Dịch giả: Lê Hồng Sâm
Chương 1

"Thây kệ!" lão Roland thốt kêu lên, đã một khắc đồng hồ lão im lìm bất động, mắt đăm đăm nhìn mặt nước, thỉnh thoảng nhấc thật khẽ sợi dây câu buông xuống đáy biển.
Bà Roland đang thiêm thiếp ngủ ở phía sau con tàu, bên cạnh bà Rosémilly được mời dự buổi câu, chợt tỉnh giấc, và quay đầu về phía chồng:
"Nào..nào..Gérôme!"
Ông lão giận dữ đáp:
 "Nó không hề đớp mồi nữa. Suốt từ trưa tôi chẳng được gì. Lẽ ra chỉ nên đi câu giữa cánh đàn ông với nhau, đàn bà bao giờ cũng làm mình xuống tàu quá muộn."
Hai con trai ông, Pierre và Jean, người bên mạn phải, người bên mạn trái, mỗi người cầm một sợi dây câu cuốn vào ngón tay trỏ, bật cười cùng một lúc và Jean đáp:
"Cha à, cha không lịch sự với bà khách của chúng ta rồi."
Ông Roland thẹn thùng, và tạ lỗi:
"Bà Rosémilly, xin bà tha thứ, tính tôi nó vậy đấy. Tôi mời các quý bà vì tôi ưa ở bên các bà, ấy thế rồi, với cảm thấy mặt nước bên dưới mình, là tôi chỉ còn nghĩ đến cá."
Bà Roland đã tỉnh hẳn và nhìn với vẻ cảm động chân trời bát ngát những biển những bờ dốc. Bà nói nhỏ:
"Vậy mà mấy bố con đã câu được kha khá đấy."
Nhưng ông chồng vừa lắc đầu ra ý không phải như thế, vừa đưa con mắt độ lượng nhìn chiếc giỏ trong đó số  cá ba người bắt được hãy còn mơ hồ quẫy cựa với tiếng động nhè nhẹ của vẩy trơn nhầy và vây giương lên, của những cố gắng uể oải và bất lực, của những cái ngáp trong không khí chết chóc.
Lão Roland kẹp giỏ giữa hai đầu gối, giốc nghiêng, cho dòng cá ánh bạc chảy tới miệng giỏ để xem zcon trong đáy, và tiếng quẫy cựa hấp hối của chúng tăng thêm, và mùi nồng nồng từ thân mình chúng, một mùi tanh lành mạnh của cá biển tươi bốc lên từ lòng chiếc giỏ đầy.
Ông lão đánh cá sốt sắng hít mùi ấy, như người ta ngửi hoa hồng, và tuyên bố:
"Chà! Những con này tươi thật"
Rồi ông nói tiếp:
"Anh được mấy con thế, bác sĩ?"
Anh con trưởng Pierre, một người trạc ba mươi, đầu tóc đen, xén tỉa như râu các pháp quan, cằm và ria mép cạo nhẵn, đáp:
"Ô! Ba bốn con gì đó, chẳng nhiều nhặn gì".
Ông bố quay sang con thứ:
"Còn anh, Jean?"
Jean, một chàng trai cao lớn, tóc vàng, râu rất rậm, trẻ hơn anh nhiều, mỉm cười nói nhỏ:
"Đại để như Pierre, bốn hoặc năm con".
Lần nào họ cũng nói dối y như vậy, khiến lão Roland phấn khởi.
Ông đã cuốn dây câu vào cọc một mái chèo, rồi khoanh tay, thông báo:
"Tôi sẽ chẳng bao giờ thử câu vào buổi chiều nữa. Hễ quá mười giờ là hỏng. Nó không đớp nữa, cái đồ khốn ấy, nó ngủ giấc trưa dưới nắng."
Ông lão nhìn biển quanh mình với vẻ thoả mãn của người sở hữu.
Đó là một nhà cựu kim hoàn ở Paris, vì mê bơi thuyền và câu cá quá thể nên đã dứt khỏi quầy hàng ngay khi vừa đủ sung túc để có thể sống khiêm nhường  giản dị bằng tiền niên kim.
Vậy là ông rút về Le Havre, mua một con thuyền và thành thuỷ thủ nghiệp dư. Pierre và Jean, hai con trai ông, ở lại Paris để tiếp tục học hành và thỉnh thoảng về nghỉ chia sẻ thú vui cùng bố.
Hết bậc trung học, anh con trưởng Pierre, hơn em năm tuổi, liên tiếp cảm thấy có  thiên hướng với những nghề nghiệp khác nhau, đã lần lượt thử độ chừng nửa tá nghề, rồi, nghề nào cũng chóng chán, lại lao ngay vào những hy vọng mới.
Cuối cùng ngành y hấp dẫn chàng, và chàng đã làm việc hết sức hăng hái thành thử chàng vừa ra bác sĩ sau thời gian học hành khá ngắn cùng cái giới hạn miễn trừ được bộ trưởng cho phép. Chàng thông minh, phấn khích, hay thay đổi và gan dạ, đầy quan niệm triết lý và những ý nghĩ không tưởng.
Còn Jean, tóc ông anh đen bao nhiêu thì tóc chàng hoe vàng bấy nhiêu, ông anh nóng nảy bao nhiêu thì chàng điềm tĩnh bấy nhiêu, ông anh hay hờn oán bao nhiêu thì chàng hiền hậu bấy nhiêu. Jean đã bình thản học xong ngành luật và vừa đậu bằng cử nhân cùng thời gian Pierre được bằng bác sĩ.
Vậy là cả hai cùng về nghỉ ngơi đôi chút tại gia đình, và cả hai cùng dự định lập nghiệp ở Le Havre nếu như họ thực hiện được việc này trong điều kiện thoả đáng.
Nhưng một niềm ganh ghét mơ hồ, một trong những niềm ganh ghét lặng lờ, cứ lớn dần mà hầu như không thấy giữa anh em trai hay chị em gái cho đến lúc trưởng thành và bùng nổ nhân một cuộc kết hôn hoặc một hạnh phúc rơi vào tay ai khiến cho hai người đều cảnh giới trong một mối tư thù mang tình huynh đệ vô hại. Tất nhiên họ yêu nhau, nhưng họ rình rập nhau. Pierre, năm tuổi khi Jean ra đời, đã nhìn với mối ác cảm của con thú vốn được nuông chiều, cái con thú nhỏ kia đột nhiên xuất hiện trong vòng tay bố mẹ mình, và được họ yêu đến thế, nựng nịu đến thế.
