Chương 28

    
ergei Palavin rời chiếc bàn đứng dậy. Anh đặt dấu chấm hết bản đề cương của mình về quan điểm mỹ học của Tsernysevsky. Anh đã viết bản báo cáo khoa học này mất hơn một tháng trời.
Trên bàn là một quyển vở dày cộp đã giở đến trang cuối cùng. Mấy dòng chữ viết vội vòng lên phía trên lấn sang cả cái bìa màu xanh da trời. Sergei suy nghĩ, lại ngồi xuống bàn và viết lên cái bìa sách màu xanh một chữ in “hết”. Sau đó anh giở đi giở lại từng trang một, tất cả có bốn mươi lăm trang. Dưới chữ “Hết” anh ký tên, đề ngày tháng: mười hai tháng Tư.
Thế là thành quả lao động trong nhiều ngày của anh đã hoàn tất… Sergei nâng quyển vở lên tay, thận trọng nâng niu, như cân nhắc một vật gì, rồi quăng nó ra sau tủ. Cuốn vở rơi xuống một cách miễn cưỡng nặng nề. Một cuốn vở dày cộp, được viết hết đến trang cuối cùng và do vậy nên trông trương lên gấp hai.
Bây giờ khi anh đã viết xong một công trình nghiên cứu đòi hỏi sự căng thẳng trí óc và nghị lực, làm cho lao động hàng ngày của anh thêm hứng thú, thì cũng là lúc anh hiểu rất rõ rằng công việc đó không cần thiết đối với anh. Mà cũng không ai cần đến nó cả. Anh sẽ giới thiệu nó ở đâu, mang nó đi đâu? Không biết mang đi đâu cả. Ai sẽ đọc và đánh giá nó? Không có ai cả…
Gần ba giờ chiều. Ánh nắng tháng Tư rọi chiếu vào gian phòng qua chiếc cửa sổ mở toang.Toàn bộ căn phòng tràn đầy ánh mặt trời và hương thơm mùa xuân. Làn gió ấm áp thổi tung những chiếc màn che, lúc thì làm nhàu chúng, lúc thì thổi giạt sang một phía, lúc thì làm phồng lên phần phật. Và nó còn mang vào căn phòng cái mùi của thành phố mùa xuân - mùi táo, mùi của những mái tôn ẩm ướt, của những lớp vôi trát tường chưa khô, của đất, của ét-xăng. Ngoài cửa sổ là những tiếng ồn ào và những tiếng kêu vang: từ ngoài phố vọng vào những giọng nói, tiếng cười, tiếng gầm rít của ô-tô, và những âm thanh đủ loại của nước - tiếng tí tách của giọt rơi nặng nề, tiếng óc ách của nước chảy, tiếng rì rào của những rãnh nước nhô. Ở phía dưới vọng lên những tiếng đập bồm bộp - người ta đập bụi cho những tắm đệm ở ngoài sân. Ở một vài nhà thấy có người đang lau cửa sổ. Một giọng nói sợ hãi kêu lên: “Sonia đừng thò đầu ra cửa sổ đấy!“ và một giọng khác vui vẻ đáp lại: “Không thò… ò… ò đầu…”.
Ba giờ. Mẹ đi làm, tí nữa Xasa sẽ đi học về, ném cái cặp lên mặt hòm đặt bên cạnh cửa ra vào, vớ lấy cái bánh mì cặp thịt ở chạn thức ăn, rồi vừa chạy vừa nhai, lao vút ra ngoài sân, nơi các bạn đang đợi nó với quả bóng ướt nhèm, còn ở trường… Phải, họ đã hết thực tập, bây giờ lại bắt đầu đến nghe giảng. Mười phút trước đây bài giảng cuối cùng kết thúc - bài thứ sáu. Ở phòng treo áo khoác là cảnh chen lấn sôi nổi. Ông lão Lipatyt lại giận dữ càu nhàu “phải theo thứ tự chứ” sinh viên kéo nhau từng đám đi ra ngoài sân, đùa cợt, cười giòn giã… Cuộc sống vẫn như trước, nhưng tươi sáng hơn, vui vẻ hơn, sung sướng hơn, bởi vì mùa xuân đã đến. Nhưng không một ai cảm thấy lạ lùng là trong số họ lại vắng Sergei.
