Kỳ 3
Những ngày thơ dại

TP - "Khéo mà thành đồng cô đấy con ạ!" - Có lần, cô tôi đã trừng mắt mắng khi thấy tôi thử nhai trầu. Sự tò mò ấy cũng bắt nguồn từ việc tôi ham đi lễ. Chỉ là một đứa trẻ, tôi đâu hiểu đi lễ là gì. Chỉ biết mùi nhang và cảnh tấp nập tại chùa luôn khiến tôi háo hức.
Đi chùa, tôi thỉnh thoảng gặp những người bị gọi là đồng cô. Phố tôi ở có một người như thế. Tên ông là Sáu. Đứng tuổi và thường xuyên hầu đồng, ông Sáu có giọng nói ẽo ợt, nhão nhoét khiến người nghe nổi da gà.
Dáng đi của ông thì ẻo lả như phụ nữ, cộng cùng đôi môi ăn trầu như dày thêm lên và luôn đỏ nước cốt. Ông Sáu rất chua ngoa, lắm điều, sẵn sàng ngoạc miệng để “đào mả tổ” đứa nào dám nhắc đến hai từ đồng cô trước mặt ông.
Đồng cô!
Vài chục năm trước, người ta vẫn gọi chung những kẻ thuộc giới tính thứ ba bằng cụm từ đầy miệt thị ấy. Trong con mắt họ, đồng cô là một thứ quái dị. Người ta không biết tới những cụm từ “đồng tính”, “pêđê”, “bóng kín”, “bóng lộ” như bây giờ.

*

Tôi sinh đầu năm 1967, tuổi âm Bính Ngọ. Trước đó, anh trai kế trên tôi chết đuối ở nơi sơ tán. Thời gian mang thai, mẹ tôi khóc rất nhiều. Chẳng biết có phải vì thế mà sau này, tính tôi luôn đa sầu đa cảm. Tôi hay khóc, hay buồn vu vơ, hay hờn dỗi, và hay mơ mộng nữa.
Mất đứa con trai duy nhất, cả nhà đều mong mẹ tôi sẽ sinh hạ một thằng cu. Ngày đó chưa có phương tiện siêu âm nên khi tôi ra đời, gia đình mừng lắm. Chào đời, tôi nặng bốn cân ba, cực hiếm đối với trẻ sơ sinh thời bấy giờ. Bà đỡ chia vui với mẹ:
- Đấy, chị ở hiền gặp lành. Vừa mất con trai, giời Phật lại cho một đứa khác còn đẹp hơn thằng trước. Thằng bé to khỏe thế này mà đẻ ra mấy phút mới khóc. Chắc khi lớn, nó có gì đặc biệt lắm đây.
Sinh con vào thời chiến tranh nên bố mẹ đặt tên tôi là Dũng - cái tên phổ biến của con trai khi đó. Tên không đệm, rất đơn giản: Nguyễn Văn Dũng.
Tôi trải qua một tuổi thơ bình thường. Bố tôi lái xe, sau vào làm ở một hợp tác xã cơ khí. Mẹ tôi bán thịt bò tại chợ Hàng Bè nên gia đình cũng có đồng ra đồng vào, có thể nói là đủ ăn. Khoảng năm 1977, tức là năm tôi lên 10, mẹ tôi phải vào hợp tác xã mì sợi làm công ăn lương, bố nghỉ hưu mất sức, nên kinh tế bắt đầu đi xuống.
Mải lo làm ăn, nhà lại đông con quá nên bố mẹ không còn nhiều thời gian để chăm sóc tôi. Chỉ thỉnh thoảng có lúc rảnh rỗi, bố dẫn tôi đi mua mấy món đồ chơi con trai như súng phun nước, ôtô, máy bay, tàu thủy. Như mọi người cha khác, có lẽ ông thầm hy vọng thằng con lớn lên sẽ trở thành người đàn ông mạnh mẽ, giàu nam tính.
Thế nhưng trái với mong muốn ấy, tôi chỉ thích những trò chơi lành lành của con gái, giống như các chị: nhảy dây, ô ăn quan, đánh chuyền đánh chắt… Tôi bắt các chị đi mua bát, đĩa đồ chơi, vặt lá cây để ngồi bày biện nấu nướng. Tôi thích chơi đồ hàng, búp bê, nhảy dây. Còn những trò mà bọn con trai cùng lứa hay chơi như đá bóng, đánh đáo, leo trèo, tôi lại không hề ưa. Vừa mệt người vừa căng thẳng.
Lắm hôm bị bọn chúng đuổi, tôi chạy tưởng đứt ruột, sợ và ghét lắm. Nói cho đúng thì lũ con trai cũng chẳng thích chơi với tôi, vì tôi hay kêu mệt, đá bóng kém, vào sân thì chỉ chăm chăm đạp vào chân bọn chúng. Mấy thằng tức, chỉ mặt tôi chửi nhao nhao:
“Lần sau không cho thằng Dũng đá nữa, nó chơi bẩn lắm”. Không phải tôi cố ý đá bẩn, nhưng quả thật tôi không thích tham gia tí nào, mệt, đau người chết đi được, chỉ là cố cho nó “hòa mình với quần chúng”.
