CHƯƠNG XXVI
ĐOÀN DANH TIN CÓ MẢ LÀM QUAN

Ðoàn Danh tương đối chăm chỉ học hành hơn anh nhiều. Nhưng chàng thường hay đau ốm, vì chàng sanh thiếu tháng. Có lẽ vì lý do đó mà bà Tham nâng nui, chiều chuộng chàng hơn cả trong ba người con trai. Có nhiều lúc đang vui vẻ học hành, chàng bỗng ngã bịnh đến bốn năm hôm mới khỏi. Cho nên dù có chăm chỉ, mà sức học của chàng không có gì suất sắc. Nhiều lúc chàng thấy mình đã cố gắng nhiều, nhưng vẫn không thành công như ý muốn. Do đó, chàng có cảm tưởng như có một mãnh lực gì ở ngoài đang chi phối chàng, ảnh hưởng đến chàng, khiến chàng không thể tự chủ được.
Mẹ chàng thường thuật lại cho chàng nghe khi bà có thai chàng được bảy tháng, một hôm bà đang nằm ngủ ở phía chái tây, bà nằm mơ thấy một ông già đầu tóc bạc phơ, chít một cái khăn điều, mặc áo xanh quần đỏ, chống gậy bước vào cửa. Bà chưa kịp ngồi dậy thì ông cụ già lấy gậy khẽ gõ vào chân bà, bảo bà đi chỗ khác mà nằm, vì ở đó là nơi đi về của các vị gia tiên. Bà kinh hoảng vùng dậy đi kiếm chỗ khác nằm, và vì xúc động quá, bà sanh chàng chỉ mới có 7 tháng. Do đó chàng không được mạnh khỏe như những đứa trẻ khác. Sau này bà tả lại hình dáng của ông cụ già ấy, thì bà cố của chàng bảo rằng đó là ông sơ của chàng, một vị tiên nhân rất hiển linh, của dòng họ Ðoàn và đã phò hộ cho con cháu trong họ đều được giàu sang vinh hiển, đỗ đạt làm quan.
Ðoàn Danh nghe thuật lại câu chuyện ấy, không khỏi có đôi chút tủi buồn, vì mẹ chàng khi có thai chàng, không được vị tiên nhân ấy hỏi han mà lại còn xua đuổi mẹ con chàng đi chỗ khác. Chàng thấy mình xấu số hơn những người khác trong họ vì không có diễm phúc được ông sơ săn sóc hỏi han. Cái mặc cảm lớn dần theo với tuổi tác của chàng, và chàng nghĩ rằng muốn được ân huệ của vị tiên nhân ấy thì phải săn sóc mồ mả, cúng bái linh đình cho tất cả những vị quá cố trong dòng họ. Chàng bỏ nhiều thì giờ trong công việc ấy, cho nên lại càng được bà Tham quý mến. Nói một cách bóng bẩy chàng đã quay về quá khứ để xây đắp tương lai cho mình.
Theo chàng, thì chàng muốn đổi “Bài học ngàn vàng” lại như sau: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến dòng họ, tổ tiên”. Làm mất thanh danh của dòng họ, trái với ước nguyện của tổ tiên thì thế nào cũng thất bại, chưa nói là sẽ bị âm báo. Trái lại, theo đúng truyền thống của ông cha, giữ gìn danh tiết, chăm chỉ học hành thì thế nào cũng sẽ được ông bà phò hộ, tổ tiên giúp cho được vinh hiển sang giàu.
