ào thời năm 1955 mà lái một chiếc xe mui xếp (décapotable) đã là sang trọng và hách xì xằng lắm, mà người lái lại là một cô gái nữa, thì phải nói là cả bãi biển dọc từ Bãi Trước qua Bãi Dứa, Ô Quắn và Bãi Sau thiên hạ đều lác mắt nhìn. Cô nàng dừng xe lại trước một nhà hàng hải sản ở Bãi Sau tức thời có hơn chục cặp mắt nhìn ra không chớp. Trong số họ có người nhận ra cô gái, nên kêu lên: - Thu Vân! Nhưng cô nàng hình như không để ý, cứ câng câng cái mặt đẹp như một tài tử điện ảnh, rồi rú ga phóng đi trước sự trầm trồ của thiên hạ. Người vừa kêu mà không được đáp lại đã không phiền lòng, trái lại còn hãnh diện mình là người duy nhất biết tên cô nàng. Anh ta quay sang mấy người bạn nói lớn: - Con nhỏ này là con gái của chủ tiệm vàng Kim Xuân ở Chợ Lớn Mới, đi học bên Tây mới về đó! - Hèn chi chơi như Tây! Một người khác thêm vào: - Thời buổi này mà một mình lái chiếc xe mui trần này từ Sài Gòn ra đủ biết không phải tay mơ rồi. Mà chiếc xe đẹp thiệt! Một anh chàng khác phê bình: - Khen người lái hoa nhường nguyệt thẹn không khen, lại đi khen chiếc xe! - Nhan sắc đó thì còn lời lẽ đâu mà khen cho vừa nữa, thấy là đã hết hồn rồi! Cuộc bàn luận quanh người đẹp có lẽ sẽ chẳng bao giờ chấm dứt nếu không có hai cặp nam nữ nữa vừa bước vô quán mà nhìn cách phục sức, cũng như phong cách của họ đã thấy có sự khác biệt ngay với những người chung quanh. Họ vừa kéo ghế ngồi xuống thì đã bị nhận diện bởi anh chàng biết tên cô gái lái xe mui trần lúc nãy. Anh ta gọi lớn: - Henri Phạm! Phải toa đó không vậy? Một trong số hai cặp vừa vào nghe có người gọi đã quay lại và reo lên: - Ồ Quang, tình cờ thú vị quá vậy! Anh chàng tên Quang quay sang mấy người bạn, nói như khoe: - Tay này là anh ruột của con nhỏ Thu Vân hồi nãy. Có lẽ bọn họ đi chung với nhau và hẹn ở đây nên vừa rồi con nhỏ mới dừng xe lại nhìn. Bọn này đều du học bên Pháp và con nhà giàu nữa, nên ăn chơi dữ lắm! Người tên Henri Phạm kia quay lại hỏi: - Nãy giờ toa có nhìn thấy em gái moa đi qua đây không? Em gái moa lái chiếc décapotable màu đỏ... - Có! Nàng đi về phía Ô Quắn, mới đi xong. - Cám ơn toa, bọn này hẹn nhau ở đây, chắc nó không thấy nên chạy chơi một vòng, lát nữa trở lại thôi. Anh ta nói xong thì quay lại với mấy người bạn của mình. Họ cầm bia chai ướp lạnh tu mấy hơi dài ra vẻ sành điệu. Quang khều người bạn ngồi cạnh nói khẽ: - Tụi nó uống bia Pháp, hình như là mang theo đó chớ quán này làm gì có bán. Vừa khi ấy anh chàng Henri Phạm đích thân cầm sang bốn chai bia lạnh vừa lấy ra từ trong thùng đá, đặt lên bàn và mời: - Mời các anh cùng uống với mình cho vui! Quang sợ các bạn ngại, nên vội nói: - Henri đây là bạn của mình, cậu ấy có nhã ý mời thì các bạn đừng ngại. Vậy xin cám ơn toa! Ngẫu nhiên mà hai nhóm hòa đồng với nhau, họ cụng ly vui vẻ và quên ngay cô nàng lái xe màu đỏ. Henri Phạm vui miệng nói: - Bọn này ra dự lễ cưới của con gái ngài tỉnh trưởng, tổ chức ở vườn hoa sứ trên Bạch Dinh vào chiều nay. Bọn này ngủ ở Pacifique, nếu còn ở đây thì tối nay mình gặp nhau, nhảy chơi! Quang đẩy đưa cho xong chuyện: - Ờ, để bọn mình coi... Chớ thật ra Quang không thích cách chơi của bọn con nhà giàu này lắm. Anh tự hiểu là khó lòng chơi theo kịp họ, hơn nữa kiểu chơi thác loạn thâu đêm của họ mà anh từng nghe kể khiến anh chào thua trước. - Hay là lát nữa toa đi với bọn này, còn mấy bạn toa thì mình hẹn mai gặp để dùng điểm tâm chơi. Quang từ chối ngay: - Cám ơn toa, bọn này cũng có một chương trình riêng, nên phải đi ngay sau đây. Họ cụng ly lần nữa, bọn Quang chuẩn bị chia tay thì chợt có tiếng người kêu thất thanh phía trước: - Tai nạn ở Ô Quắn, kinh khủng lắm! Ai đó hỏi: - Tai nạn thế nào? Người nọ đáp: - Có một chiếc xe hơi lạc tay lái đâm đầu xuống vực sâu chỗ Ô Quắn, thảm khốc lắm! Quang đứng bật dậy ngay và hỏi lớn: - Có chết người không? Nghe Quang hỏi, người nọ vừa chạy đi vừa đáp: - Muốn biết tới đó mà xem! Một chiếc xe màu đỏ đẹp lộng lẫy bây giờ chỉ còn là đống sắt vụn mà thôi. Cả nhóm của Henri Phạm cùng đứng bật dậy kêu lên: - Hả? Xe... màu đỏ! Họ chẳng hẹn mà cùng phóng như bay về hướng xảy ra tai nạn. Nơi đó cách Ô Quắn ngót một cây số, vậy mà cả bọn gần chục người chạy bộ chỉ chưa đầy mười phút đã tới. Nhìn thấy một đám người khá đông bu trên bờ vực sâu, Henri Phạm và Quang cùng chen vào nhìn xuống. Họ chỉ thấy một