Phần I: Về An Thái
Chương 26

Nếu để cho Kiên toàn quyền quyết định, thì anh đã lựa chọn giải pháp liều lĩnh: mặc kệ cảnh tên đạn tơi bời, sự hỗn loạn ở các vùng giáp ranh sắp xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu, Kiên muốn theo đường quan đưa vợ con ông cai đội về Điện Bàn. Đường càng nguy hiểm, anh càng khó nhọc bao nhiêu, thì cái ơn canh cánh bên lòng anh càng vơi đi. Hơn nữa, anh sợ phải sống lại cuộc đời nhàm chán bình thường. Đã nửa đời người, anh chưa làm được điều gì ngoạn mục. Chưa một mình quyết định được cái gì đủ làm xao động kẻ khác, gây nên bàn tán sôi nổi. Tại sao không nhân lúc này bước vào một cuộc phiêu lưu xa lạ, nếu có mất thì chỉ mất cảnh sống hiu quạnh vô nghĩa lâu nay!
Nhưng đàn bà bao giờ cũng nhạy bén hơn đối với những điều thực tế. Nghe Kiên đề nghị, vợ viên cai đội không cảm động, mà ngơ ngác, rồi hốt hoảng. Kiên đành vâng lời cha vậy!
Mấy hôm sau, ông giáo và Kiên đưa gia đình người xấu số về An Thái. Hành lý của họ nghèo nàn, vỏn vẹn có mấy bọc quần áo vì bao nhiêu tiền bạc đã bị người chồng đem đốt hết trong các sòng xóc đĩa và tan thành hơi rượu. Ông giáo nhìn cảnh mẹ con bồng bế lếch thếch, tóc tai dã dượi, ăn mặc rách rưới, nghĩ đến trách nhiệm phải cưu mang họ không biết đến bao giờ mới thôi, tự nhiên hai tay ông rướm mồ hôi. Lòng ông chán ngán, quay nhìn Kiên xem con ông có nghĩ như ông không. Nét mặt Kiên không nói được điều gì!
Chỉ tới lúc con bé Út rấm rứt khóc vì không được mang theo con mèo tam thể, và con bé lớn lấm lét nhìn ông giáo, chạy tới dỗ dành, lòng ông giáo mới chấn động Tự nhiên ông nhớ cảnh gia đình ông chạy nạn giữa đêm khuya và hình ảnh con bé lớn dỗ em giống y hình ảnh An cố vỗ về cho thằng Lãng khỏi khóc.Ông giáo tỏ ra ân cần đối với họ hơn. Trẻ con bao giờ cũng có trực giác bén nhạy hơn người lớn. Con Út đến sà vào lòng ông giáo trước, phụng phịu than không biết rồi đây ai cho con mèo ăn. Con chị đầu sợ em làm bẩn chiếc áo trắng của ông giáo, chạy đến bồng em lên. Ông giáo cười vuốt tóc nó, hỏi mấy tuổi. Mấy đứa trẻ tự nhiên gọi ông và xưng cháu. Thế là mọi e dè ngại ngùng biến mất. Nhờ vậy họ quên đường xa, và bớt lo cho tương lai.
Ông giáo được cấp cho một con ngựa, nhưng ông không cưỡi, dùng ngựa thồ đồ đạc của gia đình viên cai đội.Mấy gói quà khá nặng Lợi gửi về cho An gồm đủ thứ nào vải vóc, kim chỉ, đường trắng, tiêu sọ, bún tàu, nước mắm nhĩ... thì đã có người lính hầu gánh hộ. Ông giáo, Kiên và mấy người đàn bà con nít được đi tay không. Họ vừa đi vừa nói chuyện. Ông giáo muốn nhân cơ hội này tìm hiểu mối quan hệ giữa con và gia đình này. Ông bồng bé Út lên hỏi:
- Cháu thương chú Kiên không?
Con bé đáp:
- "Xương" chú lắm. Chú không bao giờ đánh Út cả.
- Chú có cho cháu kẹo không?
- Không. Chú không có tiền.
- Chú không cho kẹo mà Út vẫn thương chú à?
- Tại chú gãi lưng cho cháu.
- Thế trong nhà không ai gãi lưng cho Út sao? Mẹ cháu này! Chị hai cháu này! Cha cháu này!
- Mẹ với chị hai à? Không đời nào. Út mới vén áo lên, chị hai đã phát vào lưng cháu, mắng "đồ quỉ". Út khóc, mẹ cháu lại bênh chị hai. Chỉ có chú Kiên bênh cháu.
Ông giáo nổi tò mò hỏi:
- Sao cháu không bảo cha gãi cho?
- Cha à? (Út cười). Bữa nào cha về cũng đi ngả nghiêng như thế này này (Út bắt chước lối ngả nghiêng của người say). Nhiều bữa cha rên hừ hừ, như thế này này, rồi mửa đầy cả nhà.
- Mẹ cháu không nói gì à?
Con bé lớn chen vào:
- Út, không được làm phiền ông. Bước xuống đi đi. Bắt ông bồng mãi sao được.
Con Út sợ chị, định trụt xuống. Ông giáo ôm nó lại, quay nói với con bé lớn:
- Cháu đừng lo. Ông bế cho nó một đoạn, đỡ mỏi chân. Nó có vẻ sợ cháu hơn sợ mẹ, nhỉ?
Con bé lớn đáp:
- Nó làm nũng, lại hay vòi vĩnh. Có cái tật ngủ lúc nào cũng đòi phải gãi lưng mới chịu.
- Thế buổi tối nó ngủ với ai?
Con bé lớn đáp:
- Đáng lẽ nó ngủ với cháu, nhưng chú Kiên cưng nó, bảo ra với chú. Vả lại bữa nào cha cháu cũng...
Con bé chợt nhớ điều gì, khựng lại không dám tiếp. Nó lúng túng một lúc, rồi quay hỏi ông giáo:
- Sao trước đây ông không đến thăm chú Kiên. Ông ở xa lắm phải không?
- Ừ, ở xa lắm.
Con Út xen vào:
- Chú Kiên bảo ông ở tận trên núi kia kìa. Trên núi có cọp không ông? Có khỉ không ông?
- Có, có nhiều lắm. Đôi khi nó xuống chỗ người ta ở vồ người mà ăn thịt.
Con Út sợ hãi một cách thích thú:
-Dễ sợ quá. Bây giờ mình có lên núi không hở ông?
- Không. Ta chỉ về An Thái, gần tới rồi. An Thái xa núi, không có cọp đâu, cháu đừng lo. Này, lúc trước, lúc cha cháu chưa chết đó, chú Kiên có nhắc tới ông không?
Con bé lớn reo lên:
- Dạ có. Hôm đám giỗ ông nội, chú đang ăn thì nghẹn lại, chú giấu nhưng cháu biết chú khóc. Cháu chạy theo hỏi có phải vì chuyên hôm qua mà chú giận cha cháu không. Chú bảo không phải đâu. Chú lo không biết ông sống chết thế nào, có bị bắt như chú không.
Ông giáo vội hỏi:
- Hôm trước chú Kiên với cha cháu có cãi nhau à?
Con bé lớn ngập ngừng, rồi đáp:
- Chỉ gắt sơ sơ thôi, ông! Cha cháu cũng thương chú vừa đau dậy.
- Ủa, chú có đau nữa à? Nặng không?
- Nặng lắm, ông! Chú mê sảng, hai tay cứ cào lên chiếu. Sau đó, chú rụng cả tóc. Cha cháu thấy mẹ cháu lo cho chú quá, cha cháu bực.Thế thôi!
Ông giáo nhìn trở lại phía sau, thấy Kiên đang nghe vợ viên cai đội nói gì đó có vẻ quan trọng lắm, vì nét mặt hai người đều nghiêm nghị, buồn rầu. Ông giáo thấy bà ta già quá, xơ xác quá, so với Kiên có lẽ phải hơn Kiên sáu, bảy tuổi là ít. Không biết họ nói với nhau điều gì, mà lâu lâu, Kiên lắc đầu không nhận.
Ông giáo hơi hối hận, vì chưa hiểu hết những nỗi khổ tâm, cô đơn, lo âu phức tạp và lặng lẽ của Kiên. Thế nào rồi ông cũng phải hỏi Kiên cho rõ. Phía sau, có tiếng khóc nghẹn! Ông giáo không dám quay lại. Con chị nói nhỏ với ông giáo:
- Mẹ cháu lại khóc. Khổ quá. Không biết mẹ con cháu sẽ ra sao đây!
°

