CHƯƠNG 27
CỜ THIÊNG VÙNG VẪY

Hà Nam là giao điểm của ba châu Giao - Hải - Trường, bốn phía sông lớn đổ vào như Nhị Hà, Đăng Giang, Nhuệ hay Ninh Giang. Chính vì vậy, hàng nghìn quân đóng trên đất này được đặt dưới sự chỉ huy của Hà Phủ Giang, tên tướng khôn ngoan bậc nhất trong quân đội viễn chinh tám năm về trước. Sau buổi đầu mất phương hướng bởi những dòng phản kháng cháy âm ỉ, hắn lập đồn theo thế chân kiềng tựa lên đất Kim Bảng, Thanh Liêm và Bình Lục. Mỗi đồn đặt dưới tay một gã tỳ tướng tâm phúc quán xuyến hàng chục dặm xung quanh. Riêng Hà Phủ Giang chỉ huy trại trung tâm ngay sát Lý Nhân. Dỏng tai nghe người ta nói chuyện, dòm mắt xem người ta làm. Nếu Lý Nhân được coi là trung tâm của Hà Nam thì ngày nào họ Hà cũng lượm lặt được khối. Điểm hơn người của hắn là biết phân biệt thật giả, để từ đó hành động. Đã từng có thời gian dài, hễ nhóm nào ngo ngoe chực thò đầu ra là hắn tóm gọn. Các đạo nghĩa quân vì vậy mà chịu rất nhiều tổn thất buộc phải thay đổi cách hoạt động, bám lấy từng tất đất, tuỳ lúc cương nhu, hễ đối phương sơ hở lập tức tung đòn, và biết mất. Bà con làng xóm giấu họ trong lòng, vô hiệu hoá con mắt cú vọ của quân Hán. Tên tướng chỉ huy đành chuyển phương hướng. Hắn bỏ tiền mua chuộc một số người, sáng đưa quân vờ càn qua rồi tối ém lại rình bắt. Những người yêu nước lần nữa lâm vào vòng nguy hiểm nên tìm cách thủ tiêu kẻ nham hiểm này. Nào thì lẻn vào trại hành thích, nào thì chặn đường mai phục, nào thuốc độc nào gươm đao. Nhưng lần nào hắn cũng thoát. Con người bị rình giết nhiều nhất cả nước Nam này có lẽ đã quá chán ngán, mệt mỏi. Gần đây, dựa trên nhiều tin tức được mua bằng vàng và máu, hắn dồn dồn hết lực lượng nghĩa quân ra khỏi vòng tay bảo vệ hậu phương. Sắp úp gọn một mẻ thì Nguyễn Thuận mang quân đến đánh. 
Khá khen cho sự bạo gan ấy. Hà Phủ Giang tức tối ra mặt. Hắn không biết rằng quyền quyết định không còn trong tay của người Hán nữa. Trận đầu tiên diễn ra ở Duy Tiên. Quân Việt thành công trong việc buộc quân Hán căng ra về nhiều phía. Một cánh quân xẻ ngang, một cánh quân xẻ dọc do Lại Xuân Kiểm và Nguyễn Thao, con trai cả của Nguyễn Thuận, chỉ huy đánh cho Hà Phủ Giang phải ôm cổ ngựa chạy rối rít. Quân Việt làm chủ Duy Tiên.
Trận thứ hai vẫn diễn ra ở Duy Tiên nhưng lần này Hà Phủ Giang huy động hết ba lộ quân của mình. Co kéo gần 1 ngày, quân Việt đành trả lại phần đất mới cướp được hôm trước. Hà Phủ Giang định thừa cơ đè bẹp đối phương thì bị quân địa phương đánh tập hậu. Không còn cách nào khác, hắn chia quân chống đỡ. Công bằng mà nói,  gộp cả quân của Nguyễn Thuận lẫn nghĩa quân trong vùng cũng chỉ đủ sức làm cho Hà Phủ Giang bối rối chứ không thể hạ nổi.
Cuộc chiến vì vậy mà giằng co mất mấy hôm, đến lúc Lê Lãm dẫn quân tới. Quân Nghĩa Đoàn nhảy vào cuộc với khí thế ngút trời, bao vây Hà Phủ Giang ở Đọi Sơn. Đánh nhau rầm rĩ hai canh giờ thì quân Thanh Liêm đến. Nguyễn Thuận chặn được quân Thanh Liêm thì phía Kim Bảng, Bình Lục có người đến cứu. Đánh thêm hai canh giờ nữa thì đôi bên rút lui nhằm bảo toàn lực lượng. Nguyễn Thuận đóng quân ở Ban Hiếu, Lê Lãm hạ trại gần nhánh sông Cấm còn Hà Phủ Giang rút về Kim Bảng.
