Chia tay mọi người trở về nhà, tôi ngồi xem ti vi chờ đợi thằng Út về đưa đi công chuyện. Út hẹn với tôi khoảng 7 giờ chiều, nhưng gần 8 giờ mới thấy mặt nó, thằng này giờ giây thung, tôi không thèm chấp. Sau khi tắm rửa thay bộ đồ mới, Út vừa đứng trước gương chải vuột mái tóc hất ra phía sau vừa huýt gió. Tôi ngồi kế bên đó hối:- Lẹ lên, lúc nào cũng lề mề như đàn bà. Hơn 8 giờ tối rồi đấy.- Bà già rồi hay sao dạo này khó tính thế! Không tắm rửa sạch sẽ ngồi đằng sau bà lại chê hôi tôi như cú.Tôi phì cả cười, ừ, tôi hay chê nó hôi thật. Làm việc chân tay cả ngày, mồ hôi lúc nào cũng tuôn ra như tắm, chỉ cần nó đi ngang qua cũng hửi thấy mùi chua lè, huống gì phải ngồi đằng sau lưng nó. Út đốt thêm điếu thuốc, phì phèo trên môi, đi ngang qua mặt tôi, không thèm dòm, nói:- Em xuống lấy xe đây, chị xuống liền đi nha!Tôi cũng đứng dậy, bước vô trong phòng lấy cái bóp đeo lên vai, xong tôi bước ra cửa đứng trước hành lang nhìn xuống, vừa thấy bóng dáng thằng Út chạy xe rề rề lại là tôi bước xuống cầu thang liền. Ngồi yên vị sau xe, Út chở tôi chạy thẳng ra hướng chợ Bến Thành, quẹo vô đường Lê Lợi, thẳng tiến qua bên hông Nhà Hát Thành Phố rồi rẽ tay trái lên đường Hai Bà Trưng hướng về ngã tư Phú Nhuận. Lúc đi ngang qua ngã tư Hai Bà Trưng và Thống Nhất (bây giờ là đường Lê Duẩn) gặp đèn đỏ, xe phải dừng lại chờ. Tôi đưa mắt ngó về phía trạm dừng xe bus nằm bên tay phải cố tìm xem bóng dáng cô gái mù năm xưa có còn ngồi đó hay không (?) Cô gái mù này là gái bán hoa bị mù bẩm sinh. Ngày tôi chưa qua Nhật, tình cờ tôi được nghe chuyện kể về cô. Không biết cô ở đâu đến, nhà cửa ra sao, cứ sáu giờ chiều có người chở cô lại trạm dừng xe bus ngồi đợi khách, chỉ trừ những ngày bị bệnh nằm liệt giường không đi được, cô mới nghỉ, còn thì đêm nào cô cũng ngồi đúng một chỗ, bất kể mưa gió bão bùng. Người đưa đón cô là một gã xe ôm kiêm ma cô dắt mối. Sau khi ngã giá, gã chở cô lại bãi đáp (phòng trọ), xong việc, gã lại đón cô đưa lại chỗ cũ hầu kiếm thêm một cuộc khách mới. Nghe xong câu chuyện đó, mỗi lần có dịp đi ngang khu này, lần nào tôi cũng đưa mắt tìm kiếm xem cô có mặt ở đó không, đôi khi cái ghế trơ trọi chẳng có bóng ma nào, tôi tự hỏi mình cô có khách hay là cô bị bệnh. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, hầu như ngày nào cô cũng đều có mặt, gặp trời mưa gió cô bận thêm cái áo mưa ngồi co ro ở một góc. Hôm nay tôi không thấy cô đâu, tôi phân vân chẳng biết cô có còn hành nghề không? Và số phận của cô ra sao? Còn sống hay đã chết?Thằng Út chạy xe vù vù, lạng lách cứ như biểu diễn đua xe, tôi sợ tái cả mặt nắm áo nó giật mạnh:- Chạy từ từ mày! Làm gì mà cứ như đi ăn cướp thế?- Bà ngồi xe tôi thì cứ yên tâm đi, bảo đảm đi đến nơi về đến chốn.- Thôi, mày để tao sống còn nuôi con, mai tao về Nhật rồi đấy!Xe đã chạy vượt ngã tư Phú Nhuận, chạy miết, chạy miết, chạy tới cả tiếng đồng hồ, qua bao nhiêu con đường, ngõ hẻm tôi chưa hề biết đến mà nhà thằng Hải, bạn nó vẫn cứ mịt mờ chưa thấy bóng dáng đâu. Hải là thằng bạn khá thân của Út, chỉ kém tôi có một tuổi. Ba má của Hải qua định cư bên Mỹ sau tôi hai năm, ba Hải ngày xưa cũng là sĩ quan An Ninh của Việt Nan Cộng Hoà, nhưng không hiểu giấy tờ trục trặc làm sao mà mãi đến năm 2002 mới rời Việt Nam được. Lúc trước nhà của Hải nằm trong một con hẻm trên đường Trần Quốc Thảo, khúc gần Kỳ Đồng. Trước khi qua định cư bên Mỹ, ba mẹ Hải phải bán nhà chia phân nửa tiền cho người em gái thừa kế. Căn nhà được giao bán 140 cây vàng, thằng Út nhà tôi mê quá cứ về nịnh chị bỏ tiền ra mua. Tôi nhe hàm răng trước mặt Út, dứ dứ:- Mày vặn răng tao đi, xem bán đủ tiền mua nhà thì cho mày vặn liền!"Tôi cũng thèm lắm nhưng ngặt nỗi