- 2 -
TỰ HỌC

Từ cuối hè 1929 đến hè 1934 (ở trường Công chánh ra) tôi không học thêm chữ Hán nữa (Tuy ở trường Bưởi có những bài của cụ Thẩm Quỳnh nhưng đối với tôi dễ quá, tôi không học thêm được gì cả). Số chữ bác tôi dạy, sau non sáu năm đó, tôi quên mất chắc khá nhiều, nhưng vẫn còn dư cho tôi tự học một cách dễ dàng.
 
Bác tôi mất năm 1933 thì tháng 6-1934, tôi thi ra trường Công chánh[1] (…) Tôi không mừng vì biết trước thế nào cũng đậu, mà trái lại rất buồn. Ngày đi coi bảng, bạn bè thi đậu, người nào cũng hớn hở mà tôi thì không muốn về nhà nữa (…)
 
“Lúc đó đương thời kinh tế khủng hoảng, tôi biết đợi nửa năm nữa chưa chắc được bổ mà cảnh nhà tôi lại túng bấn. Ăn cơm với rau tôi không ngại, ngại nhất là trông nét mặt ưu tư của mẹ tôi[2] và thấy mình cứ nằm dài ra ăn báo cô, không giúp người được gì. Người ta chỉ chiều mới thấy buồn; tôi hồi ấy sáng dậy đã thấy buồn, ước ao sao được ngủ luôn một giấc sáu bảy tháng. Nói gì đến buổi chiều nữa. Mỗi lần mặt trời lặn, nỗi chán nản của tôi dâng lên mênh mông như bóng tối. Tôi không muốn ở nhà, đi thơ thẩn ở ngoài đường cho hết ngày” (trích trong Tự học, một nhu cầu của thời đại – tr. 28)[3].
 
Vì về nhà phải thấy cảnh bốn anh em ăn rồi ở không. Mẹ tôi thì đem hàng tạp hoá lên bán ở Vĩnh Yên rồi mua hàng ở Vĩnh Yên chở về Hà Nội, mỗi tuần hai chuyến, ở Hà Nội độ 2 ngày, nhưng về nhà chỉ có hai buổi tối. Cả nhà chỉ trông cậy vào tôi mà tôi thì nằm “ếp rệp” (tiếng thời đó dùng để mỉa hạng thất nghiệp) [4].
 
Để cho qua ngày, tôi tự học lại chữ Hán. Mỗi ngày, buổi chiều tôi lại thư viện Trung ương đường Trường Thi, mượn bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh mới xuất bản hai năm trước (1932) rồi bắt đầu từ chữ A, tìm những từ và từ ngữ nào tôi đoán là thường dùng mà chưa biết thì chép lại trong một tập vở, mỗi ngày độ ba bốn chục từ. Tôi lại mượn cuốn Grammaire chinoise của Cordier cũng chép lại những điều quan trọng – Cuốn này bổ túc sự dạy chữ Hán của bác tôi, nhờ nó mà tôi biết cách người xưa dùng những hư từ chi, hồ, giả, dã…, biết cách đặt câu mà so với ngữ pháp Pháp, tôi thấy giản dị hơn nhiều. Tôi ở thư viện từ 3 đến 5-6 giờ chiều. Tối hôm đó và sáng hôm sau tôi học hết những trang đã ghi chép, rồi chiều lại ra thư viện chép bài học sau. Mỗi tuần nghỉ một ngày để ôn bài trong tuần, và đi vô làng Thịnh Hào hoặc làng Hạ Đình thăm các anh em cháu cháu cô cậu của tôi (…). Học ba tháng được độ ba ngàn từ, tôi viết thử một bài bằng chữ Hán, độ sáu bảy hàng, đưa một ông bác tôi, cụ Hy Thanh ở Thịnh Hào, xin cụ sửa cho. Cụ đọc rồi chỉ mỉm cười, không sửa gì cả. Có thể không có lỗi, nhưng chắc là ngây ngô, “pas chinois”. Nhưng người con cả của cụ, anh Nhiếp hơn tôi 15-16 tuổi, chữ Hán khá, làm thợ bạc, thấy vậy khen tôi và để khuyến khích tôi, đi mượn cho tôi bộ Tam Quốc Chí in thạch bản có lời bình của Thánh Thán, bảo tôi đọc. Vì đã biết truyện rồi, nên tôi đọc được, mới đầu chậm, sau quen, càng ngày càng thích, thích nhất là lời bình của Thánh Thán. Lối phê bình đó mới mẻ với tôi quá.
 