*

- Không hiểu nếu không có gia đình viên cai đội thì cảnh đoàn tụ ở nhà ông giáo sẽ như thế nào?
Ông giáo thầm hỏi như vậy, và An cũng thầm hỏi như vậy!
An tự trả lời: Chưa chắc đã vui như mình mơ ước đâu! Vì xét riêng từng người trong gia đình, ai cũng có một nỗi lo riêng. Lệnh trưng binh toàn thể trai tráng đã khiến Lãng ray rứt suốt mấy hôm nay. Một người cạn nghĩ có thể tưởng Lãng sợ. Không phải. Lãng không sợ gì, ngay cả cái chết. Điều Lãng lo nhất là tham dự trọn mình vào một vận hội mà Lãng chưa hiểu hết. Lãng tự hỏi tại sao thiên hạ có thể mừng rỡ vui sướng một cách đơn giản như vậy được? Sự thay đổi chỉ mới là chuyển dịch, chưa phải là biến thái. Thay thế lão chánh tổng, lão tri áp hách dịch bằng một Hai Nhiều hách dịch chẳng kém. Sự hỗn loạn thay cho trật tự cưỡng đặt bằng áp bức. Bọn cơ hội và bọn lưu manh được thời, thế chỗ lũ xu phụ nịnh bợ mua chức sắc bằng tiền và phẩm giá con người. Còn đám đông lam lũ chưa từng bị đưa đẩy đến hoàn cảnh cùng cực phải liều lĩnh thì xưa sao nay vẫn vậy. Hai bữa cơm hẩm không vơi đi, mà cũng chưa đầy thêm. Cuộc đời họ đã thoát được cái ách hào lý, nhưng tai họ phải thính hơn để nghe ngóng dè chừng mọi bất trắc, thay đổi. Vui mừng thế nào được trước cuộc đổi thay giả tạo đó, đến nỗi vung tay múa chân,hò reo ầm ĩ? Ông giáo có những nỗi ê chề, bực dọc phức tạp hơn. Thành công bước đầu của cuộc khởi nghĩa mở chân trời mới cho những người như Nhạc, Huệ, còn với ông giáo, biến động lịch sử mới này giống như một cơn gió lạnh lẽo, phũ phàng cuốn hết ảo tưởng của đời ông. Ông thấy mình bị bỏ rơi, không phải vì những bạn đồng hành không có cảm tình hoặc bất đồng sâu xa với ông, mà chính vì chân ông đã mỏi. Ông không còn theo kịp được họ nữa. Đến nỗi người học trò vẫn quyến luyến ân cần với ông mà cũng không thể dừng lại để chờ thầy được. Hình ảnh Huệ cầm đuốc soi giùm đường cho ông về trại đêm ấy cứ ám ảnh ông, đày đọa ông. Không có gì rõ rệt hơn, cụ thể hơn để diễn tả sự thất bại vô vọng của ông giáo trước vận hội mới. Lại thêm những lo âu gia đình do cuộc giải phóng đem tới, thay thế và lấn áp những lo âu cũ. Với Kiên, ông giáo phải lo thêm, gia đình ông cai đội, và dù ông chưa biết tường tận đến chi tiết, ông cũng hiểu Kiên chịu ơn gia đình này sâu nặng lắm. Không cưu mang mẹ con góa phụ cho đến ngày đưa họ về tận Điện Bàn, gia đình ông sẽ bị chê cười là hạng bất nghĩa, bất nhân. Với Chinh, ông đã thấy con biến đổi hẳn, và quan trọng nữa, là con ông không còn sợ hãi giấu diếm sự biến đổi ấy. Cách nói của Chinh trước mặt ông, kể cả cách vơ cái áo định khoác lên vai để che cái hình xâm trên ngực nhưng sau đó Chinh cứ ở trần thản nhiên thưa chuyện với cha, đã gần thành sự thách đố. Ông giáo đọc được ý Chinh muốn nói với ông trong ánh mắt ấy: "Con như thế đó, không có cách nào khác được. Cha không bằng lòng, con buồn lắm, nhưng biết làm sao hở cha. Con đã lớn rồi, dưới tay con có nhiều thuộc hạ. Con không còn nhỏ bé như thời xưa nữa".
Với An, ông giáo buồn lây khi thấy con thất vọng. An mừng đến bật khóc khi Kiên bước vào cổng, nhưng cô chưa hiểu vì sao anh thảng thốt, lo lắng. An quay lại, và ngạc nhiên khi thấy vợ con người cai đội xấu số. Cô còn ngỡ ngàng hơn khi thấy người lính hầu đem mấy gói quà cồng kềnh vào nhà. Cô vui mừng hỏi cha:
- Của anh Huệ gửi cho con hở cha?
Ông giáo không trả lời ngay, chỉ ái ngại nhìn con, Kiên đáp cộc lốc:
- Của cái thằng lắm miệng lắm mồm. Chỉ chỗ cho anh ta đem vào. Khá nặng đấy.
Ông giáo thấy An biến sắc mặt, mắt chớp chớp., môi mím lại. Ngay sau đó, cô nói cười luôn miệng. Cô chạy lại bẹo má con Út, vuốt tóc con bé lớn, thăm hỏi vợ viên cai đội. Cô đùa vui với Kiên, hí hửng như trọn vẹn hạnh phúc vì cảnh đoàn viên. An lăng xăng xếp dọn chỗ ăn chỗ ngủ cho những người mới về, việc chưa xong đã lo vào bếp sửa soạn bữa cơm đoàn tụ cho thật thịnh soạn.
Củi bếp khô. Bếp lò tốt. Nhưng An đỏ hoe cả mắt, nước mũi chảy ròng ròng ướt đẫm cánh tay áo. Thấy con Út nhìn mình tò mò, An ôm nó vào lòng, nói với nó:
- Cháu ra ngoài chơi đi. Trong này khói quá. Cháu thấy cô chảy cả nước mắt nước mũi đây không?
°

