Chương 27

1920 - 1924
- Trước 1925 danh từ “ Việt-Nam “ chưa được thông dụng trong dân chúng.
- Nước gọi là An Nam, Dân gọi là người An Nam, hoặc là Annamite ( theo tiếng Pháp ).
- Ða số "Thượng lưu trí thức Nam kỳ “ nhập tịch dân Pháp, theo đạo Thiên Chúa, và sống theo Tây.
- Hoàng thân Lào, Sinh Viên Cao Ðẳng Công chính Hà Nội, tên là Souphanouvong, lấy vợ An-Nam ở Nha Trang ( Nay là lãnh tụ Pathet Lào ).
- Nhiều tỉnh Bắc, Trung Kỳ chưa có đèn điện.
- Dư luận xôn xao về vụ một ông Quan Ba tàu thủy Pháp cho học trò nhiều tiền để đánh ông trên đường đèo, đêm vắng.
- Một ông Giám-binh Tây, đi kinh lý, ở ngủ lại ban đêm trong làng.
Trước 1925, hay nói cho đúng là trước tháng 7-1925, hồi cụ Phan bội Châu chưa bị Tây bắt tại Thượng Hải đưa về Hà Nội, danh từ "Việt Nam" chưa được phổ thông trong dân chúng, và chưa được chính thức áp dụng ở xứ ta. Trên các công văn, báo chí, sách vở bằng chữ Pháp cũng như chữ Quốc-ngữ không mấy khi dùng đến hai tiếng "Việt-Nam".
Bên Nam triều, theo quốc hiệu đã được sửa đổi từ thời vua Minh-Mạng, các giới quan trường và trên các giấy tờ chính thức, đều dùng hai chữ “Ðại-Nam “. Vua An-Nam được xưng hô là Ðại Nam Hoàng Ðế.
Các nhà trí thức, khiêm nhường hơn, thường viết là “ Nước Nam “, hoặc “ Nam Quốc “, còn dân chúng, từ Nam chí Bắc, lại quen dùng danh từ đã có sẵn từ nghìn xưa, do chính người Tàu ban bố cho, là “ nước An-Nam “. Người Tàu gọi người Việt là Ố-nàm-dàn(An nam nhân). Ở Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu, chủ trương một tờ báo văn nghệ, lấy tên là An Nam Tạp Chí. Ở Saigon, ký giả tài ba xuất chúng là Nguyễn Phan Long điều khiển một tờ báo viết bằng Pháp-ngữ, lấy tên là Echo Annamite.
Riêng ở Nam kỳ, phần đông các giới “ thượng lưu trí thức “, và các nhà kỹ nghệ, thương mại, đại điền chủ ở Saigon và Lục tỉnh, lại không thích người ta gọi mình là "Annamites”. Ða số đã xin vô "dân Tây “, sống theo lối Tây, và hãnh diện được gọi là "Citoyens Français “ ( công dân Pháp ). Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, trái lại, hạng “An Nam dân Tây “ rất hiếm. Ngay những người thân Pháp nhất, triệt để trung thành với Pháp, nhà văn như Phạm Quỳnh, quan lại cao cấp như Hoàng Trọng Phu, ViVăn Ðịnh, Tôn-Thất Hân, Thái văn Toản, v.v…đều giữ nguyên quốc tịch An-Nam.
Về tiếng xưng hô địa danh của ba miền, tuy người Pháp đã đặt riêng ra ba tên khác nhau: le Tonkin ( Bắc-Kỳ ) -- người là les Tonkinois ; L’Annam ( Trung Kỳ ), người là les Annamites du Centre; la Cochinchine ( Nam Kỳ ), người là les Cochinchinois, nhưng tiếng An – nam và Annamites vẫn thông dụng hơn, từ Nam chí Bắc. Ở Hà nội, Hải phòng, cũng như ở Huế, Qui nhơn, Saigon, Cần thơ, Châu đốc dân chúng vẫn quen gọi với nhau là “ người An-nam “ và nói: hàng hóa Annam, ngày An-nam, các quan An-nam, tiệm buôn An-nam, ngày Tết An-nam, v.v…
Chính những người có học thức cũng quen nói như thế trừ những nhà làm cách mạng mà thôi. Những người bình dân ở Saigon và Lục tỉnh, không học Ðịa dư, thường gọi từ Nha Trang trở ra là “ xứ Bắc “, hoặc là “ xứ Huế “,” xứ Nghệ “. Ít khi họ phân biệt là miền Bắc, miền Trung. Thỉnh thoảng họ gọi bằng một danh từ châm biếm và khôi hài là “ dân trọ trẹ “. Tại vì tiếng nói từ Nha Trang trở vào Phan Thiết, cũng na-ná như tiếng miền Nam, còn từ Qui-nhơn trở ra Nghệ An, Hà Nội, giọng nói hơi nặng, người miền Nam nghe khó hiểu.
Người miền Trung lại gọi Nam Kỳ là đất "Ðồng Nai Gia Ðịnh “. Người bình dân miền Bắc thỉnh thoảng lại gọi Nam Kỳ là “ xứ ở gần mặt trời".
Cho đến năm 1932, đường hỏa xa từ Hà nội vào Trung Kỳ chỉ mới tới Tourane, mà người Việt gọi là Cửa Hàn ( nay là Ðà Nẳng ). Ðường xe lửa từ Saigon ra, cũng chỉ đến Nha Trang, nơi đây là ga cuối.
Tại Nha Trang năm 1924, có một khách sạn khá lớn ở ngay trước ga xe lửa, mà chủ nhân người An-nam, đặt tên là Hotel Terminus ( Khách sạn Cuối ). Ông chủ Hotel, có một cô con gái khá đẹp và rất lãng mạn, tên là Kỳ Nam.
Vào khoảng 1937, có một cậu sinh viên trường Cao Đẳng Công Chính Hà nội là một Hoàng tử Lào, nhân dịp nghỉ hè, đi nghỉ mát ở Nha Trang. Cậu sinh viên Hoàng tử đến trọ tại "Khách sạn Cuối “ và được dịp làm quen với cô Kỳ Nam, con gái ông chủ. Ðối với cậu Hoàng tử Lào lúc bấy giờ, lấy được một “ tiểu thư Annam “ làm vợ là cả một vinh dự lớn lao.