Có người hỏi tôi: Tại sao bây giờ, đồng tính mọc lên như nấm sau mưa? Có phải đó là căn bệnh theo kiểu “no cơm ấm cật”, chỉ phát ra khi con người ta không còn lo cơm ăn áo mặc và đã thừa đủ nhu cầu?
Không phải vậy. Câu trả lời đơn giản nhất là: Những con người ấy trong xã hội vài chục năm trước phải cố khép mình, nhận chìm những nhu cầu để sống. Lộ ra, họ lập tức bị coi là bệnh hoạn.
Còn bây giờ, khi cuộc sống thay đổi và cách nhìn về người đồng tính cũng dần bớt đi sự khắt khe, họ đã có nhiều hơn cơ hội để sống theo đặc điểm giới tính của mình. Nên chúng ta mới có cảm tưởng đồng tính thời nay mọc lên như nấm sau mưa.
Nghĩ lại, thấy thương cho những người đồng tính thời xưa. Và cũng đáng thương cho một người đồng tính như tôi bây giờ.
Một bận chơi trốn tìm, đến phiên mình nấp, tôi bỏ về nhà nằm ngủ, mặc kệ cả hội đi tìm hết hơi. Sau lần ấy, bọn con trai chán chẳng buồn chơi với tôi. Chúng không rủ, tôi cũng chẳng lấy thế làm buồn, quay ra chơi những trò chơi hiền lành của con gái. Tôi thích chơi với con gái còn vì khoái ăn vặt, đặc biệt ưa của ngọt – bánh quy, kem, kẹo mút...
Ngồi trong lớp, rúc rích chuyền tay nhau que kẹo mạch nha hay viên ô mai, nhất là lúc đang đói đang thèm, thì còn gì thú vị bằng. Tính tôi mơ mộng từ bé. Những năm cấp I, tôi học rất khá môn văn.
Lên lớp 2, tôi thích ngay cô lớp phó hoa khôi, tóc quăn, mắt to, má hồng, xinh nhất lớp. Tôi từng mơ thấy chúng tôi lấy nhau, nhưng hai vợ chồng không lớn lên mà cứ mãi mãi trẻ con như thế, mãi mãi đi học cùng nhau.
Điều quái ác nhất của bọn con trai lớp tôi ngày ấy, là chúng cứ hay gọi tôi là “Dũng đồng cô”, vì tôi ăn trầu. Không hiểu sao ngày ấy tôi hay nhai trầu bỏm bẻm, mặc dù chỉ nhai ở nhà và không nghiện (khi lớn lên thì không ăn trầu nữa mà chuyển sang hút thuốc lá, uống rượu, tửu lượng cũng chẳng đến nỗi kém).
Nhiều hôm tôi đến lớp với đôi môi đỏ thẫm, một lần còn bị say lảo đảo, thế là chẳng giấu vào đâu được nữa, cả lớp đều biết “Dũng đồng cô” ăn trầu.
Lắm lúc bọn chúng trêu dữ quá, tôi tức đỏ mặt, vừa khóc vừa chửi lải nhải, bị cả bọn đuổi theo đánh túi bụi. Thuộc dạng to cao nhất lớp, nhưng tính tôi hiền nên hay bị bắt nạt. Lâu dần, tôi chỉ thích chơi với con gái, chẳng thích nhập hội với đám con trai nghịch như quỷ nữa.
Dù vậy, cho tới năm 12-13 tuổi, quan niệm về giới tính trong tôi vẫn chưa rõ ràng. Nói cho đúng, giới tính được xác định từ sự điều tiết hoóc môn trong cơ thể; có lẽ khi người ta còn nhỏ, các tuyến hoóc môn chưa phát triển, nên khuynh hướng giới tính và tình dục chưa thể hiện ra hết.
Những năm tháng ấy, tôi đặc biệt mê cải lương và ca vọng cổ. Tôi hát cải lương suốt ngày. Hàng ngày, khi giúp mẹ thái thịt, lạng mỡ để bán, tôi cũng lẩm nhẩm mấy câu ca vọng cổ. Hàng xóm hay đùa:
- Sao thằng này thích hát thế này mà không đi thi tuyển vào đoàn cải lương nào đi? Lại cứ ngồi nhà thái thịt.
Tôi mê tới mức, khi mẹ cho tôi vào Sài Gòn thăm ông bà ngoại, cứ tối tối là tôi đi xem cải lương. Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm Nguyên Bá, Lan và Điệp, Bên cầu dệt lụa… toàn những vở tuyệt hay. Mỗi khi bật cải lương, tôi quên hết mọi sự, hoàn toàn hóa thân vào nhân vật để cùng hát, cùng vui, cùng buồn, cùng cười, cùng khóc. Nó là góc riêng của tôi, một thế giới thật tươi đẹp, lộng lẫy sắc màu, là nơi tôi có thể đắm chìm vào mộng mơ và tưởng tượng.
