Bữa ăn không ăn cũng no, nhìn nhau nhiều mà ăn ít: bữa ăn chỉ có cá khô nấu rau diếp ấy, hắn và Ngọc chưa thể nói chuyện gì với nhau được. Biết bao chuyện muốn nói. Bắt đầu từ đâu? Vả lại từ nay là sống bên nhau, còn nhiều thời gian. Không giống như mười lăm phút gặp mặt trong trại, trước sự hiện diện của ông quản giáo. Hắn chỉ kể hành trình của hắn từ trại về nhà. Hắn kể chuyện hắn ở Hà Nội hai ngày vừa qua, hắn kể chuyện buổi sáng hắn được ông Quân gọi ở lại. Hắn lấy ra bọc chè hắn mua, cái ca nhôm có cả nắp của Lỷ Xìn Cắm, bộ quần áo nâu và tút thuốc lá của anh chị Diệu. Hắn chẳng có quà gì cho lũ trẻ. Ngọc đỡ tất cả từ tay hắn. Tới bộ quần áo xám, Ngọc giũ nó ra, lật phía trước, phía sau nhìn ngắm, từ hàng chữ số viết bằng sơn cứng lại, chỗ bạc sau lưng áo, cái cổ áo ghét bẩn tới chỗ mốc lâm thâm đen ở ngực áo và hai ống quần. Nàng ấp bộ quần áo tù của chồng lên mặt, rồi cất vào tủ. Vừa lúc ấy Bình đến. Bình chạy lên thang gác, nhảy hai bậc một. Chỉ nghe tiếng chạy rầm rầm, hắn cũng biết ngay là Bình. Chẳng ai có thể đến với hắn như thế. Bình ào vào nhà và đứng sững nhìn hắn: - Từ cõi chết anh trở về chói lọi. Xem nào. Béo. Đen. Ngọc ngờ ngợ: - Anh ấy hơi sưng sưng. Em đang lo. Bình nhìn lại bạn, cảm thấy Ngọc nói đúng. Bình và hắn ôm lấy nhau. Hắn vỗ vỗ vào lưng Bình như muốn nói: Tao đã về. Tao vẫn có một thằng bạn thân thiết là mày. Tao vẫn như xưa. Hắn lại được trong vòng tay bè bạn. Bé Dương đứng lên, chạy đến, kéo áo Bình: - Bố Tuấn đấyBình xốc thằng bé lện. Anh nghiến ngấu thằng bé: - Bố Tuấn đấy hử? Bố Tuấn về với Dương, với mẹ Ngọc đây hử? Bé Dương nũng nịu: - Chú Bình làm ngựa cơNgọc mắng yêu con: - Dương, đừng nũng chú. Thương, bế em, con, để chú nói chuyện, Cái Thương bê mâm bát vào bếp, rồi trở ra đón em. Nhưng Bình đã phủ phục xuống sàn. Bé Dương đã cỡi trên lưng chú. Bình bò chầm chậm, rồi anh chồm những bước dài, lồng lên như ngựa phi. Thằng Dương vừa sợ, vừa thích. Nó túm chặt tóc Bình, cười khanh khách. Đã lâu lắm nó mới vui như vậy. Mới thấy cả nhà vui như vậy. Nó vừa cười vừa nhìn bố. Nó vẫn chưa quen có bố. Nhưng nó tin đây đúng là bố nó. Nhìn hai chú cháu nô đùa, hắn hiểu rằng trong những ngày hắn đi vắng, những ngày hắn ở Hintơn theo cách nói của những người tù, Bình vẫn sang nhà hắn, động viên vợ hắn, nô đùa với các con hắn. Đến bây giờ hắn mới biết cái tủ đứng mới đóng là kỳ công của Bình. Bình chỉ vào cái tủ: - Tác phẩm đầu tay đấy. Cái hòm xe Java 05, tủ sách của hắn, đi-văng của hắn, quan tài ba tấm dài hai tấm ngắn thiếu mất ván thiên của hắn đã biến thành cái tủ đứng sơn xanh. Bình đã thu nó lại thành bốn tấm dài, hai tấm ngắn, có chân, có cánh, mở ra mở vào được nhờ có bản lề phía ngoài bào nhẫn cẩn thận. Tủ nom hệt