Sergei đứng lên khỏi đi-văng, lục lọi trên bàn và trong túi quần để tìm thuốc lá. Chỉ còn toàn vụn thuốc. Anh không còn tiền. Chả lẽ lại ngồi không cho đến tối, rồi sau đó lại vòi tiền mẹ để mua “thuốc lá đinh” của sinh viên ư? Anh đóng sầm cửa sổ lại. Anh ngồi vào bàn và cầm lấy bút chì vẽ lung tung lên một cái bìa sách. Những cái mũ rộng vành. Anh bao giờ cũng chỉ vẽ được những cái mũ và những đôi ủng, ngoài ra không biết vẽ gì khác nữa.
Cần phải ra đi. Tối nay sẽ nói chuyện lần cuối cùng với mẹ, lấy tiền của mẹ rồi đi. Nếu mẹ không cho, sẽ bán cả sách, cả cái tủ chứa sách, cả những tác phẩm mà anh thu góp được với một tình cảm tỉ mẩn biết bao - và bỏ đi. Tất nhiên mẹ sẽ không cho một xu nào hết. Mẹ sẽ bắt đầu khóc, rên rỉ rằng anh chả thương mẹ một chút nào hết. Thế thì đi đâu?. Ông bác, anh trai của mẹ, người mà mẹ đã kể cho nghe tất cả mọi chuyện, tối nào cũng chỉ ca mãi một điệp khúc: “Mày là thằng hèn nhát, mày sợ phải quay lại với tập thể. Mày xấu hổ vì phải thừa nhận lỗi lầm à”. Hình như điều đó thật là đơn giản!” Có cái gì là phức tạp nào? Nếu là một con người trung thực… Lập luận và răn dạy - những điều đó thật là đơn giản. Đối với họ tất cả đều đơn giản. Làm sao mà họ hiểu được tâm trạng của anh?…
Sergei mở toang cửa sổ. Trong phòng thật ngột ngạt! Anh sờ vào đường ống lò sưởi hơi và với sự ghê tởm, anh rụt vội tay lại - nó nóng bỏng lên. Ngoài sân thì mùa hè, mà lò sưởi thì nóng bỏng lên, thật là ngốc…
Căn phòng lại tràn đầy những tiếng ngân vui vẻ của mùa xuân. Cửa sổ bị gió làm lay động, khiến những bóng nắng chạy như điên loạn ở trong phòng.
Sergei bước nhanh ra khỏi phòng và đi vào cái khoảng tranh tối tranh sáng mát lạnh ở ngoài hành lang. Anh nhấc ống nói lên. Gọi cho Lena ư? Có lẽ cô ấy chưa đến. Hay Spartar?. Fedor Kaplin?. Vadim? Chả lẽ không có ai để anh có thể nói chuyện? Không có ai ư? Anh run rẩy lật giở từng trang trong cuốn sổ tay. Valia Grydinova… Kuznetsov. Krylov. Kaplin. Kodensky… Kodensky à?. Kodensky đây rồi! có thể, ông ta không biết gì hết.
Sergei quay số, nhưng không tin là có Kodensky ở nhà. Một giọng nói trẻ, rất trầm, hờ hững trả lời:
Vâng, tôi nghe đây!
- Cho tôi gặp ông Boris Matveyevich!
- Ông chờ một chút… Này, cậu Boris!