tiền ở đâu ra, đành chịu. Phải mà tôi có gan ăn cắp hay có tài ăn cắp như một số người Việt định cư tại Nhật thì dám tôi cũng liều mạng một lần, rinh nguyên cái máy ATM, chắc cũng vớ mẫm được vài trăm ngàn đô la, dư tiền mua nhà, mua cửa. Nhưng ngặt nỗi tôi chỉ được cái to họng chứ đi ăn cắp thì tôi không có gan, và cũng chả tài giỏi gì trong việc phi pháp đó. Hồi tôi mới qua Nhật, nghe phong phanh rằng có vài nơi chuyên bán hàng ăn cắp với giá rất rẻ so với ngoài thị trường. Bây giờ thì tôi đã biết chính xác chuyện này là có thật chứ chẳng phải là tin đồn. Tò mò tôi nhờ người quen dẫn đến nơi đó xem thử, và mua một vài món. Trời ơi...! hàng hoá ăn cắp xếp đầy chật cả gian phòng, từ quần jean hiệu mắc tiền, đồ lót áo ngủ phụ nữ đến mỹ phẩm xịn các loại Shisedo, Kanebo... giỏ sách hiệu Coco Chanel, Louis Vuitton... ngay cả máy điện toán mắc tiền nhất, đồng hồ Rolex… thứ chi cũng có, choáng hết cả mắt. Khiếp thật! Họ giỏi ăn cắp ghê! Tiếng tăm của người Việt Nam chẳng mấy gì hay ho trong cặp mắt người Nhật, hèn gì chồng tôi cứ dặn đi dặn lại:- Em đừng có vô siêu thị ăn cắp đồ nghen. Cảnh sát mà bắt giữ, em sẽ không xin được visa ở lại Nhật đâu đấy.Gớm! Chồng tôi cứ làm như người Việt Nam nào cũng biết đi ăn cắp không bằng. Anh nói với tôi rằng mấy lần về Việt Nam, anh đi dạo các cửa hàng ở đường Nguyễn Huệ, thấy họ bán những loại máy mà chỉ lưu hành nội địa, còn nguyên si "security" chống ăn cắp của hãng Daie nơi anh làm việc. Anh thắc mắc sao mà người Việt ăn cắp giỏi thế (?). Sau này, tôi còn được nghe kể rằng dân Việt Nam đi ăn cắp nhiều vô kể, đa phần là dân ngoài miền Bắc, dân làm thuê với danh nghĩa "xuất khẩu lao động" nhưng trốn ra ngoài hành nghề ăn cắp. Chắc có lẽ danh từ "ăn cắp" xấu xa quá nên họ gọi lái qua là "đi chợ", hàng "đi chợ" về xếp đầy cả kho, nhìn đến chóng mặt. Người kể cho tôi nghe mạt sát dân Bắc Kỳ tới bến, làm tôi mắc cỡ không dám nhận mình là đồng hương gốc Bắc kỳ. Nhục nhã thay! Đến giờ này, tôi vẫn không hiểu làm thế nào họ có thể dấu được món hàng mắc tiền qua khỏi máy an ninh khi bước ra cửa siêu thị. Phải phục họ tài giỏi thật, đến thịt bò mắc tiền họ cũng lấy ra mỗi lần vài ký lô, nghe cứ như chuyện lạ có thật.Cuối cùng, thằng Út cũng đưa tôi đến trước cửa nhà Hải. Sau khi bán căn nhà trên quận Ba, ba má Hải chia phân nửa cho cô em gái và dư lại thì mua căn này. Căn nhà ba tầng lầu nằm ngay mặt tiền đường trông khá bắt mắt, cổng bên ngoài đã khoá, nhưng bên trong còn bật sáng đèn. Út dựng xe, tiến lại bấm chuông gắn ngay cổng. Chỉ ít phút sau, bóng Hải lấp loáng trong nhà, lách cách mở cửa.Cánh cửa mở toang, ánh đèn nê ông màu trắng xanh tràn ra ngoài mát dịu. Hải đã nhìn thấy chị em tôi, cất tiếng cười hềnh hệch:- Chào chị, về hoài hén?- Cả năm mới về một lần chứ về hoài hồi nào? Ba má có nhà không cưng?- Dạ có, ông bà vừa mới ở quê lên hồi chiều.Tôi theo Hải bước vào trong nhà, thằng Út lo đẩy chiếc xe qua cánh cổng, sợ để bên ngoài tụi trộm rinh đi. Căn nhà này coi cũng bắt mắt, tường sơn màu xanh ngọc, phía giữa phòng bếp là cầu thang uốn lượn lên lầu. Ngay bên ngoài đặt bộ ghế sa lông bằng da giả màu nâu sậm, chiếc bàn trà bằng kiếng dầy 10 ly trong suốt như pha lê. Chẳng cần ai mời, tôi tự động ngồi xuống, đập vào mắt tôi là vết nứt toác của bức tường ngay gần kế đồng hồ điện, tôi định lên tiếng... nhưng rồi lại lặng im. Nhà này vài năm trước mua có mấy chục cây vàng, xây dối là phải!- Chừng nào về lại Nhựt chị?- Ờ, tối mai.- Lẹ hén chị, sao không ở chơi thêm?