quân xung phong lên chiếm vị trí "Élianne I" ở Điện Biên Phủ. Hai mươi mốt năm sau, mất hết quyền chỉ huy lại bị vu khống và tuyệt vọng, ông đến tìm cái chết trong một bệnh viện của người Pháp, trước các bác sĩ quân y người Pháp, dưới bóng của lá cờ tam tài Pháp.... Để được biết chắc chắn rằng các người bạn cuối cùng, các người bạn chiến đấu của ông khi về Pháp phải được biết rõ là ông ta không hề phản bội lại hai chữ Danh Dự mà họ đã cùng nhau thề thốt trên những ngọn đồi đẫm máu ở Điện Biên Phủ.
Thật là kỳ lạ và bi đát thay cho số phận của các tướng lãnh nói trên và của những chánh trị gia Miền Nam hay Cam Bốt được kết hợp với nhau không phân biệt trong chiến dịch bôi nhọ và vu khống, được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới từ bao nhiêu năm qua. Nhất là báo chí Mỹ không ngớt nhắc đi nhắc lại là Phnom Penh và Sài Gòn "đầy rẫy tham nhũng". Đặc biệt tôi nghĩ tới ông Long Boret, Thủ Tướng Cam Bốt và hoàng thân Sirik Matak, nhân vật thứ hai ở Cam Bốt. Lẽ ra họ đã đi được trên một trực thăng Mỹ với ông Đại Sứ Hoa Kỳ khi ông nầy ra đi với một lương tâm thanh thỏa của một công chức cao cấp đã thi hành xong khế ước, còn bình tĩnh ôm theo trong tay lá quốc kỳ Mỹ được xếp cẩn thận, y như trong một kịch bản vậy. Nhưng hai người nầy lại không thèm đi, họ thích ở lại đất nước họ và có chết thì chết trên mảnh đất quê hương của họ, giữa đồng bào của họ còn hơn là đi sống lưu vong trong một đất nước mênh mông xa lạ đã phản bội họ. Họ không phải là những người độc nhất đã chọn "ở lại", vì sau khi cân nhắc kỹ lưỡng rồi họ mới ngả hẳn về cái chết để chứng minh phẩm cách và giá trị của niềm tin của mình.
Còn nhiều người nữa, rất nhiều người nữa cả ở Phnom Penh và ở Sài Gòn. người ta còn tiếp tục nói về những người nầy bằng cách gọi họ là "bọn tham nhũng", mà vào một thời kỳ khác, khi mà Tây Phương bị những nguyên tắc vĩ đại của lịch sử La Mã chi phối, thì người ta phải gọi họ là những "vị anh hùng"!
°
°
Hơn thế nữa, ở Sài Gòn đâu phải chỉ có những vụ tự tử.
Từ ngày 30-4 đến tuần lễ thứ ba của tháng 5, hơn 60 binh sĩ Bắc Việt đã bị ám sát ngay ngoài đường phố. Một tử thi của một đại tá bộ binh Bắc Việt mình đầy vết dao được khám phá ra ở trong hẻm rạp chiếu bóng Eden, trước mặt khách sạn Continental. Ba sĩ quan Bắc Việt khác đã bị hạ sát "rất lặng lẻ" gần sở Ba Son.. Chánh quyền xác nhận can phạm là "du đảng" và "kẻ trộm". Để làm gương họ đem ra xử bắn công khai một số "can phạm" trước mặt gia đình họ và hàng ngàn khán giả.
