rên một bãi đất nhỏ nằm bên bờ suối, mười hai chiếc toa hàng đứng nối đuôi nhau thành hai dãy, mỗi dãy sáu chiếc, không còn bánh nữa. Một cầu ván ghép bắc lên những tấm cửa trượt to rộng. Chỗ ăn ở tốt, tránh được mưa và gió lùa, đủ chỗ cho hai mươi bốn gia đình, mỗi toa hai gia đình, mỗi gia đình một đầu. Không có cửa sổ nhưng cửa lớn luôn luôn để ngỏ. Một chiếc màn vải căng ở giữa một số toa, còn nơi khác thì cửa lớn là ranh giới duy nhất giữa hai gia đình.
Gia đình nhà Joad ở đầu mút một toa cuối.
Người ở trước đã để lại một bếp lò làm bằng một bình xăng cũ có tra một ống thông khói bằng tôn luồn qua lỗ thành xe. Tuy cửa luôn luôn mở, nhưng hai đầu toa tối om. Mẹ căng chiếc bạt ngang giữa toa.
- Tốt rồi, - Mẹ nói- Gần như hơn tất cả những nơi mà chúng ta đã ở cho tới này, trừ trại của chính phủ.
Mỗi buổi tối, bà trải tấm nệm xuống sàn toa.
Mỗi buổi sáng bà lại cuộn lại đẩy vào một góc.
Ngày nào gia đình cũng ra đồng hái bông và tối nào họ cũng có thịt ăn. Một ngày thứ bẩy, họ đánh xe đi Tulare, sắm một bếp lò bằng sắt tây và những quần yếm mới cho Al, Bố, Winfield và chú John. Mẹ cho Rosasharn chiếc áo tốt nhất của bà và mua cho mình một cái khác.
- Bụng nó to quá rồi, - Mẹ nói - Lúc này mà sắm áo mới cho nó thời phí khá nhiều tiền.
Gia đình Joad gặp may. Nhờ đến khá sớm, nên họ tìm được một chỗ ở trong toa. Sau đó, các lều của những người đến muộn dựng dồn sát vào nhau trên bãi đất bằng và những ai đã có toa xe đều là những người kỳ cựu, có thể nói là quý tộc nữa.
Thế thì phải một đôla.
Nếu chỉ có năm mươi người làm, thì còn việc trong một thời gian ngắn, nhưng có những năm trăm người.
Vì lòng thương yêu chúa, hãy cố mà để dành một ít tiền. Chẳng mấy chốc nữa, mùa đông sẽ tới.
Ở xứ California này, vào mùa đông không có việclàm. Phải cho đầy túi trước khi trời tối. Tớ vừa thấy gã đàng kia bỏ hai cục đất vào túi.
Ê cân đ.. gì, sao không nhỉ? Họ cân gian thì gọi là hòa cả làng.
Đây trong sổ cửa tôi có ghi: ba trăm mười hai cân. Đúng.
Ôi, lạy Chuá! Hắn không kèo nèo gì cả. Thế thì chắc chắn cân hắn sai. Thôi, dẫu sao cũng là một ngày công khá.
Nghe nói có hơn một ngàn người đang trên đường tới đây tìm việc. Ngày mai phải đánh nhau mới giành được một hàng bông và phải xoay sở hái sao cho nhanh.
Cần người hái bông thuê. Người hái càng nhiều bông càng chóng đi tới nhà máy tuốt hạt.
Và người ta trở về trại.
Tối nay có sườn lợn, lạy Chúa! Người ta có tiền mua sườn. Hãy dắt thằng bé, nó đã mệt nhoài rồi.
Chạy trước đi, mua hai cân sườn. Nếu không mệt bà già sẽ làm cho chúng ta mấy chiếc bánh sốt nóng.
Dòng suối nhỏ hẹp chảy gần trại, thoắt từ trong các bụi liễu ló ra, thoắt lại biến vào các lùm liễu.
Một con đường đất nện rẽ chạy từ mỗi toa xuống sông. Dây phơi quần áo chằng giữa các toa, và ngày nào dây cũng đầy những quần áo được đem phơi.
Buổi tối, họ ở ngoài đồng về, nách cắp những cái túi vải cuộn tròn. Họ đi đến cửa hiệu nằm ở ngã ba đường và gặp lại rất nhiều những người làm công nhật mua thức ăn.
Hôm nay, bao nhiêu?
- Ờ, khá lắm. Được ba đô la rưỡi. Nếu như cứ thế này mãi.
Bọn trẻ bắt đầu hái giỏi rồi. Mẹ đã may cho mỗi đứa một cái túi con. Chúng không thể kéo lê lết một cái túi người lớn được. Hái xong chúng trút vào túi chúng ta. Mẹ phá những chiếc sơ mi cũ may cho chúng. Bền lắm.
Và mẹ đi tới quầy hàng thịt, ngón tay trỏ đặt lên môi, có vẻ suy nghĩ rất lung, chốc chốc lại thổi vào ngón tay.
- Có thể mua ít sườn lợn, - Mẹ nói - Bao nhiêu?
- Ba mươi xu một pao, thưa bà.
- Thế vậy ông cho tôi ba pao. Thêm một miếng thịt bò hầm. Ngày mai con gái tôi sẽ hầm. Thêm cho một chai sữa nữa cho con gái tôi. Nó thèm sữa lắm. Sắp sinh rồi mà. Bà hộ lý dặn uống càng nhiều sữa càng tốt. Xem nào, à, còn khoai tây nữa.
Bố lại gần, tay cầm một can xirô, gợi ý:
- Có thể mua cái này để làm bánh kẹp... Mẹ chau mày:
- Ờ... ờ... đúng rồi. Thôi, cho cả cái này nữa.
- Khoan, chúng ta có còn dồi dào mỡ.
Ruthie ở đâu đến, tay cầm hai hộp bích qui khô, đôi mắt của nó ấp ủ một câu hỏi, mà một cái lắc đầu hay gật đầu của mẹ có thể biến thành một bi kịch hoặc niềm vui như hội.
- Mẹ ơi?
Nó giơ cái hộp lên, đu đưa từ trên xuống dưới để thêm phần hấp dẫn.
- Mày có đem trả... Tấm bi kịch bắt đầu diễn ra trong đôi mắt Ruthie. Bố nói:
- Chỉ giá một kền một hộp thôi mà. Hôm nay bọn nhỏ làm việc ngoan lắm. Đôi mắt Ruthie linh hoạt hẳn lên...
- Thôi, được rồi.
Ruthie xoay gót và bỏ chạy. Gần ra đến cửa, nó túm lấy Winfield và kéo nó ra ngoài trong bóng tối lờ mờ của buổi chiều hôm.
Chú John mân mê một đôi găng vải đệm da màu vàng ở lòng bàn tay. Chú xỏ thử rồi để lại nguyên chỗ. Êm nhẹ, chú nhích dần lại quầy bày các chai rượu. Tới đây, chú đầm mình nhìn các nhãn hiệu trên các chai. Mẹ nhìn thấy chú.
- Bố nó - Mẹ vừa nói vừa hất nhẹ đầu chỉ chú John.
Bố uể oải lại gần chú, hỏi:
- Thấy khát hở, chú John?
- Đâu có khát.
- Đợi hái hết bông đã, - Bố nói - Lúc đó chú sẽ có thế tha hồ làm một chầu tuỳ lúy.
- Rượu không giày vò tôi chút nào. Tôi làm việc cật lực và ngủ say. Không mộng mị, không gì hết.
- Thì tôi thấy chú đang liếc nhìn các chai vừa nhỏ dãi mà.
- Hầu như tôi không thấy chúng. Ngộ thật. Tôi muốn mua những thứ này thứ nọ, nhưng là những thứ tôi không cần đến. Tôi mong sao có được một cái cạo râu điện. Tôi có ý định mua đôi găng, như thế kia kìa. Rẻ thối ra.
- Đeo găng thì không thể hái bông được.
- Tôi biết chứ. Mà tôi cũng chẳng cần dao cạo điện. Nhưng chỉ cần chúng trưng bầy ra đấy là mình thèm khát mua, dù cần hay không cũng thế.
Mẹ gọi hai anh em:
- Về thôi chứ? Mua đủ rồi.
Mẹ cầm một gói. Chú John và Bố mỗi người cầm một gói. Ruthie và Winfield đứng đợi bên ngoài, đôi mắt mệt mỏi, má căng phồng bánh bích qui.
- Tôi dám chắc, chúng không ăn bữa tối nữa - Mẹ nói.
Thiên hạ tuôn về phía lều và các toa. Các lều đã lên đèn. Khói bốc lên từ các ống khói. Những người trong gia đình Joad bước lên cầu ván ghép và đi vào ngăn của họ trong toa. Rosasharn ngồi trên một cái hòm gần bếp lò. Lò đã đốt lửa và chiếc bếp lò gang bắt đầu ngả sang sắc đỏ như vang. Cô hỏi mẹ:
- Mẹ mua sữa không?
- Có. Đây này.
- Đưa con. Từ trưa, con chưa được uống.
- Nó tưởng sữa cũng như thuốc ấy, - Bố nói.
- Chính bà y tá đã nói như vậy. Con gọt khoai tây chưa?
- Khoai tây kia, Mẹ ạ, gọt sạch rồi.
