Thương thật, cô nàng đội cái nón kết che sụp cả gương mặt, một tay cầm mắt kiếng, một tay xách bịch trái cây nặng trĩu. Vừa bước vào nhà đã oang oang:- Lâu quá mới gặp lại chị, chị khoẻ không?Chị Yến cười thật tươi, buông ngay một câu hỏi:- Chồng con gì chưa?- Chồng con cái gì, ế rồi Yến ơi! Khi nào chị qua Mỹ được kiếm dùm em một ông với.- Ok, chị sẵn sàng.Thương cởi bớt áo khoác ngoài, vắt lên thành ghế, xong quay lại nhấc bịch trái cây đưa qua cho tôi, nói:- Chị chịu khó mang ít trái cây này qua làm quà cho anh Lùn nhé.- Khách sáo quá bà! Lần nào lên cũng bày vẽ mua quà!- Em gửi cho anh Lùn mà, phải cho chị đâu mà la.- Ừ, cho chị xin, cảm ơn em!Tôi đón lấy bịch trái cây, sai thằng Tài mang xuống bỏ trong tủ lạnh. Thương ngồi xuống ghế, lật cuốn abum hình cưới chị Yến ra coi, cười khúc khích:- Sang được bên Mỹ, chị nhớ kiếm dùm em một ông nhé, ai cũng được chị ạ, cỡ như chồng chị cũng ok.Chị Yến hình như còn tấm tức chuyện tình yêu và hôn nhân, quay trở lại đề tài đó. Tôi gạt ngay sang một bên, lên tiếng:- Thôi, dẹp chuyện ấy đi. Mình già cả rồi, sống vì con cái. Yêu với chả đương gì mắc mệt chị ơi!Thương cũng chêm vào:- Ừ, Hân thì cần gì yêu Hân nhỉ? "Hy sinh đời bố, củng cố đời con" Hân nhỉ. Hân này khôn lắm!Cả ba cùng cười khúc khích. Thương ngưng không xem hình nữa, ngửng mặt lên nhìn chị Yến:- Ổng già quá rồi Yến ơi! Cái điệu này chắc chị phải chuẩn bị tinh thần trước... ráng kiếm thêm vài ông nữa cho đủ bộ, phấn đấu sao cho bằng bà Liz Taylor chứ không thì kém miếng khó chịu lắm Yến ạ.- Thôi, thôi... chị già rồi, để cho chị yên thân.- Lần này là lần kết hôn thứ mấy rồi Yến?Tôi chõ mỏ vô:- Ba lần chính thức rồi đó mày, còn mấy người "xơ cua" không kể. Yến này cũng dữ dội lắm!Chị Yến không nói gì chỉ cười. Thương né người móc cái điện thoại trong túi quần jean ra nghe, qua lời đối thoại của nó, tôi biết Thương có khách quen đến nhà hàng kiếm, nhưng cô nàng từ chối đến gặp và dặn anh quản lý nói khéo sao đó cho khách vừa lòng vì Thương đang mắc bận. Quay qua tụi tôi, Thương nói:- Khách đòi gặp em, nhưng mà kệ, lâu lâu chị em mới có dịp gặp nhau. Nếu Yến mà qua được Mỹ nữa thì chắc gì còn gặp lại Yến nhỉ?- Tụi bay cầu cho chị phỏng vấn lần này đậu đi nghen.Tôi lượm chiếc điện thoại của Thương đưa lên ngắm nghía, chiếc điện thoại nhỏ xíu, dễ thương. Tôi bỗng bật cười nhớ chuyện xưa, hồi đó trong khi tôi còn đang xài máy nhắn tin (pager) thì Thương đã có máy điện thoại di động, máy này do một anh bạn Việt Kiều bên Mỹ mang về tặng Thương, chiếc máy hiệu Motorola to kệch cỡm, y như cục gạch, ăng ten dài thòng xài theo kiểu nối mạng 6 số chứ không dùng thẻ sim card 9 số như thông thường. Thời điểm đấy, máy điện thoại di động là một loại hàng xa xỉ đối với tụi tôi tuy rằng nó đã được phát minh từ khá lâu. Lúc đó máy điện thoại hiệu Motorola đã có loại Startac nhỏ gọn giá lên tới 2000 đô la một chiếc, nên "cục gạch" của Thương làm cô nàng mắc cỡ. Thương luôn cất điện thoại trong một cái bóp, đeo lủng lẳng bên người, mỗi lần có ai đó gọi tới là vội vàng chạy vào trong nhà vệ sinh, hay chỗ kín đáo nào đó mở ra nghe, kẻo quê