Lê Lãm gọi các tướng đến bàn bạc.
- Quân Hán chia đóng ở 3 nơi hiểm yếu tạo thế chân kiềng, luôn phiên tiếp sức cho nhau nên rất khó đánh. Ta phải triệt được một đồn mới đánh sập được cái kiềng. Giờ đánh đồn nào là chắc thắng nhất?
Đội trưởng Bạch Hổ Lê Đăng Khánh nói:
- Lúc này Hà Phủ Giang rút về Kim Bảng, tất nơi đấy tập trung binh lực lớn. Ta viết thư yêu cầu phía tướng Nguyễn Thuận đánh Kim Bảng theo kiểu dấm dẳng, kéo dài thời gian. Nhân dịp đó ta đem quân đánh Bình Lục.
- Bình Lục là nơi thất thế nhất nên Hà Phủ Giang ắt có đề phòng. Hơn nữa, theo mật báo thì phần lớn các đội Ngân Vệ được dồn về đây do đích thân Tổng đội trưởng Hoả Thiên ưng thống lĩnh.
- Chính vì thế, họ Hà cũng sẽ đoán chúng ta đánh Bình Lục. Tướng quân dẫn quân đến cho hắn tin. Còn thật ra ta đánh Thanh Liêm. Đồn dựng ở nơi hiểm trở, mặt sau dựa lưng vào núi, phía trước có bố trí chông gai ngăn cản. Nhưng địa thế rất bí, nếu ta mở được cổng đồn, dùng hỏa công mà đánh tất là phá xong. Việc này tôi xin đảm trách.
- Thế đội trưởng cần bao nhiêu quân?
- Năm trăm.
- Chỉ ngần ấy, liệu có đảm bảo không?
- Tướng quân phải tập trung binh lực cho Bình Lục. Về phần tôi chỉ năm trăm quân là đủ. Hẹn một ngày sẽ phá xong.
Lê phó soái thuận ý.
Còn bên đồn Kim Bảng, Hà Phủ Giang nói với mưu sĩ:
- Ngươi bảo nên đề phòng là sao?
- Ngày mai kẻ địch sẽ tìm cách đánh chiếm hai đồn ở Thanh Liêm và Bình Lục.
- Ta biết. Bình Lục là nơi yếu nhất, Lê Lãm sẽ nhắm vào đó. Ta đã bí mật tăng cường nhân mã. Riêng hai cửa giao cho sáu đội Ngân Vệ phụ trách. Yên tâm là chúng không đủ sức đánh đổ. Chờ khi chúng mệt sẽ phản công thêm quân hai đồn. Một trận sẽ phá xong.
- Thuộc hạ cho rằng chúng sẽ tấn công vào Thanh Liêm?
- Không sao. Thanh Liêm tường vững thế hiểm. Dẫu đại quân của địch kéo đến, một ngày chưa chắc phá xong. Chừng đó đủ cho ta diệt hết nhúm quân của chúng rồi.
Buổi tối, năm trăm quân của Lê Đăng Khánh đã đến sát đồn Thanh Liêm. Sở dĩ đội trưởng Bạch Hổ dám nói chắc là do trong quân có Vũ Công Tài, con trai của thủ lĩnh nghĩa quân Thanh Liêm làm liên lạc. Lê Đăng Khách lập ra đội cảm tử ba mươi sáu người cùng với đội của nghĩa quân, nửa đêm đột nhập vào đồn. Đên hôm đó không trăng, xen lẫn trong lính gác là những thành viên của đội 9 Ngân Vệ. Hỏa Thiên ưng bố trí hai đội 9,10 ở đây và đêm nay đến phiên thuộc hạ của Sơn Hùng cùng thức với binh lính.
Từng tốp lính gác thong thả rảo quanh đồn. Ba gã vác giáo đứng sau luỹ nói chuyện.
- Đêm vắng vẻ quá. Tao cứ hình dung có kẻ rình rập ngoài kia, chờ mình ra là xiết cổ.
- Hê hê. Một gã cười. Cái thằng này có lá gan muỗi. Đêm nào chẳng có bọn rình bên ngoài nhưng vào sao nổi đây.
- Mày cũng biết là có kẻ đang rình ư? G ã đầu tiên lo lắng.
- Nó nói xéo mày đấy. G ã thứ ba nói. Bọn nghĩa quân, chúng nó đang ngáy ầm ầm. Thằng nào rỗi hơi mà đi rình mày.