- Đủ rồi, ở lâu về ông nhằn.Má của Hải xuống trước, lon ton theo chân bà nội là thằng Tin con trai đầu lòng của Hải nay cũng đâu chừng bốn, năm tuổi, thấy có khách bắt đầu nhiễu sự, vòi vĩnh đủ điều. Má của Hải hơn 60 tuổi, người đầy đặn hai má ú na ú nần. Trước khi qua định cư bên Mỹ, má nó thầu nấu ăn cho nhân viên của một công ty, lương bổng cũng khá. Sau khi đến Mỹ, bà xin được một chân phụ bếp trong một nhà hàng đâu ở tuốt tiểu bang Minoxa… gì gì đó mà tôi không còn nhớ chính xác tên nữa.- Cô Hân có ăn ghẹ không? Để tui kêu tụi nhỏ luộc một mớ lên đây mình nhậu. Tui với ổng mới về quê xách lên cả đống trong bếp kìa!Bà đưa tay chỉ về phía sau bếp. Tôi ngập ngừng mất mấy giây rồi mới trả lời:- Trời ơi, con đang ho gần chết có dám ăn đồ biển gì đâu cô, giờ cô lại nhắc đến ghẹ làm con chảy nước miếng rồi nè.- Ôi, nhằm nhò gì, lấy độc trị độc.Rồi bà cười sảng khoái. Ba của Hải cũng bước xuống dưới lầu, ngồi xuống cạnh vợ. Tôi mỉm cười, chào ông:- Về Việt Nam vui không chú? Thấy chú có vẻ khoẻ mạnh hơn lúc còn ở đây hén?- Ông bịnh hoài cô ơi, có làm ăn được gì đâu, đang nghỉ dưỡng bịnh.- Vậy là chỉ có mình cô đi làm hả?- Ờ có mình tui thôi, cực lắm nhưng mà còn kiếm được tiền.Bà quay sang thằng Út, cười, hỏi:- Nhà cửa tới đâu rồi Út?- Nhà của bả chớ nhà của con đâu má.- Thì cứ nhận là nhà của mình đi cho nó hên.Tôi nhìn vợ chồng bà, sao mà thấy cám cảnh. Lẽ ra bằng ngần này tuổi đầu, phải là lúc nghỉ ngơi dưỡng già, không ngờ bà vẫn phải làm việc quần quần nuôi ông chồng bệnh hoạn và một lũ con còn xót lại ở Việt Nam. Hải là con trai lớn của ông bà có nghề điện lạnh giống thằng Út, nhưng lại lười không muốn lao động cực nhọc. Cô con dâu lúc trước đi làm thợ may trong nhà máy lương kiếm được cũng hơn triệu bạc, sau ngày cưới bắt nghỉ ở nhà để sinh con. Bây giờ cả hai vợ chồng thành ra thất nghiệp, sống nhờ tiền trợ cấp của ba má gởi về mỗi tháng, chẳng chịu làm ăn gì. Còn thằng con thứ nhì nghe nói đang thoi thóp chờ chết, nghiện sì ke rồi vướng bệnh sida (AIDS). Trong lúc tâm tình, tôi không nghe ông bà nhắc gì đến nó, tôi cũng im lặng không hỏi đến, sợ người ta buồn. Chắc cũng vì thằng này ông bà mới cấp tốc về đây, mong gặp mặt con lần cuối.- Sao cái số mình nó cực cô Hân hén?- Dạ, tại vì con với cô mắc cái tánh ưa đèo bồng.- Tui có thằng em vừa mới ly dị vợ, để tui mai mối cho cô Lan. Mai mốt về bển, tui sẽ hỏi ý nó.- Dạ, con có nghe thằng Út nói, nay con ghé thăm cô chú cũng vì chuyện ấy. Mong cô chú giúp dùm.- Được thôi, mình quen thân với nhau cả mà.- Dạ, trăm sự cũng nhờ cô chú. Mang bà đi được, con mừng thấy mồ luôn. Để không chồng, khó tánh quá chịu không nổi.Cả nhà rộ lên cười vui vẻ.- Ừa, mang được người nào đi khỏi nơi đây, mừng người đấy! Cô yên tâm đi,không có người này tui kiếm người kia.Bàn đi tính lại, chuyện trò rôm rả, đến lúc ngó đồng hồ thấy con số chỉ gần 11 giờ tôi mới giật mình hối thằng Út đi về. Lúc đẩy xe ra khỏi cổng, Hải chạy theo đưa bịch ghẹ cho thằng Út.- Mang về cho mấy đứa nhỏ ăn chơi.- Ăn thiệt chứ ăn chơi gì mày.Cả ba cùng cười vui vẻ. Út nổ máy xe rồ ga vọt đi. Tôi đưa tay vẫy chào Hải, còn vẳng lại sau lưng tiếng nói với theo của nó.- Chị đi mạnh giỏi.Đêm đã khuya, con đường vắng hẳn đi. Thằng Út cho xe lao vùn vụt, tôi nhát chết lại nắm áo nó giựt.- Chạy từ từ mày, đi đâu mà cứ như ăn cướp.Út sợ bị ăn chửi liền giảm tốc độ. Vừa chạy chị em tôi vừa nói chuyện qua lại, gió thổi tạt tiếng nói của tụi tôi vào lọt thỏm vào không gian, tôi nghe thảng bên tai câu được câu mất, thành ra hai chị em cứ hử với hả đều đều.- Út này, bộ thằng Khoa nằm liệt giường rồi hay sao mà hồi nãy chị không thấy mặt mũi nó.