Rừng Cà Mau âm u và mênh mông đến mức nào? Ðể trả lời câu hỏi đó, người ở địa phương thường xúm xít lại để kể cho nhau một câu chuyện giải trí như vầy:Năm đó thầy đội kiểm lâm X. vừa đáo nhậm ở lô rừng 321. Thầy ta thích bắn chim nên luôn luôn đích thân bơi xuồng đi rong khắp đường quanh nẻo tắt trong rừng. Cho đến ngày nọ, thầy nghe có tiếng chim gõ kiến, thứ chim chỉ ở vùng đất cao chớ không bao giờ ở nơi rừng tràm trầm thủy. Lấy làm lạ, thầy từ từ bơi xuồng lại ngay hướng đó, lắng tai xác nhận rõ ràng:- Cóc! Cóc! Cóc! Cóc!“Chắc là chỗ này chim gõ kiến nhiều lắm.” Thầy đội nghĩ thầm như vậy. Mái dầm khoát nước càng lúc càng hăng. Và ngạc nhiên làm sao, tiếng “cóc cóc” lần lần nghe trầm xuống, thở thành tiếng “cum cum” giống na ná tiếng mõ của đình làng.Trước mặt hiện ra một cảnh lạ mắt khiến thầy bỡ ngỡ như hai chàng Lưu Nguyễn khi giã từ non cao để trở về gặp trần gian. Cảnh rừng tràm dày bịt “cây chen vạn gốc” không còn nữa. Một vòm trời xán lạn hiện ra. Hàng trăm mái nhà cất san sát thành một xóm lớn, trong bản đồ tự hồi nào đến giờ chưa có ghi vào. Chừng điều tra lại thì ô hô! Ðó là một số người lén lút vào đây cất nhà phá rừng để bán củi lậu thuế đã ba năm qua mà nhà cầm quyền không bao giờ hay biết.Sau khi thương lượng, họ đồng ý chịu cho thầy một số tiền “trà nước” hai ngàn đồng, hồi xưa đó là số vốn khá to. Nghe nói nhờ đó mà thầy đội sắm được chiếc đò máy và đến năm sau, thầy đâm đơn lên quan trên để xin từ chức, dưỡng già.Sở dĩ nãy giờ chúng tôi đi hơi xa vấn đề là cốt ý giúp độc giả hiểu tối thiểu về lối sinh hoạt của một số người khá đông sống bằng nghề phá củi lậu thuế thời Pháp thuộc.Anh Tư Hưng ở trong số người ấy.Qui mô làm ăn của anh so với xóm trên kia thì nhỏ bé hơn nhiều. Anh đã được người bạn giới thiệu vào kinh Mười Lăm. Ở đấy, chỉ có bốn gia đình, thêm anh nữa là năm. Nhờ họ khéo che đậy bằng hình thức giăng câu bắt rắn, nên lính kiểm lâm thời đó ít chú ý.Hừng sáng, họ đi vào rừng đốn củi. Gạp cây nào to lớn, ngay thẳng họ hạ xuống lột vỏ, ngâm bùn chôn giấu để làm cột nhà, bán với giá đắt hơn. Cứ mười bữa, họ cho người chở củi ra chợ Thới Bình giao cho nhà vựa củi. Vựa này có giấy phép của nhà nước. Ðường đi thật gay go. Lắm khi họ phải chịu trần truồng nhảy xuống bùn, đẩy xuồng củi xuyên qua rừng hàng năm, ba cây số. Ðêm hôm tăm tối, họ phải nhìn hướng sao trên trời mà đi. Lắm khi đi lạc đàng trở về xóm cũ, họ chờ ngày khác. Mùa mưa thì trên rừng có nước, việc đi lại tương đối dễ. Qua mùa hạn, muốn buôn bán lậut huế như vậy phải vác củi đi qua nhiều khu rừng nổi tiếng có rắn và cọp.Sống như vậy lâu ngày, anh Tư Hưng lần lần mến người mến cảnh.Ngày nào bán được củi là nhóm người nọ chở về một xuồng đầy gạo, đường, trà, vải.Lúc nào bán được một bộ cột nhà thì đó là phần thưởng chung. Họ mở tiệc ăn uống suốt ngày, thâu đêm, mời người ở xóm khác tới dự. Anh Tư Hưng thích dự những cuộc ăn uống đó.Ðây là Hai Ðẹt, người đã từng nhậu ba lít rượu đế với ba yến khô cá sặc rằn.