Hai gã cười phá lên. Thường thì bọn lính gác hay cố cười to để đỡ tẻ trong đêm khuya thanh vắng. Gã đầu tiên trệu trạo hùa theo, mặc dù còn hơi lo lo. Được một lúc, cơn lo lắng bùng phát vì gã thứ hai đi mãi chưa thấy quay về. Gã nói với gã thứ ba. Gã này bảo vớ vẩn  rồi lục tục đi tìm gã kia vì đội trưởng sắp ra đôn đốc. Còn mình gã thứ nhất nắm chặt cây giáo, chực có biến là đâm luôn. Sau đó hắn nghe tiếng bước chân về bèn mừng rỡ hỏi: “Ai đấy?”. Im lặng. Sợ hãi, hắn hua cây giáo về phía trước. Trước mặt không ai, nhưng sau lưng thì có lưỡi kiếm lạnh toát. Gã lính canh gục xuống. Vô số bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện. Đám lính gác cứ thế đổ gục.
Có tên đội viên Ngân Vệ phát hiện ra người nấp sau bụi chuối bèn rón rén ra sau chém một nhát chết không kịp kêu. Đó là một người mang kiếm mặc quần áo đen. Hắn vừa định đánh động thì nghe tiếng gió rít vội lăn người ra sau bụi chuối tránh được. Song ngay sau là đường kiếm khác và vận may không đến hai lần. Hắn đành chịu chung số phận với người hắn vừa giết. Ba người áo đên khác cùng xuất hiện. Người tung nhát kiếm đầu là Dương Vân. Chàng xót xa thông báo:
- Anh Xuân Thái của đội Cổ Loa.
Hai anh em sinh đôi của đội Bạch Hổ giọng tức tối:
- Bọn khốn Ngân vệ làm chúng ta mất bốn người.
- Đắng kia hò hét chắc đánh nhau to rồi, chúng ta chạy ra đó xem sao.
Cổng đồn mở toang, quân Việt đánh thốc vào. Họ chạy đến phía đông thì thấy có các chiến binh cảm tử đang giao đấu với sáu tên đội viên Ngân Vệ. Võ nghệ bọn này rất cao nên đã có một chiến binh bị hạ, hai ba người nữa trúng thương và sắp sửa không chống đỡ nổi. Họ vội lao vào cuộc chiến như ba con sư tử dũng mãnh. Cán cân lập tức nghiêng về phía người Việt. Quân Việt dùng lửa đốt đồn, nghĩa binh Thanh Liêm được dịp xả uất ức trong lòng cùng ý chí lập công cao độ của năm trăm quân Việt Nghĩa Đoàn đập tan phòng tuyến quân Hán. Binh lính không còn nghe theo lời tướng bỏ chạy tháo thân. Cả tỳ tướng Hoàng Trung Thông lẫn Âm Kiếm, đội trưởng đội 9 đều bỏ mạng trong đám loạn quân.
Vừa diệt xong đám đội viên, Dương Vân lạng quạng sang bên hông đồn bỗng gặp ngay một gã Ngân Vệ khác trên đường chạy trốn. Chẳng chần chừ chàng vung kiếm chém. Hắn giơ kiếm đỡ. Một tiếng “choang”! Cổ tay chàng tê dại. Nếu không có công phu rèn luyện bền bỉ trong cả năm, chắc hẳn chàng đã để thanh bằng kiếm văng khỏi tay. Đối thủ là một gã thân hình to bè vạm vỡ với bắp tay thép cầm thanh đao bản rộng, khí thế cực mạnh. Nhìn Dương Vân bằng cặp mắt lạnh lẽo, hắn đưa ngón tay vào miệng huýt sáo. Biết hắn gọi ngựa, Dương Vân xông vào cản. Kẻ kia chẳng coi vào đâu. Đường đao qua đôi tay tưởng thô vụng của hắn bắt đầu thêu hoa dệt gấm nhằm các yếu điểm trên người chàng. Nguyên cái tiếng gió của thanh đao khủng khiếp đó cũng đủ làm kẻ yếu tim hồn xiêu phách lạc. Dương Vân không yếu bóng vía nhưng so với hắn, chàng chỉ là một đứa trẻ không hơn không kém. Con ngựa Tích Huyết Ô Truy phi tới, gã Ngân Vệ nhảy phốc lên, biến mất trong sự hậm hực của chàng trai trẻ.
Trận chiến kết thúc lúc trời hưng hửng sáng với thắng lợi tuyệt đối của phía quân Việt. Hầu hết binh tướng trong đồn đều bị diệt. Nhân dân Thanh Liêm đổ ra ngập lối để chào đón những người anh hùng.