*

Bữa cơm đoàn viên có vẻ rã rời, lặng lẽ,nặng nề. Mọi người cầm đũa ăn gần nửa bữa mà chưa ai nói với ai lời nào. Mọi sự bắt đầu do con bé Út. Trời chạng vạng tối. Ánh sáng u ám hiu hắt khiến nó buồn ngủ, và đúng lúc đó, nó chợt nhớ tới con mèo. Nó khóc, đòi về để cho mèo ăn. Dỗ dành, năn nỉ, hứa hẹn thế nào nó cũng không chịu. Nó không khóc to, cứ rỉ rỉ lê thê mãi. Mẹ nó sợ phiền chủ nhà, ẵm con ra gốc chuối dỗ, dọa, cuối cùng bực quá phát một cái thật mạnh vào mông nó. Con bé khóc thét lên. Nhà ông giáo lâu ngày không có con nít nên tiếng khóc chát chúa làm mọi người khó chịu. Mặt mày ai cũng đăm đăm. Mấy mẹ con nhanh chóng hiểu rằng mình đã làm phiền người ta quá nhiều. Thái độ của họ trở nên dè dặt quá đáng. Vợ viên cai đội kêu con bé lớn ra bụi chuối thì thầm những gì không rõ, mà con bé tuyệt không dám héo lánh lên nhà trên. Đến bữa cơm, bụng đói cồn cào nó cũng không dám mon men đến gần bếp. An sai gì nó làm ngay, làm xong lại ra bụi chuối ngồi với mẹ. Kiên, rồi An ra mời mấy mẹ con vào ăn cơm tối. Người mẹ viện đủ cớ để từ chối ngồi ăn chung, chỉ xin ba bát cơm cháy và một chút nước mắm. An không biết phải nói thế nào để họ bỏ thái độ giữ kẽ, Kiên thì gần như muốn nổi giận. Anh bực bội bảo:
- Thì chị vào nhà đi đã. Nó khóc một chút rồi nín. Con nít lạ nhà chướng là chuyện thường. Vào lo cơm nước cho chúng nó đi ngủ. Cha đang đợi chị đấy! Cả nhà ông giáo cầm đũa lên lại gác đũa xuống để chờ. Nhưng Kiên vào một mình. Anh cáu kỉnh, nói cộc lốc:
- Thôi ta ăn đi.
Thế là họ bắt đầu bữa cơm đoàn tụ, bữa cơm tất cả mọi người từng mơ ước sau khi từng người vượt qua được những chặng đường trắc trở và đầy cam go riêng. Trừ Kiên nhất định không muốn nói gì hết, những người khác đều cố moi óc tìm chuyện nói cho không khí đỡ buồn tẻ, căng thẳng. Thế mà những tiếng người ngoài nghe được chỉ là vài lời trao đổi tối cần và vô nghĩa.Chẳng hạn "Cha đưa cơm xới", "Thêm tí muối", "Để con lấy chiếc đũa khác", "Chị xới ít thôi, em đã no". Gần cuối bữa, nhân lúc ông giáo bị sạn phải nhả cả miếng cơm đang nhai, An xin lỗi cha, biện hộ:
- Con lùng khắp chợ không mua được đủ mười bát gạo. Mà gạo có ra gì đâu. Thiên hạ sợ lại chạy loạn, không ai dám bán lương thực cả. Bao nhiêu lúa đem xay ra, làm gạo rang sắp sẵn đó. Thức ăn thức uống cũng khan hiếm. Cái mướp già này con phải mua những 6 tiền. Bình thường thách một tiền không ai thèm dừng đâu. Chợ vắng hoe, nên họ muốn bán giá thế nào thì bán không biết đến bao giờ giá cả mới như cũ. Chứ cứ ở trên trời mãi thế này làm sao sống nổi.
Kiên vọt miệng nói:
- Cả nhà khỏi lo xa. Họ ở đây vài bữa, thông đường là đi ngay. Ông giáo, An, và cả Lãng nữa, đều ngơ ngác, ban đầu chưa hiểu ngay chủ ý của Kiên. Khi họ hiểu, lòng họ chán ngán. Tại sao Kiên lại hiểu lầm An tai hại như vậy. An sượng sùng khó chịu, liếc mắt nhìn anh, thấy Kiên cắm cúi ăn không muốn tỏ thân thiện với bất cứ ai. An nói như muốn khóc:
- Em không có ý đó đâu. Có Trời làm chứng, nếu em nghĩ xấu xa như vậy, thì...
Ông giáo cắt lời An:
- Thôi, đừng thề thốt nữa. Chuyện không có gì nói qua nói lại ngày càng lở thêm ra.
An thút thít, bỏ đũa đi xuống bếp. Đến nhà ngang, cô thấy ba mẹ con đang xúm xít quanh bếp lửa, nên An đành phải quay trở lên. An cố cười với Lãng:
- Khiếp. Trời lạnh lạnh khó chịu, ai cũng muốn cảm.
Trước khi đưa khăn lên chùi nước mắt và mũi. Lãng muốn hướng câu chuyện sang một đề tài chung để khỏi ai chú ý đến chị, nên nói:
- Chợ vắng, giá cao không phải vì không ai dám bán lương thực, mà vì không thể chịu đựng cậu Hai nổi.
Ông giáo kinh ngạc hỏi:
- Con nói gì thế? Cậu Hai nào?
- Cậu Hai Nhiều nhà mình đó. Cha ít về nên không nghe lời than van của dân An Thái. Đến nỗi họ bảo thà như ngày trước còn đỡ hơn!
- Cha chỉ nghe nói chung chung. Cậu ấy làm gì nào?
- Tất cả mọi quyền hành ở trong tay cậu thì làm gì chẳng được. Tùy ý phát ân phát uy. Không ai dám cãi. Mà hình như lúc nào cậu cũng có dịp để ra oai với thiên hạ cả. Đầu tiên là chuyện phát thẻ bài. Cha biết không, đến con mà cậu cũng dọa không phát thẻ cho con nữa. Cậu ấy dám làm như vậy lắm, nếu chị An không viết giúp thẻ cho cậu. Sau đó đến chuyện nhà cửa những người chạy nạn. Phủ mất, gia đình bọn hào lý phải trở về, cậu lại được dịp quát tháo, dọa nạt. Bây giờ đến chuyện trưng binh. Cậu ấy gặp nhiều cơ may quá!
- Bọn hào lý cửa quyền lộng hành thời nào chẳng vậy. Đời xưa đã như thế rồi. Chắc chắn tình thế càng ổn định, nạn đó sẽ bớt đi. Nhưng vì sao chợ vắng vì cậu Hai?
Lãng đáp:
- Vẫn do chuyện thẻ bài. Cậu Hai ra lệnh chỉ những người đeo thẻ bài mới được tụ họp chỗ đông người. Thẻ bài làm chậm. Tức cười, cha thấy chữ ký của cậu Hai chưa?
An đang thút thít mà cũng phải bật cười. Kiên ngước lên dò hỏi. Lãng được mọi người lắng nghe, hăng hái tiếp:
- Cậu ấy run tay ký chữ Nhiều rắc rối quá, tấm thẻ bài tèm lem không ra gì hết. Mà biết đến bao giờ mới ký xong. Cho nên cuối cùng cậu chỉ khuyên một vòng ở chéo thẻ. Mà khuyên cái vòng không được tròn lắm với nét bút run run thì ai chả khuyên được. Do đó mới có nhiều thẻ giả. Cậu Hai biết, tức giận đặt ra luật lệ mới. Cuối cùng người mang thẻ thật cũng bị họa lây. Chợ vắng là vì vậy.
Ông giáo trầm ngâm suy nghĩ, rồi nói với các con:
- Chuyện đời vẫn thế. Có nhiều ý tưởng mới nghe tưởng là đơn giản, hợp lý. Nhưng khi đem áp dụng mới cảm thấy hết các thiếu sót và phức tạp của nó. Chẳng hạn chuyện cấp thẻ bài là đúng. Không làm như vậy làm sao kiểm soát trị an ở các xóm làng, trên trục giao thông. Nhưng khi đem áp dụng, thì gặp những trở ngại bất ngờ. Đóng triện ư? Triện viết gì, ai được quyền khắc triện? Tạm ký làm bằng ư? Lại gặp trường hợp những người không ký được, chỉ đủ sức khuyên một cái vòng méo.
An cười to, hoàn toàn vui vẻ khi nói với ông giáo:
- Cha không tận mắt chứng kiến cảnh cậu Hai ký giấy tờ! Vui không chịu được. Tay cậu gò thật vững cái quản bút, mày nhíu, miệng méo xệch như người trúng kinh. Như thế này này!
An dùng chiếc đũa giả làm cây bút lông để thay Hai Nhiều ký vào mặt bàn ăn. Đến Kiên cũng phải bật cười, phun cả cơm ra bàn. Nhờ thế, bữa tiệc đoàn viên có được phút cuối đúng nghĩa thông thường.
°

