1920 - 1024 - Thầy giáo " trai gái với học trò " là một việc " động trời "! Bị hội đồng Kỷ-luật nhà trường khiển trách và đổi đi nơi khác. - Thanh niên và học sinh nam-nữ không bao giờ biết dùng câu " anh yêu em ", "em yêu anh " và ít dám chơi thân vơí nhau. - Một thầy giáo " Cộng sản " bị các đồng chí bóc-lột lấy luôn cả vợ thầy làm "của chung ". 1924, thầy giáo mà yêu học trò là một điều hy hữu, một việc “động trời “ không những gây ra dư luận xôn xao ở trong học đường mà “ tai tiếng “ còn tràn lan cả thành phố. Không riêng gì ở Qui-nhơn nơi Tuấn đang trọ học, mà ở khắp các trường học trong nước, ở Trung kỳ cũng như ở Bắc kỳ, Nam kỳ, mặc dù Nam kỳ là thuộc địa của Tây, sống dưới một luật pháp tự do rộng rãi hơn. Tiếng thông thường chưa gọi là "yêu". Người ta bảo: ° Thầy giáo “ trai gái “ với học trò -- tiếng miền Trung ° Thầy giáo " phải lòng " cô học trò -- tiếng miền Bắc. °Thầy giáo "mèo " với học trò -- tiếng miền Nam. Mối tình ấy bị coi là “ vô luân thường “, “ vô đạo đức “, bị dư luận của các gia đình phụ huynh học sinh, dư luận của toàn thể xã hội, phê bình nghiêm khắc. Không một ai bênh vực che chở cho cuộc "tình duyên tội lỗi “ấy. Tuấn còn nhớ hồi học lớp Nhất ở tỉnh nhà, một thầy trợ giáo độ 20 tuổi ở Huế mới đổi tới, dạy học suốt một niên khóa mà không bao giờ dám nói một câu bông đùa với bốn cô học trò, 16, 17 tuổi trong lớp. Nữ sinh và thầy giáo không hề trao đổi một nụ cười, một tia mắt, hoặc hỏi han một câu gì ngoài những bài học trong chương trình. Các cô đề xưng với thầy một tiếng “ con “ rất cung kính. Ấy thế, mà khi Tuấn vào học trường Trung-học Qui Nhơn lúc gần mãn niên khóa, bỗng dưng nghe xẩy ra một chuyện thầy giáo “ trai gái “ với học trò. Không phải ở lớp Tuấn, vì từ lớp Ðệ nhất niên (1ère Année ) trở lên, không có nữ sinh. Những cô thi đỗ bằng "Primaire “ ở các tỉnh đều ra Huế học trường Ðồng-Khánh, trường Nữ Trung học duy nhất, lừng lẫy tiếng tăm ở Trung kỳ. Lớp Nhất trường Qui Nhơn có 6 cô nữ sinh: Yến, Nhạn, Lài, Thục, Trâm, Anh. Trò Tuấn nhớ tên sáu cô là nhờ một đêm trời mưa, trò có đến chơi nhà trọ của bốn cô sau, và làm một bài thơ đùa nghịch tặng các cô: Yến, Nhạn đa tình, Trâm, Anh: duyên trinh Thục: lưng quần đỏ, Lài, nhỏ xinh xinh. Yến và Nhạn là hai chị em ruột, con gái một bà Quan Lớn, góa chồng mà học trò đồn là tình nhân của ông “Ðià-réc-tơ “ và cả của ông Gabriel, giáo sư Toán. Bà rất đẹp, và hai cô cũng rất đẹp, có vẻ quí phái, trông đa tình ghê. Trâm và Anh độ 15, 16 tuổi, duyên dáng mặn mà, lại hay bẽn-lẽn, đi học cứ che nghiêng cái nón gò-găng, sợ học trò con trai nhìn mặt. Thục, nước da ngâm ngâm đen, đi rất chững chạc, và chuyên môn mặc quần trăng đầm đen mà lưng quần thì may bằng vải cầu-kiều đỏ loét. Trò Tuấn cứ chế nhạo cái mầu đỏ ấy hoài, nhưng Thục không bao giờ thay lưng quần màu khác. Cô Lài, con gái bà chủ trọ của các cô, người nhỏ bé xinh xắn, và rất vui tính, cứ theo chọc trò Tuấn hoài. Nói đúng ra, thì cô nào cũng ưa “phá rầy “ trò Tuấn, và những