..................
Mồng sáu tháng hai.
Lê Lãm kết hợp với quân địa phương đánh Bình Lục. Sau hai canh giờ vây hãm đã phá vỡ được phòng tuyến của địch, sức mạnh như lũ tràn. Quân từ Thanh Liêm cũng kịp đến nơi, chặn đường rút chạy của quân Hán. 
Nguyễn Thuận đánh Kim Bảng.
Trong khi đó, năm ngàn quân của Võ Thiên Nam đã tiến gần tới Lý Nhân. Sau lưng là quân Cỏ Lau của Đinh Công Trứ. Ngô Quyền tạm thống lĩnh trung quân vì Nguyên Soái do nỗ lực quá sức trong trận trước đã tái phát vết thương. Cứ thế từng đoàn lao nhanh về phía bắc.
Hà Phủ Giang đánh nhau với Nguyễn Thuận khá lâu vẫn không chiếm được ưu thế. Thanh Liêm, Bình Lục thất thủ khiến lòng hắn càng rối bời. Đến khi biết đại quân Việt Nghĩa Đoàn sẽ đến trong ngày và Lê Khắc Chinh đang đóng năm vạn quân ở Đan Hồng, không hề có ý định tiếp cứu, Hà Phủ Giang đành ra lệnh rút binh. Nguyễn Thuận đuổi đến chân dốc Đứng thì dừng.
Quay lại chiến trường Bình Lục. Quân Hán hàng ngũ tan, chạy lấy được. Đội viên Ngân Vệ là những kẻ bị truy diệt nhiều nhất. Ngọc Diện Dương trúng tên mà chết. Khất Ma đương chạy dọc theo con mương thì cả người lẫn ngựa thụt xuống hố. Dân làng ùa ra trói nghiến. Nếu bác trưởng làng không nhanh tay can thiệp có lẽ hắn bị trai làng đánh chết. Dương Vân cướp được con ngựa của một tên kỵ binh tử trận, lao về hướng bụi bay mù mịt phía đông nam. Chạy hơn hai dặm chàng nhận ra chiến cuộc không mở rộng về hướng này. Tự trách mình mất thời gian vô bổ, chàng tính quay lại thì nghe có tiếng binh khí chạm nhau. Cuối con đường cát là tới một ngôi làng. Người trong làng phần tham gia chiến đấu, người già và trẻ con đi lánh nạn nên khung cảnh mênh mông không hề có bóng người, nước trong ao thậm chí chẳng thèm lay động. Tiếng binh khí vọng từ phía rìa làng xa xa. Dương Vân chạy lại gần thì thấy 1 thành viên của Nghĩa Đoàn nằm sấp mặt, bên cạnh có 2 người đang giao chiến kịch liệt. Một trong đó chính là kẻ chàng gặp đêm hôm qua, con Tích Huyết Ô Truy đang hý trợ oai chủ nhân của nó. Đầu Dương Vân bốc lửa giận. Người kia là 1 cô gái trẻ người Việt, sử dụng kiếm của nam nhân, mồ hôi nhỏ giọt trên má, ướt đẫm trên lưng, tựa hồ sắp buông xuôi. Dương Vân ngạc nhiên nhận ra là cô gái bán hàng ở Lý Nhân. Quái quỉ làm sao khi thấy võ nghệ cô nàng giỏi hơn chàng khá nhiều. Chàng rất thắc mắc song phải cứu người trước. Nghĩ vậy, Dương Vân nhảy vào vòng chiến. Có người hỗ trợ, đường kiếm trong tay cô gái phấn khởi hẳn. Gã Ngân Vệ đột ngột cáu kỉnh. Hắn khịt mũi tức tối gia tăng đao lực. Hai chọi một mới thấy hết sự đáng sợ của hắn. Dương Vân mấy lần toát mồ hôi lạnh tránh đường đao trong chớp nhoáng. Hắn múa đao mỗi lúc một nhanh mà thần thái vẫn bình ổn. Phía bên kia cả 2 người dùng hết sức chỉ tránh được khỏi mất mạng.