Ðối với cô thiếu nữ lãng mạn ở Nha Trang, lấy một người chồng là Hoàng tử, mặc dầu là Hoàng tử Lào, và không đẹp trai, cũng là một hạnh phúc thần tiên. Thế là cuộc tình duyên thơ mộng đã kết cuộc bằng một đám cưới vô cùng long trọng. Ðôi vợ chồng Việt – Lào đó hiện nay vẫn còn sống và cậu sinh viên Hoàng Tử Lào lúc bấy giờ chính là Souvanna Souphanouvong, lãnh tụ Pathet Lào hiện nay.
1924, nhiều tỉnh chưa có đèn điện, tuy là những thành phố lớn vào hạng ba, hạng tư, ở toàn xứ An nam. Ðường phố vẫn còn thắp đèn acétylène cháy nhờ hơi đá carbure, đựng trong một bình bằng đồng, lồng trong bốn mặt kiếng, trên cột sắt sơn đen và chạm trổ rất đẹp. Thường có những con thằn lằn to lớn không biết từ đâu bò lên trên mặt kiếng để đớp những con thiêu thân. Hình bóng những con thằn lằn ấy ngã xiêng xuống mặt đường, lúc hiện ra nằm dài trên đường lộ, lúc rút lại trong bóng tối, như những bóng ma. Nhất là trong những đêm mưa gió và ở các ngã tư vắng vẻ những “bóng ma" ấy thường làm cho những học trò nhút nhát ghê rợn không dám đi qua.
Trừ ba thủ đô Saigon, Huế, Hà Nội, và các thị trấn quan trọng như Nam Ðịnh, Hải Phòng, Vinh, Tourane, Cần Thơ, v.v…, còn hầu hết ở các thành thị khác, đường phố không có tên, và không có số nhà. Dân chúng thường gọi theo những tên địa phương mà không ai đặt ra nhưng moị người đều biết, như: đường Lò Heo, đường Lò Vôi, đường Bờ Sông, đường Cống Kiều, đường Nhà Thờ, đường Miễu Cô hồn v.v…
Tuy thế, trong mỗi tỉnh, đường nào ở đâu, nhà nào ở đâu, nhà ai, ở xóm nào, mấy anh cu li xe kéo đều biết hết. Vì đường phố hãy còn ít, nhà cửa chưa đông đúc, đất trống còn nhiều, kỹ nghệ chưa thành hình, thương mãi của người An nam gần như không đáng kể.
Hầu hết các hiệu buôn bán lớn là của "các chú “, của “ Chà và “ của “ Ma la bà “ ( Chà và là Java – Nam Dương ; Malabar: gốc Ấn Ðộ ). Các hãng xuất nhập cảng là của người Tàu, hoặc Pháp, An nam chỉ đành phận bé nhỏ, nghèo hèn, với những tiệm cúp tóc đơn sơ, tiệm thợ may ( hai ngành này phát triển nhất ) thuốc Nam, thuốc Bắc, hoặc tạp hóa nho nhỏ. Thỉnh thoảng xen vào một vài tiệm người Bắc, chuyên môn bán đồ đồng ( mâm, lư, đèn ) và một ít lụa Hà Ðông.
Trừ một vài đại lộ đã trải nhựa goudron để cho xe hơi chạy, nhất là xe các quan, còn thì hầu hết các đường phố đều lồi lõm, chổ u, chổ đột, sạn đá gồ ghề, mỗi lần mưa to là nước chảy như đường mương, khe suối.
Cứ chiều chiều, tan giờ học, Tuấn thường ưa đi dạo xem các dãy phố, các tiệm buôn, các nhà cửa vườn tược, chùa miếu ở khắp hang cùng ngỏ hẻm. Tính tò mò, chỗ nào cũng muốn đến, việc gì cũng muốn thấy, chuyện gì cũng muốn nghe, cậu học trò 15 tuổi mặc áo dài đen vá nơi cùi chỏ, mang đôi guốc cùn ba xu, đi lang thang khắp phố, khắp phường.
Gặp các ông giáo, nhất là ông giáo sư Vật Lý học và Hóa Học, cậu vội vàng chạy trốn. Ông này người Huế, mặt nhiều mụn, cái miệng hay dô ra, cặp mắt sáng quắc, thường đi xe máy. Tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Hà nội, ông rất giỏi về Lý-Hóa, nhưng cũng rất nghiêm khắc với học trò. Ðã ba lần rồi, buổi chiều gặp Tuấn đi chơi ngoài phố, là sáng hôm sau giờ Vật-lý hay Hóa, ông gọi Tuấn lên trả bài. Luôn luôn ông cho Tuấn ăn hột vịt. Một buổi chiều chủ nhất, ông trông thấy Tuấn nằm chơi một mình trên bãi biển Gành Ráng, sáng thứ hai ông kêu Tuấn lên trả bài. Trò Tuấn ở nhà học thuộc bài vanh vách, nhưng không biết tại sao khi vào lớp, đứng trước mặt giáo sư trò quên tất cả. Ông giáo thưởng cho trò một con zéro bự rồi trừng mắt nói với cả lớp:
-Ce cancre ne sait jamais ses leçons, parce qu’il s’ amuse tout le temps avec les cancres ( Thằng học trò lười biếng ấy không bao giờ thuộc bài bởi vì nó chơi cả ngày với mấy con cua biển ).
Do lối “ chơi chữ “ của ông Giáo sư, vì chữ cancre có hai nghĩa, mà bạn bè trong lớp gọi đùa Tuấn là “ con cua biển “ ( hay là thằng lười biếng, theo nghĩa thứ hai ).
