ột sự chọn lựa khó khăn Như một võ sĩ quyền anh bị hạ đo ván, vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp phải mất một thời gian lâu mới tĩnh trí lại được. Trong một nỗ lực tối thượng để ngăn chặn tiếng cồng bại trận, ông nghiên cứu tập họp các lực lượng của mình. Trong tình trạng hiện thời của hạm đội lưu động số 1, mọi hy vọng cứu vãn quần đảo Mariannes đều bị tiêu tán. Phải cần nhiều tháng trời mới có thể tái lập lại các phi đoàn cho những hàng không mẫu hạm và của các căn cứ trên đất liền tại Đài Loan và Phi Luật Tân. Trong khi chờ đợi phải tìm cách làm chậm lại đà tiến quân của Mỹ bằng cách chống cự kịch liệt tại các đảo còn chiếm đóng và sử dụng tối đa phi cơ và tàu ngầm nhưng không đưa bất cứ một chiến hạm nào còn lại vào vòng mạo hiểm. Chính vì vậy, trong bầu trời và trên một mặt biển trống vắng, mà các lực lượng của Đô đốc Spruannce có thể đổ bộ lên hết đảo này đến đảo kia từ Saipan cho đến Iwo-Jima. Tuy nhiên, mặc dầu có sự vắng mặt của tất cả những sự can thiệp từ bên ngoài, cuộc kháng cự của quân Nhật mau lẹ mang tính cách kịch liệt đến nỗi nhiều cuộc hành quân được dự liệu trong vài ngày đi phải kéo dài hàng tuần. Tại Saipan, nơi lực lượng chuyển vận thủy bộ của Đô đốc Turner đã đổ bộ dễ dàng trong ngày 15 tháng 6 năm 1944, sau một đợt chuẩn bị mãnh liệt bằng hải pháo và oanh tạc (8.000 người được đổ bộ trong vòng 20 phút) cuộc tiến quân của Mỹ bị chặn kẹt cứng ngay trên bãi biển. Các máy kéo bọc sắt chỉ có thể tiến lên được chừng 30 thước và phần nhiều đã bị các ổ đại bác được ngụy trang tài tình bắn tan tành. Sau hai ngày chiến đấu mệt nhọc, Thủy quân lục chiến của Sư đoàn 2 bị thiệt mất 1.575 người, tử trận hoặc bị thương và bộ binh đến sau đó chỉ mở rộng đầu cầu được đôi chút. Thiếu tướng Holland Smith hiểu rằng Saipan sẽ là một Bétio thứ hai. Quả thế thật, nhưng cả Holland Smith lẫn Turner đều không phải chịu trách nhiệm, vì cả hai người đều được các phụ tá thay thế, tướng Harry Schmidt và Đô đốc Hill. Đối thủ đáng sợ của họ, tướng Seito, đã tổ chức trên các sườn của ngọn núi lửa Tapotchau một hệ thống rắc rối gồm các pháo đài, các hang động nối nhau bằng những đường hầm. Toàn bộ được ngụy trang tài tình đến nỗi các cuộc oanh tạc và hải pháo đã hoàn toàn vô hiệu. Mỗi một hang hốc, mỗi một hầm hố phải bị tấn công bằng Bazoka và súng phun lửa, và phải mất 24 ngày với 77.000 quân Mỹ được 209 tàu chuyên chở đến chiến trường mới đánh bại được 20.000 quân trú phòng trên đảo. Ngày 7 tháng 7 năm 1944, các Tiểu đoàn sau cùng của tướng Seito tung ra một đợt phản công đầy tuyệt vọng. Bốn ngàn binh sĩ và thường dân võ trang đủ loại vũ khí từ đại liên cho đến gậy tre có gắn mũi dao, nhô ra khỏi các hầm hố hò hét “Banzai” (Banzai: nghĩa thật sự là “ngàn kiếp sống”. Được sử dụng hoặc để nói một câu chúc tụng - trong khi dự một tiệc rượu chẳng hạn - hoặc như một tiếng la tỏ tình yêu nước để huấn luyện binh sĩ khi xung phong) và “Hy sinh bảy kiếp để cứu tổ quốc!”