- Ta sẽ rán, - Mẹ nói - Mẹ có sườn heo. Con cắt khoai tây thành từng khoanh bỏ vào cái chảo mới. Thêm ít hành. Nào các ông đi rửa ráy đi, luôn thể xách về một xô nước. Ruthie và Winfielđ đi đâu rồi? Chúng cũng phải rửa ráy mới được.
- Chúng có một hộp bichquy. Mỗi đứa một hộp đấy.
Đàn ông đi ra suối rửa ráy. Rosasharn cắt khoai tây bỏ vào chảo và quấy đi đảo lại.
Thình lình, có ai vén chiếc bạt lên thật mạnh, một khuôn mặt to, mồ hôi nhễ nhại hiện ra giữa hai ngăn toa.
- Thế nào bà Joad, hôm nay nhà ta làm được khá chứ?
Mẹ quay phắt lại:
- Ồ, chào bà Wainwright. Công việc ổn lắm bà ạ. Ba đô la rưỡi. Đúng ra là ba đô la năm bảy xu.
- Chúng tôi được bốn đôla.
- Thế thì... Đúng là nhà bà đông người hơn.
- Phải, Jonos đang bắt đầu nhớn. Chà, hình như nhà bà có sườn lợn thì phải! Winfield len vào căn toa gọi:
- Mẹ ơi! - Im đi một chút nào.
- Vâng, đàn ông nhà tôi họ thèm ăn sườn.
- Tôi đang nướng mỡ. Bà ngửi thấy mùi không?
- Không.
- Còn ngửi thấy gì được nữa, mùi khoai tây với hành củ át đi cả.
- Thôi, cháy mắt rồi! - Bà Wainwright kêu lên rồi đột nhiên rụt đầu ra.
- Mẹ ạ, - Winfield nói.
- Gì? ăn nhiều bichquy rồi bị đau bụng hả?
- Mẹ này, Ruthie đã kể chuyện.
- Chuyện gì?
- Chuyện anh Tom.
Mẹ trợn mắt:
- Nó kể rồi à?
Rồi bà quỳ xuống trước mặt con.
- Winfield, nó đã kể với ai?
Tự nhiên Winfield thấy bối rối. Nó lùi lại.
- Kể rồi, nhưng chỉ kể một tí thôi.
- Winfield! Mày phải nói cho mẹ nghe nó nói gì.
- Nó, nó không ăn hết bích quy một lúc. Nó ăn dè từng tí một, như mọi lần ấy mà. Nó nói: "Mày không chịu ăn dè. Tao cuộc là bây giờ mày thèm" - Winfield, - Mẹ kêu lên, ra lệnh - Kể ngay lập tức.
Bà nóng nảy liếc nhìn về phía tấm rèm ngăn toa.
- Rosasharn, con sang chuyện trò với bà Wainwright để bà khỏi nghe thấy.
- Thế còn khoai tây?
Để mẹ trông cho. Đi nhanh đi. Mẹ không thích bà nghe trộm sau màn.
Người thiếu phụ nặng lề lê bước sang phía ngăn kia và khuất sau tấm bạt.
Mẹ nói:
- Giờ thì kể đi, Winfield!
- Con vừa nói mà, nó chỉ ăn mỗi lần có một mẩu nhỏ, nó bẻ đôi ra để ăn được lâu.
- Đừng rềnh rang nữa.
- Thế này. Có mấy thằng bé đến, chúng hỏi xin nhưng Ruthie cứ đứng gặm, nhấm, không muốn cho chúng. Thế là chúng tức lên, rồi có một đứa giật lấy hộp bichquy ở tay nó.
- Winfield, kể nhanh lên về chuyện kia.
- Con kể đây. Thế rồi Ruthie nổi giận, nó đuổi thằng kia. Nó đánh lộn với đứa này, lại đánh lộn với đứa khác. Một con bé nhớn tướng ở đâu chạy tới và đánh nó. Đánh đau lắm mẹ ạ. Thế là Ruthie khóc, nói là sẽ đi mách với anh cả nó, anh cả nó sẽ giết chết con kia.
Thế là con mới thách: "Thật chứ? Tao đố đấy!" Con kia nó cũng có anh nhớn.
Winfield vừa kể vừa thở hổn hển - Thế là hai đứa đánh nhau, đứa con gái đánh cho Ruthie một trận rồi Ruthie nói là anh nhớn nó sẽ giết anh nhớn con kia. Thế là con kia nói là anh nhớn nó sẽ giết anh chúng con. Thế rồi, rồi, Ruthie nói là anh chúng con giết chết hai người. Rồi, rồi, con nhớn hỏi: "Cứ đến đây xem nào? Mày chỉ là đứa nói dóc bẩn thỉu". Ruthie đáp là "À tao đếch cần nói dối. Anh tao giờ đang phải đi trốn vì đã giết chết một thằng, anh tao cũng chẳng tha gì anh mày". Sau đó hai đứa chửi nhau, chửi ghê lắm, rồi Ruthie nhặt một hòn cuội ném con kia, con kia đuổi theo nó, và con chạy về nhà.
- Ôi? Lạy Chúa! Lạy Chúa! - Mẹ nói giọng chán ngán - Chúa Jesus hiền từ nằm trong máng cỏ? - Mẹ ôm trán, dụi mắt - Chúng con biết làm sao bây giờ?
Có mùi khét ở chảo bốc lên. Như một cái máy, mẹ quay lại bếp và trở khoai tây trong chảo.
- Rosasharn, Mẹ kêu to - Người thiếu phụ ló đầu ra ở góc màn - Về trông cơm nước này. Winfield, mày đi tìm Ruthie, dẫn nó về đây.
- Mẹ đánh đòn nó chứ? - Winfield hỏi, mắt loé tia hy vọng.
- Không. Đánh nó cũng chẳng ích gì. Việc đã xảy ra rồi. Nhưng quái lạ, sao nó lại nói thế nhỉ? Nào, chạy ù đi tìm, tìm nó, lôi về đây ngay.
Winfleld lao về phía cửa toa thì ba người đàn ông trở về. Nó nép sang bên để họ đi qua.
Mẹ nói khe khẽ.
- Bố nó, tôi có chuyện muốn nói với bố nó. Con Ruthie đã kể với bọn trẻ khác là Tom đang lẩn trốn.
- Sao cơ?
- Nó kể tất. Nó đánh nhau và nói với chúng tất tật.
- Con ranh con! Khốn nạn đến thế thì thôi! - Không phải, nó không biết những gì nó làm.
Bố nó nghe tôi. Bố nó ở đây. Tôi, tôi ra ngoài cố tìm Tom để báo cho con biết. Tôi phải dặn nó hãy cẩn thận. Nhớ đừng có bỏ đi đâu. Bố nó ạ, trông chừng nhỡ có chuyện gì xảy ra thì khốn. Tôi đem thức ăn cho con.
- Được rồi - Bố nói - Ngay cả với Ruthie, cũng đừng nói với nó chuyện nó làm. Để tự tôi nói với nó.
Cũng ngay lúc đó, Ruthie trở về, Winfield theo sau. Con bé lấm bê bết từ đầu đến chân, miệng nhớt nháp, mũi ri rỉ máu vì bị đánh. Nó xấu hổ và hoảng sợ. Winfield đi theo, vẻ đắc thắng. Ruthie nhìn xung quanh với vẻ dữ tợn rồi đến đứng tựa vào vách trong góc toa. Sự xấu hổ và sự thách thức vật lộn trong nó. Winfield phô:
- Con đã nói cho nó biết hết rồi.
Mẹ múc hai miếng sườn lợn và khoai rán ra một chiếc đĩa sắt tây.
- Winfield im đi, - Mẹ nói - Chị nó đã khổ tâm lắm rồi, mày không cần phải làm cho nó khổ thêm.
Ruthie văng mình lên toa xe. Nó bám chặt lấy ngang lưng của mẹ, vùi đầu vào trong lòng mẹ, cả người rung lên trong những tiếng khóc nức nghẹn ngào. Mẹ muốn gỡ nó ra, nhưng những ngón tay cáu ghét vẫn bám chặt một cách tuyệt vọng. Mẹ dịu dàng chải chải mái tóc nó, tay vỗ nhè nhẹ lên vai nó.
- Suỵt! - Mẹ nói. - Con không biết được việc con làm. Nín đi! Ruthie ngẩng một khuôn mặt bé nhỏ tội nghiệp lem luốc cáu ghét, nước mắt và máu.
- Chúng ăn cắp bích... bích quy của con, - Nó nói - Cái con chó đẻ nhớn xác ấy, nó lấy thắt lưng đánh con.
Và tiếng khóc nấc càng to hơn.
- Suỵt - Mẹ nói - Đừng nói như thế. Thôi buông nẹ ra. Mẹ phải đi ngay bây giờ.
- Sao không cho nó một trận, hở mẹ? Nếu nó mà không lên mặt vì mấy chiếc bích quy, thì làm gì có chuyện gì. Đánh đi, cho nó một trận.
- Ông mãnh ơi, không việc gì đến ông. - Mẹ nói đe doạ - khéo không tôi lại cho ông ăn đòn đấy. Thôi, buông ra Ruthie.
Winfield tới ngồi trên một cái nệm cuốn tròn nhìn gia đình với vẻ trơ tráo và chán ngán. Nó cũng để ý tìm một chỗ thuận lợi để thủ thế, vì nó biết nó mà hở là cơ Ruthie tấn công ngay, Ruthie buồn rầu, lặng lẽ đến ngồi thu mình trong góc toa.