Nghe văng vẳng những giọng nói mơ hồ náo động vọng lại từ một căn phòng lớn, xa xăm, có lẽ rất đông người. Một người nào đó đang tập đi tập lại một đoạn nhạc trên chiếc đương cầm, những âm thanh cũng gợi nhớ mùa xuân, tiếng nước tí tách ở ngoài bệ cửa sổ…
- Ông hỏi ai? Hỏi ai?
- Chào thầy Boris Matveyevich! Em là Sergei đây!
- Ai?. Ồ, Sergei đấy hà?! Chào nhé! - Kodensky vui mừng trả lời. - vẫn không quên tôi ư?
- Vâng, thưa thầy Boris Matveyevich!
- Xin cảm ơn Sergei! Thế nào công việc ra sao? Nghe nói cậu đang đi lên phải không? Trường ta thế nào? Có tin gì mới không?
Ông ta bật nói rất nhanh đến nổi Sergei không kịp hiểu ông nói gì, và anh ngạc nhiên suy nghĩ: “Chả lẽ ông ấy không biết một tí gì về mình chăng!”.
- Hiện chưa có tin gì đặc biệt, thưa thầy Boris Matveyevich! Công việc của thầy ra sao ạ? Thầy vẫn làm việc đấy chứ?…
- Phải, phải, làm sao khác được!. - giọng nói trong ống nghe bất chợt vang lên một cách phấn chấn lạ thường. - Hiện tôi vẫn làm việc ở nhà, viết lách tí chút và đọc sách. Như người ta thường nói là giáo sư tại gia ấy mà… Tương lai thì vẫn chưa rõ ràng, nhưng tôi hy vọng rằng sẽ tốt hơn. Đã đến thời kỳ đánh giá lại những giá trị, có thể nói như vậy, dù có nặng nề và khó chịu. Nhưng… thời gian là liều thuốc tốt nhất đấy. Tôi nói thêm là thời gian và cả công việc nữa, anh hiểu không?
- Em hiểu, - Sergei trả lời. Câu chuyện bỗng nhiên làm cho anh chán nản và anh tự rủa thầm vì đã gọi dây nói cho ông. Hơn nữa. Kodensky lại bắt đầu hỏi tỉ mỉ về sinh hoạt ở trường, về các giáo sư, sinh viên và Hội khoa học. Sergei cố trả lời một cách chi tiết nhất. Những tin anh thông báo cách đây những ba tuần, nhưng Kodensky không thể biết được điều đó và tiếp nhận với sự hứng thú đặc biệt. Cuối cùng, ông ta chào tạm biệt anh.
Sergei lảo đảo rời khỏi máy nói. Lúc này anh hiểu rằng anh đã thầm cầu mong cho Kodensky biết được tình thế của anh, an ủi anh, làm anh tin tưởng, khuyên nhủ anh một câu gì đó, nhưng đó chỉ là một ý muốn ngông cuồng, lố bịch. Kodensky là người ít có khả năng giúp đỡ anh nhất…
Sergei thèm thuốc. Không, không phải thèm, mà anh có cảm giác là tất cả những nỗi đau khổ của anh đều bắt nguồn từ một lý do duy nhất là anh không có gì để hút.
Khi anh bước ra phố, anh đem theo một tập sách dày của Phlobe, tập sách giống như một quả tạ bằng gang. Năm ngoái anh đã bỏ ra ba tháng trời săn lùng cuốn sách này, tìm kiếm khắp các cửa hiệu, ngã giá, đề nghị đổi… Trong các hiệu sách, anh đã bắt gặp nhiều người đi bán sách, và không hiểu vì sao bao giờ anh cũng có cái cảm giác thương cảm họ và hơi ngượng cho họ. Anh thấy nét mặt họ hệt như nét mặt của những người có lỗi và dáng điệu thì cứ như đang trốn tránh một người nào đó vậy.
Hoá ra bán một quyển sách không phải là đơn giản. Ở hiệu sách này là ngày nghỉ, ở hiệu khác lại đúng lúc không có tiền. Đến hiệu thứ ba thì người bán hàng lại ốm. Một người bán sách cũ quen biết, nhác thấy Sergei đã ngạc nhiên hỏi:
- Anh bán Phlobe hả? Thế anh không nhớ rằng anh đã tìm nó như thế nào ư?