Vừa đọc xong bộ đó thì tôi được giấy bổ vào làm việc Sở Thuỷ lợi ở Nam Việt. Mẹ tôi rất mừng vì vào trong đó tôi được gần bác tôi – huý Côn, sau đổi là Khôn từ khi vào Nam, hiệu Phương Sơn, một giáo sư trong Đông Kinh nghĩa thục, rể của Thục trưởng, cụ Lương Văn Can[5]. Người thu xếp cho tôi một số tiền, và ngày rằm tháng chạp năm Giáp Tuất – tháng 1.1935 – tôi lên xe lửa vô Sài Gòn nhận việc. (ch. IX).
 
Giai đoạn đầu, khó khăn nhất, trong việc học chữ Hán của tôi chấm dứt ở đây. Từ nay tôi có thể đọc sách, tra tự điển Trung Hoa để tự học thêm được rồi. Tính lại thì tôi được cha tôi dạy cho một năm rưỡi hồi nhỏ; khoảng 9, 10 năm sau bác Hai tôi dạy cho tôi được hai vụ hè, cộng là bốn tháng; cụ Thẩm Quỳnh dạy bốn năm, mỗi tuần một giờ; nhưng chỉ trong hai vụ hè là tôi học được nhiều hơn cả vì hồi nhỏ học vỡ lòng chưa biết được gì, còn bài học của cụ Thẩm Quỳnh thì dễ quá, không học thêm được mấy. Mà trong hai vụ hè, học “tài tử” mỗi ngày chỉ hai giờ. Lại năm năm sau nữa tôi mới quyết tâm học ba bốn tháng trong khi đợi bổ.
 
Gom cả ba thời gian đó chỉ bằng một người học liên tiếp sáu bảy tháng, mà đọc được Tam Quốc Chí (dĩ nhiên không hiểu hết). Cho nên năm 1940-1941, một kỹ sư Thuỷ lợi Trung Hoa qua tu nghiệp ở Sài Gòn hỏi tôi học chữ Hán bao lâu mà đọc được sách, tôi đáp khoảng sáu tháng. Ông ta ngạc nhiên… Tôi giảng: “Non nửa từ ngữ Việt của chúng tôi mượn của Trung Hoa, mà phát âm theo Việt, nên gọi là tiếng Hán-Việt. Cách phát âm đó hơi giống cách phát âm của giọng Quảng Đông. Vì vậy học Hán tự nhiều chữ chúng tôi không cần học nghĩa, cũng không cần học cách đọc vì chúng tôi đọc theo giọng của chúng tôi; chỉ cần nhớ mặt chữ thôi. Tôi không thông minh gì đâu mà tôi tin rằng nếu chịu khó thì tất cả các bạn học của tôi có thể chỉ trong sáu tháng là đọc được Tam Quốc Chí”.
 
Hôm nay gần tới buổi hoàng hôn của cuộc đời, ôn lại dĩ vãng, tôi thấy sự thay đổi lớn lao vào giữ đời tôi (khoảng 1950 quyết tâm bước vào đời viết văn), là do một sự may và một sự rủi tạo nên. May vì năm 1928 mẹ tôi bỗng nảy ra ý cho tôi học thêm chữ Hán trong hai vụ hè với bác Hai tôi, nếu không thì một nhúm chữ nghĩa cha tôi dạy vỡ lòng cho sẽ quên hết. Rủi vì năm 1934 ở trường Công chánh ra, gặp hồi kinh tế khủng hoảng, tôi phải đợi 5 tháng mới được bổ, nên để qua thì giờ, tôi học thêm chữ Hán, vừa tới lúc được bổ dụng thì tạm đọc được sách chữ Hán; nếu không có mấy tháng đó thì mớ chữ nghĩa học được của bác tôi chưa dùng được, bỏ lâu cũng sẽ quên dần hết. Có số vốn nhỏ đó rồi, cứ lâu lâu tôi đọc thêm sách, nhờ bác Ba tôi ở Tân Thạnh[6] (Long Xuyên) chỉ dẫn, mà khi bỏ nghề Công chánh và dạy học tôi mới quyết tâm viết lách, nghiên cứu, thành một nhà văn. Kết quả là ba năm học nghề Công chánh, tôi chỉ dùng được hơn mười năm để mưu sinh, còn vài năm học chữ Hán (tính theo giờ học thì chỉ bằng 6 tháng) lại dùng được suốt đời, giúp tôi sống trong sạch và phong lưu mà lại hiểu biết thêm nhiều, làm quen với một số bạn văn và khá nhiều độc giả, gây được một chút tiếng tăm cho nhà, đền đáp được phần nào công của tổ tiên mấy đời.
 