*

Thông thường khi người ta gặp tai ương rủi ro, cảm giác đau xót thường không đến ngay, và sau khi đã đến, lại không hoàn toàn là niềm xót xa bất hạnh. Ban đầu, trong khi đang sống lơ lửng dật dờ theo nhịp điều hòa buồn tẻ thì biến cố bất hạnh đột ngột đến. Nhịp sống cũ bị xáo trộn. Người ta ngẩn ngơ, chưa kịp ý thức trọn vẹn tầm sâu của nỗi đau xót. Giống như một chất lỏng, đau khổ cũng cần một thời gian mới thấm vào hồn con người. Đến lúc cảm giác cay đắng khốn khổ lên đến cao độ, thì do luật bù trừ đầy khoan dung của tạo hóa, con người bất hạnh cũng bắt đầu hưởng niềm khoái lạc nghịch lý là được làm kẻ hy sinh, được làm người chịu tội giùm cho kẻ khác, được hưởng đầy đủ ý vị của cuộc sống, được cơ hội dày dạn trên đường đời... Ai không sợ những vị cay, đắng, tanh, chát. Nhưng không thiếu những người nuốt không nổi cơm khi không nhai nguyên cả nửa trái ớt.
Người vợ viên cai đội ở vào trường hợp ấy. Mấy mẹ con bơ vơ không biết nương tựa vào đâu, lên sống nhờ ở nhà Kiên. Họ sống lầm lũi, lốm thốm trong dáng đi, lấm lét trong cách nhìn. Một tiếng khóc nhỏ, một tiếng ho cũng không dám vì sợ làm phiền gia đình ông giáo. Ăn thì mấy mẹ con chan húp xì xụp ở một góc bếp hay ngoài gốc chuối như một người ăn vụng. Lối cư xử đó làm cho An, Kiên và Lãng khó chịu. Tuy vậy, người mẹ hình như có cố ý bi thảm hóa tình cảnh bơ vơ vất vưởng của mình, tìm thấy ở hình ảnh đau xót tự tạo ấy một niềm khoái lạc bệnh hoạn, một điều đáng hãnh diện nữa!
Cho nên vợ viên cai đội cứ buộc hai đứa bé phải sống trái với tính vô tư hiếu động của tuổi thơ. Bà cấm không cho các con lên nhà trên, cấm không được đòi ăn khi đến bữa, cấm ngồi ăn chỗ sáng sủa, cấm lân la tỉ tê hoặc đùa giỡn với các "cô chú". Một lần con bé lớn vô ý đánh bể cái chén sành, cơm canh vương vãi khắp nền bếp. An dặn nó:
- Lần sau cháu cẩn thận nhé. Đi lên đi xuống phải chú ý cái ngạch cửa.
Con bé chỉ bối rối vâng dạ, rồi lo thu dọn chỗ cơm đổ. Nhưng khi nghe tiếng mẹ gọi, nó xanh mặt vì sợ hãi. Người mẹ bảo con nằm sấp ngay dưới gốc, bình tĩnh lạnh lùng đi kiếm một nhánh táo nhơn thật dài, bẻ hết lá đi. Con bé chết điếng, phập phồng lo sợ những ngọn roi sắp quất xuống mông. Vợ viên cai đội như người nổi cơn điên. Bà quất như mưa vào lưng con bé, gãy roi này bà tìm cái khác. An can thế nào bà cũng không chịu ngưng. Cuối cùng không thể bất nhẫn nhìn con bé bị đày đọa, An lôi nó dậy, kéo nó chạy vào nhà. Con bé trì lại không dám trốn. An khóc vì thương vì giận, cả buổi trưa chườm nước muối lên lưng con bé khốn khổ. Cô không thể chịu đựng được cảnh ngược đãi trẻ con. Cuộc cãi vã đầu tiên giữa hai người xảy ra sau đó. An lớn tiếng nói với người mẹ:
- Chị đánh nó chẳng khác nào chị đánh tôi. Quí giá gì cái chén sành. Tôi có tiếc của đâu. Tôi dặn nó cẩn thận, vì sợ nó có ngày vấp cái ngạch cửa, mẻ chén găm vào đầu.
Người mẹ đáp:
- Tôi đâu dám oán giận cô. Phận tôi thế này, làm sao dám oán giận ai!
An tức tối nói:
- Chị đừng nói thế. Anh Kiên mang ơn chị, thì tôi cũng mang ơn chị. Mấy bữa nay chị cứ tránh né, khép nép. Chúng tôi đã lầm lỗi gì với chị đâu mà chị cư xử thế?
- Cô đừng hiểu lầm tội nghiệp mẹ con tôi. Tại lũ nhỏ nó ồn ào quá, sợ làm phiền ông. Chúng nó chỉ làm bộ ngoan ngoãn thế thôi. Cô mà cho chúng giỡn hớt, chúng nó đâm hỗn láo ngay. Tôi đánh con, xót từng khúc ruột đấy chứ. Nhưng không đánh không được. Nay nó làm bể cái chén. Mai nó đập cả sàng bát.
An không có cách nào nói chuyện thành thật và thân ái với người mẹ được. Hai đứa con chỉ dám len lén trao đổi vài câu với An khi mẹ ngủ, không khí trong nhà ngày càng nặng nề. Kiên lại tưởng An khinh thị đối với kẻ thất thế, nói xa nói gần để trách móc em. An giận quá nói:
- Cái gì anh cũng đổ lỗi cho em cả. Em nói thế nào anh cũng hiểu là em khi dễ người ta. Như hôm mới về...
Kiên gạt đi:
- Thôi, đừng nhắc nữa.
- Sao anh cản em? Anh sợ sự thực ư? Thì đây, em nói hết sự thực cho anh nghe. Từ ngày anh về, anh làm khổ hết mọi người. Thằng Lãng cũng nói nó không nhận ra anh nữa. Anh cau có, nhìn tụi em như kẻ thù. Suốt ngày anh lầm lì. Anh xét lại xem, tụi em có lỗi gì mà anh cư xử như vậy? Họ nhất định không chịu ăn chung, em làm sao bây giờ? Chẳng lẽ em lạy lục họ, năn nỉ họ hay sao?
Kiên lầm bầm:
- Mày có thế người ta mới vậy chứ?
An kêu lên:
- Trời ơi! Lại do lỗi của em! Nước này thì em phải đi khỏi nhà cho anh khỏi bực bội.
- Mày khỏi đi đâu cả, Nay mai người ta không làm phiền mày nữa đâu!
- Anh lại nói như cũ! Làm sao cho anh hiểu lòng em đây!
- Mày cũng dễ hiểu thôi! Người ta chỉ cần nhìn mắt mày, là hiểu hết. An tuyệt vọng, biết không thể nào nói chuyện với Kiên nữa. Cô cũng thất vọng về anh. An đâm liều. Cô nói:
- Anh nghĩ về em thế nào cũng được. Vâng, thì em nhỏ nhen, ti tiện, ích kỷ, kiêu căng. Cái gì xấu nhất em có đủ!
Kiên lườm em, định nói gì đó nhưng về sau nghĩ lại, không muốn nói nữa. Kiên quay lên nhà trên.
°

