Cạch.. cạch.. cạch...
Đang đạp xe ngon trớn, Trúc Đào cảm thấy chới với và chiếc xe như khựng lại. Bước xuống quan sát, nàng thở dài nhìn thấy sợi sên đứt ra làm hai, nàng càng thất vọng khi nhìn quanh không có một tiệm sửa xe nào. Ánh mắt Trúc Đào dừng lại trước cổng căn biệt thự mà hôm nào chủ nhân của nó đã ra tay nghĩa hiệp cho mình chiếc áo mưa. Mà cũng ngộ thật lần nào gặp xui xẻo mình cũng đứng trước ngôi nhà này.
- Đan Trường. Cái anh chàng này không biết sẽ nghĩ sao khi thấy mình đứng đây? Chắc cho là mình giả vờ chớ tình cờ gì mà kỳ vậy.
Trúc Đào rút sợi dây sên cho vào cổ xe và dẫn xe đi không thèm ngoái đầu nhìn lại.
- Cô ơi. Cô gì đó ơi. Cô...
Trúc Đào ngỡ ngàng.
- Chị gọi tôi đấy à.
Chị Ba thở hổn hển gật đầu:
- Bộ cô quên tôi rồi hả?
Trúc Đào nhìn kỹ rồi reo lên.
- Tôi nhớ rồi. Hôm đó tôi gởi chị trả chiếc áo mưa phải không?
- Đúng rồi. Hôm nay xe cô sao vậy?
- Dạ, bị đứt sên. Mà chị gọi tôi có việc gì không?
- Cô có rảnh thì vào nhà chơi.
- Tôi đâu có quen ai trong nhà này mà chị mời tôi vào.
- Ủa. Vậy ra cô không phải là bạn của cậu Hai sao?
- Không đâu chị. Chỉ tình cờ biết nhau thôi.
- Ậy. Hai người giận nhau hay sao vậy?
Trúc Đào phì cười:
- Có quen nhau đâu mà giận hờn.
- Vậy sao từ lúc tôi đưa áo mưa của cô gởi, cậu Hai buồn lắm. Cô đừng giận cậu ấy nữa nha. Cậu ấy cứ theo hỏi tôi hoài, có thấy cô đi ngang qua đây hay không? Cô à. Ở trong nhà này, cậu Hai là người dễ chịu nhất, cô vào nhà chắc chắn là cậu ấy vui lắm.
Trúc Đào cảm thấy bối rối. Tự dưng tai nạn gì mà kỳ vậy, không biết phải giải thích thế nào với chị ta.
- Nè chị. Bộ anh Trường hay hỏi thăm tôi lắm hả?
- Hỏi mỗi ngày. Có khi mỗi buổi chiều, cậu đều ra cổng ngóng trông như là chờ cô. Giận gì mà lâu quá vậy? Thôi, cô vào nhà đi, cậu sắp đi làm về rồi.
Nghe Đan Trường gần về, Trúc Đào muốn rút lui, nàng sợ đối diện với anh ta.
- Hôm nay tôi bận. Thôi, tôi đi nha.
Chị Ba bất lực nhìn theo buồn bã, chị nói với theo:
- Cô à! Hãy tha thứ cho cậu Hai, tôi thấy cậu ấy buồn lắm.
Trúc Đào bước đi với nhiều suy nghĩ. Tại sao chị ta cứ nghĩ mình và anh ta đang yêu nhau nhỉ? Quái lạ. Thật ra, anh ta đã nói gì? Chao ôi. Lại còn có chuyện ra ngóng trông mình nữa.
Trúc Đào cảm thấy mủi lòng, nếu như anh ta biết rõ hoàn cảnh của mình thì có còn ngóng trông chờ đợi nữa hay không?
- Nè. Dẫn xe thì đi sát vào lề, không thì có ngày chết oan uổng đó.
Tiếng quát tháo của người phụ nữ làm Trúc Đào trở về hiện tại, cô sượng sùng với bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về phía cô. Mãi mơ mộng nên cô đã dẫn xe ra giữa lộ.
Một chút mừng rỡ khi Đào thấy tiệm sửa xe gần đó, bên trong là một chú nhóc mặt mũi dính đầy dầu nhớt. Thấy cô dẫn xe quẹo vào, chú nhóc cười toe toét:
- Chị sữa xe hả?
- Em nối giùm chị sợi sên này.
- Dạ, chị ngồi ghế đợi em một chút.
Trúc Đào vừa ngồi xuống ghế thì ngỡ ngàng, khi cô nhìn thấy Đan Trường đang chạy chiếc xe Honda. Vừa chạy, anh vừa nhìn hai bên đường tìm kiếm. "Chết. Chắc là chị làm lúc nãy đã nói lại nên anh ta đi tìm". Ô hay. Tại sao mình lại nghĩ như vậy, biết đâu anh ta tiện đường đi đâu thì sao?
Đan Trường cho xe vòng trở lại. Trúc Đào nép sát người vào cánh cửa, không thể gặp anh ta được, gặp để làm gì? Biết bao nhiêu mối tình vì sự hèn sang mà tan vỡ, đừng mang lụy vào mình.
- Chị Ơi. Xe xong rồi.
- Chị gởi tiền, cám ơn em nhiều lắm.
Trúc Đào đạp xe với những suy nghĩ miên man. Tại sao mình cứ hoang mang giữa hai con đường gặp và không gặp. Nếu gặp Đan Trường chắc là vui lắm. Trúc Đào lắc đầu dứt khoát khi nhớ đến căn biệt thự sang trọng của gia đình chàng.
*
Đan Trường dẫn xe vào nhà với nét mặt thất vọng. Chỉ có một con đường duy nhất mà tìm mãi vẫn không gặp được nàng, nếu về sớm một chút, có lẽ ta sẽ có một buổi chiều vui vẻ. Hay là tại mình và cô ấy không có duyên với nhau.
- Cậu Hai. Cậu không gặp cô ta hả?
Đan Trường lắc đầu, buồn buồn:
- Không, chị ạ. Chắc là ai đã sửa xe giùm, bây giờ có lẽ cô ta đã về đến nhà rồi. Lúc nãy chị đã nói gì với cô ta vậy?