Một buổi tối, Tuấn nằm trên bãi cát, nghe tiếng sóng hòa nhịp với tiếng reo vi vu của rặng cây phi lao trên Cầu Tàu. Ngoài khơi, có chiếc tàu Orénoque của Tây đậu cạnh hải đăng. Ông quan ba với mấy người thủy thủ chèo chiếc tam bản ( tây gọi là sampan ) vào cặp bến. Mấy người thủy thủ lên bờ, đi bách bộ vào thành phố, vừa đi vừa hát om sòm. Bãi bể tối om, xa xa có một ánh đèn đá lắt leo trong gío lộng. Tuấn ngạc nhiên thấy ông quan Ba đến gần cậu.Tuấn không lo sợ gì, vì cậu đã biết nói tiếng Tây, sẵn sàng đối đáp. Ông quan Ba vuốt tóc cậu. Và khẽ nói với giọng rất hiền hòa:
- Bonsoir, mon enfant
Tuấn bạo dạn đáp lại, với giọng con nít:
- Bonsoir, monsieur…
Ông quan Ba lấy trong túi ra một gói sô-cô-la cho Tuấn, và bảo Tuấn đưa ông đi dạo phố. Lần đầu tiên Tuấn được đi chơi với ông Tây, -- lại là ông quan Ba tàu thủy, -- nói chuyện với ông thân ái và tin cậy như một người bạn lớn tuổi. Dọc đường, ông bảo Tuấn rủ thêm bốn đứa bạn nữa cùng đi cho vui. Ông nói:"Tôi rất yêu thanh niên An nam “. Tất cả có bốn đứa bu theo bên ông đều là bạn học của Tuấn, được ông cho kẹo, cho thuốc hút, cho nhiều tấm hình cartes postales in các thắng cảnh bên Tây rất đẹp. Rồi ông đề nghị:” các em đưa tôi đến một nơi nào thật hoang vắng, ngoài châu thành, nơi không có người qua lại. Ngồi chỗ vắng như thế, chúng ta sẽ xem trăng, xem sao, và nói chuyện thú hơn “. Tuấn và bốn đứa bạn hăng hái đưa ông lên chân núi Xuân Quang, nơi đây không một bóng người, không một túp nhà, cách xa thành phố 2 kí lô mét.
Sau khi tất cả đều ngồi xung quanh ông, trên một bãi cỏ, nghe ông kể chuyện bên Tây, một lúc thật vui, ông quan Ba cười bảo: ”Bây giờ các em sẽ xem tôi bày ra một trò chơi rất lý thú nhé “. Cả bọn nôn nao vui mừng. Ông lấy một đồng bạc đưa Tuấn, bảo:"Em xuống phố mua chừng 5 thước dây dừa thứ lớn và thật chắc, 9 hoặc 10 cây roi mây, hoặc roi tre, hay là những khúc củi dài cũng được, và 100grammes ớt thứ thật cay, với 100 grammes muối “. Tuấn hơi lo ngại hỏi:” Trò chơi gì mà phải dùng các món đó? “Ông quan Ba cười, nụ cười hiền lành đáng tin cậy:
- Em cứ đi tìm các món đó về đây, rồi các em xem tôi làm trò chơi này hấp dẫn lắm.
Tuấn và một đứa bạn theo lệnh ông vội vàng chạy về phố tìm mua một bọc ớt, mốt gói muối, và năm cuộn dây dừa. Còn roi thì các trò không biết mua ở đâu, bèn bảo nhau nhổ đại mấy cây tre cắm hang rào của một căn nhà trống ngoại ô.
Khi Tuấn trở lại núi Xuân Quang với đủ các đồ"chơi" kia, ông quan Ba vui vẻ bảo:” Các em lột hết quần áo của tôi ra, lấy dây dừa cột hai tay hai chân của tôi lại,và trói chặt nhé, và đè tôi nằm xuống đất, đừng cho tôi quẫy cựa. Rồi các em thay phiên nhau mỗi người cầm một cây roi tre đánh vào mông đít tôi. Phải đánh thật dữ tợn. Các em đánh tôi như đánh một kẻ thù, vừa đánh vừa chửi, và đánh thật mạnh, đừng sợ tôi đau. Ðánh mãi chừng nào gãy nát hết mấy cây roi, và đánh sao cho nổi lằn trên đít tôi, cho rơm rớm máu …Nhưng các em nhớ rằng chỉ đánh trên mông đít, đừng đánh trên lưng hay trên đầu, hay các chỗ khác trên thân thể tôi. Ðánh trên mông cho chảy máu rồi gĩa muối ớt cho thật nhỏ, chà xát trên những chỗ lằn roi rớm máu ấy. Xong rồi tôi sẽ thưởng cho mấy em mỗi đứa 2 đồng bạc.
Hai đồng bạc thời bấy giờ giá trị hơn 200 đồng ngày nay. Tuấn và bốn đứa bạn do dự, không đứa nào dám làm công việc lạ lùng ấy mà các trò không hiểu tại sao. Nhưng ông Tây quan Ba cứ năn nỉ, van lơn, và đưa trước cho mỗi trò hai đồng bạc. Sau cùng, Tuấn bảo các bạn:” Tuị mình cứ làm như lời ổng dặn, nếu có xẩy ra việc gì thì chạy trốn. Trời tối, đêm vắng, núi hoang, sợ cóc gì, hè! “
Nhưng Tuấn hỏi ông quan Ba:
- Chơi trò chơi chi mà kỳ cục thế hả ông?
Ông Quan Ba mỉm cười đáp:
- Các em làm cái việc ấy xong, rôì tôi kể chuyện cho nghe. Chuyện hay lắm.
- Tụi tôi đánh ông, rôì ông có đánh lại tụi tui không?
Ông quan Ba cười:
- Không, tôi là Quan Ba Tàu Thủy, tôi không phỉnh gạt các em đâu.
- Lỡ đánh ông rôì tụi tui bị lính bắt bỏ tù thì sao?
- Nơi đây vắng vẻ, có ai biết đâu? Chính tôi đề nghị cái trò chơi ấy cơ mà! Nào! Bây giờ các em xúm lại lột quần áo của tôi ra đi. Chúng ta bắt đầu cuộc chơi rất hấp dẫn say mê này. Nào! Các em ra tay đi!
Tuấn cưòi bảo mấy đứa bạn cùng xáp vào thi hành “ trò chơi “ ly kỳ, bí mật, mặc dầu chưa biết kết cuộc sẽ như thế nào.
Ðể kích thích sự can đảm của năm thiếu niên Annam, ông Quan Ba tự cởi hết áo quần ra.
Tuấn lấy sợi giây dừa, cùng bốn đứa bạn bắt đầu trói tay trói chưn ông Tây …Nói đúng ra năm cậu con nít này đều có cảm tưởng đang làm một việc động trời, cho nên trò nào cùng còn sợ sệt ngại ngùng. Ai mà khi không dám cầm roi quất vào mông đít một ông Tây? Lại là ông Tây quan Ba? Nhưng ngẫu nhiên được cơ hội đánh Tây, Tuấn tỏ ra hăng hái nhất. Tuy rằng cậu không có thù oán gì ông Tây quan Ba này, trái lại, từ lúc mới gặo cho đến bây giờ, cậu và bốn đứa bạn đều kính mến ông và được hân hạnh chơi thân với ông, nhưng sẳn “ trò chơi “ kỳ quái và nguy hiểm này chính ông Tây bày đặt ra, và chính ông van lơn, năn nỉ các trò đánh đập ông. Tuấn bổng nhiên cảm thấy từ trong thâm tâm nổi dậy sự vui thích dã man được đánh một ông Tây cho thỏa lòng “ái quốc hận thù “. Ðó là ảnh hưởng đột ngột và đầu tiên của những bài thơ ái quôc mà cậu đã đọc lén trong hai tờ báo bí mật “ Việt Nam Hồn “ và “ Le Paria “.