chết! Tôi hay chọc nó: "Cục gạch của mày đâm ra hữu dụng ghê, thằng nào loạng quạng, phạng cho một phát vào đầu dám chết tươi không chừng " Rồi cất tiếng cười sang sảng. Nhắc chuyện "cục gạch" của Thương làm tôi lại nhớ đến cái máy nhắn tin của ông Luông Điếc (người mà có liên quan đến vụ án Năm Cam). Hồi đấy máy nhắn tin khá thông dụng ông ta cũng ti toe mua một cái lấy le với đời, chiếc máy nhắn tin được đựng trong vỏ bao da đeo xệ bên lưng quần jean hàng hiệu trông thật sành điệu. Thế nhưng mua về cả tháng mà chẳng nghe thấy tiếng pip..pip gì cả, ông liền mang ra ngoài cửa hàng "mắng vốn" rằng họ bán cho ông cái máy dỏm. Sau một hồi xem lại chức năng máy, cậu nhân viên bảo với ông rằng máy không có sao phải bật nút này lên, không có ai nhắn thì làm sao máy phát tín hiệu đó được. Thì ra hôm mua, nhân viên đã giảng giải cho ông nhưng hoặc là vì ông bị điếc không nghe, hoặc không hiểu đến mấy thứ hàng tân tiến, ông Luông không thèm bật nút mở và cũng chẳng biết cho bạn bè số máy của mình để họ nhắn. Về sau chuyện kể được lan ra rộng rãi, tôi nghe ôm bụng cười gần chết.- Lại mới đổi máy khác hả?- Đổi đâu, em mua đấy, chiếc cũ bị giựt mất tiêu rồi.Chị Yến cũng hùa vào:- Ừ, điện thoại xịn bây giờ dễ bị mất lắm. Hồi năm ngoái nhỏ em chị về cho chiếc điện thoại dễ thương ghê, chị thòng vào dây đeo trên cổ, rồi một bữa đi ăn tối chung với bạn, gặp mấy đứa quen cũ, chị cũng có nhớ tụi nó là ai đâu, thấy tụi nó nhào vô gọi tên chị um xùm, hỏi thăm chị có khoẻ không, nắm tay nắm chân thân thiết lắm. Hồi sau coi lại cái điện thoại mất tiêu, thì ra tụi nó làm bộ để "thó" điện thoại của mình. Sài Gòn bây giờ lửa đảo khiếp quá!Chị Yến lại tiếp tục:- Số điện thoại Hân xài lâu dữ hén, chị nhớ lâu lắm rồi còn gì!- Thì chị mua thiếu dùm em của bà Nga bồ ông Bạc (mr Park) thời năm 1996 đó, nhớ không?Chị Yến nhíu mày ra chiều suy nghĩ một chút rồi bật tiếng:- À...! Chị nhớ chiếc điện thoại đó rồi?- Dạ, đó là chiếc Motorola đời 7200 thì phải, sau đó em bán cái vỏ cũ cho con mẹ mai mối lấy chồng Đài Loan, đổi chiếc khác cùng hiệu đời 7500, qua Erison, Startac-X, Nokia... còn bây giờ là Simen. Kể ra thì cũng nhiều chiếc lắm rồi, nhưng vẫn giữ số cũ. Khi em qua Nhật, em để lại cho nhỏ em xài, lúc nào về thì mượn tạm ít hôm.- Bà Nga bây giờ không biết ra sao hén? lâu quá chị cũng không còn gặp bà nữa.- Trời...! Bà Nga bây giờ giàu lắm đó chị.- Vậy hả, sao em biết?Tôi đổi mặt, làm ra vẻ quan trọng, đưa bàn tay xoè ra rồi lại làm động tác nắm tay thu gom lại, nói:- Bà nắm hết tiền bạc của cải gia tài của ông Bạc, đất đai, công ty gì gì bà cũng đứng tên hết trơn. Con mẹ đó giỏi thiệt! Vợ ông Bạc qua đây chấp nhận bà Nga luôn.- Sao em biết hay vậy?- Bà Nga mở công ty đối diện nhà cũ của em chớ đâu, căn nhà hồi xưa chị hay tới chơi đó.Chị Yến đần cả mặt, hình như chị cũng bị bất ngờ vì cái tin tôi vừa tung ra.- Thấy bà cũng tầm thường Hân hén? Con người ta có số cả đó em.