chiếc quan tài dựng đứng. Bình bảo: - Hết bốn ki-lô-gam đinh tất cả. Để đảm bảo mộng mẹo chắc chắn. Đóng hình quan tài nhằm mục đích lưỡng dụng vì đang B52. Rất có thể dùng vào việc khác. Hắn pha trà. Cái ấm pha trà của hắn vẫn là cái ấm ấy, có chữ “Thương binh” vắt từ vòi sang quai ấm, nhưng sao hắn vẫn thấy ngờ ngợ. Lạ lẫm. Con Thương giơ tay bế em, nhưng bé Dương không chịu, bé tót lên lòng bố. Ngọc lên cơ quan báo cáo xin phép nghỉ và đi chợ. Còn lại hắn và Bình. Lại ngồi trên cái ghế dựa này, bên cái bàn này. Một thời xa lắm rồi hai người cũng ngồi như vậy. Hắn uống trà và ngạc nhiên. Phải mãi về sau hắn mới quen cách uống trà trước kia của hắn, cách uống trà của ngoài đời. Đó là sự chênh lệch về nhiệt độ. Thứ chè bọn hắn uống nóng bỏng mồm. Cho chè vào cái ca mỏng của già Đô, đun lên sôi đều rồi rót, uống. Uống xong dồn bã từ hôm trước tới hôm sau đem ninh lại. Cái ca đầy bã chè, sôi lim rim. Hắn thấy kiểu uống chè ở nhà phí quá. Món bã đổ đi ấy, làm như bọn hắn, cho ninh lại vẫn còn được nước, uống vẫn ngon. Hắn cất bọc chè và lấy tút thuốc lá Tam Đảo ra. Hắn chưa bao giờ dám hút cả tút thuốc lá Tam Đảo một cách vô lo nghĩ như vậy. Bởi vì đấy là gần nửa tháng lương của loại cán bộ như hắn, tuy giá mậu dịch chỉ bốn đồng. Anh chị Diệu quả thật quan tâm đến hắn. Bình kể lại những điều Bình đã viết trong thư gửi lén vào cho hắn. Rất đơn giản. Thư viết bằng giấy pơ-luya, viết cả hai mặt bằng thứ chữ li ti để chứa được một lượng thông tin nhiều nhất, rồi gấp, cuộn lại cho thật nhỏ. Trong khi hắn nhận đồ tiếp tế thì đưa vào tay hắn cùng với gói vừng, gói bánh... Đã nằm trong quân số cục lao cải, người ta không ngặt nghèo lắm trong chuyện thư từ như khi còn giam cứu. Tuy nhiên cũng phải hết sức cẩn thận. Bị lộ là kỷ luật. Không được nhận một thứ gì. Bình ôn lại buổi chiều hôm trước khi hắn bị bắt. Bình sang nhà hắn dạy hắn lau xe đạp. Lau dầu cái xe thiếu nhi Liên Xô anh Chân mua hộ hắn theo giá cung cấp. Cả hai đều thực hiện đúng quy trình một ông thợ sửa xe đạp: Ngậm một điếu thuốc lá đã tắt lệch ở một bên mép và nói về cái xe đạp của một nhà nhiếp ảnh bạn họ. Xe tòng tọc “Tất cả mọi bộ phận đều kêu, trừ có cái chuông” nhưng lại kẻ trên khung cả một cái mác dài như một dòng khẩu hiệu: Alfa de luxe Tubes Peugeot. Thế là cái xe của nhà nhiếp ảnh, thứ hàng thủ công chính hiệu của mấy ông thợ gò ấy luôn được nhắc đến với đầy đủ phẩm trật dài dòng như tên một nhà quý tộc Tây Ban Nha: - Cho mình mượn cái Alfa de luxe Tubes Peugeot mình đi đằng này. - Cái Alfa de luxe Tubes Peugoet tuột xích rồi! Lau xong xe đạp, hai người quấy bột mỳ ăn. Độn tới năm mươi phần trăm bột mì. Đưa gia công bột mỳ thì hao, lại mất nhiều tiền. Đành phải ăn vậy thôi. Có mỡ thì