Từ bé, Jean đã là một mẫu mực về nết hiền hậu, tính tốt bụng và tính tình ôn hoà, còn Pierre dần dần thấy bực tức vì cứ nghe tán dương, không ngớt cái gã phục phịch mà chàng thấy tính hiền hoà dường như là sự mềm yếu, lòng tốt dường như sự ngô nghê và tính khoan dung dường như sự mù quáng. Bố mẹ chàng là những người bình thản, mơ tưởng cho hai con những địa vị thích đáng và tầm thường, chê trách nơi chàng những điều lưỡng lự, những nhie6.t tình, những toan tính bất thành, mọi hưng phấn vô ích, hướng về những ý tưởng quảng đại và những nghề nghiệp hào nhoáng.
Từ khi chàng trưởng thành, mọi người không ngớt bảo chàng "Hãy nhìn Jean và bắt chước nó!" nhưng mỗi lần nghe lập lại "Jean đã làm cái này, Jean đã làm cái nọ", chàng hiểu rõ ý nghĩa và điều ám chỉ gì ẩn giấu ay những lời lẽ ấy.
Mẹ họ, một người đàn bà ngăn nắp, một phụ nữ trưởng giả tằn tiện, ít nhiều đa cảm, có một tâm hồn nữ thủ quỹ dịu dàng, không ngừng hoà hoãn những đối địch nảy sinh hàng ngày giữa hai con trai bà, về mọi sự việc  vụn vặt trong cuộc sống chung. Vả lại, một biến cố nhỏ giờ đây đang khuấy động sự an tĩnh nơi bà, và bà sợ có rắc rối, vì vào mùa đông, trong khi các con mỗi người đều đang học cho xong ngành chuyên môn của mình, bà đã làm quen với một người láng giềng, bà Rosémilly, vợ góa một thuyền trưởng viễn dương, chết trên biển cách đây đã hai năm. Người quả phụ trẻ, rất trẻ, hai mươi hai tuổi, một phụ nữ giỏi giang, am tường cuộc sống theo bản năng, như một động vật thung dung phóng khoáng, như thể nàng đã thấy, đã trải, đã hiểu và đã nhắc mọi biến cố có thể xảy tốt, được nàng xét đoán với một đầu óc lành mạnh, thiển cận và khoan dung đã thành thói quen tối tối đến trò chuyện đôi ba câu, dệt đôi ba đường thảm, ở nhà những vị láng giềng niềm nở thường đãi nàng tách trà.
Lão Roland, bị cái tật làm ra bộ thuỷ thủ kích thích không ngừng, thường hỏi han bà bạn mới quen về vị thuyền trưởng quá cố, và nàng nói về ông, về những chuyến đi của ông, về những chuyện ông kể ngày trước, không bối rối, rõ ra người biết điều và cam chịu, mên yêu cuộc sống và tôn trọng cái chết.
Hai người con trai, khi trở về, thấy người goá phụ xinh đẹp kia yên vị trong nhà, lập tức bắt đầu săn đón nàng, vì mong được lòng nàng ít hơn là ý muốn hất cẳng nhau.
Bà mẹ thận trọng và thiết thực hết sức hy vọng một trong hai người sẽ chiến thắng, bởi thiếu phụ giàu có, nhưng bà cũng mong sao người kia không vì thế mà phiền não.
Bà Rosémilly có mái tóc vàng với đôi mắt biếc, có một vành tóc tơ buông lơi tinh nghịch tung bay trước mỗi làn gió nhẹ và một dáng dấp ngang nghiên bạo dạn, gây gổ chẳng phù hợp chút nào với cách thức suy nghĩ khôn ngoan nơi nàng.
Nàng đã có vẻ ưa Jean hơn, hướng tới chàng do thật sự tương tự về bản chất. Vả lại niềm thiên ái ấy được bộc lộ qua một chút khác biệt hầu như không cảm thấy được, trong ánh nhìn và giọng nói, và còn có đôi khi nàng hỏi ý kiến chàng.
Nàng như đoán được rằng ý của Jean sẽ củng cố thêm ý của chính mình, còn ý của Pierre ắt không tránh khỏi khác biệt. Khi nói về tư tưởng của chàng, về những tư tưởng chính trị, nghệ thuật, triết lý, đạo đức của chàng, thỉnh thoảng nàng bảo "Những điều hão huyền của anh". Thế là, chàng liền nhìn nàng bằng ánh mắt lạnh của vị pháp quan xét xử những người đàn bà, tất cả đàn bà, những sinh linh tội nghiệp!
Trước khi các con trở về, chưa khi nào ông lão Roland mời bà Rosémilly đi câu, ông cũng chẳng bao giờ đưa vợ theo, vì ông thích lên thuyền trước khi trời sáng, cùng với thuyền trưởng Beausire, một thuyền trưởng đường trường đã nghỉ hưu, gặp gỡ ở bến cảng vào các giờ nước triều lên rồi thành bạn chí thân, và lão thuỷ thủ già Papagris, biệt hiệu Jean-Pips, chịu trách nhiệm trông coi con thuyền.
Thế rồi, tuần trước, vào một buổi tối, khi bà Rosémilly vừa dùng bữa chiều tại nhà ông, nói "Đi câu chắc là vui lắm nhỉ?" nhà cựu kim hoàn, được tán dương trúng niềm đam mê và bỗng muốn quảng bá nó, muốn chiêu mộ tín đồ như kiểu các tu sĩ, reo lên:
"Bà có muốn đi cùng không?"
"Có chứ".
"Thứ ba tới nhé?"
"Vâng, thứ ba tới".
"Bà là người phụ nữ ra đi vào năm giờ sáng được chứ?"
Nàng thốt lên một tiếng kêu sửng sốt:
"Ôi! Không đâu, đi thế nào được!"
Ông thất vọng, nguội bớt nhiệt tình, và ông bỗng hoài nghi thiên hướng nọ.
Tuy vậy ông vẫn hỏi:
"Thế bà đi được vào mấy giờ?"
"À…chín giờ".
"Không sớm hơn được ư?"
"Không, không được. Thế đã là sớm lắm rồi".
Ông lão do dự. chắc chắn sẽ chẳng câu được gì vì nếu mặt trời hun nóng, cá không cắn mồi nữa, nhưng hai anh em đã sốt sắng thu xếp chuyến đi, sắp đặt mọi sự và giải quyết mọi sự tức thời.