- Đồng ý với chị, bà quê mùa, xấu xí, nhưng bà giỏi, đáng nể thật! Đúng là đàn bà dễ có mấy tay!Mấy chị em tụi tôi ngồi bàn chuyện thiên hạ tới hơn tiếng đồng hồ, đủ các thứ chuyện từ đời xửa đời xưa được mang ra nhắc lại. Rồi như chợt nhớ ra, chị Yến rủ tụi tôi lên vũ trường nhảy đầm, tối nay chị có tiệc mời muốn tụi tôi cùng tham dự. Tôi đưa mắt nhìn qua Thương, đưa đẩy:- Thôi hôm nay nghỉ làm một bữa, đi chơi chung với chị Yến đi Thương.- Chị thì sao?- Chị hôm nay bận rồi, có hẹn với ba má Hải bạn thằng Út bàn chuyện "quốc gia đại sự". Nếu không chị đâu có từ.Tôi bận thật, không phải chỉ lấy lấy cớ, mà cũng một phần vũ trường là nơi tôi chẳng ưa chút nào, tôi ghét tiếng ồn ào của nhạc, tiếng đập uỳnh uỳnh của trống, tiếng tò tí te của kèn, rồi ánh đèn mầu chớp chớp nháy nháy quay cuồng đến chóng cả mặt, bất đắc dĩ lắm, nể nang lắm tôi mới đến vũ trường theo lời mời của bạn bè đi dự sinh nhật... lên đó chỉ một loáng là tôi phải xin phép rút lui liền vì chịu không nổi ồn ào. Chị Yến thì khác, chị mê ánh đèn mầu, chị thèm lả lướt trên sàn nhảy, ở nơi đó, dường như chị quên tất cả, quên sự đời, quên luôn cả tuổi tác, chị hoà mình vào lớp người xa lạ, dập dìu theo tiếng nhạc du dương, trầm bổng, và lúc thì ồn ào náo nhiệt như những trận cuồng phong. Có khi cả vũ trường rồ lên mạnh ai nấy lắc lư, uốn éo.Thương cũng chẳng chịu lên vũ trường, chị Yến thất vọng, không khí như loãng dần ra, bất ngờ tôi có điện thoại gọi tới.- A lô, phải Hân không?- Dạ, ai đó.- Anh đây. Mai em về Nhật rồi phải không?- À, Tân hả? Ừ, tối mai em đi rồi.- Thế thì chiều nay mình gặp nhau một chút, anh mời đi ăn cơm nhá. Anh dành cả buổi chiều này cho em đấy!Tôi cười thật to:- Gớm! Ông làm gì mà quan trọng dữ! Dành cả buổi chiều cho em, nghe khiếp quá!- Thật đấy chứ, từ hôm em về đến nay bọn này cứ bận triền miên.- Thôi được rồi, bây giờ em đang có khách, chút nữa hẵng hay. Em sẽ gọi lại sau.- Ừ, rảnh gọi cho anh liền nhé.Tôi vừa cúp điện thoại, chị Yến đã nhào vô hỏi liền:- Anh nào vậy? Anh nào vậy?- Bạn hồi xưa đó mà, rủ đi ăn cơm tối.- Wow! Đã quá nha.Thương cũng kém miếng không chịu, ké vô:- Chị Yến không biết hả, Hân này coi vậy chớ còn đào hoa lắm!Tôi vênh mặt, kiêu ngạo:- Xời ơi! Cỡ em mà ra đường hả quơ tay phải cũng được một anh, quơ tay trái cũng được một em. Giỡn mặt sao chị!- Thôi mẹ ơi, nổ hoài!Cả ba khựng lại, nhó nhìn về phía thằng Tài, rồi lại phá ra cười rũ rượi.- Thằng đó nó còn quá bố chồng em, khó tánh lắm, em ăn mặc hơi "sexy" một chút, nó cũng nhăn mặt ra điều không chịu. Mai mốt thiệt, đứa nào vô phước lấy phải nó làm chồng.- Ừ nhỉ, thằng Tài nhà chị nói chuyện cứ như ông cụ non.Chị Yến bất chợt hỏi tôi:- Em còn gặp lại ông gì nè - chị cố nhớ lại tên người đàn ông đó nhưng có lẽ không nhớ nổi, chị ậm ừ...- Mr Han phải không?- À... đúng rồi! mr Han! Em còn gặp lại ổng không?- Có, lần nào về mà em không gặp. Mới cách đây hai bữa em ghé nhà thăm ổng chứ đâu.- Ông sao rồi em, khoẻ không? Ông vẫn làm ăn ở đây chứ?- Dạ, cha đó cũng giỏi thiệt, buông đầu này bắt đầu kia hay ghê. Chị biết bây giờ ông còn làm thêm nghề gì không?Chị Yến nhíu mày chờ đợi tôi trả lời.