rán, nhưng mỡ đâu lắm thế. Đành cho nước quấy nấu cháo. Vợ con Bình cũng đi sơ tán. Hai người tiện đâu ăn đấy. Cả hai đặt cho món ăn khó nuốt này một cái tên khá hay: cháo Kasa. đó là thứ cháo bọn hắn đọc trong các tiểu thuyết Nga. - Trong tù tao đọc thư mày viết về những điều ấy, mày có biết tao cảm thấy thế nào không? Tao cảm thấy tao đã bị mày xúc phạm. Bình tròn mắt không hiểu. - Tao nghĩ mày vẫn còn hài hước được nghĩa là mày không hiểu tao. Mày không biết tao sống trong hoàn cảnh khủng khiếp như thế nào. Ngừng một lát, hắn tiếp: - Bây giờ tao sung sướng vì thấy mình vẫn còn hài hước được. - Trong ấy tao không hiểu. Nhưng ở ngoài đời, mày phải hài hước. Hài hước mới sống nổi. Mà mày cũng đừng dại gì đánh mất cái khả năng quý báu ấy của mày. Hắn hóm hỉnh: - Cháo Kasa, xe Alfa de luxe Tubes Peugeot. Còn cây dương xỉ nữa. Đó cũng là một loại cây bọn hắn gặp quá nhiều trong các truyện nước ngoài. Hắn đã chỉ vào cây phượng trên đường hỏi Bình: Cây gì đây? Bình đáp đầy tự tin về kiến thức uyên bác của mình: Cây dương xỉ. Bình cười ầm lên như bắt quả tang hắn đang nghịch ngợm: - Tao vẫn nói mày là thằng có trí nhớ tốt mà. Thôi, để yên tao nói. Mày có hình dung sáng hôm sau, tao đến cơ quan như thế nào không, tổng biên tập họp cơ quan thông báo: “Tên Tuấn đã bị bắt”. Tao rụng rời chân tay. Tất cả chúng nó đều nhìn tao. - Lúc ấy khoảng mấy giờ? - Tám giờ. Lúc ấy hắn mới nghe tuyên bố bị bắt thôi, chứ chưa bị bắt. Lúc ấy đang khám nhà. Với tất cả sự thành thạo. cẩn thận, tỉ mỉ, lịch sự và tế nhị nữa. Phải đến hơn mười giờ sáng hắn mới vào xà lim 76. Hắn bị nhốt khoảng một tiếng đồng hồ thì có tiếng mở khóa cửa: Ra nhận suất cơm. Hắn nhìn suất cơm tù đầu tiên trong đời đã đặt dưới đất từ bao giờ. Một bát chậu men cơm ngô, một bát chậu men canh rau cải củ và một bô nước uống âm ấm. Cái bô han gỉ, nước trắng mà trông như nước vối. Hắn dần quen với thứ cơm để dưới đất ấy, thứ nước đựng trong bô sắt han ấy. Hắn vừa uống vừa soi gương. Cái bô han làm nước có màu sẫm, soi gương rất tốt. Râu tóc hắn cợp ra. Hắn trông thấy bóng mình mà kinh. Nhất là râu. Râu cằm, râu mép. Uống nước, nước đọng cả trên râu từng giọt. Hệt như cảnh những người tù râu ria bưng gáo nước to tướng lên miệng uống trong phim hắn đã xem. Mày bị bắt được nửa tháng, họ bắt đầu gọi tao. Bình tiếp tục kể. Bây giờ hắn mới biết người ta đã tìm tài liệu về hắn ghê gơm như thế. Bình bị gọi hỏi liên tiếp (người ta thừa biết Bình là bạn thân của hàn). Cũng với những nội dung ấy: Sáng tác của hắn. phát ngôn của hắn. Quan hệ bè bạn của hắn. Thái độ đối với các đồng chí đảng viên trong cơ quan của hắn. Họ tập trung khai thác hai bài viết của hắn: “Những tiếng động bị nhốt" và "Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng". Trong