- Tôi nói nhiều lắm. Tôi thay mặt cậu năn nỉ cô ta đừng giận cậu nữa. Tôi còn mời cô ta vào nhà chơi, nhưng cô ấy bảo là bận. Người gì mà vô tình, cô ấy nói là không có giận cậu.
Đan Trường phì cười trước sự ngây ngô của chị Ba.
- Cám ơn chị. Chị vào dọn cơm đi và nhớ đừng tiết lộ với ai việc này nha.
- Tôi biết rồi, cậu đừng lo.
Đan Trường bước chân vào phòng đã nghe tiếng cười vang của mọi người với lối pha trò của Hoài An. Mai Thi chống tay lên cằm nhìn An với ánh mắt ngưỡng mộ, trìu mến.
- Hết chuyện chưa? Đi ăn cơm, tối kể tiếp. Mẹ mà ngồi đây nghe ba ngày ba đêm cũng chưa hết chuyện của nó.
- Đi các con. - Rồi ông Trình nhìn quanh, quay qua hỏi Trường:
- Hải Đăng đâu con?
- Anh ấy đi chơi rồi, ba ạ.
Tất cả mọi người ngồi vào bàn ăn, Hoài An lại tiếp tục câu chuyện làm mọi người cười đến cả quên ăn. Trong lúc mọi người vui vẻ cười nói, Trường vào phòng với nỗi vui buồn miên man. Trường nghĩ đến cô gái mới gặp lần đầu mà anh đã cảm thấy như đã có cái gì đó làm anh xao xuyến, bây giờ đã để mất cơ hội gặp lại nàng.
- Anh Hai. Có chuyện gì mà ngồi ủ rũ quá vậy? - Trọng nằm duỗi tay cạnh anh mình.
- Anh thấy hơi mệt. - Trường uể oải đáp.
- Anh Hai có thấy thái độ của anh Đăng, khi anh An đến ở đây không?
- Có chứ. Nhưng anh không để ý. Anh An là người bạn mà anh quý nhất, thế mới biết được lòng dạ con người, chưa chi đã ganh tỵ ra mặt.
- Có anh An, em yên tâm cho anh hơn. Vài hôm nữa em sẽ cùng ba đi Đài Loan. Anh phải để ý, đừng cho anh Đăng đứng tên trong những tờ hợp đồng. Công việc anh cứ từ từ giao cho anh An, cũng đừng vội, không khéo chạm tự ái của anh Đăng, anh An sẽ không nhận đâu.
- Em lúc nào cũng sáng suốt, Đan Trọng à.
- Lúc nãy chị Ba nói gì mà anh lấy xe đi rồi về với nét mặt buồn bã quá vậy? Có gặp được nàng không?
- Nếu gặp thì đâu có gương mặt ấy.
- Anh đừng sống trong ảo vọng nữa. Nàng đâu biết được anh dành nhiều tình cảm cho.
Cánh cửa chợt mở, Hoài An bước vào:
- Hai anh em trốn vào đây, rù rì nói xấu gì tôi vậy?
- Cậu đã hết chuyện kể rồi sao?
- Làm gì có. Mỗi ngày kể một chuyện mới hấp dẫn chứ.
Trọng đứng lên nhường chỗ cho An ngồi:
- Hai người cứ nằm đây mà hồi tưởng chuyện xưa, em đi ra phố một lát.
Đợi Hoài An nằm xuống, Trường hỏi:
- An này. Mấy năm qua đi xa, cậu đã có người yêu chưa?\
- Sao lại không. Nhưng cũng không có gì đáng nhớ.
- Tại sao yêu nhau mà xa lại không thấy nhớ?
An đáp vẻ chán chường:
- Buồn quá, nên yêu cho đỡ buồn thôi.
- Cậu quan niệm tình yêu nghe đơn giản quá.
- Cho nó quan trọng, nó sẽ đày ải thân xác mình. Nghe đến tình yêu là mình đã cảm thấy phát khiếp.
- Nói vậy là cậu đã được nếm mùi rồi?
- Cũng sơ sơ. Thôi dẹp chuyện mình đi. Còn cậu đã có được mảnh tình nào vắt vai chưa?
Trường kể lại cho An nghe tâm sự của mình và đưa ra mảnh giấy có hàng chữ M. T. T. Đ.
- Cậu có đoán được tên cô nàng không.
- Nè, anh chàng lãng mạn. Làm sao mà biết được khi có hàng ngàn người mang tên với hai chữ T. Đ. Mà sao cậu không đi tìm cô ta.
- Biết ở đâu mà tìm? Có lẽ mình và cô ta ít đi ngoài phố, nên có lúc mình nghĩ hai đứa như hai đường thẳng song song sẽ không bao giờ gặp nhau.
- Hy vọng sẽ gặp nhau ở vô cực, cậu cứ nghĩ đến câu "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" phải không nào?
Đan Trường phì cười:
- Đến lúc này mà còn "xổ Nho" nữa.
- Mình đầy cả bụng Nho mà. Trường nè. Cậu định phân công mình công việc gì vậy? Nhưng nhớ đừng làm mất lòng anh Đăng nha.
- Cậu quả là lo xa. Có khối việc kia kìa. Cậu thích ở chung phòng với mình hay ở riêng?
- Ở chung vài ngày thôi, phải ở riêng để mỗi người mỗi suy nghĩ.
- Tối đến là ngũ khò, chớ suy nghĩ nỗi gì.
- Sức mấy. Chưa bao giờ đặt lưng xuống giường mà mà mình ngủ liền, trừ những đêm say bí tỉ.
- Cậu biết say rượu bao giờ thế?
- Mỗi ngày trôi qua là sẽ khác đi, đôi khi uống rượu cũng có cái hay.
- Bao giờ cậu mới chịu dừng bước giang hồ? Mình mong cậu hãy rũ bỏ mọi thứ để bắt đầu lại từ đầu.
- Mình không thể nói trước được điều gì, mình sợ sẽ không suôn sẽ.
- An nè. Cậu có nhớ Bích Nga, cô bé có mang đôi kính dày cộm không?
- Làm sao quên được. Tôi nhớ có một lần cô ta đã khóc hết nước mắt khi cậu giấu cặp kính, lúc đó cậu phá quá trời.
