rước khi đi du lịch, Aurel Popesco ghé lại bộ chỉ huy các lực lượng Đại Tây Dương ký vài bản tường trình cuối cùng, nói vài câu chuyện với Zaig Burian sắp thay thế hắn. Milan Paternik đang chờ hắn ở ngoài xe. Tuy cùng đi chung, họ không hề nói chuyện với nhau trong suốt đoạn đường xuyên qua thành thị, làng mạc bị tàn phá ồ Wurtemberg. Sau cái chết của bà mẹ, Milan Paternik bị ông bố đày đi xa, rồi bị người Đức bắt giữ, ở tù với Aurel Popesco, cho đến cuối cuộc chiến thì được trả tự do vào ngày Chiến thắng. Hắn ta lại là người đứng đầu trong số những nạn nhân của chế độ phát xít, cũng như trường hợp của Aurel Popesco. Rồi cũng như Popesco, hắn được bổ làm cố vấn chính trị cho bộ chỉ huy Hoa Kỳ. Bây giờ, Milan được nghỉ hè một tháng và muốn đi cùng với Popesco đến Ý Đại Lợi để tỉnh dưỡng. Popesco hỏi: - Tại sao anh lại nhất định đi ngang qua Trieste? Trieste là thành phố buồn nhất của Âu Châu, buồn hơn cả Bá Linh, hay Vienne. Vienne và Bá Linh là hai nơi được bốn cường quốc trấn giữ. Trong lúc Trieste, chưa kể lực lượng chiếm đóng, còn có thêm cả quyền hành của chính phủ Ý Đại Lợi và những người Slaves. Đúng là một thành phố nghẹt thở vì có đến sáu lực lượng cảnh sát kiểm soát, chúng mình nên tránh Trieste là hơn. Đến La Mã có phải là anh vui vẻ hơn không? - Không, nhất định tôi phải ở vài ngày tại Trieste. Anh cho tôi xuống đó, rồi anh tiếp tục đi. Popesco làm quen với Paternik ở Buchenwald. Hắn thừa biết là Paternik đã loại trừ tám trăm ngàn người Do Thái ở xứ người Slaves miền Nam, đúng là con người không biết đến tình cảm là gì. Nhưng Paternik đã lên tiếng: - Tổ quốc là một cái gì người ta không thể nguôi thương nhớ được. Tôi muốn đến Trieste để đặt chân lên đất của quê hương, dù chỉ là chấm bằng đầu ngón chân, để thưởng thức không khí, gió mát, mùi hương của quê cha. Không có thứ văn hóa nào có thể làm anh quên được tổ quốc, cũng như người ta không thể nào tách rời khỏi cơ thể của chính mình. Tổ quốc như là một phần nối dài của cơ thể mỗi người. Tiếng gọi của quê hương tha thiết đối với kẻ bị lưu đày như là sự khao khát tình yêu của những ẩn sĩ mỗi đêm hè. Đó là thứ tình cảm ở trong tận cùng máu huyết và thỉnh thoảng lại xuất đầu lộ diện. Lòng yêu quê hương cũng thế. Tất cả lục địa của thế giới không thể nào làm tôi quên được tiếng hát của Loreley ở mảnh đất quê hương, tiếng mời gọi vào một lúc nào đó anh không ngờ được. Anh có bao giờ cảm thấy như thế không nhỉ? Nhưng anh muốn làm gì ở Trieste? Nhìn qua các hàng rào kẽm gai tốp lính gác của xứ anh thôi sao? - Thế thôi. Tôi sẽ sung sướng nhìn lại đất nhà, thế là đủ. Tôi đang nhớ nhà, nhớ quê hương. Có ngày anh cũng như thế. Điều đó sẽ đến với tất cả mọi người không trừ một ai cả. Suốt đoạn đường còn lại, họ chỉ bàn đến hai chữ tổ quốc. Đến Trieste, trong lúc Popesco ở nhà hàng, Paternik một mình thơ thẩn đến khu phía Đông thành phố, về phía biên giới của quốc gia hắn. Hắn phải trình giấy chứng nhận công chức Lực lượng Đại Tây Dương cho các toán tuần tiểu Anh, Mỹ, Ý và Slaves. Hắn dừng lại ở hàng rào kẽm gai chia đôi mảnh đất quốc tế Trieste và quê hương của hắn, xứ Slaves miền Nam, rồi buồn rầu nhìn qua bên kia. Paternik sinh ra trong cảnh lưu đày, chỉ ở trong nước mình có vài năm thôi. Nhưng mảnh đất quê hương thu hút hắn như một thỏi nam châm vĩ đại. Hắn không hiểu nổi những tình cảm trong hắn lúc bấy giờ, cũng như không ai giải nghĩa được tình yêu. Chỉ hình như là Milan đang thích nghe nói bằng tiếng mẹ đẻ, nhìn những ngôi nhà trắng ở bên kia hàng rào kẽm gai. Chỉ nhìn thế thôi, mà máu đã ran lên trong người, mắt đã mở rộng, tim đã đập nhanh như khi người ta tiến đến gần người yêu. Hắn cởi găng tay cho vào túi. Và hắn đã bị lộ. Lính gác người Anh cũng như lính gác người Slaves đã dùng ống nhòm theo dõi hắn dù Paternik chưa vượt quá mức đất cấm, hắn chỉ là một du khách như bao người khác. Có tiếng chuông reo ở phía trạm gác bên kia. Tiếng chuông đi ngang qua thân thể Paternik như một luồng điện. Rồi người ta nghe tiếng lính gác trả lời ở máy điện thoại. Không hiểu họ nói với nhau những gì nhưng đúng là cách phát âm của tiếng mẹ đẻ. Chỉ có một tiếng nghe được: «Uredu», có nghĩa là xong rồi. Trong tâm hồn của Paternik, tất cả đang là Uredu, xong rồi. Hắn nhìn khung cảnh quê