Lại nói chuyện phò mã Triệu Câu đuổi theo Đồ Man Hưng Phục, bấy giờ đã tối sẩm, quân vây bốn mặt, mà tìm chẳng thấy Đồ Man Hưng Phục ở đâu. Phò mã Triệu Câu truyền quân soi khắp bốn mặt núi mà cũng không thấy. Phò mã Triệu Câu trong lòng nghi hoặc, truyền cho quân sĩ đóng dinh lại và nấu cơm ăn, rồi đến sáng ngày sẽ đi. Khi ăn cơm xong, om Triệu Câu nghĩ thầm: “Quái lạ! Không biết Đồ Man Hưng Phục ngày nay nó tẩu thoát phương nào. Nếu ta không đuổi bắt được nó thì tất nó lẩn trốn sang Kim Lăng. Có con nó là Định Quốc tướng quân ở đấy, nó sẽ lấy chỗ ấy làm nơi sào huyệt.” Phò mã Triệu Câu còn đang ngẫm nghĩ thì bỗng thấy thám tử về báo: - Dám bẩm phò mã! Chúng tôi đi dò thám thì thấy bốn mặt đều núi, chẳng có nhà cửa chi cả. Cách đây độ hai dặm. có có một cái miếu Quan Đế, cửa vẫn đón chặt, chạ thần gọi cửa hỏi thì trong có người đạo sĩ là chữ giữ miếu ấy trả lời rằng: “Ở đây hổ lang nhiều lắm, đêm khuya không dám mở cửa, mà cũng không có ai tới đây.” Bởi vậy chúng tôi phải về bẩm bạch. Phò mã Triệu Câu nghĩ thầm: “Đứa lão tặc này có lẽ nó ở trong miếu, chứ ngọn núi này làm gì còn có lối ra. Vả rõ ràng ta trông thấy đứa lão tặc chạy vào ngọn núi này”. Phò mã Triệu Câu nghĩ vậy, truyền cho cận tướng phòng thủ đại binh, còn mình thì cùng mấy tên gia tướng và mấy trăm quân đi thẳng vào trong núi. Phò mã Triệu Câu cưỡi ngựa đi trước, hai bên quân sĩ cầm đuốc sáng trưng. Đi được độ một dặm, bỗng thấy con ngựa của phò mã Triệu Câu cưỡi đứng lại mà hý rầm lên, gia roi cũng không chịu đi nữa. Hai têm mã phu vội vàng giữ chặt lấy con ngựa. Phò mã Triệu Câu trong lòng nghi hoặc mới xuống ngựa mà rằng: - Con ngựa này vốn là ngựa hay, nay bỗng thế này, tất có gian nhân ẩn trong bụi cây chăng, các tướng nên mau mau tra soát. Các tướng vâng mệnh, vừa toan tiến lên thì bỗng nghe tiếng mũi tên bay vù, xuyên qua bên tai phò mã. Các tướng đều kinh ngạc mà kêu lên rằng: - Quả có giặc! Quả có giặc! Phò mã Triệu Câu cũng có ý kinh sợ, ngẩng đầu lên trông thì quả nhiên thấy ở trên ngọn cây cao có một đám đen. Bỗng lại có một phát tên nữa xuyên thẳng vào ngực phò mã Triệu Câu, phò mã Triệu Câu lấy thanh bảo kiếm gạt mạnh một cái thì mũi tên ấy rơi xuống đất. Một tên gia tướng khẽ nói với phò mã Triệu Câu rằng: - Trên ngọn cây quả có người ngồi! Nói chưa dứt lời thì bỗng nghe có tiếng tên bắn, phò mã Triệu Câu lại giơ thanh bảo kiếm lên xua. Phò mã Triệu Câu giận lắm, truyền quân sĩ giương cung ra bắn. Bắn trong hồi lâu, chẳng thấy tăm hơi gì cả, hình như các mũi tên chỉ xuyên vào các lá cây. Lại thêm một gia tướng nữa nói: - Có lẽ ta trông lầm! Nói chưa dứt lời thì thấy một phát tên bắn trúng vào tay tả tên gia tướng ấy. Tên gia tướng ngã lăn xuống đất. Quân