Sự “ căm thù “ hoàn toàn vô ý thức, vì không lý do gì cả đối với cá nhân ông Tây Quan Ba rất hiền lành tử tế kia nhưng Tuấn sung sướng được dịp cầm roi quất trót, trót! … thật mạnh, thật đau, trên hai mông đít trần truồng của ông Tây, vừa chửi đã đời, vừa đánh đã đời:” Tổ cha thằng Tây! Tao oánh cho chết mày! Sao mầy qua lấy nước tao?... Sao mầy bắt bỏ tù vua Duy-Tân của nước An Nam?...Mẹ cha mầy!... "
Thật là một cơ hội hy hữu, vừa là một dịp đầu tiên trong đời trẻ con của các cậu học trò trường Tây được đánh một ông Tây! Tuấn đánh nhiều hơn cả, liên tiếp ba cây roi tre đều dập nát hết. Rôì đến phiên ba trò kia cũng thi nhau mà đánh, mà chửi, một trò không dám đánh mạnh, một trò vừa đánh vừa cười. Ông Tây vẫn nằm yên, sắp mặt xuống đất, tay chân bị trói chặt bằng mấy vòng dây dừa to bằng ngón chân cái. Theo đúng lời căn dặn của “ khổ chủ “ năm trò đánh nát cả chục cây roi tre, để trên hai mông của ông chằng chịt những lằn roi rướm máu, rồi gĩa muối thật cay để xát vào những lằn máu kia. Quái lạ làm sao! Ông Tây vẫn nằm yên, không hề tỏ vẻ gì đau đớn cả, và không kêu la một tiếng. Nhưng khi năm bàn tay học trò xát mạnh muối ớt lên những lằn roi ứa máu, thì tụi này nghe ông bắt đầu rên rĩ … Ông rên rĩ một giọng khoái trá, một giọng đê mê …như tiếng mèo đực ôm ghì lấy mèo cái trong đêm khuya trên mái nhà.
Năm đứa học trò An nam không hiểu cái lối “ chơi “ gì lạ lùng quái gở của ông Tây.
Nửa giờ sau, “ cuộc chơi “ chấm dứt. Mười cây roi tre đã dập gãy xác xơ, nắm muối ớt chà xát trên mông ông Tây cũng đã hết rồi. Ông nằm rên một lúc khá lâu, mắt nhắm riết gần mười phút đồng hồ, không quẫy cựa.Năm cậu học trò ngồi xuống đất, hồi hộp đợi xem.
Tuấn khẽ bảo mấy đứa bạn:
- Nè, nếu ổng ngồi dậy la làng xóm, thì tụi mình chạy trốn hết nhé. Ðứa nào đứa nấy lẻn về nhà nằm. Sáng mai đừng đi ra phố mà cũng đừng nói gì cho ai biết chuyện nầy, tụi bay nghe?
Tất cả đều băn khoăn lo sợ. Trò Tuấn sợ nhất, vì chính trò cầm đầu vụ này và trò đánh ông Tây hăng hái nhất.
Ông Tây mở mắt mỉm cười, tuy nụ cười hơi mệt nhọc. Ông nói chậm rãi, uể oải, nhưng giọng nói thoải mái:
-Ah, mes enfants! C’est bien! C’est très bien! Merci! Merci! (À, các con ơi, Giỏi lắm! Giỏi tuyệt! Cảm ơn …cảm ơn …)
Ông bảo tiếp:
-Maintenant, délivrez-moi de cette corde de coco.(Nào, bây giờ các con hãy cởi hộ cái dây dừa ra cho ta ).
Năm đứa học trò xúm lại mở dây trói ra cho ông rôì ông lấy áo quần mặc vào. Ông móc túi áo lấy cho thêm mỗi đứa 2 đồng bạc, vừa nói lâm râm trong miệng:
- Merci! Merci! ( Cảm ơn! Cảm ơn! )
Ông và lũ học trò kéo nhau xuống thành phố. Dọc đường, Tuấn hỏi cuộc “ chơi “ lạ ấy có ý nghĩa gì, và ở bên nước Tây người ta thích chơi kiểu đó làm sao?
Ông Tây mỉm cười đáp:
- Ðó là một lối chơi riêng của người Âu-châu, nhưng chỉ có số ít người thôi, nhất là những người ở Hải quân, vì họ đi ngoài biển tháng này qua tháng nọ ít được tiếp xúc với đàn bà …nhưng các con đừng nói lại chuyện này cho ai biết nhé!
Mấy cậu học trò vẫn chưa hiểu gì cả, và ông Quan Ba thuyền trưởng chiếc tàu Orénoque, cũng không nói thêm câu nào nữa. Hình như ông mắc cỡ, cho nên gặp chiếc xe kéo bánh cao su đáng đi lang thang kiếm khách, rung lạc leng keng …leng keng, ông Quan Ba vội vàng nhẩy lên xe bảo chạy ra bãi biển.
Mấy hôm sau, chiếc Orénoque đã rời bến đi mất rồi. Tuấn mới dám đem chuyện đánh ông Tây Quan Ba ra thuật lại cho một vài vị giáo sư nghe và nhờ quý vị giải thích dùm cho …Nhưng tất cả các giáo sư Tây và Nam và mấy thầy làm việc gần Tây đều không ai tin câu chuyện của Tuấn. Họ còn cho rằng Tuấn đặt chuyện nói láo.
Câu chuyện thắc mắc “đánh ông Tây “ vẫn còn in đậm trong đầu óc Tuấn mười mấy năm sau. Một hôm, ngẫu nhiên ở thư viện Hà Nội Tuấn đọc một quyển sách Pháp nói đến các chứng bịnh về tình dục ( maladies sexuelles ), có tả một câu chuyện giống hệt chuyện Tuấn đánh ông Quan Ba. Trong sách bảo lối “ chơi “ bệnh hoạn ấy gọi là Flagellation (đánh roi ). Nhưng vị bác sĩ, tác giả quyển sách cũng không giảng giải rõ ràng, chỉ phân tích một vài triệu chứng đau thần kinh mà thôi.