- Làm nhà báo, xuất bản tạp chí cho người Hàn tại Sài Gòn nữa đó.Rồi chẳng để ai nói thêm câu gì, tôi xổ ra một tràng kể chuyện mr Han cho mọi người cùng nghe. Ông Han và tôi có mối quan hệ thân thiết cả chục năm nay, tôi cũng đã từng làm việc cho công ty của ông vài năm. Trong công việc ông là chủ, tôi là nhân viên. Trong đời thường, tôi và ông đều là bạn bè thân thiết một già một trẻ phải nói là tâm đầu ý hợp. Mỗi lần tiếp chuyện với tôi, ông tỏ ra cởi mở và không cần phải giữ ý tứ. Tuy tôi và ông chênh lệch về tuổi tác, khác biệt về giới tính và hai nền văn hoá hoàn toàn chẳng giống nhau, nhưng dường như lại đồng cảm, thân thiện. Nói chuyện với ông, tôi cứ nghĩ mình là đồng giới. Chồng tôi bảo với tôi rằng lẽ ra tôi phải là đàn ông mới đúng, chắc bà mụ nặn lộn nên tôi mới biến thành phụ nữ vì mọi tính cách của tôi đều mang đậm tính cách của đàn ông.Tôi còn nhớ rõ lần đầu tiên theo chồng qua Nhật, trước đó mấy ngày, ông gọi điện thoại mời tôi đi ăn cơm cũng như để nói lời chia tay. Bữa đó tôi chọn món thịt bò Úc bít tết bị trúng độc, tối về "Tào Tháo" rượt chạy gần chết tưởng phải huỷ bỏ chuyến đi. Cũng những ngày đầu sống bên Nhật, ông là người duy nhất thường xuyên viết thư an ủi tôi. Ông nói rằng nếu khó chấp nhận cuộc sống ở ngoại quốc, công ty sẵn sàng chào đón tôi quay trở về. Dạo sau này tôi làm biếng viết thư, nên sự trao đổi bằng thư từ bớt hẳn, thỉnh thoảng gọi điện thoại cho lẹ. Nhưng lần nào về thăm gia đình tôi đều ghé nhà thăm ông. Tuy lịch trình làm việc của ông dày đặc, ông vẫn cố thu xếp thời gian để gặp tôi. Chỉ cách đây vài bữa, ông gọi điện thoại hẹn tôi đi ăn tối, nhưng vì hôm đó tôi bận nên đến gặp ông trễ hơn tại nhà. Căn nhà ông mướn cũng nằm trong khu chung cư Phạm Viết Chánh, cách nhà tôi ở chừng mười phút đi bằng xe honda. Căn nhà rộng 70 mét vuông có hai phòng ngủ, một phòng khách khá lớn và bếp cùng toilet thì nằm ở phía trong cùng. Vì có hẹn trước nên cửa ngoài không khoá. Tôi gõ cọc cọc trước khi mở cửa ló mặt vào, Ông ngồi sau bàn máy điện toán, thấy động, ngước mắt lên, biết là tôi, ông cười tươi rói: "Ô...ô...! Bạn thân thiết của tôi! " Ông đứng dậy, bước ra ngoài dang tay ôm lấy tôi, vỗ nhẹ sau lưng rồi đẩy tôi ra, ông xoay tôi một vòng ngắm nghía: "You look good!". Ông đưa tay chỉ bộ ghế salon đặt ngay gần đấy, mời tôi ngồi. Tôi để chiếc giỏ sách lên bàn, thả mình xuống bộ ghế mềm mại êm ái. Ông ngồi đối diện tôi hỏi han đủ điều, ông rất vui khi thấy tôi đã hoà nhập được với cuộc sống ở Nhật Bản. Nhưng điều ông lo lắng nhất là liệu cuộc hôn nhân giữa tôi và chồng tồn tại được bao lâu khi mà mãi đến giờ này tôi vẫn chưa sinh được đứa con nào để làm sợi dây ràng buộc giữa hai người. Ông thở dài, lim dim đôi mắt, điếu thuốc lá vẫn gắn ở trên môi, lập loè ánh đỏ. Tôi im lặng, thật ra từ khi kết hôn đến nay, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện vợ chồng chia tay. Giờ đây nghe ông bàn đến việc này, tôi cũng hơi chột dạ. Nhưng lại gạt ngang ý nghĩ đó, bởi vợ chồng là do duyên phận. Ông Han vẫn im lặng đốt thuốc, hướng mắt nhìn ra cửa sổ, bất ngờ ông quay mặt lại nhìn thẳng tôi, nói: " Nina (tên của tôi trong công ty) tôi thấy cô nên đòi chồng mua cho cô nhiều nữ trang giá trị, cô đòi tiền mặt thì chắc không có đâu, để mai mốt