sĩ đều kinh hoảng. Phò mã Triệu Câu giận lắm. Bỗng thấy tên đâu lại bắn xuống như mưa, ai nấy đều có ý sợ. Phò mã Triệu Câu truyền cho quân sĩ múa đao lên để gạt mũi tên. Lại truyền lấy hỏa sang ra bắn. Bấy giờ bóng cây tối đen quân sĩ cứ theo bóng ấy mà bắn vào. Cây dẫu cao lớn nhưng cành khô cũng nhiều, cho nên hỏa sang bắn vào đâu thì lửa cháy lên ngùn ngụt. Sau nghe trên ngọn cây có tiếng kêu to lên rằng: - Ta bảo cho mà biết, ta mà nhảy xuống thì nhiều đứa bỏ đời! Nói chưa dứt lời thì có một tướng ở trên cây nhảy xuống, mặt đen nhọ chảo, mắt trợn ốc nhồi, râu ria xồm xoàm, mình mặc áo giáp, hai tay cầm hai cái búa. Viên tướng ấy giơ búa. Phăm phăm chực bổ vào đầu phò mã Triệu Câu. Quân sĩ vội vàng xúm xít lại giơ giáo lên đỡ, vòng trong vòng ngoài vây chặt lấy viên tướng ấy. Mọi người hăng hái xông vào, viên tướng ấy cứ cười ha hả mà bảo rằng: - Lũ bọ bấc kia hay múa rối làm chi cho phiền. Ta không chém giết bay, ta chỉ tặng cho Hoàng Phủ công tử một nhát búa. Tướng sĩ bên Hoàng Phủ quát to lên mà mắng rằng: - Hoàng Phủ phò mã đây là dòng dõi “kim chi ngọc diệp” khi nào lại chịu giao chiến với mày! Nói xong, liền giơ đao đánh vào mặt viên tướng ấy. Viên tướng ấy lấy búa gạt đi, rồi xông vào đánh, không hề khiếp sợ chút nào. Vừa đánh vừa cười khanh khách mà nói khích rằng: - Hoàng Phủ công tử nếu phải là tay anh hùng thì ra tay đánh với ta mấy hợp. Viên tướng ấy nói chưa dứt lời thì bỗng có một phát tên trúng vào cánh tay tả. Viên tướng ấy vội vàng quay mình trở lại thì lại bị luôn một phát nữa trúng vào cánh tay bên hữu, rụng rời rơi cả hai búa xuống đất. Tướng sĩ xúm xít lại mà bắt trói lại. Viên tướng ấy vẫn còn hăng hái, lấy chân đá vung lên, miệng thì chửi mắng thậm tệ. Phò mã Triệu Câu vui mừng tra cung vào túi, rồi truyền bảo các tướng sĩ rằng: - Các ngươi cứ bắt sống, chứ không được giết chết, bây giờ giải về dinh trước, canh giữ tại đấy để ta còn xét hỏi. Khi gia tướng giải viên tướng giặc ấy về dinh rồi thì phò mã Triệu Câu lại đi thẳng đến miếu Quan Đế, quả nhiên thấy cửa miếu đóng chặt. Quân sĩ phá toan cửa ra, người chủ giữ miếu chẳng còn hồn vía nào nữa. Đồ Man Hưng Phục cùng các tướng bấy giờ cũng luống cuống không biết làm thế nào. Nguyên Đồ Man Hưng Phục khi tế thần ở núi Thái Sơn xong, xa giá quay về, bỗng thấy thám tử phi ngựa lũ lượt kéo đến báo tin kinh thành thất thủ. Đồ Man Hưng Phục kinh ngạc mà hỏi rằng: - Các ngươi có biết duyên cớ làm sao không? Thám tử đều nói: - Chúng tôi không được biết rõ, chỉ thấy nhân dân trong thành kéo nhau chạy trốn, huyên truyền rằng thượng hoàng đã về triều. Đồ Man Hưng Phục chẳng còn hồn vía nào nữa, dẫm chân kêu trời mà rằng: - Trời ơi! Công nghiệp của ta, mười phần