hời giờ cứ trôi. Mới đầu thì là mùa thu, mùa thu bàng bạc màu chì, chán nản thì có chán nản thực nhưng mà êm đềm và rầu rĩ làm sao? Xong, kế tiếp người bố, hăng hái thì có hăng hái hơn thực nhưng mà lòng tốt thì vẫn thế, không thay đổi. Hải thấy lòng mình bồng bột với cái tuổi hai mươi nhăm một cách lạ. Hai mươi nhăm tuổi, ấy là cái tuổi của ái tình, cái tuổi của những thú vui nhân đạo, cái tuổi bước vào đời, chiến đấu với nó để mà tìm hạnh phúc. Hai mươi nhăm tuổi... bao nhiêu thi sĩ đã làm thơ tuổi này! Người ta thấy những thiếu nữ đa tình có những má đỏ bừng bừng, đôi khi là những cô mơ mộng nhẹ nhàng như thú vui, hay có lúc lại là những nữ sinh đỏng đảnh, nhưng mà rất thông minh, hễ ai trông thấy thì cũng phải tung hoa lên tóc. Hai mươi nhăm tuổi! Những bước đi đầu tiên của một thiếu niên tin đời và yêu người, lúc nào cũng thấy những hy vọng không bờ bến. Hai mươi nhăm tuổi, cái tuổi ấy không thấy một cái gì cản trở, nở rồi rơi vào những bộ ngực mỹ miều của các cô gái thanh tân.Hải không thế. Y không còn đầu óc đâu mà để đến ái tình. Ái tình chỉ đẹp với những người nào có cánh sinh sống mà thôi. Những kẻ khác thì phải nghĩ đến cái ăn trước đã. Ôi! Cái tuổi hăm nhăm của những người nghèo, cái tuổi hăm nhăm của những kẻ thất vọng vì không có công việc, cái tuổi hăm những người đau khổ về linh hồn, cái tuổi hăm nhăm của những ông giám thị các trường làm vật thây vật xác mà không hiểu công việc của mình có dắt đến tương lai không, cái tuổi hăm nhăm của gái đĩ bị trùng giang mai đục thủng ăn sâu gân cốt.Hải đã nhìn thấy sự thực. Nhìn vào phương trời nào cũng vây. Hải cũng thấy những người nhiều tiền lấn mất y. Y như một con thú bị nhốt vào trong một cái chuông đóng kín, lúc nào cũng nóng tiết tìm một cái lỗ hổng, một cái khe để được thấy trời - trời mênh mông, bát ngát.Mỗi một ngày lại, lại làm cho cái lò xo ở trong người y giãn dần ra; mỗi một ngày lại, lại làm cho mộng đẹp của y cất cánh bay đi mất như huyễn mộng, Hải thấy ai nói đến một chỗ làm nào là vội vã nộp đơn ngay. Y sống với tương lai. Tương lai lại không đem đến cho chàng một cái gì lạ cả. Ngày mai cũng như ngày hôm qua, mà ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay; Hải, lâu dần, đâm ra nghi sự thực và chỉ trông ở sự tình cờ mà thôi. Những người trẻ tuổi đương mong làm nên những chuyện lớn lao mà bị lâm vào cảnh ấy, thực là buồn lắm lắm. Y đi đi lại lại ở trong nhà. Y nằm. Y hút thuốc. Y đợi một người làm của sở dây thép khệ nệ một cái hòm đưa đến một lá thư - một lá thư của ông chủ sở kia, xét cặn kẽ cái tình cảnh của y kể lể ở trong đơn, phê một chữ cho y một việc làm trong sở. Người phát thư đi qua. Người đưa thư đã đi qua rồi, Hải không có một bức thư nào cả. Y lại đợi ngày mai. Ngày mai, ta sẽ gặp một sự may mắn không tưởng tượng được... Ngày mai, ta sẽ đến sở kia tìm ông chủ ấy có một khối óc riêng sẽ vui vẻ cho ta một số lương rất hậu... Ngày mai, ta sẽ bước vào một cuộc đời khác, không túng thiếu như thế này đâu, ta sẽ nuôi mẹ, ta sẽ nuôi em, và bao nhiêu người quen biết nhà ta,mỗi khi thấy ta đi xe nhà đến sở, đều thì thầm: “Quý hóa quá! Ông làm tháng trăm hai bạc mà chưa vợ”. Thì ta sẽ lấy vợ, chứ sao! Ta lấy một người vợ có học Tây, biết yêu chồng và mỗi buổi chiều lại đợi ta ở cửa như một cây cao có bóng mát và hai vợ chồng cùng vào nhà với nhau, vừa đi vừa nói những câu mong nhớ “Mình ơi, sao mình về chậm thế? Mình ơi, mình nhọc lắm hay sao?”