Vụ quan Ba tầu Orénoque do Tuấn và bốn đứa bạn nói cho nhiều người nghe, vài hôm sau cả thành phố đều biết. Và sau đó tám tháng, chiếc Orénoque trở lại cập bến, nhưng viên Công Sứ Pháp cai trị thành phố ra lệnh cấm ông Quan Ba lên bờ.
Có lẽ để giữ thể diện và uy tín chung cho người Pháp ở An nam chăng?
Tuấn và bốn đứa bạn vẫn khoe với mọi người rằng chúng đánh Tây mà được Tây thưởng tiền! Lời khoe khoang của con nít còn khờ khạo, nhưng sự ngẩu nhiên được đánh Tây tuy là một hành động máy móc do chính ông Tây kia xúi dục để thỏa mãn một chứng bịnh tình dục của ông, nhưng không dè cũng chính là khởi điểm một thỏa mãn thầm lén được “đánh Tây “ và “ chửi Tây “ của mấy học trò An nam 14, 15 tuổi đã đọc “ Việt Nam Hồn “.
Tôi muốn đề nghị với bạn đọc, ta nán lại hơi lâu một tí trong năm 1924 nầy. Tôi muốn phác họa bức tranh sinh hoạt của xã hội Việt Nam, và riêng của thanh niên trong năm này đối với nhiều chi tiết nữa, về các phương diện tinh thần và vật chất, để rồi sang năm 1925 chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc thay đổi toàn diện, do một vài yếu tố chính trị gây ra một cách bất ngờ. Các bạn sẽ thấy năm 1924 chấm dứt một giai đoạn của Lịch sử Việt Nam và đồng thời cũng chấm dứt một thời niên thiếu của chàng trai đất Việt mà sau này người ta sẽ gọi là Thế hệ thanh niên 1925.
Thế hệ này sẽ đóng góp một vai trò rất quan trọng trong Lịch sử Dân Tộc cho đến năm 1945…
1924, sự tiếp xúc với người Pháp ở toàn cõi Việt Nam, trên phương diện chính trị cũng như xã hội, đã được bình thường, sau tám năm thái bình an lạc, kể từ cuộc thất bại gần như âm thầm của phong trào Duy-Tân tháng 5 năm 1916.
Thời kỳ 1918-1924 là thời kỳ an ninh nhất trong Lịch sử đô hộ của Pháp ở khắp ba cõi Nam-Trung-Bắc kỳ, và ngưòi Pháp thường hãnh diện cho là thời kỳ “ Thái bình của Pháp “, nhờ nước Pháp tạo nên, họ gọi là "La Paix Francaise “.
Năm xứ Ðông Dương do họ cai trị, gồm có Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao Miên, họ gọi là Indochine Francaise và được dịch ra danh từ chính thức là Ðông Pháp. Uy tín của người Pháp ở đây lúc bấy giờ thật là lớn lao, địa vị của họ thật là bền vững, xét bề ngoài hình như không có sức mạnh nào làm lung lay nổi uy quyền của họ.
Lá cờ Pháp với ba màu nổi bật, bay rực rỡ một mình trên ngôi bá chủ, ngự trị khắp cõi bờ thuộc địa, uy nghi trên các thành quách lâu đài, phất phới trên mái nhà tranh nhà ngói …
Việt Nam không có cờ, bởi lẽ rất giản dị là không có nước Việt Nam! Chỉ riêng xứ Trung kỳ có lá cờ của Nam triều, nền vàng với một miếng cờ Pháp chiếm một góc trên bên trái, nhưng cờ này chỉ treo nơi cửa Ngọ Môn ở Huế và tại các tỉnh đường mà thôi. Dân chúng không ai treo cờ Nam triều ( cũng có chỗ gọi là cờ An Nam, có nơi gọi là cờ Khải Ðịnh. Từ 1932, cờ này đổi lại cờ mới, kiểu khác, dân chúng gọi là cờ Bảo Ðại.) Vả lại không ai bắt buộc phải treo “ cờ An Nam “ cho nên không ai may cờ ấy làm chi cho tốn vải, vô ích!
Ở Nam Kỳ chỉ treo cờ Pháp, mà dân chúng gọi là “ cờ Tam Sắc “. Ở Trung Kỳ và Bắc kỳ gọi là “ cờ Tam Tài". Trò Tuấn có hỏi vài ông Tú nhà Nho taị sao cờ Pháp ( xanh trắng đỏ ) lại goị là cờ tam tài, các cụ giảng nghĩa:” cờ Ðại Pháp gồm có Thiên Taì, Ðịa Tài, Nhân Tài, nên gọi là cờ Tam Tài “, Tuấn lại hỏi ai đặt ra danh từ ấy? thì các cụ chịu thua. Một cụ Cử trả lời bông lông:” Chắc là có một ông Quan An Nam nào đặt ra như thế, để quan Tây vui lòng “. Một vài ông giáo sư Tây học trả lời cho Tuấn như sau đây:” Mầu xanh là tượng trưng nền da trời, cao siêu tột bực. Màu trắng là trong sạch tinh khiết, quảng đại vô biên. Mầu đỏ là rực rỡ như vầng thái dương rọi khắp hoàn cầu.” Nhưng Tuấn tò mò, ham học hỏi, muốn biết đến nơi đến chốn, bèn hởi thẳng một người Pháp, ông Charol, giáo sư Sử ký. Ông này giảng rõ ràng cho Tuấn nghe: "Lá cờ ba sắc của Pháp hồi khởi cuộc cách mạng 1789. Lúc bấy giờ nước Pháp còn là một nưóc quân chủ chuyên chế, lá cờ của nhà vua là màu trắng, dân chúng Paris nổi dậy đòi nhà vua phải chia sẻ quyền hành cho dân, và sau khi phá ngục Bastille, đòi vua phải triệu tập một hội nghị nhân dân. Chính trong hội nghị ấy, nhà lãnh tụ La Fayette đề nghị bỏ lá cờ trắng có hoa huệ ( drapeau blanc fleur de lys ) của vua, mà thay vào cờ của dân chúng thủ đô Paris, kèm hai bên màu trắng của vua. Lá cờ tam sắc được dân chúng hoan hô nhiệt liệt và từ đấy được coi là cờ cách mạng. Ðến khi tòa án nhân dân diệt Vua Louis XVI và Hoàng Hậu Marie Antoinette để thành lập chính phủ Cộng Hòa, lá cờ tam sắc vẫn được chính thức nhìn nhận là lá cờ của Cộng Hòa Pháp quốc, lá cờ của nhân dân Pháp.