Hoài An bật cười, chàng gác chân lên đùi Đan Trường. Hai người nói chuyện say sưa quên cả thời gian. Trời bên ngoài lắc rắc mưa.
*
Cả một buổi chiều nay, Trúc Đào như người mất hồn, hình ảnh Đan Trường cứ ám ảnh lấy nàng. Không thể phủ nhận cái điều mà Trường đã chạy theo để gặp mặt nàng, những lời nói của chị ba cứ văng vẳng bên tai "cậu ấy trông cô từng ngày... hỏi thăm hoài... ra cổng ngóng." Đối với Jim, mình chưa bao giờ có cảm giác này. Nếu hồi chiều gặp nhau, không biết mình sẽ nói gì.
Trúc Đào lắc đầu như nhắc nhở mình. Đừng. Đừng nhớ đến anh ta nữa. Anh ta là ngươi của giới thượng lưu, mình nghèo lắm đừng bày đặt đèo bồng.
Đào nghe tê tái cả lòng khi nghĩ đến điều này, nhưng đó là sự thật.
- Chị Đào ơi. Chị có nhà không vậy?
Trúc Đào bật dậy, tiếng gọi của Thúy Ái. Sao cô lại đến đây vào giờ này. Thúy Ái xuất hiện với đôi mắt sưng húp.
- Thúy Ái. Có chuyện gì? Ngồi xuống đây kể cho chị nghe.
- Ba chị không có nhà hả? - Vừa ngồi xuống Thúy Ái vội hỏi.
- Ờ. Ba chị sang nhà bác Hai kế bên đánh cờ, có lẽ đến khuya mới về. Có chuyện gì vậy, Thúy Ái?
Thúy Ái ôm chầm lấy Trúc Đào khóc nức nở. Đào dỗ dành:
- Nín đi em. Khóc hoài làm sao nói chuyện chị nghe được.
- Chị Đào ơi. Em khổ lắm... hu.. hu... Chị Trang cho em nghỉ việc rồi.
Trúc Đào thảng thốt:
- Nghĩ việc? Sao lại như vậy được? Chị đâu có nghe chị Trang than phiền điều gì về em đâu? Hay là em đã làm gì?
- Em... hu... hu... Em có lỗi với chị Trang. Chị năn nỉ giùm em.
Trúc Đào vỗ vai Thúy Ái an ủi:
- Được rồi. Chị hứa. Nhưng em phải nói cho chị nghe, đã xảy ra chuyện gì?
- Em xấu hổ lắm. Nhưng gia đình quá túng quẩn nên em mới...
- Trời ơi, em đã... lấy tiền của khách sạn hả?
Thúy Ái lắc đầu quầy quậy:
- Không. Việc này còn tệ hơn. Em... hu.. hu.. em đã liều mình đi với một ông khách. Chị Đào. Chị đừng khinh em.
Trúc Đào chới với.
- Thúy Ái. Em nói... thật sao?
- Vâng. Em đã đánh đổi cuộc đời con gái của mình bằng một số tiền để cứu gia đình khỏi cảnh túng quẩn. Chị Đào ơi. Nếu mất việc làm, em sẽ khổ hơn. Em còn mấy đứa em dại, chị hãy nói giúp giùm em một lần. Em hứa không bao giờ trượt chân vào con đương này đâu. Còn chăng là một nỗi ám ảnh đau khổ triền miên.
- Thúy Ái. Tại sao em lại dại dột như vậy? Em có biết như vậy là giết chết cuộc đời mình hay không? Cha mẹ em sẽ đau lòng nếu biết được sự việc này.
- Chị Đào. Em không dại đâu. Em đã suy nghĩ bao đêm liền, có phải chết đi để đổi lấy đồng tiền em cũng cam lòng. Cha mẹ đã tạo cho em hình hài này, vì cha mẹ, em có thể hi sinh tất cả.
Trúc Đào gắt lên:
- Nhưng hi sinh như vậy thì có đáng hay không?
- Vậy chứ em phải làm gì với đôi tay yếu đuối này, trong khi hàng tháng em phải lo bao nhiêu là thứ? - Thúy Ái khóc ngất - Em cũng biết, nếu đánh mất cả đời con gái thì cả đời em sẽ khổ, nhưng em không thể...
Thúy Ái vùng chạy đi. Trúc Đào thừ người suy nghĩ. Con bé quả thật là bất hạnh, nó đáng thương hay là đáng giận đây? Nếu ở hoàn cảnh của Thúy Ái, cô phải làm sao?
Đào rùng mình không dám nghĩ đến điều đó. Nghe tiếng dép, Đào biết là ba về. Cô ôm gối quay vào trong và biết rằng đêm nay, cô không thể nào ngon giấc được.
Trái với thường lệ, hôm nay Trúc Đào đến nhà hàng sớm hơn. Bác bảo vệ đón Đào với nụ cười thật tươi:
- Chào bác.
- Chào con. Hôm nay con đến sớm, thế nào nhà hàng cũng đông khách.
- Dạ, con mong như vậy.
Thu Trang đang lúi húi ghi chép, nghe tiếng Trúc Đào cũng ngẩng lên, nhoẻn miệng cười:
- Người đẹp hôm nay đến sớm quá ta. Nè. Vào đây, chị giao sổ sách. Kể từ nay, em giao ca cho chị, đợi khi nào có người thích hợp thì giao thẳng cho người ấy.
Trúc Đào cứ nhìn Thu Trang, nàng ấp úng không biết mở lời thế nào.
- Trúc Đào. Có chuyện gì em muốn nói với chị, phải không?
- Chị Trang à. Hôm qua Thúy Ái có đến nhà em, chị hãy nghĩ lại mà tha thứ cho cô ấy. Cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình thôi nên Ái mới làm liều. Cô ấy hứa sẽ không làm cho nhà hàng mình mang tai tiếng đâu.
Thu Trang im lặng không trả lời. Vốn là người có tấm lòng nhân hậu, nàng rất đau xót khi quyết định cho Thúy Ái nghĩ việc. Nhưng nếu nhân nhượng thì làm sao các nhân viên khác nể được, còn uy tín của nhà hàng nữa. Một người biết sẽ có nhiều người biết. Thu Trang trả lời dứt khoát, mắt không nhìn Trúc Đào:
-Hơn ai hết chị rất hiểu hoàn cảnh của Thúy Ái. Khi quyết định cho nó nghĩ, chị phải trằn trọc suốt mấy đêm liền, anh Tuấn Kiệt cũng xót thương. Nhưng em hãy thông cảm cho chị, một khi chị đã quyết định là không thể thay đổi.