Ngày 24 tháng 5, lúc 7 giờ sáng, 80 người ngoại quốc rời Miền Nam Việt Nam trên một chiếc phi cơ 4 máy, Illouchine 18 sơn xanh trắng của Liên Xô. Đó là những phóng viên nhiếp ảnh, những nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đến Sài Gòn và bị kẹt lại sau khi thủ đô bị Bắc Việt chiếm cứ. Trong số nầy có gần 50 nhà báo Pháp và một tướng lãnh Pháp đã về hưu bị trục xuất khỏi Việt Nam vì lý do "hai bàn tay của ông đã dính đầy máu của nhân dân Việt Nam "!(4)
Trước khi được đi, các nhà báo nầy đã bị quá nhiều phiền nhiễu về hành chánh mới được tờ chiếu khán xuất cảnh, sau đó phải nằm chờ đợi được ghi tên vào một chuyến bay kéo dài ngày nầy qua ngày khác...Trước khi lên phi cơ, tất cả đều phải qua một cuộc khám xét, một cuộc khám xét thật tỷ mỉ, thật lâu và rất là lạnh lùng. Các anh "bộ đội" nhờ một nữ tiếp viên hàng không quân sự làm thông dịch viên, đã bóc hết hành lý của họ. Có nhiều xấp thơ và phim ảnh bị tịch thu. Sau đó họ được đưa đến Vạn Tượng (Lào) và phải trả 120 đô la bằng tiền Mỹ hẳn hòi (gấp đôi giá bình thường) và được một chú "bộ đội" đội nón cối và các phi công Việt Nam đeo súng lục hộ tống.
Xuyên qua cửa kính, các nhà báo nhìn Tân sơn Nhứt lần cuối. Hình ảnh sau cùng mà họ cố mang theo từ Việt Nam là cảnh tượng của một phi trường bị tàn phá: nhà kho sập, phi cơ nằm phơi bụng, chiến xa bị cháy đen...Trong số những anh gan lỳ và đầy tình huynh đệ đi về Pháp chuyến nầy, vắng mặt một anh bạn hạng nặng: đó là anh Michel Laurent, bị một tràng liên thinh tự động bắn hạ trong trận chiến ở Hố Nai.
Anh là một nhà báo cuối cùng chết ở Đông Dương.. Chúng tôi vẫn còn hy vọng đến giây phút cuối cùng là anh sẽ còn sống để trở về. Nhưng bây giờ thì hết mong rồi. Chúng tôi không còn thấy bóng dáng mảnh khảnh, trẻ trung mãi của anh nữa, cũng như gương mặt thiên thần với mớ tóc lòa xòa và một điếu xì gà cắn chặt ở môi. Anh công tử có vẻ uể oải nhưng không lo lắng gì cả nầy thuộc nòi nhà nghề sáng giá.Có cả thảy 52 nhà báo đã chết ở Việt Nam từ năm 1945. 26 anh khác đã coi như mất tích ở Cam Bốt. Phần đông là các nhiếp ảnh viên, những tinh hoa trong nghề.. Họ không tường thuật về chiến tranh, mà họ chuyển chiến trận thành hình ảnh, gay cấn, tàn bạo và lâm ly thống thiết. Những hình ảnh nầy các nhiếp ảnh viên thường thu nhặt trong tư thế đứng, giữa những người sắp chết mà họ thường chứng kiến được cử chỉ và cái nhìn lần cuối cùng của họ. Cho tới khi Thần chết tức giận vì bị người ta thu hình quá gần, nên đã bắt họ chết luôn vì đã đến lượt của họ rồi.... Và đùng một cái những người còn sống sót mới khám phá ra là luôn luôn những anh bị tử thương y như rằng là những người rất giỏi trong nghề,. Người đầu tiên mà tôi thấy chết vào ngày 28 tháng chạp năm 1946 là một anh người Bỉ ốm yếu mà tôi quá xấu hổ vì không nhớ được tên, làm việc cho một thông tấn xã Hoa Kỳ. Anh đến từ Nam Dương, một quốc gia chán chê vì chiến trận, nhưng những trận đánh trong đường phố tuy lẻ tẻ nhưng hung dữ đến dã man trong thành phố Hà Nội đã kích thích anh, như một cuộc đi săn kích thích con chó săn còn tơ vậy. Anh đội một nón sắt quá rộng, đeo choàng chiếc máy ảnh Rolleiflex và một cây súng lục Webley to tướng ở ngang lưng.