Tuấn nghe ông Giáo sư Pháp giảng rõ lịch sử lá cờ tam sắc, liền nhớ lại những lời giảng qua văn chương triết lý của mấy cụ nhà Nho và mấy vị giáo sư “ An nam “. Tuấn nghĩ rằng các ông ấy chỉ muốn đề cao nước Pháp, và những kẻ nào đã đặt ra danh từ “cờ Tam Tài “ cũng chỉ có mục đích nịnh bợ người Pháp, không cần căn cứ đúng trên ý nghĩa lịch sử chân chính của nó.
Trừ các nhà Cách mạng An nam đã đi ở tù, hoặc bị đầy nơi xa ( như đã nói ở một chương trên ) còn hết thảy những người trí thức Nho học và Tây học mà trò Tuấn được dịp tiếp xúc, đều khen Tây và phục Tây sát đất.
Như thế, xét về tình hình toàn diện đến cuối năm 1924, thì quyền bá chủ của người Pháp ở Ðông dương đã được mặc nhiên công nhận. Không ai chối cãi rằng nước Pháp quả thật văn minh tiến bộ về khoa học hơn nước ta nhiều.
Một số trí thức Tây-học đã không ngần ngại, trong sách báo cũng như trong các bài diễn thuyết trước công chúng, tán dương vai trò lãnh đạo của nước Pháp, mà họ hãnh diện suy tôn là bậc nhất hoàn cầu.
Nhiều nhà báo kỳ cưụ ở Nam kỳ thuộc vào hạng thượng lưu và trung lưu vẫn thường nói:” Thầy Ðại Pháp của chúng ta “. Các nhà Nho-học và Tây-học ở “ Trung, Bắc lưỡng kỳ “ lại ưa dùng những danh từ mới, mới đặt ra trong thời kỳ ấy, -- những danh từ rất thịnh hành mà người ta thường gặp luôn trong các sách, báo do các nhà “ Trí Thức An nam viết, và các bài diễn văn, như: Khai hóa, đuốc văn minh, mẫu quốc, nhà nước bảo hộ, quan thầy Ðaị Pháp v.v… và những câu đại khái như:” Nhà nước Ðại Pháp đến khai hóa cho dân An Nam ta “, “ dân An Nam ngày nay đã văn minh tiến bộ, ta phải nhớ đến công ơn Quan Thầy Ðại Pháp “v.v… và v.v…
Nhiều người ưa lý sự nhất trong tỉnh, những tay ăn nói cừ nhất, thuộc về hạng trung lưu, nếu không dua nịnh người Pháp, thì cũng cho rằng người Pháp cai trị xứ An Nam là một việc dĩ nhiên, không đem ra làm một đề tài mổ xẻ chỉ trích phê bình gì nữa cả.
Duy có tụi thiếu niên học sinh là ngây thơ chưa biết gì. Chính là học trò trường Nhà Nước, học chữ Tây đã khá, nói tiếng Tây đã trôi chảy, viết chữ Tây đã thông thạo văn phạm, đã biết diễn tả những câu văn bóng bẩy, chính bọn trai trẻ An Nam ấy đang được thấm nhuần văn học và khoa học tiến bộ của Pháp lại có những nhận xét hơn người lớn. Một vài việc mà Tuấn cũng như các bạn cùng thế hệ thanh niên, được mắt thấy tai nghe rõ ràng, đã gieo trong đầu óc của các trò một ý nghĩ không tốt đẹp gì cho người Pháp cả. Như việc ông Gabriel, giáo sư Toán, đã chửi người An Nam là “ giống dân bẩn thỉu “ – Sale race – là “ bọn dã man “, -- sauvages, -- đã gây trong tâm trí các trò một mối căm hờn ngấm ngầm không dám thố lộ. Hoặc giả như vụ ông Quan Ba tàu Orénoque đã bày ra trước mắt Tuấn và mấy đứa bạn, một “ trò chơi “ kỳ quái, ngoài sự tưởng tượng của tụi thiếu niên học sinh.
Một buổi chiều ngồi hóng gió trên bải biển Qui-nhơn. Tuấn nhắc lại vụ kia với mấy đứa bạn, rồi phê bình:” Thế thì người Pháp rất văn minh cũng có những cái rất dã man đấy! Những kẻ nịnh Tây bợ Tây, có lẽ chỉ thấy bề mặt của Tây mà không thấy bề trái của Tây …”
Ðó là một vài ý nghĩ rất giản dị của các cậu học trò đã được tiếp xúc gần gủi với Tây.
Biết bao nhiêu người Pháp đã làm cho Tuấn thán phục văn chương, tư tưởng, triết lý, khoa học của Pháp. Tuấn đã nghiền ngẫm say mê những tiểu thuyết hấp dẫn của Bernardin de Saint Pierre, của Lamartine, Chateaubriand, Alphonse Daudet, những bài thơ bất hủ của Victor Hugo, Théophile Gauthier, André Chénier, Alfred de Mausset, những bản kịch thâm thúy, cao siêu, xúc động của Corneille, Racine, những thuyết minh khoa học, y học của Lavoisier, Pasteur…, những cử chỉ anh hùng, những danh ngôn thâm thúy của Danton, Mirabeau, La Fayette, Napoléon…
Còn biết bao nhiêu những danh nhân khác nữa, mà Tuấn đã học hỏi say mê trong các sách giáo khoa Pháp của lớp Ðệ Nhất niên!
Ấy thế mà chỉ có vài người Pháp, một giáo sư Toán chửi Tuấn là “ giống An Nam bẩn thỉu “,” người An Nam mọi rợ “, và một viên Quan Ba tàu thủy cởi trần truồng bảo mấy đứa học trò cầm roi đánh vào mông đít và xoa muối ớt lên những lằn roi rướm máu, hai người Tây điển hình ấy đã làm cho Tuấn tự nhiên mất hết nhiều lòng yêu chuộng say mê của Tuấn đối với cả một nước Pháp đầy rẫy những danh nhân vĩ đại!!