đêm trời mưa. Chủ Nhật, thứ Năm, Tuấn thường đến nhà trò chuyện với bốn cô. Tuấn nói chuyện đời xửa đời xưa, chuyện tam hoàng ngũ đế, chuyện rồi ngâm thơ đánh đàn, hoặc chỉ dùm các cô về Pháp-văn, vì cô nào cũng ngán văn phạm. Bốn cô cứ ra phố mua kẹo thèo lèo, một xu được một gói, về lo lót cho Tuấn, để nhờ Tuấn “gà“ cho bài Luận Pháp văn. Lần nào thầy giáo chấm bài luận của bốn cô cũng cho nhiều điểm. Tụi học trò con trai lớp Nhất cứ thua điểm bốn cô con gái, và bị thầy la rầy, tức mình đi rình các cô, nhưng không bao giờ bắt gặp các cô mua kẹo thèo lèo để hối lộ cho Tuấn. Mãi sau này, ba bốn chục tuổi, Tuấn vẫn ghiền kẹo thèo lèo, nguyên do cũng tại các cô ấy. Tuấn đánh đàn không hay, chỉ từng -tứng –tưng một đôi bản hành vân, lưu thủy, thơ thì tập tểnh năm ba vần cóc nhái, nói chuyện thì lung tung thiên địa, nhưng bốn cô học trò lớp Nhất lại thích chơi với Tuấn. Có lẽ vì Tuấn học lớp trên, và chỉ có Tuấn là thường đến nói chuyện vui với các cô trong những đêm mưa buồn, ơn-ớn lạnh … Các trò khác mắc cở, đâu dám bước chân đến căn nhà trọ mỹ miều nghiêm trang ấy. Nhiều đêm trời mưa tầm tã, các cô muốn Tuấn ở lại, Tuấn kể những chuyện tình Tây phương rất cảm động, mà Tuấn đã đọc trong các bộ tiểu thuyết Pháp, Graziella chẳng hạn, hoặc Andromaque, Télémaque, La Dame aux Camélias, bốn cô hồi hộp ngồi nghe, bốn cặp mắt huyền mơ cùng uống trên môi Tuấn những lời ngây ngô thơ mộng. Cho đến hai ba giờ khuya, nghe dứt chuyện, bốn cô say sưa lăn ra ngủ trên giường, trong chiếc mùng trắng xóa. Trò Tuấn cũng buồn ngủ quá rồi, nằm chèo queo trên chiếc ghế dài, lạnh ngắt. mưa dầm dề, gió rít hiu hiu. Trò thiu thiu ngủ, nhưng vẫn cảm thấy như có mấy bàn tay dịu dàng khẽ đắp lên cho trò hai chiếc chiếu hoa. Lúc bấy giờ chưa có mền. Ngọn đèn Huê-kỳ hết dầu đã tắt ngấm từ bao giờ. Một số đông học trò lớp Nhất và lớp Ðệ Nhất niên đồn đãi rằng trò Tuấn “ trai gái “ với bốn cô học lớp Nhất, ở trọ nhà bà Mười. Nhưng đấy chỉ là lời đồn xuyên tạc, hoàn toàn “ vô căn cứ “. Chứ “ trai gái “ làm sao được với bốn cô một lúc, và trò Tuấn mới có 16 tuổi, các cô học lớp Nhất cũng mới có 14, 15 tuổi thì biết gì mà trai gái? Nói có Trời làm chứng, trò Tuấn với bốn cô bạn gái có giao du thân mật với nhau thật sự, nhưng chỉ thân mật trong cái vòng lẩn quẩn loanh quanh của tình học trò, chứ chưa bao giờ họ trao đổi với nhau một lời hứa hẹn “ tơ-lơ-mơ “, hoặc một câu tâm tình say mê rạo rực … Năm 1924, trong đám học sinh “ An nam “, chưa ai được nghe văng vẵng câu:” anh yêu em “ hay “ em yêu anh “. Mặc dầu là những học trò đã to đầu, lớn xác, học ở các lớp Ðệ Nhị, Ðệ Tam niên, cũng chưa ai biết hôn môi, hôn má là gì. Không bao giờ người ta thấy bóng một cặp thanh niên, thiếu niên nam nữ, đi chung với nhau ngoài phố, hay bất cứ ở đâu. Con gái riêng phần con gái, con trai riêng phía con trai, gặp nhau trước cổng trường, cũng đi né sang bên, trông thấy nhau ngoài đường phố cũng không đứng lại ngó nhau cười, hay nói vài ba câu chuyện. Chuyện “ trai