Anh ta rất là can đảm, can đảm hết nói! Anh ta chạy trên các mái nhà để đi tìm những anh chàng bắn sẻ. Một anh Việt Minh bắn tỉa phục kích đâu đó đã cho anh một phát vào giữa mặt và anh té lộn nhào rớt xuống đất từ trên cao 10 thước..
Sau đó thì có anh chàng Kowal mà chúng tôi gọi là "siêu thiên thần", một anh lực sĩ tóc vàng hoe, một con người yếu bóng vía và khắc khổ với một máy thu hình cộm lên đầy lịch sử hào hùng.. Ba mươi tám tháng đi toàn những trận ác liệt gần hết miền Thượng Du Bắc Việt... rồi một tràng liên thanh ngắn một buổi sáng nào đó của tháng 2 năm 1952 đã kết liễu đời anh. Lúc đó anh mới vừa 27 tuổi. Tôi cũng biết anh Péraud, to con, mập mạp, vai rộng, người rất mạnh khỏe, đã từng thoát khỏi trại tù Đức quốc xã, đã từng chứng kiến những trận đánh xáp lá cà ở Na Sản và Điện Biên Phủ... đã bị xem là mất tích trong chiến khu cộng sản sau một cố gắng vượt ngục và không bao giờ được gập lại nữa. Anh Martinoff, bị đạp phải một trái mìn... Anh Bob Capa lúc nào cũng có một điếu thuốc tàn trên miệng, là một trong những người nhiếp ảnh viên nổi tiếng và đắt giá nhứt trên thế giới, già dặn trrong gần 20 chiến dịch mà bị chết như một người mới bước vào nghề ngày 25 tháng 5 năm 1954 trên một con đê nhỏ ngoài ruộng, chỉ cách đồn Đội Tân vài cây số, ở Đồng Bằng Bắc Việt.
Còn nhiều người khác, rất nhiều người khác nữa...: như các anh Burrows, Huet, Shimimoto, Flynn, Arpin... và cuối cùng là anh Michel Laurent, mình đầy đạn trong một làng công giáo di cư không đầy ba ngày trước khi Sài Gòn bị thất thủ.
Từ anh nhà báo nhỏ con người Bỉ đội nón sắt quá rộng bị bắn chết ở thủ đô Hà Nội đến anh Michel Laurent bị giết vì quá gan dạ gần một nhà thờ có treo cờ của Tòa Thánh Vatican, nơi mà các thanh niên tự vệ kháng cự đến viên đạn cuối cùng.... coi như cuộc chiến ở Đông Dương đã qua rồi.....
Khi đã trở về đến nước Pháp, các anh nhà báo bị kẹt lại gần ba tuần lễ ở Sài Gòn, cựu thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, đã viết lại và phổ biến tất cả những gì mà họ đã thấy và đã nghe: Bộ máy của chế độ Hà Nội đã được áp đặt. Cảnh khốn cùng của dân chúng Sài Gòn. Có các cô gái đã đề nghị trao hết gia tài sự nghiệp để chỉ được cưới và cùng đi ra ngoại quốc. Trẻ em thì van xin cho được làm con nuôi, dù là giả định. Lại còn dịch tự tử nữa. Rồi có tin đồn là có nhiều sự nổi dây ở các tỉnh, hay thành lập "chiến khu" ở Miền Nam...