Trúc Đào muốn khóc, cô vãn cố van nài:
- Chị Ơi. Nếu cho Thúy Ái nghĩ việc, em sợ nó đi làm ở chỗ khác, sẽ bị đồng tiền cám dỗ, nó càng lún sâu vào vũng bùn đó chị.
Nghĩ ngợi một lúc, cuối cùng Trang nói:
- Em thật là khéo nói, làm cho chị phải xiêu lòng. Nhưng em bảo với nó, nếu còn lặp lại thì đừng trách.
Trúc Đào nhảy lên ôm Thu Trang.
- Chị tốt quá. Em cám ơn chị thật nhiều.
Thu Trang mỉm cười:
- Được rồi. Buông chị ra đi nào. Trúc Đào. Hôm qua có một anh chàng hỏi thăm em và nhắn lại là hôm nào rảnh sẽ ghé thăm. Anh ta tên là Hải Đăng.
Trúc Đào nhíu mày:
- Hải Đăng là ai, em đâu có quen.
- Là anh bạn của Jim, hôm trước vào đây hỏi thăm em đó.
Trúc Đào gật gù:
- Em biết rồi. Nhìn mặt hắn có hiện lên chữ đểu to tướng. Nói chuyện ra vẻ đạo mạo nhưng cuối cùng lòi cái đuôi. Ổng mà đến đây nói chuyện bậy bạ em sẽ cho một bài học.
Thu Trang phì cười:
- Hung dữ vừa thôi nghen. Ai cũng bị em hăm he hết. Đàn ông mà không biết chọc phụ nữ thì đâu còn là đàn ông.
- Chị Trang à. Ngày xưa chị và anh Kiệt quen nhau trong trường hợp nào, có tình cờ không?
Thu Trang nhìn Trúc Đào rồi phá lên cười:
- Lúc này chị thấy em thật là ngộ, toàn hỏi về chuyện tình yêu. À. Cô bé đã yêu thầm ai rồi phải không?
Trúc Đào từ chối lia lịa:
- Làm gì có chuyện đó. Em chỉ hỏi chơi thôi.
- Nếu có cũng chẳng sao. Lúc chị hai mươi tuổi đã thành hôn rồi. Chị và anh Kiệt quen nhau trong buổi sinh nhật của một người bạn.
- Như vậy là tình cờ.
- Ừm.
- Nhưng mà chị này. Nếu hai người chỉ gặp nhau một lần, có thể nhớ nhau hoài không?
- Sao lại không. Nếu cả hai đều bị tiếng sét ái tình.
"Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên"
Em không nghe câu ấy sao? Mà thôi nói một chút, em lại ngạo, lại cho chị là triết gia tình yêu thì khổ lắm. Nè. Chị bắt đầu nghi ngờ em rồi đó nghen.
Thu Trang nheo mắt với Trúc Đào, trước khi bước đi. "Cái thuở ban đầu lưu luyến... ", ta và Đan Trường đã lưu luyến rồi sao? Một lần gặp gỡ nhớ nhau trọn đời. Có một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm làm Trúc Đào như muốn khóc, hình ảnh Jim hiện ra như an ủi, vuốt ve.
- Reng... reng... reng.
Chuông điện thoại reo vang làm Trúc Đào bừng tỉnh. Chắc chắn đây là điện thoại của Thúy Ái nên Đào không vội cầm máy, hãy kéo dài sự hồi hộp để câu chuyện thêm phần giá trị.
- Reng... reng... reng...
- Reng... reng... reng... reng.
Trúc Đào hét vào máy:
- Ê. Làm gì mà nôn nóng quá vậy chứ? Có biết người ta đang cuống cuồng, chân nọ quẹo qua chân kia hay không? Lẽ ra là ta gác máy mà không thèm nghe luôn, nhưng nghĩ lại thấy tội nghiệp. Thúy Ái. Em đang ở đâu vậy? Chị nói chơi thôi nghe.
-...
Giọng trả lời bên kia làm Trúc Đào hết hồn, nàng bụm miệng và xin lỗi liên tục.
-...
- Dạ thưa, anh cần tìm chị Đào phải không? Chị ấy đi vắng rồi. Cần gì, anh cứ nhắn lại.
-...
- Dạ không. Em không phải là Đào, em là Nga.
-...
- Hải Đăng à. Em nghe rồi. Việc anh mời chị Đào đi chơi chiều nay là không được, vi nhân viên nhà hàng này không nhận lời mời đi chơi với khách. Chào anh.
Trúc Đào gác máy trong lòng cảm thấy bực bực.Người gì nói chuyện cứ như ra lệnh người ta. Thật là khó ưa gì đâu. Nếu gặp một lần nửa, mình sẽ chẳng nể nang gì.
- Reng.. reng.. reng...
Chắc lại là hắn, Đào vẫn ngồi im.
- Reng.. reng.. reng...
Trúc Đào cố dồn sức lực, bắt máy lên và hét to:
- Nè. Bây giờ ông cần gì nữa vậy? Người ta không thích thì đừng có ép. Ông cần gì thì nói mau, tôi không có thời gian.
Trúc Đào cười rũ rượi khi nghe tiếng hốt hoảng của Thúy Ái.
- Hôm nay chị bị lộn tiệm hai lần rồi.
Chiều nay em đến làm nghe, chị Trang đã tha lỗi rồi.
-...
- Đừng có mà la lớn làm điếc lỗ tai người ta. Có chầu khao gì không vậy?
-...
- Được, được. Món bún bò Huế thì là hết ý rồi. Thôi nghe.
Một đoàn khách nước ngoài bước vào. Đào bận túi bụi, vừa lo ghi chép, hướng dẫn và đảm nhiệm luôn phần thông dịch. Giờ này nếu có điện của Đan Trường, Hải Đăng hoặc Thúy Ái cũng đều gác lại.