Tuấn, thiếu niên nước Việt, tâm hồn còn ngây thơ,trong trắng, đã bắt đầu nhìn thấy một vài khía cạnh thực tế khả ố, khả bỉ của nước “Ðại Pháp “ văn minh oai vệ kia.
Tuy thế, tụi “ lắc-léo-me-dòng-lô”, vẫn lo học hành yên ổn, tính nết vẫn ngoan ngoãn giữa một xã hội đầy ngập ảnh hưởng Pháp, mà từ quan đến dân đều một loạt cúi đầu tuân theo Nhà Nước Bảo Hộ. Từ Bắc chí Nam, tuy ba miền sống trong ba chế độ và hoàn cảnh chính trị khác nhau, nhưng trên bình diện tâm lý xã hội, đại để vẫn là một xã hội trưởng giã, nửa tân nửa cựu, nửa An Nam, nửa Tây, riêng biệt hẳn, dưới một tầng thấp kém đối với các lớp“ trưởng giã thuộc địa “ của người Tây.
Mọi người dân đầu an tường thủ phận, hầu như thỏa mãn trong cảnh sống thái bình, mà các cụ nhà Nho gọi là “quốc thái dân an “ dưới quyền đô hộ của “ Quan Thầy Ðại Pháp “.
Kỳ nghỉ hè năm 1925, trò Tuấn về ở chơi nhà bà ngoại trong một làng ở gần giãy Trường Sơn. Một buổi chiều, mặt trời gần lặn, bổng có một ông Tây đóng lon Quan Một cỡi con ngưạ ô, với bốn người “ Lính Tập “đi bộ, từ ở đồn Huyện cách đó 10 cây số, đi thanh tra các làng gần núi. Quan Một ghé ở đêm tại nhà ông Xã. Nửa giờ sau cả làng đều biết tin.
Trẻ con hàng xóm chạy trốn hết. Vài ba đứa ẵm em, thân thể trần truồng, bẩn thỉu, mũi dãi lòng thòng, còn chơi ngoài đường, cha mẹ chúng nó liền gọi chúng vào nhà và rầy la, không cho chúng bước ra khỏi ngõ. Họ sợ ông Quan Tây. Trò Tuấn quen tánh tò mò, mặc áo cụt, mang guốc, đến nhà ông Xã để xem ông Tây làm gì. Các ông Hương chức đều đến đông đủ để chào Quan Một. Ông Quan ăn bánh mì và cá mòi hộp của ông đem trong môt cái "sac", rồi uống một tô nước trà tươi do dân làng nấu. Bà Xã và cô con gái nhỏ của bà thì vội vã làm thịt ba con gà mái và dọn một bữa cơm như mâm giổ có hai dĩa cá, ba dĩa thịt, một bánh tráng, với hai chai rượu, đãi bốn “ bác lính “. Họ ăn uống say sưa, ở nhà giữa, đòi hỏi đủ thứ, trong lúc ông xã khăn đen áo dài, trải chiếc chiếu hoa trên tấm ván gỗ trước bàn thờ ông bà, để mời Quan Lớn nằm nghỉ. Ðêm ấy, ông Xã và cả gia đình nằm ngủ trên đất nhà bếp, nhường mấy tấm phản và chiếc giường tre kê ngoài hè cho bốn bác lính Tập nằm.
Vào khoảng 9 giờ đêm, có lẽ tại trời nóng nực qúa ông Tây ngủ không được, ông cưỡi ngựa ô đi lang thang trên các đường làng. Ông đi một mình, không có lính nào đi theo hộ vệ cả. Trời sáng trăng, ông đi quanh khắp các xóm, dưới bóng các bụi tre. Ông đi tới đâu, chó sủa tới đó, rồi dần dần tiếng chó sủa vang dậy khắp cả xóm trên, xóm dưới. Chó An nam cũng biết đánh hơi người ngoại quốc hay sau mà Tuấn ngồi ngoài ngõ hóng gió, nghe tiếng chó sủa náo động nhất ở xóm nào thì biết ông Tây cởi ngựa đi qua xóm ấy. Khi ông cởi ngựa ngang qua ngõ nhà bà ngoại của Tuấn, con chó Vện trong sân nhảy vồ ra sủa, bị ông Tây cầm roi cá đuối quất một cú thật mạnh trúng ngay lưng nó. Con Vện kêu ẳng ẳng mấy tiếng, vừa chạy vô bụi sủa ra càng giận dữ hơn. Tuấn cũng phẩn uất đứng dậy nói một câu tiếng Pháp:
- Vous avez fait du mal à mon chien, monsieur. (ông đánh con chó của tôi đau điếng đấy, thưa ông ).
Viên quan Một quay lại ngó Tuấn, rồi gò cương ngựa hỏi cậu bé:
- Tiens! Tu parles francais? (À, mày nói tiếng Pháp? )
Tuấn đáp:
-J ’ en sais à peine quelques mots. ( Tôi chỉ biết qua loa đôi ba tiếng )
Ông Tây xuống ngựa, cột ngựa vào một gốc cây rồi đến gần Tuấn. Tuấn nhìn kỹ thấy khuôn mặt của ông Tây còn trẻ và na ná giống An nam. Tuy nước da trắng, tóc quăn, nhưng đặc biệt cái mũi không cao, tròng con mắt đen và tóc cũng hơi đen. Tuấn ngạc nhiên, vì tất cả những người Pháp mà Tuấn biết được chục người, kể cả các giáo sư đều mũi cao tóc hoe, mắt thau, hoặc xanh, hoặc đục ngầu. Vả lại giọng nói của ông Tây Quan Một cũng không thật là Tây lắm.
Ông hỏi, Tuấn trả lơì bằng tiếng Pháp. Một lúc sau, có lẽ ông thích nói chuyện với một thằng học trò ở nhà quê nói được tiếng Tây chút ít, ông cao hứng bảo nó ( dĩ nhiên là ông nói tiếng Pháp ), nhưng đây xin chép lại bằng tiếng Việt:
- Mẹ tao cũng là người An na mít, nhưng bà không phải là một nhaque. Tuấn không hiểu hai chữ "nhaque “, và hơi thắc mắc sao tiếng Pháp lại có một chữ lạ lùng như thế. Thấy Tuấn trố mắt ngó, ông cười hỏi:
- Mày hiểu một “ nhaque “ là gì không?