Ðó là Bảy Vĩnh, người hồi tháng trước đã ăn một lượt ba kí-lô mỡ heo luộc chín, chấm với muối ớt. Sau khi ăn xong, anh còn đòi uống thêm bốn gáo nước lạnh.Lại còn Tư Cần, đối thủ lợi hại của Bảy Vĩnh, Chính Tư Cần đã ăn bốn chục viên bánh xôi nước và một con vịt luộc, Bảy Vĩnh đáp lại, sẵn sàng ăn tám kí lô sầu riêng. thứ trái này khó kiếm ở rừng Cà Mau, phải gởi tàu đò ra chợ Rạch Giá mua về.Ngày hôm sau đúng lời hứa, Bảy Vĩnh ăn tất cả. Có điều lạ là sau đó anh trợn trắng, mửa ra toàn sầu riêng, khiến cho cử toạ phải một phen khó xử vì cái mùi “thơm béo” không đến nỗi khó chịu.Nói chung, anh Tư Hưng không chịu tham dự các cuộc tiêu khiển ấy, không phải anh không có tài ăn nhiều như thiên hạ, ngặt vì anh muốn giữ thể diện để mưu cầu chuyện khác.Trong số người tụ họp, anh chú ý đến cô Một, cô gái thùy mị của ông lão Bích.Lão Bích là người đứng tuổi nhứt trong xóm. Lão thường đến chung vui với tư cách người thạo chữ nho. Phen đó thấy lão đến, có người dùng chữ nho để cười cợt với lão:-Tử viết thiện giả, có con không gả; tích thiện phùng thiện, để lâu sanh chuyện; tích ác phùng ác, để lâu tác hoác.Lão nâng tô rượu mà cười.- Tôi chỉ có mụn con gái nên phải kén rể đông sàng cho kỹ lưỡng. Cậu nào biết văn chương mới mong.- Văn chương là thế nào? - người nọ hỏi.- Là biết hát đối. Ðây tôi ra một câu, ai đối được tôi gả con gái cho:Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi lời, thuở tạo thiên lập địa, ông trời do ai sanh?Anh Tư Hưng xiết đỗi vui mừng sực nhớ hồi nhỏ anh đã từng nghe câu trả lời như sau, nên anh lập tức lên tiếng:Nghe em hỏi tức, anh trả lời phức cho rồi, thuở tạo thiên lập địa, hai đứa mình chưa sanh!Ai nấy vỗ tay hoan nghinh. Cô Một e thẹn, cắm đầu chạy về nhà.Từ đó về sau, anh Tư Hưng thường gặp cô Một để trò chuyện. Lão Bích khuyên anh nán một đôi năm, chờ khi là ăn khá. Anh vui mừng nhận lời. Từ sáng đến chiều đôi trai trẻ cố sức đốn củi để đi bán. Nhưng phen đó, rủi bị lính kiểm lâm bắt được, tịch thâu chiếc xuồng. Vô cùng buồn bực, lão Bích chạy mượn cho Tư Hưng số vốn nhỏ để anh ta xoay qua nghề buôn nồi. Nồi trách, cà ràng ở Hòn Ðất giá rẻ, chở về Cần Thơ bán lại lời gấp ba gấp tư. Nhưng họa vô đơn chí, vì chở quá cao nên khi ghe đến Cần Thơ thì bị sóng đánh chìm...Nghĩ rằng đã đến lúc mặt vận, anh Tư bèn lên chợ tìm nhà anh em bạn quen nhờ bảo lãnh để mướn chiếc xe kéo. Không còn cách nào nhắn tin về gia đình lão Bích, anh hằng yên tâm suy nghĩ rằng:- Năm xưa mình hứa một hai năm sau mới cưới cô Một. Chờ năm mười tháng nữa, mình dành dụm số tiền mọn trở về rừng cũng không thất hẹn.Như chim gãy cánh, vào một chiều tháng ba năm sau, anh Tư cùng một người bạn ở Cần Thơ trở về kinh Mười Lăm để thăm viếng lão Bích và cô Một.Rừng tràm không có mùa hạ hay mùa thu rõ rệt. Mãn năm, luôn luôn lá xanh tươi và lấm tấm vài chiếc lá vàng sắp rụng. Anh Tư và người bạn hối hả bơi xuồng vào ngọn kinh. Lòng anh khấp khởi mừng thầm. Nhưng dòng nước hôm nay có khác, nó chảy lờ đờ, trong veo không một miếng xác mía, một manh lá chuối trôi ra. Ðiều ấy chứng tỏ không còn người nào ở trong ngọn kinh.