gái “ không phải là không có. Ở thời nào, nơi nào mà không có “ trai gái “Nhưng “ trai gái “ chỉ viết một vài lá thư kín đáo gởi lén cho nhau, thêu cho một vài chiếc khăn, gởi cho một vài chiếc bánh … Thế thôi. Dù có thề non hẹn bể cũng chỉ trên giấy mực, tuyệt nhiên không có cô cậu nào dám cắp tay nhau đi nhởn nhơ ngoài phố, hay đem nhau ra ngồi ngoài bãi biển, hay trên động cát mênh mông. Ấy thế mà bổng nhiên xảy ra vụ thầy giáo lớp Nhì “ trai gái “ với cô học trò trong lớp, làm câu chuyện đầu môi cho toàn thể mấy trăm học trò cả trường. Thầy còn trẻ, người Huế, vào khoảng 20,21 tuổi, chưa có vợ. Cô học trò cũng người Huế, độ 14, 15 tuổi. Một buổi tối, khoảng 8 giờ, trò Tuấn đi lang thang hóng gió trên con đường vắng vẻ trước trường. Tình cờ trò thấy hai bóng trắng trong một xó tối gần một ngôi mộ vôi. Ðường này xưa có tiếng là có nhiều ma, vì trước kia là một nghĩa địa, mồ mả ngổn ngang trên một động cát hoang vắng. Tưởng hai bóng trắng là hai con ma, Tuấn vụt chạy. Một lúc sau, một cậu học trò khác đi xe đạp ngang qua đấy, trông thấy hai bóng trắng cũng tưởng là ma, cũng cấm đầu khom lưng đạp xe thật nhanh. Hai trò gặp nhau ở trước cửa nhà Lao, cậu nào cũng hớt hơ hớt hãi nói chuyện với một người lính tập:” có hai con ma mặc toàn đồ trắng hiện lên ở chỗ Mả Vôi ngoài gốc sân trường". Người lính tập bảo:” Ma đâu nào? Các cậu chỉ tôi xem, tôi oánh nó chết ngay bây giờ “. Người lính mang súng đi với hai cậu học trò trở lại chỗ Mả Vôi. Hai bóng trắng đứng sát gần nhau, và yên lặng, không nhúc nhích. Người lính nạp đạn vào súng rôì hô lớn:” Có phải ma không? Tôi bắn chết chịu đấy nhé “. Bổng “ ma “ cất giọng run run:” Không phải ma. Ðừng bắn tụi tui “. Ma nói giọng Huế. Người lính lại bảo: - Không phải ma, thì ai? Xưng tên lên, không thì tôi bắn. Ma tự giới thiệu: - Tôi là thầy giáo. Ma đủng đỉnh đi ra … Tuấn vẫn còn lạnh xương sống, vì trò nghe người ta nói rằng ma thường giả dạng làm người. Bóng ma mỗi lúc mỗi hiện ra rõ rệt với chiếc áo dài trắng, quần trắng, tà áo phất phơ trong gió. Tuấn chăm chú nhìn dưới chân ma, nếu phải là ma thì chân đi lơ lửng trên không khí, còn trái lại nếu chân đạp trên đất thì đúng là người. Tuấn vô cùng ngạc nhiên thấy bóng trắng bước đến gần trò chính là thầy giáo lớp Nhì, thầy L. Lễ phép, Tuấn và người học trò kia đều khẽ cúi đầu:” Thưa chào thầy “. Câu chuyện tò mò của bác lính tập và hai cậu học trò đáng lẽ đến đây có thể chấm dứt được rồi. Không dè bác lính tập quái ác, lấy tay chỉ một bóng trắng còn đứng yên bên Mả Vôi trong bóng tối lờ mờ ghê rợn, vì đường phố không có đèn. Y hỏi: - Còn con ma nào kia nữa? Thầy giáo lớp Nhì lính …quýnh, bập bẹ trả lời: - Cô em …em của tôi đấy. - Kêu em thầy ra đây. Sao lại đứng đó? Bóng trắng cứ đứng yên một chỗ. Người lính hăm dọa: - Không ra đây, tui bắn chết chịu à! Bây giờ trò Tuấn mới nhận thấy là người lính tập hơi say rượu, giọng nói của y hơi lè nhè. Thầy giáo L. lên tiếng gọi: - Ði ra, em! Bóng trắng đủng đỉnh bước ra. Trời