Mẹ lấy một mảnh báo phủ lên đĩa - Bây giờ tôi đi đây.
- Bác không ăn chút gì sao? - chú John hỏi.
- Để lúc về tôi ăn. Giờ thì chả có lòng dạ nào mà ăn với uống. Mẹ đi ra cửa và thận trọng theo lối đi men cầu ván mà bước xuống.
Giữa dãy toa và con suối, các lều đã được dựng lên sát gần nhau, dây và cột chằng chịt ngang dọc, cọc của lều này đụng đến mép mái lều kia. Ánh đèn thấm qua mái vải, tất cả các ống khói đều phun khói. Đàn ông và đàn bà ngồi nói chuyện trước cửa lều. Trẻ con chạy rần rật. Mẹ trang nghiêm bước đi giữa các dãy lều. Đây đó người ta nhận ra mẹ lúc mẹ đi qua.
- Chào bà Joad.
- Chào.
- Bà đem gì đi đâu đấy, bà Joad?
- Tôi đem bánh ngô đi trả cho một bà bạn đã cho vay.
Cuối cùng bà đi tới căn lều cuối dãy. Bà đứng lại và ngoái nhìn ra sau. Một quầng ánh sáng bao trùm phía trên trại trong khi có tiếng người râm ran êm dịu. Thỉnh thoảng, có một tiếng nói to cắt ngang. Không khí nặng mùi khói. Có ai đó chơi kèn khẩu cầm, cố gắng tìm một nét nhạc hay, láy đi láy lại cùng một điệu.
Bà lách một lối đi qua đám cây liễu mọc trên bờ. Bà ra khỏi đường mòn và chông chừng, để tai nghe ngóng vì sợ bị theo dõi. Một người đàn ông đi ngược lên lối mòn để về trại, vừa đi vừa sửa lại dây đeo quần vừa cài khuy. Bà ngồi im thin thít, và người đàn ông đi qua bà nhưng không trông thấy bà. Bà chờ trong năm phút rồi đứng lên và lại tiếp tục len lén đi trên lối mòn dọc bờ suối. Bà đi ren rén, rất nhẹ nhàng đến nỗi bà nghe tiếng nước rì rào át hẳn tiếng chân bà dẫm trên lá khô. Suối và lối mòn rẽ phải, nhích lại gần con đường cái. Dưới ánh sao tái nhợt, bà nhận ra cái bờ đắp cao và cái miệng tròn đen ngòm của cống nước, nơi mà bà đã có thói quen đặt thức ăn cho Tom. Bà trọng bước lên, đẩy gói thức ăn vào cái lỗ rút về cái đĩa sát tay đã bỏ sẵn ở đấy. Bà rón rén quay lại, đi qua các lùm cây liễu, xông thẳng vào một bụi rậm, và bà ngồi xuống. Qua cành lá um tùm, bà nom thấy cái miệng đen ngòm của cống nước. Bà lặng lẽ bó gối ngồi đợi. Trong chốc lát, cuộc sống lại trỗi dậy trong bụi rậm. Những con chuột đồng thận trọng chạy trên lá; một con chồn hôi vừa đi xuống lối mòn một cách nặng nề, vừa kéo theo sau một mùi hôi thối thoang thoảng. Một làn gió nhẹ lay động các cây liễu như để thử thách chúng, và một cơn mưa lá vàng rơi rắc trên mặt đất Rồi đột nhiên một trận gió mạnh bất ngờ nổi lên, rung chuyển cây cối, khiến một thác lá xoay tròn, đổ xuống. Bà cảm thấy lá rơi trên tóc, trên vai mình.
Một đám mây đen to bay qua bầu trời, xoá nhoà các ngôi sao đêm. Mưa nặng hạt rơi lộp độp trên lá khô màn mây vẫn tiếp tục cuốn đi, sao lại hiện ra. Mẹ run rẩy. Gió đã trốn đi và trả lại sự yên tĩnh cho các bụi rậm, nhưng tiếng lá vẫn xào xạc thấp hơn bên cạnh suối nước. Từ phía trại vẳng lại âm thanh lanh lanh lói của một chiếc vĩ cầm tìm kiếm một sự hoà điệu.
Bà nghe có tiếng chân rón rén ở phía xa xa bên trái. Bà ngồi cứng người, tâm thần căng thẳng giạng đầu gối rồi ngóc đầu lên để nghe cho rõ hơn.
Tiếng cử động của ai đó im bặt nhưng sau một lúc lâu, nó lại tiếp tục, có tiếng xào xạc rát tai trên lá khô.
Bà mẹ nom thấy một bóng mờ tách khỏi lùm cây và luồn vào miệng cống nước. Cái lỗ tròn đen ngòm bị che lấp trong chốc lát, cái bóng lại hiện ra và lại cử động.
- Tom! - Mẹ gọi khẽ. Bóng người im phắt, cứng đờ sát gần mặt đất khiến người ta nhầm đấy là một gốc cây.
- Tom! Tom! - bà lại gọi.
Thế là bóng người động đậy.
- Mẹ đấy ư, mẹ ư?
- Mẹ ở trên đây.
Mẹ đứng lên và bước lại gặp con.
- Lẽ ra Mẹ không nên đến. - anh nói
- Mẹ phải gặp con. Có chuyện muốn nói với con.
- Ở đây gần đường mòn. Có thể có ai đó đi qua.
- Con không có chỗ nấp hẳn hoi, hở Tom?
- Có chứ... nhưng... Thế này... Giá như có người thấy mẹ đang nói chuyện với con. Cả nhà sẽ bị lôi thôi.
- Mẹ buộc phải nói với con, Tom ạ.
- Vậy mẹ theo con. Đi lặng lẽ! Anh đi qua suối, lội bừa xuống nước và mẹ theo anh. Rồi anh luồn qua các bờ bụi rồi ra ngoài cánh đồng và đi theo dấu các luống cày. Những cây bông sam đen hiện rõ và đây đó lơ thơ mấy cụm hồng Tom men theo mép cánh đồng khoảng một phần tư dặm rồi anh lại đi sâu vào bụi rậm. Anh hướng tới một lùm cây dâu dại, cúi khom người và gạt sang bên một cái đệm bằng dây leo.
- Mẹ phải bò vào, - Tom nói. Bà chống tay quỳ gối lồm ngồm bò vào. Đôi bàn tay sờ thấy cát, rồi cái lùm dây dại không đụng vào bà nữa và bà cảm thấy tấm chăn của Tom ở dưới đất, Tom kéo cái đệm cây leo lại như cũ.
Trong hang tối om om.
- Mẹ ở đâu thế?
- Đây, đây này. Nói khẽ. Tom.
- Mẹ đừng sợ. Con sống như thỏ rừng khá lâu rồi.
Mẹ nghe thấy anh mở gói giấy bọc đĩa sắt tây.
- Sườn lợn, - Mẹ nói - Với khoai tây rán nữa.
- Trời ơi! Còn nóng sốt, - Tom nói.
Trong bóng đêm, bà không thấy anh nhưng nghe tiếng anh nhai, gặm thịt và nuốt.
- Hàng này cũng không tồi lắm. - anh nói.
Mẹ ngượng ngùng nói:
- Tom ơi. Con Ruthie đã kháo chuyện, về con.
Anh suýt tắc nghẹn.
- Ruthie à? Thế nào thế?
- Thế này, không phải lỗi tại nó. Nó đánh nhau với bọn trẻ khác và doạ là anh nó sẽ nện cho anh con kia một trận. Rồi như thế nào chắc con cũng biết đấy. Nó nói là anh nó đã giết người và đang lẩn trốn.
Tom cười khúc khích.
- Con ấy mà, trước kia con thường doạ hai đứa sẽ nhờ chú John bám sát chúng, nhưng chả bao giờ chúng muốn dính vào. Chuyện trẻ con ấy mà mẹ. Không hệ trọng đâu.
- Hệ trọng lắm chứ, con. Tất cả bọn trẻ kia sẽ đi lung tung, rồi đến tai người ta, và họ lại sẽ bàn tán, và chẳng mấy chốc, họ có thể phái người đến xem chuyện hư thực thế nào. Tom con, con phải đi đi thôi.
- Thì chính con đã nói thế ngay từ đầu. Con luôn luôn sợ ai đó nom thấy mẹ đặt thức ăn trong cống dẫn nước và họ sẽ đứng rình.
- Mẹ biết. Nhưng mẹ muốn con gần mẹ. Mẹ sợ con sẽ gặp phải chuyện không may. Lâu nay, mẹ chưa được trông thấy con. Lúc này mẹ cũng không thể nom thấy con. Mặt con thế nào rồi?
Chóng lành lắm mẹ ạ.
- Tom, con lại gần mẹ. Cho mẹ sờ con. Thật gần vào con.
Tom bò lổm ngồm lại gần mẹ. Bàn tay mẹ lần mò tìm được đầu con trong bóng tối và ngón tay mẹ lướt xuống mặt, dọc xuống mũi, rồi sang má trái.
- Tom ạ, con có cái sẹo sâu lắm. Mà mũi con vẹo đi.
- Có lẽ thế mà hay. Như vậy chả ai nhận ra con, có lẽ hay. Nếu chúng không lấy dấu tay con thì con thấy càng ổn hơn.