nhà bằng đôi mắt mở lớn, đôi môi, lỗ mũi mở rộng để đón nhận mùi thơm của khu đất vùng biên giới không người qua lại, tai để yên cho tiếng mẹ đẻ vang lên bên trong. Và hắn muốn đứng đấy mãi mãi. Người lính Slaves ở trước mặt nhìn hắn chăm chăm, súng tiểu liên cầm tay. Người lính đó thừa biết là khách lạ chưa dẫm chân lên mảnh đất mà hắn đang canh gác bằng súng tự động. Trong lúc Paternik thì đang muốn nuốt chửng mảnh đất bên kia hàng rào kẽm gai. Người lính đoán được điều đó, nhìn lại vào ống nhòm, người lính không hiểu tại sao khách lạ lại khoái nhìn mảnh đất nầy thế. Chỉ có hai người đang đối diện. Bên nầy là người lính với ống nhòm, súng trên tay chăm chú, nghi ngờ, bên kia là Paternik đang chiêm ngưỡng vùng đất cấm bằng tất cả thớ thịt của thân thể mình nhưng trò chơi đó nào có kéo dài được lâu. Người lính gác có cảm tưởng là người lạ đang bị thu hút bởi một cái gì đó trên đất mình đang canh gác. Bổn phận hắn là bảo vệ tổ quốc. Nên hắn nhắm súng vào người Milan Paternik để anh chàng nầy đừng có chăm chú nhìn vào đất của người Slaves. Paternik nở nụ cười thân thiện. Người lính lại xem nụ cười đó là một sự thách thức. Nên không ngần ngại hắn bấm cò. Một tràng mưa đạn xuyên qua thân thể Milan. Hắn ngả người xuống, thân thể vẫn còn đang ở bên nầy lằn ranh giới. Đáng lý cơ thể Milan ngã gục ra phía trước, và thân thể hắn đã có thể gục xuống bên kia lằn ranh, đầu và ngực đã có thể chạm vào mảnh đất quê hương và hắn đã có thể chết trên quê cha. Nhưng Milan đã ngã bằng lưng và tưới máu lên khoảng đất xa lạ của vùng do quốc tế kiểm soát trên thành phố Trieste. Và thế là hơi thở nóng bỏng, thứ hơi thở nóng bỏng nhất của cái nấc nơi một người sắp chết, đã bị đất lạ hút mất. Đôi môi khô cằn còn cố tìm đất thân yêu, nhưng chỉ gặp được một thứ đất xa lạ không phải là đất quê hương. Lệnh báo động ban hành. Ở Trieste, ngày nào cũng có đôi ba vụ va chạm biên giới như thế. Lần nầy, cảnh sát đồng minh phản đối quyết liệt, vì Paternik bị người lính Slaves bắn chết không có lý do xác đáng. - Tại hắn muốn qua bên nầy. - Ai lại dại gì trốn qua biên giới vào 11 giờ trưa. Người ta muốn lập biên bản, nhưng không rõ ràng được. Hôm qua, lính Anh đã giết một người Slaves. Lần nầy người Slaves lại giết một công dân ở vùng quốc tế kiểm soát. Nên người lính bên kia tuyên bố: - Thế là huề đấy nhé. Mạng đổi mạng, Uredu? - All right, xong rồi, nội vụ xếp lại. OK? * Một chiếc xe jeep chở Milan Paternik về nhà xác ở thành phố. Xem xét giấy tờ xong, người ta báo tin cho Popesco hay. Bộ chỉ huy Hoa Kỳ làm lễ mai táng cho Paternik vì hắn vẫn là công chức trong bộ chỉ huy. Aurel Popesco thì phải đi ngay, hắn tiếc là không thể ở lại dự lễ mai táng được, công việc hắn lúc nào cũng tính từng giờ một. Vé máy bay và các nơi hẹn đã định trước mất rồi, không thể vì một đám táng mà trễ nải được. Nhưng hắn cũng đứng tưởng niệm một lúc bên thi hài của Paternik. Đằng sau hắn, hình như đang có ai đứng đấy. Người lạ mặt chặn Popesco lại lúc hắn sắp bỏ đi và tự giới thiệu là người đại diện cho cộng đồng Do Thái ở Trieste. Người lạ mặt nói với Popesco: - Chúng tôi đã tiếp xúc với bộ chỉ huy Hoa Kỳ. Người quá cố sẽ được ăn táng theo nghi lễ trọng đại của người Do Thái chúng tôi. Hai người Do Thái nữa bước đến. Thế là có ba người đại diện muốn đưa xác chết về nghĩa trang của những người Do Thái. Aurel Popesco tái mặt lúc nghĩ đến tám trăm ngàn người Do Thái bị Paternik giết chết lúc hắn còn là giám đốc cảnh sát. Popesco muốn tránh chuyện trái cựa nầy. - Mẹ của ông bạn Paternik tôi là một người Do Thái, nhưng chính Paternik không có đạo Do Thái, tôi nghĩ thật là quá đáng nếu... - Nếu mẹ của ông ta là người Do Thái y theo giấy tờ chứng minh của ông ta, thì ông ta cũng là người Do Thái rồi. Chuyện ông ta không theo đạo Do Thái không có gì quan trọng. Biết bao nhiêu người Do Thái đã quên hết gốc Do Thái của chính mình. Bổn phận đồng đạo của chúng tôi là đưa linh hồn người chết về với danh dự đó dù họ không làm gì xứng đáng để được hưởng điều đó. Bổn phận của cộng đồng chúng tôi là thế, chúng tôi sẽ lo mọi việc cho Paternik. Aurel Popesco biệt là có nài nỉ cũng vô ích. Hắn không thể nào ngăn cản người Do Thái ở Trieste chôn Milan Paternik trong nghĩa trang của họ. Vì họ đã đọc trong