Khi tất cả các nhà báo đã bị đưa đi hết rồi....thì một cái lồng sắt chụp ngay xuống Miền Nam Việt Nam. Muốn có được tin tức, người ta không còn có cách nào khác hơn là phải nghe những bản tin chánh thức được loan đi sau khi người ta đã kiểm duyệt cẩn thận. Phải đợi cho có người đi du lịch trong thời gian sắp tới.. Rồi phối kiểm lại tin tức. Rồi phỏng vấn liên tục những người ngoại quốc, những linh mục hay một vài công chức Pháp khi họ hồi hương. Hay những người Hoa Kiều theo đường giây buôn lậu hay theo các tàu đánh cá đến được Thái Lan..(họ phải trả trên 30 lượng vàng để được đưa đi )
Từ từ các tin tức đó giúp hé mở được bức màn tre đang bao chặt nước Việt Nam, và nhờ vào những chứng cớ và những chi tiết sống, người ta mới có thể thiết lập lại được cả một mảng biến cố đã xảy ra trên đất nước nầy.
Đầu tháng 5, các sĩ quan, Cảnh Sát, công chức, thành viên trong các đảng phái chánh trị, các kỹ thuật gia, nhân viên trong nghiệp đoàn của Miền Nam... đều nhận được lệnh phải tự kiểm kê. Người ta ấn định cho họ một thời hạn, từng loại một phải đi trình diện với chánh quyền. Phần đông các sĩ quan và Cảnh Sát khi đến trình diện không bị điều tra hỏi han gì hết như họ đã nghĩ. Mà người ta chỉ ghi tên tuổi rồi họ được tự do về nhà. Một thống kê đầu tiên vào cuối tháng 5 cho thấy là khoản 25 trên 100 cán bộ của quân đội và của Cảnh Sát là có làm thủ tục khai báo. Một buổi sáng sớm nào đó, vì chánh quyền đã nắm được địa chỉ và căn cước của từng người nên số người nầy bị bắt hết, cho lên xe vận tải và đưa đi đên một nơi nào không biết. Nhiều bản thông cáo được dán khắp nơi "ra lệnh cho "tất cả các anh phản động" chưa trình diện phải đến trình diện ngay "nếu không sẽ bị nghiêm trị". Đồng thời lại có nhiều áp phích khác cảnh cáo tất cả dân chúng trong thành phố "không được chứa chấp người nào trong nhà mà không khai báo cho công an biết"
Các giáo sư, các thầy cô giáo, các hiệu trưởng và viện trưởng của tất cả các trường trung tiểu học và đại học ở Sài Gòn, tất cả đều bị gọi đến "làm việc" với các ủy viên "đại biểu đại học", ăn mặc như các "bộ đội", quân phục xanh lá cây, mang dép râu và đội nón cối. Các ông đại biểu nầy lạnh lùng thông báo với họ là:
- "Chương trình và chu kỳ học vấn sẽ được thay đổi chiếu theo nhu cầu thật sự của đất nước. Kỷ luật sẽ được áp dụng triệt để. Nhưng tất cả các sách giáo khoa cũ đều bị loại. Sẽ có những sách khác đang in sẽ được tàu chở đến từ Hà Nội. Ít nhất cũng phải từ ba đên 4 tháng nữa mới có đủ số lượng sách cần thiết trong kho.Và tất cả trường đều phải đóng cửa. Về đại học, Luật Khoa và Văn Khoa sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Vì hai khoa nầy không có ích lợi gì cho xã hội hết, chỉ đào tạo những người "mơ mộng" và những "ký sinh trùng". Thay vào đó sẽ có một trường thông dịch, dạy bốn ngoại ngữ: Nga, Tàu, Anh và Đức ngữ. Tiếng Pháp sẽ không bao giờ được dùng tới nữa. nên không cần phải có thêm người biết tiếng Pháp. Các ông giáo sư thuộc Văn khoa và Luật khoa phải tự chuyễn ngành trong kỷ luật xây dựng thì hơn."
Tất cả các giáo chức đều phải trút bỏ hết "quần áo trưởng giã", không phải thắt cà vạt, không phải mặc áo vét nữa, và cũng không được mang giầy "kiểu cọ" nữa (nguyên tác: "fantaisie" trong dấu kép) Sẽ có nhiều giáo sư từ Hà Nội đến để điều khiển các lớp về chuyễn hướng giáo dục và lớp cải tạo..