Ta không thể để kẻ nguy hiểm này thoát thân được. Dương Vân sực nhớ còn chưa dùng đến ba ngón tuyệt chiêu mà ba ông anh đã dạy chàng trước lúc lâm trận. Phải rồi! Dương Vân nhằm ngực đối phương đâm, lưỡi kiếm hơi chếch xuống. Gã Ngân Vệ nhăn mặt, kéo lưỡi đao về phòng thủ. Cô gái kêu "ối chao" nhìn hai thứ binh khí sắp va chạm. Thanh kiếm mà bị hất ra, toàn thân Dương Vân sẽ phơi ra làm mồi cho lưỡi đao hung hiểm. Cả hai người chưa kịp hiểu tại sao chàng trai ra đòn liều lĩnh như thế thì chiêu kiếm biến đổi trong chớp mắt. Chân trái Dương Vân đẩy sát chân phải, người chàng uốn sang phải. Cổ tay phải xoay úp xuống, lưỡi kiếm trở chéo lên, khuỷu tay co vào vào bật ra bằng một tốc độ chóng mặt. Gã Ngân Vệ hấp tấp nghiêng người. Phúc nhà hắn còn rất lớn vì Dương Vân tự dưng run tay vào thời khắc cuối cùng. Mũi kiếm bay vèo qua cổ hắn, để lại vết rách ngay cạnh yết hầu. Chàng tiếc hùi hụi vì chưa kịp rèn thấu đáo đòn “R ắn chuyển mình” của anh ba Dương Thạch. Được cái, nó cũng khiến đối phương bị thương. Chàng đã chiếm thế thượng phong liền ra đòn tiếp theo. Anh hai Tiểu Nhi đặt tên đòn này là “Hề điên”. Hai tay nắm chuôi kiếm, chàng nâng lên cao bổ vào đầu đối thủ. Thế kiếm trông thật cục mịch. Gã Ngân Vệ cảnh giác lùi lại không đỡ. Chàng bổ một nhát nữa, hắn lùi thêm một bước. Chàng bổ nhát thứ ba. Càng lùi càng bất lợi, gã Ngân Vệ vung đao đỡ. Tiếng đao kiếm chạm vào nhau nghe rợn người. Gã Ngân Vệ lảo đảo chực ngã, bàn tay tê dại.
Sao lạ thế? Nếu so về sức lực thì phải gộp hai chàng Dương Vân lại mới đánh bật được đao của hắn. Đây đích thị là điều Tiểu Nhi tự hào nhất. Anh chàng này đánh gậy miễn chê và dùng kiếm thì miễn khen. Trong cái đầu đặc biệt bướng bỉnh của mình, chàng ta mặc nhiên cho rằng những thế nào dùng được cho gậy thì ắt cũng dùng được cho kiếm. Thế là có bao nhiêu bài gậy, chàng phổ thành bấy nhiêu bài kiếm dù từ hình dạng đến công năng của chúng khó tìm ra nổi một điểm chung. Nhưng trong một ngàn cái dở, kiểu gì người ta cùng tìm được một cái hay. Trong một ngày đẹp trời, Tiểu Nhi đã nghĩ ra “Hề điên bổ kiếm liên hoàn”, đòn thế xuất sắc nhất hay đúng hơn là đòn thế xuất sắc duy nhất trong kiếm pháp của chàng. Như chàng ta giảng giải cho cậu em út:
- Đòn thế tuy trông thô kệch nhưng lại đánh một cách vô cùng tinh tế vào tâm lý đối thủ. Tất cả các kiếm sĩ, dù cao cường đến đâu, khi lâm trận đều sẽ nghĩ đến những bài kiếm quen thuộc và bất biến. Họ sẽ dùng bài kiếm hoặc thức kiếm đã luyện thành thục của mình để tấn công và tập trung tinh thần đoán bài kiếm hoặc thức kiếm đã luyện thành thục của đối thủ để phòng ngự. Chính vì thế, cái cách ta giơ kiếm lên đầu bằng cả hai tay, như thế này, hở toàn bộ từ phần ngực trở xuống, sẽ làm cho kẻ tầm  thường chủ quan và kẻ giỏi giang lo sợ. Chiêu này của anh sáng tạo nhằm phô diễn với bậc cao thủ nên ta chỉ cần quan tâm đến vế sau. Ta đứng vào thế và kẻ địch sẽ thắc mắc “h ắn có bị điên không hay hắn che đậy âm mưu sau cái hư chiêu đó”. Cam đoan trong mười kẻ, sẽ có chín kẻ rưỡi không dám đỡ nhát chém đầu tiên. Ta thừa cơ chém nhát thứ hai. Nếu không đỡ nhát đầu tiên, hoạ có điên hắn mới đỡ nhát thứ hai. Vì thế hắn tránh và ta chém nốt nhát thứ ba. Lần này ngược lại, chắc chắn chín kẻ rưỡi sẽ đỡ đòn mà không biết hắn lùi một bước là giảm hai phần khí thế, ta tiến một bước là tăng hai phần khí thế. Ta bổ từ trên xuống là được hai phần khí thế, hắn đỡ từ dưới lên là mất hai phần khí thế. Hắn ra tay không dứt khoát vì sợ ta biến đòn, là thiệt ba phần khí thế còn ta táng đòn không hề phân vân do ta chỉ có mỗi nước ấy, là lời ba phần khí thế. Chung quy lại, mười chín phần khí thế đánh một phần khí thế, bắt buộc phải thắng thôi.