giấy tờ của Paternik rằng mẹ của hắn ta là người Do Thái mất rồi, Aurel Popesco đành chấp nhận: - Vâng, các ông cứ mai táng bạn tôi theo nghi lễ Do Thái, trong nghĩa trang của các ông. Nói xong, Popesco bỏ đi mà không dám quay đầu nhìn lại. Sự kiện một kẻ giết Do Thái như Paternik bây giờ lại được người Do Thái theo sau hòm khóc lóc cho đến nghĩa trang làm cho Popesco kinh hãi. Hắn muốn trở lui và nói hết sự thật cho họ nghe. Bởi vì đa số người Do Thái ở Trieste là những người tị nạn từ xứ những người Slaves sang, là bà con của những người Do Thái bị Paternik giết chết. Bây giờ Paternik sẽ được chôn bên cạnh các nạn nhân hay bà con của nạn nhân của hắn, hắn sẽ vĩnh viễn là bạn đồng hành của chính những người hắn đã giết chết. Aurel Popesco nhớ lại trường hợp một văn sĩ người Pháp chống Do Thái sống ở nước Áo bằng một tên giả Do Thái để tránh tử hình, cũng được chôn ở nghĩa trang Do Thái như Milan Paternik. Vài tuần sau, biết được đích danh người chết không phải là Do Thái, người ta quẳng quan tài văn sĩ đó ra khỏi nghĩa trang. Có thể một đêm nào đó, quan tài Milan Paternik cũng bị quẳng ra khỏi nghĩa trang xứ Trieste.
II
Đến Palestine rồi mà Popesco vẫn còn bị ám ảnh bởi cái chết của Paternik. Hắn không thể nào tưởng tượng nổi là hiệp hội Do Thái ở Trieste lại mai táng cho Paternik đàng hoàng và người Do Thái lại theo sau quan tài mà khóc lóc. Popesco quan sát kỹ những kiến trúc theo kiểu Mỹ ở Palestine. Hắn muốn nhìn và ghi lại thật kỹ tất cả những gì có ở Palestine vì cuộc hành trình nầy là cuộc hành trình thu lượm tin tức. Hơn nữa, hẳn phải tiếp xúc với người Do Thái gốc Lỗ ma ni để còn bắt mạch thời đại xem sao. Lúc máy bay sắp hạ cánh xuống «Mảnh đất hứa hẹn», hắn thầm nghĩ: «Dân tộc Israel vẫn thường bị rủi ro». Từ ngàn xưa, dân Do Thái đã mơ ước làm bá chủ hoàn cầu. Họ đã hết sức cố gắng để thực hiện giấc mơ đó. Nhưng cứ đến lúc sắp thực hiện được đúng như lời tiên tri thì họ lại bị thất bại vì rủi ro, thế thôi. Họ đã bày ra chủ thuyết cộng sản để cùng chế ngự hoàn cầu. Họ đã làm cách mạng ở Nga và đã thành công, chỉ còn việc lan tràn để thực hiện mộng bá chủ mà thôi, nhưng đúng vào lúc họ thành lập được quốc gia cộng sản đầu tiên, họ liền bị đuổi khỏi xứ đó, mà trước hết là Trotzky. Rồi họ lại cố gắng dìu thế giới đến chỗ liên hiệp các quốc gia ở Genève, do Do Thái cầm đầu. Họ lại thất bại lần nữa. Cho đến thế chiến thứ hai, có đến sáu triệu người Do Thái bị thủ tiêu, nhưng họ vẫn thắng trận. Vì sau thế chiến, họ tạo được khu kỹ nghệ lớn nhất hoàn cầu để có thể chế ngự hoàn cầu, đó là kỹ nghệ nguyên tử ở Hiệp Chủng Quốc. Giám đốc khu kỹ nghệ đó là một người Do Thái gốc Trung Âu: David Lilienthal. Khi đã giết được nửa triệu người Nhật với một quả bom nguyên tử duy nhất, người Anh bèn nhốt họ vào những trại có kẽm gai bao quanh bên bờ Địa Trung Hải và Hồng Hải. Không thể nào giải thích nổi các vụ đó được nếu không nói là vì rủi ro. Sau cùng, người Do Thái lập quốc, nhưng muốn thế họ phải trở về quốc gia họ bằng các phương tiện bí mật, và người Anh đã biết được và tìm hết mọi cách để ngăn cản. Lúc người Anh rời Palestine để trả lại độc lập cho Do Thái, việc đầu tiên mà người Do Thái thực hiện trong quốc gia của họ là lập thành các trại tập trung, nghĩa là hễ có một người Do Thái nào đến Israel, lập tức người đó được đưa vào trong trại tập trung «Shaar Aiyyah» ngay. Tất cả biên thùy của họ đều có kẽm gai bao quanh. Bây giờ thì không còn người Thiên Chúa Giáo ở đó để mà hành hạ họ vì những lý do tôn giáo nữa, lại đến lúc họ hạnh hạ lẫn nhau vì một lý do tôn giáo». Vừa rời khỏi phi trường, Aurel Popesco gặp ngay Varlaam. Varlaam mừng rỡ: - Trời đưa anh đến đây để đưa tôi ra khỏi nơi nầy rồi đó. - Dạo này anh mập quá nhỉ? Kiếm taxi ở đâu đây anh?