tối, Tuấn chưa trông rõ mặt, chỉ thấy thoáng qua hình dáng thiếu nữ, Người lính say rượu hỏi: - Cô làm gì chỗ cái Mả Vôi đó? Giọng cô thiếu nữ Huế trả lời rất nhỏ: - Dạ …có làm chi mô … Tuấn bước kề lại xem, bổng reo to lên: - Tưởng ai, cô Hoa học trò lớp Nhì đây mà! Người lính tập say, tay cầm súng lại ngó thầy giáo và tiếp tục hỏi: - Thầy làm chi trong nớ với cô học trò nhỏ ni? - Nó là …em …của tôi …Nó đi tiêu …nó sợ ma..tôi phải đi với nó … Người lính phá lên một trận cười làm tan vỡ cả bầu trời vắng lặng. Anh ta quay lại ngó thầy giáo: - Thôi, xin chào thầy, hỉ! Giọng nói khôi hài, mỉa mai, cay đắng, điểm theo một tràng cười kế tiếp, sặc sụa, vang cả động cát và khu Học đường. Người lính đi xa xa …biến hẳn nơi mút đường tối om, nhưng tiếng cười của anh cứ còn văng vẵng ….Hả! …hả! …hả! …hả! … Hai cậu học trò cũng vụt chạy mất, để lại cho hai bóng trắng còn tần ngần giữa đường, một chuổi cười hăng hắc … Sáng hôm sau hai cậu phao ra cái tin “động trời “ cho cả trường và cả thành phố Qui-nhơn hay: thầy giáo với cô học trò. Mấy hôm sau, cô Hoa, học trò lớp Nhì không đi học nữa, và anh “ planton “ ( tuỳ phái ), nhà trường có thóc mách cho học trò biết rằng thầy Trợ giáo lớp Nhì bị Conseil de Discipline ( Hội đồng kỷ luật ) của các giáo sư và ông Ðốc khiển trách nặng nề. Ít lâu sau thầy bị đổi đi tỉnh khác. Theo mấy cậu học trò ở Huế cho biết thì thầy giáo và cô học trò cả hai đều quê quán ở Ðế Ðô, đã về làm đám cưới tại Huế trong kỳ nghỉ hè năm ấy. Thà như thế còn hơn! Vì giá như trò Tuấn không trông thấy hai bóng ma ở Mã vôi trong một đêm tối trời, thì biết đâu cuộc tình duyên vụng trộm của thầy giáo và cô học trò lớp Nhì sẽ có thể đổ bể tùm lum ra nữa mà hậu quả sẽ tai hại biết bao nhiêu. Vụ Thầy giáo trai gái với học trò làm xôn xao dư luận ở học đường và cả thành phố suốt một tháng trời. Thỉnh thoảng về sau, người ta vẫn còn ưa nhắc lại. Nhưng riêng trong đám nữ sinh, không hề có một lời bình phẩm. Các cô mắc cỡ. Không ai bảo ai, tất cả các cô đều giữ thái độ hoàn toàn im lặng trước tai tiếng ấy. Có lần Tuấn dựa hơi quen thân với bốn cô lớp Nhất, Trâm, Anh, Lài, Thục, đánh bạo hỏi các cô: - Sao, các cô có bênh vực con nhỏ học trò lớp Nhì với thầy trợ giáo Liên không? Tức thì cô Anh đánh vào cánh tay Tuấn một cái đau điếng: - Anh Tuấn kỳ quá! Hỏi chi chuyện nớ? - Hỏi cho biết chơi! Nhưng không một cô nào muốn trả lờì, Tuấn mới kể lại câu chuyện gặp ma ( kể lần thứ ba, thứ tư …) và cười giỡn, cố ý tạo ra không khí thân mật hơn để các cô thổ lộ vài câu tâm sự. Mãi khuya gần đi ngủ, cô Trâm mới vừa ngáp vừa nói: - Có con Hoa nó thành yêu, thành tinh như vậy, chớ con gái gì mà lăng nhăng thế bao giờ. Cô Lài cắt ngang: - Ối! Nói làm chi chuyện xấu xa nớ mà nói hoài! Tuấn lại hỏi cô Thục, cô lưng quần đỏ và giây lưng đỏ. Cô này theo đạo Thiên Chúa. - Còn cô Thục, cô nghĩ sao? Thục đỏ mặt tía tia, hai mí mắt cứ chớp lia lịa. Cô mắc cỡ không nói, hỏi mãi cô mới trả lời: - Chúa không tha cho những tội lỗi như vậy