- Ờ, chắc nhốt nó trên phòng, đâu có cho nó xuống dưới nhà.Tội chậc lưỡi, thở dài. Nhớ bữa nào đó thằng Khoa thường hay chạy lại nhà tôi, chị chị, em em cái miệng ngọt sớt. Vậy mà giờ này thằng nhỏ chỉ còn thoi thóp chờ chết. Tôi muốn chạy lên thăm nó lần cuối mà thấy ba má nó chả nhắc gì đến tên con, tôi ngại không dám mở lời hỏi. Khoa nhỏ hơn thằng Út nhà tôi vài tuổi, khôi ngô, tuấn tú. Chẳng biết nghiệp chướng nào đã đưa nó đến con đường nghiện hút rồi lây bệnh sida (aids). Tôi biết Khoa ghiền xì ke từ ngày tôi còn sống ở Sài Gòn, bao nhiêu lần nó đi cai nghiện là bấy nhiêu lần nó ghiền nặng hơn. Chẳng phải riêng mình Khoa, Sài Gòn này có biết bao nhiêu thành phần như nó. Xóm nhỏ Trâm bạn tôi, thanh niên xì ke chết hơn chục mạng, đa phần chết vì sida. Con trai chị Hằng lúc trước mướn phòng nhà Hạnh em tôi, cái thằng hay chạy xe ôm chở tôi về nhà cũng chết queo hồi hai năm về trước. Từ khi tôi qua Nhật, xóm nó xoá xổ 24 thằng ghiền xì ke, đều chết vì sida cả nút, nghe mà khiếp vía kinh hoàng.- À Út này, thằng gì ngày xưa hay bán đồ ăn cắp cho chị, thằng gì chị quên tên rồi. Nó còn sống hay chết?- Thằng nào vậy ta?- Thằng nhà đâu ở Nguyễn Cư Trinh đó.- À... em nhớ rồi. Thằng đó chưa chết, nhưng cũng dính sida. Nó lấy vợ dưới Cần Thơ, chắc cũng sắp chết rồi.- Trời ơi..! Biết vậy mà cũng cưới con người ta để đổ bịnh cho nó, tội nghiệp không. Đồ ác nhơn ác đức.Hình ảnh thằng nhỏ lại hiện lên trước mắt tôi. Mười năm về trước, nó vẫn thường ghé nhà tôi chơi, thằng nhỏ đẹp trai, mặt mày sáng láng, chỉ mỗi tội nghiền xì ke nặng. Thật tình đến giờ này tôi vẫn không sao nhớ nổi tên nó là gì. Ba má nó cũng là Việt Kiều định cư tại Mỹ, chẳng hiểu tại sao không lãnh con đi, để thằng nhỏ sớm bước vào con đường nghiện ngập, huỷ hoại tuổi xuân của mình. Hồi đó, nó thường lên nhà gạ gẫm bán đồ cho tôi, toàn hàng xịn từ Mỹ về, tôi khoái cười típ cả mắt. Quần jean hiệu Levis, áo thung, mỹ phẩm Coco Chanel, dầu thơm CK... thứ gì nó cũng mang lên bán, nói dóc với tôi là của má nó gởi về. Sau này tôi phát hiện ra nó nghiền xì ke, mấy thứ đồ đó là do nó ăn cắp ở nhà mang lên bán, tôi đuổi thẳng cổ, cấm không cho lên nhà. Bạn bè thằng Út chơi chung đám nghiền cả lũ, hình như chỉ chừa có Hải và thằng Út nhà tôi. May phước thằng Út chỉ ghiền cá độ đá banh, gà chọi, phải mà nó ghiền xì ke chắc bố tôi ông nổi điên luôn mất.Một chiếc xe hàng vượt qua mặt tụi tôi, ép sát làm hai chị em gần té nhào, tôi hét toáng lên:- Chạy xe phải dòm chừng chớ, mắt cứ ngước lên trời không à, nhém tí nữa lọt gầm rồi.Thằng Út hình như run tay lái, đi nép sát bên lề. Càng về khuya, tiết trời dịu hẳn lại, không còn oi nồng như ban ngày. Gió hiu hiu thổi tạt vào mặt khiến tôi rùng mình. Thằng Út bắt qua chuyện khác, hắn tỉ tê tâm sự muốn mở tiệm cà phê. Tôi nghe thấy nhưng tảng lờ như không biết, tôi rành anh này "sáu câu", chẳng qua gợi ý để chị cho tiền làm vốn. Thanh niên bọn này thằng nào cũng như thằng nấy, xin tiền thì ngọt phải biết. Nhưng hễ tiền lọt vào tay nó rồi, ba bẩy hăm mốt ngày mang đi cá độ sạch sành sanh, thà nhỏ giọt cho nó một chút mà chắc ăn. Nhiều người ở Việt Nam đến bây giờ vẫn còn nghĩ rằng hễ qua được ngoại quốc là kiếm tiền dễ như trở bàn tay, lúc nào cũng nghĩ cách để vòi vĩnh xin tiền làm vốn, cho bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Tôi đã từng chứng kiến cả gia đình bảy mạng người nhưng không ai chịu làm gì cả, suốt ngày lang thang quán cà phê hay ngồi lê đối mách ở xóm quanh nhà. Không làm cũng có ăn, hàng tháng được nhận tiền trợ cấp từ ngoại quốc. Sướng ghê! Chẳng nói gì ai xa, em gái cô Út chủ nhà cũ tôi mướn hồi xưa là Việt Kiều Mỹ, mỗi lần cô về thăm nhà, gia đình bên chồng kéo lên cả đoàn cả lũ. Có bữa chia quà không đồng đều, họ gây lộn đánh nhau tại chỗ. Tôi nhìn chỉ biết lắc đầu, gia đình tôi chưa đến nỗi như vậy. Cô kể, mỗi lần viết thư xin tiền toàn là từ 5000 đến 10,000 đô la, chớ ít thì không thèm xin. Mấy đứa bạn khuyên tôi nên mang thằng con đi càng sớm càng tốt, để ở đây dễ nhiễm thói hư tật xấu và ỷ lại có mẹ. Thật sự, nếu không mang nó đi, dám khi nó đến 40 hoặc 50 tuổi đầu, tôi mà còn sống cũng phải lết thân già kiếm tiền gửi về nuôi nó.