Dương Vân chém trái, chém phải rồi phải rồi trái. Các thế liên hoàn như nước chảy tan biến hoàn toàn sự sinh động trong đường đao của đối thủ. Hắn thở phì phò, mồ hôi vương vãi, mấy lần tưởng mất mạng đến nơi. Cô gái, giờ chống kiếm làm khán giả, trong bụng tấm tắc khen ngợi. Có điều chàng vẫn không thể giải quyết xong trận đấu vì sự rèn luyện chưa tới đích. Cũng phải khen rằng gã Ngân Vệ kia quả là một nhân vật kiệt xuất và xem ra hắn đang dần thoát khỏi sự uy hiếp. Bởi vậy, Dương Vân bắt buộc phải thi triển đòn thế cuối cùng. Lần này nếu không thành công, có lẽ cả chàng lẫn cô gái đều không thoát khỏi bàn tay của thần chết. Bên tai chàng văng vẳng lời dặn dò của anh cả Ngô Quyền:
- Con người ta, ai cũng là máu thịt của cha mẹ. Ai cũng mang niềm hy vọng của người thân yêu đặt vào. Con người ta, ai cũng đáng sống. Đến kẻ tội lỗi nhất cũng không đáng phải chết nếu hắn biết hối cải. Nhưng từ xưa đến nay, con người vẫn thản nhiên giết hại đồng loại vì sự sống của riêng mình. Anh cũng thế và em cũng không thể làm khác khi cuộc chiến nổ ra. Bởi nguyên nhân đó, anh dạy em đòn “Cờ thiêng vùng vẫy” để phòng thân, để đánh lại kẻ địch hùng mạnh nhất và để biết dừng lại trước ranh giới thiện ác.
Cờ thiêng vùng vẫy, Dương Vân lẩm bẩm, đã đến lúc rồi.
Đến lúc tái khởi uy phong, gã Ngân Vệ gạt phăng thanh kiếm. Hai bàn chân bám dính xuống đất, thanh đao giữ thế “Dời sông lấp biển”. Dương Vân bất giác mỉm cười. Đôi mắt chàng rạng rỡ niềm vui, thanh kiếm trong tay phất lên bạt gió. Gã Ngân Vệ bị ngợp bởi hùng khí toát ra. Kiếm gặp đao chẳng ầm ĩ, vừa chạm vào là trượt xuống tận đốc. Cổ tay hắn tự nhiên rung không kìm nổi.
- á... Bắp tay của gã Ngân Vệ bị cắt một nhát sâu.
Dương Vân điềm nhiên như chẳng quan tâm. Kiếm của chàng lại chém trúng đối phương. Lần này là vào chân. Gã Ngân Vệ phải chống đao khỏi ngã. Mắt hắn trợn trừng nhìn lưỡi kiếm đang đâm đến cổ mình. Người như tê liệt, hắn đã nghĩ đến cái chết.
Dừng lại trước ranh giới thiện ác.
Dương Vân nhìn đối thủ. Chàng thấy hắn không còn đáng sợ nữa.
- Giết nó đi. C ô gái lo sợ vì thấy chàng muốn buông tha đối thủ.
Chàng lắc đầu. Gã Ngân Vệ im lặng. Cô gái gào to:
- Hạ thủ đi. Anh không có gan thì để tôi.
Nhìn cô gái xách kiếm hăm hăm xông lại, Dương Vân cảm thấy khó nghĩ. Chàng không giết gã Ngân Vệ nhưng giữ hắn cho cô gái hạ thủ cũng gián tiếp mắc lỗi. Thực lòng chàng muốn buông kiếm cho hắn tự cứu mình nhưng biết đâu sẽ mang đến tai ương cho những người khác. Nhìn nét mặt cô gái, chàng nghĩ bụng:
- Tại sao sự căm thù lại làm cho mặt con người ta méo mó đến thế? Trông cô nàng chẳng giống lúc trước tý nào.
Gã Ngân Vệ im lặng, dùng mắt hỏi chàng:
- Tại sao cậu lại mặc cho cô ta giết tôi?