Vậy là, ngày thứ ba tuần sau, con thuyền đã buông neo dưới những núi đá trắng ở mũi Le Hève, mọi người câu cho đến giữa trưa, rồi thiu thiu ngủ, rồi lại câu, mà chẳng được gì, và ông lão Rolanhd, hiểu ra hơi muộn rằng bà Rosémilly thực ra chỉ ưa thích và chỉ thưởng thức việc du ngoạn trên biển, lại thấy các dây câu của mình không giật dây nữa, đã văng ra, trong một cơn nóng nảy chẳng suy xét, cái tưởng thây kệ sỗ sàng dành cho cả nàng quả phụ thờ ơ cả những con cá không sao bắt nổi.
Giờ đây, ông nhìn chỗ cá câu được, cá của ông. Một niềm  vui rung động của kẻ biển lận, rồi ông ngước mắt lên trời, thấy mặt trời đang lặn.
"Nào! Các con, ông nói, hay ta quay về chút đỉnh?"
Cả hai kéo dây câu lên, cuốn lại, móc lưỡi câu đã lau sạch vào những nút gỗ bâc rồi đợi.
Roland đứng lên thăm dò chân trời theo kiểu một thuyền trưởng. Ông bảo:
"Không có gió nữa, ta chèo thôi các cậu".
Và đột nhiên, giang tay về hướng Bắc, ông nói thêm:
"Kìa, kìa, tàu từ Southampton".
Trên mặt biển phẳng lặng, căng ra như tấm vải, xanh ngắt, bát ngát, sáng loáng, lấp lánh ánh vàng xuất hiện, đàng kia, theo hướng ông chỉ, một áng mây đen đưa toả lên nền trời hồng. Và người ta nhận ra, bên dưới, con tàu ở quá xa nên dường như bé tí.
Roland hỏi:
"Có phải hôm nay tàu Normandie về không nhỉ?"
Jean đáp:
"Phải đấy, cha ạ".
"Đưa cho cha cái ống nhòm, cha chắc đằng kia là tàu ấy đấy".
Ông bố dương chiếc ống đồng, áp vào mắt, tìm điểm ngắm, rồi đột nhiên, phấn khởi vì đã nhìn thấy:
"Phải, phải, đúng nó rồi, ta nhận ra hai ống khói của nó. Bà có muốn nhìn không, bà Rosémilly?"
Nàng cầm lấy ống nhòm, hướng về phía con tàu xuyên đại dương xa vời, chắc hẳn không chỉnh được cho nó đối diện con tàu, vì nàng chẳng nhận thấy gì hết, chỉ có màu xanh lam. Với một quầng màu, một cầu vồng thật tròn, rồi những vật kỳ quặc, những thứ ẩn ẩn, hiện hiện, khiến nàng nôn náo choáng váng.
Nàng vừa trả chiếc ống nhòm vừa nói:
"Với lại tôi chưa bao giờ biết dùng cái dụng cụ này. Chuyện ấy thậm chí làm nhà tôi nổi giận, ông thường ở bên cửa sổ hàng giờ nhìn tàu bè qua lại".
Lão Roland phật ý bảo:
"Chắc hẳn do mắt bà có tật gì, vì kính của nó rất tốt".
Rồi ông đưa cho vợ:
 "Mình có muốn xem không?"
"Không, cám ơn mình, tôi biết trước là sẽ không làm được".
Bà Roland, một phụ nữ bốn mươi tám tuổi nhưng trẻ hơn tuổi, dường như vui hưởng hơn tất cả mọi người, cuộc du ngoạn và buổi chiều tà này.
Mái tóc hạt dẻ của  bà chỉ mới chớm bạc ấy có một vẻ điềm tĩnh và biết điều, một vẻ hạnh phúc và nhân hậu thật ưa nhìn. Theo cách nói của cậu con trai Pierre, bà biết gía trị của tiền bạc, điều này không hề cản trở bà hưởng cái thú mơ mộng. Bà thích đọc sách, thích tiểu thuyết và thơ ca, không phải vì gía trị nghệ thuật của chúng, mà vì trạng thái mơ tưởng buồn và dịu dàng chúng khơi dậy nơi bà. Một đôi điều nhiều khi vô vị, nhiều khi dở, làm rung tơ lòng, như bà nói, khiến bà có cảm giác về một ước nguyện huyền bí hầu như đã thành. Và bà thích thú những tình cảm nhẹ nhàng ấy, chúng làm xao động đôi chút tâm hồn chỉn chu ngăn nắp như một cuốn sổ kế toán của bà.
Từ khi đến Le Havre, bà đẫy ra khá rõ, thân hình xưa kia rất uyển chuyển và rất mảnh mai thành ra nặng nề.
Chuyến đi biển này làm bà phấn khởi. Ông chồng, không ác, nhưng hay gắt gỏng bà như các nhà chuyên chế chốn cửa hàng thường gắt gỏng mà không giận dữ và không căm ghét, với họ chỉ huy tương đương với rủa xả. Trước mọi người lạ, ông giữ gìn nhưng trong gia đình thì ông  buông thả và lmà ra bộ dạng ghê gớm, tuy ông sợ tất cả mọi người. Bà, vốn ghét ầm ĩ, ghét những vụ cãi cọ, những chuyện phân trần vô bổ, nên luôn luôn nhường nhịn và không bao giờ đòi hỏi điều gì, bởi thế từ lâu lắm rồi, bà không còn dám yêu cầu Roland đưa mình đi chơi biển. Vậy là bà đã vui mừng nắm lấy cơ hội, và đang an hưởng lạc thú hiếm có và mới mẻ này.
Từ lúc khởi hành, bà hoàn toàn buông mình, cả thể chất lẫn tinh thần, theo sự lướt trôi êm đềm trên mặt nước. Bà không hề nghĩ ngợi, bà không phiêu diêu trong hồi ức hay trong hy vọng, bà thấy lòng bà dường như đang bập bềnh giống như thân thể trên một cái gì mềm dịu, lưu chuyển, tuyệt vời, nó ru bà khiến bà tê mê.
Khi ông bố ra lệnh quay về "Nào, vào vị trí để chèo!" thì bà mỉm cười nhìn hai con trai, hai người con trai cao lớn của bà, cởi áo ngoài và xắn ống tay áo sơ mi trên những cánh tay trần.