*

Hôm sau vợ viên cai đội mua cái om đất về nhóm bếp riêng, gần gốc chuối. Ông giáo thấy chuyện lạ kêu Kiên hỏi:
- Bà ấy làm cái gì kỳ cục vậy?
Kiên cúi đầu không đáp. Ông giáo hỏi lần nữa. Kiên bất đắc dĩ phải nói:
- Thế cũng tiện. Cho phân minh gạo mắm!
Ông giáo quắc mắt nhìn Kiên, hỏi:
- Thế ra ý của mày đấy hả?
Kiên im lặng, tránh nhìn cha. Ông giáo nổi giận quát lên:
- Nếu chính mày xúi ra chuyện này, thì mày là đồ bỏ đi! Đàn ông con trai không xen vào những chuyện như vậy. Phải ngửng đầu cao lên một chút, nhìn lên trên những điều bếp núc muối mắm. Để những cái vặt vãnh đó cho đàn bà.
Kiên run run đáp:
- Vâng. Con biết từ mấy năm nay gia đình xem con như không có trên đời này. Con là hạng đáng vất đi! Nếu người dưng nước lã không thương hại đút cơm đút cháo cho con, thì hôm nay cha khỏi phải tốn hơi mắng mỏ con. Biết thế này, thà con chết đi trong xó ngục còn hơn!
Ông giáo kinh ngạc vì cái giọng oán trách của con, vội hỏi:
- Mày nói gì vậy? Ai bỏ mày? Trước đây mày không biết tin tức bên ngoài, nghĩ quẩn như thế còn hiểu được. Mày đã biết sau khi mày bị bắt, gia đình chạy nạn thế nào rồi. Ngay sinh mệnh tao còn bị treo giá, làm sao tao vào thăm nom mày được. Vả lại, mày tưởng lão cai đội nuôi mày vì thương yêu mày phải không? Mày lầm! Chúng nó nuôi mày để toan tính dụ hàng tao đấy. Mày chết thì lấy gì thương lượng mua chuộc tao! Mày đã sáng mắt chưa? Kiên xúc động, khóc hức hức, vừa khóc vừa nói:
- Con đã hiểu. Con hiểu trên đời này con chẳng đáng gì hết. Không nhờ có cha, thì con chết hay sống không quan trọng cho bất cứ ai! Bất quá như một con chó chết. Chỉ có một người thực sự lo lắng cho con, đổ cứt đổ đái cho con mà không nhăn mặt. Con mê man, người ta khóc, sợ con chết. Con húp thêm được một muỗng nước cháo cũng đủ cho người ta vui cả ngày. Đối với người ta, con không phải là con chó ghẻ đáng tởm, hay con chó hoang.
Ông giáo lạnh người khi nghe cái giọng bi phẫn của con. Ông nghẹn lời, đăm đăm nhìn Kiên. Ông thương hại đứa con bất hạnh, cơn giận tiêu tan hết. Ông nhớ cái tính cần mẫn của con, nhớ đến nỗi cô đơn qua bao năm tù đày, nhớ đến vụ Năm Ngãng. Làm sao giải thích cho con hiểu rằng đời không bỏ Kiên? Bằng cách nào Kiên lấy lại được niềm tin vào cuộc sống, vào lòng người? Giọng bi phẫn đó còn nguy hiểm hơn cả liều thuốc độc. Nó khiến Kiên thù ghét mọi người kể cả anh em, cha mẹ. Anh quẫn trí, tự cách ly với mọi người, để rồi chán nản vì tưởng mọi người khinh bỉ, ghét bỏ, xa lánh mình. Phải dẫn Kiên trở về với cuộc sống thực, sống với kẻ khác và chấp nhận những ràng buộc, vui buồn,hy vọng lẫn tuyệt vọng của tập thể. Không thể bỏ mặc Kiên chìm đắm trong cơn bệnh bi phẫn! Ông giáo nói:
- Có nhiều điều con chưa hiểu hết, hoặc chỉ biết có một phía. Cha giận vì chưa hiểu con. Bây giờ cha đã hiểu. Con cũng phải ráng hiểu cha, hiểu các em. Không ai ghét bỏ con đâu. Nhất là con An. Con chưa thấy nó thắc thỏm bồn chồn chờ gặp lại con như thế nào. Hãy ngửng đầu lên, vui sống với đời, con ạ!
°