Đầu tháng 6: các sĩ quan cao cấp "dù đã về hưu", các công chức cao cấp và các chánh trị gia, các dân biểu, nghị sĩ,, các tổng bộ trưởng đều được gọi đi học một khóa "học tập cải tạo". Thời gian học tập là 10 ngày. Khi đi phải mang theo "chăn màn, áo ấm, áo mưa, một chiếc chiếu, 3 ram giấy và viết để ghi chú. và phải đem theo 15.000 đồng để đóng tiền ăn.". Trong suốt thời gian học tập cải tạo, không ai được phép về nhà, hoặc liên lạc với gia đình. Đối với các công chức hàng thấp, các hạ sĩ quan và binh sĩ, chương trình học tập cải tạo được dạy trong 3 ngày. Công chức sau đó được trở về nhiệm sở cũ, các quân nhân sau khi học tập thì được phát cho một giấy chứng nhận cho phép họ đi tìm việc làm, và được đặt dưới quyền kiểm soát của các trưởng khóm đã được thành lập trong mỗi khu.. Một bản báo cáo sau đó được chuyển cho trưởng "công an khu vực", nơi người binh sĩ được kiểm kê. Về sau nầy, anh trưởng công an đó sẽ phát cho người quân nhân đó một giấy "phục hồi quyền công dân" nếu xét thấy người đó có hạnh kiểm tốt. Trong hiện tại thì tất cả cựu quân nhân đều được coi như "kẻ có tội" vì "các cây súng của Mỹ mà các anh đã có trong tay, không phải tự nhiên mà nó đến tay các anh." đó là lời nói của các ủy viên chánh trị phụ trách lớp hoc tập cải tạo đã nói với họ như vậy. Trong khi chờ đợi được phục hồi quyền công dân thì các cựu quân nhân phải chịu đói meo, vì tờ giấy cho phép đi tìm việc làm không giúp ích gì được cho họ cả. Vì trên thực tế không một người nào được quyền thuê mướn người chưa có quyền công dân.
Sau đợt các chánh trị gia và các quân nhân thì đến lượt các thợ thuyền và các chú cai thợ. Lớp học tập cải tạo cho các chuyên viên ở nhà máy điện được mở ra ở Dalat vào tháng 6, đã xảy ra nhiều vụ rắc rối và nhiều phản đối. Bị bắt buộc phải mang theo 15.000 đồng (ba phần tư số lương trong tháng của họ), sống xa vợ xa con, họ đã phản đối tập thể để yêu cầu Chánh Phủ phải bảo đảm đời sống của gia đình họ vì thiếu thốn và không có ai lo. Họ đe dọa là sẽ không làm việc trở lại nếu Chánh Phủ từ chối yêu sách nầy.Vì chánh quyền cần phải có sự làm việc của họ nên đã chấp thuận một phụ cấp cho gia đình họ.
Lúc mãn khóa học tập cải tạo, các ủy viên chánh trị đã cố xác nhận với họ là "thời gian học tập cải tạo được kéo dài trong 6 tuần lể mỗi năm". Trong suốt thời gian học tập không thấy có một lời nào ám chỉ đến cái CPLTCHMN. Chỉ có hai đề tài duy nhất được khai triển:
- Nước Việt Nam từ đây sẽ là một quốc gia duy nhất, độc lập và xã hội chủ nghĩa, gắn liền với di chúc của Bác Hồ (nguyên tác:oncle Hô) từ cửa Trung Quốc (nguyên tác:porte de Chine) ở Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
- "Ngụy quyền bù nhìn" - có nghĩa là những kiểu suy luận, những lối sống thừa hưởng tử chế độ cũ và của đế quốc Mỹ- là một "căn bệnh" mà đất nước phải loại bỏ. Phương thuốc duy nhất được coi là hữu hiệu là cải tạo.