- Hôm nay thứ bảy, không có taxi. Thế nào tôi cũng ra khỏi đây. Nếu anh không đưa tôi rời khỏi Palestine, tôi sẽ không cho anh đi đâu hết. Vì nếu anh không làm được điều đó, không ai có thể giúp tôi được cả. Ngày hôm sau, Popesco dẫn Varlaam đến bộ nghi lễ, đó là một bộ có quyền hành nhất ở Do Thái; tất cả vấn đề trọng đại của quốc gia đều tùy thuộc quyết định của bộ nầy; nhờ tiếp xúc với bộ nầy, Popesco có dịp tìm hiểu phong tục và đời sống của tân quốc gia nầy. Tại đó, Popesco được tùy viên của bộ trưởng đón tiếp trong một căn phòng khá rộng. Varlaam tự giới thiệu: - Tôi là trung úy phi công David Ozias. Xong chàng đưa giấy tờ lên bàn, từ các nhật lệnh, huy chương đến các báo chí tuyên dương các chiến công oanh liệt của chàng trong trận đánh chống Ả Rập. Vị tùy viên lên tiếng: - Tôi rất hân hạnh được biết đến một vị anh hùng. Người anh hùng nào đã bảo vệ tổ quốc cũng được quyền hưởng mọi danh dự dành riêng cho họ. Tôi có thể giúp gì anh được? - Tôi xin Ông cấp cho một giấy xuất ngoại. - Ra khỏi đất Do Thái? Tại sao thế? - Tôi không hợp với Israel, ở đây có nhiều khác biệt quá. Ở quốc gia nầy, mọi sự đều được tổ chức trên căn bản tôn giáo. Tôi lại theo đạo khác, nên tôi cảm thấy mình đang sống bên lề xã hội. - Nhưng ai đã di cư sang Palestine phải ở lại đây trọn đời. - Mà tôi có di cư đâu. Tôi cũng không phải là người Do Thái nữa. - Anh là công dân của quốc gia Israel, lại là một công dân có tài nữa, giấy tờ chứng minh như thế rất đầy đủ. - Nhưng giấy tờ thực sự của tôi đã bị hủy. Vì điều kiện đầu tiên mà tôi tình nguyện nhập ngũ vào quân đội Do Thái là hủy các giấy tờ và khai một tên khác để đánh giặc. - Tôi rất tiếc, nhưng mà hình như tên của anh không chỉ có ý nghĩa một tên giả để đánh giặc mà thôi. - Chính vậy. Nào, nhìn kỹ tôi đi rồi hãy tin là tôi nói thật. Chúng mình đang ngồi ở bộ Nghi lễ, ngoài những luật lệ và nghi lễ của quốc gia, viên chức của bộ còn phải biết đến một thứ luật lệ to tát hơn, đó là luật lệ của Chúa, luật muôn đời. Tôi xin ông y theo luật đó mà cư xử công bình với tôi. Tôi chỉ là một người khốn khổ cần được ông giúp đỡ. Tôi không thể nào sống ở đất nầy được, thế nào tôi cũng phải đi. Tôi là một người và là một người khốn khổ. Trong kinh thánh của các ông, kinh Thora có nói: «Con người được tạo ra như một cá thể riêng biệt độc nhất, để người ta biết rằng ai đang tâm giết hại một đời sống thì sẽ bị trời phạt như là đã giết hại toàn thể thế giới loài người và ai cứu sống một đời sống, trời cũng sẽ xem như là đã cứu sống cả nhân loại». - Nhưng anh có phải là người Do Thái hay không? - Tôi không phải là người Do Thái, cha ông tôi không ai là người Do Thái cả. - Như vậy thì anh không thể nào xin xử y theo một thứ luật lệ mà anh đã trắng trợn xâm phạm. Điều thứ nhất của luật Thora bảo rằng: «Giết chết một linh hồn Do Thái, trời sẽ phạt... ai cứu rỗi một linh hồn Do Thái, trời sẽ thưởng». Anh đã thay thế chữ linh hồn Do Thái bằng «một đời sống». Đúng là anh đã vi phạm trắng trợn.III
Aurel Popesco gặp Eddy Thall đang ở trong một căn nhà nghèo nàn bằng gạch chưa tô vôi, không điện, không nước. Trong phòng chỉ có một cái giường chất đầy Valises, cái nọ chồng lên cái kia, nghĩa là người ta thừa biết nàng không bao giờ dùng đến áo quần ở bên trong nữa. Ở mảnh đất hứa hẹn nầy, nàng không cần đến những thứ xa hoa đó nữa, chỉ một bộ quần áo là đủ. Eddy Thall nói: - Tôi đang làm việc trong trang trại tập thể nầy, bởi vì xứ tôi không cần đến những nghệ sĩ già. Hiện có biết bao nhiêu là nghệ sĩ trẻ đẹp tài ba. Israel cần gì đến những người già cả chứ! Lúc đầu, tôi cũng muốn làm giáo sư trình diễn. Nhưng người ta đã bắt tôi làm việc trong trại nầy, tôi chỉ muốn tự tử. Tuy nhiên hiện nay, tôi hoàn toàn sung sướng hơn cả lúc tôi hoạt động cho kịch nghệ nữa. Aurel Popesco biết là có thời Eddy Thall đã xin trở về Lỗ ma ni. Hắn muốn hỏi xem lại sự thật thế nào thì được Eddy Thall trả lời là: «Chỉ mấy tuần đầu lúc mới đặt chân lên Israel tôi hoàn toàn thất vọng nên mới có ý nghĩa như thế. Lúc đó, mọi sự hoàn toàn xa lạ, nghèo nàn và kham khổ đối với tôi quá, đến độ thần kinh tôi căng thẳng nên tôi đã xin tòa lãnh sự Lỗ ma ni ở Tel Aviv cấp cho giấy tờ trở về Lỗ ma ni. Người ta trả lời là tôi không thể trở về đó được nữa vì tôi đã bạc đãi vị nữ anh hùng Tinka Neva khi bà ta còn là kẻ giúp việc trong nhà tôi. Vả lại, họ có lý do để từ chối bởi vì tôi không bao giờ theo họ cả. Chuyện xin trở về đó chỉ là vào một lúc tuyệt vọng nhất thời mà thôi». Eddy Thall cười to. Nàng mập ra, chân hơi phù, nàng nói thêm trong lúc Popesco tò mò nhìn đôi chân sưng húp của nàng: - Hiện giờ tôi không còn ý nghĩ trở về Lỗ ma ni nữa. Mà tại sao lại phải từ giả xứ Do Thái nầy. À, chân tôi vì khí hậu nầy mà sưng lên đó. Khí hậu