tù họ cũng đã hỏi hắn về hai sáng tác này. Hắn thất vọng nghĩ: Thật là bới lông tìm vết. Hắn đã lễ phép và chán ngán nói với ông Lan như nói với những người cố tình không chịu hiểu: - Thưa ông. Tôi bây giờ cái tóc cái tội. “Những tiếng động bị nhốt" là bài phóng sự in trong tạp chí văn nghệ của thành phố. Hắn viết về những người thợ cơ khí làm phuy xăng, phải chui vào trong phuy hàn giữa khói hàn bị nhốt và tiếng nổ bị nhốt của que hàn chảy dưới hồ quang. Hắn ca ngợi những chiến sĩ thầm lặng, bình thường trong cuộc chiến tranh giao thông vận tải. Hắn đặt cái tên ấy cho hấp dẫn. Vậy mà người ta tìm cách lái cái tên ấy sang một nội dung khác: Những tài năng bị giam hãm, những tài năng bị thui chột. Còn căn nguyên chuyện"Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng" là xức cảm của hắn khi về quê thăm con ra. Đứng ở cửa mở khóa, hắn chợt nghe thấy tiếng dế kêu trong buồng hắn. Tiếng dế cri cri, crang crang, to, vang, vui vẻ như đang ở trong tổ của nó, như nó là chủ căn buồng. Đó là tia chớp như Pauxtôpxki viết, để cơn mưa chữ của hắn xuất hiện về một chnyện trong chiến tranh. Hắn nghe dế ca và hơi phật ý về sự tự tin của dế. Con dế từ đâu đến. Nhà hắn trên gác, giữa thành phố. Làm sao dế đến được. Hắn hình dung: Bom Mỹ hất dế lên. Dế bay giữa những ngôi sao rơi, những viên đạn phòng không đỏ lừ. Dế đến căn buồng một ông thuyền trưởng đang chở hàng vào khu vực cán gáo. Những con gián chuyên sống trong bóng tối béo núc, hôi sì, xúm lại đánh dế... Dế đã sử dụng những cú đá tuyệt diệu, bắp chân khỏe mạnh, thân hình rắn như sừng của mình được tôi luyện trong sương đêm, trong nắng sớm để tự bảo vệ, dù dế nhỏ hơn. Ông Lan cười nhạt bảo Bình: - Có chuyện gì mà anh và anh Tuấn không nói với nhau. Anh Tuấn viết truyện ấy là viết xỏ xiên. Những con gián chuyên sống trong bóng tối, béo nức hôi sì là ai. Anh đừng tưởng chúng tôi không biết đâu. Và ông cũng tỏ ra không lạ gì bọn hắn: - Các anh nói với nhau: Viết thì phải lách mà! Bình vẫn một mực giữ ý kiến của mình: - Đây là một truyện hay, viết về đề tài chiến tranh. Còn những con gián cũng có thể hiểu rộng ra là những gì trái với bản chất cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống Mỹ và chống lại những gì phi xã hội chủ nghĩa. - Anh đừng bao che cho anh Tuấn. Vô ích. Vì chính anh Tuấn đã nhận với chúng tôi rồi. Những con gián ấy là ám chỉ những đảng viên ở cơ quan báo. Bình vẫn từ tốn: - Vâng. Nếu vậy thì đến bây giờ tôi mới biết cái dụng ý ấy của anh Tuấn. Bình bảo hắn: - Tao thừa biết là nó bịa, nhưng tranh luận làm gì. - Tao thì phải tranh luận. Tao không có chỗ lùi nữa. - Phía sau chúng ta là Mạc Tư Khoa- Ngồi lấy cung, tao vẫn nhìn thấy tay ấy viết. Mày có