°Cuối cùng cũng về đến nhà, thằng Út thả tôi ngay chân cầu thang rồi vọt đi gửi xe. Tôi thong dong leo lên từng bậc, căng mắt nhìn cho kỹ sợ đạp phải kim chích. Đứng trước của nhà mình, tôi đưa tay bấm chuông. Ra mở cửa cho tôi không phải là vợ thằng Út. Anh rể tôi đầu tóc bù xù toét miệng cười rộng đến mang tai:- Dì đi chơi ở đâu về mà khuya thế?- Ý trời! Anh vô hồi nào vậy?- Ừ, anh mới vào hồi chiều.Giọng Bắc kỳ ngọt xớt vang lên bên tai, anh rể tôi vốn dẻo mỏ từ thủa đó. Anh hơn tôi đúng một con giáp, cả hai đều cầm tinh con "dê già". Anh rể làm nghề tài xế xe hàng chạy tuyến Bắc Nam, chạy thuê cho người ta, nhận tiền lương mỗi tháng chừng hơn triệu bạc.Hồi anh mới quen chị hai tôi, anh đẹp trai, cao ráo có mái tóc bồng bềnh như nghệ sĩ. Trông anh nhác giống diễn viên điện ảnh Lâm Tới, bố anh lại tên là Tới, mọi người xóm tôi cứ tưởng anh là con trai của ông ta. Dạo sau này tên lót "Tới" biến mất, thay vào đó là chữ "Bong" chẳng vì anh hay mặc chiếc quần vá ở mông, miếng vá bị bong ra, mỗi lần bước đi nghe lật phật. Từ đấy dân xóm tôi gọi chết tên anh là Dũng Bong.Khi Việt Nam bắt đầu bước sang thời kỳ "mở cửa", anh giao du với cánh tài xế tiến về Nam. Trở lại quê nhà, anh mang đời sống tân tiến của miền Nam mà anh đã học được ra áp dụng. Anh rể tôi là người đầu tiên khai sinh ra cái "cầu tiêu tự hoại" ở đất Mộc Châu, anh tự tay xây dựng nhà cầu trên một cái giếng cạn. Cái giếng này ngày xưa có mặt tôi tham gia đào giúp, nhưng đào mãi chẳng thấy nước đâu. Sau khi hoàn tất cái "cầu tiêu tự hoại", ông hàng xóm được mời đến khai trương, chẳng biết ông lục đục làm cái gì ở trong đó mà mãi đến hơn nửa tiếng đồng hồ mới chịu chui ra, vừa ra khỏi cửa miệng lẩm bẩm chửi:- Tự hoại cái choá gì mãi thấy nó vẫn nằm im, tau phải lấy cái thau tau úp lại".Thật sự ông ta không biết cách dội cầu, nghe nói "cầu tiêu tự hoại" lại cứ tưởng chỉ việc phẹt vào đó là nó sẽ tự biến đi. Ông ngồi chờ mãi không thấy nó suy suyển gì đành lấy chiếc thau đựng nước bên cạnh, đổ nước ra và úp hẳn nó lên trên. Tụi tôi nghe anh rể kể chuyện được một trận cười vỡ bụng.Anh rể là dân tài xế rày đây mai đó, nhờ vậy mà anh có dịp thu thập đủ thứ chuyện, anh là cả một kho chuyện cười vô tận. Anh rể có gương mặt tiếu lâm, chưa nghe kể, nội nhìn mặt thôi là tụi tôi đã lăn ra cười ngả nghiêng. Nếu anh bỏ nghề tài xế nhẩy ra làm diễn viên hài, chắc chắn sẽ hốt bạc như chơi. Lần nào tôi về Sài Gòn thăm nhà, anh đều tạt ngang nhân dịp chờ bốc hàng để chuyên chở ra Bắc. Sau những bữa cơm đạm bạc, ngồi nhâm nhi tách trà, anh kể chuyện cười cho tụi nghe, chuyện miền Nam, Bắc, Trung, gí gỉ cái gì cũng có.Anh kể rằng:Một bà người Bắc đi khám bệnh ho ở phòng mạch ông bác sĩ già người Nam. Bác sĩ nói: "Bà đằng hắng xem đờm xanh hay đờm trắng". Tiếng miền Nam bà nghe không rõ, lại tưởng bác sĩ bảo "Dạng háng xem của bà xanh hay trắng", bà thắc mắc "Quái! Mình đi khám ho, sao ông bác sĩ này bảo mình "dạng háng?". Tuy thắc mắc nhưng bà không dám hỏi lại, mà tụt quần ngồi dạng ra. Bác sĩ soi ánh đèn vào dòm, khi nhìn thấy ông liền vỗ vào mông bà cái bẹt, cất tiếng chửi: "Đ...má, chếch đến đít rồi mà còn ham đ...", giọng Bắc Kỳ nhái tiếng Nam của anh nghe mới tức cười làm sao.Rồi tiếp theo là chuyện một chị đi lấy cốt cho chồng, sắp xếp những cái xương được đào bới cho vào sành, miệng bù lu bù loa khóc lóc: "Xương này, xương nọ, xương kia. Cái xương mọi ngày em chả