hơi khó chịu đối với tôi nhất là từ khi tôi bị đau ở Oural, nhưng tôi đã quen dần rồi. Nếu không có chuyện phù chân nầy thì tôi hoàn toàn hài lòng ở trên mảnh đất nầy. Eddy Thall ngồi ở trên Valises và đang nói đó là một Eddy Thall xa lạ, hoàn toàn không phải Eddy Thall của sa mạc, của miền núi Oural, của Varsovie hay của Stuttgart. Aurel Popesco gợi ý: - Tôi có cảm tưởng là các luật lệ tôn giáo làm cho đời sống ở đây nghẹt thở. Một quốc gia văn minh không thể nào bị các giáo sĩ điều khiển được. Một quốc gia đang có một hệ thống thủy lộ, một trung tâm điện lực, vô số thiết lộ và tàu bè không thể nào cho phép mọi công dân chắp tay trước ngực đọc kinh mỗi ngày thứ bảy như là luật lệ tôn giáo đòi hỏi được. Chỉ được như thế nếu dân tộc Do Thái hoàn toàn là một dân tộc giáo sĩ. Lúc mà họ đã trở thành công dân của một quốc gia văn minh, họ phải từ bỏ những tục lệ tôn giáo cũ kỹ không thể nào thích hợp với đời sống hiện đại được nữa. Eddy Thall phản đối ngay: - Không, hành đạo theo đúng từng câu kinh vô lý thật đó, nhưng mà đáng kính; lúc đầu, tôi cũng nghĩ là vô lý nếu người ta bảo rằng không được vắt sữa bò vào ngày thứ bảy vì tôn giáo cấm điều đó. Nhưng bây giờ tôi đã thấy điều đó hợp lý. Tai hại là tôn giáo không đủ sức để buộc người ta theo đúng mọi điểm khác. Vì tôn giáo đã cứu rỗi dân tộc Do Thái từ ngàn năm nay. Luật lệ của tôn giáo đó khó khăn thật, đó là luật lệ đầy đọa, nhưng lại rất ích lợi. - Nhưng bây giờ đã hết cảnh đày đọa đó rồi, tại sao lại áp đúng luật lệ lưu đày cho những kẻ đã có một tổ quốc. - Dân tộc Do Thái luôn luôn bị lưu đày dù đã có một tổ quốc. Chỉ chừng hai triệu người Do Thái trở về Palestine, nhưng con chừng mười triệu người còn lang thang. Làm sao ông có thể bảo là đã hết cảnh lưu đày? Chúng tôi sẽ thay đổi luật lệ quốc gia nầy lúc mà mười triệu người Do Thái đó không còn bị lưu đày đây đó nữa. Nhưng chưa phải là bây giờ, ông là kẻ ở ngoài, ông dễ dàng chỉ trích quá. Nhưng tôi là công dân ở đây tôi bảo là đời sống ở tổ quốc của tôi rất đẹp. Hoàn toàn đẹp và tôi đang sung sướng. Aurel Popesco muốn biết thử Eddy Thall có nói dối hay không, nhưng không có cách nào được cả. Eddy nói tiếp: - Như tất cả các nghệ sĩ khác, tôi phải ngâm thơ cho ông nghe, nhưng lần nầy không là thơ mà là một đoạn văn: «Không phải là một quốc gia phì nhiêu ngọt bùi mà Ngài đã mang chúng tôi đến, không phải là những cánh đồng bát ngát nho tươi mà Ngài ban cho chúng tôi...» Vâng, tôi biết rằng mảnh đất hứa hẹn nầy không phải là đất mà là đá sỏi. Người ta đã hứa với chúng tôi là sẽ có đất đai phì nhiêu, nhưng người ta chỉ đem lại cho tôi toàn là đá, tuy nhiên ở đây tôi đã sung sướng. - Như vậy cô đã hài lòng trong tổ quốc của cô? Eddy Thall chua chát: - Ông có biết tổ quốc của người đàn bà ở đâu không, thưa ông? Tổ quốc của người đàn bà là thời son trẻ, bởi vì chỉ vào thời đó người đàn bà mới thực sung sướng. Tôi đã mất tổ quốc nghĩa là mất thời vàng son từ lâu rồi và tôi sẽ không bao giờ tìm thấy lại được nữa. Người đàn ông hay cả một dân tộc có thể quay về với tổ quốc bởi vì đó là một cái gì cụ thể. Trong khi tổ quốc của người đàn bà là một lứa tuổi. Tôi vĩnh viễn mất thời son trẻ rồi, tôi đã là một người vô tổ quốc, một «heimatlos» rồi. Ích gì đi kiếm lại một vật không bao giờ thấy lại. Tôi sẽ ở lại đây và chết trong sự lưu đày, bởi vì tuổi già là một sự lưu đày đối với người đàn bà. Ông hiểu chứ? Mọi người đàn bà đều phải bị đày đọa lúc tuổi già đến. Lúc mà tuổi trẻ đã qua đi, thì chỉ còn vui với tuổi già đầy đọa, dù cho tôi ở đâu cũng được, Lỗ ma ni, Hoa Kỳ hay Sô Viết, nào có quan hệ gì bởi vì bây giờ quốc gia không có tên nữa mà chỉ là những cộng đồng nên dù ở đâu chăng nữa tôi cũng là một kẻ lưu đày, chỉ còn lại một ít niềm vui đọa đày, thứ niềm vui lúc đắng lúc chua, chưa bao giờ dịu ngọt nhưng dù sao cũng là niềm vui. Tôi bắt đầu thích súc vật, công việc đồng áng làm tôi dễ chịu. Tôi tự an ủi với lũ súc vật chung quanh. Ông biết bài thơ của Walt Wittman chứ: «Tôi nghĩ là tôi có thể thay đổi cuộc sống để trở về sống với súc vật. Chúng vừa hòa nhã vừa cương quyết Tôi đứng đó và nhìn chúng thật lâu Thân phận chúng không làm chúng than thởChúng không trở dậy trong đêm khuya để ân hận về tội ác Hay chúng không mất công cãi vả về bổn phận với Chúa trời Không con nào bất mãn, không con nào điên rồ tìm quyền tư hữu Không con nào phản đối con nào, hay phản đối đồng loại sống trước chúng hàng ngàn năm Không con nào đáng kính mà cũng không con nào đau khổ trên thế gian nầy.»Aurel Popesco từ giã: - Tôi hy vọng là cô sẽ viết thư cho tôi. Nếu một ngày nào đó, cô nghĩ là tôi có thể giúp đỡ gì cô được thì cô hãy biên thư cho tôi. - Không, Eddy Thall trả lời, tại sao phải viết thư cho ông nhỉ? Tôi không viết thư cho ai nữa cả. Không bao giờ nữa cả.IV