*
Hải Đăng đi tới, đi lui trong phòng với vẻ bực tức. Chàng gí điếu thuốc đang cháy dở vào chiếc gạt tàn thuốc với tất cả tức giận. Không chịu được, anh ta rít qua kẻ răng:
- Đúng là đồ chết tiệt. Tự dưng ở đâu ra một thằng Hoài An, làm cho mình tất cả mấy chục triệu đồng trong bản hợp đồng kỳ này. Đan Trường lại có vẻ tin tưởng hắn ta hơn mình. Nếu cứ mãi thế này thì thế nào nó cũng tìm ra những kẻ hở trong những hợp đồng trước.
Hải Đăng suy nghĩ mãi, cuối cùng mới quyết định:
- Mình phải kéo cho được Hoài An vào con đường này, cùng qua mặt Đan Trường. Thằng này rất khôn khéo, tài tình lại bặt thiệp, dứt khoát hắn phải hợp tác với mình.
Đăng thấy vui khi nghĩ ra được giải pháp tuyệt vời. Bước đầu tiên phải cho hắn vào mê hồn trận, phải đưa hắn đến nhà hàng Lan Anh mới được.
- Kìa, anh Đăng. Có gì mà trông anh vui quá vậy?
Hải Đăng nhịp đùi làm ra vẻ bất cần:
- Có gì đâu. Nghĩ đến chuyện vui thì cười một mình vậy mà.
- Em vừa qua công trường A, anh à. Ông Jim khi nào mới quay trở lại đây?
- Khi nào ông ấy sắp xếp công việc xong hết mới qua và ở lại đến khi công trình hoàn thành thì sẽ tính sau. Trường nè. Dạo này có nhiều hợp đồng quá, liệu Hoài An có đảm nhiệm được không?
Đan Trường mỉm cười.
- Anh đừng lo. Em tin tưởng tài của Hoài An.
Lời Đan Trường nói ra làm cho Hải Đăng càng thêm ghét Hoài An. Từ xa xôi trôi dạt về lại được tin tưởng, trong khi đó lại nghi ngờ mình.
- Đan Trường nè. Em nghĩ anh là người dưng hay sao mà bảo đừng lo. Anh em mình đã gánh vác bao nhiêu lâu, dù sao anh cũng có tí trách nhiệm chứ.
Đan Trường cười xòa:
- Anh nóng quá vậy? Em có ý nói anh đừng lo cho Hoài An kìa. Chứ công ty thì lúc nào cũng cần anh. Anh đừng hiểu lầm em.
Hải Đăng vẫn còn ấm ức, nói gằn từng tiếng:
- Trước khi An về đây, ai lo những việc đó mà bây giờ mỗi lời em nói ra đều khen nào là nó tài, nó giỏi. Anh thấy hình như em tin tưởng nó nhiều hơn anh. Em đừng ỷ y vào tình bạn thân. Bao lâu rồi em không gặp nó, có biết được nó đã làm gì trong thời gian qua.
Sống gần nhau bao lâu, Đan Trường rất hiểu tánh tình của Đăng, nên anh cố nhẫn nhục:
- Cám ơn anh đã cho em một lời khuyên hữu ích. Từ đây về sau em sẽ cẩn thận. Nhưng có điều em nghĩ mình đã chọn không lầm, vì Hoài An là người không hám của hay danh vọng gì cả. Nó sống hết mình vì bạn bè, chứ không hề thực dụng.
Có tật giật mình, Hải Đăng cảm thấy nhột nhạt trong lòng. Anh chàng nhếch mép cười:
- Thời gian còn dài, em đừng vội kết luận. Trong cuộc sống bây giờ, mọi thứ đều cần tiền. Chắc hẳn em cũng nhớ câu "Có tiền mua tiên cũng được". Anh cũng mong rằng Hoài An là một trong mười người không sống vì tiền.
Hải Đăng bước ra khỏi phòng, tức giận anh ta đóng mạnh cửa. Đan Trường nhìn theo lắc đầu ngao ngán. Vì tiền người ta có thể đánh đổi tất cả. Nếu không có An làm sao anh hiểu được lòng dạ của anh ấy. Nhưng buồn nhất là ba mẹ vẫn đặt lòng tin tưởng vào con người này.
Hải Đăng tức giận cho xe chạy đến công trường mà Hoài An đang giám sát. Hoài An đang xem đồ án và hướng dẫn công nhân giữa cái nắng oi bức.
- Hoài An ơi.
- Vâng, đợi em chút xíu.
Hoài An vẫn say sưa làm việc Một lát sau, vừa đưa tay quệt những giọt mồ hôi, miệng vừa hỏi:
- Anh Đăng. Hôm nay có việc gì mà anh đến tận nơi đây?
Đăng mở cửa xe bước xuống tươi cười:
- Trời nắng thế này mà làm việc cái nỗi gì. Đi tìm cái gì uống cho mát. Anh sẽ dẫn chú mày đến chỗ này vừa được mát lòng, lại còn được ngắm các nàng tiên kiều diễm.
Muốn tìm hiểu thêm về con người này nên Hoài An đồng ý ngay:
- Em nghĩ là anh đã nhận tiền quảng cáo cho các nhà hàng có phải không?
Hải Đăng cười ngặt nghẽo:
- Em thấy anh có triển vọng không?
- Số một. Nếu nghe anh quảng cáo, có lẽ người ta sẽ tìm đến ngay.
- Vậy à? Ủa. Hôm nay Đan Trường đi đâu mà chỉ có một mình em ở đây?
- Em cũng không rõ. Lúc nãy em thấy hình như Trường có điều gì không vui, em thì lại thích không khí vui vẻ cởi mở. Hình như là em hạp với anh hơn.
Hải Đăng cười vui vẻ:
- Đúng rồi. Anh cũng thấy vậy. Từ nay chúng ta sẽ bắt tay nhau làm ăn.
- Ô kê.
Cả hai vui vẻ khoác tay nhau đi thẳng vào nhà hàng Lan Anh.
- Chào cô nàng xinh đẹp.
Trúc Đào vui vẻ đáp lại:
- Chào hai anh.
Hoài An sững người. Người đâu mà đẹp như tiên giáng trần, hèn gì anh Đăng mê mệt.