Nói xong anh lại bắt đầu ăn.
- Suỵt! - Mẹ nói - Nghe xem.
- Gió đấy, mẹ ạ. Gió thổi. Một luồng gió đổ xuống dòng suối, gây nên tiếng rì rào. Lần theo tiếng nói của Tom, mẹ bò lại gần.
- Tom ơi, mẹ muốn sờ lại mặt con. Mẹ cứ tưởng đâu mình mù loà, chả là tối quá. Mẹ muốn nhớ lại mặt con, ngay dầu chỉ nhớ bằng những ngón tay này. Con phải đi thôi, Tom ạ.
- Ờ, con biết ngay từ đầu rồi.
- Mẹ đã kiếm được khá khá. Mẹ đã dành ra được một ít. Con đưa tay đây, Tom. Mẹ có đem theo bảy đô la.
- Con không muốn lấy tiền của Mẹ. Rồi con sẽ xoay xở lấy.
- Cầm lấy, Tom. Con ra đi tay không thì mẹ không ăn ngủ được. Có thể con cần đi ô tô, hay cái gì khác. Con phải đi thật xa, cách đây ba bốn trăm dặm.
- Con không lấy tiền đâu.
- Tom - Mẹ nói một cách nghiêm khắc - Cầm lấy, có nghe mẹ nói không? Con không có quyền làm cho mẹ khổ.
- Mẹ làm như vậy là không đúng đâu.
- Mẹ nghĩ là con có thể đi đến một thành phố lớn. Chẳng hạn như Los Angeles. Chả ai mà lại có ý đến tận đây mà tìm con.
- E hèm! Mẹ nghe thử này. Đã bao nhiêu ngày đêm con nấp đơn độc một mình ở đây. Mẹ đoán xem con nghĩ gì nào? Nghĩ đến Casy! Xưa kia ông ta nói liên chi hồ điệp. Con còn nhớ, hồi đó con bực lắm. Nhưng ở đây, con suy nghĩ những gì ông ta nói, và con nhớ lại tất tất tật. Ông ta nói có lần ông ta đã đi tới vùng hoang vu để tìm linh hồn của mình và ông đã khám phá ra rằng ông ta không có linh hồn của riêng mình. Ông ta nói, ông ta phát hiện ra rằng tất cả những gì ông có chỉ là một mẩu nhỏ của linh hồn lớn. Ông nói sự hoang vu, cái đó chẳng ăn nhằm vào đâu, bởi vì cái mẩu linh hồn nhỏ bé đó chả hay ho gì nếu nó không gắn bó với cái còn lại, với cái toàn thế. Nhớ lại tất cả chuyện đó, kể ra thì cũng ngộ. Thậm chí con không biết là con đã lắng nghe ông ta nói. Bây giờ thì con biết, một cây làm chẳng nên non
1.
- Ông ta thật tốt bụng, - Mẹ nói.
Tom nói tiếp:
- Có lần, ông ta nói cho chúng con biết những chuyện trong Thánh thư, những cái đó chả chút nào giống với Thánh thư nói toàn chuyện Lửa trong Hoả ngục. Ông ta nhắc lại hai lần, con nhớ rõ lắm. Ông nói, cái đó rút trong cuốn Người Truyền giáo.
- Chuyện thế nào, hở Tom?
Thế này: "Hai người thì hơn một người, bởi vì công khó nhọc của họ sẽ được đền bù tốt hơn. Chả là nếu họ ngã, kẻ này sẽ giúp đỡ kẻ kia đứng dậy. Nhưng vô phúc thay cho kẻ chỉ có một mình. Nếu hắn ngã hắn chả có ai nâng hắn dậy". Đó là đoạn.
- Nói đi- mẹ giục - Con nói tiếp đi.
- Thêm một tí nữa. Là thế này: "Nếu hai người nằm sát bên nhau, họ sưởi ấm cho nhau, nhưng làm sao ấm được nếu chỉ có một mình? Mà nếu người nọ trội hơn người kia thì như có hai người sẽ nâng đỡ y, mà một dây chập ba sợi thì không dễ dàng gì mà đứt được.
- Đấy là trong Thánh thư à?
- Chính Casy đã nói như vậy. Ông ta nói đó là Người Truyền Giáo.
- Suỵt! Nghe xem.
- Gió đấy thôi mẹ ạ. Con biết gió mà. Thế là con suy nghĩ, mẹ ạ, rằng hầu như tất cả các bài giảng đều luôn luôn nói về nghèo khổ và sự nghèo khổ. Nếu anh chả có gì thì thôi hãy chắp tay lại, đừng bận tâm đến gì khác, lúc nào anh chết, anh sẽ được ăn chim sẻ
2 đựng trong đĩa bằng vàng. Ấy thế mà Người Truyền Giáo lại nói, nếu là hai người thì sự vất vả của họ được đền bù nhiều hơn.
- Tom này, - Mẹ hỏi - Con có ý nghĩ định làm gì vậy?
Anh im lặng một lúc lâu:
- Con nghĩ đến những gì đã diễn ra ở trại Chính Phủ, người cùng cảnh chúng ta tự dàn xếp mọi việc rất ổn thoả với nhau. Khi có chuyện đánh lộn, tự họ khuôn xử lấy không có tụi cảnh sát đến ve vẩy khẩu súng ngắn dưới mũi mình, ấy thế mà mọi sự đều trật tự nề nếp hơn là có bọn cảnh sát nhúng tay vào. Con đã tự hỏi cớ sao người ta lại không làm như vậy khắp mọi nơi. Hãy tống cổ cái bọn cảnh sát chẳng có gì dính dáng với chúng ta. Tất cả cùng nhau làm việc vì công việc riêng của chúng ta, cùng cầy cấy ruộng đất của riêng chúng ta.
- Tom, - mẹ nhắc lại - Con định sẽ làm gì?
- Điều mà Casy đã làm - Nhưng chúng đã giết chết ông ấy.
- Ờ... nhưng chỉ tại Casy không né tránh nhanh.
- Ông ấy không làm điều gì chống luật pháp. Mẹ ạ. Mẹ cũng biết, con đã nghĩ rất lung về chuyện này... tự nghĩ rằng chúng ta sống như những con lợn trong khi đất đai màu mỡ thế này lại bỏ hoang, hoặc một kẻ dễ chừng có đến một triệu acrơ trong khi có trăm ngàn tá điền giỏi giang chết đói. Và con tự nhử nếu tất cả cùng đoàn kết lại và bắt đầu gào thét như những người hôm trước ở cổng lưới sắt của trại Hooper. Họ chỉ có một nhúm người.
Mẹ nói:
- Tom ạ, con sẽ bị săn đuổi, bị truy lùng, bị đánh gục như thằng Floyd.
- Dẫu sao chúng cũng sẽ săn đuổi con. Chúng đang săn đuổi tất cả những người cùng cảnh với chúng ta.
- Con không có ý định giết ai đấy chứ, Tom.
- Không, con đã nghĩ, cứ mãi là đứa đứng ngoài vòng pháp luật thì dễ chừng con có thể. Lạy Chúa, con chưa biết thế nào đây. Xin mẹ đừng hỏi nữa. Để con suy nghĩ.
Họ lặng lẽ ngồi xổm trong cái hốc tối đen của bụi cây leo. Mãi sau Mẹ nói:
- Làm thế nào để biết tin tức con? Chúng có thể giết con rồi mà mẹ không biết gì. Chúng có thể làm hại con. Làm thế nào mẹ biết được?
Tom cười, hơi ngượng nghịu:
- Thế này, Mẹ ạ. Có lẽ như Casy nói, một con người không có linh hồn của riêng mình, mà chỉ là một mẩu của một linh hồn độc nhất, lúc đó thì...
- Thì sao, hở Tom?
- Lúc đó, điều ấy không quan trọng nữa. Bao giờ con cũng có mặt trong bóng tối, khắp nơi. Khắp nơi nào mẹ nhìn. Khắp nơi nào mà có một cuộc đánh lộn để con người đói khát có thể giành giật nhau miếng ăn, nơi đó sẽ có con.. Khắp nơi nào có một tên cảnh sát đang đánh đập một con người, sẽ có con. Nếu đúng như Casy cảm thấy, thì thế này, nơi nào có tiếng kêu thét của những người đang nổi giận vì họ đói khát, con sẽ ở đấy, và nơi nào có tiếng cười của trẻ nhỏ đang đói bụng và biết rằng bữa xúp đang chờ đợi chúng, con có ở đấy. Và khi nào những người cùng cảnh với chúng ta đang ngồi trước bàn ăn có đủ những thứ họ trồng trọt và gặt hái khi nào họ ăn ở trong những ngôi nhà mà họ xây dựng ở đây, sẽ có con. Mẹ hiểu không, mẹ? Ấy chết! Thế là con lại nói chuyện như Casy rồi. Do cứ nghĩ đến ông ta quá nhiều.
Tưởng chừng đôi khi con có thể nom thấy ông ta.
- Mẹ không hiểu. - Mẹ nói - Mẹ không hiểu cụ thể.
- Con cũng thế - Tom nói - Đơn giản đó là những điều con đã nghĩ tới. Chả là, khi phải bó gối ngồi một xó thì đầu óc nghĩ đủ thứ chuyện. Đến lúc Mẹ phải về rồi, mẹ ạ.