. Hai đại đội bị đụng trước tiên phải nhường bước cho làn sóng người và người ta lại phải gọi chính Sư đoàn 2 Thủy quân lục chiến đến trám kẽ hở. Rồi sự can thiệp của pháo binh đã chấm dứt lò tàn sát bằng cách bắn như sấm sét sát ngay cạnh những kẻ sống sót sau cùng. Hôm sau chỉ còn binh sĩ lẻ tử ở phía bắc đảo. Bị quân Mỹ bao vây, vài trăm quân nhân và thường dân lúc đó từ trên đỉnh của bờ biển dốc đứng tại mũi Marti đều nhảy xuống vực tự sát. Xác của tướng Seito không thể nào được nhận ra giữa hàng ngàn xác chết chất thành đống trước các hầm hố hay bị cháy ra tro trong các hang động. Xác của Đô đốc Nagumo, người chiến thắng tại Trân Châu Cảng, Tư lệnh hải quân và không lực thuộc hải quân tại quần đảo Mariannes, được tìm thấy trong đống đổ nát của các tòa nhà dùng làm Bộ Tư lệnh Hải quân. Ông không chịu để cho mang đi và tự bắn một viên đạn vào đầu. Mức độ kịch liệt của cuộc phòng thủ do Seito chỉ huy đã cho nếm trước mùi vị của những gì phải trả giá cho các cuộc chinh phục trong tương lai. Do đó các cuộc tấn công vào Tinian và Guam đều được một cơn hồng thủy toàn bom và đại pháo trút xuống trước. Tại Tinian, sự phá hủy các cứ điểm phòng thủ kiên cố được dễ dàng nhờ nó nằm gần các bờ biển dốc đứng của Saipan, nơi đại pháo của Mỹ có thể bắn qua, và nhờ sự sử dụng một phương tiện tàn phá mới được mang ra thử lần đầu tiên tại đó: bom Napalm (Xăng chứa 6% tinh thể Napalm đông đặc) với hiệu quả làm bốc cháy cho thấy đã vượt hơn loại lân tinh nhiều. Hòn đảo được quét sạch trong chín ngày. Tám ngàn quân trú phòng bị tiêu diệt với giá năm trăm sinh mạng quân Mỹ. Ngày 2 tháng 8 đến lượt Guam chịu đựng cuộc xung phong của Thủy quân lục chiến, được chuẩn bị trước bằng một cuộc hải pháo rùng rợn do chính tay một bậc thầy, Đô đốc Conolly, thực hiện. Hệ thống phòng thủ cũng có phương pháp như tại Tinian, và sự hăng say của binh sĩ Nhật rất hữu hiệu, nhưng ưu thế vĩ đại về số lượng của Mỹ đã áp đảo họ một cách mau lẹ. Ngày 10 tháng 8 năm 1944, công cuộc chiếm đóng các đảo chính trên quần đảo Mariannes chấm dứt. Quân Nhật tổn thất ở đấy mất 43.000 người, nhiều trăm phi cơ và một số lượng tương đương phi công bất khả thay thế. Ba tháng sau, các phi trường dự liệu dành cho các siêu pháo đài bay B-29 đã được thiết lập xong tại đấy. Chiến thắng dường như đang nằm trong tầm tay. Đấy chính là lúc mà sự tình cơ - loại sức mạnh thứ ba của chiến tranh ấy - lựa chọn để làm xáo trộn các kế hoạch của Đô đốc Nimitz. Ngày 26 tháng 7 năm 1944, trong lúc công cuộc chinh phục quần đảo Mariannes gần như chắc chắn rồi, Tổng thống Roosevelt đến Honolulu và cho triệu trụng Tướng Mac Arthur đến. Ông muốn đặt Mac Arthur đối diện với Nimitz và chấm dứt sự xung khắc giữa hai người. Theo ông đã đến lúc nhập chung ba chiến trường Thái Bình Dương (nam, tây nam và trung ương) vào làm một vì chiến trường đầu tiên không còn lý do nào để tồn tại nữa kể từ khi chiếm được Bougainville, và sau đó qui định những đường nét chính yếu của cuộc tiến quân về phía Nhật Bản. Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra tại Trân Châu Cảng trên chiếc tuần dương hạm Baltimore. Nimitz đã sử dụng trước một bản đồ Thái Bình Dương và giải thích với Tổng thống các lý do biện minh thuận lợi cho một mũi tấn công thẳng vào Nhật Bản, bằng cách tựa vào các tiểu quần đảo Bonins và Volcanos - đặc biệt và Iwo Jia là nơi mà ông đã oanh tạc xuống các phi trường. Các phi trường tại Saipan và tại Tinian sẽ được sửa sang lại để dùng làm căn cứ cho siêu pháo đài bay B-29. Các trung tâm kỹ nghệ và các hải cảng Nhật có thể bị oanh tạc từ mùa thu. Các không đoàn của hải quân Nhật không còn có thể được tái lập nữa và vài mẫu hạm còn chạy được không thể nào tiến ra khơi, thế thì tội gì mà lại nhọc sức chiếm hết đảo này đến đảo khác của các quần đảo phía nam, bởi vì quân trú phòng bị đói khát áp đảo rốt cuộc rồi cũng đến chết mà thôi? Khi Mac Arthur bước lên chiếc Baltimore, với một tùy viên duy nhất, mình khoác bộ quân phục tác chiến bằng ni-lông thoáng khí và đầu đội chiếc kết rộng vành, bị những cơn mưa nhiệt đói làm bạc màu, ông chào lại toán gác danh dự đang chào kính ông và tiến vào phòng khách của Đô đốc với cùng một dáng điệu của lực sĩ thế vận động như khi ông vượt qua các bãi biển theo các làn sóng quân sĩ xung phong. Ông bị khích động với nhiệt tâm chực bùng nổ của một tướng lãnh bị lưu đày không bao giờ được phép giải thích quan điểm và từ lâu phải đau khổ chịu đựng các sự chèn ép của Bộ Tổng tham mưu. Khi chỉ cho ông các cứ điểm sau cùng vừa chiếm được trên bản đồ, Tổng thống hỏi ông để đánh tan không khí lạnh nhạt: - “Sao! Douglas, bây giờ chúng ta sẽ đi đâu đây?”. Câu trả lời bật ra như một viên đạn: - “Đổ bộ lên Leyte chứ còn đâu nữa, thưa Tổng thống, và từ đó tiến lên Lujon!”. Rõ rệt là các thành công của Nimitz đã không làm cho ông đổi quan điểm. Ông luôn luôn tin tưởng sắt đá rằng điều mà ông gọi là “trục Tân-Guinée-Mindanao-Lujon-Đài Loan”, là con đường duy nhất đưa đến Đông Kinh. Phần biện hộ của ông thật hùng hồn. Ông đã ám chỉ mơ hồ đến các Trung đoàn Thủy quân lục chiến quí báu hi sinh trên các đảo san hô và “cơ hội trôi quí” mới đây để dứt khoát tiêu diệt hạm đội liên hợp Nhật Bản. Rồi ông trở lại luận đề ưng ý nhất của ông: sự cam kết mà ông đã đưa ra khi rời Corregidor là sẽ “trở lại” Phi Luật Tân. Dựa trên lời hứa này, nhiều quân du kích đáng thương đã chiến đấu từ hơn hai năm qua trong các chiến khu Mindanao và Leyte. Danh dự của Mỹ quốc bị thử thách và nếu ông không chu toàn với lời hứa, thì sẽ không còn dân tộc Á châu nào tin tưởng vào lời ông nữa. Rõ rệt là bị xúc động bởi bài diễn thuyết của Mac Arthur mà giọng nói dần dần nhuốm về giọng điệu của một công tố trạng, phần thì bị một mệt mỏi vì chuyến hành trình, Roosevelt ngước mắt lên nhìn Đô đốc Nimitz với niềm hy vọng được ông ta cung cấp vài yếu tố để