đã được đến chín ai ngờ một sớm hóa không! Ngày nay ta dẫu có ba nghìn quân mã, nhưng tài nào mà tiến vào kinh thành cho được, gia quyến ta tính mệnh còn gì! Chỉ lạ thay con ta bấy lâu vẫn giữ binh quyền, cớ sao bây giờ lại về tay người khác. Đồ Man Hưng Phục còn đang ngẫm nghĩ thì bỗng nghe báo có quan trưởng sử là Vương Nhân đến. Đồ Man Hưng Phục vội vàng gọi vào hỏi chuyện. Vương Nhân bước vào, liền khóc òa lên. Đồ Man Hưng Phục vội vàng hỏi: - Sự thể đầu đuôi thế nào. Nhà ngươi nên nói cho ta biết. Vương Nhân lại phủ phục xuống đất mà cười sằng sặc. Đồ Man Hưng Phục nổi giận mắng rằng: - Ai trẻ con với nhà ngươi như thế! Sự thể trong kinh thành thế nào? Nhà ngươi nói mau! Vương Nhân nói: - Xin đại vương chớ nóng nảy! Tôi sở dĩ khóc lóc về nỗi đại vương không có con hiền thành ra tâm quyết trong mấy mươi năm trời cũng là uổng phí. Mà sở dĩ cười là mừng về nỗi đại vương dẫu không trở về kinh thành được, cũng còn có thể chạy sang Kim Lăng để nghĩ cách khôi phục. Nói xong, liền đem những công việc của An Quốc tướng quân làm thuật rõ đầu đuôi cho Đồ Man Hưng Phục nghe. Đồ Man Hưng Phục nghe xong, ngồi ngẩn người ra, rồi ngã nhào xuống đất. Quân sĩ xúm lại gọi trong hồi lâu mới dần dần tỉnh dậy, ròi ứa hai hàng nước mắt xuống khóc mà than rằng: - Thôi còn chi nữa mà mong, thật giết Đồ Man Hưng Phục này! Bấy lâu uổng phí bao nhiêu tâm huyết, chỉ những mong chiếm ngôi đại bảo, để lưu nền phú quý cho con cái mai sau. Ai ngờ loài súc sinh lừa cha phản anh, đến nỗi mắc mưu không biết. Ngày nay cửa nhà ta tan nát mà binh quyền đã mất thì loài súc sinh kia cũng tính mệnh khôn toàn. Vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa thật tốt lạ thường; con gái cầm quyền chính trị trong bấy nhiêu năm trời, mà con trai thì người nào cũng đáng bậc anh hùng tài giỏi. Bây giờ ta biết xử trí làm sao cho được, quay về kinh thành hay là chạy sang Kim Lăng? Quan trưởng sự vốn là người trí rộng mưu cao,, xin hãy vì ta mà quyết định phương kế. Vương Nhân đáp rằng: - Bây giờ cũng không còn phương kế chi cho được! Chỉ biết rằng hãy tạm rút về Kim Lăng, rồi sẽ liệu cách thi hành. Chứ quay về kinh thành thì cũng không thể nào về được. Xin đại vương quyết đoán, tức khắc hạ lệnh đi ngay. Đồ Man Hưng Phục tức khắc gọi các tướng đến mà giải quyết về việc phải rút quân sang Kim Lăng. Đồ Man Hưng Phục lại ứa nước mắt khóc mà bảo rằng: - Nếu các tướng không ai theo thì tùy ý, kẻo cha mẹ vợ con đều ở kinh thành. Các tướng khóc mà bẩm rằng: - Dám bẩm đại vương! Chúng tôi đội ơn đại vương trong bấy nhiêu lâu, cha mẹ vợ con nhà chúng tôi cũng đều đội ơn dại vương cả. Ngày nay gặp cơn hoạn nạn, khi nào chúng tôi dám bỏ, dẫu sao cũng quyết một lòng xin theo. Trong