Pierre ở gần hai người đàn bà hơn, cầm lấy mái chèo mạn phải, Jean cầm chèo mạn trái và họ chờ chủ thuyền hô "Tất cả hướng về phía trước!" vì ông muốn các thao tác phải được tiến hành đúng quy luật.
Cùng một lúc, cùng một nỗ lực, họ thả mái chèo rồi vừa ngả mình ra phía sau vừa chèo mạnh hết sức mình, và một cuộc đấu khởi đầu để phô trương sự cường tráng nơi họ. Họ đã căng buồm ra khơi thật êm ả nhưng giờ đây gió lặng và lòng kiêu hãnh nam nhi ở hai anh em bỗng nhiên thức tỉnh mọi triển vọng người nọ đua tài cùng người kia.
Khi chỉ có hai anh em đi câu cùng ông bố, họ cứ chèo mà chẳng ai cầm lái, vì Roland vừa soạn dây câu vừa canh chừng sự vận hành của con thuyền được ông điều khiển qua một cử chỉ hoặc một câu "Jean, chùng bớt!" – "Này, Pierre, căng lên" Hoặc ông bảo "Nào, số một, nào số hai, dẻo tay hơn". Anh chàng đang vơ vẩn mơ màng bèn chèo mạnh hơn, anh chàng đang bốc liền bớt hăng đi, và thuyền lại đi thẳng.
Ngày hôm nay họ sẽ phô bày cơ bắp của mình. Cánh tay Pierre nhiều lông, hơi gầy, nhưng gân guốc, cánh tay Jean mập và trắng, hơi hồng hồng với một múi bắp cuộn lên cuộn xuống dưới làn áo.
Thoạt tiên Pierre chiếm ưu thế. Răng nghiến, trán cau cau, chân duỗi căng, hai bàn tay quắp lấy mái chèo, mỗi cố gắng của chàng khiến cây chèo oằn xuống hết chiều dài, và thuyền Perle tiến về phía bờ biển. Lão Roland ngồi đàng trước để nhường cả chiếc ghế dài phía sau cho hai phụ nữ, ra lệnh hết cả hơi "Số một, nhẹ thôi – số hai, căng lên". Số một càng điên cuồng hơn, và số hai không thể đáp ứng được cách chèo hỗn loạn nọ.
Cuối cùng ông chủ hạ lệnh "Dừng lại!" Hai mái chèo cùng nhấc lên và Jean, theo lệnh bố, chèo một mình vài khoảnh khắc. Nhưng kể từ lúc ấy chàng lại giữ ưu thế, chàng phấn khích, bốc lên, trong khi Pierre hết hơi, kiệt sức vì cơn hăng máu, yếu đi và thở hổn hà hổn hển. Bốn bận liền lão Roland cho dừng thuyền những cho anh lấy lại hơi và để chính con thuyền đang chỉnh hướng. Thế là chàng bác sĩ, trán đẫm mồ hôi, mặt đỏ ửng, mất thể diện và điên giận, lắp bắp:
"Chẳng biết tôi bị  cái gì, tim tôi co thắt lại. Tôi đã khởi đầu rất tốt, rồi cái đó làm tay tôi rời rã".
Jean hỏi:
"Anh có muốn em chèo một mình bằng mái chèo đôi không?"
"Không, cám ơn, rồi nó sẽ khỏi thôi".
Bà mẹ buồn phiền, bảo:
"Này, Pierre, để mình lâm vào tình trạng như thế thì có nghĩa lý gì chứ, con có là trẻ con nữa đâu".
Chàng nhún vai rồi lại tiếp tục chèo.
Bà Rosémilly dường như không nhìn thấy, không nghe thấy, không hiểu. Mái đầu nhỏ tóc vàng, cứ mỗi lần con thuyềnh vận động, lại hất ra phía sau với một động tác đột ngột và yêu kiều làm bay lên những sợi tóc tơ trên hai thái dương.
Nhưng lão Roland reo to "Này, tàu Vương công Albert đuổi kịp ta kìa". Và mọi người cùng nhìn. Dài, thấp, với hai ống khói chúc về phía sau, với hai khuông màu vàng, tròn như đôi má, con tàu Southhampton tiến lại rất nhanh, trên tàu đầy hành khách và những chiếc dù dương lên. Những bánh xe quay tít, ồn ào, vỗ nước toé bọt lả tả, khiến nó có một vẻ vội vã, vẻ của con tàu thư hối hả, và mũi tàu thẳng tắp rẽ mặt biển, làm tung lên hai làn sóng mảnh và trong suốt trư trườn dọc thành tàu.
Khi tàu đến sát gần thuyền Perle, lão Roland nhấc mũ, hai người đàn bà vẫy khăn tay, và khoảng nửa tá dù đáp lại những cái chào này sốt sắng, đung đưa trên con tàu đang đi xa dần, để lại đằng sau, trên mặt biển êm ả và sáng loà, vài gợn sóng chậm rãi.
Và họ nhìn thấy những tàu khác, cũng có vầng khói bên trên, từ mọi ngả chân trời chạy về con đê ngắn màu trắng đang nuốt chửng chúng như một cái miệng, tàu nọ tiếp tàu kia. Rồi những thuyền đánh cá và những thuyền buồm lớn với các cánh buồm mảnh nhẹ lướt trên nền trời, được những tàu kéo không nhìn thấy kéo đi, tất cả đều tiến, hoặc nhanh hoặc chậm, về phía con quỷ phàm ăn, con này, thỉnh thoảng, dường như đã no nê, và phun ra lại biển khơi một hải đoàn khác gồm những tàu, những thuyền nhỏ hai buồm, những thuyền những tàu nhẹ, những con tàu ba cột buồm đầy những dây những mảng buồm nhằng nhịt. Những chiếc thuyền máy tẩt tả vút sang phải, sang trái, trên lòng Đại dương phẳng lặng, trong lúc các tàu chạy buồm, được những con tàu nhỏ kéo về rồi lại bỏ đó, đứng im lìm, khoác trên mình từ cột lớn cho đến cột nhỏ, vải buồm trắng hay buồm nâu trông tựa như màu đỏ dưới ánh tà dương.
Bà Roland, mắt lim dim, thì thầm:
"Chúa ơi! Mặt biển này, sao mà đẹp đến thế!"
bà Rosémilly đáp lại, với tiếng thở dài lâu dứt, thản nhiên không có gì buồn bã:
"Vâng, nhưng đôi khi nó gây nhiều tai hoạ".