Cô gái vung kiếm lên.
- Đừng!
Hai giọng nói cùng vang lên trong khoảnh khắc. Tiếng hai thanh kiếm va chạm rổn rang. Trong thời điểm quyết định, Dương Vân đã dùng kiếm cứu mạng gã Ngân Vệ. Có điều bản thân gã vẫn im lặng. Người đồng thanh với Dương Vân là người tưởng đã chết. Người chiến binh Nghĩa Đoàn đã tỉnh lại. Cô gái quắc mắt nhìn chàng, cái nhìn tràn ngập sự thù hằn. Dương Vân ngỡ ngàng khi nghe người kia nói:
- Anh nói gì?
- Nó đã lừa và giết hại nhiều anh em mình. Tôi theo dấu đến đây thì bị đánh lén, may nhờ có gã Ngân Vệ đó cứu.
Đất trời điên đảo. Dương Vân bị bất ngờ đến hoa cả mắt.
- Khốn kiếp! G- Ngân Vệ rủa.
Véo… Huỵch… Phập…[font=".vncentury schoolbook"] Ba âm thanh đặc trưng liên tiếp phát ra. Gã Ngân Vệ hất mạnh cánh tay phải, thanh đao bản rộng quay tít, bay véo trong không gian. Hắn ngã huỵch xuống đất. Thanh đao vượt hơn mười trượng, cắm phập trước mặt cô gái. Hoá ra thừa lúc Dương Vân đang ngây người, cô ta đổi hướng định giết người nghĩa binh.
- Chớ có làm bừa. D ương Vân múa kiếm lao đến.
Cô gái rít lên phì phì như hổ mang, nhảy lên lưng bạch mã nãy giờ kèn cựa với con Tích Huyết Ô Truy, phóng thẳng. Dương Vân ngơ ngẩn nhìn theo.
- Cậu tiếc cô ta lắm hả? G ã Ngân Vệ khập khiễng đi nhặt thanh đao.
- Ông là ai? D ương Vân cảnh giác.
- Là người của Ngân Vệ. H ắn đáp bằng giọng mũi.
- Hừ. Chàng bực mình đi đến chỗ người chiến binh bị thương. Anh có sao không?
- Không sao, vết thương ngoài da nghỉ một lúc là khỏi. Cậu là Dương Vân của đội Bạch Hổ, đúng không?
- Anh biết tên em? D ương Vân tròn mắt.
- Trong Nghĩa Đoàn, ai mà chẳng biết tên cậu! Có điều, hôm nay tôi còn biết thêm là cậu rất giỏi. Tôi tên là Nguyễn Cảnh Dương, đội Nước Ngầm, Tổng đội hậu quân.
Dương Vân được khen mặt đỏ đến tận mang tai, vội tây tưa:
- Cô gái ban nãy thật ra là người thế nào?
- Hình như ả cũng thuộc Ngân Vệ, tôi không rõ lắm. Cậu hỏi ông ta xem?
Gã Ngân Vệ đang tự băng bó vết thương cho mình, giả không nghe thấy gì. Con Tích Huyết Ô Truy đang đứng dụi đầu vào mang tai chủ, quay sang hai người, hí khe khẽ như trách móc. Hắn xoa xoa bờm nó, chuẩn bị nhảy lên. Thấy vậy, Dương Vân nói ngay:
- Ông chưa được đi nếu không nói rõ sự tình, xem trắng đen ra sao?
Gã Ngân Vệ lạnh lùng nhìn Dương Vân. Nước da đen và hàm râu rậm khiến cho người đối diện khó đoán tuổi. Hắn nói:
- Tôi nợ cậu một mạng. Cậu muốn biết cái gì thì cứ hỏi?
- Hãy nói cho tôi biết ông là ai?
- Ta là Sơn Hùng, đội trưởng đội 9 Ngân Vệ.
Kẻ từng đuổi theo anh em chàng trong chợ Lý Nhân? Lúc đó mải chạy nên chàng chẳng để ý diện mạo của hắn. Dương Vân gật đầu:
- Thế cô ta là ai?
- Độc Thiên Lý, đội trưởng đội 11 Ngân Vệ.
Hai người giật nảy mình, hoá ra cô nàng vừa rồi cũng là một đội trưởng Ngân Vệ:
- Khó tin quá. C ảnh Dương xen vào. Cô ta là phụ nữ, lại là người Việt. Ai cho cô ta làm việc đó?
Sơn Hùng im lặng. Dương Vân yêu cầu:
- Ông hãy trả lời.