Lần lần bộ máy nặng nề và tỉ mỉ để nghiền nát các bộ não đã được đặt xong.. và đã chạy đều.. vì nó đã chứng minh được ở Miền Bắc rồi, ở đó nó đã được điều hành từ hơn 20 năm qua.. Công tác đóng khung dân chúng được tiến hành rất có phương pháp.
- Giai đoạn thứ nhất: áp dụng kỹ thuật công an cảnh sát mềm dẻo nhưng quyết liệt. Mỗi công dân phải điền hai văn bản in sẳn. Một số câu hỏi chánh thức: lý lịch, trình độ học vấn, nơi cư trú trong những năm chiến tranh, việc làm. Một số câu hỏi riêng tư liên quan đến tất cả những người từ 18 đến 70 tuổi, đòi hỏi phải kê khai "tên của những người bạn tốt nhất của mình, hay tên của những người mà mình chịu ảnh hưởng"; Và những tên, địa chỉ của "những mối giao lưu tình cảm cũ". Công tác kiểm kê tất cả dân chúng ở Sài Gòn được tiến hành từng khóm một, từ khóm nầy sang khóm khác... Khi đã kiểm kê xong, người nào muốn thay đổi địa chỉ thì phải xin phép cơ quan chánh quyền khu vực mình đang ở và phải có sự chấp thuận của cơ quan chánh quyền nơi mình muốn tới ở. Mỗi người xin như vậy phải có 2 nhân chứng chịu trách nhiệm về lời khai không gian dối.
- Giai đoạn thứ hai: kỹ thuật gia nhập vào tập thể và đề nghị một lý thuyết mới. Nghi lễ thật chu đáo đúng mức. Một Đức Chúa nhân từ:Bác Hồ; Một lý thuyết: Mácxít; Các linh mục đọc thánh kinh: các ủy viên chánh trị thánh ca: các bài hát cách mạng ; Các lời cầu nguyện:các khẩu hiệu ; Các đám rước lễ: các cuộc diễn hành, các cờ hiệu và biểu ngữ, thợ thuyền, sinh viên, các "bà nội trợ và trẻ con" ; Các cuộc "xưng tội": công khai.
Hình của Hồ chí Minh được treo dán khắp mọi nơi, trên tường, trong các nhà máy, trong thành lính và cho tới các phòng khách của các cộng đồng tôn giáo. Có lệnh cho tất cả dân chúng phải treo trước nhà lá cờ đỏ sao vàng của Cộng Hòa Miền Bắc Việt Nam (nguyên tác: Républic du Nord Việt Nam ) bên cạnh lá cờ của CPLTCHMN. vấn đề thi hành cũng phải lâu. Mua một lá cờ thứ hai đối với nhiều người là một sự tốn kém không nhỏ. Những người nghèo phải cắt xén vải và làm những lá cờ nhỏ hơn. Chánh quyền coi đó là một ác ý. Tức thời có những chỉ dẫn đã phổ biến về cách treo "cho đúng" hai "lá cờ anh em" với kích thước phải bằng nhau.
Các sinh viên rảnh rang từ khi nhà trường bị đóng cửa, đã được thành lập thành "tiểu đoàn" và tham gia vào công tác làm sạch sẽ thành phố.. Các học trò thì tham gia vào sinh hoạt cách mạng ở khu vực với những em từ 8 tuổi. Các "liên đoàn thanh niên giải phóng" đón nhận gái trai từ 10 tới 15 tuổi.
Mỗi ngày tờ nhật báo chánh thức "Sài Gòn Giải Phóng" đưa ra những công tác của vài đại hội, của các văn sĩ, của các nhà văn tiểu luận hay nghệ sĩ "giải phóng" và đăng những kiến nghị của họ: những lời khen tán tụng cách mạng, những bài hát nhớ ơn bác Hồ và Đảng Lao Động đã dẫn dắt nhân dân đến chiến thắng. "...