*

Ông giáo và Kiên xuống phủ hai ngày thì xảy ra vụ Hai Nhiều bị ám sát. Bà Hai thuật rằng lúc đó cả nhà đang ăn cơm. Người đầy tớ gái vào báo có hai ông khách lạ ăn mặc sang trọng tay bưng một mâm đồng phủ giấy bóng đỏ xin vào gặp ông chánh (Tuy chức tước chưa rõ ràng, Hai Nhiều vẫn thích người ta gọi mình là ông Chánh. Giá được gọi là chánh tổng vẫn hơn, nhưng ông còn ngại. Gọi ông chánh, đủ rồi).
Hai Nhiều vội bỏ đũa, vơ cái áo chúc bâu mặc vào. Bà Năm can ngăn một cách yếu ớt:
- Thì ông hãy ăn cho xong bữa đã. Chuyện đâu còn có đó, vội gì!
Hai Nhiều không thèm trả lời vợ, tiếp tục mặc quần áo, vội vã lên nhà khách. Một lúc sau, đứa tớ gái bưng xuống cho bà Năm một mâm heo quay, đồng thời chuyển lại lời ông Hai dặn pha ngay một bình trà hảo hạng để đãi khách quí. Tuy làm lớn, tiền của nhiều, ông Hai vẫn giữ thói quen uống chè Huế bằng bát lớn. Mỗi lần có khách phải nấu nước pha trà tàu. Bà Năm và đứa ở gái lui cui nhen bếp nấu nước khá lâu. Đáng lẽ đứa ở gái bưng khay trà lên. Nhưng bà Hai muốn nhìn mặt hai người khách "biết cách xử thế" như thế nào. Bà sững sờ hãi hùng đánh rơi cả khay ấm chén bằng sứ Tàu, khi thấy chồng gục sấp xuống bàn, con dao quắm đâm vào lưng lút cán!
Cái chết của Hai Nhiều làm cho An Thái rúng động. Dân chúng mừng khấp khởi, nhưng lo lắng phản ứng của phủ Qui Nhơn. Họ lo là phải, vì vụ ám sát đầu tiên một người đại diện của chính quyền mới đặt ra cho bộ tham mưu của Nhạc một thử thách khác. Tuy bận túi bụi suốt ngày cho vấn đề phòng thủ, điều quân, ổn định trị an ở các vùng vừa giải phóng, Nhạc vẫn gác hết mọi việc triệu tập ngay một cuộc họp khẩn. Mọi người đều biết các hành động quá quắt của Hai Nhiều, và từ lâu, họ vẫn lấy làm lạ về sự ngoan ngoãn an phận khác thường của dân An Thái. Họ đoán trước sau Hai Nhiều cũng gặp một tai nạn nào đó. Tai nạn đã đến, họ không ngạc nhiên. Nhưng các dây chuyền biến cố buộc họ phải giải quyết vấn nạn do cái chết của Hai Nhiều đặt ra. Hai Nhiều không còn là một cá nhân, một trường hợp cá biệt nữa. Hai Nhiều là đại diện của trật tự mới. Hai Nhiều bị ám sát tức là cái trật tự mới họ vừa khó nhọc dựng nên bị thử thách. Tùy theo cách phản ứng của phủ Qui Nhơn mà những vụ Hai Nhiều khác sẽ xảy ra hay chấm dứt.
Bị mắc kẹt trong hệ thống lập luận như vậy nên cả ban tham mưu đều đồng ý phải dùng biện pháp mạnh để chận đứng lập tức các vụ ám sát. Máu đòi máu. Đích thân Bùi Văn Nhật về An Thái để toàn quyền điều tra thủ phạm và trừng trị nghiêm khắc những mầm mống phản nghịch.
Trong vòng một đêm, Nhật cho bắt tất cả những phần tử bất mãn có thể là thủ phạm vụ ám sát. Ai bất mãn với chế độ nào? Gia đình bọn hào lý. Những người Hai Nhiều từ chối không cấp thẻ bài. Những kẻ ba hoa hay lên tiếng chế giễu sự dốt nát và hách dịch của Hai Nhiều. Những người ganh tị với Hai Nhiều vì tự ái hay lợi lộc riêng tư. Những người buôn mắm muối bị Hai Nhiều tìm đủ cớ để vòi vĩnh tiền bạc. Cả đến những người bị tình nghi đã gỡ khuôn cửa nhà Hai Nhiều đem bán cho ghe buôn. Con số người bị bắt lên đến trăm. Đứa ở gái được gọi tới nhận diện hai tên giết người. Chị ta có trí nhớ kém cỏi, nên nhìn ai cũng thấy “có lẽ” người này là thủ phạm. Chị gật đầu, rồi lắc đầu. Hỏi lại lần nữa, chị do dự, lại gật đầu. Bùi Văn Nhật phát cáu, xếp luôn chị ở vào loại khả nghi. Tình thế dây dưa bế tắc thật nguy hiểm cho uy tín của Bùi Văn Nhật. Bấy giờ nạn nhân không còn là Hai Nhiều nữa, mà chính là Bùi Văn Nhật. Cái chuyện vặt này còn không làm xong, thì còn mặt mũi nào về phủ?
Nhật như người ngồi trên lửa. Không phải một ngón chân của trật tự mới bị thử thách, mà chính đầu não của trật tự đó lâm nguy. Làm thế nào bây giờ? Nhật mất bình tĩnh, cuống cuồng đi tìm thủ phạm, nên An Thái chìm đắm trong một cuộc khủng bố trắng. Ban đêm chó không dám sủa. Ban ngày không ai dám ra khỏi nhà. Cửa đóng im ỉm, trẻ con đứng phía trong song cửa xì xào, lấm lét nhìn đám lính của Nhật đi lại ngoài đường hoang vắng.
Một ngày, rồi hai, ba ngày qua. Nhật chưa tìm ra thủ phạm. Ông ra lệnh thả bớt số đàn bà con nít, chỉ giữ lại đám đàn ông. Số roi vọt đổ dồn lên lưng họ, nhưng dấu tích thủ phạm vẫn mất tăm. Qua ngày thứ tư, Nhật quả quyết thủ phạm chính là hai người em trai chánh tổng, vốn là tay sai trung thành của Tuần Vũ Tuyên. Hai người này ban đầu còn ngơ ngác vì chưa hiểu gì, khi hiểu thì liếu lưỡi vì kinh ngạc và hãi hùng. Lại thêm bằng chứng cụ thể tỏ rằng chúng là thủ phạm. Nếu không, vì sao chúng run rẩy, lắp bắp không nói được lời nào? Người vô tội nhất định không bao giờ có thái độ như vậy!
Nhật ra lệnh hành quyết hai kẻ xấu số vào buổi sáng thứ năm. Ngay chiều hôm ấy, ông về phủ Qui Nhơn.
°

*

Những ngày hãi hùng đó, vợ viên cai đội và hai đứa bé không dám ở ngoài bụi chuối. Nếu không biết An, Lãng là con ông giáo, nhất định người của Nhật đã liệt ba mẹ con họ vào loại khả nghi rồi. Người mẹ dẫn con vào nhà bếp, dần dà sự sợ hãi đẩy đưa họ tìm người che chở. Họ mon men lên nhà trên. Thế là chấm dứt thái độ ngại ngùng xa cách giữa chủ và khách. An bắt chuyện với hai đứa bé, rồi câu chuyện đưa đẩy, cô bắt chuyện với mẹ chúng. Bức tường ngăn cách đã mất. Vợ viên cai đội kể tỉ mỉ cuộc đời Kiên trong bao năm tù đày, An và Lãng lắng nghe càng hiểu và thương anh hơn. Họ cười thoải mái với nhau khi nhắc đến cái tật ưa xỉa răng của Kiên, cái tính ưa trật tự và sạch sẽ thái quá. Vợ viên cai đội kể:
- Hồi chú ấy bị thương, đang nằm mê man đột nhiên chú ấy giơ hai bàn tay lên quờ quạng, sờ soạng khắp mình. Tôi tưởng chú ấy lên cơn mê sảng, sợ quá phát khóc. Tôi nghe người ta bảo khi người bệnh sắp chết thường hai bàn tay quờ quạng, mấy ngón tay co quắp uốn éo như bắt chuồn chuồn. Mấy đứa nhỏ đây thương chú cũng khóc rưng rức. Tôi nghe chú ấy thều thào,hai mắt lơ láo nhìn quanh như muốn tìm ai đó. Tôi nghĩ: Thôi đúng rồi. Chú ấy tỉnh lại lần cuối để tìm người trăn trối đây mà! Tôi vừa khóc vừa kề sát tai xuống mặt chú ấy, hỏi chú ấy muốn trăn trối điều gì. Chú ấy thôi bắt chuồn chuồn, nhưng bàn tay vẫn lần tìm cái gì trên người. Tôi đưa tay cho chú nắm, vừa khóc vừa bảo chú ấy:”Chị đây. Đúng là chị đây. Chú muốn nhắn điều gì, cứ nói cho chị biết”. Cô chú có biết chú ấy thều thào cái gì không? Chú ấy hỏi:
- Mấy cây tăm trong túi áo đâu rồi?
Cả nhà cười ầm lên quên cả không khí sợ hãi bên ngoài. Con bé lớn nhắc:
- Mẹ kể chuyện xâu tiền đi.
Vợ viên cai cơ chớp chớp mắt cảm động, rồi kể:
- Chú ấy cẩn thận còn hơn đàn bà nữa. Mấy con bé này đụng đâu vất đấy, quần áo đồ đạc bừa bãi. Chú ấy gắt cả ngày, gắt xong xếp mọi thứ đâu vào đó. vật nào ở chỗ nấy, lấy dùng xong đem trả lại sai chỗ cũ, phải biết! Nhờ thế mà tụi này khá lên, biết giữ gìn đồ đạc. Tiền bạc cũng biết tiết kiệm hơn. Một lần, hình như năm kia phải không con? Phải, năm kia, lúc con Út mới lên ba, hồi đó nhà tôi quá lắm. Bao nhiêu tiền dốc cả vào rượu chè. Mẹ con tôi khốn khổ, nhiều bữa phải chạy đi khắp trại mượn gạo.Tuy vậy, nhà tôi không bao giờ dám tiêu thêm mấy tiền kẽm quan phủ vẫn gửi riêng cho chú ấy, gọi là tiền trầu thuốc. Hồi đó đến kỳ đám giỗ. Giỗ ai con nhớ không? Ông nội à? Phải, giỗ ông nội tụi nhỏ này. Đến kỳ giỗ trọng mà trong nhà không còn lấy một đồng kẽm. Nhà tôi lại đang đi việc quan xa. Mấy mẹ con đang lo không biết làm sao có tiền mua đồ cúng. Con nhỏ này bảo nên đi mượn hoặc vay chỗ này, chỗ khác. Tôi lắc đầu, vì quá biết họ. Không bao giờ mấy con mụ keo kiệt đó cho vay đâu. Giữa lúc mẹ con loay hoay bàn tính, chú ấy lẳng lặng đến chỗ mái nhà rút ra một cái bọc nhỏ, và vừa đủ tiền làm một mâm cơm cúng nhỏ.
Cả nhà lại cười, lòng ai nấy lâng lâng cảm động. An và Lãng nhìn nét mặt rạng rỡ linh hoạt của vợ viên cai đội khi chị kể chuyện Kiên, cùng kinh ngạc thấy chị trẻ hẳn lại. Mắt chị sáng, da mặt ửng hồng. Hai đứa bé ngước lên hứng lấy từng lời mẹ kể, lâu lâu nhắc rõ một chi tiết. An hiểu vị trí quan trọng của Kiên trong gia đình bất hạnh, hiểu lý do nỗi bực dọc chua chát của Kiên trong những ngày qua. Cô nắm lấy bàn tay ốm và nhăn da của góa phụ. Chị cười với An. Chỉ cần bấy nhiêu, họ đã hiểu rõ nhau.
°