khi đang đi, bỗng gặp quân Hán vương kéo đến, phò mã Triệu Câu đón đánh, ba nghìn quân của Đồ Man Hưng Phục chết mất quá nửa, còn một phần ít bỏ chạy tán loạn. Các tướng gia sức hộ vệ Đồ Man Hưng Phục để phá vòng vây mà chạy trốn. Phò mã Triệu Câu truyền cho quan trưởng sử Cao Bí đưa Hán vương cùng Ôn Thái phi và hai bà phu nhân vào trong thành, còn mình thì đem quân đi đuổi theo Đồ Man Hưng Phục. Đồ Man Hưng Phục cùng các tướng cắm đầu chạy trốn, không ngờ mặt sau vẫn có quân đuổi theo, bất đắc dĩ phải chạy vào trong núi, nhìn quanh bốn mặt khó còn được lối nào mà ra. Trong các tướng có một người Mông Cổ, tên gọi Tốc Mộc. Mình cao tám thước, sức khỏe lạ thường lại giỏi nghề cung tên. Tốc Mộc trông thấy có một cây lớn, liền nói với Đồ Man Hưng Phục rằng: - Đại vương để tôi trèo lên nấp ở trên ngọn cây này, đợi khi Hoàng Phủ công tử tới đây, tôi sẽ bắn cho một phát trúng bụng. Nếu Hoàng Phủ công tử chết thì bọn họ như rắn không đầu, còn đi sao được, bấy giờ ta quay lại đuổi đánh, tất bọn họ phải thua. Đồ Man Hưng Phục gật đầu. Tốc Mộc vâng mệnh, tức khắc leo lên trên cây, ngồi nấp vào một chỗ, đứng dưới không trông thấy. Đồ Man Hưng Phục lại cùng mọi người đi thẳng đến miếu Quan Đế. Cửa miếu đóng chặt. Một viên gia tướng đạp toang cửa ra, trông thấy có một người đang thắp hương cúng lễ. Người ấy nghoảnh đầu trông lại, run sợ cầm cập, tưởng là quân cướp giặc đến chực lấy của, liền nói: - Trăm lạy các quan! Trong miếu này thực không có vàng bạc chi cả, chỉ một mình tôi thắp hương ở đây mà thôi. Gia tướng quát to lên rằng: - Chớ nói càn! Đức đại vương đây là dòng dõi “kim chi ngọc diệp”. Người ngẫu nhiên đi qua đây, định vào tạm nghỉ trong miếu này rồi sáng mai sẽ trọng thưởng cho nhà ngươi, nhà ngươi chớ lo sợ! Người thủ miếu ngẩn đầu nhìn thì thấy một vị đại vương mũ áo cân đai, trạc độ bảy tuần. Hai bên có tám chín người theo hầu, mà người nào cũng mũ mao giáp vàng, khí thế có vẻ hùng dũng. Người thủ miếu quì xuống mà bẩm rằng: - Dám bẩm đại vương! Chúng tôi ở rừng núi, không thuộc lễ phép xin đại vương rộng lượng mà tha thứ cho. Đồ Man Hưng Phục nói: - Ta đây qua đây, chẳng may gặp giặc. Đại đội quân mã còn ở phía sau cả. Nay ta vào trong miếu tạm nghỉ, hễ trời gần sáng ta sẽ khởi hành. Nhà ngươi mau mau nấu cơm cho chúng ta ăn, rồi hết bao nhiêu chúng ta sẽ phát tiền trả. Người thủ miếu vâng vâng dạ dạ, vội vàng đi nấu cơm. Đồ Man Hưng Phục cố gượng ngồi ăn, nhưng không thể nào nuốt trôi cho được. Các tướng thì ai nấy đều đều ăn để lấy sức. Khi ăn cơm xong, Đồ Man Hưng Phục ngồi nghĩ thầm trong lòng rằng: “Không biết ta có trốn sang Kim Lăng được không? Mà sang tới đấy thì sông Trường Giang kia dẫu hiểm, nhưng không biết ta có thể