- Nè, cô bé. Hôm anh gọi điện đến, sao em có vẻ không vui vậy?
Trúc Đào giả vờ không biết:
- Điện thoại nào? Em đâu có hân hạnh được tiếp chuyện với anh.
- Thôi mà. Nghe giọng nói của em anh đã nhận ra ngay. Hai anh lên uống bia, em có thể lên ngồi với anh được không?
Trúc Đào nghiêm nét mặt:
- Hai anh thông cảm. Em không thể rời khỏi chiếc ghế này trừ giờ giao ca. Bích Nga ơi. Mời khách giùm chị.
Hoài An thấy tình hình căng thẳng, liền kéo tay Hải Đăng bước đi.
- Mình đi thôi, anh Đăng. Này, cô Đào. Anh tôi nói giỡn chút thôi, mong cô đừng buồn.
- Dạ, không có gì.
Khi cả hai cùng ngồi xuống bàn Đăng hí hửng:
- Con bé tuyệt quá phải không?
- Vâng. Rất tuyệt.
- Ông Jim đang trồng cây si đó, mà nghe đâu con bé đã từ chối.
Bích Nga bước đến từ tốn:
- Hai anh dùng chi ạ?
Đăng lấy tay bẹo vào má của Bích Nga:
- Em cho gì thì hai anh dùng nấy.
Vừa bước đi, Nga vừa lầm bầm:
- Con người gì đâu mà không đứng đắn chút nào.
Hải Đăng vốn là người thận trọng, nên không vội gì bàn kế hoạch mà anh ta đã vạch ra trong đầu. Chỉ khi hơi men đã chuếch choáng, Đăng mới mở miệng với nét mặt buồn vời vợi:
- Công việc của Trường giao cho em thế nào? Có thấy thích hợp không?
- Cũng tạm được. Lúc trước em còn làm nhiều việc cực nhọc hơn nhiều.
Đăng ra vẻ đăm chiêu:
- Nhưng em là bạn thân của Trường mà, đáng lẽ ra chú ấy phải giao cho em một công việc nào thích hợp hơn. Ai lại nỡ để bạn mình làm ngoài nắng chang chang, còn mình thì trong phòng lạnh.
Hoài An đưa ly bia ra uống, rồi cười buồn.
- Làm việc gì cũng vậy thôi, em không bận tâm.
- Anh chỉ sợ lòng tốt của em sẽ bị lợi dụng thôi.
Hoài An khoát tay:
- Đan Trường đâu phải là người như vậy.
Hải Đăng cười khẩy:
- Chú mày quá tin người rồi. Anh đã sống trong gia đình đó lâu rồi, nên tánh tình mỗi người anh đều rõ cả.
- Được rồi. Hôm nào em sẽ nói thẳng với Đan Trường.
Hải Đăng ngăn lại.
- Tại sao lại nói thẳng? Để hôm nào anh sẽ tính cho.
- Thôi, mình về đi. Em thấy mệt quá.
Trong lúc Hoài An đi ra xe, Hải Đăng bước đến gần Trúc Đào, nói lời bỡn cợt:
- Này, cô em. Hôm nào có thể đi chơi với anh được không?
Trúc Đào cảm thấy khó chịu:
- Anh có vẻ mệt rồi, hãy về nghỉ sớm. Hôm khác đến mình sẽ nói chuyện.
Đăng vẫn cất giọng nhừa nhựa:
- Em đừng treo cao giá ngọc nữa. Có phải em chê anh không đủ tiền để bo cho em chứ gì?
- Xin anh hãy thận trọng lời nói. Tôi không phải là hạng gái như vậy.
Hải Đăng móc ra một xấp tiền đặt mạnh xuống trước mặt Trúc Đào:
- Bao nhiêu đây đủ chưa cô em?
Trúc Đào thấy bị xúc phạm nặng nề, cô lấy xấp tiền tống mạnh vào mặt Hải Đăng.
- Hãy cút khỏi nơi đây, con người vô học thức.
Đăng lượm những tờ tiền, rồi cười chọc tức:
- Thứ gái nhà hàng cùng bày đặt làm cao. Rồi sẽ có một ngày, cô sẽ hối hận.
Trúc Đào bật khóc, cô khóc thật nhiều, đây là lần đầu tiên khi thấy mình bị xúc phạm.
Buổi cơm chiều này thật tẻ nhạt vì đã vắng mặt ông Trình và Đan Trọng.
Mọi người dùng bữa vội vã. Ăn xong Đan Trường cũng rút vào phòng.
Bà Mai Phương, bước lên sân thượng nhìn xuống chiếc ghế đá ở góc vườn. Bà mỉm cười khi thấy Mai Thi đang vòi vĩnh Hoài An điều gì đó.
- Dạ, thưa bác.
- À, Đăng. Hôm nay con không có chỗ nào đi chơi hay sao?
- Dạ, không ạ. Hôm nay con mệt nhoài vì mãi lo mấy cái hợp đồng.
- Con ráng giúp đỡ cho thằng Trường. Một mình nó làm không hết, cũng may là lúc này có thêm thằng An.
- Bác à. Con thấy gia đình mình có vẻ tin tưởng Hoài An quá.
- Dù sao nó cũng là bạn thân của thằng Trường, tánh tình nó cũng rất tốt.
- Thời buổi bây giờ bác đừng đánh giá bề ngoài thì lầm chết.
- Có chuyện gì con muốn nói với bác phải không?
- Không biết có nên nói cho bác nghe hay không nữa.
- Con đã sống trong nhà bao nhiêu năm, chẳng lẽ lại không hiểu bác. Bác ghét nhất điều gì mà ai nói úp úp mở mở.
Hải Đăng đưa tay gãi đầu:
- Thưa bác, con sợ nói ra sự thật sẽ đụng chạm đến nhiều người và có người lại cho con là ích kỷ nhỏ mọn.
Bà Mai Phương mỉm cười:
- Bác hứa sẽ giữ bí mật, con cứ nói đi.
Hải Đăng bước đến gần:
- Không hiểu sao, từ khi vào đây giúp việc cho công ty đến giờ chỉ gần một tháng, mà Hoài An có số tiền rất lớn gởi ngân hàng.
- Lớn là bao nhiêu?