*

Cũng trong những ngày hãi hùng đó hai chị em được dịp nói với nhau đầy đủ về cách họ nhìn cuộc biến chuyển diễn ra quanh họ. Lãng bị khích động tột độ, bồn chồn, dao động không thể đứng yên một chỗ. Cậu nói với chị:
- Chị có hiểu những gì đang diễn ra ngoài kia không? Đó là cái gì? Có phải là những điều chị và Lãng từng mơ ước không? Chị nhớ chứ, một lần trên Tây Sơn thượng chị kể những đêm hồi hộp lo lắng sau ngày anh Kiên bị bắt. Một tiếng chân bước rào rạo ngoài ngõ hẹp cũng đủ khiến cả nhà lạnh gáy vì sợ hãi. Chúng ta không thể sống nơm nớp suốt đời như một kẻ phạm tội được. Chúng ta sinh ra để được tự do thở bầu không khí trong lành, lưng không phải khom, đầu ngửng cao, được cười vang khi vui và khóc lóc lúc khổ. Đó là quyền tối thượng của mỗi người. Sợ hãi là cái gì không đúng tự nhiên. Đó là sản phẩm xấu xa của xã hội, là rác rưởi của bao nhiêu bất công và bạo lực tàn nhẫn để duy trì sự bất công. Bao nhiêu con người không chịu sống chui rúc trong sợ hãi mới tụ họp nhau trên Tây Sơn thượng để khởi nghĩa, để mãi mãi mai sau không còn có cảnh cúi đầu nem nép trước bạo quyền nữa. Khổ thế nào họ cũng chịu đựng được tất: bệnh ngã nước, đói khát, lam sơn chướng khí, thú dữ, nỗi khao khát được trở về, mong ước trông lại biển và đồng bằng...Những điều đó cả chị lẫn em đều trải qua cả. Chị nhớ không, dù khổ cực như vậy nhưng cuộc sống chúng ta phong phú biết bao. Chúng ta tự hào đang hy sinh cho một điều cao cả. Những chú bác nông dân chơn chất ít nói không thể diễn tả rõ ràng điều cao cả ấy là gì, vì sao họ hăm hở. Nhưng chúng ta thì hiểu. Chúng ta đang hy sinh cho cuộc giải phóng con người. Chúng ta khởi nghĩa cho con người được thở, được cười, được ngửng mặt lên nhìn mọi người, được tùy ý chọn nếp sống cho mình và mơ ước một tương lai. Không phải sợ hãi ai nữa.
“Chúng ta” đã xuống núi, và đã thành công. Chị đừng cười. Em biết chị cười em, một thằng vô tích sự chẳng làm được việc gì đến nơi đến chốn, chẳng ở yên vị một chỗ nào cho khá lâu, dùng dằng không ra kẻ đứng ngoài mà cũng không phải kẻ dự buộc, thế mà bây giờ thấy anh em cô bác làm nên việc, cũng đứng lấn vào hàng ngũ xưng xưng “chúng ta” chứ gì?
An cười to hơn, đập nhẹ vai Lãng nói:
- Không phải thế đâu. Tại sao Lãng nghĩ vậy! Nhưng em cứ nói tiếp đi, chút nữa chị sẽ nói rõ vì sao chị cười.
Lãng dò nét mặt chị thấy An thành thực, vững lòng nói tiếp:
- Vâng, em nói chúng ta là nói chung cả một tập thể những kẻ có ý thức hay không ý thức nhưng đều không thể chịu đựng nổi sống nơm nớp, bỏ nhà lên Tây Sơn thượng. Những kẻ muốn lập nên một kiểu sống mới dĩ nhiên phải đẹp hơn, thoải mái hơn, hạnh phúc hơn đời cũ. Nhưng bao lâu nay chúng ta về được đồng bằng, chúng ta nắm được quyền bính, chị thấy gì? Thay cho lão chánh tổng là cậu Hai Nhiều. Con người vẫn tiếp tục thu nhỏ mình lại, vai thun, lưng khom, chân líu ríu bước, mắt lấm lét nhìn trước nhìn sau. Cổ lại phải mang thêm cái thẻ bài. Chị thấy đấy, mấy hôm nay con nít có dám khóc, chó có dám sủa không? Nụ cười hiếm hoi biết bao nhiêu! Lãng có cảm tưởng như thiếu không khí dễ thở. Nhưng nhu cầu đơn giản mà còn phải thế, thì nói chi đến những điều cao xa như hạnh phúc, công bằng, tương lai, quyền sống... Tất cả chúng ta, lại chúng ta, em cứ nói chung như thế cho dễ. Tất cả chúng ta hy sinh, khổ cực bao lâu nay để mang thứ quà chua đắng đó cho dân An Thái hay sao? Nếu phải dùng máu để tránh đổ máu, thì thứ máu nào đáng nên đổ, và thứ máu nào không nên đổ? Chúng ta, em lú lẫn quá lắm, lại chúng ta...
An ngắt lời em:
- Sao em cứ thắc mắc hoài về chuyện đó. Có ai thắc mắc về em đâu? Đừng tự làm cho rắc rối. Mọi sự vốn đơn giản. Em cứ mạnh dạn dùng chữ “chúng ta”, vì chị nói thực, em xứng đáng ở vào đội ngũ. Kể cả những thắc mắc rắc rối và quá khích của em. Những gì em nói cũng cần thiết cho việc chung như là sự hăng hái, cuồng nhiệt không cần suy nghĩ, như là sự tuân hành tuyệt đối lệnh trên. Còn chị cười là cười chuyện khác kia! Em đừng hiểu lầm.
Lãng hoài nghi, hỏi:
- Chị cười chuyện gì nào?
- Chị cười vì ít khi nghe em thao thao bất tuyệt như vậy. Bao nhiêu gan ruột em kéo ra phơi nắng hết. Chị thích cái tính quá khích đó. Có gì buồn khổ, thắc mắc mà cứ giữ kín trong lòng như anh Kiên, chỉ làm khổ mình khổ người. Có điều thú vị là chị đọc được ý em nghĩ, ngay trước khi em nói ra. Dài dòng rắc rối nhưng nếu muốn tóm lại cho gọn, thì đơn giản thôi. Để chị nói thử có đúng ý em không nhé?