- Vâng, vâng, tôi muốn kiếm toàn tập.
- Á, à, ra là thế? - người bán sách cũ tỏ vẻ quan tâm. - Thế mua ở ngoài hay ở hiệu đấy?
- Mua lại của người quen.
- Thế sao trông anh âu sầu thế? Trông tái nhợt, mà sao mắt quầng thâm lên thế? - người bán sách cũ không buông tha. - Anh ốm phải không?
- Vâng, cúm xuân đấy… - Sergei lắp bắp.
Cuối cùng Phlobe cũng bán được. Anh bước ra khỏi quán, nắm chặt trong tay hai tờ giấy bạc. Anh mua ngay một bao thuốc lá. Có lẽ một tháng trước đây hành động đó đối với anh là kỳ cục, thì bây giờ đối với anh lại không có ý nghĩa gì hết.
Lên một chiếc xe ô-tô điện anh hỏi mua vé đến cổng Kirov. Người bán vé bảo rằng phải đi ngược trở lại…
- Thế xe này đi đâu?
- Đến Kaluzhskaya, người anh em ạ! Không đi thì xuống, cửa xe đang mở.
Sergei suy nghĩ giây lát, rồi bỗng nhiên quả quyết ngồi xuống ghế.
- Cho tôi một vé đi Kaluzhskaya.
Chiếc xe chạy qua cầu Đá. Hai bên lan can bằng gang đều có người đứng, rất đông, họ đang nhìn một cái gì đó. Hành khách trên xe cũng dán mắt vào cửa kính xe, tranh nhau nói bằng một giọng kích động và khó hiểu: “Lúc ấy đã lâu rồi… Chúng nó ở đây… Ngày đầu tiên phải không?“. Sergei nhìn qua cửa sổ không mảy may xúc động.
Anh xuống xe ở một bến quen thuộc. Đường phố Kaluzhskaya rộng rãi thênh thang, bóng loáng nước và sạch sẽ như được lau rửa bằng một chiếc bàn chải lớn. Mặt trời chiếu sáng trên mặt đường nhựa và trên các ô cửa của các căn nhà nhiều tầng mới làm. Sergei bước vào sân của một căn nhà mà anh đã nhiều lần đến chơi, nhưng bây giờ trong anh lại xuất hiện một tình cảm tựa như đây là lần đầu tiên anh bước vào căn nhà này.
Chiếc thang máy vừa chạy lên mất rồi, tiếng kèn kẹt của sắt thép cũng vọng dần lên theo. Đứng chờ thang thì thật là vô nghĩa, Sergei đành leo bộ vậy, anh nhảy cách nhiều bậc một.
Vadim, Spartar, Lagodenko và Nina Fonika đang ngồi sau một chiếc bàn trong một căn phòng có những ô cửa sổ mở toang. Vadim đọc cho các bạn nghe bản đề cương của mình (anh mới viết xong tối qua), và họ đã bàn luận đến hai giờ đồng hồ rồi.
Cả bốn người tranh nhau nói, ồn ào và sôi nổi, đến nổi không nghe thấy tiếng chuông gọi cửa. Thậm chí mọi người cũng không nghe thấy tiếng động khe khẽ ở cửa ra vào, và chỉ nhận ra Sergei khi anh đã bước hẳn vào trong phòng.
Sergei bước vào với thái độ ngẩn ngơ, hơi e ngại, điếu thuốc đang cháy ở trên môi và anh lập tức dừng lại - anh không ngờ lại gặp ở đây cả từng ấy người quen.
Vadim trông thấy đầu tiên, bèn đứng dậy, lặng lẽ bắt tay anh. Spartar và Nina cũng im lặng chào, còn Lagodenko thì lớn tiếng:
- Chào cậu.