gặp chuyện không may cô còn có số vốn." Tôi bật cười trước lời đề nghị của ông, kể ra thì ông lo lắng cho tôi cũng đúng, nhưng ông vẫn chưa biết nhiều về tôi, về những gì tôi toan tính trong đầu, tôi không phải chỉ như một loại cây tầm gửi. Tôi nói với ông: "Điều tôi lo ngại nhất bây giờ là chuyện thằng con trai mình, nó đã lớn, không còn con nít nữa. Nó nói thẳng vào mặt tôi rằng mẹ đâu có thương con, mẹ chỉ biết gửi tiền về còn thì cứ bỏ con cho người này người kia nuôi!" Ông Han nhíu mày nhìn tôi rồi chậm rãi: "Mà nó nói đúng! Nó đâu có nói sai".- À quên kể cho chị nghe chuyện này, cách đây hơn năm, em nhớ đâu là cuối năm 2003, ông Han bị mất trộm.- Vậy hả, ông mất nhiều không em?- Tiền mặt khoảng vài trăm triệu (cỡ 20 ngàn đô la) thêm một cái đồng hồ Rolex và toàn bộ giấy tờ, sổ tiết kiệm, giấy hộ chiếu. Tụi trộm vô nhà bê luôn cả két sắt mà.Nói xong, tôi cười sằng sặc, kể tiếp: Lúc trước ông mướn văn phòng ở đường Huỳnh Hữu Bạc, Tân Bình, tôi quay sang chỉ vào Thương, gần nhà con nhỏ này. Em đọc báo công an có đăng về vụ trộm, tên ông thì đúng nhưng số nhà và tên đường lại khác nên em nghĩ chắc người với người trùng tên, mấy hôm sau gặp ông, ông nói em mới biết. Thì ra tên đường đã đổi nên em nhận không ra. Lúc chưa bị mất trộm ông có nói với em rằng vợ con ông từ Úc ghé đây chơi vài ngày rồi cùng nhau về lại Nam Hàn, nhưng ông mất hộ chiếu đâu có đi chung được. Nhà ông nuôi con chó khôn lắm, vậy mà trộm vào, con chó chẳng biết gì, dám lại còn quẫy đuôi mừng không chừng. Em nghĩ bọn trong công ty dàn cảnh thôi vì ai mà biết ông để tiền nhiều trong két vậy.- Rồi có tìm lại được không em.- Không, có báo công an nhưng mà dễ gì, tìm lại được tụi nó cũng chia nhau hết bố nó rồi. Mày là tư bản giàu có, cho mày chết. Nói chuyện với ông mà em cười khúc khích, ông bực mình: "Mày thấy tao mất tiền mừng lắm hay sao mà cười hoài vậy?"°Đồng hồ đã chỉ hơn 4 giờ chiều, thấy vẫn còn sớm, tôi đề nghị:- Ở đây thêm chút nữa rồi mình đi kiếm cái gì ăn tối hén Yến?Tôi đưa mắt nhìn qua Thương, dò xem thái độ của nó.- Chị có hẹn với anh Tân rồi mà.- Kêu ổng đi luôn cho ông trả tiền.- Ngại không em? - Chị Yến hỏi.- Nhằm nhò gì chị, ông không trả em trả, đãi chị và Thương một bữa không được sao?Dứt lời, tôi vớ chiếc điện thoại để trên bàn, bấm dò tên anh Tân trong mục trả lời hồi nãy để gọi ngược lại thông báo cho anh biết:- Em sẽ đi chung với hai người bạn đấy. Hôm nay mình ăn cái gì đây?- Tuỳ, thích ăn gì thì cứ việc chọn.- Ăn cái gì được ta?Tôi che phần nói chuyện, quay lại hỏi cả chị Yến lẫn Thương xem hai người hôm nay muốn ăn món gì, đồ biển bị loại bỏ vì tôi đang ho nặng, tôi mà nhìn thấy đồ biển là thèm không cưỡng lại được. Cuối cùng tụi tôi chọn ăn lẩu dê, thịt dê lành mà lại có nhiều món dễ nuốt.Tôi rủ cả thằng Tài đi luôn nhưng cu cậu chê lẩu dê không chịu theo, tôi lẩm bẩm: "Vậy thì cho mày ở nhà ăn ơm nguội" Ba chị em tôi túc tắc đi bộ ra quán gần nhà. Mới có 5 giờ chiều mà khúc đường này thấy vắng vẻ hẳn đi, không như buổi trưa và buổi sáng, lúc nào cũng tấp nập người qua lại, hai bên đường các cửa hàng đồ sắt, vật liệu xây dựng