Phải chăng những người cộng sản Bắc Việt thật sự hy vọng rằng bằng cách áp dụng những phương thức mà họ đã dùng ở Hà Nội vào năm 1954 thì họ có thể tẩy não được dân chúng ở Miền Nam? Đầu tiên nhìn vào, thì hình như khó tin được.
Hà Nội là một thành phố được ngăn ra từng khu vực thợ thuyền, công chức, và các công nhân tiểu công nghệ.. Đồng bằng sông Hồng thì rất hẹp và có quá nhiều dân. Dân quê Miền Bắc còn dùng những chiếc cày tay cổ lỗ mà họ đẩy được. Chiến tranh chống Pháp đã đẩy họ lên rừng hay vào những làng mạc thu hẹp trong lũy tre xanh. Chiến tranh với người Mỹ lại đưa họ thụt lùi lại trong thời quá khứ bằng những cuộc dội bom dày đặc, bắt họ phải sống trong hang hoặc sống chui xuống đất trốn ở dưới hầm. Cầu đường bị phá, nhà ga, nhà máy, phi trường đâu đâu cũng ăn bom làm cho dân chúng gần như trở về thời kỳ đồ đá. Họ đã quen sống cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, không có một tờ báo nào gọi là đối lập, không xa hoa không có yếu tố nào để mà biết so sánh, sống đoàn kết với nhau vì cảnh bất hạnh. họ không thể tranh cãi dễ dàng với sự tuyên truyền nhồi nhét quá sơ đẳng và tập thể của các cán bộ..
Trong khi Sài Gòn là một thành phố của thương gia, của các chủ tiệm chủ quán, của những nhà trí thức và những chuyên viên. Đồng bằng sông Cửu Long rộng mênh mông, giàu có, mầu mỡ, mở cửa hằng mấy thế kỷ nay ra biển cả, với hàng hải, với thương thuyềm, với ngoại quốc. Làng mạc ở đây trải rộng ra dưới những hàng dừa, hàng cọ, và dọc theo sông rạch đầy phù sa phì nhiêu, và là nơi dự trữ dồi dào và vô tận cho nghề đánh cá. Cuộc chiến tranh chống Pháp đã bảo vệ cho Miền Nam. Cuộc chiến chống Mỹ dù có một số điều quá mức, nhưng đã hiện đại hóa Miền Nam với một số trang thiết bị đến dư thừa. Trong suốt thời gian 20 năm, mặc dầu có mất ít nhiều trật tự, có chiến trận, có những chuyện ám sát, kinh tế khủng khoảng thường xuyên, và nhờ những chuyện đó mà dân chúng Miền Nam đã có lối sống của người Tây Phương hoàn toàn. Họ khám phá ra được máy móc, mô tô, xe hơi, phi cơ, trực thăng, điện thoại.... máy tính, trăn-zi-to và truyền hình; máy cày đã thay thế chiếc cày tay, xe vận tải, thuyền máy đã thay thế chiếc tam bản. Họ biết thưởng thức phim ảnh và các sách ngoại quốc, thích nhạc jazz, và biết xài các vật dụng mới lạ, tối tân. Bất cứ anh phu xe xích lô nào cũng đọc 2 tờ báo hằng ngày...
