Cuộc liên minh quân sự lớn đầu tiên của các cường quốc châu Âu tiến công vào nước Pháp năm 1792, trước Na-pô-lê-ông, đã bị đánh bại và bị thủ tiêu năm 1797 với hòa ước Cam-pô Phoóc-mi-ô ký giữa tướng Bô-na-pác và những đại diện toàn quyền nước áo. Cuộc liên minh thứ hai, tiến công nước Pháp khi Bô-na-pác đánh bại lúc Bô-na-pác quay trở về Pháp và cũng bị tan rã sau sự phản bội của Pôn đệ nhất và khi mà nước áo buộc phải chấp nhận hòa ước Luy-nê-vin năm 1801. Năm 1805, Na-pô-lê-ông lại phải đối phó với cuộc tiến công thứ ba của các đại cường quốc châu Âu. Một cuộc đọ sức mới và lớn lao đang được chuẩn bị. Vào những nắm 1804-1805, Na-pô-lê-ông nghĩ đến "một cuộc chiến tranh đế quốc" trên đất Anh, nghĩ đến "chiếm Luân Đôn và Ngân hàng nước Anh", nhưng Na-pô-lê-ông đã phải tiến hành cuộc chiến tranh ấy vào năm 1805 và chấm dứt nó không phải trước cửa thành Luân Đôn mà trước thành Viên, tuy rằng đối phương của ông ta vẫn chỉ là một. Vung tiền bừa bãi, Uy-liêm-Pít đang thực hiện nhiệm vụ thành lập khối liên minh mới. Một sự hốt hoảng thật sự đã đè lên nước Anh kiêu ngạo. Vào cuối năm 1804 và đầu năm 1805, trại lính Bu-lô-nhơ do Na-pô-lê-ông lập nên đã trở thành một lực lượng quân sự đáng sợ. Một đội quân rất lớn, được trang bị hết sức đầy đủ, chỉ còn đợi lệnh đổ bộ khi sương mù bắt đầu phủ lên biển Măng-sơ. ở Anh, người ta đang cố tổ chức một thứ tổng động viên. Như vậy là người Anh chỉ còn biết đặt hy vọng vào khối liên minh. Nước áo nhìn tình thế bất trắc một cách hài lòng. Những sự hy sinh mà nước áo phải chịu đựng sau hòa ước Luy-nê-vin, và nhất là từ khi Na-pô-lê-ông thi hành chính sách thống trị ở những nước nhỏ ở miền tây và nam nước Đức nặng nề đến mức độ mà nước áo chỉ còn hy vọng duy nhất là trông chờ một cuộc chiến tranh để khỏi bị tụt xuống địa vị cường quốc loại hai. Và thời cơ tiến hành cuộc chiến tranh đó đã đến với số tiền của nước Anh. Gần như đồng thời với việc tiến hành thương lượng với áo, Pít cũng bắt liên lạc với nước Nga. Na-pô-lê-ông biết rằng Anh rất trông mong vào một cuộc xung đột vũ trang mà áo và Nga sẽ chiến đấu ở lục địa cho Anh. Na-pô-lê-ông cũng biết rằng nước áo vừa tức giận vừa sợ hãi trước những cuộc thôn tính miền tây nước Đức của Na-pô-lê-ông sau hòa ước Luy-nê-vin, nên áo sẵn sàng nghe theo những lời đường mật của chính phủ Anh. Và ngay từ năm 1803, qua một vài lời nói của Na-pô-lê-ông, người ta hiểu rằng Na-pô-lê-ông chưa dám bảo đảm chắc chắn là sẽ chiến thắng Anh, chừng nào bạn đồng minh bất trắc của Anh trên lục địa- "bọn đánh thuê", như Na-pô-lê-ông đã gọi một cách khinh mỉa- chưa bị đánh bại. Na-pô-lê-ông tuyên bố với Tan-lây-răng: " Nếu áo nhảy vào cuộc thì điều đó sẽ có nghĩa là chính Anh buộc Pháp phải xâm chiếm châu Âu...". Ngay sau khi lên ngôi, hoàng đế Nga A-lếch-xan đã chấm dứt cuộc đàm phán để kết bạn đồng minh với Na-pô-lê-ông do cha mình tiến hành. A-lếch-xan hiểu hơn ai hết "cơn trúng phong" đã làm Pôn đệ nhất chết, vì một lẽ dễ hiểu là chính A-lếch-xan đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị sự cố đó.Vị Sa hoàng trẻ tuổi cũng biết bọn quý tộc