xác xe màu đỏ nằm kẹt giữa hai tảng đá, sóng biển đang vỗ vào bọt trắng tung ra từng đợt... - Trời ơi, em tôi! Henri Phạm như kẻ điên, bất kẻ hiểm nguy chạy ngay xuống vực, một người nào đó la lớn: - Phải đi theo lối này mới xuống được! Nhưng Henri Phạm không cần nghe, anh ta cứ lần theo các gờ đá, leo xuống một cách khó khăn mà vẫn không dừng bước. Quang là người thứ hai đi theo lối những người đứng gần đó chỉ cho. Anh xuống được trước, nhưng cũng chỉ cách chiếc xe bị nạn khoảng hơn ba chục mét. Rõ ràng là chiếc xe màu đỏ, mui trần và một người nằm bẹp dí ở tay lái! - Trời ơi! Quang kêu lên một tiếng kinh hoàng rồi đảo mắt tìm Henri Phạm. Lúc ấy anh chàng chỉ mới xuống được nửa phần đường và đành phải dừng lại vì không còn lối xuống nữa. Một người cứu hộ đã xuống trước nói vọng lên: - Anh đó không được xuống nữa nguy hiểm lắm, để người của tụi tui tới đưa qua bên này! Quang phải giải thích với họ: - Đó là người nhà của nạn nhân, do quá sốt ruột nên xuống đại. Họ cử một người khá rành leo trèo sang để giúp đưa Henri Phạm trở lại đúng đường xuống. Phải mất hơn mười phút sau anh ta mới xuống được chỗ của Quang, giọng anh ta gần như không còn hơi: - Phải... phải là nó... là Thu Vân không? Quang bình bĩnh hơn, anh chỉ chiếc xe đỏ và đáp: - E rằng đúng! Một người cứu hộ nói: - Chúng tôi đã xuống được chỗ chiếc xe rồi, xe mang số NBK 538... và một cô gái bị kẹt giữa tay lái, đã chết rồi! - Thu Vân! Henri Phạm kêu thét lên rồi gục xuống... Mãi đến chiều thì việc trục chiếc xe bị nạn mới hoàn tất. Trước đó thì xác nạn nhân đã được đưa lên, đặt nằm trong chiếc xe cấp cứu của bệnh vện chờ sẵn trên đường. Quang cũng có mặt để giúp bạn, bởi lúc ấy Henri Phạm gần như không còn đứng nổi trên đôi chân nữa. Anh ta cầu viện tới Quang: - Toa phải ở đây với moa, chờ đến khi ba má moa ra tới. Moa không còn tâm trí đâu mà lo nữa... Quang siết chặt tay anh ta: - Cậu yên tâm, Thu Vân cũng như em mình mà. Cậu có thể về khách sạn nghỉ ngơi, để mình theo xe cấp cứu về bệnh viện và làm các thủ tục cho đến khi ba má cậu ra tới mình sẽ bàn giao. Nhìn chiếc xe mui trần bẹp dúm, Quang bất nhẫn. Mới buổi sáng đây cả bọn anh và cả bàn dân thiên hạ ở bãi sau còn trầm trồ, lé mắt bởi chiếc xe đẹp mê hồn này, mà bây giờ... Henri Phạm cố lê bước theo Quang đi về phía chiếc xe chở xác, anh nói: - Moa cũng phải theo nó tới phút cuối... Quang kè một bên bạn mình tới chỗ xe. Tài xế lái xe cấp cứu mở cửa trước cho hai người ngồi, nhưng Henri Phạm yêu cầu: - Cho tụi tôi ngồi sau với em gái tôi. Cửa sau chở xác luôn khóa kín, nên tài xế phải tự tay mở khóa và dặn hai người: - Xác đã quấn vải kín, hai cậu đừng mở ra. Cửa vừa được mở, Henri Phạm yếu nên được Quang đỡ lên trước, rồi anh mới theo sau. Bỗng cả hai người đều kêu lên: - Thu Vân đâu? - Xác đâu? Trong khoang xe không hề có cái xác vừa mới đem lên cách đó hơn mười lăm phút! Nghe họ kêu, cả nhóm người đang trục xác và xe đều chạy lại và sửng sốt khi cái xác đã biến mất không để lại dấu vết gì! Người tài xế quả quyết: - Chỉ có tôi ở đây với cái xác, sau khi đưa vô khoang sau rồi đích thân tôi khóa cửa lại, chìa khóa do tôi giữ, như vậy làm sao mất được? Quang lặng người đi. Trong đầu anh cảm giác như nghe có một âm thanh kỳ dị, giống như tiếng khóc thảm thiết của ai đó... Nhưng âm thanh đó chỉ thoáng qua rồi tắt lịm... - Thu Vân? Quang nói ngay âm thanh mình vừa nghe được và kết luận: - Hình như... cô ấy đang ở gần đây? Người trưởng toán cấp cứu hỏi: - Anh nói cô nào? - Cô gái chết trong tai nạn. Họ cười ồ lên: - Giàu trí tưởng tượng quá cha nội ơi! Quang không quan tâm tới sự chế nhạo của họ, anh đi quanh đó tìm kiếm... Lát sau anh nhặt được một mảnh vải, cầm tới hỏi Henri Phạm: - Có phải cái này là một phần bộ áo váy của Thu Vân không? Vừa nhìn thấy Henri Phạm đã kêu lên: - Đúng rồi, vạt áo của nó! - Như vậy xác chết đã ra ngoài xe rồi! Nghe Quang nói, người trưởng toán cứu hộ quay sang hỏi tài xế. - Anh có khóa chặt cửa thùng xe không? Anh tài xế gân cổ lên: - Chắc chắn mà! Mà cái xác đã giập nát làm sao... làm sao có thể tự bò ra ngoài được? Quang vẫn quả quyết: - Tôi có cảm giác cô ấy còn ở đâu đây... Đích thân anh tìm quanh đó và thậm chí còn mở rộng ra một phạm vi xa hơn. Cuối cùng đành thất vọng quay lại và bảo: - Chịu thôi. Henri Phạm suy sụp hoàn toàn, anh ngồi hẳn xuống