thấy đâu!". Thằng em trai hì hục đào bới mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bực mình cất tiếng chửi: "Xương xương cái con củ c..." Chị ta sáng mắt lên hỏi dồn: "Đâu, đâu? Cho chị xem tí nào".Câu chuyện vừa dứt, cả nhà tôi cười rú lên, tôi khoái chí cười nhiều nhất. Những chuyện anh kể tôi góp nhặt mang về Nhật rủ rỉ với chồng. Anh nghe xong anh cười ha ha... mắng tôi: "Em giống Oji san (ông già) quá! Đây là chuyện của mấy ông già đâu phải dành cho em".Tôi chưa bao giờ về thăm vùng biển quê anh rể, không tưởng tượng ra cái vùng quê nghèo nàn lạc hậu ấy như thế nào. Thanh Hoá tôi chỉ ghé thăm có vài lần, lần ghé qua làng Voi ở Đông Sơn của Bố tôi, làng Quảng Định Quảng Xương của Mẹ là hết đất. Thanh Hoá nghèo nàn lạc hậu, nghèo đến nỗi dân phải phá đường tầu tìm rau má ăn thế bữa.Anh rể quê tuốt miền Hậu Lộc Thanh Hoá (cái làng quê miền biển nghèo nàn mà chỉ hơn năm trước có chín dân chài bị bọn lính Trung Quốc bắn chết trên lãnh hải của Việt Nam. Bọn này còn bắt giữ mấy tàu đánh cá và hơn trăm mạng ngư dân. Bị quốc tế phản đối nhiều quá, chúng đổ thừa những ngư dân này là hải tặc vượt vào vùng biển của chúng cướp của, giết người, có trang bị vũ khí. Chúng giao trả lại xác người, thuyền bè cho phía Việt Nam nhưng không một lời xin lỗi. Tôi đọc tin tức, xem hình ảnh trên báo chí mà lòng không khỏi xót xa).Hồi chị Phương chưa bị bắt nhốt, có lần chị vô Sài gòn kể chuyện tụi tôi nghe.- Cánh tài xế chạy tuyến Bắc Nam, ai đi ngang qua Thanh Hoá cũng đều ớn xương sống.- Tại sao vậy chị?- Họ bảo dân xứ này ghê gớm lắm, vì nghèo đói quá có người nhẫn tâm đẩy cả con ruột của mình cho xe cán chết rồi ăn vạ bắt người ta bồi thường tiền.Tôi nghe xong khiếp vía kinh hồn:- Vừa phải thôi bà, hổ dữ còn không ăn thịt con, cha mẹ nào đành đoạn ác nhân như vậy?- Thật đấy chứ, thì mấy ông tài xế kể lại, không tin khi nào anh rể vào mày hỏi xem có đúng không?Tôi không tin thật. Chuyện tàn ác dã man như vậy, làm sao tôi có thể tin. Ở ngoài Bắc, chuyện lừa gạt nhau xảy ra hàng ngày, có khi cả làng cả xóm bị người thân lừa cho sạch bách, bán cửa bán nhà, cầm cố đồng ruộng cố chạy cho đủ tiền để đưa con em mình đi lao động làm thuê bên Mã Lai... nhưng sang đến nơi mới biết là bị lừa, không tiền bạc, không giấy tờ sống vất vưởng bên xứ người, muốn về cũng chẳng được. Những chuyện đại loại như vầy, báo chí, đài phát thanh loan tải đầy dẫy. Ở trong Nam, nhất là dân miền Tây, chuyện cha mẹ bán con gái mình qua Miên làm điếm nhiều vô số kể, họ bất chấp con cái mình sống chết ra sao, cả căn bệnh sida (aids) mỗi ngày tăng lên gấp bội. Hồi còn ở Sài Gòn, tôi chứng kiến bao gia đình gửi con gái lên bán bia ôm, vài tháng bà mẹ từ dưới quê lên thu tiền mang về nhà và rồi ngồi phè ra "múa quạt" (đánh bài tứ sắc). Kế bên nhà tôi có ba chị em từ Đồng Tháp lên mướn nhà bán bia ôm. Cô em nhỏ nhất lúc đó vừa tròn 17 tuổi, hơi tưng tửng thường hay chạy sang nhà tôi chơi. Một thời gian sau cô được má gọi về quê đưa đi bác sĩ nâng sống mũi. Khi tôi dọn nhà qua khu khác sống, cô nàng bắt đầu tập tành bán bia ôm. Bẵng đi một thời gian không có tin tức, sau này tôi được biết cô bé bị nhiễm sida và chết ở quê nhà từ vài năm qua. Ngày chị Lan bán đồ góp, chị bán cho một cô gái cũng dân Đồng Tháp chiếc tủ lạnh loại nội địa cũ xì đã được thằng Út mua về "mông má" lại cho mới. Cô này mua rồi nhưng không chịu trả tiền, cô mở quán cơm tuốt bên khu Cư Xá Ngân Hàng, chị Lan sai tôi qua tận nơi đòi nợ. Chiếc tủ lạnh đó cô ta bán qua tay người khác đã lâu, tôi qua đòi mấy lần không được bèn nói với chị Lan:"Thôi bỏ đi, qua đòi hoài nó không trả, làm được gì nó. Buôn bán là vậy có người này kẻ khác. Thí cô hồn cho rồi. Em