xếp tràn lan ra ngoài. Còn bây giờ đã được thu dọn lại ngắn nắp chuẩn bị đóng cửa nghỉ, chỗ thì chuyển qua bán lẩu dê. Từng tốp nhân viên xông ra tận giữa đường, chèo kéo khách qua lại.Tôi dẫn chị Yến và Thương vào quán quen cũ, quán này tôi và Thương thường xuyên ghé đây từ cái thủa tụi tôi còn làm chung. Chọn bàn đặt ngay hè phố cho thoáng, chị em tôi gọi đồ uống trước, sau đó gọi món ăn lai rai chờ anh bạn chạy xe tới. Tụi tôi ăn gần xong bữa, anh Tân mới chạy xe đến quán, dáo dác tìm kiếm xem tụi tôi ngồi ở đâu. Tôi đưa tay vẫy anh lại, để mặc chiếc xe dựng chân chống ngang cho nhân viên đẩy đi gửi, anh bước về hướng bàn mấy chị em tôi đang ngồi.- Anh muốn ăn gì thì kêu nghen, tụi này no bụng rồi đấy. Anh vừa đi vừa bò hay sao mà chậm thế?- Kẹt xe quá!Anh đưa mắt nhìn quanh và vẫy người phục vụ kêu mang ra cho anh một chai bia. Tôi kêu thêm một chai nữa cho chị Yến để hai người có bạn nhậu, tôi và Thương uống nước ngọt. Chị Yến đã làm hết một chai từ nãy, gương mặt chuyển sang đỏ dầng. Tôi đưa tay qua phía chị Yến giới thiệu với anh Tân:- Chị Yến, bạn của em. Và cũng chính là thủ phạm mai mối em cho ba ruột thằng Tài đó.Chị Yến e hèm!- Đổi thừa hén?Bữa ăn kết thúc, cả nhóm chia tay nhau tại đây, mạnh ai nấy về nhà. Anh Tân còn mời tôi và cả nhóm đi uống cà phê nhưng tôi từ chối vì có hẹn với thằng Út lúc 7 giờ tối, tôi đi bộ về nhà.°Sau ngày trở về Nhật, tôi và chị Yến còn liên lạc nhiều lần qua ngả yahoo messenger, tôi hồi hộp theo dõi từng bước chân của chị, ngày chị nộp hồ sơ chờ phỏng vấn, bữa chị đóng tiền học làm nail, chị bảo với tôi rằng qua Mỹ không có nghề nghiệp gì thì chỉ đi làm nail là dễ kiếm tiền nhất, chị muốn để dành tiền gởi về phụ với con mua nhà, không có cái nhà, thiệt là khổ. Tôi ráng an ủi chị, không muốn làm chị nản lòng. Bởi, ở cái lứa tuổi của chị mới tập tễnh qua Mỹ không phải là dễ sống.Qua những lần "chát chít" trên mạng yahoo, chị tâm sự với tôi về những điều thầm kín, hình như có những chuyện người ta khó nói ra lời hơn là viết thư giải bầy. Chị kể cho tôi nghe về người ấy của chị khi xưa, người mà bấy lâu nay chị cứ tưởng đã bỏ mạng ở một nơi xa xăm nào đó. Thời gian thấm thoát trôi qua, 30 năm dài dằng dặc, chị đã cạn khô nước mắt và tưởng đến lúc không còn một chút hy vọng nào thì chị lại nhận được tin từ mãi tận nước Mỹ xa xôi. Vâng, anh người lính Hải Quân năm xưa, người đã từng thề non hẹn biển cùng chị xây mộng vàng, người đã để cho chị mòn mỏi ngóng trông vào những giờ phút cuối cùng khi miền Nam sụp đổ... Bất ngờ, anh gọi điện thoại cho chị, chị ngỡ ngàng vui mừng đến bật khóc. Mèng ơi, thì ra anh vẫn còn sống, vẫn còn nhớ đến chị và cố công tìm kiếm chị trong 30 năm qua. Sau khi miền Nam thất thủ, gia đình chị bị tống cổ khỏi đảo, vậy mà anh thì cứ đinh ninh chị vẫn còn sinh sống nơi xưa, nên thư từ nào có đến được tay chị. Thời gian thấm thoát trôi đi, anh tuyệt vọng và cuối cùng quyết định lập gia đình với một phụ nữ khác, nhưng vẫn canh cánh trong lòng mối tình xưa, hầu như hình ảnh của chị chưa hề xoá nhoà trong tâm trí. Một lần, thật tình cờ có người quen về Việt Nam mang