vệ đường vừa rên rỉ: - Trời ơi, nó chết mà cũng không còn xác, sao trời ác với em tôi quá nè trời! Anh ta cứ gào khóc như vậy suốt, khiến cho mấy người cứu hộ phải ái ngại, họ hỏi ý Quang rồi lẳng lặng rút lui cùng với xác chiếc xe bẹp dúm. Khi họ đi rồi Henri Phạm quay sang hỏi Quang: - Bây giờ mình phải làm sao đây? Quang cũng chỉ biết thở dài: - Mình cũng chẳng biết làm sao. Có lẽ phải đợi hai bác ra rồi sẽ tính. Anh ta kéo tay bạn đứng dậy: - Cậu phải về khách sạn đợi hai bác ra, kẻo hai bác ra mà không gặp cậu họ sẽ càng sốt ruột hơn. Henri Phạm miễn cưỡng đứng lên đi bộ cùng Quang. Vừa đi được mấy bước bỗng Quang dừng lại và nói: - Rõ ràng mình nghe có tiếng khóc của ai đó! Cậu nghe thử xem... Henri Phạm lắng nghe kỹ và lắc đầu: - Mình đâu có nghe gì? Quang không tin vào tai mình, bởi càng lúc âm thanh nức nở càng rõ hơn trong đầu... Đang lẽ chỉ ở chơi Ô Cấp hai ngày, nhưng cuối cùng Quang đã phải lưu lại đến nay là ngày thứ năm. Bởi hai ngày đầu phải tất bật với vụ việc của Thu Vân. Đụng chuyện mới thấy nhà giàu họ giải quyết công việc bối rối và dở hơn người nghèo nhiều. Chỉ nội việc sự mất tích xác chết không mà cha mẹ Thu Vân đã phải quýnh quáng chạy đi khắp mọi nơi, hết thuê người này, mướn người kia, mà cuối cùng thì cũng chẳng giải quyết được gì, họ cũng đành phải về tay không. Chẳng hiểu sao Quang lại quyết định ở lại khi Henri Phạm và gia đình đã về hết sau khi tìm được xác Thu Vân. Mà cả nhóm bạn cùng đi với Quang cũng đã về, duy có Quang quyết định thuê một căn phòng ở một khách sạn rẻ tiền và ở lại. Anh chỉ giải thích ngắn gọn với người bạn: - Mình bị sốc sau cú vừa rồi nên muốn ở lại thêm vài ngày cho khuây khỏa. Sáng nay thay vì ra Ô Quắn và đi lang thang như mấy hôm rồi vẫn làm, Quang lại chuyển hướng, đi bộ lên Bạch Dinh. Cũng chẳng biết tại sao, chỉ cảm thấy cần một nơi ở độ cao để phóng tầm mắt ra biển xa, thư giãn nên Quang khá thích thú khi lên đứng bên hai khẩu đại bác và tự nhủ: - Cứ mỗi ngày được đứng đây nhìn ra biển thì chắc mọi buồn phiền sẽ dứt hết! Đứng hơn một giờ, Quang lững thững đi bộ xuống. Đúng ra anh đi theo các bậc thang xuống phía tay phải cho gần, nhưng bất chợt anh thoáng thấy một bóng áo vàng đi về hướng rừng hoa sứ, nơi vốn chỉ dành cho xe chạy lên xuống bởi đường dốc và xa hơn. Kỳ lạ chưa! Bởi bóng áo vàng mà Quang vừa nhìn thấy giống Thu Vân y hệt! Quang đổi hướng, anh bước nhanh về hướng đó. Cô nàng mặc bộ váy màu vàng nổi bật giữa rừng hoa sứ đang nở rộ và chỉ có một mình, nên càng khó lẫn vào ai khác. Cố thu ngắn khoảng cách, Quang đánh bạo cất tiếng gọi: - Thu Vân! Cô gái quay phắt lại và... Quang sững sờ: - Thu Vân... Đúng là Thu Vân... cô con gái đã chết trong tai nạn xe lật ở Ô Quắn! Với ai có thể lầm được, nhưng Quang thì không, bởi anh từng nhiều lần tới nhà chơi và đã là bạn thời cô ta còn học ở Sài Gòn. Vả lại mới vừa nhìn thấy ở bãi sau cách chưa đầy một tuần. Lại vẫn chiếc váy màu vàng này nữa... - Thu Vân! Anh gọi lần thứ ba thì bỗng cô gái bước nhanh và chỉ sau đó vài giây đã mất hút trong rừng hoa sứ! Quang tốc chạy theo vào khu vực rừng hoa, vốn có cắm bảng cấm người lạ xâm nhập. Vừa lúc đó có tiếng quát lớn phía sau: - Anh kia, không được đi lối đó! Quang quay lại phân bua: - Tôi đuổi theo một người quen, anh thông cảm. Nhưng nhân viên bảo vệ vẫn cương quyết: - Không ai được vào đó hết! Mà trong ấy làm gì có ai đâu mà nói là người quen của anh? Quang vẫn cố giải thích: - Cô ấy vừa mới đi vô đó, tôi xin theo gọi cô ấy ra thôi! Người bảo vệ vẫn không cho: - Để tôi vào xem có ai mời ra cho. Anh ta bước vô một lúc rồi trở ra xua tay nói: - Làm gì có ai trong đó mà tìm! Quang tiu nghỉu đứng một lúc mới chịu đi. Anh theo lối đó đi xuống đường mà trong lòng vẫn còn thắc mắc, chưa chịu từ bỏ ý định trở lại. Phải một lúc sau khi nhìn thấy bóng anh chàng bảo vệ lên trên khá xa, Quang mới lẻn vào và lom khom người hướng về chỗ lúc nãy. Đây là lần đầu tiên bước vào giữa khu rừng hoa sứ mà xưa nay Quang chỉ đứng ngoài nhìn, anh cảm thấy khu rừng khá rộng, ăn thông lên tận vách núi phía trên... Chẳng thấy bóng người nào, nên Quang tiện bước đi thẳng lên phía vách núi. Tuy khá chênh vênh nhưng cũng có một lối mòn nên sau hơn mười phút Quang đã lên được một khoảng rộng, bằng phẳng. Nơi đó có một ngôi nhà lá nhỏ, cửa đóng kín. - Có khi