Trước kỳ thi năm ấy, Ðoàn Danh vẫn chăm chỉ học hành, nhưng chàng bị đau ốm liên miên và hay có chứng nhức đầu. Bà Tham nghi là có ngôi mộ nào trong họ không yên. Bà cho mời các tay địa lý có tiếng đi xem lại các ngôi mộ. Người này nói ngôi mộ này bị rễ cây đâm vào phía đầu, người kia bảo ngôi mộ kia bị sụp ở phía dưới, người khác bảo ngôi mộ của vị khai canh bị mối ăn... Bà không biết tính sao, vì không lẽ cứ dời mãi các mộ. Vả lại quan Tham không tin ở các ông thầy địa lý, thường bảo rằng: “Bọn ấy kiếm chuyện để ăn tiền, chúng cứ muốn người ta dời mộ mãi để trục lợi”. Bà Tham không bằng lòng cái lối nói khinh bạc của chồng, nhưng trong thâm tâm bà cũng thấy lời ông nói có phần đúng, vì tất cả các mộ ấy đã lần lượt có dời cả rồi mà đâu có yên. Nhưng dù sao bà vẫn tin rằng thằng con thứ của mình không được ăn chơi khỏe mạnh như mấy đứa khác là có một ngôi mộ nào đó bị động, nhưng vì chưa có vị địa lý nào giỏi để khám phá ra đó thôi.
Một hôm bà mừng rỡ nghe tin ở núi Hàm Long có một thầy địa lý quái kiệt, tinh thông mạch đất như biết rõ lòng bàn tay mình. Bà lặn lội tìm đến ra mắt vị địa lý ấy và khóc lóc thảm thiết để mong cầu thầy rũ lòng thương hại, cứu giúp cho con bà ati qua nạn khỏi để tiếp tục học hành, kịp kỳ ứng thí.
Thầy không nỡ từ chối một bà quan đã hạ mình cầu khẩn thầy. Thầy dạy phải làm thịt một con gà trống để thầy xem giò. Bà vâng lời làm gà, luộc bộ giò gà hết sức chu đáo. Trước khi đưa cho thầy xem, bà đã nhìn qua để xem có gì khác không, vì bà cũng đã từng xem ít nhất vài trăm cặp giò gà, từ khi về nhà chồng trong những vụ dời mã, nên bà cũng thuộc hạng rành xem giò gà. Bà nắm từng chiếc giò ga, lần lượt lật qua lật lại, nhưng không thấy có hiện tượng gì khác, cặp giò vẫn trắng trẻo, không có những đường gân máu đen, mấy móng chân gà vẫn quặp vào một cách đều đặn tự nhiên.
Nhưng khi bà đem vào cho thầy xem, thì mới nhìn qua, thầy đã thấy ngay những điều khác lạ. Thật là tài tình! Thầy chỉ cho bà xem ở giữa hai cái móng chân bên phải, một cái chấm đen nhỏ bằng mũi kim hiện ra, chung quanh có một đường viền nho nhỏ bằng sợi chỉ màu tím bầm. Thầy suy nghĩ một hồi rồi dạy:
- Ðấy là ngôi mộ tứ đại về phía bên bà cụ, chứ không phải bên phía cụ ông. Ngôi mộ này phía trên đầu bị một vật kim khí ém sâu vào, nên con cháu hay đau đầu. Nên dời gấp. Tôi sẽ tìm một huyệt khác, về sau con cháu hai họ sẽ hoạnh phát về khoa bảng. Bà Tham mừng rỡ, rước thầy về quê nhà mình, trình với ông Trưởng tộc về ngôi mộ động mà thầy đã chỉ cho biết và xin đề nghị với ông dời ngay, bao nhiêu phí tổn bà xin chịu hết.
Ngôi mộ sau khi được đào lên, không còn gì hết, hài cốt lâu đời đã hóa thành đất xám. Nhưng thầy cố lục lạo mãi và cuối cùng, cũng tìm ra được một cục cứt sắt nhỏ bằng hai ngón tay. Dù sao thì đó cũng là một loại kim khí! Thầy được mọi người trong họ bà Tham trầm trồ khen ngợi.
Ðoàn Danh được chứng kiến vụ dời mộ ấy, càng thêm tin tưởng về ảnh hưởng mồ mả đối với người sống. Từ đây chàng tin chắc thế nào chàng cũng thi đỗ trong kỳ thi sắp tới.