- Dạ hình như là khoảng mấy chục triệu.
Bà Mai Phương sửng sốt:
- Ở đâu mà nó có số tiền lớn như vậy kìa?
- Cậu ta làm bên khâu giám sát công trình, không biết là có ăn chặn vật tư hay không nữa?
- Nhưng tại sao con lại biết được điều này?
Hải Đăng bối rối:
- Dạ, vì con có một cô bạn làm kế toán bên ngân hàng, chỉ vì vô tình nên đã tiết lộ cho con biết.
- Bác sẽ nói lại cho thằng Trường nó nghe.
- Bác đừng có vội, Trường sẽ không tin đâu. Để khi nào đầy đủ bằng chứng mình sẽ lật tẩy cậu ta.
Bà Mai Phương lắc đầu buồn bã:
- Không ngờ con người dễ thay đổi trước mãnh lực của đồng tiền.
Hải Đăng chợt thấy xấu hổ khi nghĩ rằng câu nói ấy, bà Mai Phương đã nói cho mình. Nhưng cũng tại thằng An, ai biểu cứ thích xỉa mũi vào chuyện làm ăn của mình.
- Bác đừng có lo nghĩ nhiều mà có hại cho sức khỏe. Con lúc nào cũng ủng hộ Đan Trường. Thằng An muốn ra tay cũng không làm gì được đâu.
- Con hãy cố gắng giúp đỡ cho em con. Bác thấy mệt muốn đi nằm.
Trở về phòng, bà Mai Phương thấy buồn lắm. Hoài An là đứa con của người bạn quá cố của bà, bà đã đặt hết hy vọng vào cậu ta. Thế mà bây giờ...
- Mẹ Ơi, mẹ.
- Con gái gì mà chưa thấy mặt đâu đã nghe tiếng rồi.
Mai Thi sà vào mẹ nũng nịu:
- Mẹ lại rầy con nữa rồi.
- Bây giờ thì mẹ còn rầy, mai mốt về nhà người ta, muốn nghe mẹ rầy cũng không được.
Mai Thi giậm chân:
- Mẹ kỳ quá. Con sẽ ở đây với mẹ hoài, con không đi đâu hết.
Bà Mai Phương mắng yêu:
- Con gái nào mà chẳng nói vậy. Đến khi gặp phải tiếng sét rồi thì quên ngay.
- Mẹ Ơi. Mẹ có nhận xét gì về anh An?
- Tại sao con lại hỏi mẹ như vậy?
- Tại vì con định xin mẹ ít tiền, mua tặng cho anh ấy cái đồng hồ.
- Sao con nghĩ là nó sẽ nhận phần quà không có giá trị so với số tiền nó kiếm được?
Mai Thi ngạc nhiên nhìn mẹ:
- Anh ấy làm gì mà có nhiều tiền vậy hả mẹ?
- Mẹ cũng đang đi tìm câu trả lời đây.
Mai Thi có vẻ thắc mắc:
- Vậy mà anh ấy bảo với con rằng ảnh không muốn làm một người có nhiều tiền. Vì đồng tiền có thể làm người ta đánh mất cả lương tâm và còn làm cho thay đổi chính con người của mình.
- Nó đã thật sự nói với con như thế?
- Vâng. Anh ấy còn nói nhiều lắm, nhưng hôm nào con sẽ kể cho mẹ nghe. Bây giờ thì con phải đi học bài kẻo lát nữa anh Hai về sẽ mắng.
Mai Thi bước ra khỏi phòng. Bà Mai Phương ngồi thừ người ra đó. Bà biết rằng giấc ngủ sẽ không dễ dàng đến với bà hôm nay.
oOo
Trúc Đào kể lại cuộc gặp gỡ giữa mình và Hải Đăng làm cho Thu Trang cười rũ rượi.
- Em cũng thuộc loại không vừa, đã mắng người ta như tát nước vậy mà còn chưa hả dạ.
- Em còn muốn tát vào mặt hắn nữa kìa. Con người gì trơ trẽn kỳ lạ. Chị Ơi. Em cũng không hiểu được tại sao họ lại khinh thường những ai làm trong nhà hàng khách sạn.
- Em đừng buồn. Có ai ngăn được miệng lưỡi của người đời. Miễn là mình thấy lương tâm mình không cắn rứt là được rồi.
- Trúc Đào ơi. Có khách tìm con nè.
- Dạ, con ra ngay.
Một cô gái hớt hải chạy vào, thở hổn hển:
- Tuyết. Có chuyện gì mà em đến đây? Hay là...
- Ba chị bị ngất xỉu, chở vào nhà thương rồi. Em đến cho chị hay.
Trúc Đào luống cuống không biết phải làm sao.
- Để chị gọi anh Kiệt lấy xe chở hai đứa đi.
Ngồi trên chiếc xe lao vút đi, Trúc Đào lấy lại bình tĩnh hỏi thăm:
- Ba chị có nặng lắm không?
- Em không biết. Bác sĩ đang cho thở bằng bình dưỡng khí.
- Ai đã phát hiện ra ba chị bị xỉu vậy?
- Thằng Tý nó đá banh văng vào nhà chị. Nó leo qua lấy, thấy bác Nhân nằm sóng soài dưới đất, nó la quá trời.
- Không biết là ba chị đã xỉu bao lâu?
- Khi mọi người chạy đến thì mặt mày bác tím ngắt.
Trúc Đào khóc òa, làm Tuyết bối rối:
- Chắc là không sao, chị yên tâm đi.
Tuấn Kiệt vừa cầm lái, vừa khuyên lơn:
- Khóc cũng đâu giải quyết được gì. Em hãy bình tĩnh để đầu óc sáng suốt mà quyết định mọi chuyện.
Xe dừng lại, cả hai hối hả vào phòng cấp cứu. Gặp bác Năm, người hàng xóm đã đưa ông Nhân đến đây, Đào hỏi:
- Bác Năm ơi. Ba cháu thế nào?
- Đem vào phòng cấp cứu nãy giờ, cũng chưa thấy ra.
Trúc Đào đi tới, đi lui có vẻ sốt ruột:
- Cầu mong là ba con không có sao.
Cửa phòng chợt mở, một bác sĩ bước ra.