nào... Quang tự cười với ý nghĩ có thể Thu Vân đi vào ngôi nhà đó! Nhưng đã lỡ lên tới đây rồi không lẽ quay về, nên Quang bước đại tới bên ngôi nhà, anh cất tiếng gọi: - Có ai trong nhà không? Chẳng ai lên tiếng. Hình như đây chỉ là một trại của người làm rẫy, không có người ở thường xuyên. Vừa định quay đi thì chợt mũi Quang ngửi được một hương thơm rất lạ, không phải hương hoa dại, cũng không phải hương tự nhiên bay theo gió. Bất chợt anh kêu lên: - Thu Vân! Quang đẩy mạnh cánh cửa gỗ khép hờ, cửa bật vô trong và... chẳng có ai trong đó. Nhưng khi Quang nhìn lên vách lá anh phát hiện bộ váy màu vàng mà cô gái vừa mặc lúc nãy đang treo ở đó. Có lẽ hương thơm phát ra từ đó. - Thu Vân! Có phải Thu Vân ở đây không? Vẫn chẳng có hồi âm. Quang mở tung cửa cái, cửa sổ ngôi nhà, nhưng cũng chẳng thấy gì ngoài chiếc chõng tre xiêu vẹo, nhà vắng chủ. - Nhưng tại sao bộ quần áo lại ở đây? Quang bước ra ngoài tìm khắp chung quanh và cất tiếng gọi nhiều lần: - Thu Vân! Cô Thu Vân! Vẫn im phăng phắc... Trở vô nhà, Quang đánh bạo cầm bộ váy xuống và len lén ngửi thử. Đúng là hương thơm từ đó, có nghĩa cô nàng vừa mới thay bộ đồ ra và cũng đồng nghĩa với việc cô nàng vẫn còn quanh quẩn đâu đây... Nghĩ có thể cô ta đã phát hiện ra mình nên lánh mặt, nên Quang có ý nghĩ là giả vờ như đi xuống, nhưng kỳ thật là quay trở lại nấp bên ngoài ngôi nhà. Hơn nửa giờ trôi qua vẫn chẳng thấy bóng ai. Trời bắt đầu nắng gắt mà bụng thì đói nên Quang đã bắt đầu nao núng, định bỏ cuộc, nhưng mục đích gặp cho bằng được con người mà cho tới giờ phút này Quang vẫn chưa thể nào tin được rằng cô ta chết rồi mà vẫn còn di chuyển cái xác đi được. - Cô ấy thành ma? Quang tự hỏi và có ngay câu trả lời, bởi hành tung kỳ lạ của cô nàng đã chứng minh điều đó. Nhưng tại sao Thu Vân lại chọn đúng nơi này để xuất hiện, phải chăng là có ý muốn báo cho Quang biết điều gì? Mười hai giờ trưa... Trong khi Quang đã hết kiên nhẫn thì bất ngờ từ trong ngôi nhà lá cánh cửa gỗ lại bung ra và... từ trong đó một bóng người hiện ra, mà vừa trông thấy người ấy Quang đã há hốc mồm kinh ngạc. - Henri Phạm? Đúng là anh chàng! Mà tại sao anh ta lại ở đây và xuất hiện như vừa từ dưới đất chui lên vậy? Quang định lên tiếng kêu, nhưng kịp nghĩ lại nên anh yên lặng chờ. Henri Phạm thì sau khi quan sát một lượt khắp chung quanh, quay vô trong nhà ra dấu, lại một người nữa bước ra, mà lần này thì sự kinh ngạc của Quang còn gấp bội. Bởi đó là... Thu Vân. Henri Phạm quay sang cô em gái nói mà không cần giữ lời, có lẽ nghĩ đây là chỗ hoang vu, không có ai ngoài họ: - Bây giờ em có thể yên tâm xuống dưới kia, anh đã để sẵn chiếc xe khác và em cứ thế lái về thẳng Đà Lạt mà không cần phải về Sài Gòn đâu. Ở Đà Lạt chơi khoảng một tháng, rồi lên máy bay trở lại Pháp và... bắt đầu thụ hưởng hai chục triệu Franc Pháp tiền bồi thường của hãng bảo hiểm Pháp chi nhánh tại Sài Gòn. Trương mục ngân hàng mang tên anh, vì anh nhận là người bảo hộ cho em ở nước ngoài, được ba má ủy nhiệm. Từ nay cái tên Emile Thu Vân sẽ không còn nữa, mà thay vào đó là tên Anna Phạm. Mà cần gì cái tên Thu Vân đó nữa, miễn mình có được số tiền bồi thường lớn đủ trang trải lại những gì đã mất do chi tiêu quá lố từ nào đến giờ! Thu Vân vỗ vào vai anh trai mình: - Phục anh sát đất luôn! Qua mặt được hãng bảo hiểm nhân thọ chuyện đâu phải đơn giản, vậy mà anh cũng làm được. Nhưng khiến cho em phải một phen hú vía khi lái xe tới sát bờ vực sâu chỗ Ô Quắn, sợ gần chết. Rồi lại phải kéo cái xác của con nhỏ người làm và đặt nó ngồi vô chỗ lái xe, để nó giả làm em, sau đó lại phải nổ máy xe, vô số và... buông ra cho xe lao xuống vực. Sơ sẩy một chút là em bị rớt theo chiếc xe luôn. Henri Phạm cười: - Biết em có đủ bản lãnh nên anh mới giao làm nhiệm vụ đó chớ bộ! Và em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi còn gì. Chiếc xe đã lao thẳng xuống vực sâu và ai cũng đinh ninh rằng em đã chết trong vụ ấy rồi! - Nhưng sao khi trục xe và xác chết lên anh lại để cho cái xác biến mất, suýt nữa thì bảo hiểm đã không chịu bồi thường rồi? Henri Phạm cười to: - Em có lanh nhưng chưa đủ khôn. Lúc ấy em không có mặt tại hiện trường nên đâu có biết là khi xác con nhỏ Thắm vừa mới kéo lên anh đã điếng hồn, bởi tuy thân thể nó giập nát, nhưng khuôn mặt còn nguyên, làm sao nói đó là em, cô Thu Vân được? Em có