... Không, không, Hải ơi, Hải chỉ là một người thanh niên bất đắc chí, đương nằm ở xó nhà để cho tâm trí chạy theo cái ngày mai, như con thiêu thân chạy theo cái ánh đèn. Mà cái ngày mai ấy vẫn không bao giờ lại cả.Y để mặc cho ngày tháng trôi đi, những ý định vẫn nung nấu cõi lòng cho mềm lại. Hải nghĩ như trong sách: “Nếu không có tất cả, thà là không có gì!”. Than ôi, ở đời, bao nhiêu tội ác đã sinh ra vì cái ý nghĩ càn rỡ đó. Hải đã sa ngã vậy. Có nhiều lúc, y đã nghĩ cách hủy bỏ đời y. Y sẽ đi thật xa, y sẽ trả thù xã hội vì y đã có lần nghe thấy nói rằng bao nhiêu tội lỗi đều do ở xã hội hết, y có thể giết người lấy của được mà không có tội gì khi đứng trước mặt đức Diêm vương.May thay, những ý nghĩ ấy chỉ là những ý nghĩ mà thôi. Hải không dám làm gì cả bởi vì Hải còn mong một cái ơn huệ của Trời, Hải còn tin ở Trời. Giết người, lấy của, tự tử hay là làm một tội ác gì, có thể được lắm. Người ta có thể tránh được pháp luật, nhưng mà không tránh được hối hận, bởi vì đã là tội ác, thì không phải là tội ở xã hội hay tội ai hết thảy, chỉ là tội mình mà thôi. Mà đã là tội thì phải có hình phạt, mà hình phạt là hối hận.Hải thở dài “Thà là đợi chờ, còn hơn là làm những việc mà đến chết ta hãy còn hối hận”.Nằm im trong nhà, đôi mắt hau háu nhìn qua cửa sổ sang một cái nhà to lớn, y đợi một sự tình cờ: y đợi những người giàu có thương đến những người nghèo khổ. Nếu tay Hải không có gì, những người giàu có sẽ hiểu rằng Hải đau khổ về chuyện ấy lắm mà y phải làm việc chứ không thể ngồi ăn cơm mãi của người mẹ già tóc đã trắng xóa còm cọm cả ngày để kiếm ra.Mấy mẹ con ngồi quây quần cả ở một cái cửa hàng bán rượu, tương, than, muối, cà, diêm, thuốc. Có một người đàn ông đi đến. Mấy mẹ con lại giật mình, đưa mắt như để hỏi lẫn nhau đó có phải là một người mang việc đến giúp không. Người đàn ông ấy chính là tương lai đó. Bao nhiêu trái tim não nuột kia lăn cả đến người ấy một loạt nhưng bao giờ cũng thất vọng bởi người ấy chỉ là một người khách đến chơi suông. Những khách đến chơi suông như thế an ủi lòng ta rất nhiều, nhưng sướng thay, là những kẻ không cần ai an ủi!Những người này yên thân lắm, mãn nguyện lắm. Nhưng Hải thì Hải cứ lò dò bước một mà đi. Y muốn thở, y đi và y là một thanh niên nhẫn nại và hãy còn can đảm. Hải thấy đời đẹp quá, nhiều thú vui quá và bao nhiêu là chỗ! Và bao nhiêu là chỗ!Bây giờ thì thực hết, hết thú vui, hết chỗ: những cái nhà đẹp đẽ đã làm trên những mẫu ruộng phì nhiêu rồi.Tuy vậy, những cái đã qua đã làm cho y sung sướng lắm. Bây giờ, sờ thấy sự thực rồi, y mới thấy khổ hơn. Một đêm mưa gió, y chán nản