Không phải ngẫu nhiên người Việt Nam chúng ta đặt tên giải thưởng dành tôn vinh những nhà khoa học nữ có đóng góp nổi bật cho đất nước là giải Kovalevskaia. Đó là tên của một trong những nhà toán học nữ xuất sắc nhất thế giới. Sofia Kovalevskaia sinh ngày 15 tháng 1 năm 1850 tại Matxcova nước Nga trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc. Hồi nhỏ bà thường ngồi hàng giờ nghe người chú của mình nói về toán học. Một hôm bà nhận ra rằng các tờ giấy dán tường trong phòng của mình hóa ra là những trang giấy in các bài giảng về tích phân của Ostrogradski mà bà đã từng nghe người chú nói đến. Bà bắt đầu tìm hiểu các phép toán từ các từ giấy dán tường đó. Sofia tiếp thu bài giảng toán đầu tiên từ một gia sư tên là Y.I. Malevich. Bà cảm thấy môn toán cuốn hút bà đến nỗi bà bắt đầu lơ là những môn học khác. Nhận thấy điều đó bố của bà cấm không cho con gái tiếp tục học toán nhưng càng bị cấm Sofia càng mê toán hơn. Bà mượn sách toán và lén đọc vào đêm khuya khi cả nhà đã ngủ. Năm mười bốn tuổi người hàng xóm của bà, giáo sư Tyrtov, tặng gia đình bà một cuốn sách vật lý do ông viết. Vì muốn hiểu được nội dung của cuốn sách Sofia đã tự học lượng giác và nhận thức của bà khiến giáo sư Tyrtov rất ngạc nhiên. Giáo sư ra sức thuyết phục cha của Sofia cho bà tiếp tục học toán. Cuối cùng Sofia cũng được cha cho phép đi Saint Petersburg học những gì bà yêu thích. Sau khi kết thúc bậc trung học, Sofia khát khao được học lên đại học. Vào thời điểm đó ở Nga không một phụ nữ nào có thể thỏa mãn khát khao ấy ở trong nước. Gần nước Nga nhất chỉ có Thụy Sĩ là có các trường đại học tiếp nhận sinh viên nữ mà một thiếu nữ chưa chồng như Sofia lại không được phép ra nước ngoài một mình. Khát khao học đại học lớn đến nỗi nó thúc đẩy Sofia đi đến quyết định kết hôn trên danh nghĩa với một nhà cổ sinh học tên là Vladimir Kovalevski để có cơ hội sang châu Âu. Năm 1868, bà đến Heldelberg đăng ký học toán và khoa học tự nhiên tại trường đại học của thành phố nhưng trường không tiếp nhận sinh viên nữ. Vì thế, Sofia phải xin từng giáo viên cho bà được nghe họ giảng bài và phải thuyết phục lãnh đạo nhà trường cho phép bà có mặt tại các lớp học với tư cách là sinh viên không chính thức. Qua tất cả các học kỳ Sofia luôn khiến các bạn học của bà ngạc nhiên bởi năng khiếu nổi bật về toán học. Đối với các giáo sư khoa toán, Sofia là một hiện tượng hiếm thấy. Năm 1871 Sofia đến đại học Berlin với mục đích tìm kiếm cơ hội nghiên cứu toán học dưới sự hướng dẫn của Karl Weierstrass, người được coi là nhà toán học nổi tiếng nhất của thời bấy giờ. Trường đại học Berlin từ chối nhận Sofia nhưng may mắn thay sau khi thử khả năng của Sofia thầy Weierstrass đã hiểu ra rằng mình đang có trong tay một tài năng đầy triển vọng. Chính vì thế ông nhận hướng dẫn riêng cho Sofia. Không phụ công người thầy ưu tú của mình, trong suốt bốn năm Sofia hoạt động miệt mài và cho ra đời ba công trình nghiên cứu. Đó đều là những công trình có giá trị to lớn. Nếu như kết quả nghiên cứu về số nguyên của Sofia giúp rút gọn các số nguyên Abel thành các số nguyên elip thì thuyết phương trình vi phân của bà lại được ứng dụng vào việc nghiên cứu các tiểu hành tinh quay quanh quỹ đạo sao Thổ. Với các nghiên cứu đáng chú ý của mình, năm 1887 Sofia giành được học vị tiến sĩ tại đại học Goettingen. Rời đại học Goettingen bà trở về nước Nga và tại quê hương mình bà lại phải chịu những thiệt thòi về giới: Bà bị trường đại học Saint Petersburg từ chối nhận làm giảng viên và không được trường đại học Matxcova cho phép tham gia thi lấy bằng thạc sĩ của trường đại học này. Một lần nữa Sofia lại quay sang châu Âu. Bà đến Đức, Pháp, Thụy Điển làm giảng viên một số trường đại học và tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Một trong những đóng góp quan trọng cho khoa học trong thời gian này của Sofia là nghiên cứu áp dụng toán học vào giải bài toán chuyển động của vật rắn. Năm 1888 bà cho công bố kết quả nghiên cứu trong một tài liệu mang tên “Xoay một vật rắn quanh một điểm cố định”. Trước thời điểm đó các nhà khoa học mới chỉ đưa ra được lời giải cho bài toán chuyển động của khối vật rắn tại một điểm cố định trong trường hợp đối xứng. Nghiên cứu của Sofia cho phép giải bài toán chuyển động khối chất rắn ngay cả khi trọng tâm của nó không nằm ở trục của khối. Đánh giá cao công trình nghiên cứu này của bà, năm 1888 Viện Hàn lâm khoa học Paris không những đã quyết định trao giải thưởng khoa học cho bà mà còn nâng mức tiền thưởng của giải từ 3000 lên 5000 franc. Công trình nghiên cứu về chuyển động của khối chất rắn cũng đã mang lại cho bà giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển. Đang ở đỉnh cao của sự nghiệp thì Sofia mắc bệnh viêm phổi. Bà qua đời tại Stockholm, Thụy Điển vào ngày 10 tháng một năm 1891 trong niềm tiếc thương của giới khoa học trên khắp hành tinh. Với tổng cộng mười công trình nghiên cứu về toán học và vật lý toán học, trong đó phần lớn là những công trình tạo đà cho những khám phá quan trọng của tuơng lai, Sofia được mệnh danh là một trong những nhà toán học nữ xuất sắc nhất thế giới.