bận rộn tối ngày, thời gian đâu đi đòi nợ dùm chị". Tôi ngán qua khu nhà Bè, khúc đường này xe hàng chạy xếp đuôi, tôi sợ chưa kịp đòi nợ tôi đã bị xe cán cho lòi ruột. Chỉ vài năm sau, cô gái này cũng đã chết, chết vì bệnh sida, tôi nghe rợn cả tóc gáy.Hôm nay, tôi đem chuyện "đẩy con ra đường cho xe cán để đòi bồi thường", ra hỏi thăm anh rể, anh lắc đầu nói anh nghe đồn nhiều nhưng chưa bao giờ gặp phải trường hợp đó. Tuy nhiên anh xác nhận với tôi rằng chạy xe qua Thanh Hoá nhà em là ớn nhất, anh chưa bao giờ dám liều mạng phóng nhanh vượt ẩu ở quãng đường này.- Ối giời ơi, lỡ gây tai nạn ở Thanh Hoá, coi như toi mạng.Hồi năm 2003, xe của anh gây tai nạn cán chết người ngay khúc đường thuộc huyện Quảng Xương, huyện này là nơi mẹ tôi chôn nhau cắt rốn. Hôm đó anh không cầm tay lái, anh vừa đổi sang cho người kế bên để nghỉ ngơi, vừa nhắm mắt mơ màng bỗng anh nghe tiếng thắng xe và tiếng nổ "bụp", choàng mở mắt ra xe đã gây tai nạn chết người, anh vội vàng dắt vợ cùng ông tài xế kia chạy vào nhà người dân bên đường xin trốn, dân ở đó họ bắt được họ đập chết không tha.- Bộ ông kia chạy nhanh lắm hay sao mà không thắng kịp?- Không nhanh lắm đâu em, tại hai thằng cha đó uống rượu ngất ngưởng, chạy vượt mũi xe anh rồi rớt cái nón, chúng nó dừng ngay lại giữa đường để lượm, nhìn thấy đấy nhưng có mà tránh đi đằng trời.Chuyện rớt nón bị tai nạn tôi nghe như cơm bữa, dân Việt Nam mình có học luật bao giờ đâu, mua được chiếc xe máy, leo lên là phóng bạt mạng, không màng đến tử thần sẽ cướp mình đi lúc nào, lại còn gây nên bao khổ luỵ cho người thân.- Sao không đánh tay lái về hướng khác tránh tụi nó?- Tránh đi đâu em, quẹo về bên này thì đụng xe ngược chiều, quẹo về bên kia sẽ lao ngay xuống ruộng, lại còn làm chết oan mạng vài người đi xe đạp bên lề đường.Anh ngừng lại, tợp thêm ngụm nước trà, chép miệng.- Vô phước cho xe lao xuống ruộng, tán gia bại sản như chơi. Dân Thanh Hoá nhà em... sợ lắm. Xe mình lao xuống ruộng, chủ nhà ra ăn vạ, không chết cũng bị thương. Xe rớt xuống đó, xăng, nhớt chảy ra, họ bắt đền hoa mầu đã đành, họ còn kê lên ruộng nuôi cá nuôi tôm, con cá bé tẹo teo, con tôm chưa nhìn thấy mặt, họ tính lên mấy ký một con, thất thu bao nhiêu, bắt mình đền hết. Không đền, họ không cho câu xe lên, hàng hoá nằm dưới nước ướt sạch mà có khi cả làng cả xã nhà chúng nó đến hôi của, mình thân cô thế cô chẳng làm gì được.- Không có pháp luật à? Công an đâu?- Công an lắc đầu, chẳng làm gì dân này được.Tôi cũng chào thua, không dám nghĩ đến nữa.Anh rể có bốn người em, hai trai, hai gái. Một em trai kế mất từ năm 1982, anh ta bị tai nạn cây đè khi đi lao động "công ích" cho nông trường vào lứa tuổi vừa tròn 24. Một em gái kế còn ở lại quê nhà, hai đứa sau đều vào Nam lập nghiệp. Ơn trời, hai đứa em của anh làm ăn nay cũng khá giả.Anh chị tôi sanh hai đứa con gái, đứa lớn, bé Trân được tôi mang vào Sài Gòn nuôi từ 11 năm trước, nay đã ra trường và có việc làm ổn định. Con em út vừa dự thi tốt nghiệp xong là bay thẳng vào Nam, chờ tháng sau thi vào đại học. Con Út này giống ba như tạc, từ gương mặt, dáng người đến tánh phét lác chẳng khác gì ba. Mỗi năm đến kỳ nghỉ hè, nó thường theo xe của ba vào Nam thăm dì, thăm ông ngoại. Con bé ngồi kể chuyện mặt cứ tỉnh bơ: "Dì biết không, ba con chạy xe để công an giao thông thổi còi toét bắt dừng lại. Công an bảo chạy nhanh lên không có kẹt đường, tôi cho "tích kê" bây giờ".Anh rể chạy xe hàng tuyến Bắc Nam, anh kêu trời về tệ nạn công an giao thông làm tiền cánh tài xế. Gã tài xế nào cũng phải giải tiền từ Bắc vào Nam, và ngược lại từ Nam ra Bắc, quãng đường dài gần 2000 cây số, có biết bao nhiêu trạm, bao nhiều đồn mọc tứ tung, có