biết nó viết thế nào không? Con rế trong căn buồng ông thuyền trưởng. Tao thực sự chán ngán. Lấy cung một người viết văn mà những chữ bình thường nhất cũng viết sai chính tả. Tất cả những ai quen biết hắn đều bị gọi hỏi. Các cộng tác viên ở các cơ quan xí nghiệp, những người viết trẻ vốn yêu mến và có quan hệ với hắn. Ngoài việc viết lách là chuyện phát ngôn của hắn. Chuyện hắn kêu ca mậu dịch cửa quyền, móc ngoặc là nặng nhất. Rồi đến chuyện thái độ đối với một số đảng viên trong cơ quan. Phải nói rằng Bình đã chịu đựng rất nhiều. Mỗi khi có giấy của Sở Công an mời Bình, mọi người lại xầm xì bàn tán. Đang thì thào với nhau, thông thạo và hiểu biết về các sự kiện lớn ấy trong cơ quan, tất cả im lặng khi Bình đến. Bách, bí thư chi bộ, biên ủy báo, một đại úy chuyển ngành, trực tiếp phụ trách khối công nghiệp, nghĩa là trực tiếp phụ trách Bình và hắn, mời Bình ngồi, lặng lẽ đưa giấy mời của Sở Công an cho Bình với vẻ mặt bị xúc phạm. Bách ngồi rung đùi chờ lời phát biểu của Bình, nhưng Bình xem giấy mời xong, cho vào túi áo sơ-mi và đứng lên. Bách ngơ ngác trước thái độ kỳ lạ ấy của Bình: -Đồng chí Bình, ngồi lại tôi trao đổi. Đã gọi nhau là đồng chí tức là căng rồi đây. Bình quay lại, giọng nói giữ đúng nguyên tắc để đáp lại giọng nói của Bách: - Đồng chí bảo gì cơ ạ? - Đồng chí ngồi xuống đã. Bình ngồi lặng im, giữ cho mình vẻ khiêm tốn cần thiết. - Đồng chí có ý kiến gì về giấy gọi này? - Tôi không có ý kiến gì cả. Bách nghiêm nét mặt: - Đây là một việc gây tổn thất lớn đến uy tín của báo. Báo chúng ta là báo Đảng. Một phóng viên bị bắt. Một phóng viên khác bị công an gọi hỏi. - Tao im lặng. Biết nói với nó cái gì. Nó nói có phần đúng của nó. Nhưng tao tởm nhất là nó nói với vẻ mặt đau khổ, vẻ mặt của người bị lăng nhục. Trong khi mình bết rõ rằng nó đang sung sướng. Nó dang hả hê vì nó thấy mày và tao bị khốn nạn. Cái mà chúng mình kỵ nhất là thói đạo đức giả. ở đâu cũng có bọn ấy. Thói đạo đức giả càng tập trung ở những người đang làm hại người khác. Tao đã hiểu được điều đó. Hắn nhớ lại có lần ông Lan nói với hắn: "Chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ anh. Kéo anh ra khỏi con đường tội lỗi. Anh tương bắt anh chúng tôi vui lắm hay sao. Anh đã lầm. Chúng tôi đau đớn. Vì đó cũng là tổn thất chung. Trị bệnh cứu người. Đó là mục đích của chúng tôi ". Hắn đã hỏi lại ông Lan: Nêú vậy, sao các ông không báo động, cảnh cáo tôi ngay khi tôi có những dấu hiệu đầu tiên của sự phạm tội Có phải tôi không bị bắt không? Tôi bị bắt nghĩa là Đảng mất một cán bộ. ôi! Thật là ngây thơ. Đến mức ngây ngô nữa. Nhưng hắn thành thật. Rất thành thật. Ông Lan không trả lời. Ông chỉ cười, vẫn là nụ cười của người lớn trước câu hỏi của trẻ con, không thể giải thích được ngoài câu: “Khi nào lớn lên con, cháu, hay em sẽ hiểu ". Lúc ấy hắn trông ông rõ ràng già hơn hắn rất nhiều. Thế rồi, một hôm nghe ông Lan khoe mình đã thụ lý bao nhiêu án chung thân, án tử hình, hắn tự cười mình sao lại hỏi ông Lan câu hỏi ngây thơ ấy. Trị bệnh cứu người. Hắn đang được cứu đây. Thật không thể chịu đựng nổi. Hắn nhìn ông Lan một lần nữa, rất nhanh. Và hắn sửng sốt: ông bỗng trẻ, rất trẻ, chỉ thuộc thế hệ đàn em hắn- Bách khuyên tao: Càng gặp khó khăn càng phải tích cực công tác. Không được tiêu cực. Tiêu cực chỉ có hại cho bản thân. - Tao tin nó nói thật. Mày có biết tại sao tao hiểu nó nói thật không? - Mày có máy phát hiện nói dối à? Trong xà lim tao cũng đã đề nghị đưa máy phát hiện nói dối đến để kiểm tra lời khai của tao. - Tao biết nó nói thật vì tư dưng giọng nó trong veo. Lên cao đúng một ốc-ta. Hai người cười giàn giụa nước mắt. Đúng rồi. Bách có kiểu nói như vậy, Khi nào xúc động (thân thiết, giận dữ, vui vẻ, lo lắng...) tự nhiên Bách nói giọng nữ. Hắn bỗng nhớ ra đặc điểm ấy của người thủ trưởng trực tiếp cũ của mình. - Nó bảo: Lãnh đạo yêu cầu đồng chí phát biểu trung thực với công an về anh Tuấn. Đó là trách nhiệm công dân của đồng chí. - Nói sự thật về anh Tuấn là trách nhiệm công dân của tôi. Bình biết khi Bách nói đến trách nhiệm công dân là nói đến nhiệm vụ của mỗi công dân phải tố giác bọn phản động. Nhưng Bình nói đén trách nhiệm công dân là nói đến trách nhiệm bảo việc thực thi pháp luật mà trong trường hợp này rõ ràng có sự nhầm lẫn. - Chi bộ, biên ủy cũng sẽ có trách nhiệm của mình. Không chịu được giọng nói nước đôi ấy lâu hơn nữa, Bình đứng lên lễ phép: - Báo cáo đồng chí, tôi sẽ trung thực. Các đồng chí yên tâm. Câu chuyện giữa hai người bạn bị ngắt quãng. Lại có tiếng guốc lên thang. Anh chị Thân đến muộn vì chị Thân nằm bệnh viện. Nhưng được tin hắn về, chị vẫn xin phép bệnh viện tới gặp hắn. Chị gầy gò, cổ cứng đơ, vẹo về một bên. Chị bị thần kinh tọa. Anh Thân cười vang, nụ cười của anh bao giờ cũng quyến rũ. - Tôi đang chuẩn bị vào bệnh viện thăm bà ấy, thì cu Hiệp đến. Cứ đứng giữa nhà cười. Hỏi có việc gì cũng không nói. Tôi biết ngay: Bố về phải không? Nó vâng. Mừng quá, vội vào bệnh viện báo tin cho bà ấy. Chị Thân nói rất khó khăn, nhưng chị vẫn cố gắng nói. Giọng chị yếu ngắt ra từng tiếng: - Cả nhà chỉ có hai chú cháu đi xa. Chú đã về. Mừng quá. Còn thằng Hải nhà tôi, chẳng biết ra sao. Chẳng thấy thư từ tin tức gì. Đôi mắt chị rầu rầu nhìn hắn. Hắn biết thằng Hải đi B dài. Hắn không biết động viên chị Thân thế nào. ở đó chiến sự luôn ác liệt. Nhiều người. Rất nhiền người không trở lại. Về sau này, hắn được nghe một câu nói của bố mà hắn cho là đúng: "Cũng là cái phúc cái phận cả thôi ".