- Thôi, con cầm lấy tiền.
Anh im lặng một lát.
- Được ạ - Cuối cùng anh nói.
- Và Tom này, nói mẹ biết, sau này... Khi nào tai qua nạn khỏi, con sẽ về với gia đình. Con biết tìm chỗ bố mẹ chứ?
- Mẹ có thể yên chí. Giờ thì Mẹ về đi thì hay hơn: Nào, mẹ đưa tay con nắm.
Anh hướng dẫn mẹ ra đến cửa hang. Ngón tay mẹ bám chặt cổ tay anh. Anh gạt cỏ sang bên và bước ra với mẹ.
- Mẹ đi theo bìa cánh đồng tới cây sung ở kia, tới đó mẹ qua suối. Mẹ về.
- Con đi nhé.
Nói xong bà bước đi rất nhanh. Mắt bà ướt và cay sè, nhưng bà không khóc. Bà nặng nề bước qua các bụi bờ, không còn để ý đến tiếng động của lá khô xào xạc dưới gót giày. Trong khi bà đi về trại thì từ nền trời tối sầm, mưa rơi xuống lác đác nặng hạt trên lá. Bà dừng lại đứng im bất động trong lòng bụi rậm dưới mưa. Bà quay ngoắt... đi ba bước về phía bụi cây gai dày đặc tối sầm, nhưng thình lình bà quay lại và bước đi về phía các toa. Bà đi thẳng tới cống nước và leo lên đường cái. Mưa đã tạnh, nhưng trời vẫn âm u.
Nghe tiếng chân bước ở phía sau, bà ngoảnh lại, và có hơi hoảng. Có ánh đèn pin yếu ớt nhấp nháy trên đường cái. Bà tiếp tục đi. Một lát sau, một người đàn ông đã kịp bà. Một cách lịch sự, ông ta chĩa đèn xuống đất, tránh không soi vào mặt bà.
- Chào bà.
- Xin chào ông, - Mẹ nói.
- Có lẽ sắp có ít mưa, bà nhỉ?
- Hy vọng là không ông ạ. Mưa xuống thì phải ngừng hái bông mất. Chúng tôi rất cần hái bông.
- Tôi cũng vậy, cũng cần hái bông. Bà ở trong trại ư?
- Thưa ông, vâng.
Bây giờ bước chân của họ dẫm đều đều trên đường đi.
- Tôi có hai mươi acrơ bông. Có muộn một chút nhưng bây giờ thì hái được rồi. Tôi đến đây xem liệu có thề kiếm được một ít người hái bông không
- Kiếm người thì chẳng khó gì. Mùa đông hết rồi.
- Mong là thế. Trại của tôi ở mặt trên kia. Cách đây một dặm.
- Nhà tôi có sáu người - bà nói - Ba đàn ông, tôi, và hai cháu bé.
- Tôi sẽ cắm một cái biển. Cách hai dặm bên đường này.
Sáng mai chúng tôi sẽ ở đấy.
- Mong là trời không mưa.
- Tôi cũng vậy, - bà nói - Hai mươi acrơ, hái chóng thôi.
- Càng chóng càng tốt, tôi càng mừng. Bông tôi đã muộn rồi.
- Thưa ông, ông giả công bao nhiêu?
- Chín mươi xu.
- Đồng ý. Tôi nghe có người nói, sang năm bông sẽ xuống bảy mươi lăm, thậm chí sáu mươi.
- Tôi cũng nghe nói thế.
- Thế thì loạn! - Hẳn rồi. Một chủ trại nhỏ bé như tôi đâu có quyền ăn nói, bà hiểu cho. Chính Công ty quy định giá cả, chỉ có việc phải tuân theo. Không thế thì chúng tôi còn có trại. Thấp cổ bé họng thì bao giờ cũng bị kẹt.
Họ tới trại.
- Ông cứ tin vào chúng tôi, ở đây chả còn gì để hái.
Tới ngang toa cuối cùng, bà bước lên cầu ván ghép, ánh đèn tù mù mấy cái bóng người ảm đạm ở trong xe. Bố và chú John ngồi xổm sát thành xe, cùng với ông khách đã đứng tuổi.
- Tôi về rồi đây, - Mẹ nói - Chào ông Wainwright.
Ông khách ngẩng mặt lên nhìn bà, một khuôn mặt có những nếp nhăn thanh tú. Đôi mắt xanh lẩn sâu dưới cạnh lông mày. Tóc ông màu trắng xanh phơn phớt rất mềm mại. Cằm và mép phủ một lớp râu lún phún bạc.
- Chào bà. - ông nói.
- Ngày mai chúng ta sẽ có bông để hái. - Mẹ nói - Ở mạn Bắc, cách đây một dặm. Hai mươi acre.
- Tốt nhất là đi xe - Bố nói - Công việc càng nhanh.
Wainwright ngước đôi mắt háo hức.
- Liệu chừng có việc cho chúng tôi với không?
- Chắc chắn là thế chứ ạ. Tôi đã đi một đoạn đường với ông chủ trại. Ông ta tới đây cố ý tìm người.
Mùa đông sắp hết rồi. Hái đợt hai thì chả được bao nhiêu. Kiếm được tiền công ở đợt hai này, quả thật gay go. Nhất là lần đầu chúng ta đã vét sạch.
- Gia đình có thể đi xe với chúng tôi. - Mẹ nói Ta sẽ góp tiền chung mua xăng.
- Nhưng... bà làm như thế thì tử tế quá
- Thế cũng có lợi cho cả hai nhà.
Bố nói
- Ông Wainwright, ông ấy có điều lo lắng nên ông ấy đến gặp chúng ta. Chúng tôi cũng đang nói dở thì mẹ nó về.
- Có chuyện gì xảy ra vậy?
Wainwright cúi mặt xuống đất.
- Chuyện con bé Aggie nhà chúng tôi - ông nói - Cháu nó đã nhớn, sắp mười sáu tuổi.
- Mà lại xinh xắn. - Mẹ nói.
- Mẹ để ông ấy nói - Bố nói - Vắn tắt thế này. Con Aggie và anh con bà, anh Al, tối nào cũng đi với nhau. Mà con Aggie nhà tôi là đứa con gái đảm, khoẻ mạnh, nó phải lấy chồng, không thể thế thì có thể nói gặp phải chuyện không hay. Trong nhà tôi chưa hề có điều ra tiếng vào. Nhưng lúc này, hoàn cảnh chúng tôi bây giờ nghèo túng quá, cho nên vợ chồng chúng tôi đâm lo phiền. Nếu chẳng may con bé gặp phải chuyện không hay thì sao?
Mẹ cuốn tròn một chiếc đệm và ngồi lên trên.
- Lúc này chúng ra ngoài rồi ư? - Mẹ hỏi - Bao giờ cũng ở ngoài, - ông Wainwright đáp - Tối nào cũng đi với nhau.
- E hèm! ông cũng biết, Al là đứa tốt bụng.
Những ngày này nó có thích tán gái, cái đó thì tôi chưa bảo là không, nhưng nó là thằng bé đứng đắn. Tôi không mong có một đứa khá hơn.
- Ô! Không phải vợ chồng chúng tôi có điều gì phàn nàn về anh ấy. Chúng tôi mến anh ấy. Nhưng điều khiến hai vợ chồng chúng tôi sợ, là thế này... Aggie đã nhớn, đến tuổi dậy thì. Nếu chúng tôi buộc phải ra đi, hay không may cho nó thì sao? Xưa nay, chưa bao giờ gia đình chúng tôi phải xấu hổ vì bất cứ chuyện gì.
Mẹ nói khẽ:
- Chúng tôi cố gắng thu xếp sao cho ông bà khỏi phải xấu hố.
Ông ta đứng phắt lên:
- Xin cám ơn bà. Aggie đã đến tuổi. Con bé nó ngoan, đẹp người, tốt nết. Thưa bà, bà mà thu xếp làm sao để gia đình tôi khỏi phải hổ nhục thì chúng tôi đội ơn bà lắm. Lỗi không phải của con Aggie. Nó đã đến tuổi rồi.
- Bố nói, ông ra nói chuyện với Al, - Bà nói - Nếu không nghe, để tôi bảo nó.
- Thôi, xin chào ông bà. Rất cám ơn ông bà.
Ông đi khuất sau tấm bạt. Họ nghe ông ở đầu kia toa đang thì thầm báo lại cho bà vợ ông biết kết quả công cán của ông.
Mẹ lắng nghe một lát, rồi nói:
- Nào các ông. Các ông tới ngồi đây.
Bố và chú John lại nặng nề đứng lên. Họ tới ngồi trên nệm bên cạnh bà mẹ.
- Bọn trẻ con đâu?
Bố chỉ một cái nệm trong một góc toa.
- Con Ruthie đã nhảy bổ vào Winfield rồi cắn thằng bé. Tôi đã bắt cả hai đứa đi ngủ. Chắc chúng ngủ rồi. Rosasharn đã đi chơi nhà bà hàng xóm nó quen biết.
Mẹ thở dài một tiếng.
- Tôi đi tìm gặp Tom, - bà nói khe khẽ - Tôi đã bảo nó phải đi. Đi thật xa.
Bố chậm rãi lắc đầu, Chú John gục đầu xuống, cằm đụng sát ngực.