Anh nhìn Sergei một cách rất ngạc nhiên và băn khoăn, cho tới lúc Sergei ngồi xuống ghế mới nói:
- Thế nào, anh bạn, cậu hệt như là một hành khách hạng nhất trên chiếc tàu biển bị bão ấy! Cậu làm sao thế?
- Bị cúm mùa xuân, - Sergei nói. - Này Vadim, cậu có bận gì bây giờ không?
- Không! Mọi người đang thảo luận về bản đề cương của mình.
- Thế nào?
- Rất tuyệt, - Nina đáp. - Rất tiếc cậu không đến sớm hơn mà nghe.
- Mà học tập chứ gì? - Sergei khẽ cười hỏi.
- Cậu đang làm gì bây giờ? Cậu ở đâu? - Spartar hỏi, làm như không nghe thấy Sergei nói gì.
- Hiện giờ thì ở nhà… Vadim, mình muốn nói chuyện với cậu.
Vadim gật đầu.
- Tí nữa sẽ nói, đừng ngại gì hết, - Lagodenko vừa nói vừa đứng dậy và đi tới bên Sergei, hích mạnh vào vai anh. - Hãy nghe mình nói đây, Sergei! Cậu định bỏ đi ư? điều đó thật là ngu xuẩn và sai lầm. Cậu không phải đi đâu cả, mà hãy ở lại trường. Không phải ở khoa hàm thụ, mà ở khoa chính quy. Ở tại lớp của chúng mình, cậu hiểu không? Mình cũng có một lúc nào đó dự định bỏ đi, dự định… Nhưng mình đã biết dừng lại đúng lúc. Mình khuyên cậu cũng bỏ những ý nghĩ đó đi. Cậu sẽ thanh thản, hiểu không? Chính cậu sẽ thanh thản. Mình nói thế thôi.
- Không, chưa hết đâu! - Spartar kiên quyết phản đối. - Sergei, tại sao cậu lại xin chuyển sang khoa hàm thụ và có ý nghĩ bỏ đi? Cậu hãy trả lời một cách trung thực đi: vì cậu không đồng ý với chúng mình à? Cậu cho là cậu không có lỗi gì hết sao? Cậu trả lời đi!
Sergei âm thầm nhìn qua cửa sổ. Anh im lặng hồi lâu, cắn mãi cái mẩu thuốc đã tắt. Tàn thuốc rơi xuống quần, anh không nhìn, mà cứ thế phủi như một cái máy.
- Tại sao cậu im lặng? - Spartar nóng ruột hỏi.
- Mình đã có lệnh chuyển sang khoa hàm thụ…
- Thôi đi! Cậu nói nhăng nói cuội làm gì! Nếu cậu muốn trở lại, người ta sẽ nhận cậu. Nếu có khó khăn… thì có thể chịu khó đề nghị. Nếu cậu quyết tâm trở lại - như thường nói - một cách thẳng thắn, công khai…
- Theo cậu thì việc đó đơn giản thế ư? trở lại sau khi…
- Thế thì cậu nghĩ thế nào! - Spartar thốt lên. - Tất nhiên không phải là đơn giản đầu. Bây giờ thì tất cả đối với cậu không phải là đơn giản. Dễ nhất là cầm quyết định và chuồn đi. Bỏ chạy cho nhanh! Và lại còn làm ra vẻ bị đau khổ quá đáng nữa chứ…
- Đúng, đúng! - Lagodenko phá lên cười. - Như thể Lermontov bị đi đày ấy!
- Cậu nói rất khéo… - Sergei đáp, mặt nhăn lại vì đau đớn.