Vậy trong cái rủi có cái may, mà ở đời có những cái tưởng như vô ích mà hữu ích vô cùng. Năm 1928, ai chẳng bảo học chữ Hán là vô dụng? (…)
 
Tới đây chấm dứt đời học sinh của tôi, cũng chấm dứt cuốc sống ở Bắc, quê hương thứ nhất, để bắt đầu cuộc sống ở Nam, quê hương thứ nhì của tôi. (ch. IX).
 

°

° °


[1] Cụ Phương Sơn được tin, gởi cho bài thơ “Mừng Lộc Đình thi đậu”. Lộc Đình là tên hiệu của cụ NHL. (Goldfish).
[2] Một người cháu của mẹ tôi ở phố Hàng Đường thiếu người hai ngàn đồng (bằng ngày nay bốn chục lượng vàng, công nhật của một người thợ tầm thường chỉ có hai hào) không trả nổi. Trong mười năm, người tiết kiệm được đồng nào, không dám để trong nhà đành gởi người cháu đó. Họ buôn bán tưởng phát đạt vì khách hàng đông, nhưng vì bán chịu nhiều, lại tiêu pha quá mức nên sụp đổ rất mau. Vụ đó đau xót cho người nhất, nhưng người âm thầm chịu đựng và làm việc tăng lên để ráng gây dựng lại. Nghị lực của người, đàn ông cũng ít ai bằng.
[3] Trong cuốn Tự học, một nhu cầu của thời đại, cụ NHL cho biết thêm: “Sau một hôm, lật những sách cũ ra coi, tôi gặp được cuốn “Tam thiên tự”, tôi hăm hở đọc. Nhờ đã biết sẵn được độ ngàn chữ Hán, tôi học không thấy khó khăn lắm. Học hết cuốn ấy, tôi lại Thư viện trung ương ở Hà Nội học trong bộ Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh và cuốn Grammaire chinoise của Cordier”. (Goldfish).
[4] Tuy cảnh nhà túng bấn và cụ NHL đang thất nghiệp như vậy, nhưng thân mẫu của cụ lại có một quyết định mà tôi cho rằng cũng có ảnh hưởng đến sự nghiệp của cụ sau này, đó là không cho cụ sang Lào làm việc. Trong bài Tựa cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, cụ NHL cho biết: “Tháng 7 năm 1934, tôi ở Trường Công chánh ra. Hai tháng sau, có người giới thiệu cho tôi một chỗ làm ở Lào tại Savanakhét, nơi hiện nay có cuộc xung đột. Tôi lúc ấy thích xứ Lào lắm vì đã được đọc một ít sách tả đời sống an nhàn giữa cảnh thiên nhiên của các cô ‘phù sao’ ngây thơ và tình tứ; nhưng mẹ tôi không muốn cho đi Lào, bảo: ‘Mày qua bên đó, mỗi lần tao đi thăm mày sao được? Rồi mày cưới một con vợ Lào, nó nói tiếng nó, tao nói tiếng tao, làm sao hiểu nhau?’. Thế là tôi đành chờ một cơ hội khác”. (Goldfish).
[5] Cụ NHL còn một người bác nữa, bác cả, “tên là Nhuận, hiệu Tùng Hương, thông minh, văn thơ hay nhưng ghét khoa cử, không chịu cưới vợ, gia nhập Đông Kinh nghĩa thục rồi sau lẻn qua Trung Hoa, theo cụ Phan Bội Châu, chết ở đâu, năm nào, không rõ”. (theo Hồi Kí). (Goldfish).
[6] Nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. (Goldfish).