cố thủ mà lập nên vương nghiệp được hay không?” Đồ Man Hưng Phục còn đang ngẫm nghĩ thì bỗng nghe thấy cửa miếu mở toang, người đâu kéo vào một lũ, ai nấy đều reo lên: May quá! May quá! Bắt được ở đây rồi! Đồ Man Hưng Phục và các tướng đều bị trói cả. Người thủ miếu khiếp sợ, mồ hôi toát ra đầm đầm, vội vàng sụp lạy phò mã Triệu Câu mà kêu rằng: - Dám bẩm phò mã! Xin phò mã rộng ơn mà sinh phúc cho cái thân giun kiến này! Phò mã Triệu Câu tha cho người thủ miếu, còn thì truyền quân sĩ giải cả về đại dinh. Khi về tới dinh, Triệu Câu mừng quá, tức khắc truyền cất quân vào thành. Phò mã Triệu Câu trông thấy ngoài thành có cắm cờ Triệu vương, biết là Triệu vương đã đến, vội vàng tiến vào trong thành. Các quan văn võ trong phủ Hán vương đều ra nghênh tiếp và dâng câu chúc mừng rằng: - Chúng tôi xin chúc mừng phò mã đã lập được một công lớn là bắt sống được Đồ Man Hưng Phục. Phò mã Triệu Câu nói: - Đó là nhờ hồng phúc của triều đình, chứ chúng tôi có công trạng gì! Khi vào tới cửa phủ, Hán vương và Triệu vương ra đón. Phò mã Triệu Câu xuống ngựa, rồi làm lễ bái kiến. Hán vương cầm lấy tay phò mã Triệu Câu mà bảo rằng: - Thân mẫu tôi mong đợi phò mã mãi!... Nói xong, liền cùng Triệu vương đưa phò mã Triệu Câu vào. Hai vị Thái phi trông thấy, mừng rỡ lạ thường, vội vàng đứng dậy. Phò mã Triệu Câu trước làm lễ triều kiến Mai thái phi, sau làm lễ triều kiến Ôn thái phi. Hai bà Thái phi mời ngồi rồi ban trà cho uống. Bà Mai thái phi hỏi: - Phò mã làm thế nào mà bắt sống được Đồ Man Hưng Phục? Phò mã Triệu Câu thuật hết đầu đuôi cho nghe. Hán vương và Triệu vương khen rằng: - Nếu Phò mã không lưu tâm thì chắc lão gian tặc kia đã tẩu thoát được rồi! Hai bà Thái phi đều nghiến răng mà oán trách Đồ Man Hưng Phục. Hai bà Thái phi nói: - Đứa lão gian ấy dẫu xả thây trăm mảnh, cũng chưa đáng tội. Bao nhiêu sự tàn bạo của con Phi Giao đều bởi tại nó xui giục, nay ta nên tức khắc đem nó ra chém đầu, bất tất phải đợi đến khi Thượng hoàng về triều. Chuyện trò hồi lâu, rồi Phò mã Triệu Câu cáo từ lui ra. Tô Ánh Tuyết phu nhân và Lưu Yến Ngọc phu nhân cùng Hùng Khởi Thần nghe tin Phò mã Triệu Câu mới về, cũng đều kéo đến. Phò mã Triệu Câu trông thấy Hùng Khởi Thần, liền cầm lấy tay mà hỏi rằng: - Công tử đến đây bao giờ thế? Lâu nay vẫn ở đâu? Công tử làm cho Mạnh biểu huynh xiết bao phiền não! Hùng Khởi Thần thuật hết đầu đuôi sau khi tương biệt cho phò mã Triệu Câu nghe, và bảo rằng: - Lưu công bảo tôi cứ nhận là con của Doãn công, không nên nói rõ họ tên, sợ bị Đồ Man Hưng Phục nó hãm hại. Hiện nay tôi đang giúp việc tại phủ Triệu vương. Vừa rồi tôi được gặp hại vị cữu mẫu, mới biết Chu Thông đã đi sang Triều Tiên, và Mạnh biểu huynh ngày đêm lo