hết sự đời, tỉnh mộng. Ôi! Bao nhiêu là mong ước từ ngày còn nhỏ! Ôi! Bao nhiêu là ý nghĩ đã làm y tự phụ! Hải bây giờ bỏ hết, bỏ hết, bỏ hết. Y sầu như một người đi đưa đám: y đưa đám những mộng cao siêu, những mộng đi ở ngoài phố như bức tranh nhân đạo, những mộng kiếm ra một việc làm lười biếng mà có nhiều tiền tiêu.Hải lại đi, nhưng Hải không đi ra ngoài nữa. Hải đi về. Hải đi về với những kẻ thân yêu cũ, với những tâm tình và hoài vọng khôn ngoan hơn trước. Y không thấy buồn khi phải bỏ đi đàng sau tính tự phụ điên rồ, những chỗ làm tốt bổng, những áo đẹp, những đàn bà lộng lẫy. Y mở cửa cái nhà lụp sụp của mẹ già. Đây này, đủ cả. Em gái chàng đương múc tương bán. Một thằng em trai chàng đương giã muối vừng. Một thằng khác thì đương chọn những hạt lạc xấu bỏ đi, lấy những hạt tốt đem vào trong nhà rang để bán. Mà mẹ chàng thì cũng đương làm việc, một việc có ích bởi là việc thổi cơm và nấu canh. Hải ngồi xuống ôm đầu. Bên cạnh nhà chàng ở, vang lại những tiếng làm lụng. Hải là láng giềng của một thợ làm guốc, của một người thợ đóng giày và của một người đi kéo xe. Những người ấy làm và ăn cái hột gạo kiếm bằng mồ hôi của họ. Hải cũng như thế, nhưng Hải khổ bởi vì Hải không làm việc. Tay chân y đau đớn; tim y có những mối tự phụ của nó, và tất cả ý nghỉ của y kêu lên rằng kẻ nào không làm việc thì nhục nhã vô cùng.Trời ơi là Trời! Hải bây giờ còn có mong muốn gì to tát nữa đâu. Y nhũn lắm: y chỉ cần một chỗ mà thôi - bất cứ ở trong xó xỉnh nào của cuộc đời cũng được - nhưng phải là cái chỗ của y để y làm việc cho nên người có ích, để y nuôi cái thân tàn của y.Ôi! Y không nói dối đâu.Có một hôm phẩn chí, y đã nghĩ thế này: Ta lấy một cái bị rơm vác trên vai, bỏ một đồng bạc xu vào túi rồi đi mãi. Ta đi mãi để đi ăn mày. Về quê, vào các công sở, đến những các đồn điền, chui xuống hầm than, vào những tư gia, ta sẽ dừng chân lại. Người ta sẽ bảo rằng: “Người cao lớn bằng con sào thế kia mà không đi làm mà ăn ư?”. Thì ta sẽ trả lời rằng: “Vâng, tôi muốn đi làm lắm, nhưng ông cho tôi việc làm, ông nhé”. Nếu có cần, ta ngửa tay xin thực. Ta xin được tiền nhưng ta đi. Ta để dành để mua giày, mua áo và ta cứ đi mãi, đi mãi cho bao giờ tìm được việc làm thì thôi. Mà thế nào chẳng phải tìm ra việc? Bởi vì trời đã sinh ta ra đời, thì tất đời phải có chỗ cho ta. Có người không cho ta chỗ, chứ ta không từ chối chỗ nào của ai.Hải nghĩ như thế nhưng vẫn không làm như thế. Ở trong gian nhà lụp xụp, y lại nằm đợi ngày mai, đợi mãi rồi sau quên không đợi nữa, mà quên lúc nào y cũng không hay. Thì chính vào giữa lúc ấy, cái lúc không ngờ nhất ấy, một tin tốt đẹp đến tìm y. Trong số bạn bè cũ của y có một người gặp y ở ngoài đường. Người này học dốt có tiếng mà bây giờ kiếm ra mỗi tháng hai trăm bạc. Người ấy dắt y vào hiệu cao lầu ăn bánh, nói chuyện về các bạn cũ hồi lâu rồi mách cho y một việc. Hải theo đúng lời dặn dò của người bạn, sáng hôm sau đến sở thì ông chủ nhận lời ngay và cho Hải mỗi ngày lương chín hào.Người ta không làm Chủ nhật.