Cũng giống như Sô Viết đã tạo ra huyền thoại người hùng Tinka Neva, người Mỹ cũng muốn biến Anatole Barsov thành một người hùng vì không chịu sự hành hạ của chế độ Sô Viết nên đã lái máy bay sang tị nạn ở Hoa Kỳ. Chỉ khác là Anatole Barsov không muốn thành anh hùng, hay là có muốn chăng nữa anh ta cũng không thể làm được. Barsov ở Mỹ được một năm, và mỗi ngày một thấy khó chịu. Hắn đến tìm Igor Poltarev. Tuy là bạn, cả hai không ở chung và ít khi đi chơi chung. Công việc của Poltarev phát đạt nên Poltarev đã giàu có, nhờ hắn viết lách cho báo chí nhiều. Barsov làm công cho một hãng đồ hộp nhưng sau đó bị đuổi. Lại thất nghiệp, lại ốm o thiểu não. Gặp Poltarev, Barsov bảo: - Tao muốn trở về nước, tao gặp mầy để tỏ ý định đó. Poltarev phải dằn lòng lắm mới không nắm vai Barsov tống ra ngoài đường. Barsov năn nỉ: - Tao xin mầy cho mượn thêm một ít tiền nữa, tao không có nhà ở đã hai ngày rồi bây giờ nhọc quá sức. - Mày bảo là mầy muốn về Nga Sô. Staline sẽ cho mầy tiền, tại sao mầy lại kiếm tao làm gì?Poltarev nắm vai Barsov đuổi ra ngoài:- Nếu mầy không về với Staline của mầy thì tao báo trước là tao sẽ nhờ người Mỹ tống mầy về, đồ thứ phản bội hai mặt. Barsov đành trở ra đường, đến lại hãng làm việc cũ, vì ở đó hắn có quen một người Mỹ cộng sản đã nhiều lần khuyên hắn nên trở về với Nga Sô. Người Mỹ tên là Ballin, Barsov hỏi: - Tôi muốn trở về nước, làm sao đây? - Anh yên tâm, lát nữa hết giờ làm việc tôi sẽ dẫn anh đến tòa lãnh sự Sô Viết. Họ sẽ cấp giấy tờ cho anh đi là xong chứ gì. Chiều lại Barsov theo Ballin đến tòa lãnh sự nạp đơn xin hồi hương, xong xuôi, Ballin bảo: - Mai anh đợi tôi trước hãng, chúng ta đến tòa lại một lần nữa sẽ có giấy tờ ngay. Barsov than hết tiền và không có chỗ ngủ, Ballin cho tiền ngay dù không nhiều lắm. Barsov lại vào quán nước. Hắn hơi mệt và muốn uống một ít bia. Hai người còn trẻ đến ngồi bên cạnh hắn. Hắn có cảm tưởng là đang bị theo dõi, nên uống thật nhanh và ra ngoài. Hắn không có tiền để thuê khách sạn nhưng hắn biết một chỗ người ta cho thuê ghế ngủ từng giờ một. Barsov thuê hai giờ liền. Theo thói quen, hắn trả tiền trước và đứa bé con sửa soạn ghế ngủ cho hắn. Nhiều người thuê ghế ngủ như thế nhưng hơi đắt. Barsov ngủ ngay và ngủ rất mê đến nỗi không biết giờ đã hết nên bị thằng bé cho thuê ghế đá một đá nên thân. Barsov lại đi vào một quán rượu vì hắn nghĩ là chỉ cần qua đêm nay thôi, ngày mai hắn đến tòa lãnh sự và có thể chấm dứt cuộc sống lang thang nầy. Trong quán rượu, Barsov lại gặp hai thanh niên hồi nãy. Chẳng nói chẳng rằng một trong hai người đấm một cú vào sườn Barsov làm Barsov thối lui và hắn tiếp tục đấm Barsov cho đến khi Barsov ngã quỵ. Hỗn loạn trong quán rượu, ly tách bể loảng xoảng. Barsov không muốn lôi thôi, hắn định đứng dậy chạy đi nơi khác nhưng lại bị đánh thêm. Barsov ngạc nhiên: - Các ông muốn gì tôi? Nào tôi có làm gì đâu? Nhưng hắn vẫn tiếp tục bị đá cho đến lúc cảnh sát đến. Mọi người trong quán rượu đều bị bắt. Barsov không hiểu tại sao lại xảy ra chuyện như thế, mình mẩy hắn đầy máu, áo quần rách tơi tả. Người ta giam hắn trong một xà lim riêng biệt. Mệt quá, hắn ngủ thiếp đi. Trong thâm tâm, hắn không sợ bị bắt, nhưng sợ lỗi hẹn với Ballin ngày mai. Ngày hôm sau, Barsov được gọi lên thẩm vấn. Bốn cảnh sát hỏi han đủ thứ và hắn trả lời rất thành thật. - Anh làm gì suốt ngày hôm qua? - Tôi đến nhà người bạn đã cùng tôi trốn khỏi Nga Sô, người bạn tên là Poltarev. Cảnh binh nhìn nhau cười đắc thắng, biết là Anatole Barsov đã không nói dối tí nào. - Anh đã nói gì với người bạn anh? - Tôi nói với hắn là tôi muốn trở về Nga Sô (Barsov nói ngô nghê như con nít). Igor đã đánh và đuổi tôi ra đường. - Và sau đó anh làm gì? - Giận quá tôi trở về hãng