trả lời. Nhưng vô ích, Nimitz là một con người lạnh lùng và quá mực thước vốn rất ghét những hiệu quả của thuật hùng biện. Ông đã nói với Tổng thống những gì cần phải nói. Những luận cứ tình cảm mà người ta thôi thúc ông, không thuộc thẩm quyền ông. Ông im lặng. Ngoài ra ông Tướng còn lớn hơn ông năm tuổi, đã từng nắm giữ chức vụ Tham mưu trưởng Lục quân trong khi đó ông chỉ là một Đề đốc đơn thuần. Lòng tôn kính mà ông vẫn chứng tỏ đối với hệ cấp quân đội bắt buộc ông phải lễ phép im lặng. Sự do dự này đã làm cho Tổng thống bực mình vì là một người cô độc do tật bệnh, Tổng thống chỉ sống trong những xúc tiếp nhân bản và trí thông minh rộng lớn của ông chỉ tác dụng toàn diện với một kẻ đồng hành để có thể trả lời lại ông Tướng. Các luận cứ của Mac Arthur lại càng đập mạnh vào ông hơn vì ông đã thấy chúng được trình bày trên các cột báo của đảng Cộng Hòa. Từ ít lâu nay cả một chiến dịch được điều hợp rất khéo léo sử dụng các luận đề của ông Tướng để tạo nên biết bao lời châm chích chính sách của tòa Bạch Ốc. Ông ngắt ngang cuộc hội kiên với thái độ hiền hậu thân thiết rất quen thuộc nơi ông và cho các thuộc viên rút lui sau khi xác định thêm rằng họ hoàn toàn đồng ý với nhau về nội dung, do đó họ phải chấm dứt sự bất đồng ý kiến. Khi trở về Hoa Thịnh Đốn; nhiều mối ưu tư khác đang chờ đợi ông. Tất cả mọi nỗ lực đều dồn về phía chuẩn bị cho Hội nghị liên đồng minh sẽ được khai mạc tại Québec vào đầu tháng 9 năm 1944 để điều hợp các cuộc hành quân trên khắp tất cả chiến trường với mục đích thu đạt nhanh hơn một chiến thắng dường như sắp sửa đến nơi rồi. Mối lo giải quyết cuộc xung đột Mac Arthur - Nimitz lại được để lại cho Ủy ban tham mưu hỗn hợp; thế nhưng bị công việc trà ngập, Ủy ban cũng bỏ quên luôn nội vụ. Trong suốt tháng 8, Nimitz được tự do tiếp tục các cuộc oanh tạc trên các quần đảo Bonins và Volcanos trong lúc Mac Arthur và Halsey gia tăng gấp dôi nỗ lực để vô hiệu hóa, bằng các cuộc oanh tạc, phía tây quần đảo Carolines trên đó các căn cứ hải quân kiên cố tại đảo Yap và Palaos đe dọa mạn sườn của mũi tiến quân về phía Mindanao. Tuy nhiên vào cuối tháng, Ủy ban tham mưu hỗn hợp vì bị tòa Bạch Ốc trách cứ chưa chịu giải quyết mau lẹ việc khó khăn, nên Đô đốc King quyết định nhập chung hai hải đoàn của Halsey và của Spruance làm một. Để tránh tình trạng thống thuộc gây khó chịu, ông quyết định rằng hai vị Đô đốc sẽ lần lượt luân phiên chỉ huy các lực lượng hải quân đang hoạt động. Khi một người đang tham chiến trên mặt biển thì người kia sẽ chuẩn bị kế hoạch tấn công sắp đến, tại Bộ tham mưu ở Trân Châu Cảng, và kiểm soát việc sửa chữa cũng như huấn luyện các chiến hạm có mặt tại đấy. Hệ thống luân phiên chỉ huy được quyết định một cách tài tình như thế đã san bằng những khó khăn và cho thấy có tính cách vô cùng thực dụng. Các hải đoàn được mệnh danh là Lực lượng đặc nhiệm 38 (của Halsey) và Lực lượng đặc nhiệm 58 (Spruance). Bên trong, đó