biết là lúc ấy anh phải lanh trí lắm mới ra lệnh cho hai thằng đàn em đi theo trà trộn làm nhân viên cứu hộ để nhân cơ hội người tài xế xe cứu thương lơ đễnh, đã lấy cắp cái xác con Thắm đem giấu. - Không có xác làm sao hãng bảo hiểm chịu đền nhân mạng? - Em cũng quên là chỉ đến tối là người ta tìm được xác chết của nạn nhân ở một hốc đá gần chỗ tai nạn xảy ra sao? Khi đó xác con Thắm đã được anh cho tụi nó lấy đá đập nát, để không còn nhận diện ra nữa. Và sau đó đã báo cho đội cứu hộ tới và mang về bệnh viện. Thu Vân cười thành tiếng: - Anh làm khéo đến nỗi đến ba má khi đứng trong nhà xác mà cũng chẳng nhận ra! Tội nghiệp, thấy má khóc chết lên chết xuống em sợ và đau lòng quá. Chuyện này mà vỡ lở ra chắc là không yên với ông bà cụ đâu! Henri Phạm nhún vai: - Nhằm nhò gì ba cái chuyện này. Mà mình cũng đâu ngu gì để lộ... - Chỉ tội nghiệp ba má sẽ khổ đau vì mất con, trong lúc em vẫn còn sờ sờ đây... Henri Phạm nghiêm giọng: - Trong vụ xài phá đến cạn hết tiền ba gởi ở nhà băng bên Pháp đâu phải chỉ mình anh, mà em đóng góp đến phân nửa trong đó. Xong vụ này mình bí mật chuyển trả lại cho ba là ổn. Chuẩn bị đi, chợt Henri Phạm nhớ ra, anh ta hỏi: - Hồi nãy em có đóng kỹ nắp hầm chưa? Thu Vân cười: - Cái hầm bí mật này quả lợi hại, nằm ngủ dưới đó cả đêm cũng giống như ngủ trong phòng khách sạn, sướng thiệt. - Anh phải mất cả tháng trời, nhờ thợ từ trong Sài Gòn ra làm mới được như vậy. Anh phải thủ sẵn một nơi như vậy để phòng khi lộ chuyện thì có nơi mà ẩn thân một thời gian. Em đâu có biết là cả chuyện vô ra rừng hoa sứ này anh cũng phải tốn tiền mới yên chớ bộ! Thôi, có lẽ là hôm nay là ngày chót, chúng ta không trở lại đây nữa, nên cũng không cần cái hầm, có bị lộ thì cũng chẳng sao. Thôi mình đi! Họ đi rất nhanh xuống núi, xuyên qua rừng hoa sứ. Quang quá bức xúc với những gì vừa nghe, anh vừa định đứng lên gọi họ một tiếng và vạch trần những gì họ làm. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao khi vừa đứng lên thì Quang đã ngã ngồi trở xuống như bị ai kéo lại vậy. Phải đến lần cố gắng thứ ba Quang mới có thể đứng thẳng lên, nhưng lúc ấy hai người họ đã đi khá xa rồi. Bấy giờ Quang chỉ còn cách bước thẳng vào nhà với ý định xem cái hầm mà họ vừa nói ra sao. Nhưng điều ngạc nhiên đầu tiên của Quang là chiếc váy màu vàng của Thu Vân lúc mặc đi vào đây đã không còn, mà lúc nãy khi đi ra cô ta mặc bộ quần áo màu xám nhạt, đầu đội mũ như một cách ngụy trang, mà tay không hề xách giỏ hay cầm vật gì. Vậy bộ đồ màu vàng biến đi đâu? Điều đó càng khiến cho Quang tò mò thêm, anh tìm nắp hầm và phát hiện ra ngay nó nằm ở gần gian bếp nguội lạnh, chỉ cần giở tấm ván lên là lộ ra một cái thang gỗ dẫn xuống dưới. Chẳng do dự, Quang bước ngay xuống, thấy có cây đèn pin treo sẵn ở lối đi, Quang chụp lấy và soi tới trước. Quả đúng nó như một căn phòng đầy đủ tiện nghi, có cả giường nệm phẳng phiu và ở đầu giường có ngọn đèn ngủ màu hồng nhạt nữa. - Có lẽ họ xài bình ắc quy chớ nơi này làm gì có điện! Quang hơi thắc mắc về việc đó, nhưng thắc mắc của anh không tồn tại được lâu, bởi liền lúc đó anh chợt sững sờ khi nhìn thấy có một người đang nằm trùm mền trên giường mà phải nhìn kỹ mới thấy! - Ai vậy? Không thấy người nọ động đậy, Quang cất tiếng gọi: - Ai đây, tôi muốn hỏi... Anh gọi đến lần thứ ba mà vẫn chẳng thấy người nọ cử động hay lên tiếng, Quang chợt lo, anh bạo gan cúi xuống kéo đại góc mền ra và... - Trời ơi! Trước mắt Quang là... một cô gái lạ mặc bộ đồ màu vàng máng ở vách lúc nãy! Không thể nào tin được, Quang gọi thêm lần nữa và cũng chẳng thấy cô nàng cử động. Quang hốt hoảng đưa tay chạm vào, rồi kinh hãi bởi thân thể cô ta đã lạnh cứng. Có nghĩa đó là một xác chết! - Trời ơi! Quang hoang mang tột độ, anh lúng túng mất vài giây rồi mới chạy tháo lên miệng hầm, định kêu ai đó. Nhưng chung quanh vắng tanh, vả lại nếu gọi người tới trong lúc này thì khác nào rước họa vào thân, bởi chỉ mình anh với một xác chết, ai mà tin được rằng anh không dính líu tới cái chết của cô nàng! Lúng túng một hồi lâu Quang mới quyết định trở xuống hầm, lần này anh phải nhìn cho thật rõ, ít ra cũng tìm được cách nào đó báo động cho người ta biết... chớ không thể để một người chết nằm trong đó, mà chắc chắn khó lòng có ai hay được. Nhưng khi Quang đặt chân trở xuống đó thì... cái xác của cô gái