khi tụi nó đứng núp trong lùm cây, xe chạy ngang tụi nó giơ súng bắn tốc độ, một lần đóng phạt bị cắt mất một ô, bốn lần mất luôn cái bằng lái xe, về nhà đuổi gà cho vợ. Bởi vậy mỗi lần đụng công an ít nhất phải chi 20 ngàn đồng kẹp dưới bằng lái để tránh rắc rối, bây giờ tăng lên 50 ngàn đồng, 20 ngàn tụi nó chê ít không thèm lấy. Cánh tài xế họ rất thương nhau, dù không quen biết nhưng trên đường trường họ vẫn đưa tín hiệu ngầm báo cho nhau về đoạn đường nào an toàn, đoạn đường nào có công an canh gác, biết để mà né tránh công an. Anh rể tôi thường lái vào buổi tối, ban ngày công an đứng đầy đường, dù có lái xe đàng hoàng cũng bị gọi tấp vào làm "nghĩa vụ".Cách đây không lâu, tôi về Bến Tre thăm bố và ghé ngang viếng mộ mẹ. Tôi không mướn xe ngoài mà đi nhờ xe của người bạn quen. Chiếc xe của chị lâu nay vẫn trùm mền dấu kỹ. Vì không ai biết lái xe, chị mượn thằng cháu đến lái giùm. Thằng bé Năm đang là tài xế xe chở hàng nhỏ loại 500 kg, lần đầu tiên được rờ đến xe hơi đời mới, cu cậu sợ toát mồ hôi chưa biết cách xử dụng nó ra thế nào, đụng vào xe, còi hú rền trời, cu cậu không biết đường nào để tắt. Người ta chạy xe Sài Gòn - Bến Tre cao lắm hết hai tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng khi về tới nơi cậu ta ngốn hết gần năm tiếng. Trong suốt quá trình chạy xe, cậu ta luôn miệng nhắc đến "công an", chỗ này con bị phạt bao nhiêu, chỗ kia con bị bấm bằng lái... Mèng ơi! Tôi nghe sao mà não hết cả ruột gan, tội nghiệp cho dân mình suốt ngày nớp nớp lo sợ công an làm tiền, nghe tới hai chữ "công an" là giật mình thon thót.°Đêm đã về khuya, khuya lắm. Bên ngoài vắng hẳn tiếng ồn ào xe cộ chạy ngang, tôi đứng dậy, vươn vai ngáp ngắn ngáp dài.- Thôi đi ngủ, trễ rồi!Chui vào phòng tắm rửa mặt thay đồ, tôi trở ra rón rén bước về phòng mình nhè nhẹ. Căn phòng tắt đèn tối mờ, thằng Tài say giấc nồng nằm ôm cái gối co quắp. Bước qua phía dưới chân con, tôi leo lên giường, nằm yên nhắm mắt mà không sao ngủ được. Cũng bằng giờ này tối mai tôi đang lơ lửng trên không gian, còn bên kia nơi thành phố Đông Kinh, anh "phát xít" chồng tôi ngày đêm mong ngóng chờ đón vợ trở lại. Không biết đến bao giờ tôi mới sẽ quay về! Đừng có nói lần này đi là đi biền biệt... Thật sự, nếu không phải vì con, vì gia đình, tôi sẽ không trở lại nơi này. Quê hương của tôi bây giờ chẳng phải là "chùm khế ngọt", đạo đức suy đồi, xã hội ngày một phân hoá, kẻ giàu, người nghèo cách biệt quá chừng chừng. Đất nước gì đâu mà thứ gì cũng phải nói đến "đồng tiền". Không có tiền chẳng ai coi mình ra gì, không có tiền họ coi mình như rơm như rác. Tình cảm xóm giềng thân ái ngày xưa giờ đã trôi tuột về đâu?Nói như vậy không phải tôi bội bạc gì với quê hương, bởi quê hương vẫn luôn canh cánh trong lòng. Quê hương ơi! từ thủa tôi nằm nôi rồi lớn dần lên theo lời ru à ơi của mẹ. Từ con suối cũ, gốc đa đầu làng... Quê hương... nơi mỗi góc phố, mỗi con đường từng kỷ vật ngày xưa đều gợi nhắc trong tôi đến một thời không thể nào quên được. Quê hương... Quê hương của tôi giờ như manh chiếu rách, vá víu trăm đầu. Bỏ thì không sao bỏ được, thương quá là thương, mà vương thì tội ơi là tội.Mẹ, anh rể, bà Ba tui, bác Hà, má Duyên, ba vợ thằng Út và ông bác ruột vừa qua đời cách đây vài ngày... Tất cả những người thân yêu đó đã nằm yên dưới lòng đất lạnh.Số phận dì Ba, bà Bảy "mô đen" giờ trôi dạt về đâu? Chị Sáu Lem, chị Bông Giấy vẫn tần tảo kiếm ăn từng bữa. Hồng, cô bạn thân thiết của tôi có qua nổi cơn bạo bệnh? Hiền, chị Phương bao giờ được ra tù? Và cuộc đời của Thuỳ chừng nào mới khá hơn đây?Tôi nằm đó nghĩ đến từng người, từng mảnh đời rách tươm, khốn khổ... Tôi mơ một ngày mai...Tokyo 11 June 2006.Lê Mỹ Hân