đâu. Tóm lại, thân lắm mơí được nghe các cô nữ sinh tỏ bày “ quan điểm “ và tất cả đều cương quyết kết tội thầy trợ Liên và cô học trò lớp Nhì. Cả thành phố không có được một người đàn ông nào lên tiếng bào chữa cho thầy trợ giáo, hoặc một người đàn bà, một cô gái, bênh vực cho cô học trò lớp Nhì. Trong hoàn cảnh “ thuần phong mỹ tục “ của xã hôị An nam 1924 như vừa phác họa, thật không có chỗ nào cho một tình duyên tự do lãng mạn. Tôi đã nói “ thế hệ ấy chưa dám dùng chữ “ yêu “ và chưa có ai dám thực hiện “ tình yêu “ sỗ sàng công khai. Ðôi “ trai gái “ chỉ nói “ thương “ nhau. Chữ “ thương “ấy có thể chứa đựng một cảm tình rất thiết tha, nhưng vẫn lén lút, gìn giữ, sợ sệt. Cho nên có câu thông dụng “ thương vụng nhớ thầm “ và truyền thống tình cảm vẫn chặt chẽ ở Trung kỳ cũng như ở Bắc kỳ và Nam kỳ, ở thành thị trong đám trí thức và thanh niên Tây-học cũng như ở hương thôn. Bây giờ tôi xin kể chuyện một thầy Trợ giáo lớp Năm, thật là buồn cười. Không phải là một vụ trai gái, mà là một vụ “ cộng sản “. Năm 1924, Cộng sản đã bắt đầu tuyên truyền bí mật trong các giới gọi là “ trí thức “ nhất là giáo giới. Dĩ nhiên là “ Quan Tây “ và “ Quan An nam “ không hề biết một tí gì về các sự kiện ấy, cũng như họ chẳng biết gì về hai tờ báo Le Paria và Việt Nam Hồn ( của Ðảng Ðộc Lập Việt Nam ở Pháp hoàn toàn không có dính líu gì với cộng sản cả ). Trong toàn thể đám Ðốc học ( Giáo sư tốt nghiệp Cao đẳng đại học Hà nội ) và Trợ giáo ở Qui-nhơn, chỉ có mỗi một thầy trợ giáo lớp Năm là theo lý thuyết Cộng sản, và thầy hiểu Cộng sản với ý nghĩa tuyệt đối giản dị là tất cả của cải đều là của chung. Chính trò Tuấn cũng được thầy Trợ giáo lớp Năm rủ đến nhà thầy chơi, và tuyên truyền. Hình như không những riêng ở nhà trường, mà kể cả thành phố Qui-nhơn, chỉ có mỗi một thầy Trợ giáo lớp Năm là theo Cộng sản, nghĩa là theo chủ trương như thầy thường tuyên bố:”ở đời muôn sự của chung. Không có vật gì là riêng của ai cả “. Thế rồi một hôm có một anh thợ chụp hình ( tuy là người thợ chụp hình duy nhất trong thành phố, nhưng tiệm anh vẫn nghèo nàn ) đến xin vô đảng, và nói:” Tôi cũng xin theo làm cộng sản đệ tử của thầy “. Thầy mừng quá, và khi anh thợ chụp hình đã biết trước rằng thầy có một cái máy chụp hình mới mua, anh hỏi: - Thưa thầy Trợ, thầy đưa cho em cái máy đó để em dùng được hông? Trung thành theo thuyết cộng sản của thầy, thầy Trợ vui vẻ đưa máy cho anh thợ chụp hình. Hai hôm sau, một thầy Thông làm việc ở sở Thương chánh đến nói với thầy Trợ: - Tôi đến đây xin làm đệ tử Cộng sản của thầy đây. Thầy Trợ vui mừng nhận người đệ tử mới. Nhưng thầy Thông Thương chánh biết nhà thầy Trợ có một máy hát và 20 đĩa cải lương, liền bảo:” Thầy cho tôi cái phonographe và 20 cái Disques đó về vặn nghe hỉ? “ Thầy trợ rất sốt sắng trao máy hát và 20 đĩa hát cho người đệ tử Cộng sản mới của thầy, cũng như thầy đã trao máy chụp hình cho anh “đồng chí “ thứ nhất. Dần dần, trong 3 tháng, số người xin “ làm cộng sản “ với thầy Trợ rất đông. Mỗi