Roland reo lớn:
"Này, tàu Normandie đang  vào bến. Nó to quá, nhỉ?"
Rồi ông giảng giải về bờ biển trước mặt, đàng này, đằng kia, mạn bên kia cửa sông Seine – hai mươi cây số, cái cửa sông ấy – ông bảo thế. Ông chỉ Trouville, Houlgate, Luc, Arromanches, vùng Caen và những tảng đá miền Calvados khiến tàu bè qua lại gặp nguy hiểm cho tới tận Cherbourg. Rồi ông bàn đến vấn đề những giải cát ở sông Seine, sự di chuyển theo mỗi đợt thuỷ triều làm cho chính các hoa tiêu ở Quilleboeuf cũng mắc sai lầm, nếu như hàng ngày họ không đi khắp con lạch dẫn vào con sông. Ông lưu ý Le Havre ngăn cách miền Hạ Normandie với miền Thượng ra sao. Ở Normandie hạ, bờ biển bằng phẳng, thoai thoải những bãi chăn gia súc, những đồng cỏ, những thửa ruộng cho đến biển. Ngược lại, bờ biển Normandie thượng bị thẳng đứng, một bờ dốc cao, khúc khuỷu, lô cốt hùng vĩ, tạo nên một bức thành trắng bát ngát đến tận Dunkerque, mỗi hõm đều ẩn một thôn làng hay một bến cảng: Etertat, Fécamp, Sain-Valéry, Tréport, Dieppe. v..v..
Hai người đàn bà chẳng hề nghe ông nói, họ đang tê mê vì khoan khoái dễ chịu, xúc động vì cảnh Đại dương chi chít tàu thuyền chạy tới chạy lui như những con thú quanh hang ổ của chúng, và họ ít tiếng, hơi bị áp đảo bởi viễn cảnh mênh mang sóng nước, trở nên lặng lẽ do buổi tà dương êm ả và huy hoàng. Một mình Roland nói không dứt, ông thuộc loại người chẳng điều gì lmà cho bối rối. Những người phụ nữ, thần kinh dễ căng thẳng hơn, đôi khi cảm thấy mà không hiểu vì sao tiếng ồn của cái giọng nói vô  bổ lại gây bực tức như một điều thô tục.
Pierre và Jean, đã bình tĩnh lại, chèo thong thả và thuyền Perle đi về cảng, nhỏ xíu bên những con tàu lớn.
Khi thuyền cập bến, lão thuỷ thủ Papagris đang đợi, dắt tay các bà bước xuống, rồi mọi người vào thành phố. Một đám người đông đúc, bình lặng, đám đông ngày nào cũng ra đê vào giờ thuỷ triều lên và cùng ra về.
Bà Roland và bà Rosémilly đi trước, ba người đàn ông theo sau. Khi ngược lên phố Paris, thỉnh thoảng hai bà dừng chân trước một hiệu thời trang hay kim hoàn để ngắm một chiếc mũ hay một đồ trang sức, rồi họ lại đi tiếp sau khi đã trao đổi ý kiến.
Đến trước quảng trường Sở Giao dịch, Roland ngắm, như ngày nào ông cũng ngắm, vũng đậu Commerce đầy tàu thuyền, có những vũng khác tiếp đó, nơi các vỏ tàu lớn kề nhau san sát bốn năm hàng. Toàn bộ những cột buồm nhiều vô kể, trên mặt biển trải rộng nhiều cây số, toàn  bộ những cột buồm với trục, cọc nhọn, dây dợ, làm cho cái khoảng trống mở ra giữa thành phố có dáng dấp một khu rộng lớn chết khô. Bên trên cánh rừng không lá với những con hải âu bay lượn, rình mọi thức ăn được trút xuống nước, để lao xuống như một viên đá nhọn và một thuỷ thủ nhỏ, đang buộc chiếc ròng rọc trên ngọn một cột buồm, trông cứ như trèo lên đó để mà tìm tổ chim.
Bà Roland hỏi bà Rosémilly "Bà có vui lòng dùng với chúng tôi bữa tối, chẳng kiểu cách gì, để ta ở bên nhau hết ngày không?"
"Có chứ ạ, em cũng xin nhận lời không kiểu cách gì cả. Về một mình tối nay thì buồn lắm".
Pierre, đã nghe thấy và bắt đầu phật ý vì sự thờ ơ của thiếu phu, lẩm bẩm "Thế đấy, giờ đây chị góa bám chặt". Từ mấy ngày nay anh gọi nàng là "chị góa". Cái tiếng ấy chẳng bỉêu lộ gì, chỉ riêng giọng nói khiến Jean bực dọc, chàng thấy nó có vẻ độc ác và xúc phạm.
Và ba người đàn ông không nói năng gì nữa cho đến tận thềm nhà. Đó là một ngôi nhà hẹp, gồm một tầng trệt và hai gác nhỏ, ở phố Belle Normandie. Cô hầu gái Joséphine, mười chín tuổi, là người vùng quê đi ở với công xá rất hạ, có đến cao độ cái vẻ ngơ ngác và súc vật của nông dân, ra mở cửa rồi đóng lại, đi sau chủ nhân cho đến phòng khách ở tầng gác gần nhất, rồi cô bảo:
"Có một ông nào ý đến đây ba bận".
Lão Roland, chẳng khi nào nói năng với cô ấy mà không hét lác không chửi rủa, quát:
"Mẹ kiếp, ai đến mới được chứ?"
Cô chẳng bao giờ bối rối vì những tiếng la hét của ông chủ, nên nói tiếp;
"Một ông ở đằng ông công chứng ý".
"Công chứng nào?"
"Ông Canu ý chứ ai".
"Thế cái ông ấy bảo gì?"
"Bảo là ông Canu tự đến tối nay".
Luật sư Lecanu là công chứng viên và phần nữa là bạn của lão Roland, trông nom công việc cho ông. Ông ta báo sẽ đến vào buổi tôi, là phải có chuyện gì khẩn cấp và hệ trọng, và bốn người nhà Roland nhìn nhau, bối rối vì tin này như những người gia sản ít ỏi thường bối rối mỗi khi có công chứng viên can dự, sự can dự đó khơi dậy một loạt ý tưởng về khế ước, gia tài, kiện tụng, những điều đáng mong hơn đáng sợ. Ông bố, sau vài giây im lặng, nói nhỏ:
"Chuyện này có thể ra thế nào nhỉ?"