đã dốc sang Anh những nông phẩm chủ yếu và lúa mì trong lãnh địa của họ quan tâm đến tình hữu nghị với Anh tới mức nào. Ngoài những lý do này, còn một lý do khác nữa rất quan trọng. Vào mùa xuân năm 1804, người ta đã có thể thấy hy vọng được rằng khối liên minh mới sẽ gồm có Anh, áo, vương quốc Na-plơ (ít ra người ta đã nghĩ thế lúc bấy giờ), nước Phổ đang sợ hãi trước những hoạt động của Na-pô-lê-ông trên sông Ranh. Liệu nước Nga còn đợi dịp nào tốt hơn nữa để gây chiến với nhà độc tài Pháp? Na-pô-lê-ông sẽ không có những phương tiện và lực lượng cần thiết để đương đầu với cả một bè bối thù địch này. Việc Na-pô-lê-ông hành hình công tước Ăng-ghiên đã làm bùng ra ở khắp châu Âu quân chủ, lúc ấy đang sẵn sàng hành động, một cuộc vận động mãnh liệt rất hiệu nghiệm phản đối "con yêu tinh đảo Coóc" đã làm đổ máu một hoàng tử của dòng họ Buốc-bông. Người ta quyết định triệt để lợi dụng biến cố xảy ra rất hợp thời ấy. Ai nấy đều vội vã khuyên Đại công tước xứ Bát-đơ phản đối việc vi phạm trắng trợn lãnh thổ xứ Bát-đơ khi người ta bắt công tước Ăng-ghiên, nhưng vị vương công xứ Bát-đơ ấy, sợ gần chết, lặng thinh, còn hối hả tìm cách hỏi ngầm giới thân cận của Na-pô-lê-ông xem Na-pô-lê-ông có được hài lòng trong cách xử sự của những nhà chức trách xứ Bát-đơ trong việc ấy không, và các nhà chức trách đó có thi hành nghiêm chỉnh những yêu sách của hiến binh Pháp không. Bọn vua chúa khác cũng chỉ dám bộc lộ kín đáo sự tức giận của họ với những người thân thiết và lòng dũng cảm của họ nhiều hay ít là do biên giới đất nước họ cách biên giới đất nước Na-pô-lê-ông xa hay gần quyết định. Chính điều đó cắt nghĩa tại sao hoàng đế Nga lại là người lên giọng kiên quyết nhất. Bằng một bức công hàm đặc biệt, A-lếch-xan đã dứt khoát phản đối việc vi phạm lãnh thổ xứ Bát-đơ, A-lếch-xan nhấn mạnh tính nghiêm trọng của việc vi phạm về phương diện luật quốc tế. Na-pô-lê-ông đã đọc cho bộ trưởng ngoại giao của mình viết bức thư trả lời nổi tiếng mà A-lếch-xan không bao giờ quên và cũng không bao giờ tha thứ được, vì suốt đời A-lếch-xan chưa bị ai làm nhục một cách tàn tệ như vậy. Đại ý bức thư nói rằng: Công tước Ăng-ghiên bị bắt vì đã tham dự vào một âm mưu chống Na-pô-lê-ông; nay thí dụ hoàng đế A-lếch-xan biết được rằng bọn thủ phạm giết người cha quá cố của mình là Pôn đệ nhất, hiện đang ở trên nước ngoài, nhưng chỉ có một cách cụ thể để có thể bắt bọn chúng, và nếu A-lếch-xan đã cho bắt bọn chúng thật thì Na-pô-lê-ông đâu dám phản đối việc vi phạm lãnh thổ của một nước ngoài do A-lếch-xan làm. Thật không còn có cách nào buộc tội A-lếch-xan rõ ràng, công khai và chính thức hơn nữa về tội giết cha. Toàn châu Âu đều biết bọn mưu sát hoàng đế Pôn đã được sự đồng tình của thái tử A-lếch-xan và gã Sa hoàng trẻ tuổi ấy, sau khi lên ngôi, không dám đụng đến lông chân của bá tước Pa-lem, của tướng Ben-nít-xen, của Du-bốp, của Ta-li-din cũng như của bất cứ một kẻ nào khác, mặc dầu bọn này không sống ở "đất nước ngoài" mà sống đàng hoàng ở Pê-téc-bua và được tiếp đón vào cung điện Mùa Đông. Mối căm thù nung nấu của A-lếch-xan đối với cái người đã làm cho A-lếch-xan nhục nhã ê chề đã có tiếng vang mạnh mẽ trong bọn quý tộc và triều thần mà chúng đã biết tâm trạng.