- Chào bác sĩ, tình trạng của ba tôi thế nào? Tôi có thể vào thăm được không ạ?
- Vào được, nhưng phải tránh đừng làm cho ông ấy xúc động.
- Vâng ạ. Cám ơn bác sĩ.
Trúc Đào đẩy cửa bước vào. Ba cô đang nằm trên chiếc giường với gương mặt xanh xao.
- Ba ơi. Ba có khỏe không ba?
Đôi môi ông Nhân mấp máy, thều thào:
- Trúc Đào đó hả? Ba không sao đâu con.
- Ba cứ an tâm nằm nghĩ. Con sẽ gọi em con về.
Ông Nhân khoát tay:
- Đừng làm bận tâm. Em con, hãy để cho nó yên tâm học hành.
Tuấn Kiệt bước đến bên Trúc Đào khều nhẹ:
- Đừng để bác ấy nói nhiều, không tốt đâu. Em hãy cho địa chỉ, anh sẽ đi gọi Minh Bảo cho.
Trúc Đào hí hoáy viết vào tờ giấy rồi đưa cho Tuấn Kiệt.
- Trăm sự nhờ anh. Cám ơn anh nhiều lắm.
Quay qua ông Nhân nàng bảo:
- Ba nghĩ một chút đi. Con ra ngoài một lát.
Tuyết hỏi thăm ríu rít:
- Bác Nhân khỏe rồi hả chị? Để em về lấy cho chị bộ đồ nha.
- Làm phiền em quá, chị thấy ngại.
- Chị này. Chị khách sáo, em giận chị cho coi.
Khoảng nửa đêm hôm đó, bỗng nhiên ông Nhân trở bệnh làm cho Trúc Đào quýnh quáng:
- Bác sĩ ơi. Ba tôi có làm sao không?
Bác sĩ không trả lời, chỉ lo làm công việc hô hấp. Lát sao hơi thở ông Nhân trở lại bình thường, bác sĩ quay qua Trúc Đào:
- Khi nào cô rảnh, hãy đến phòng trực gặp tôi.'
- Dạ, lát nữa tôi sẽ đến.
Nhìn gương mặt của ba tái nhợt, Đào thấy đau lòng. Phải chi người bệnh là cô, chớ đừng hành hạ thân xác người cha già mà cô và Minh Bảo chỉ còn đó là điểm tựa cuối cùng.
- Thưa bác sĩ, có việc gì ạ?
- Gia đình có còn ai nữa không?
- Dạ, còn một đứa em trai đang đi học.
- Hiện nay cô đang làm việc ở đâu, hay là ở nhà?
- Dạ, cháu đang làm tiếp tân cho một nhà hàng.
- Mức thu nhập của gia đình có còn khoản nào khác nữa không?
- Dạ không. Chỉ nhờ vào lương của cháu. Có chuyện gì mà bác sĩ lại hỏi như vậy?
Bác sĩ tỏ ra băn khoăn:
- Tình trạng sức khỏe của ba cô không mấy khả quan, có thể nguy hiểm đến tánh mạng trong bất cứ lúc nào, nên cần phải có một ca ghép tim.
Trúc Đào lo sợ:
- Vậy thì chi phí của một ca ghép tim như thế thì khoảng bao nhiêu ạ.
- Cũng khoảng gần mười triệu.
Trúc Đào mếu máo:
- Làm sao cháu kiếm ra khoảng tiền đó. Không còn cách nào sao bác sĩ?
Ông bác sĩ lắc đầu:
- Không. Nhưng cách đó cũng chưa chắc, vì hiện nay sức khỏe của ba cô còn yếu lắm.
- Dạ, vậy để cháu về bàn lại với đứa em xem sao?
- Điều cần nhất bây giờ là phải thường tẩm bổ để ông ấy mau lấy lại sức.
- Vâng. Cám ơn. Chào bác sĩ.
Trúc Đào bước ra khỏi cửa thì thấy hai y tá khiêng chiếc băng ca, người nằm trên đó được phủ một tấm vải trắng, cô nghĩ dại nếu như mình không lo được số tiền thì có ngày ba mình sẽ như vậy. Trong tiềm thức cô như gào thét. Phải có tiền. Phải có tiền. Mãi suy nghĩ, Đào đi qua khỏi phòng ông Nhân.
- Chị Đào. Chị đi đâu vậy?
- Ủa, Tuyết. Em tới khi nào vậy?
- Em mới tới. Em có nấu cơm đem vào cho chị ăn nè.
- Chị cám ơn. Vì cha con chị mà em phải nhọc sức.
- Chị này có bấy nhiêu đó có đáng gì, so với việc chị giúp mẹ em qua khỏi cơn bệnh còn lớn hơn nhiều.
Trúc Đào mỉm cười xua tay:
- Thôi, thôi. Đừng kể ơn nghĩa ra nữa. Chị nghe muốn thuộc lòng rồi nè.
- Chị này kỳ ghê chưa. Không muốn nghe người khác kể ơn mà lúc nào thì miệng cũng nói ơn nghĩa.
- Thôi, chị thua em luôn.
Trúc Đào đang ngồi đọc báo, chợt nghe tiếng rên khe khẽ:
- Nước... cho ba miếng nước.
Trúc Đào đỡ đầu ba dậy:
- Nước đây, ba uống đi.
Ông Nhân nằm xuống thở dốc:
- Từ hôm qua đến giờ con vẫn ở đây sao?
- Dạ.
- Con nghĩ lâu quá, có ảnh hưởng đến công việc không con?
- Dạ, không sao. Nếu ngày mai Minh Bảo về kịp, con sẽ đi làm.
- Thấy con cực khổ, ba không cam lòng.
- Ba đừng nghĩ ngợi lung tung, cố ngủ một giấc dài tỉnh lại sẽ thấy khỏe ngay.
Trúc Đào nhìn ba mình chìm trong giấc ngủ, gương mặt ông tươi tắn, có lúc còn mỉm cười. Cô thấy thương cho ba, thân già trống nuôi con từ bé đến giờ, Trúc Đào chưa hề nghe ba mình than thở một điều gì? Mẹ đã mất chỉ còn lại người cha này, Trúc Đào quyết bằng mọi cách phải cứu sống tánh mạng của ba.