Bà Rosémilly cười bảo:
"Một gia tài đấy. Tôi tin chắc thế. Tôi đem lại vận may mà".
Nhưng họ chẳng trông mong cái chết của người nào đó có thể để lại cho họ cái gì đó.
Bà Roland, có trí nhớ rất giỏi về thân tộc, lập tức tìm kiếm mọi môi quan hệ bên chồng và bên mình, soát ngược lên các đời trong họ, theo dõi các chi các ngành.
Bà hỏi, mà thậm chí chưa bỏ mũ ra:
"Này bố (ở nhà bà gọi chồng là "bô", và thỉnh thoảng là "ông Roland" trước người lạ) này, bố nó có nhớ ai đã lấy Joseph Lebru không bằng, lần kết hôn sau ấy?"
"Có, một cô con gái họ Duménil, con một nhà làm giấy".
"Họ có con không?"
"Tôi cho là có đấy, ít ra ba bốn đứa".
"Không, thế thì đằng ấy chẳng có gì đâu".
Họ đã phấn khích trong việc tìm kiếm này, bà dành lấy mối hy vọng có được chút sung túc rơi từ trên trời xuống. Nhưng Pierre, rất yêu mẹ, biết tính mẹ ưa mơ mộng, và sợ một sự tan vỡ ảo tưởng, một phiền muộn nhỏ, một nỗi buồn nhỏ, nếu như cái tin thay vì tốt lành, lại là tin xấu, anh ngăn mẹ lại.
"Đừng xốc nổi mẹ ơi, chẳng còn ông chú từ tận bên Mỹ nữa đâu! Con, thì con nghĩ có lẽ là chuyện hôn nhân cho Jean thì đúng hơn".
Mọi người ngạc nhiên vì ý tưởng này, còn Jean hơi phật ý vì anh mình lại nói chuyện đó trước mặt bà Rosémilly.
"Sao lại cho em mà không cho anh thì đúng hơn? Giả thuyết rất dễ bác bỏ. Anh là trưởng nam, chắc mọi người sẽ nghĩ đến anh trước tiên. Với em, thì em không muốn lấy vợ".
Pierre cười gằn:
"Thì ra chú đang phải lòng à?"
Chàng kia bất bình đáp:
"Có cần thiết cứ phải lòng mới bảo là không muốn lấy vợ hay không?"
 "A! được rồi, cái tiếng "chưa" sửa lại hết cái chú đang chờ đợi".
"Cứ cho là em chờ đợi đi, nếu anh muốn".
Nhưng lão Roland đã lắng nghe và ngẫm nghĩ đã tìm ra lời giải đáp có vẻ như thật nhất.
"Dào! Chúng ta vắt óc ra như vậy thật ngốc nghếch. Thầy Lecanu là bạn của nhà ta, ông biết Pierre đang tìm một phòng khám, còn Jean tìm một văn phòng luật sư, ông ấy đã kiếm được chỗ cho một trong hai anh".
Thật là đơn giản và có vẻ đúng hết sức thành thử tất cả đều đồng ý.
"Bữa ăn dọn rồi" cô hầu gái nói.
Thế là mỗi người về phòng mình để rửa ráy trước khi vào bàn ăn.
Mười phút sau, họ dùng bữa tối trong một phòng ăn nhỏ, ở tầng trệt.
Mới đầu, họ chẳng nói năng gì mấy, nhưng một lát sau, Roland lại thấy lạ về cuộc viếng thăm của ông công chứng.
"Chung quy, tại sao ông ấy không viết thư, tại sao ông ấy cho thư ký lại ba lần, tại sao đích thân ông ta không đến chứ?"
Pierre thấy chuyện đó tự nhiên.
"Chắc cần phải trả lời ngay lập tức, và chúng tôi ông ấy muốn thông báo với ta những điều khoản riêng tư mà mọi người không thích viết ra mấy".
Nhưng họ vẫn băn khoăn và cả bốn hơi phiền lòng là đã mời người đàn bà không thân thích và có lẽ sẽ làm trở ngại việc họ thảo luận và quyết định.
Họ vừa quay lên phòng khách thì được báo là ông công chứng tới.
Roland lao ra.
"Xin chào, thầy thân mến".
ông gọi chức danh ông Lecanu bằng tiếng "thầy" thường đứng trước họ tên của mọi viên công chứng.
bà Rosémilly đứng dậy:
"Tôi về đây, tôi mệt quá".
Họ cũng giữ nàng lại gọi là, nhưng nàng không đồng ý và nàng ra về chẳng có ai trong ba người đàn ông đưa tiễn, như họ vẫn xử sự trước nay.
Bà Roland vồn vã với vị khách mới đến:
"Ông dùng tách cà phê nhé?"
"Không, cám ơn, tôi vừa mới ăn xong".
"Vậy một tách trà được không?"
"Tôi không từ chối, nhưng khoan đã, ta cần bàn công việc trước".
trong sự lặng ngắt như tờ tiếp theo những lời này, chỉ còn nghe thấy tiếng đồng hồ quả lắc kêu nhẹ nhàng, và ở tầng dưới, tiếng soong nồi cô hầu gái đang rửa, cô quá đần thành cũng chẳng ghé tai nghe trộm.
Viên công chứng lại nói:
"Ở Paris các vị có quen một ông Maréchal nào đó không, Léon Maréchal ấy?"
Ông bà Roland cùng thốt lên một tiếng như nhau:
"Có chứ!"
"Ông ấy là bạn của các vị à?"
Roland tuyên bố:
"Bạn tốt nhất đấy, thưa ông, nhưng là dân Paris cuồng nhiệt, ông ấy chẳng bao giờ rời đường phố đâu. Ông là trưởng phòng ở bộ Tài chính. Tôi không gặp ông ấy nữa từ dạo tôi đi ra khỏi thủ đô. Rồi chúng tôi cũng thôi thư từ cho nhau. Ông biết đấy, khi người nọ sống xa người kia…"
Viên công chứng trịnh trọng nói tiếp:
"Ông Maréchal đã từ trần".
Người đàn ông và người đàn bà cùng có một động tác nhỏ ngạc nhiên và buồn bã, hoặc giả bộ, hoặc chân thật, nhưng luôn luôn mau lẹ, khi người ta đón nhận những tin như thế.
Ông Lecanu lại tiếp:
"Đồng nghiệp của tôi tại Paris vừa thông báo cho tôi ý định chủ yếu trong di chúc của ông, lập con trai các vị, cậu Jean Roland, làm người thừa tự toàn hưởng".