- Nó không thể làm thế nào khác được - Bố nói - Theo chú thì nó có thể làm gì được chú John?
Chú John ngước mắt lên:
- Tôi chẳng biết sao. Tôi không tài nào có ý kiến này nọ cả. Tôi thấy như người nửa tỉnh nửa mê.
- Tom là đứa con ngoan - Mẹ nói, rồi để xin lỗi - Tôi không có ý định làm ông phải phật ý khi tôi nói để tôi bảo thằng Al.
- Tôi biết, - Bố bình tĩnh đáp, - Tôi chẳng còn được tích sự gì nữa. Suốt ngày tôi chỉ nghĩ thời xưa. Suốt ngày tôi chỉ nghĩ đến căn nhà của chúng ta và cứ tự nhủ là sẽ không bao giờ thấy lại nó nữa.
- Ở xứ này vẫn hơn. Đất đai tốt hơn.- Mẹ nói,
- Tôi biết. Thậm chí tôi cũng không thấy nói nữa, lúc nào tôi cũng nghĩ rằng cây dương chắc đang rụng lá... hay nhiều khi tôi cứ tự nhủ đáng lẽ phải bít kín cái lỗ thủng ở bờ rào sau nhà. Ngược đời thật. Người đàn bà nắm quyền chỉ huy trong nhà. Bà ta nói: "Ta làm cái này, ta đi chỗ kia", ấy thế mà tôi cũng dửng dưng.
- Phụ nữ họ dễ quen với những thay đổi hơn đàn ông. - Mẹ nói để an ủi Bố - Cuộc đời ở người đàn bà là ở trong đôi cánh tay của mụ ta, ở người đàn ông, thì nó nằm trong đầu óc y. Vậy thì Bố nó đừng có chạnh lòng lo nghĩ làm gì. Dễ chừng... biết đâu... năm tới chúng ta có một căn nhà.
- Hiện giờ, chúng ta chẳng có gì hết. Và còn lâu nữa, chúng ta vẫn sẽ không có gì... không có việc làm, không có hoa màu. Chúng ta sẽ làm gì? Xoay xở thế nào để ăn? Và mẹ nó cũng biết, là chẳng mấy nỗi, Rosasharn sẽ ở cữ. Cái đó, thậm chí tôi sợ không dám nghĩ đến nữa. Chính vì vậy mà tôi đào xới các chuyện của thời xưa, để khỏi phải suy nghĩ. Tôi có ý nghĩ là cuộc đời của chúng ta đã chấm dứt, chấm dứt hẳn hoi rồi.
- Bố nó nhầm rồi, Mẹ mỉm cười nói - nó chưa dứt. Và đó cũng là điều mà đàn bà họ biết. Tôi đã nhận thấy thế. Ở người đàn ông, họ sống với những bước nhẩy - một đứa bé ra đời, một người đàn ông mất, đó là mỗi bước nhảy. Đàn ông lấy vợ, rồi vợ mất, một bước nhảy khác. Ở người đàn bà, sự việc cứ trôi chảy như con sông, có những xoáy nước nhỏ, có những thác nước nhỏ, nhưng sông vẫn chảy, chảy hoài. Đàn bà họ nhìn sự đời như thế đấy. Chúng ta không chết đâu Bố nó ạ. Người gia đình ta vẫn sẽ còn sống, có thể là thay đổi là thay đổi tí chút, nhưng vẫn tiếp tục sống không ngừng.
- Làm thế nào bác nói được thế? - chú John hỏi. Có cái gì ngăn cản không để mọi sự đột nhiên ngừng lại, ngăn cản mọi người khỏi chán ngấy và chỉ có việc là nằm xuống buông xuôi, phải có gì ngăn trở?
Mẹ suy nghĩ. Mẹ đưa một mu bàn tay bóng loáng cọ xát bàn tay kia rồi đan các ngón tay lại với nhau, và đáp:
- Kể cũng khó nói. Theo tôi, tất cả những gì chúng ta làm, là nhằm thẳng mà đi tới. Chính tôi nhìn sự đời như vậy. Ngay cả bị đói khát, ngay cả bệnh tật. Có những người mất đi, nhưng những người khác lại bền bỉ hơn. Đơn giản chỉ nên gắng sống ngày hôm nay, cố gắng sống qua ngày hôm nay.
Chú John nói:
- Miễn là ngày hôm nay không chết.
- Vậy thì sống ngày của hôm nay, Chú đừng buồn phiền.
- Năm sau, mùa màng ở quê ta có lẽ tốt hơn - Bố nói.
- Nghe xem! Có tiếng chân nhẹ nhàng bước lên cầu ván ghép và sau đó Al ló đầu vào ở góc màn.
- Ồ! - hắn nói - Con tưởng giờ này cả nhà ngủ rồi.
Mẹ nói:
- Al ạ, nhà đang nói chuyện. Con ngồi xuống đây
- Hay lắm. O.K. Con cũng có chuyện muốn nói. Nhà biết đấy, con buộc phải sớm đi khỏi đây.
- Đi sao được, ở đây cần đến con. Cái gì bắt buộc con phải đi?
- Thế này. Aggie Wainwright với con, chúng con định lấy nhau, rồi con sẽ đi kiếm một chỗ làm trong xưởng sửa xe hơi, chúng con sẽ thuê một căn nhà nhỏ một thời gian và rồi. - hắn nhìn họ vẻ thách thức - Chả ai ngăn cấm được chúng con. Chúng con đã quyết.
Họ trố mắt nhìn anh.
- Al. - cuối cùng Mẹ nói - Bố mẹ ưng lắm, ưng quá đi chứ.
- Thật ư?
- Thật chứ không à? Bây giờ con đã lớn khôn rồi. Con phải lấy vợ. Nhưng đừng đi ngay, Al ạ.
- Con đã hứa với Aggie. Chúng con phải đi thôi. Không thể chịu đựng thế này được nữa. Cô ấy cũng như con.
- Hãy nán lại cho tới sang xuân, - mẹ cầu khẩn. Chỉ sang xuân thôi. Con không muốn ở lại cho tới sang xuân sao, Ai sẽ lái xe?
- Ồ... Bà Wainwright thò đầu qua góc màn.
- Anh đã biết tin mừng chưa? - Bà hỏi.
- Vâng. Vừa ngay tức thì ạ.
- Ôi! Lạy Chúa tôi. Tôi ước sao... ước sao có một chiếc bánh ngọt. Tôi muốn sao có một chiếc bánh ngọt hay thức gì đó...
-Tôi sẽ pha cà phê và làm bánh kẹp. - mẹ nói - chúng tôi có xi rô.
- Ồ! Lại thế nữa kia? - Bà Wainwright thốt lên - Ôi thế nữa! Thế này, tôi sẽ mang đường sang. Để cho vào bánh kẹp.
Mẹ bỏ mấy nhánh củi cho vào lò. Củi bắt lửa ngay nhờ những cục than còn hồng sau bữa ăn chiều. Ruthie và Winfield chui ra khỏi chỗ nằm như những con ốc sên thò đầu ra khỏi vỏ. Chúng để ý đề phòng một lát, rình xem bố mẹ thế nào để biết tội lỗi của chúng đã được quên đi hay chưa. Thấy không ai để ý đến chúng, chúng đâm bạo. Ruthie đi tới tận cửa và vừa trở lại vừa nhảy lò cò mà không đụng vào tường.
Mẹ đang bận đổ bột vào bát thì Rosasharn bước lên cầu ván. Cô dừng lại chốc lát để thở rồi bước vào, vẻ dè dặt.
- Có chuyện gì vậy? - cô hỏi.
- Ồ! Có tin quan trọng, - Mẹ nói - Al và Aggie Wainwright sắp lấy nhau, ta tổ chức liên hoan nho nhỏ.
Rosasharn không nhúc nhích, cô từ từ quay đầu về chỗ Al, hắn đang đứng sững ra đấy vẻ ngượng ngùng, lúng túng.
Từ đầu toa bên kia, bà Wainwright kêu to:
- Tôi đang bận mặc áo mới vào cho Aggie. Chúng tôi sang ngay.
Rosasharn từ từ ngoảnh đi. Cô lại đi ra cửa, lảo đảo bước xuống cầu ván. Xuống tới đất, cô cố lê bước về phía con đường mòn dọc bờ suối. Cô đi theo con đường mẹ đi lúc nãy, qua các bụi rậm.
Bây giờ gió thổi từng đợt đều đặn, bụi bờ xào xạc lay động. Rosasharn bắt đầu quỳ xuống bò sâu vào các bụi rậm, không thèm để tâm đến gái góc đang cào da thịt và bám vào tóc cô. Cô chỉ dừng lại khi các cây gai đã khép kín phía sau cô. Thế rồi cô nằm ngửa xuống, lắng nghe cái thai nặng đang cựa quậy trong bụng.
Trong bóng tối toa tàu, Mẹ khẽ cựa mình rồi bà gạt chăn ra và đứng lên, ánh sáng mờ mờ của các ngôi sao xuyên vào cánh cửa để ngỏ. Mẹ đến nhìn ra ngoài, ở phương đông, sao nhạt dần. Gió đang ve vuốt các bụi liễu, nước thì thầm êm ru.