Ðến xóm cũ thì hỡi ôi, ai nấy đều dời mất chỉ còn sót lại vài căn nhà hoang xiêu vẹo, cất xa nền nhà lão Bích chừng non công đất. Hỏi ai bây giờ? Cây cỏ toàn là lạ, căn nhà xưa đã đóng cửa. Anh in trí rằng gia đình lão Bích đã dời đi nơi khác. Không còn đủ thời giờ để cho anh buồn tủi nữa vì mặt trời sắp lặn sau rừng. Làm sao tìm chỗ ngủ gấp ở chốn rừng này? Người bạn của anh quá nóng lòng đòi trở ra sông Cái, nhưng trở ra sao kịp? Thôi thì đành đi sâu vào rừng tìm nơi nào có đất trống, có củi mục để đốt ngừa rắn rít, cọp beo.Anh Tư khuyên bạn nên vào gần rừng với anh để giấc ngủ bảo đảm hơn. Cách đó không xa, đúng như anh ao ước, có một đống củi lớn chắc là của ai đốn lậu thuế chưa kịp lưu đi.Hai người trải nóp ra, nằm hút thuốc. Chập sau vì quá mệt mỏi không ai bải ai họ chui vào nóp ngủ say.Một tiếng hú lớn khiến cây cối vang dội. Anh Tư giật mình, hé nóp. Bên ngoài trăng sáng vằng vặc, không biết rõ vào canh mấy, anh Tư lắng tai định thần, để tìm hiểu tiếng hú quái dị đó. Anh ngỡ là tiếng chim ụt. Mà kìa! Có bóng trắng thấp thoáng từ xa len lỏi vào rừng tràm và tiếng cười rú lên:- Hả! Hả! Hả!Lập tức, anh Tư Hưng gọi bạn:- Mầy! Mầy thức hay ngủ?Bạn đáp liền, giọng run run:- Tao thức nãy giờ.- Mầy nghe gì không?- Nó hú, nó cười phải không? Chắc mình gặp con xà niên rồi.Anh Tư Hưng quả quyết rằng này ẩm thấp, không bao giờ có xà niên như ở vùng núi cao. Anh nhướng mắt lên. Bóng trắng ban nãy đang lù lù tới quá rõ rệt.Chắc chắn đó là một người con gái bỏ tóc xõa, mình mẩy trắng ngần, tay cầm một món gì ngắn, lòng thòng tựa như cây phất trần...Anh buột miệng:- Ma... ma thiệt rồi. Mầy tỉnh trí không? Mầy nằm sát xuống coi chân nó có đụng đất không? Ma thì đi hỏng chân khỏi mặt đất.Bạn anh trả lời:- Tao coi kỹ nãy giờ rồi. Nó đi hỏng mặt đất.Bóng trắng nọ dường như chỉ còn gần đề anh chừng một công đất, hai tay quơ lên rồi lại cười lớn. Làm sao bây giờ? Tâm trí đang bối rối lại càng bối rối hơn. Anh vụt đứng dậy khi nghe từ trong rừng có tiếng hú thứ hai đáp lại:- Hú... Hú...Anh Tư Hưng ra lịnh cho bạn cùng tẩu thoát sau khi cuốn nóp thật gấp, e bóng ma nọ nhìn được dấu người mà truy nã theo. Họ núp trong bụi rậm, thủ trong tay khúc tràm ngắn để tự vệ.Bóng trắng nọ là một cô phụ nữ.Cô ta ngồi xuống đống tràm mà hai người vừa trải nóp ngủ khi nãy. Cô ta vẻ giận dữ; đôi tay cấu xé vào đống tràm nghe rột rột. Chập sau ông lão hiện tới, mặc áo ngắn, quần đùi đen.Anh Tư Hưng đứng dậy nắm tay bạn:- Phải chạy mới được, mau!Bạn cãi lại:- Ðể tôi ăn thua với nó...Bỗng dưng, ông lão đứng ngoài đống tràm la lớn:- Ai đó? Bà con nào đó? Phải mầy đó không Tư Hưng? Tao là Hai Bích đây...Nhờ vậy mà anh Tư nhận được bóng ma nọ: cô Một, người hứa hôn với anh ngày nào.Lão Bích cho biết thêm giọng mếu máo:- Bây giờ nó điên rồi. Mầy đi vài tháng nó mang thai. Nó chờ mày về, chờ hoài. Rồi nó đẻ trong rừng, không ai làm mụ bà. Tao làm mụ cho nó... Mầy tưởng tượng cái cảnh não nề. Con mầy chết non. Kiểm lâm vô đây với hương quản để bắt củi xét thuế thân. Xóm mình tản lạc, tao với vợ mầy phải chạy vô trong nầy. Mầy coi vợ mầy không thèm bận quần áo nữa mà có bận thì cũng không mua nổi. Nó khóc, nó cười, nó chửi tao. Ban đêm muỗi mòng quá, nó cầm cây xơ quất này đập muỗi. Nó điên vì tình, vì đời...Anh Tư Hưng khóc không ra nước mắt. Anh cũng không còn mặt mũi nào để nhìn mặt cô Một ngày xưa.Chắc chắn là anh không cưới cô Một. Năm sau có người gặp anh chạy xích lô ở Sài Gòn. Hỏi anh về vấn đề vợ con, anh đáp:- Khổ quá. Tôi bây giờ là thằng khùng. Vợ con gì...