Mười bốn tuổi, tôi bắt đầu dậy thì: người phổng phao hơn, mặt nổi trứng cá, giọng bắt đầu khào khào, cùng những lần mộng tinh đầu tiên… tóm lại, đầy đủ những biểu hiện dậy thì của một thằng con trai. Cùng những biến đổi về mặt thể chất đó, tôi chợt nhận ra một vài điều rất lạ trong tâm lý mình.
Đầu tiên, phải nói rằng tôi vẫn thích chơi với bạn gái, vì con gái hiền lành, dễ chia sẻ, và không chỉ thế, tôi lại có cảm giác họ hiểu tôi hơn con trai. (Bây giờ thì tôi thấy điều đó dễ giải thích thôi, bởi vì tôi cũng giống như họ, giống nhau thì dễ hiểu nhau hơn).
Nhưng tôi chỉ thấy hân hoan khi thủ thỉ cùng bạn trai, nói chuyện về những dấu hiệu mới lớn của tuổi dậy thì. Thằng bạn nào có gương mặt hay hay, tôi đều thấy thích: thằng T. ngồi bàn trên, thằng M. dãy bên kia, phía gần cửa sổ.
Mỗi khi bọn chúng quay mặt lại, tôi đều tự hỏi có điều gì trong lòng khiến tôi thấy xôn xao, rạo rực? Khuôn mặt mỗi đứa đều có những nét rất ưa nhìn, như T. có mái tóc hơi xoăn tự nhiên, lúc nào cũng bồng bềnh lượn sóng, rất nghệ sĩ, còn M. có cặp mắt sáng và cái mũi rất thanh tú.
Con gái xinh thì tôi cũng biết trong lớp có mấy đứa, cũng hiểu rằng chúng nó xinh, nhưng không hiểu sao tôi không để ý lắm, mà chỉ hay nghĩ tới gương mặt T. và M. Với tôi lúc ấy, con trai như là cả một thế giới khác, đẹp và khó hiểu, đầy những thứ cần khám phá.
Bắt đầu tới thời điểm hai giới có sự phân chia rõ nét. Tôi nhanh chóng nhận ra sự thay đổi ở con gái: Đầu tiên là những sợi dây áo con hằn lên sau làn vải áo sơ mi của học sinh. Rồi mỗi khi cả lớp kéo nhau đi tham quan nơi nào có sông hồ, chúng tắm nguyên cả áo. Chúng không thích có mặt tôi làm mì chính cánh trong cả đám.
Con trai bắt đầu phải làm những việc tạm gọi là nặng hơn, như trong giờ lao động, chúng tôi phải đắp đất, vác gạch, chặt cây, leo trèo sửa bóng điện v.v. Không ai biết tôi cảm thấy khó chịu khi nghe thầy giáo phân công: “Mấy anh làm cái này cho tôi, để con gái làm việc nọ việc kia…”. Tóm lại, con gái không còn chấp nhận tôi nữa, mà tôi thì chưa hòa nhập được với đám con trai. Một cảm giác “không thuộc về bên nào” bắt đầu xuất hiện.
Nhìn chung, sự bất thường không làm tôi lo lắng quá nhiều. Chút băn khoăn về mấy chuyện kỳ quặc ấy cũng chỉ vừa đủ để tôi có ý thức che giấu bản thân trước mọi người. Đi lao động cùng cả lớp, tôi vẫn hăng hái bê gạch, vác củi, gánh nước, sửa điện… Tôi cũng thích trang trí sổ tay, vẽ hoa vẽ bướm cho mấy cô bạn gái trong lớp, và vểnh tai nghe các cô xuýt xoa: “Dũng khéo tay thế, eo ôi, thích thế…”.
Trong tất cả các bạn học của tôi năm xưa, đám con trai không ai có số phận như tôi. Nói cho đúng, cũng có một cậu bạn đồng tính, nhưng cậu ta giữ tuyệt mật chuyện đó và vẫn lấy vợ, sinh con bình thường. Có lẽ chỉ mình tôi biết cậu ta là gay, nhờ những biểu hiện mà riêng dân bóng hiểu với nhau. Tóm lại, chỉ mỗi tôi là “nặng nghiệp” nhất, suốt đời lận đận tình trường, học hành dang dở, chẳng làm nên vương nên tướng gì.
Còn cô bạn lớp phó xinh xắn, mắt to tóc quăn mà tôi từng thích và mơ lấy làm vợ năm nào, mãi tới 41 tuổi mới lấy chồng. Bạn bè ai cũng thương, nghĩ đời cô khổ, vất vả chuyện chồng con. Lại cũng chỉ vài người hiểu tại sao, trong đó có tôi. Khi biết lý do, tôi thấy hơi ngạc nhiên, nghĩ đến hai từ “định mệnh”: Sao ngày xưa tôi lại từng thích cô ấy? Nàng cao số bởi vì… nàng là lesbian!
Cũng vào cái năm đầu tiên của tuổi dậy thì ấy, tôi sa vào “giấc mơ tình yêu” đầu tiên của mình.