Họ quá sức ngạc nhiên đến nỗi chẳng tìm ra lời nào để nói.
Bà Roland là người đầu tiên nén nỗi xúc động, lắp bắp:
"Chúa ơi, Léon tội nghiệp…người bạn tội nghiệp của chúng tôi…Chúa ơi…Chúa ơi…đã chết…"
Mắt bà trào lệ, những giọt lệ lặng lẽ của phụ nữ, những giọt buồn đến từ tâm hồn, chảy xuống má và có vẻ rất đau thương, vì rất trong.
Còn Roland nghĩ đến nỗi buồn mất mát ít hơn là nghĩ đến niềm hy vọng vừa được thông báo. Tuy nhiên ông không dám hỏi han ngay về các điều khoản trong bản di chúc nọ, và về con số tài sản, và để đi tới vấn đề đáng lưu tâm, ông hỏi:
"Ông ấy mất vì nguyên nhân gì, ông Maréchal tội nghiệp ấy?"
Ông Lecanu hoàn toàn không hay biết. Ông bảo:
"Tôi chỉ biết là, qua đời không có người thừa kế trực hệ, ông để lại toàn bộ tài sản, khoảng hai vạn francs niên kim, bằng trái phiếu ba phần trăm, cho cậu con thứ của các vị, mà ông đã nhìn thấy sinh ra, lớn lên và ông xét là xứng đáng với di sản đó. Trong trường hợp cậu Jean không nhận, thì gia  tài sẽ dành cho các trẻ bị bỏ rơi".
Lão Roland đã không còn che đậy nổi nỗi vui mừng và lão reo lên:
"Chà! Đây thật là một ý tưởng tốt từ tấm lòng. Tôi đây, nếu mà tôi không có người nối dõi,  chắc chắn tôi cũng chẳng quên ông ấy đâu, cái ông bạn trung hậu!"
Viên công chứng mỉm cười bảo:
"Tôi rất mừng được tự mình báo cho các vị tin này. Đem tin tốt lành đến cho mọi người bao giờ cũng là một thú vui".
Ông ta đã chẳng hề nghĩ rằng cái tin tốt lành ấy là cái chết của một người bạn, người bạn tốt nhất của ông Roland, bản thân ông này cũng vừa mới quên phắt mối thân tình được thông báo chắc chắn ban nãy.
Chỉ riêng bà Roland và các con giữ vẻ mặt buồn rầu. Bà vẫn khóc lóc đôi chút, lấy khăn tay lau mắt rồi ép khăn lên miệng để nén những tiếng thở dài sườn sượt.
Chàng bác sĩ nói nhỏ:
"Đó là một  người trung hậu, hết sức thân ái. Ông hay mới anh em tôi lại ăn tối".
Jean, hai mắt mở to và sáng long lanh, bàn tay phải cầm bộ râu vàng hoe đẹp đẽ bằng một cử chỉ quen thuộc, rồi vuốt xuống mãi những sợi cuối cùng, như để cho chòm râu dài ra và mảnh đi.
Hai lần chàng mấp máy đôi môi để nói lên một lời thích hợp, và, sau khi tìm kiếm mãi, chàng mới nói được điều này:
'Quả thật ông ấy rất yêu tôi, bao giờ tôi đến thăm, ông cũng ôm hôn tôi".
Nhưng ý nghĩ của ông bố đang phi nhanh, nó chạy chung quanh cái gia tài được thông báo, được có rồi, quanh số tiền đang nấp sau cánh cửa và chốc nữa, ngày mai, sẽ bước vào, sau một lời chấp nhận.
Ông hỏi:
"Không có khó khăn gì chứ? Không có kiện tụng chứ? Không có tranh tụng?"
Công chứng viên Lecanu có vẻ bình tâm:
"Không, đồng nghiệp của tôi ở Paris báo rằng tình huống rất minh bạch. Chúng tôi chỉ cần có sự chấp nhận của cậu Jean".
"Thế thì tuyệt…còn tài sản rõ ràng chứ?"
"Rất rõ ràng".
"Mọi thủ tục đã làm xong?"
"Xong cả".
Đột nhiên, nhà cựu kim hoàn thấy hơi hổ thẹn, một nỗi hổ thẹn mơ hồ, bản năng và thoáng qua, vì ông đã vội vã hỏi han tình hình, và ông nói tiếp:
"Ông biết rõ là nếu tôi hỏi ông ngay về mọi điều ấy là để tránh cho con tôi những chuyện phiền phức mà có thể nó không tiên liệu được. Đôi khi có những nợ nần, một tình thế rắc rối, làm sao tôi biết được? Thế là mình đâm quàng vào bụi rậm chẳng gỡ ra được. Chung quy, có phải tôi thừa kế đâu, nhưng tôi nghĩ đến thằng bé trước hết".
trong gia đình, mọi người vẫn gọi Jean là thằng bé, mặc dù chàng cao lớn hơn Pierre nhiều.
bà Roland, đột nhiên, như ra khỏi một giấc mơ, như nhớ lại một điều xa xôi, hầu như đã quên điều mà trước khia bà có nghe thấy, song bà cũng không chắc chắn, và bà ấp úng:
"Ông bảo là ông Maréchal tội nghiệp của chúng tôi đã để tài sản lại cho thằng bé Jean nàh tôi phải không nhỉ?"
"Vâng, thưa bà".
Bà liền nói tiếp một cách đơn giản:
"Điều đó làm cho tôi rất vui, vì điều đó chứng tỏ rằng ông ấy yêu mến chúng tôi".
Roland đã đứng dậy:
"Luật sư thân mến, ông có muốn con trai tôi ký nhận ngay không?"
"Không…không…ông Roland ạ. Ngày mai, ngày mai, ở văn phòng tôi, vào hai giờ, nếu các vị thấy thích hợp".
"Được chứ. Được chứ, tôi nghĩ thế".
Lúc đó bà Roland cũng đã đứng dậy, và mỉm cười sau những giọt lệ, tiến hai bước về phía ông công chứng, đặt tay lên lưng chiếc ghế ông ngồi và nhìn ông bằng ánh mắt cảm động của người mẹ biết ơn, bà hỏi:
"Thế còn tách trà, ông Lecanu?"
"Bây giờ, thì tôi xin uống, thưa bà".