làm việc. Tôi xin việc làm nhưng bị từ chối. Tôi cầu cứu người bạn cùng phòng với tôi hồi trước tên là Ballin, nói thật với anh ta là tôi muốn trở về nước, bởi vì anh ta đã nhiều lần khuyên tôi nên làm thế. Ngoài ra tôi không nói thêm gì khác nữa. Chúng tôi cùng đến tòa lãnh sự Sô Viết, tôi đã đệ đơn xin hồi hương; mượn tiền Ballin, ngủ hai giờ trong quán cà phê, vì không đủ tiền để thuê phòng ngủ, nên tôi chỉ thuê một ghế hai tiếng đồng hồ thôi. Một cảnh sát viên hỏi: - Anh thuê một chỗ ngủ hả? Đồng bạn anh ta giải thích cho anh ta biết là ở Nữu Ước có những chỗ mà người nghèo không đủ tiền thuê phòng, chỉ thuê ghế ngủ từng giờ trong quán cà phê. Barsov khai tiếp: - Sau hai giờ ngủ, tôi lại lang thang ngoài đường phố và sau đó vào một quán rượu. Hai người lạ lấn tôi và đánh tôi cho đến lúc cảnh sát đến. Người ta mang tôi lại đây, câu chuyện chỉ có thế thôi. Cảnh sát bực quá. Tất cả những gì Barsov kể lại đều thật cả, đều phù hợp với bản tường trình của nhân viên đã theo dõi Barsov ở sứ quán Nga ra về, phù hợp với lời khai cả Poltarev và của nhân viên có phận sự ngụy tạo sự hỗn loạn ở quán rượu để bắt Barsov. Nghĩa là Barsov không hề dấu giếm một điều gì cả. Một cảnh binh hỏi: - Ông muốn trở về Nga thật không? - Vâng, tôi muốn trở về Nga lắm. Một viên chức mang đến một tờ giấy và một cuốn sổ tay. Anatole Barsov nhận ra cuốn sổ tay của hắn ghi các công việc hàng ngày, cuốn sổ tay đó cũng như tất cả đồ đạc của hắn đã phải để lại khách sạn vì không đủ tiền trả tiền phòng. Trên mảnh giấy đã có một bản dịch ra tiếng Anh tất cả những gì Barsov viết trong cuốn sách đó. Cảnh sát đọc và có vẻ bất bình: - Từ hồi nào anh có ý định trở về nước? - Lâu lắm rồi, ngay từ những ngày đầu tiên tôi bước chân lên đất Hoa Kỳ. Nhưng tôi không có can đảm để thực hiện đó thôi. Bây giờ tôi không chịu được nữa, tôi phải về. - Anh có biết là nếu anh trở về nước, Staline sẽ giết anh ngay không? - Vâng, tôi biết, giết vì phản bội. Tại nước tôi, phản bội sẽ bị án tử hình. - Và anh muốn trở về để bị xử tử? - Tôi hy vọng là tội của tôi chỉ bị kết án khổ sai mà thôi, mười hay hai mươi năm. Điều tôi đã làm có tội nặng lắm, nhưng khi đã đền tội như thế rồi, tôi sẽ trở về hàng ngũ của những người công dân lương thiện. - Tại sao anh trốn khỏi Nga Sô trong khi anh chấp nhận chế độ đó? Barsov ngần ngừ, kỷ niệm ra đi làm hắn bực bội: - Trả lời đi chứ. Tại sao anh bỏ Nga Sô ra đi?- Đó là câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho mình từ lúc tôi đặt chân đến đây. Tôi đã điên đầu vì tôi không hiểu rõ tại sao như thế. Cảnh sát đọc lại nhật ký của Barsov. «Mỗi đêm mình điên đầu lên để tìm hiểu những nguyên nhân chính đáng của cuộc trốn thoát. Càng nghĩ mình càng thấy những lý do ra đi như sau: 1) Không hài lòng bà vợ. 2) Bất bình với cấp chỉ huy không đoàn. 3) Nhiều nợ nần quá không trả được. 4) Ảnh hưởng của Igor Poltarev. Và mình tưởng là mình có óc phiêu lưu. Hình như đó là những lý do đã làm cho mình phản bội tổ quốc.» - Về phương diện chính trị, anh có đồng ý với chế độ Sô Viết không? - Tôi chưa bao giờ tự hỏi là chế độ Sô Viết tốt hay xấu. Thế mà lúc tôi đến đây mọi người đều hỏi tôi câu đó. Tôi nghĩ là chế độ Sô Viết cũng như bao nhiêu chế độ khác vừa tốt vừa xấu. Thế anh không bao giờ bị khủng bố hay là cảm thấy khó chịu vì ách độc tài?- Tôi không thấy khó chịu về sự độc tài nào cả trong xứ sở của tôi. Barsov nhìn đôi mắt viên thông ngôn, hắn cố hiểu và không bỏ qua một chữ nào, vì hắn muốn trả lời thành thật và thẳng thắn. Hắn không cần dấu điều gì cả. - Chế độ dân chủ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không làm anh hài lòng? Barsov ngần ngừ: - Trả lời đi chứ. Anh không thấy dễ thở dưới một chế độ tự do dân chủ hay sao?Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ nhất thế giới, thứ dân chủ hoàn thiện nhất. Thế mà anh không thấy dễ chịu với chế độ hay sao? Barsov nắm chặt tay, cảnh sát dục: - Trả lời đi. Anh có hài lòng hay không đối với chế độ tự do? - Không. Tôi không cảm thấy dễ chịu dưới chế độ dân chủ. - Thế anh thích chế độ Sô Viết hơn. - Vâng. Tôi thích hơn. Bốn người cảnh sát nhìn nhau, cùng có chung một ý nghĩ: Anatole Barsov đang bị thất vọng và cần phải vào bệnh viện thần kinh để điều trị trong trường hợp Barsov nói thật. Vì nếu đã bị khủng bố dưới chế độ Sô Viết, thế nào Barsov cũng bị khủng hoảng thần kinh. Họ hỏi tiếp: - Anh đã nghĩ kỹ trước khi trả lời chưa hay đó chỉ là một quyết định chốc lát vì khổ sở, đói khát và mệt mỏi? - Không, tôi suy nghĩ kỹ lắm rồi. Ngay từ đầu, tôi biết là tôi phạm một lỗi lầm. Đúng là tôi đã bị mệt mỏi, đói khát, tuyệt vọng nhưng những gì tôi đã nói đều đã được suy nghĩ chín chắn. Tôi thích chế độ của tổ quốc tôi, và tôi không thể sống ở Hoa Kỳ. Cảnh sát cười. Barsov tưởng là họ chế nhạo hắn vì cho là hắn nói dối. - Anh không thích Hoa Kỳ là vì ở đây không có trại tập trung? Vì thế mà anh chán chúng tôi ư? Vì ở Sô Viết có trại tập trung mà anh thích trở về? - Không, không phải vì thế. Ngay cả nếu tôi có hàng triệu bạc, tôi cũng không thể nào sống ở Hoa Kỳ được. - Anh là người độc nhất trên vũ trụ nầy nói thế. - Không, tất cả bạn bè tôi đều nghĩ và hành động như tôi nếu họ ở vào hoàn cảnh của tôi. - Anh muốn tuyên truyền cho cộng sản. - Không, tôi mong các ông tha cho. - Chúng tôi sẽ tha cho anh nếu anh thú nhận tại sao anh không thích sống ở Hoa Kỳ và tại sao anh thích Sô Viết hơn Hoa Kỳ, vì thế nào anh cũng có một lý thuyết hay ho chứ. - Tôi không có lý thuyết gì cả. Tôi không biết làm chính trị hay làm lý thuyết gia. Tôi biết và thấy rõ là ở Hoa Kỳ con người ăn sung mặc sướng, lương tiền cao hơn, xe cộ đẹp hơn, nhưng tôi không thích, tôi khoái Sô Viết hơn. - Nhưng anh vẫn chưa nói tại sao anh thích Sô Viết, trong lúc mà ở bên đó người ta sống chật vật hơn, làm việc nhiều mà kiếm tiền ít. - Ở nước chúng tôi, con người không cô đơn. Ở đây, tôi cô đơn như ở giữa một bầy chó sói. Ở Nga, mọi người đều có việc làm. Ở đây, không ai giúp đỡ ai cả. Ở Nga Sô, có trật tự xã hội và tình đồng đội. Tôi sẽ đem ví dụ cha tôi cho các ông nghe. Cha tôi làm nghề đánh cá. Một hôm sau một trận bão ở biển Đen, ghe cha tôi chìm và dụng cụ mất hết. Ba ngày sau cha tôi được chính phủ cấp cho một chiếc ghe khác với đầy đủ dụng cụ cần thiết. Thế là cha tôi tiếp tục làm ăn. Ở Hoa Kỳ, nếu ghe cha tôi bị chìm, cha tôi sẽ chết đói. Ví như tôi đây, nếu ở Nga Sô, tôi đã có việc làm từ lâu. Chính Phủ sẽ cấp cho tôi việc làm ngay. Ở đây, tôi lang thang như một con chó và chẳng ai thèm đếm xỉa đến tôi cả. - Nhưng mà anh được tự do đi lang thang. - Không, tôi không muốn tự do lang thang. Các ông muốn tôi làm gì với thứ tự do đó cơ chứ? - Chế độ dân chủ đem lại tự do cho mỗi người. Thứ tự do lợi hay hại là tùy ở chính cá nhân mỗi người xử dụng nó. Bởi vì với tự do đó, người nầy trở thành tổng thống, người kia trở thành kẻ sát nhân. Với thứ tự do đó ông bạn Poltarev của anh đã viết sách viết báo, cũng với thứ tự do đó anh muốn trở về Nga Sô để bị đày đi Sibérie hay trong một hầm mỏ trọn đời. Nhờ tự do, mỗi người làm những gì mình thích. Đó là thứ công bình xã hội to tát nhất trên trái đất: Nghĩa là mỗi người được tự do để chọn điều gì hợp ý, điều gì mà họ cho là đáng yêu nhất. Và chính vì lý do đó mà chúng tôi tôn trọng quan điểm của anh: Bỏ đi để bị tù chung thân hay bị tử hình. Anh có thể dùng tự do đó để làm việc gì khác hơn là tự ý vào tù. Anh có thể trở thành phi công hay kỹ sư, giám đốc ngân hàng hay là quân nhân. Anh đã được tự do và anh đã chọn lựa sự tù tội. Chúng tôi để cho anh đi. Nhưng bổn phận của chúng tôi trước hết là gởi anh đến một nhà phân tâm học để xem anh có bình thường không. Nếu anh bị bệnh, chúng tôi sẽ săn sóc anh. Chúng tôi sẽ để anh quyết định sau khi đã điều trị bệnh tình cho anh xong. Barsov hơi xiêu lòng. Điều mà người ta vừa nói có vẻ hợp lý đối với hắn. Người cảnh sát hỏi thêm: - Bây giờ anh có cần thêm gì vào lời khai ban đầu không? - Tôi không thêm gì nữa cả. Tôi lập lại là tôi trốn khỏi Nga Sô không phải vì những lý do chính trị, mà toàn là vì những lý do cá nhân. Nhất là vì tôi không đồng ý với vợ tôi. Cho nên nếu tôi trở về Nga Sô lại thì cũng chỉ vì những lý do cá nhân chứ không phải vì những lý do chính trị. Tôi phải về vì tôi nhớ quê hương. Tha thiết muốn thấy lại tổ quốc của tôi. Đó là lý do thật sự. Với lại, tôi không thể sống chung với những người xa lạ, tôi muốn ở tù nhưng ở tù chung với đồng bào tôi, các ông hiểu chưa? - Dù sao lúc nầy anh cũng phải ở lại đây đã, để chúng tôi bổ túc biên bản.