Giai Thoại 26
LOẠN DƯƠNG TAM KHA

     ương Tam Kha là con của Dương Đình Nghệ. Có sách nói Dương Tam Kha là anh, nhưng cũng có sách nói Dương Tam Kha là em vợ của Ngô Quyền. Lí lịch Dương Tam Kha còn có nhiều chỗ chưa rõ, nhưng loạn Dương Tam Kha thì ai cũng tỏ tường. Chuyện chẳng hay này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, từ tờ 21 - b đến tờ 23 - a) chép lại như sau:
“Trước, Tiền Ngô vương (chỉ Ngô Quyền - NKT) bị bệnh nặng nên có lời di chúc, giao cho (Dương) Tam Kha việc giúp rập con mình nối ngôi. Đến khi Vương (chỉ Ngô Quyền - NKT) mất, (Dương) Tam Kha cướp ngôi con trưởng của Vương là Ngô Xương Ngập. Ngô xương Ngập sợ, chạy lánh về Nam Sách Giang (vùng đất nay thuộc hai huyện Chí Linh và Nam Sách của tỉnh Hải Dương - NKT), trú ngụ trong nhà của Phạm Lệnh Công, người ở Trà Hương. (Chỗ này hơi tối nghĩa, vì Trà Hương thuộc vùng Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày nay - NKT). Dương Tam Kha bèn nhận con thứ của Vương là (Ngô) Xương Văn làm con mình. Những người con khác của Vương như Nam Hưng và Càn Hưng thì còn bé nên đều theo về ở với Quốc Mẫu (chỉ vợ Ngô Quyền, con gái của Dương Đình Nghệ - NKT). ít lâu sau, Dương Tam Kha sai các tướng là Dương Cát Lợi và Đỗ cảnh Thạc đem quân đến nhà (Phạm) Lệnh Công đòi bắt (Ngô) Xương Ngập, nhưng cả ba lần đi đều về không. Phạm Lệnh Công lo sợ, bèn đem Ngô Xương Ngập giấu vào trong động núi. Dương Tam Kha hay tin, lại đến đòi bắt như trước nhưng không được”.
...“(Năm 950), Dương Tam Kha sai (Ngô) Xương Văn cùng hai tướng họ Dương (chỉ Dương Cát Lợi - NKT) và họ Đỗ (chỉ Đỗ cảnh Thạc -NKT) đem quân đi đánh hai làng là Đường và Nguyễn ở Thái Bình (vùng đất nay nằm tiếp giáp giữa Hà Tây và Vĩnh Phúc - NKT). Khi quân đến Từ Liêm, (Ngô) Xương Văn nói với hai tướng rằng:
- Đức lớn của Tiên vương ta đã thấm vào tận lòng dân, cho nên, chính lệnh ban ra, không ai là không thuận nghe theo. Nay, không may Tiên vương đã lìa bỏ quần thần, Bình Vương (đây chỉ Dương Tam Kha - NKT) làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh ta, tội thật không có gì lớn bằng. Giờ đây, Bình Vương lại sai chúng ta đi đánh hai làng vô tội. Nếu may mà thắng được thì chẳng nói làm gì, còn như họ không chịu hàng phục thì ta biết làm sao được?
Hai tướng cùng nói:
- Chúng tôi xin theo lệnh của ông.
(Ngô) Xương Văn lại nói:
- Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình vương đề khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, như thế có nên chăng?
Hai tướng cùng cho là hay, bèn quay về đánh úp Dương Tam Kha. Mọi người muốn giết Dương Tam Kha đi, nhưng (Ngô) xương Văn nói:
- Bình Vương đối với ta có ơn (chỉ việc Dương Tam Kha đã nhận Ngô Xương Văn làm con nuôi - NKT), tại sao lại nỡ giết?
Nói rồi, bèn giáng Dương Tam Kha làm Chương Dương Công, ban cho đất làm thực ấp (nay là bến Chương Dương)”.

 

Lời bàn:
Thời ấy, ngôi chí tôn là ngôi cha truyền con nối và Ngô Quyền cũng đã nói rõ quyết định truyền ngôi cho con trai trưởng của mình là Ngô Xương Ngập. Vậy thì việc làm của Dương Tam Kha, cho dẫu là vì bất cứ lí do khó nói nào đi nữa, cũng đều bị coi là trái với đại đạo ở đời. Lòng ghét bỏ Dương Tam Kha nào phải chỉ có riêng một thuở, bởi vì kẻ tranh đoạt chức quyền của người khác, xưa nay đâu dễ được ai rộng lượng dung tha. Việc làm của Dương Tam Kha, trước là hại cho thân danh, sau là nguy cho xã tắc, giận thay!
Sử gia Lê Văn Hưu đã có lời bàn về sự kiện này, nguyên văn như sau: “Đuổi con vua để tự lập làm vua, đó là tội lớn đối với nước, còn như việc nhận con của vua làm con nuôi của mình và ban cho cả thực ấp nữa, thì đây chỉ là ơn riêng đối với một nhà. (Dương Tam Kha) dám đuổi (Ngô) Xương Ngập để tranh đoạt ngôi vua, đó là bề tôi phản nghịch, theo nghĩa thì quyết không thể tha tội chết. Vậy mà, Hậu Ngô Vương (chỉ Ngô Xương Vãn, em của Ngô Xương Ngập - NKT) không trị tội, còn ban ơn riêng để nuôi dưỡng chứ không nỡ gia hình, lại ban cho cả thực ấp nữa, thế thì há chẳng phải là làm to rồi hay sao?” (Tờ 23 -a).
Đọc lời trên, hậu sinh dẫu có chỗ nghĩ khác hơn, vẫn gật gù gõ cán bút xuống bàn mà nói rằng: Chí lí thay!