Phần đông các gia đình còn đang ngủ, nhưng đã có một bếp lửa nhỏ trước một cửa lều, nhiều người đứng sưởi xung quanh. Họ giơ tay hơ lửa, và xoa xoa tay, tiếp đó họ quay lưng về phía lửa, tay chắp lại sau. Tay chắp trước bụng, mẹ đứng nhìn họ một lúc lâu. Gió thổi từng đợt vun vút và không khí lạnh thêm.
Mẹ rùng mình, xoa tay. Bà trở vào lần mò tìm lối đi, tay sờ soạng quanh đèn tìm diêm. Chụp đèn ken két. Mẹ thắp đèn, đứng nhìn ngọn lửa nhỏ màu xanh lam ban đầu và thoắt biến thành một vòng ánh sáng cong cong màu vàng. Mẹ cầm đèn, đặt trước bếp lò và bắt đầu bẻ những cành khô giòn bỏ vào bếp. Chẳng mấy chốc, lửa reo. Rosasharn nặng nề trở mình trên giường, và cô ngồi lên. Cô nói:
- Con dậy ngay thôi.
- Sao không nằm tí nữa cho trời ấm đã.
- Không, con dậy thôi.
Mẹ nhúng bình cà phê vào xô cho đầy nước. Rồi bà đặt chảo lên lửa, rồi cho mỡ vào chảo để rán bánh ngô. Bà hỏi khẽ:
- Con làm sao vậy?
- Con đi đây.
- Đi đâu?
- Hái bông.
- Không được đâu. Bụng con nhiều tháng lắm rồi.
- Đâu có. Con đi với nhà ta.
Mẹ chia cà phê cho vào nước.
- Này Rosasharn, đêm qua con không ngồi lại ăn bánh kẹp. Người thiếu phụ không trả lời.
- Tại sao con lại muốn đi hái bông, có chuyện gì vậy?
Vẫn không có tiếng đáp.
- Có phải tại Al và Aggie không?
Lần này thì bà mẹ nhìn kỹ con gái.
- Ồ! Con không cần đi làm.
- Con cứ đi, con đã bảo mà.
- Được, được thôi. Đừng gắng gượng quá. Nào, Bố nó, dậy đi. Đứng lên.
Bố ngáp dài, mắt nhấp nháy dưới ánh đèn.
- Tôi chưa ngủ đẫy giấc - Bố rên rỉ - Chắc mãi gần mười một giờ đêm qua mới đi nằm.
Những người ở trong toa chậm rãi bứt ra khỏi giấc ngủ, vật vã để chui ra khỏi mền và vừa vặn vẹo vừa xỏ quần áo. Mẹ cắt những khoanh thịt lợn ướp muối bỏ vào rán ở chảo khác.
- Ai nấy ra ngoài rửa mặt - Mẹ ra lệnh.
Một ánh sáng bất chợt soi sáng phía đầu kia toa. Nghe có tiếng cành củi bẻ gẫy răng rắc ở chỗ gia đình Wainwright. Có tiếng gọi: - Bà Joad ơi chúng tôi đang sửa soạn. Sắp xong rồi.
Al làu bàu:
- Sao lại dậy sớm thế?
- Chỉ có hai mươi acres, - Mẹ nói - Phải nhanh chân nhanh tay kẻo chả còn gì. Phải đến sớm kẻo họ hái hết.
Mẹ giục họ đi bận quần áo, khuấy cà phê cho họ:
- Nào, uống cà phê đi rồi còn đi.
Tối thế này thì hái bông sao được hở mẹ?
- Không hái được, nhưng tới nơi thì trời sáng rồi.
- Có thể bông còn ướt.
- Mưa có to đâu. Nhưng nhanh lên, uống cà phê đi. Al, xong rồi thì mày cho rồ máy đi.
Mẹ gọi:
- Sắp xong chưa, bà Wainwright?
- Chúng tôi đang ăn. Vài phút nữa thì xong.
Bên ngoài, cả trại rậm rịch. Bếp lửa cháy trước cửa lều, ống khói ở các toa phun khói. Al dốc ngược cốc, cà phê cặn rơi vào đầy mồm. Hắn vừa men cầu ván bước xuống vừa nhổ ra.
- Chúng tôi xong rồi, bà Wainwright ạ. - Mẹ kêu.
Mẹ quay về phía Rosasharn, nói:
- Con ở nhà.
Người thiếu phụ nghiến răng:
- Con đi - cô nói quả quyết - Mẹ ơi, con phải đi.
- Nhưng con không có túi đựng bông. Con không đủ sức kéo túi bông.
- Con bỏ vào túi mẹ.
- Mẹ muốn con không đi thì hơn.
- Con phải đi.
Mẹ thở dài:
- Mẹ sẽ để ý trông nom con. Giá ta có tiền đi khám bác sỹ.
Rosasharn đi đi lại lại trong toa, có vẻ bứt rứt không yên. Cô khoác một chiếc áo choàng mỏng rồi lại cởi ra.
- Con lấy một cái chăn - Mẹ nói - Nếu con muốn ngồi nghỉ thì khoác vào cho ấm! Họ nghe tiếng máy xe nối ở phía sau toa.
- Chúng ta sẽ đến trước tiên, - Mẹ hồ hởi nói - Nào đi thôi. Cầm lấy túi, Ruthie, đừng có quên mấy cái bao mẹ may cho các con để đựng bông.
Trong bóng đêm, gia đình Wainwright và gia đình Joad leo lên xe. Bình minh từ từ ló ra, nhưng còn chậm chạp và nhợt nhạt.
- Vòng sang trái, - Mẹ nói với Al - Sẽ trông thấy một cái biển chỉ đường.
Họ đi theo con đường cái tăm tối. Các chiếc xe khác đi ở phía sau họ và ở trại, các xe đang nổ máy, các gia đình chen chúc nhau trong các xe hơi đổ dồn về con đường cái lớn và rẽ sang trái.
Bên phải đường đi, có một mảnh giấy bồi cắm trên cái cột treo hòm thư và có kẻ chữ bằng bút chì xanh.
Cần người hái bông. Al tiến xe qua cổng và đánh xe vào nhà kho.
Sân kho đã đầy những xe hơi, ở một đầu dãy nhà quét trắng, một bóng đèn điện soi sáng, một nhóm đàn ông và đàn bà đứng gần những chiếc cân, nách cắp những cái túi cuộn tròn. Một số phụ nữ mang túi trên vai, hai dải có túi vắt chéo trước ngực. Al nói:
- Chúng ta đâu có đến sớm như đã tưởng.
Hắn lái xe đỗ sát bờ rào. Hai gia đình bước xuống và tới nhập vào đám người đang chờ, các chiếc xe khác từ đường cái vào và tới đỗ cạnh các xe trước, rồi các gia đình khác lại tới nhập thêm vào nhóm. Dưới ánh chiếc đèn điện mắc ở đầu nhà kho, người chủ trại ghi tên người đến làm.
- Hawley? - ông ta nói. H.. a...w..l..e.y? Bao người?
- Bốn - Will.
- Will.
- Benton.
- Benton.
- Amelia.
- Amelia.
- Clare.
- Clare - người sau? Carpenter? Bao nhiêu?
- Sáu.
Y ghi tên người làm vào sổ, chừa một bên lề để ghi số cân.
- Các người có túi không? Tôi có mấy chiếc kia. Một đôla một cái.
Xe hơi nối nhau ùn ùn đi vào sân. Người chủ bẻ cổ áo Canađiêng lót da cừu lên. ông ta nhìn với vẻ lo lắng về phía cống ra vào.
- Người đông thế kia thời hai mươi acres bông xong sớm.
Bọn trẻ con leo lên chiếc rơmooc to đưa bông hái tới đĩa cân, chúng thò ngón chân vào các lỗ của tấm lưới sắt.
- Các cháu kia kìa. - người chủ kêu to - Xuống đi, hỏng hết lưới sắt bây giờ.
Bọn trẻ con từ từ leo xuống, câm lặng và ngỡ ngàng. Bình minh xám ngắt hiện ra.
- Tôi sẽ trừ bì vào sương - người chủ nói - lúc nào mặt trời lên, tôi sẽ thôi. Thôi... các ông muốn làm lúc nào thì tuỳ. Trời sáng rõ rồi đấy.
Đám người nhanh chóng đi về phía cánh đồng bông và ai nấy đứng vào hàng của mình. Họ buộc túi vào thắt lưng, xoa tay cho nóng lên khiến ngón tay được dẻo khi hái, ở phía đông, bình minh nhuốm đỏ trên các dãy bông. Các xe vẫn tiếp tục từ trên đường đổ tới và tập trung trên các dãy núi đồi, và dòng người dài lũ lượt chuyển động dọc các dẫy bông. Các xe vẫn tiếp tục từ trên đường đổ tới và tập trung trong sân trại. Lúc sân đã chật, chúng xếp hàng bên lề đường. Một luồng gió mạnh quét ngang cánh đồng.
Người chủ trại nói:
- Tôi không biết làm thế nào mà mọi người đều biết. Chắc các ông có một hệ thống tin mật rặt ngô. À! Tên gì? Hume? Hả, bao nhiêu? Đến trưa thì chắc hái xong! Chuỗi người hái bông giãn ra qua cánh đồng, gió tây thổi mạnh làm quần áo họ bay lật phật.
Ngón tay họ thoăn thoắt đụng tới nang bông nứt nẻ và lùa thoăn thoắt vào những túi dài mỗi lúc một nặng thêm ở phía sau họ.