- Điều lệ của Ngân Vệ không cấm đàn bà làm đội trưởng. Miễn là đàn ông độc ác một thì đàn bà phải độc ác gấp mười. Cha mẹ cô ta là người Việt, di cư lên phương Bắc sinh sống. Từ lâu rồi, cô ta đã mất cái gốc Việt của mình. Cô ta gia nhập Tử Xa Đoàn từ lúc mười lăm tuổi. Một kẻ dạn dầy núp sau bộ mặt thẹn thuồng, non tơ. Hồi còn ở bên kia, cô ta lập được một số chiến công. nên được Lý Tiến và Lê Khắc Chinh đặc cách phong làm đội trưởng. Có rất nhiều kẻ oan mạng vì tin lời con rắn độc đó.
Dương Vân nhớ lại tình cảnh của mình trong cửa hiệu bán đồ chạm khắc tinh xảo. Chàng cũng bị đưa vào tròng, suýt liên luỵ đến hai anh.
- Thì ra thế. Vậy hoá ra Lý Hân cũng là đội viên Ngân Vệ? C âu hỏi chẳng ăn nhập với câu chuyện.
- Lý Hân ư? Có phải lão già chuyên bán thẻ bài trong chợ? Không, lão ta chỉ đơn thuần là bác rể của ả Độc Thiên Lý. Có phải chính cậu năm ngoái đi cùng với Ngô Quyền đến Lý Nhân? Gã Gia Cát Thác dám vượt mặt ta, lôi cô ả vào cuộc.
- Phải. Ông chẳng dẫn đám thuộc hạ đuổi theo chúng tôi còn gì?
- Phải đuổi chứ? S ơn Hùng giễu cợt.
- Đêm hôm qua, vì lẽ gì ông nương tay với tôi? Giờ ông lại cứu mạng anh Cảnh Dương nữa? D ương Vân ngờ ngợ.
- Vì ta giống Độc Thiên Lý, cùng là một giống phản phúc! S ơn Hùng thở dài.
- Ông là nội gián! D ương Vân thốt lên.
Sơn Hùng chẳng buồn trả lời, nhảy lên lưng con ngựa ô.
- Nãy giờ cậu hỏi ta nhiều rồi. Trước khi đi ta muốn hỏi ngược cậu một câu.
- Ông cứ hỏi.
- Chiêu kiếm cuối cùng, cậu dùng để đánh bại ta là do Ngô Quyền dạy phải không?
Dương Vân gật đầu:
- Làm sao ông đoán ra? Hay ông từng giao đấu với anh ấy?
Sơn Hùng lắc đầu, giục ngựa chạy. Dương Vân và Cảnh Dương nghe thấy những lời nói cuối cùng của ông ta xen lẫn trong gió:
- Vì chiêu kiếm đó mang phong thái của bậc đế vương.
..................
Chiều mồng sáu tháng hai.
Hàn Bích Liễu phá xong ải Quy Môn. Tướng Đường là Hứa Kính Tư chạy trốn thì bị Trương Trí chặn đường giết chết. Chiến thắng này làm rung động cả đất Trung Hoa.
Mồng bảy tháng hai.
Nam Hán Vương Lưu Cung xuống chiếu chinh nam. Trương Trí nắm bảy vạn quân giữ Quy Môn. Hàn Bích Liễu được phong là Trấn Nam Đại Nguyên Soái, Trần Bảo được là Phó Nguyên Soái, thống lãnh hai mươi vạn quân, tức tốc lên đường.
Kiều Công Tiễn lấy Thừa Hóa làm bàn đạp, dần dà làm chủ cả Phong Châu.
Đỗ Mai Sơn đánh bại quân Hán ở Tế Giang, dẫn quân Hồng Châu tiến đánh Đại La.
Phùng Hoá chiếm được Long Biên, quân Giao Châu tấn công ba huyện Thái Bình, Vũ Bình, Bình Đạo.
Việt Nghĩa Đoàn dưới sự lãnh đạo của Dương Đình Nghệ cùng các tướng tài như Ngô Quyền, Lê Lãm, Đinh Công Trứ, Võ Thiên Nam.. trùng trùng vượt Trường Châu, Hà Nam, tiến đánh huyện Giao Chỉ, trực chỉ Đại La.
Lê Khắc Chinh vẫn còn sáu vạn quân ở Đan Hồng, Giao Chỉ và một vạn trấn thủ Đại La, mà lòng dạ rối bời bời khi bốn phương thọ địch. Quân Hán đã mắc phải điều cấm kỵ trong chiến trận, chưa đánh đã sợ thua.