- Cậu nghe đây, chúng mình hiểu tất cả, - Spartar nói một cách bình thản, - Trở lại không phải là một điều dễ dàng. Hơn nữa, cậu tự mình ra đi, theo ý muốn kỳ quặc, ngu xuẩn nhất của cậu, mà thực ra thì cái ý muốn đó là gì? Chỉ làm bộ làm tịch thôi! Phải, chỉ là làm bộ thôi. Mình tin là như thế! Cậu có thể hiểu ra điều đó, nhưng thay đổi bản thân mình thì rất khó, rất đau đớn, tính tự ái bị dằn vặt. Nhưng dù sao cậu cũng phải trở lại. Cậu đã phạm lỗi trong tập thể của chúng ta, thì cậu cũng phải chuộc lại lỗi lầm trong tập thể chúng ta. Còn mình… mình tin rằng cậu sẽ trở thành một đoàn viên, một con người chân chính.
- Đúng. Hoàn toàn đúng, - Lagodenko nói. - Thôi, chúng mình đi xem băng trôi đi. Hôm nay là ngày đầu tiên phải không?
- Từ ngày hôm qua rồi, từ buổi tối ấy, - Nina đáp. - Biết bao nhiêu người đứng ở hai bên bờ, mà lại đứng hàng giờ nữa chứ! Theo mình, đó chỉ là một trò ngớ ngẩn…
- Không, cậu chả hiểu gì cả! Đi ngay thôi!- Lagodenko lấy hai tay nhẹ nhàng nâng bổng Nina qua gian phòng ra tới cửa. - Xem băng tan cũng giống như đi dự hoà nhạc vậy. Mà giao hưởng nhé! Đi thôi, nếu không lại chen nhau mất. Các cậu có cần người làm chứng không?
- Không cần, - Vadim đáp.
Ba người đi ra. Một lúc sau, qua cửa sổ Vadim đã trông thấy họ đứng ở bến đợi xe ô-tô điện. Lagodenko cũng nhận ra Vadim và làm những cử chỉ khó hiểu - nắm chặt tay đập đập vào không khí, giậm chân, rồi lại vung tay lên giống như đang đập một cái búa vô hình Vadim gật đầu tỏ vẻ hiểu, mặc dù anh chả hiểu tí gì trong cái tín hiệu đó cả.
Sergei đi đi lại lại ở trong phòng. Anh lại hút thuốc và phủi tàn rơi xuống sàn.
- Có gạt tàn ở trên bàn… - Vadim nói.
- Xin lỗi… - Sergei dừng lại bên cạnh bàn, lấy tay giụi tắt điếu thuốc. - Thế này… Trước hết, mình không biết thái độ của cậu đối với mình bây giờ thế nào.
- Mình cũng không biết thái độ của cậu đối với mình.
- Mình sẽ nói. Mình đối với cậu… Phải, rất tồi tệ. Một thời gian. Cậu là một hòn đá đầu tiên, lăn từ trên đỉnh núi xuống, đập tan những tảng đá khác và làm đổ một khối đất đá đang bao bọc quanh mình… Mình đã nghĩ như thế, Vadim ạ.
- Điều đó có tính chất hình ảnh quá.
- Có thể như vậy, Nếu đứng ngoài,…
Sergei im lặng. Anh nhíu lông mày nhìn vào một điểm dưới chân mình, sau đó từ từ ngước mắt lên, và bắt gặp ánh mắt của Vadim, anh lại cụp mắt xuống, đôi lông mày nhíu lại một cách ảm đạm hơn.
- Thế còn bây giờ?
- Thoạt đầu mình bàng hoàng, không hình dung nổi nữa… Đã mấy ngày qua, và mình đã hiểu ra, - Sergei giận dữ nói, mắt đã không ngước lên. - Bây giờ mình sẽ không nói những lời sám hối đâu, mình không nhắc nhớ lại những sai lầm của mình, và tất cả những điều đó… Những lời nói trống rỗng không đáng một xu. Hành động phải trả lời bằng hành động, công việc phải chuộc lại bằng công việc. Điều đó ai cũng biết… Minh chỉ muốn nói rằng bây giờ mình đã trở thành một con người khác. Không, không phải đối với các cậu đâu! Mà đối với chính mình…
- Lại “đối với mình“ phải không? - Vadim mỉm cười.