chẳng qua cũng chỉ là gồm cùng một số các các chiến hạm, vì các mẫu hạm của Mistcher là rường cột chủ yếu của cả hai Lực lượng đặc nhiệm, nhưng cứ mỗi lần thay đổi người chỉ huy thì danh hiệu của lực lượng cũng thay đổi theo (Người ta cũng còn gọi là hạm đội thứ 3 (Halsey) và hạm đội thứ năm (Spruance). Trong tháng 9 năm 1944, đúng lúc Hội nghị liên đồng minh sắp nhóm họp tại Québec, Ủy ban tham mưu hỗn hợp chấp thuận kế hoạch tái chiếm quần đảo Phi Luật Tân do Mac Arthur thiết lập và Lực lượng đặc nhiệm 38 do Halsey chỉ huy nhổ neo tiến về phía nam. Kế hoạch dự liệu các cuộc đổ bộ tiên khởi lên các đảo phía tây quần đảo Carolines, tức là tiểu quần đảo Palaos và đảo Mindanao. Các mẫu hạm của Halsey có bổn phận chuẩn bị cho các cuộc đổ bộ bằng nhiều cuộc oanh tạc liên tục trong suốt một tuần lễ. Nhưng sau thời hạn này, vì thấy không hề gặp một phản ứng nào của không quân địch như đã dự liệu, Halsey suy tính rằng khu vực phía nam gần như đã bị vô hiệu hóa và như thế đổ bộ lên đó là chuyện vô ích. Ông gửi một điện văn cho Đô đốc King đề nghị thọc sâu thẳng vào Leyte, và vì lúc đó King đang có mặt tại Québec với Roosevelt, Thủ tướng Anh, và tất cả các thành viên của Ủy ban tham mưu hỗn hợp, đề nghị của Halsey được chấp thuận tại chỗ. Thật ra, Halsey hoàn toàn ý thức được nền tảng hợp lý của kế hoạch do Nimitz soạn thảo và không mong gì hơn là thấy Ủy ban từ chối cuộc đổ bọ lên quần đảo Phi Luật Tân. Nhưng ông không muốn làm Mac Arthur thất vọng, một người mà ông có nhiều liên hệ móc nối, đặc biệt là một khuynh hướng tôn sùng cá nhân nào đó. Ngoài ra, ông cũng hy vọng sẽ tìm thấy cơ hội “đập tan hạm đội liên hợp” tại Phi Luật Tân. Những sự nhượng bộ hỗ tương liên tiếp ấy dần dần đã làm dịu không khí căng thẳng. Sự phân địch chức trưởng giữa Nimitz và Mac Arthur mơ hồ hơn bao giờ hết, nhưng sự đồng tình tốt đã được tái lập, không còn có những đụng chạm nghiêm trọng xảy ra trong thời gian có các cuộc hành quân nữa. Gia dĩ các cuộc hành quân cũng được giới hạn vào một số rất ít cho đến giữa tháng 10: oanh tạc các phi trường bằng phi cơ của các mẫu hạm và đổ bộ lên các đảo ít được phòng vệ. Sự kiện quan trọng đáng chú ý duy nhất trong chiến dịch một tháng này là sự kháng cự kỳ lạ của tiểu đảo Peleiu - đảo nằm xa nhất về phía nam quần đảo Palaos, sở dĩ có quyết định chinh phục đảo này là vì tầm quan trọng của các phi trường trên đó. 10.000 quân Nhật ẩn nấp trong các hang động và có chiến xa nhẹ đã làm cho chừng 5.000 Thủy quân lục chiến và 15.0000 bộ binh Mỹ phải thất bại qua nhiều đợt tấn công suốt trong mấy tuần lễ liền. Công cuộc giải phóng toàn diện đảo chỉ hoàn tất trong tháng 11 nghĩa là quá trễ để cho các phi trường đó kịp được sử dụng cho cuộc hành quân đánh chiếm Phi Luật Tân. Cuộc chinh phục vô ích này đã phải trả một giá vượt các cuộc chinh phục Saipan... Riêng về nỗ lực đánh chiếm Phi Luật Tân thì phải trả giá mắc hơn nhưng với lợi ích lớn hơn.