Để mở rộng cơ sở giai cấp trong các hành động quân sự của mình và để gây thiện cảm trong các giới yêu chuộng tự do, A-lếch-xan sẵn sàng gia nhập khối liên minh thứ ba, đã công khai phát biểu bằng giấy tờ nỗi thất vọng của ông ta do những âm mưu thống trị thế giới của Na-pô-lê-ông gây nên và những mối tưởng nhớ, luyến tiếc mà ông ta cảm thấy về sự tiêu vong của nền Cộng hòa Pháp. Đó là một sự giả nhân giả nghĩa vụng về: thật ra, có bao giờ A-lếch-xan quan tâm đến số phận của nền Cộng hòa Pháp, nhưng A-lếch-xan lại có mắt tinh và đúng để hiểu rằng việc Na-pô-lê-ông biến nước Pháp thành một đế quốc chuyên chế, chính là một thời cơ để phá uy tín của Na-pô-lê-ông đối với một bộ phận nào đó trong xã hội ở Pháp và ở châu Âu, đối với những người còn tưởng nhớ đến cách mạng. Lời chỉ trích đượm mùi tự do đó, phê phán Na-pô-lê-ông là một tên chuyên quyền độc đoán, từ miệng một thủ lĩnh độc tài của một đế quốc xây dựng trên chế độ nô lệ thốt ra, là một trong những giai thoại kỳ lạ nhất của thời kỳ trước khi chuẩn bị xong cuộc tiến công mới của khối liên minh thứ ba chống đế quốc Pháp mới. Không do dự gì, Uy-liêm-Pít bằng lòng cấp tiền cho Nga, ngoài ra còn tỏ ý sẽ cấp tiền cho cả áo, vương quốc Na-plơ, Phổ và tất cả những nước nào muốn chống Na-pô-lê-ông. Trong khi ấy, hoàng đế Pháp đã làm gì? Lẽ dĩ nhiên là Na-pô-lê-ông đã biết thừa thủ đoạn ngoại giao của các đối phương, nhưng vì cuộc liên minh đang hình thành chậm chạp mặc dầu Pít đã cố gắng nhiều, và vì đến mùa thu năm 1805, Na-pô-lê-ông vẫn thấy rằng áo chưa sẵn sàng tham chiến được, nên một mặt Na-pô-lê-ông vẫn tiếp tục chuẩn bị đổ bộ lên đất nước Anh và, mặt khác, vẫn hoạt động như thể ở châu Âu chẳng có ai ngoài ông ta. Ông ta thấy cần thiết phải sát nhập Pi-ê-mông, thì ông ta sát nhập; thấy cần phải thôn tính Giên và Lúc-cơ thì đã thôn tính; thấy cần phải xưng là vua nước ý và phải làm lễ đăng quang ở Mi-lan thì đã làm như thế (vào ngày 28 tháng 5 năm 1805); thấy cần phải đem một lô các quốc gia Đức nhỏ bé như hạt bụi làm tặng vật cho đồng minh của mình, hay đúng hơn là cho các chư hầu Đức của mình, như Ba-vi-e chẳng hạn, ông ta đã làm. Những vua chúa Đức có đất đai ở Tây á, nơi mà nước áo đã hoàn toàn bị loại trừ ra sau hòa ước Luy-nê-vin, chỉ còn trông mong vào Na-pô-lê-ông cứu thoát. Bọn họ lũ lượt kéo đến Pa-ri, khúm núm và đê tiện, chen chúc xô đẩy nhau trong phòng đợi của các cung điện và của các bộ, cam kết trung thành, xin xỏ một vài mảnh đất láng giềng, tố cáo lẫn nhau, mưu mô làm hại lẫn nhau, luồn lọt đám quần thần của Na-pô-lê-ông, chồng chất lên Tan-lây-răng những lời cầu cạnh và của đút. Thoạt đầu, quần thần của Na-pô-lê-ông ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó họ chẳng lấy làm lạ nữa, ở cung Tuy-lơ-ri, họ chú ý thấy một người trong đám tiểu vương Đức ấy đứng sau ghế Na-pô-lê-ông, còn Na-pô-lê-ông thì đang đánh bài, thỉnh thoảng hắn lại cúi gập lưng xuống hôn vội vào tay ông hoàng đế, nhưng ông ta chẳng hề để ý.