không còn ở đó nữa! Việc đầu tiên của Quang khi trở về Sài Gòn là tìm tới nhà của cha mẹ Thu Vân. Họ là chủ một tiệm vàng lớn ở vùng Chợ Lớn mà đã đôi lần Quang có tới chơi với anh em Thu Vân, nên cha mẹ cô biết Quang. Vừa thấy Quang, bà Kim Tín đã òa lên khóc kể: - Lâu nay con không ghé chơi nên bác không biết con ở đâu. Phải chi biết mà gọi con tới chơi thì chắc tụi nó không đi Ô Cấp làm gì để xảy ra cớ sự này! Quang dò hỏi: - Sau khi tai nạn xảy ra bác có kịp đem xác Thu Vân đi nhận diện không? Ông Kim Tín nói thay vợ: - Chính tôi xuống nhà xác bệnh viện để nhìn, nhưng có nhận dạng được nó đâu, bởi thi thể đâu còn nguyên vẹn. - Henri Phạm đâu rồi bác? - Ôi! Cái thằng lãng tử đó mà cháu hỏi làm gì. Nó về đây chỉ ở nhà có nửa buổi rồi đi biệt tới bữa nay. Cũng tại nó mà con Thu Vân mới lái xe đi Ô Cấp chớ hai bác đâu có cho. Đường sá xứ mình khác, đâu phải thấy vắng mà muốn chạy sao cũng được. - Nghe nói có bảo hiểm phải không bác? Ông Kim Tín hơi ngạc nhiên về sự hiểu biết của Quang, nhưng cũng đáp: - Có! Nhưng do tụi thằng Henri và Thu Vân sống bên Pháp nên làm bảo hiểm bên đó, nên họ sẽ tiến hành thủ tục bồi thường bên đó. Nhưng còn bồi thường mà làm gì nữa khi mạng sống không còn? Quang giả vờ hỏi: - Hình như nhà có cô người làm tên Thắm phải không bác? Đến lúc này thì ông Kim Tín không khỏi ngạc nhiên nói: - Sao cháu biết con nhỏ đó? Quang cười giả lả: - Dạ, chẳng là vì cháu có quen với nhà cô ấy ở dưới quê... Bà Kim Tín buột miệng nói: - Thì ra là vậy, cháu ở làng Mỹ Quý hay Mỹ Lương của huyện Hòa Thành? - Dạ, ở sát nhà của cô Thắm. - Vậy là Mỹ Quý rồi! Huyện Hòa Thành tỉnh Ba Xuyên chỉ có cái xã Mỹ Quý là heo hút nhất, lại ít người biết, nên bác cũng hay quên là nó ở Mỹ Quý hay Mỹ Lương. Vậy ra cháu với nó là đồng hương. Mà cũng hay, dịp này bác hỏi cháu xem, gần đây cháu có gặp nó không? - Dạ... gặp ai ạ? - Con Thắm! Nó nghỉ làm ngang xương cả tuần nay mà chẳng biết đi đâu! - Có thể cô ấy về quê chăng? Ông Kim Tín bác ngay: - Con nhỏ này từ ngày lên đây làm chưa bao giờ xin về quê lần nào, bởi lẽ đơn giản là nó không còn ai ở quê hết. Lẽ thứ hai là nó làm được bao nhiêu tiền lương đều gởi lại cho nhà tôi hết, không giữ đồng nào trong túi, như vậy lấy đâu tiền để đi. Bà Kim Tín cũng nói: - Con nhỏ hiền lành, dễ thương, tuy là không còn ở nhưng vợ chồng tui thương nó như con ruột. Tính năm tới nó đủ hai mươi tuổi thì coi mối nào được gả chồng cho nó. Con nhỏ tuy ít học nhưng đẹp người, đẹp nết, ai mà lấy được nó là có phước lắm! Quang không kiềm chế được, buột miệng: - Người như vậy mà bị hại thì... Bà Kim Tín hốt hoảng: - Ai hại nó? Quang nói chữa: - Dạ, cháu muốn nói nếu như rủi ro... Ông Kim Tín nói: - Tôi nghĩ chắc không có chuyện gì đâu. Con nhỏ này không chừng ham vui bị bạn bè rủ rê đi đâu đó, vài bữa thì về thôi. Quang vòng vo mãi, cuối cùng anh mới hỏi thẳng điều mà hôm nay tới anh muốn hỏi: - Ở Đà Lạt hai bác có nhà riêng hay nhà bà con gì trên đó không? Bà Kim Tín nói thật: - Tôi có một biệt thự bỏ không trên đó, chỉ thỉnh thoảng lên nghỉ mát vài hôm. Mà mùa này lạnh, nên phải ba bốn tháng nữa vợ chồng tui mới lên chơi. - Vậy không chừng Henri Phạm cũng lên đó chơi, bao nhiêu lần rồi cậu ấy không lên Đà Lạt thưa bác? - Cả chục năm rồi. Từ ngày đi du học nó về đây có bốn năm lần, mà lần nào cũng chỉ ở nhà, có đi nghỉ mát thì chỉ ra Ô Cấp thôi. - Vậy hai bác có nhà riêng ở Ô Cấp không? Kiểu hỏi như điều tra của Quang khiến cho ông Kim Tín bắt đầu thấy lạ, ông hỏi vặn lại: - Hình như cháu muốn tìm hiểu điều gì phải không nào? Quang lúng túng: - Dạ không, cháu chỉ... hỏi cho biết vậy mà. Và cũng bởi... mới rồi cháu nằm mộng thấy Thu Vân... Đây là Quang bịa chuyện, nhưng bà Kim Tín lại quan tâm: - Cháu mộng thấy nó thế nào? Nó chết có yên ổn không? Bác cũng hơi lo, vì nó còn trẻ, lại chết tức tưởi như vậy nên bác sợ oan hồn... Ông Kim Tín gạt ngang: - Bà khéo tưởng tượng! Con gái mình là dân Tây học, làm gì có chuyện oan hồn với hồn oan. Bà Kim Tín tại nức nở khóc: - Ông cứ nói vậy hoài, trong lúc tui cứ mong cho vong hồn nó về một lần thôi cũng được, vậy mà chưa thấy... Rồi bà hỏi Quang: - Cháu mộng thấy nó nói gì? Quang đã có toan tính trước, anh đáp: - Dạ, cháu nghe cô ấy muốn tìm ngôi nhà nào đó ở Ô Cấp mà tìm chưa ra. Cả ba lần mộng thấy cô ấy thì cả ba lần Thu Vân đều chỉ nói có chuyện đó. Lần này chợt ông Kim Tín buột miệng: - Nhà ở Vũng Tàu, nó biết sao còn tìm! Quang giả bộ: - Dạ, con thấy Thu Vân có vẻ không nhớ, cô ấy chỉ nói là hình như nhà ở gần Bạch Dinh hay sao đó... Bà Kim Tín vụt nói: - Thì căn nhà biệt thự hướng ra bãi Dâu. Đúng là nó không nhớ, bởi khi đi du học thì nó mới có mười tuổi, mà ngôi nhà cũ đó tôi và ông nhà tôi cũng lâu lắm rồi không về đó, chẳng biết còn hay sập rồi nữa! - Thảo nào... Quang bỏ lửng câu nói khiến ông Kim Tín thắc mắc: - Cháu nói gì? Quang lại lảng sang chuyện khác: - Dạ không. Cháu muốn nói... chẳng hiểu sao gần đây cháu hay mộng mị quá. Anh vừa định đứng lên cáo từ thì chợt từ ngoài cửa có một người bước vào, mà vừa nhìn thấy thì cả ba người đang ngồi đều bật dậy một lượt: - Trời ơi... Trời... Bà Kim Tín té ngồi trở xuống, miệng lắp bắp: - Con... con Thắm ông ơi. Người vừa xuất hiện chính là Thắm, nhưng trong bộ váy màu vàng mà Quang đã thấy hôm ở rừng hoa sứ. Cô ta là cô gái nằm chết trong hầm hôm đó! Anh lắp bắp mãi, nói không thành lời: - Cô đúng là... Cô gái bình thản ngồi xuống và nhìn vào bà Kim Tín, hỏi bằng giọng không vui: - Sao bà không đi tìm con? Bà Kim Tín vẫn chưa tin vào mắt mình, giọng bà run rẩy: - Có phải... thiệt là con không vậy? - Là con đây! Con đâu có chết mà sao bà vẫn coi như con đã ra người thiên cổ? Ông bà biết là đã chôn ai không? Quang vụt nói: - Là cô Thắm! Nãy giờ hình như cô gái không để ý đến Quang. Giờ nghe anh nói, cô mới quay sang và nói: - Anh đã biết ngôi nhà trên núi lớn Ô Cấp thì cần trở lại đó để biết thêm điều cần biết! Rồi cô lại quay sang ông bà chủ của mình: - Hai người hãy chuẩn bị mà rời khỏi ngôi nhà này đi, vài ngày nữa nó không còn là của mình đâu! Trong lúc ông bà Kim Tín còn đang ngơ ngác thì cô nàng vụt đứng lên và ra hiệu cho Quang đi theo: - Anh ra đây! Quang riu ríu bước theo. Khi ra tới ngoài rồi cô nàng lên tiếng: - Anh đã gặp tôi nằm chết trong hầm ngôi nhà trên rừng hoa sứ rồi phải không? Vậy bây giờ anh có ngạc nhiên khi thấy con người đó có mặt tại đây không? Quang sợ, nhưng anh vẫn cố nói cứng: - Không phải một, mà là đã hai lần tôi nhìn thấy cô chết và biến mất. Như vậy kể cả lần này nữa, biết đâu cô lại... Cô nàng bỗng cười phá lên: - Không ngoại trừ lần này đâu! Cô nàng vừa nói vừa dừng lại và quay ngoắc đối diện với Quang. Anh chàng há hốc mồm kinh ngạc, bởi trước mắt anh bây giờ không phải là Thắm nữa, mà là một cô gái khác với gương mặt bê bết máu! - Anh chưa từng biết mặt thật của tôi, mà chỉ biết cái mặt biến dạng này phải không? Quang còn chưa hiểu gì thì cô nàng buông một tiếng ngắn gọn: - Thì như anh đã nghe họ nói rồi đó, tôi đã bị họ nhẫn tâm sát hại rồi mà còn hủy hoại nhan sắc thêm lần nữa. Quang run giọng: - Cô Thắm... tôi cảm thông với cô, tôi muốn giúp, nhưng mà... Không để ý lời phân trần của Quang, cô nói tiếp: - Và anh đã nghe anh em họ kể chuyện giết chết tôi rồi xô xuống vực sâu ở Ô Quắn cùng chiếc xe rồi phải không? - Có... có nghe... - Như vậy là anh biết đích xác cô Thu Vân đâu có chết, đúng không? - Phải! Và bữa đó tôi thấy cô ta đi vào ngôi nhà trong rừng hoa sứ nữa. - Chính nhờ vậy anh mới có động cơ tìm tới nhà cô ta và hiểu tôi đã bị chết oan như thế nào. Tôi nghèo cũng giống như anh và chỉ bởi nghèo hèn, cô thế, nên mới bị giết chết cho một mưu đồ gian ác của họ. Cũng như do anh nghèo và tốt bụng, nên suýt nữa anh đã bị sa vào bẫy của họ, để họ có gì sơ sẩy thì chính anh là người sẽ đứng ra nhận tội thay! Quang ngơ ngác: - Cô nói vậy là sao? Nàng ta nhẹ giọng: - Hôm ở rừng hoa sứ sau Bạch Dinh, chính anh bị cô Thu Vân dụ đi theo lên căn nhà hoang đó, còn cái xác mà anh nhìn thấy trong hầm là xác của tôi do bọn chúng lấy cắp được trong nhà xác bệnh viện, để làm tang chứng buộc tội anh... Quang chận ngang: - Nhưng tôi có bị gì đâu? - May cho anh là tôi đã kịp thời cứu anh! Chính tôi đã biến đi và xui khiến anh rời ngôi nhà đó kịp thời. Bởi chỉ năm phút sau đó thì cảnh sát do Henri Phạm báo đã ập tới, họ chẳng gặp ai nên mọi việc coi như xong! Quang không thể nào tin được, nhưng khi anh nhìn cô gái thì thấy cô ta mỉm cười, gật đầu: - Tôi tuy chết oan, thù hận mọi người, nhưng không thể để cho một người ngay như anh bị nạn thay cho họ được! Do anh biết quá nhiều chuyện của họ, nên họ tìm cách thủ tiêu anh để bịt đầu mối. Anh có