phiền, điều ấy là lỗi tại tôi, tôi rất lấy làm hối hận. Hùng Khởi Thần nói xong, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng. Phò mã thở dài mà than rằng: - Thôi còn nói làm chi nữa! Chẳng qua tội lỗi tự nhà Hoàng Phủ tôi cả, để di lụy đến nhà họ Hùng. Bây giờ công tử bất tất phải giấu họ tên, khi về tới kinh thành thì một nhà lại được cùng nhau sum họp. Tờ chiếu thư của Thái hậu ban tất là tự tay thân mẫu tôi thảo, con Phi Giao khó lòng mà được sinh toàn. Nhà Hoàng Phủ tôi sau này chưa biết trị đến tội gì cho đáng. Tô Ánh Tuyết phu nhân và Lưu Yến Ngọc phu nhân nghe nói đều xó ý xót thương. Các nữ tỳ bày tiệc, mọi người cùng ngồi uống rượu. Khi uống rượu xong, nghe báo có các quan văn võ đến bái yết. Phò mã Triệu Câu sai người mời vào, ân cần trò chuyện. Vệ Dũng Bưu thuật nỗi gia biến cho nghe và nói: - Nhà tôi chẳng may gặp nỗi biến cố như thế này, khi nào tới kinh thành, thật không mặt mũi nào mà trông thấy gia tỷ nữa. Tôi định chờ cho đại sự thành rồi, bấy giờ sẽ liều một lưỡi gươm mà xuống suối vàng cho rảnh! Phò mã Triệu Câu khuyên giải mà rằng: - Xin nguyên soái chớ lấy làm phiền não. Cái nữ họa này thật gây ra tự nhà Hoàng Phủ tôi. Chuyện trò hồi lâu, Cao Bí đứng dậy nói với phò mã Triệu Câu rằng: - Từ xưa đến nay, phép dùng binh bao giờ cũng cần phải thần tốc. Vậy sáng sớm ngày mai, phò mã nên khởi hành tiến kinh. Phò mã Triệu Câu nói: - Quan trưởng sử nói câu ấy thật là cao kiến, nhưng còn đất Thanh Châu này cũng cần phải tìm người phó thác mới được. Cao Bí nói: - Tôi dẫu bất tài, xin tình nguyện giữ Thanh Châu. Phò mã Triệu Câu mừng rỡ mà rằng: - Nếu quan Trưởng sử chịu giữ Thanh Châu cho thì tôi còn lo ngại gì nữa! Sáng hôm sau, trời mới gần sáng, Phò mã Triệu Câu giao Thanh Châu cho Cao Bí, rồi truyền lệnh cho đại đội quân mã theo Hán vương và Triệu vương tiếng về kinh địa. Khi tới ngoài thành, phò mã Triệu Câu truyền đóng quân lại, sai người do thám xem tình hình trong thành thế nào. Lại nói với Hán vương và Triệu vương thảo một bản tâu dâng thái hậu xin vào triều kiến. Hán vương và Triệu vương khen phải, rồi bảo Hùng Khởi Thần thảo một bản tâu. Hùng Khởi Thần vâng mệnh tức khắc thảo ngay. Lời văn lưu loát, không cần phải chữa một chữ nào cả. Khi Hùng Khởi Thần thảo xong bản tâu, đưa cho Phò mã Triệu Câu xem. Phò mã Triệu Câu tấm tắc khen ngợi, rồi đệ trình Hán vương và Triệu vương. Hán vương và Triệu vương khen rằng: - Văn tài mẫn tiệp, mà lời nói cũng đắc thể, nhưng còn việc đem bản tâu vào dâng thái hậu thì bây giờ biết sai ai. Hùng Khởi Thần quì xuống, khóc mà nói rằng: - Xin điện hạ sai kẻ hạ thần! Phò mã Triệu Câu nói: - Biểu đệ vào đến trong thành, nên bảo hai em tôi mau mau định ngày để mở cửa thành cho