Cô hầu gái được gọi lên, thoạt tiên mang bánh ngọt đựng trong những hộp thiếc sâu lòng, loại bánh Anh nhạt nhẽo và khô ròn, dường như được nướng cho chim vẹt mổ và đóng trong các hòm kim loại cho những cuộc chu du vòng quanh thế giới, rồi cô ấy lấy những chiếc khăn màu xám, gấp thành hình vuông nhỏ, loại khăn dùng khi uống trà mà trong lúc gia đình túng bấn, người ta chẳng bao giờ giặt. Cô trở lại lần thứ ba với bình đường và tách chén, rồi lại đi ra để đun nước. Mọi người bèn đợi.
Không ai nói năng được, họ có quá nhiều điều để nghĩ, mà chẳng có gì để nói. Riêng bà Roland tìm những lời lẽ thông thường. Bà kể chuyện đi câu, khen con thuyền Perle và khen bà Rosémilly.
"Thật dẽ thương, thật dễ thương" viên công chứng lập lại.
Roland, tựa hông vào lò sưởi như trong mùa đông, khi đang đốt lửa, hai tay đút túi, môi mấp máy như đang huýt gió, không sao đứng yên được nữa, bị dày vò bởi ước muốn mãnh liệt để cho toàn bộ niềm vui thoát ra.
Hai anh em, ngồi trong hai ghế bành giống nhau, chân bắt chéo cùng kiểu, bên phải và bên trái chiếc bàn xoay ở chính giữa, đăm đăm nhìn trước mặt, với dáng điệu tương tự chứa chan những ý tứ khác biệt.
Cuối cùng trà được đem ra. Viên công  chứng đón lấy, cho đường và uống sau khi đã bẻ vụn vào tách một chiếc bánh nhỏ rắn quá không nhai ròn được, rồi ông ta đứng lên, bắt tay mọi người ra về.
Roland nhắc lại:
' Nhất định rồi nhé, ngày mai, ở nhà ông, lúc hai giờ".
"Nhất định rồi, ngày mai, hai giờ".
Jean chẳng nói một lời nào.
Sau khi viên công tố ra về, còn yên lặng một lát nữa, rồi lão Roland đến vỗ hai bàn tay xèo mở rộng lên vai người con trai thứ, nói to:
"Thế nào, cái thằng rõ may mắn, không ôm hôn bố ư?"
Jean bèn mỉm cười, và chàngã vừa hôn bố vừa nói;"
"Con không thấy điều ấy có vẻ cần thiết".
Nhưng ông lão hoan hỉ quá không còn tự chủ được. Ông bước đi, gõ lên đồ đạc như đánh dương cầm bằng những đầu ngón tay vụng về, xoay người và nhắc di nhắc lại:
"May thế! May thế! Rõ thật là may!"
Pierre hỏi:
"Ngày trước bố mẹ quen ông Maréchal lắm nhỉ?"
Ông bố đáp:
"Chà, tối nào ông ấy cũng ở nhà ta, mà chắc gì con còn nhớ ông ấy vẫn đến trường đón con, vào những ngày được về chơi, rồi ông ấy thường dẫn con trở lại trường sau bữa tối. Này, đúng rồi, sáng hôm Jean sinh ra, chính ông ấy đi tìm thầy thuốc! Ông vừa ăn trưa ở nhà ta xong thì mẹ con thấy đau. Chúng ta hiểu ngay là chuyện gì, và ông ấy vội vàng chạy đi. Trong lúc hấp tấp ông ấy chẳng cầm mũ của mình mà cầm mũ bố. Bô nhớ chuyện đó vì sau này, bọn ta đã cười mãi. Thậm chí có lẽ ông đã nhớ lại chi tiết ấy vào lúc chết, và vì chẳng có ai thừa kế, ông tự nhủ 'ờ, mình đã góp phần vào việc cái thằng bé nọ ra đời, mình sẽ để lại gia sản cho nó".
Bà Roland, ngồi lút trong chiếc ghế dựa có nệm, dường như phiêu diêu trong kỷ niệm. Bà thì thầm như thể suy nghĩ nên lời:
"A! Đó là một người bạn trung hậu, rất tận tâm, rất chung thuỷ, một con người hiếm có, vào thời buổi này".
Jean đã đứng lên, chàng nói:
"Con đi dạo một lát".
Ông bố ngạc nhiên, muốn giữ chàng lại, vì họ cần trò chuyện, cần trù hoạch, quyết định. Nhưng chàng trai khăng khăng, viện cớ có hẹn. Vả lại họ còn có khối thời gian bàn tính trước khi sở hữu gia tài.
Và chàng ra đi, vì chàng muốn ở một mình, để suy nghĩ. Đến lượt Pierre bảo là ra ngoài phố, và chàng đi, sau em trai vài phút.
Khi lão Roland còn lại riêng với bà vợ, lão ôm lấy bà, hôn mười lần lên mỗi bên má, và để trả lời cho một điều bà hay trách lão:
"Mình yêu quý, mình thấy đấy, thay vì đến đây bồi bổ sức khoẹ giá tôi cứ ở lại Paris lâu thêm nữa, làm quần quật cho con cái thì có được tích sự gì đâu, của cải từ trên trời rơi xuống cho ta mà".
Bà trở nên rất nghiêm trang:
"Nó từ trên trời rơi xuống cho Jean, nhưng còn Pierre?"
"Pierre! Thì nó là bác sĩ kia mà, nó sẽ kiếm ra…tiền bạc…với lại em nó hẳn sẽ làm điều gì đó cho nó".
"Không, nó sẽ không nhận đâu. Với lại gia sản ấy là của Jean, chỉ của Jean mà thôi, như thế Pierre sẽ  bị thiệt thòi".
Ông lão có vẻ hoang mang:
"Thế thì chúng ta sẽ di chúc để lại cho nó nhiều hơn một chút, chúng ta ấy".
"Không, như thế cũng không thật công bằng"
Lão kêu lên:"
A! Thế thì, thây kệ! Mình muốn tôi làm thế nào đây, tôi ấy? Lúc nào mình cũng đi tìm một đống những ý tưởng khó chịu. Mình cứ phải phá đám các vui thú của tôi. Thôi, tôi đi ngủ đây. Chào mình. Chẳng sao, đó là chuyện may đấy, may ghê lắm đấy".
Rồi lão đi ra, hân hoan, bất kể mọi sự, chẳng một lời xót thương cho ông bạn chết đi một cách hào hiệp đến thế.
Bà Roland lại tư lự trước ngọn đèn leo lét ám khói muội đen.