- Mình muốn nói: bây giờ, bây giờ chưa phải là đối với các cậu! - Sergei đỏ mặt lên.
- Rõ rồi. Cậu nói tiếp đi.
- Thế là… Và trong hai mươi ngày ấy mình đã nghĩ lại tất cả, mình hiểu rằng dù mình có bị phê phán gay gắt và… kịch liệt… nhưng nói chung hình như là cũng xứng đáng thôi, Và bây giờ mình nghĩ đến cậu… Nói tóm lại, mình đến hỏi ý kiến cậu - mình phải làm gì bây giờ?
Lúc này anh nhìn Vadim không rời mắt. Khuôn mặt tái xanh có đôi gò má cao trông khác hẳn đỏ hồng lên xung quanh đôi mắt.
- Cậu phải làm gì ư? - Vadim nói lại. - Trước hết, việc cậu đến đây là rất tốt. Nói thật, mình biết thế nào cậu cũng sẽ tới. Mình đã tin như thế. Đó là bước đi đúng đầu tiên của cậu, bởi vì cậu biết mình sẽ khuyên cậu, cả Spartar và những người khác cũng sẽ làm như thế. Chúng mình chỉ có thể khuyên cậu một điều.
Sergei gật đầu và như bất chợt được cởi mở tấm lòng, anh nói vội vàng lộn xộn như cướp lời:
- Mình không thể chịu nổi! Đúng, mình đã tìm đến cậu, bởi vì… cậu không thể tưởng tượng được điều đó như thế nào… Cái điều vẫn thường xảy ra khi con người bị lâm vào cảnh cô độc. Không, chính mình cũng cảm thấy rằng mình không thế nào bỏ đi được, đó là sự trốn tránh, bạc nhược - mình biết như thế, mình biết… Nhưng mình cảm thấy khổ tâm đau đớn hơn, khi trở lại. Thậm chí, ngay cả đến gặp cậu thôi… Bởi vì, Vadim ạ, mình là con người của xã hội, mình không thể sống thiếu mọi người, thiếu tập thể, mặc dù mình vẫn còn mang dòng máu vị kỷ. Trong hai mươi ngày ấy… Phải, mình đã viết về Tsernysevsky, mình viết suốt ngày đêm để cố làm cho bản thân được khuây khoả… Nhưng làm như thế để làm gì? Rồi sau đó ra sao? Đem nó đi đâu, nhét dưới gối ư? Đọc cho ai nghe?. Đúng, không thể chỉ vì một công trình nghiên cứu ấy! Nói cho cùng, đó chỉ là chuyện vặt… Dầu sao mình cũng đã gắn bó, quen thuộc với trường, với bạn, và với cuộc sống của chúng ta… Thế mà bỗng nhiên mình đã tự cắt đứt, đã trở nên cô độc, như sống trên một hòn đảo nhỏ, sau khi chiếc tàu đã bị tan nát vì bão tố. Chỉ có Lena đã làm cho mình gắn với cuộc sống… Chỉ có một mình Lena thôi! Phải, mình đã yêu Lena, yêu một cách thực sự, Vadim ạ… Điều đó bắt đầu từ những câu chuyện chẳng đâu vào đâu cả. Nhưng bây giờ đã trở thành một vấn đề khác, quan trọng… Đúng là gần Lena minh thấy dễ chịu hơn. Và cũng có thể là nặng nề hơn… Mình không biết nữa…
Sergei nhún vai, rồi đột nhiên so vai lại, im bặt. Hình như anh bối rối, bực tức vì câu chuyện riêng của mình, vì đã nói quá lời.
- Thôi được, - Vadim vừa nói vừa chăm chú nhìn Sergei, - Chúng ta ra phố đi.
