Dịch giả: Kỳ Thư
Chương 1
ĐIỀU THỨ NHẤT

4 ĐIỀU ĐƠN GIẢN + 7 THÀNH TỐ 
 Ý TƯỞNG CÓ SỨC MẠNH DIỆU KỲ
 
Hãy Để Mọi Chuyện Đơn Giản được hình thành từ 11 ý tưởng. Bốn ý tưởng đầu tiên được giới thiệu trong bốn chương ngay sau đây là những điều đơn giản cần phải ghi nhớ. Sau đó sẽ là bảy thành tố giúp làm cho cuộc sống của bạn trở nên khác biệt và tươi đẹp hơn. Bốn điều đơn giản trên kết hợp với bảy thành tố sẽ cho ra mười một ý tưởng hành động mà bạn có thể khởi đầu ngay nếu thật sự muốn làm cho cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn. Mười một ý tưởng đơn giản nhưng có sức mạnh diệu kỳ này có thể tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong những chuỗi sự kiện diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của bạn.
Hãy cùng tôi đặt bước vào cuộc hành trình khám phá những ý tưởng có sức mạnh kỳ diệu này để nhận ra rằng cuộc sống sẽ dễ dàng trôi chảy hơn nếu ta để nó diễn ra tự nhiên như bản chất thật vốn có của mình.
NÓI LÊN SỰ THẬT
Nói lên sự thật không chỉ đơn giản là một hành vi xã hội đúng đắn. Khi xem việc nói thật là một trách nhiệm đối với bản thân thì có nghĩa là bạn đã cam kết với một quyền lực tối thượng, đó là Sự Thật. Khi mở rộng lòng tâm sự với ai đó về những vui buồn, hạnh phúc những ngày qua hay những điều bạn đã trải nghiệm trong đời bằng sự chân thành của con tim thì đó chính là lúc bạn đang nói lên sự thật bằng tiếng lòng của mình. Cần phải nói bằng sự thành thật. Những lúc ngồi đùa giỡn, tán gẫu với bạn bè hay ai đó thì lại không nhất thiết phải nói toàn sự thật. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa giả dối và lời nói dối vô hại. Ngôn từ có sức mạnh rất lớn và bạn phải luôn cẩn thận để biết lúc nào thì nên nói thật và lúc nào thì những điều mình truyền đạt không làm tổn thương đến người khác.
Hãy nói lên những điều bạn cảm nhận được bằng sự thành thật của trái tim mình, những điều bạn nói rồi sẽ mang bạn đến gần với mọi người hơn. Mối thâm tình ngày càng sâu sắc này là tấm gương phản chiếu tình yêu thương, là kết quả của niềm tin tưởng gặt hái được từ hạt mầm của sự thành thật. Trong cuộc đời mỗi người, không có gì vui hơn khi có bên mình những người bạn thành thật và chân thành, sẵn lòng lắng nghe bạn và nói cho bạn những điều họ cảm nhận bằng tiếng nói con tim. Chính những điều này làm cho bạn cảm thấy cuộc đời mình ấm áp hơn, ý nghĩa hơn và cũng hạnh phúc hơn.
Hãy luôn nói thật và sống bằng sự chân thành của trái tim.
Khi đã có thói quen kiểm soát những gì mình nói sẽ nhận ra rằng khi nói đúng sự thật bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản trong lòng hơn và mối quan hệ với những người khác cũng trở nên thân thiết hơn. Mọi người sẽ nhận ra sự chân thật của bạn rồi trong mắt mọi người bạn sẽ là một người đáng tin cậy. Khi được mọi người tôn trọng và tin tưởng, bạn cũng sẽ có khuynh hướng tôn trọng và tin tưởng người khác một cách dễ dàng hơn; từ đó mọi sự kiện trong đời sống cũng trở nên tốt đẹp hơn. Từ xa xưa, việc nói lên sự thật đã luôn được đề cao và quyền lực của nó cũng đã được khẳng định từ ngàn năm qua. Khi đã là đồng minh với sự thật thì lòng tự trọng của bạn cũng sẽ tăng lên và bạn sẽ nhận ra sự tôn trọng của người khác dành cho mình qua cách cư xử của họ đối với bạn.
Khoác lác tức là bạn không còn nói đúng sự thật nữa, thêm thắt vào câu chuyện mình đang kể cũng có nghĩa bạn đã không kể đúng bản chất của sự việc. Mọi người thường bỏ qua một lời nói dối vô hại và không nhận ra rằng đây là một lời nói không thành thật. Người ta có thể hoàn toàn nói đúng sự thật mà vẫn không gây tổn thương đến người khác thay vì phải tìm một lời nói dối để làm vui lòng người nghe. Chẳng hạn như, bạn có thể thay câu: “Cô ấy có khuôn mặt xấu qua!” bằng cách nói tế nhị hơn: “Cô ấy có khuôn mặt không được dễ nhìn lắm!”.
 
Lấy lại uy tín của mình
Tôi đã từng nghe nhiều người khi trò chuyện cứ thêm thắt vào hoặc nói quá lên đến mức thành ra nói dối trắng trợn. Mọi người thường gọi loại người này bằng từ “nói xạo” và dĩ nhiên là uy tín của những người này cũng bị suy giảm trong mắt mọi người. Nếu bạn cũng giống loại người trên thì hãy nhớ rằng hành động như vậy tức là bạn đang tự hạ thấp uy tín của mình một cách nghiêm trọng đấy. Nhưng một điều rất buồn cười là nhiều người là nhiều người lại nói dối kiểu này chỉ với mục đích là để gây ấn tượng. Nhưng dĩ nhiên, vấn đề là những điều được đơm đặt thêm kia cũng chỉ được hiểu đúng bản chất của nó, là sự cường điệu hóa thôi, chứ không hề gây ấn tượng nào tốt hơn cả, mà ngược lại còn hạ thấp giá trị của người nói trong mắt người nghe. Trong những trường hợp như vậy, bạn có thể làm rõ vấn đề bằng cách thẳng thắn hỏi người đang nói một câu đơn giản rằng: “Có chắc những gì anh đang nói là đúng sự thật không?”
Nói lên sự thật sẽ giúp bạn cảm thấy thanh thản hơn so với việc làm tổn hại đến sự trung thực của chính mình. Điều này cũng sẽ mang lại cho bạn nhiều sự ngạc nhiên khi bạn nhận ra hình ảnh của mình trong mắt mọi người đã trở nên tốt đẹp và đáng trân trọng hơn.
HÀNH ĐỘNG NGAY!
Hành động đơn giản dưới đây sẽ đảm bảo những gì bạn sắp nói là đúng sự thật.
  • Kiểm soát và hiểu những điều sắp nói.
  • Nhận biết khi không nói đúng sự thật.
  • Nhắc nhỡ mình khi đi lệch khỏi con đường xây dựng uy tín bằng cách nói thật.
  • Nhắc nhở mình (nếu có thể) bằng cách tự nói ra những câu đại loại như: “Thật ra thì câu chuyện này không hoàn toàn như vậy, sự thật thì nó phải thế này này…”
Hãy thử làm như vậy rồi bạn sẽ thấy mọi người sẽ tồn trọng bạn hơn khi chứng kiến bạn tự thú nhận sự thật.
 
Tự nhắc nhở mình:
Mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn khi tôi luôn nói đúng sự thật.