qua hình ảnh bạn bè, lẫn lộn đâu đó có cả hình của chị, anh ngờ ngợ hỏi thăm và được tả lại đúng như người anh đang tìm kiếm, kể cả cái tên và chức vụ của ba chị khi còn làm Trưởng An Ninh trại tù Côn Đảo. Mừng khôn xiết, anh lập tức liên lạc về cho chị. Thế rồi sau bao năm thất lạc, họ lại tìm được nhau. Tôi tự hỏi, phải chăng đó cũng là duyên phận. Nhưng bây giờ gặp lại nhau thì còn cứu vãn được gì không, khi mà anh chị đều có cuộc sống riêng tư. Tôi mang vấn đề này ra hỏi chị, chị cũng buồn không kém: "Thì gặp lại nhau coi như bạn đó em, thật sự chị cũng muốn gặp lại anh một lần xem anh thay đổi ra sao." Tôi chọc ghẹo chị: "Gặp nhau bốn con mắt có đuôi hết rồi chị ạ!". Hứng chí, tôi vội vàng lục tìm bài thơ "Tình Già" của ông Phan Khôi chép tặng cho chị:Tình Già.Hai mươi bốn năm xưa.Một đêm vừa gió lại vừa mưa.Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ.Hai mái đầu xanh kề nhau than thở.Ôi đôi ta tình thương thì vẫn nặng.Mà lấy nhau hẳn là không đặng.Để đến rồi tình trước phụ sau.Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.Hay! Nói mới bạc làm sao chớ!Buông nhau làm sao cho nỡ?Thương được chừng nào hay chừng nấy.Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng.Mà tính việc thuỷ chung?.Hai mươi bốn năm sau.Tình cờ nơi đất khách gặp nhau!.Đôi mái đầu đều bạc.Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!Ôn chuyện cũ mà thôi.Liếc đưa nhau đi rồi!Con mắt còn có đuôi.Chị im lặng khá lâu, tôi đoán chị khóc. Tự nhiên tôi thấy hối hận, biết vậy không chọc ghẹo chị nữa. Đụng chạm tới nỗi đau thầm kín của người ta, mình thật là vô duyên.Dạo sau này, chị thường xuyên lên mạng "chát" hơn, tôi biết điều đó vì tôi vốn rảnh rang, vô tích sự, chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi trước bàn điện toán đọc tin giết thời gian. Yahoo Messenger tôi mở online 24/24, tên của chị đã được lưu lại trong hộp địa chỉ, nên lúc nào chị ló mặt vào là tôi đều nhìn thấy. Tuy vậy, tôi chỉ trả lời khi nào chị hỏi đến tôi, ngại người ta bảo rằng con nhỏ này làm gì mà cứ túc trực "canh me" mình trên từng cây số. Một lần trong khi chát, vô tình chị gửi cho tôi tập tin (file), tôi mở ra xem thì mèng ơi, đó là một cuộc đối thoại giữa anh và chị, lời lẽ yêu thương nồng thắm dữ dội, cứ y như đang tuổi dậy thì. Tôi tủm tỉm cười một mình "Chà không ngờ người già họ cũng yêu nhau dữ!"Mấy tháng gần Tết, chị đổ bệnh nặng, con mắt bên phải bỗng mờ câm không nhìn thấy gì, chị được bác sĩ khuyên nên giải phẫu, chị báo tin đó cho tôi và yêu cầu được giúp đỡ. Chuyện nhỏ, nhiều thì không có chứ vài ba triệu bạc với chị, tôi luôn sẵn lòng. Tôi gọi điện thoại về cho Hạnh, dặn nó đưa tiền cho chị. Tôi không giúp được chị nhiều nhặn gì mà kể ra đây thì thật chẳng ra chi, tôi đề cập đến chuyện này để muốn nói đến vần đề từ thiện. Lúc trước chồng thôi cũng hay làm từ thiện bằng cách góp tiền hàng kỳ cho tổ chức Java Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Nhi Đồng Quốc Tế UNICEF hay hội chữ Thập Đỏ Quốc Tế. Từ ngày tôi qua Nhật, tôi gạt ngang vì thú thật tôi chả tin tưởng gì mấy tổ chức từ thiện này, tiền bạc mình