người đệ tử mới đến đều xin của thầy một món đồ: từ cái đồng hồ trái quít treo tòn ten trên vách tường, đến cái đồng hồ báo thức đặt trên bàn thờ Ông Bà. Các đảng viên cộng sản của thầy lấy mà không đem trả lại, và họ cũng không đưa cho các đồng chí khác để thay phiên nhau dùng theo thầy trợ căn dặn. Thầy trợ Tố ( tên thầy ) rất hãnh diện đã kết nạp được một số “đồng chí cộng sản “ khá đông. Thầy rất vui vẻ, sốt sắng, thực hành đúng theo đường lối chủ trương cộng sản của thầy, là trao hết các đồ dùng trong nhà cho các đồng chí xử dụng. Thầy thường ưa thuyết cho Tuấn và các trò khác nghe rằng: Cộng sản là như vậy đó, nếu trên đời này ai cũng chia của đồng đều cho nhau, đừng ai tham lam dành giữ làm của riêng mình thì sẽ có “ thế giới đại đồng “. Một hôm, cô Trợ than phiền rằng tất cả quần áo, chén dĩa, nồi đồng, mâm thau, thầy đã chia hết cho hang xóm mỗi người một mớ, để họ đem về nhà làm “ của chung “, đến nỗi bây giờ ở nhà chỉ còn mỗi một nồi đất mà thôi. Thầy Trợ Tố thường giảng dạy: - Cộng là chung, sản là của. Cộng sản là của chung. Của mình tức là của chung hết thiên hạ. Vợ của tôi, ai xin tôi cũng cho. Cô Trợ tức mình và xấu hổ, ôm mặt khóc hu hu cả một buổi chiều. Thế rồi có một anh chàng đẹp trai, con thứ bảy của một ông thầy thuốc Nam, anh ta đang soạn tuồng cải lương và định lập một gánh hát Bình Ðịnh -- buổi chiều đó lò dò đến nhà thầy Trợ, xin vào đảng Cộng sản. Thầy mừng rỡ đón tiếp và nhận anh làm đồng chí, bảo cô Trợ pha trà đãi người đảng viên mới. Uống xong một tách trà nóng, đồng chí cải lương tủm tỉm cười bảo: - Thưa thầy, thầy cho em mượn cô Trợ về ở chung với em có được không? Thầy Trợ cười hãnh diện: - Ðược chớ. Của đời muôn sự của chung. Của tôi, tôi phải chia cho người khác dùng. Của anh cũng vậy. Mình là cộng sản, phải thực hành lý thuyết đó chứ …Nhưng anh mượn vợ tôi rồi phải trả lại cho tôi nghe không? Ðồng chí cải lương cứ tủm tỉm cười: - Dạ - Chừng nào trả? - Dạ, chỉ vài ba tháng, cô Trợ giúp tôi lập gánh cải lương xong rồi tôi trả lại thầy, vì nghe nói cô Trợ có giọng ca tứ-đại-oán nghe mê. - Ừ phải, vợ tôi ca tứ-đại-oán thì hay kinh hồn. Anh muốn mượn vợ tôi thì tôi sẵn sàng cho mượn, nhưng ba tháng anh phải trả lại tôi nghe không? - Dạ, Thầy Trợ nói đúng quá. Vậy mới là Cộng sản chứ hỉ! Cô Trợ nằm trong buồng nghe rõ câu chuyện, khóc thút thít, nhưng không biết nghĩ sao, cô vùng đứng dậy, xách nón ra bảo chồng: - Cơm chưa nấu, nghe! Cái nồi đất bể rồi. Thầy chịu khó đi ra chợ mua cái nồi khác về nấu cơm. Tôi đi với anh này. Nói xong, người đồng chí mới của thầy Tố chào thầy rồi cùng với vợ thầy ra đi. Nhưng câu chuyện đến đây chưa chấm dứt. Vì sáng hôm sau thầy Trợ Tố đến nhà người đệ tử để bắt vợ về. Thế là có cuộc cải lộn rồi đánh lộn. Vợ thầy trợ Tố lại xách nón ra đi, và lần này cô đi mất biệt, không ở với anh bầu cải lương, mà cũng kgông trở về nhà ông chồng “ Cộng sản “. Kế đó, phong trào cộng sản của thầy Trợ Tố tự nhiên giải tán. Thầy Tố cũng bị đổi đi tỉnh khác.