Lãng tò mò muốn tự nhìn mình qua phản chiếu của chị, vội giục:
- Chị nói đi!
An chậm rãi nói:
- Lãng muốn cái gì cũng rõ ràng, phân minh. Cái xấu đã bị sụp đổ thì cái tốt phải tới. Ông ác bị diệt, thì cái ghế uy quyền phải dành cho bậc hiền triết. Dứt khoát không thể có chỗ dung thân cho bọn đạo tặc, bọn lưu manh, bọn khao khát quyền hành, bọn biển lận đội lốt hào hiệp. Thế nhưng trước mắt, Lãng thấy mọi sự, mọi giá trị lẫn lộn, vàng thau không phân biệt được. Chẳng những thế, thay cho thứ trật tự giả tạo dựng bằng chèn ép áp bức là một cảnh hỗn loạn thực sự làm cho tất cả mọi người quay cuồng điên đảo, kể cả những kẻ yếu đuối từng bị áp bức. Lãng không thể chấp nhận được ván cờ thế vô lý đó, Lãng bàng hoàng, tự hỏi rồi mọi sự sẽ dẫn đến đâu? Sự cực nhọc hy sinh trước đây còn có ý nghĩa gì? Phải thế không?
Lãng nói:
- Đại khái như thế! Nhưng có gì đáng cho chị cười đâu! Chị không bàng hoàng như em sao?
- Có chứ. Nhưng chị bình tĩnh được là nhờ nghe một tiếng nói khác, một lối nhìn khác. Chị cười vì cùng một lúc nghe được câu hỏi lẫn câu trả lời.
- Em chẳng hiểu gì cả! Ai trả lời? Trả lời thế nào?
An mỉm cười, nét mặt hồng lên vì xúc động. Cô nói:
- Anh ấy bảo nhìn chung thì lòng ai không mơ ước được sống trong một xã hội công bằng, hạnh phúc, trẻ con được no ấm nô đùa, người già được an dưỡng. Chiều chiều được tắm ở sông Nghi rồi lên hóng mát trên đền Vũ Vu, nghêu ngao hát trên đường về như trong sách cổ. Được mặc áo đẹp ra đường, rảnh rỗi họp nhau lại nghe ngâm thơ và đàn hát. Người có tuổi và đạo đức cầm quyền bính. Pháp quan và chúa ngục thất nghiệp, ngày ngày tiêu khiển bằng cách câu cá và nuôi chim. Khóa ở cửa tù rỉ sét, tìm kẻ gian ác và trộm cướp khó như là tìm tuyết trong lò cừ. Ai cũng mơ ước đời thịnh trị hòa bình như vậy. Nhưng thực thế trước mắt trái ngược với mơ ước, quá lắm là chưa được như mơ ước. Pháp quan và chúa ngục vẫn đông như kiến. Trẻ nhỏ bị đầy đọa quên mấy nụ cười. Người già chết không yên chứ chưa nói đến chuyện sống. Làm thế nào đây? Chính câu hỏi này là khởi điểm của biết bao nhiêu rắc rối, phân tranh, thù nghịch. Anh ấy nói tâm lý chung của những người mơ mộng, có học thức là muốn thực hiện mơ ước muôn thuở của mình một cách êm ái, đẹp mắt. Nghĩa là làm thế nào để kẻ gian ác sau khi đọc một bài thơ đột nhiên hối hận, len lén chùi bàn tay vấy máu vào vạc máu rồi cắt tóc đi tu. Chúa ngục bẻ chìa khóa vất xuống sông nhất định không hành nghề nữa sau khi đọc phú Xích bích. Lãng thấy không, làm gì có phép lạ đó! Nếu nói như Lãng lúc nãy, thì cái thiện phải thay thế triệt để cho cái ác. Như thế mới hợp lý. Nhưng cái thiện không phải đột nhiên mà có. Thực tế xưa nay chưa hề có một loại cờ thế phân minh tốt xấu, sau trước. Cái xấu phải sụp đổ do tích lũy của bao nhiêu uất ức, bất mãn, nhưng khi nó đột ngột sụp đổ, thì cái mới còn đang hình thành. Những người dân đen phải bỏ làng xóm vợ con xiêu giạt đây đó, về sau tụ họp ở Tây Sơn thượng làm loạn chưa bao giờ được học cách trị nước, cách ăn nói với đám đông, cách viết cách ký. Họ vụng về, có khi hoảng sợ với cái quyền mới. Tất nhiên trong cảnh hỗn loạn bát nháo thế nào cũng có nhiều kẻ lưu manh lợi dụng. Cũng không thiếu những người lâu nay bị đè đầu cưỡi cổ bây giờ chỉ lo mỗi một việc đè đầu cưỡi cổ lại thiên hạ cho thỏa tức. Tuy nhiên đừng nên vội tưởng rằng cuộc sống không có gì khác trước. Khác lắm chứ. Rõ ràng, như Lãng vừa nói, là hỗn loạn hơn. Nhưng có một điều quan trọng gấp bội, là có một cuộc thanh lọc tự nhiên để cái mới dần dần lộ rõ, ổn định. Bấy nhiêu cái phức tạp ấy không thể nào tránh khỏi, dù những nhà thơ và những nhà hiền triết có ngỡ ngàng bao nhiêu đi nữa. Không thể êm thắm, dần dà phá đổ cái xấu. Muốn vậy, thì chỉ nên cắt tóc đi tu, hay khoanh tay không làm gì cả.
Lãng đăm đăm nhìn chị, ngạc nhiên vì vẻ phấn khởi khác thường trên gương mặt An. Lãng nói:
- Em biết ai nói với chị những điều đó rồi! Nói như vậy thì cái gì cũng biện minh được hết.
Hôm sau, Huệ cho người về An Thái đưa Lãng xuống Cù Mông như đã hứa với ông giáo. Lãng nhận thấy không còn có thể nán lại An Thái ngày nào được nữa. Ở đây không có chỗ cho anh. An cũng mừng, hy vọng em đã tìm được một chỗ đứng. Hai chị em bịn rịn, nhưng cũng nghĩ cuộc chia tay đến đúng lúc!