Bố nói chuyện với người bên cạnh ở hàng bên phải.
- Ở chỗ quê tôi, gió thế này là sẽ có mưa, không khỏi được. Hình như hơi rét nên chưa chắc đã có mưa. Bác ở đây lâu chưa.
Miệng nói, mắt bố vẫn cúi xuống chăm chút vào công việc.
Người láng giềng cũng không ngước mắt lên.
- Đã gần một năm rồi.
- Theo bác, liệu có mưa không?
- Cũng không nói chắc được. Mà như thế này cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Những người ở đây suốt cả đời cũng chả biết gì hơn. Nếu sợ mưa hại đến hoa màu, thì chắc chắn sẽ mưa, ở đây họ nói thế đó.
Bố liếc nhanh một cái về phía các dãy núi phía tây. Những đám mây xám, nặng bị gió xua đuổi đang lửng lơ trên các ngọn núi.
- Tôi xem ra sắp có giông. Người láng giềng thoáng liếc về phía mây.
- Không thể nói chắc được Và trên suốt dãy dài, đám người hái bông ngoảnh lại nhìn mây. Rồi họ lại nối tiếp công việc, người cúi thấp hơn và ngón tay thoăn thoắt nắm lấy nang bông. Họ đang ráo riết chạy đua, chạy đua với thời gian, chạy đua với sức nặng và với mưa với người láng giềng - càng hái được nhiều bông bao nhiêu, càng kiếm được nhiều tiền bấy nhiêu.
Tới đầu kia của cánh đồng, họ vội chạy để chiếm một dãy bông khác. Bây giờ thì gió quạt vào mặt họ, những đám mây xám chuyển động rất cao trên bầu trời, tiến về phía mặt trời đang lên. Lại vẫn thêm những xe khác tới đậu bên lề đường, chở những người mới đến ghi tên. Hàng người điên cuồng đi dọc theo luống của họ, đến mỗi đầu luống thì cân bông, đóng đấu, kiểm lại số cân ở sổ riêng của họ rồi lại vội vã đi giành luống khác.
Đến mười một giờ, bông trên cánh đồng đã hái hết, công việc đã xong. Những chiếc xe rơmooc có thành lưới sắt được ngoặc vào phía sau xe tải mà thành xe được thay thế bằng lưới sắt, xe tiến ra đường cái, mang bông tới máy tuốt hạt. Sợi bông tơi tuồn qua ô lưới, những cụm bông nhỏ bay bám vào cỏ và cành cây, phấp phới theo chiều gió ở dọc đường. Buồn bã. Những người lượm bông trở về theo từng chụm một, tụ tập trong sân và đứng nối đuôi nhau để chờ nhận tiền công.
- Hurmes James. Hăm hai xu, Ralph, ba mươi xu, Joad Thomas Chín mươi xu. Winfield, mười lăm xu.
Tiến công đặt trên bàn từng cuộn. Tiền bạc kền, đồng. Lúc tới lượt mình lĩnh, ai nấy đều dò lại trong sổ riêng của mình.
- Wainwright Aggie, ba mươi tư xu. Tobin sáu mươi ba.
Hàng người cứ mòn dần. Các gia đình âm thầm trở lên xe của họ và từ từ lên đường trở về nhà.
Nhà Joad và nhà Wainwright ngồi trong xe đợi cho tới khi cổng vào đã khai thông. Và trong khi họ đang kiên nhẫn chờ thì mưa bắt đầu rơi. Al thò tay ra cửa xe để xem mưa mát lạnh thế nào.
Rosasharn đã ngồi ở giữa, mẹ ngồi phía ngoài. Đôi mắt của người thiếu phụ đã trở nên đờ đẫn.
- Lẽ ra con không lên đi. - Mẹ nói - Con hái chỉ được khoảng mười, mười lăm pao.
Rosasharn không đáp, chỉ cúi mặt nhìn cái bụng to. Thình lình, cô rùng mình và duỗi co ra. Mẹ vẫn để ý trông chừng, vội gỡ một cái túi ra, phủ lên vai con gái và kéo cô sát vào mình.
AL rồ máy đánh xe lên đường cái. Những hạt mưa nặng và lưa thưa dội xuống như những mũi tên và bắn tung toé xuống mặt đường, nhưng rồi mưa dày hạt hơn rơi sầm sầm trên mái cabin át cả tiếng uỳnh uỵch của chiếc động cơ cũ mòn. Ngồi trên sàn xe, nhà Wainwright và nhà Joad căng túi ra trùm đầu và vai.
Tựa vào cánh tay Mẹ, Rosasharn run lẩy bẩy, mẹ kêu to:
- Đi nhanh lên, Al. Rosasharn bị cảm lạnh. Phải cho nó ngâm chân vào nước nóng.
Al bắt chiếc máy cũ mở hết tốc lực và lúc về tới trại, hắn cho xe bám sát dãy toa đó. Chiếc xe chưa dừng hẳn thì mẹ đã ra lệnh.
- Al, mày với chú Joad và Bố đi vào lùm cây liễu kiếm cho thật nhiều củi khô vào. Ta phải giữ ấm.
- Không biết trần nhà có dột không.
- Không. Tôi tin là không. Nhà khô ráo nhưng phải có củi. Ta phải đốt lửa cho ấm. Đưa cả Ruthie với Winfield đi cùng. Chúng nhặt cành vụn. Rosasharn yếu lắm.
Mẹ bước ra, Rosasharn định bước xuống theo nhưng đầu gối cô khuỵu xuống và cô nặng nề ngồi ở bậc xe.
Bà Wainwright to béo nom thấy thế bèn hỏi:
- Có chuyện gì vậy? Sắp sinh rồi sao?
- Chưa, tôi nghĩ là chưa, - Mẹ nói, - Nó run lên vì bị cảm lạnh. Bà giúp tôi một tay nào.
Hai bà dìu Rosasharn đứng lên. Đi được vài bước, cô lấy lại sức, tự đi được một mình
- Con khá rồi mẹ ạ. Đột nhiên bị thế thôi. Khỏi rồi. Hai bà vẫn dìu đỡ cô.
- Ngâm chân nước nóng là khỏi. - Mẹ nói với cái giọng của người thạo việc.
Họ dìu cô bước lên cầu ván và đi vào toa.
- Bà cố lo xoa bóp cho chị ấy - Bà Wainwright nói. Để tôi nhen lửa.
Bà dùng những nhánh củi khô còn lại để nhen lò, lửa rực cháy. Mưa rơi như trút nước, nước chảy như thác trên mái toa.
Mẹ ngước mắt nhìn trần.
- Tạ ơn Chúa, mái nhà ta không dột - Bà nói - Ở lều, dù vải lều tốt đến đâu, nước cũng thấm qua. Bà Wainwright, xin bà bắc cho một ít nước sôi.
Rosasharn nằm im trên nệm, không động đậy.
Cô để mẹ tháo giầy và xoa bóp chân cho. Bà Wainwright cúi xuống cô hỏi.
- Cháu có đau quặn không?
- Không. Cháu chỉ thấy khó chịu quá.
- Bác có thuốc giảm đau và muối amôni, - bà nói - Nếu cháu cần dùng, cháu cứ tự nhiên. Thuốc chỉ để mà dùng.
Người thiếu phụ rùng mình dữ dội.
- Đắp cho con, con lạnh lắm.
Mẹ vơ tất cả chăn và chăn chồng lên người cô.
Mưa rơi ầm ầm trên mái toa.
Ngay lúc đó, toán người đi lượm củi bước vào ôm nặng trĩu cành nhánh, ướt như chuột lụt.
- Chó thật - Bố nói - ướt sạch ráo. Nhoáng cái mới thế mà đã bị ướt trụi.
Mẹ nói:
- Quay trở lại nhặt thêm thì hơn. Nó cháy nhanh mới khiếp. Chả mấy chốc trời tối.
Ruthie và Winfield trở về, ướt đầm đìa. Chúng vất phần củi của chúng xuống và lại sắp sẵn đi nữa.
- Hai đứa bay ở nhà, - mẹ ra lệnh - Lại bên lửa hơ cho khô ráo. Bầu trời buổi chiều sắc bàng bạc, nước lấp loáng trên các ngả đường. Mỗi lúc cây bông hình như xạm đen quất lại.
Bố, Al và chú John không mệt mỏi lộn về rồi trở lại các bụi bờ, ôm về từng bó củi khô. Họ chồng chất củi ở gần cửa cho tới lúc đống củi gần chạm trần, sau cùng họ nghỉ tay và lại gần bếp lò. Nước nhỏ giọt từ mũi xuống vai. Các mép áo ngoài chảy nước ròng ròng và mỗi khi họ cử động thì nước trong giầy bắn phọt ra lép bép.
- Tốt rồi. Giờ thì các ông cởi hết áo ra. - Mẹ nói - Tôi đã pha cà phê nóng cho các ông đây. Lấy quần áo khô đây, mà thay đi. Nào, đừng đứng đấy nữa.
Đêm xuống sớm. Trong các toa, các gia đình người nọ sát vào người kia, ngồi nghe mưa rơi trên mái toa.
Chú thích
1 Nguyên văn: Chẳng làm nên chuyện gì tốt nếu chỉ có một mình mình làm. |
2 Nguyên văn: ăn kem. |