đóng góp có đến được tay người nghèo hay không? Nghe nói mấy ông giám đốc của các tổ chức trên lương tới cả triệu đô la một năm, tiền ở đâu ra mà họ được trả cao dữ vậy? Thì cũng tiền của những người làm từ thiện cả. Vả lại đã có nhiều công ty, nhiều nhà tài trợ cho cả triệu cả tỷ đô la rồi, vài trăm đồng của chồng tôi chẳng ăn nhằm gì. Thôi dẹp, gì chứ muốn làm từ thiện thì dễ ợt, nội gia đình giòng họ hai bên nội, ngoại nhà tôi, anh em, bà con, bạn bè nghèo như sắp lớp, tha hồ cho anh làm từ thiện, sợ làm một lần rồi tởn đến già luôn cũng không chừng. Có lần anh hỏi ước muốn của tôi bây giờ là gì, tôi trả lời muốn có thật nhiều tiền. Anh nhíu mày hỏi tiếp, có nhiều tiền để làm gì? Thì...để xài cho nó đã! Nè! Có tiền nhiều em sẽ không thèm mua nhà đâu, mua nhà rộng làm gì lau mệt lắm, em khoái ở khách sạn, đông người vui, ăn uống cứ việc xuống nhà hàng, chả cần phải nấu nướng, chả cần phải mướn người làm. Và hơn thế nữa muốn giúp ai cũng được. Tôi đề nghị anh lập một trang mạng quyên tiền giúp người nghèo khó, anh cười khẩy bảo với tôi rằng chuyện lập mạng thì dễ ợt, nhưng ai tin em để mà người ta quyên tiền cho em, bản thân em không tin tưởng bất cứ ai như vậy thì ai sẽ tin em nào. Tôi nín thinh không đề cập đến việc này nữa. Ừa, ai mà thèm tin cái bản mặt của mình!Một tuần sau cuộc phẫu thuật, chị Yến mới được phép lên mạng chát với tôi, chỉ nói được vài câu báo tin ca mổ tiến hành tốt, mắt chị nhìn đã rõ ra nhiều. Bác sĩ không cho phép ngồi lâu trước bàn điện toán. Dạo sau này chị có kể cho tôi nghe chuyện chị lên bà bầu Hạnh lấy tiền, chị cũng muốn xem gương mặt con nhỏ khó chịu mà tôi đề cập tới, chị bảo trông nó cũng dễ thương hiền lành chứ có nhăn nhó tỏ vẻ bực bội như tôi nói trước đâu. Tôi cười vang, chắc chị gặp hên vì nó mới nhận được tin cái bầu là bé gái. Đôi lúc tôi bật cười một mình nghĩ bụng, tiền của mình, vậy mà muốn giúp ai cũng phải giấu giấu diếm diếm còn hơn con ăn trộm, tôi ngại để người nhà tôi biết, rồi thì bàn ra nói vô, tôi không thích.Cuối cùng chị Yến đã lọt qua cuộc phỏng vấn và được cấp visa qua Mỹ. Chị tới Mỹ cách đây hai tháng với niềm vui rạng rỡ. Tôi gọi điện thoại chúc mừng chị. Giấc mơ chị ấp ủ mấy chục năm qua, giờ đã thành hiện thực. Và thêm một điều nữa, anh đã bay qua thăm chị vào những ngày đầu tiên. Chị kể cho tôi nghe:- Mừng quá em ơi, gặp nhau mà nước mắt cứ tuôn ra hoài không dứtTôi lại chọc chị:- Vậy chớ mắt ảnh có đuôi chưa?- Không những có đuôi mà đầu tóc bạc trắng rồi em.- Vậy thì... còn hy vọng gì nữa không?- Bây giờ thì coi nhau là bạn thôi em, già rồi, hy vọng gì nữa.Riêng với Thương, cô nàng vừa kết hôn tháng trước, hú hồn, tưởng ế. Cái Hạnh mang bụng bầu lặc lè thay mặt tôi đi dự đám cưới tuốt ngoài Vũng Tàu. Phải Thương báo tôi trước một tháng thì tôi sẽ bay về mừng cho bạn, đằng này nó chỉ báo trước có vài ngày làm tôi thu xếp không kịp. Mấy ngày sau Hạnh thèo lẻo với tôi:- Anh chồng chị Thương đẹp trai ra phết, dân học ở Nga về chị ạ, vui tính lắm. Bạn bè ông đông thiệt là đông, đãi tới 30 bàn tiệc, chật cứng.Tôi lại thòm thèm tiếc rẻ, giá mà tôi được tham dự...