Như vậy thì làm sao tưởng tượng được là dân chúng Miền Nam có thể buông xuôi chịu bước theo hướng đi nhỏ hẹp duy nhất và một chiều mà Miền Bắc cố tình muốn áp đặt cho họ? Hà Nội muốn thống nhất đất nước và đưa nước Việt Nam vào con đường cộng sản dưới bàn tay sắt náu của họ. Hà Nội có 3 yếu tố trong tay: sức mạnh, một ý chí chánh trị không lay chuyển, và một lý thuyết mạnh. Nhưng những trở ngại cũng không phải ít. Đưa ra một phương thức để mang ra thực hành, như thế cũng chưa đủ. Xác nhận một sự thật để biến nó trở thành một chuyện hiển nhiên, như thế cũng chưa đủ. Đề nghị thống nhất hai Miền của Hà Nội là một sự thống nhất trái với thiên nhiên đe dọa gây xáo trộn đời sống của người dân. Miền Bắc và Miền Nam có thể là 2 Miền anh em, nhưng đó là anh em thù địch. Họ đã từng đánh nhau trong suốt 300 năm trước khi người Pháp đặt chân lên Đông Dương. Cuộc giết chóc trong 30 năm vừa qua chỉ có làm tăng thêm sự rạn nứt trong quá khứ. Mỗi bên đều có ít nhất cả triệu người bị giết và gần 2 triệu bị tàn phế. Hàng trăm ngàn trẻ mất cha...mất mẹ. Hằng triệu triệu người tản cư bị vứt ra ngoài đường. Nhiều thành phố bị tàn phá đến điêu tàn, nhiều làng mạc bị đốt cháy....
Vĩ tuyến 17 chỉ là một gạch ngang trên bản đồ năm 1954, được các thương thuyết gia hấp tấp gạch lên một cách vội vàng vì muốn chấm dứt cho xong..Một đường phi quân sự trừu tượng và hão huyền.. Hai chục năm chiến trận khốc liệt đã biến nó thành một giới tuyến đầy máu.
Hòa giải cách nào đây? để cho có được sự kết hợp giữa hai Miền, giữa hai loại xã hội với hai trình độ khác nhau, hai nền kinh tế khác nhau, hai tâm tính và tâm trạng khác nhau? Giữa một Miền Bắc với lý thuyết cộng sản khắc khổ và quá cứng đơ vì nguyên tắc, với một Miền Nam quá tự do như vô chánh phủ, hoài nghi và thích hưởng thụ?
Giữa một bên thì đang tự kiêu vì là kẻ chiến thắng, và một bên thì đang nhục nhã vì là kẻ chiến bại và mất nước? Các nhà phân tách đã đơn giản hóa những bài toán nầy thành một sở đồ và nói rằng những người Bắc Việt với đầu óc cứng rắn và với kỷ luật sắt của họ, sẽ đạp nhẹp Miền Nam.
Tôi không tin ở sơ đồ. Con người không phải là những con số để người ta đưa vào phương trình. Miền Nam không phải nguyên một khối và hay cố chấp. Họ có niềm tin của họ và những tín ngưỡng riêng của họ. Họ không để mất đi một cách dễ dàng đâu. Các Phật Tử, các Tín đồ Công Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, và Cao Đài Giáo đều một lòng gắn bó với các chùa chiền, với các nhà thờ và với các thánh thất của họ. Miền Bắc có thể đi tới đích mà họ muốn, nhưng còn phải mất nhiều thời gian... và thời gian đôi khi rất thuận lợi cho kẻ chiến bại....
Chú Thích:
(1) Chỉ vài tuần lễ sau đó, tướng Minh được bí mật chuyển ra Hà Nội bằng phi cơ. Ở đó ông được các nhân vật lãnh đạo cộng sản trong Chánh Trị Bộ thẩm vấn trong suốt 10 ngày về " tiến trình mưu toan với thực dân Pháp để cướp chánh quyền chống lại quyền lợi của cách mạng ". Khi được đưa trở lại Sài Gòn tướng Minh bị "quản chế tại gia", mỗi ngày có một cán bộ của đảng cộng sản đến nhà để "cải tạo" ông"
(2) tướng Võ nguyên Giáp bị mắc một chứng bịnh nan y (không chữa được) và phải nằm ở một bệnh viện bên Mạc tư Khoa một thời gian dài.
(3) )(lời bàn của dịch giả: mảnh giấy nầy không cháy mà vẫn còn nằm trong tay người tự thiêu để cho Ban Quân Quản lấy được thì đó là cả một "phép lạ" của xã hội chủ nghĩa!)
(4) đó là đại tướng Vanuxem.