quân ta kéo vào, chớ khiến nhân dân phải phiền nhiễu. Nói xong, liền đem bản tâu bỏ vào trong hộp, ngoài bọc một lần gấm, giao cho Hùng Khởi Thần. Lại sai tướng tiên phong là Trương Vĩnh đem quân đi hộ tống. Hùng Khởi Thần cáo từ ra đi, Phò mã Triệu Câu lại gửi một bức gia thư và dặn rằng: - Công tử nên cẩn thận, chớ có nóng nảy vội đến ngục thất làm chi. Đợi khi đại sự thành rồi thì cô phụ và cô mẫu sẽ được ra cả, bấy giờ cốt nhục đoàn viên, lại cùng nhau một nhà sum họp vậy. Hùng Khởi Thần lên ngựa đi, Trương Vĩnh đem một toán quân đi theo. Khi đến ngoài thành, Trương Vĩnh tiến ngựa lên trước, gọi viên tướng thủ thành mà bảo rằng: - Hán vương và Triệu vương có phụng mật chỉ của thái hậu đòi về triều kiến, nay sai quan tham tán đây vào trước để dâng biểu, tướng quân nên mau mau mở cửa thành. Quan thủ thành đô đốc truyền mở cửa dành cho một mình Hùng Khởi Thần vào mà thôi, còn bao nhiêu quân sĩ đều phải đứng ở ngoài thành cả. Hùng Khởi Thần vào đến triều đường, tay cầm bản tâu, đệ trình ở trước long án. Thái hậu mở xem, động lòng xót thương,ứa hai hàng nước mắt xuống mà khóc. Lại truyền tuyên đọc cho các quan cùng nghe. Các quan văn võ triều thần cũng đều gịot lệ chứa chan. Thái hậu phán hỏi các quan văn võ rằng: - Nay Hán vương và Triệu vương đã về đây thì còn phải dùng ai làm giám quốc nữa. Từ khi ta lâm triều chỉ lo đứa lão gian là Đồ Man Hưng Phục kia, nhưng Phò mã Triệu Câu đã bắt được rồi thì thật là một phúc to cho triều đình vậy. Âu là ngày nay ta triệu Hán vương và Triệu vương vào đây để cùng coi giữ việc nước, các quan triều thần nghĩ thế nào? Thái hậu nói xong, lại nức nở khóc hoài. Các quan văn võ cũng đều khóc mà tâu rằng: - Muôn tâu thái hậu! Các triều thần nói rất phải! Như thế mới thật là thuận theo ý trời. Xin Thái hậu không hồ nghi gì, nên mau mau sai hai quốc cữu đem quân đi bắt Đồ Man An Quốc. Thái hậu nghe nói, gọi Nguyễn Long Quang tướng công đến mà bảo rằng: - Các quan triều thần xin như vậy thì tiên sinh nghĩ thế nào? Nguyễn Long Quang tướng công lạy dập đầu mà tâu rằng: - Muôn tâu thái hậu! Thần đẳng nghe mấy lời trong bản tâu của Hán vương và Triệu vương, thật lấy làm hổ thẹn muôn vàn. Thần đẳng bấy lâu bị gian nhân lừa dối, luống những mê muội không biết chi cả, từ khi được hai quận chúa ngày đêm diễn dụ thì thần đẳng đã được hiểu đại nghĩa, vậy xin một lòng tận trung báo quốc, để chuộc tội lỗi bấy lâu. Ngày nay Hán vương và Triệu vương về đây, thần đẳng thiết tưởng không cần phải lập ai làm giám quốc nữa. Vả Đồ Man An Quốc là một kẻ chỉ bó tay chịu khúm núm ở dưới quyền sư tử cái, còn có làm nên được việc gì, xin thái hậu cứ giáng chỉ mà biếm truất ngay đi và sai người đem quân đến bắt bỏ vào ngục thất.