- Đúng, hay đấy! Ngoài đó là mùa xuân…
Hai người bước ra phố Kaluzhskaya đang được ánh mặt trời màu vàng da cam chiếu chếch xuống. Từ góc những căn nhà, những máng nước đổ xuống như thác và mọi người chạy qua tay giữ chặt mũ, cong người nhảy vụt qua những vũng nước.
Đến khuya Vadim và Sergei Palavin chia tay nhau ở quảng trường rộng, đông đúc. Cả hai người mệt nhoài vì nói chuyện, vì phải đi đi lại mấy giờ đồng hồ liền không nghỉ.
- Sergei, cậu có nhớ, chính tại quảng trường này chúng mình đã gặp nhau lần đầu tiên sau chiến tranh không?
- Đúng, nhưng ở đằng kia, bên cạnh nhà hát…
- Đúng. Và vào ban ngày.
Cả hai người cùng lặng đi, nhìn ra quảng trường tràn đầy ánh sáng ban đêm.
- Mình nhớ là, lúc ấy cậu dặn mình: cẩn thận, đừng có yêu đương vội! Chuyện ấy, cậu nói, phiền phức lắm. Tiến lên một mình dễ hơn. Thế mà lúc ấy mình chả chú ý đến…
- Đến cái gì?
- Đến cái việc “tiến lên một mình” ấy mà. Mới đây mình đã đọc lại cuốn “Lão Gorio”, và gặp lại cái câu này, cái phương châm của Raxtinak: “dù thế nào cũng phải tiến lên!” Rốt cục thì kết quả của anh chàng cũng không đến nổi tồi… - Vadim liếc nhìn Sergei rồi mỉm cười. - Nói chung là được rồi, hiểu cả rồi! Việc gì phải nói dài…
- Cậu nói đúng, đúng… - Sergei vừa lắp bắp vừa gật đầu. Anh gần như cóng lại trong chiếc áo khoác bằng vải gabadin mỏng có cái cổ cao, đầu rụt vào hai vai. - Nhưng, Vadim ạ, mình muốn nói rằng, trong thâm tâm, tức là ở trong tâm hồn mình, mình không phải là một kẻ hám danh, không, hoàn toàn không! Đối với bản đề cương, điều đó xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên, không có dự định gì cả. Cậu có thấy thông thường - chắc đã có lúc người ta thường quen với những ý nghĩ của người khác, rồi sau đó hoàn toàn quên mất rằng cái đó không phải là của mình, mà là của người khác… Có lẽ mình cũng y như vậy. Còn nói chung… nói chung, tất nhiên, mình muốn chơi trội… muốn vượt hơn mọi người… Bây giờ mình rất buồn, Vadim ạ…
- Cậu sẽ còn thấy nặng nề hơn nữa, - Vadim nói khẽ và với một giọng tin tưởng, - Tất cả phải bắt đầu lại từ đầu. Phải lấy lại tình bạn, cả sự kính trọng, lẫn cái vị trí hàng đầu, mà cậu đã quen thuộc. Nhưng mình nghĩ rằng, không còn con đường nào khác.
Im lặng một lúc, Sergei nói.
- Ba năm trước đây chúng mình gặp nhau ở đây, như chưa từng quen nhau, mà là đôi bạn hoàn toàn mới mẻ… Mình thấy hình như không phải là ba mà là ba mươi năm đã qua đi. Và bây giờ chúng mình lại đứng ở đây - lại chưa từng quen biết, mới mẻ. Dường như chúng mình vừa mới làm quen với nhau.
- Đúng, biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, - Vadim đồng ý. - Có lẽ, chúng mình lại sẽ quen thôi, phải không? bởi vì chúng mình còn một năm rưỡi nữa sống chung với nhau kia mà.
- Để xem, - Sergei nói ngắn gọn, rồi chìa tay. - Thôi, tạm biệt!
Anh bước xuống ga xe điện ngầm chan hoà ánh sáng.