- Thưa không, tôi chưa thấy chữ ấy bao giờ cả.
- Mày có một quyển tự điển Larousse?
- Thưa có.
- Thế thì mày thử tra trong đó xem. Mày có tìm hết cả quyển Larousse cũng sẽ không thấy chữ ấy đâu? Nhaque là nhà quê.
Ông Quan Một nói tiếp:
- Tao, tao cũng nói tiếng an-na-mít giỏi lắm, nhưng tao không nói, bởi vì đó là tiếng nói của những người nhaque. (Ông đọc theo giọng Tây là gnak! )
Trong lúc ông nnói chuyện với Tuấn, con chó Vện cứ chạy ra chạy vào sủa mãi. Nó sủa oang oang lên, hình như muốn đuổi ông Tây đi phứt cho rảnh. Ông Quan Một cười, chỉ nó:
- Ngay như con chó của mày, nó cũng là một con chó nhaque. Chó Tây đẹp hơn, và …lễ phép hơn ( les chiens Francais sont plus jolis et plus…polis ).
Tuấn mắc cỡ, hết muốn nói chuyện với ông Quan Một. Bây giờ Tuấn đã biết rõ ông là Tây lai, cha Pháp mẹ An nam, nhưng ông lại khinh miệt người An nam quá. Ông cho tất cả người An nam đều là “gnak” chỉ trừ ra mẹ ông.
Tuấn hỏi lại, cũng bằng tiếng Pháp:
- Thưa ông, mẹ ông là người An-na-mít, mà bà có ghét người “ nhaque “ không?
- Mẹ tao không phải là nhaque. Bà là con gái một vị đại thần ở triều đình An nam. Nếu tao muốn, tao có thể làm một ông Quan Lớn An-na-mít, nhưng tao thích làm ông Quan Tây hơn. Mầy cũng vậy, mầy đi học, sau này mày thi đỗ, mày cũng sẽ là một ông quan nho nhỏ của nhà nước Ðại Pháp Bảo Hộ.
Tuấn cười bảo:
- Nếu tôi thi đỗ sau này, tôi sẽ không làm quan.
- Vậy thì mầy sẽ làm gì?
- Tôi sẽ làm thằng nhà quê.
Ông Quan Một nghiêm nét mặt, tỏ vẻ giận, và mắng Tuấn:
- Imbécile! ( Mầy ngốc! ).
Tuấn trả lời:
- Que voulez-vous? Mon père est nhaque, ma mère est nhaque, j'aimerais rester nhaque même quand je serais un licencié ou un docteur-ès-Lettres … (Ông nghĩ coi, cha tôi là nhà quê, mẹ tôi là nhà quê thì tôi cũng sẽ thích là nhà quê, mặc dầu chừng đó tôi sẽ là Cử nhân hay Tiến sĩ Văn chương Pháp …)
- Mầy còn nhỏ quá, mầy chưa biết gì hết. Nhưng mầy nên biết rằng ở Nam kỳ tất cả những người An-na-mites học ở Paris về, đỗ các bằng cấp Ðại học Pháp vô dân Tây hết.
- Mỗi người có một ý thích riêng. Tôi còn nhỏ tuổi, tôi thích học chữ Pháp, tôi rất yêu các Thi sĩ, Văn sĩ Pháp, các nhà Bác học Pháp, các bậc anh hùng Pháp, nhưng tôi vẫn yêu nước An-nam hơn, tôi thích người An-na-mít hơn, mặc dầu họ là nhà quê.
Tuấn bực mình vì con Vện nó cứ sủa hoài. Bây giờ nó lại đến đứng dựa vào chân Tuấn và nhìn ông Tây Quan Một mà sủa mãi, sủa mãi. Tuấn cười nói với ông Tây Quan Một:
- Thưa Quan Một, xin ông cho phép tôi đem con chó vào nhà cho nó ngủ, kẻo nó cứ sủa hoài. Kính chào ông.
Khi ông Quan Một lên ngựa đi và trò Tuấn cũng quay trở vô nhà, đã 11 giờ khuya, thì Tuấn thấy bà ngoại ngồi nấp sau hàng rào nghe lỏm chuyện của cháu mình đối đáp với Quan Một. Nhưng không phải một mình bà ngoại Tuấn, còn lù lù sau các bụi rậm đứng lên chín mười người đàn ông đàn bà lối xóm đi ngả sau đến đấy rình nghe tự hôì nào.
Tất cả đều trầm trồ khen Tuấn:
- Chà! Thằng Tuấn nói tiếng Tây với ông Quan Một nghe hay qúa, hỉ!
Rồi họ xúm lại hỏi:
- Ông Tây nói chuyện gì vậy, Tuấn?
Tuấn cười đáp:
- Ổng nói chuyện ba-lăng-nhăng chơi cho vui, chớ có gì đâu.
Ba tháng sau, đúng một tháng sau ngày nhập trường, một buổi sáng thứ Hai, hôì 10 giờ, anh cai trường vào lớp đưa một tờ giấy cho ông giáo sư, ông giáo xem xong bảo Tuấn lên văn phòng quan Ðốc.
Ông Ðốc trừng mắt ngó Tuấn:
-Mầy là một thằng có đầu óc xấu ( un mauvais esprit ).
Tuấn ngơ ngác chưa hiểu gì, thì ông “Ðìa-réch-tơ “, một nhà mô phạm Pháp rất nghiêm khắc, nói tiếp:
-Trong kỳ nghỉ hè, mầy nói chuyện gì với ông F. trong khi ông đi kinh lý trong làng mầy?
Tuấn sợ hãi, ấp úng không trả lời được. Vì Tuấn không ngờ câu chuyện phiếm đối đáp với ông Tây-lai Quan Một trong đêm hè trước cổng nhà bà ngoại, đã lọt đến tai ông “Ðìa-réch-tơ “. Chắc là ông Quan Một không bằng lòng một vài lời nói của Tuấn, và viết thư mét ông Ðốc chăng?
Ông Xã trong làng đã cho Tuấn biết trước rằng, sáng hôm sau ông Quan Một có hỏi ông Xã về “đứa học trò nói được tiếng Tây đó là ai? “. Ông Xã có nói rõ cả tên họ, học trường nào, và ông Quan Một có ghi trong một quyển sổ mà ông đem theo để biên chép những điều ông nghe thấy trong các hương thôn.
Tuấn bị ông “Ðìa" mắng cho một trận nên thân.