biết là họ đã tính trước mấy bước tiến và mấy bước lui. Tiến là nếu mọi việc êm xuôi, họ sẽ lãnh được tiền bảo hiểm nhân thọ, còn lui là phòng bất trắc, cơ mưu bị bại lộ. Lúc ấy họ sẽ đổ vấy lên đầu anh, nói chuyện giết tôi là do anh làm, mà bằng chứng do họ tạo ra sẵn là một túi tiền lớn họ dàn cảnh mang theo bên thi thể tôi để mọi người nghĩ động cơ anh giết tôi là vì muốn cướp tiền! Trong lúc Quang còn đang hoang mang thì cô nàng vụt nói nhanh: - Anh về nhà và đừng ngạc nhiên khi thấy số tiền bạc triệu để sẵn trong đó. Tiền đó tôi lấy được tại hiện trường, thứ mà họ định dùng để vu cáo anh. Đó là đồng tiền phi nghĩa, do đó không việc gì anh trả lại mà cứ giữ xài. Và còn nữa, khi hãng bảo hiểm đền tiền, thì thay vì họ nhận được, tôi sẽ khiến cho nó thuộc về anh! Anh sẽ dùng số tiền đó để thoát kiếp nghèo, hoặc làm từ thiện gì đó tùy anh. Thôi, vĩnh biệt anh, con người tốt bụng nhưng phải cái tội... quá tò mò! Nói xong thoắt cái cô ta đã biến mất. Vừa khi ấy cha mẹ Thu Vân trong nhà chạy ra hỏi lớn: - Thắm! Con Thắm đâu rồi? Quang chỉ lắc đầu không đáp. Bà Kim Tín phải gào lên: - Nó đâu rồi? Phải đó là hồn ma không? Bây giờ chính ông Kim Tín là người có kết luận: - Chưa chết mà hồn ma nỗi gì? Nhưng bất thần, Quang nhìn thẳng vào ông nói: - Cô ấy là hồn ma đó! Một oan hồn đáng lý về đòi nợ máu, nhưng cô ấy chưa làm. Có lẽ cô ấy chỉ muốn đòi nợ chính người đã gây ra tội ác mà thôi. Nói xong Quang quay bước đi, bà Kim Tín gọi lớn: - Kìa, cháu Quang! Cháu vừa nói gì? Quang nói mà không quay lại: - Hai bác sắp đón nhận những tin không tốt lành gì đâu. Anh đi nhanh bởi không muốn trả lời thêm nữa. Anh tự nhủ: - Biết nhiều quá là rước lấy phiền nhiễu nhưng cũng có được cái hay, như mình... Ba tháng sau... Bỗng nhiên Quang nhận được điện tín từ một ngân hàng Pháp bảo rằng anh có một số tiền mười triệu Franc Pháp mà không nói rõ là tiền gì. Quang định viết thư từ chối và nói rõ mọi chuyện cho họ biết và rút lại số tiền lớn đó. Tuy nhiên anh chưa kịp viết thì lại nhận được một thư khác từ một chi nhánh ngân hàng Pháp tại Sài Gòn chuyển đến, thông báo là anh có một trương mục tại ngân hàng họ với số tiền mười triệu đồng Franc. Quang chưa kịp có phản ứng gì thì đêm đó anh đang ngủ vụt ngồi dậy khi nghe có tiếng nói từ cửa sổ vọng vào: - Em đã nghĩ rồi, số tiền này thay vì trả lại cho hãng bảo hiểm, có nghĩa là anh tố cáo tội gian manh của anh em nhà Henri Phạm và Thu Vân, như thế họ sẽ ở tù thì anh cứ giữ mà làm từ thiện và cải thiện cuộc sống, đừng trả lại. Cứ để suốt đời con Thu Vân sẽ sống trong cảnh trốn chui trốn nhủi với cái tên giả, đó là cách nó phải trả giá cho tội ác của mình, đau khổ còn hơn là ngồi tù. - Nhưng như thế này trước sau gì cũng đổ bể, tôi lại liên lụy, bởi tiền đang nằm trong trương mục của tôi. Giọng nói kia giải thích rất rạch ròi: - Mọi thứ em đã lo hết rồi. Em khiến cho đồng tiền luân chuyển từ Pháp về trương mục của anh mà chẳng ai biết được nguồn gốc. Không phải mình gian manh, nhưng để cho người thật thà, tốt bụng như anh khỏi phải liên lụy. Anh cứ yên tâm dùng số tiền ấy. Có thể một ngày nào đó anh sẽ cứu trợ ngược lại cho ông bà Kim Tín, bởi sớm muộn gì hai đứa con trời đánh ấy cũng làm cho gia sản nhà đó không còn một đồng. Tự dưng có số tiền lớn như vậy khiến Quang lúng túng chẳng dám đụng vào. Nhưng lạ quá, cứ hàng tháng anh lại nhận được một số tiền để chi dụng mà không biết của ai cho. Sau đó khi nhận được thông báo tình hình trương mục ngân hàng, Quang mới hiểu đã có người rút tiền giúp cho anh. Người giúp đó ngoài Thắm ra thì đâu còn ai nữa! Và cứ thế, hễ mỗi khi Quang vừa có ý định làm ăn gì thì tự nhiên có ngay số tiền như ý chuyển đến. Được cái là Quang không hề lợi dụng số tiền đó để phung phí. Anh chủ yếu dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo khác. Và đặc biệt, anh mua một mảnh đất rộng, chỉ xây một căn nhà nhỏ để ở, phần đất còn lại anh lập một cái miếu thờ, mà trong miếu chỉ thờ một bức họa do chính Quang vẽ lại theo trí nhớ chân dung của Thắm. Từ đó Quang sống thanh thản một mình và tự nguyện làm ông từ chăm sóc ngôi miếu. Sau này người ta đồn ngôi miếu đó linh hiển lắm, cầu gì được nấy. Mà lời cầu khấn phải mang ý tốt thì mới được đáp ứng, còn ngược lại, nếu lợi dụng hay gian trá thì sau khi khấn vái sẽ mang bệnh chữa hoài không khỏi...