15- Nhà thờ họ Trịnh- TốiGian điện thờ họ Trịnh. Chạng vạng tối. Cụ Tín bật diêm châm đèn. Gió thổi tắt lửa. Lại bật diêm. Ngọn lửa nháy vội vã. Từ phía làng, chó sủa thành vệt đến nhà thờ tổ thì bặt hẳn. Cụ Tín chắp tay, khấn, vẫn chắp tay, không quay lại:- Anh Khả, xuống nhà ngang, đợi tôi một lát. Không rõ hình Khả, chỉ có tiếng. - Cụ Tín, con muốn vào thắp hương. - Tôi biết. Anh muốn cầu khấn điều gì. Ta nói chuyện với nhau đã. Biết đến tổ tiên là tốt. Nhưng tâm mình phải sạch. - Cụ Tín, cụ là người hay là… Tiếng gió cuốn u u bạt đi hết mọi âm thanh khác. 16- Nhà ngang - Tối. Trong nhà ngang, Khả ngồi ngay đơ đối diện với cụ Tín. Cụ Tín với chai rượu:- Uống với ta một chén, anh Khả. Khả ngửa cổ, dốc tuột chén rượu:- Vâng! Con muốn… - Ta biết. Chính vì thế, ta lo ngại cho anh. - Cụ hiểu cho. Con chỉ vì dân làng Nhô. Vì 70 mẫu ruộng của làng Nhô. Cụ Tín ngửa mặt. Tiếng cười mảnh, nhẹ, sắc, lạnh:- Mắt ta kém thật nhưng anh qua sao nổi. Anh Khả, anh đâu vì ai. Anh hận thì có. 10 mẫu ruộng và cái chết của cha anh. Nhầm rồi, anh nhầm to rồi. Khả đứng bật dậy, hoảng hốt vì bị nhìn thấu tim đen:- Nhưng, cha con… - Không, đấy chỉ là cái cớ. Ta tiếc rằng không ngăn cản nổi anh. Nhưng ta tin vào sự linh thiêng của tổ tiên họ Trịnh. Vào đi, vào thắp hương đi. Hãy nhớ rằng, họ Trịnh ta xưa, nay không bao giờ làm việc gì trái đạo. Còn kẻ nào... ơ, hơ, tiếc thay cho anh, hơ, hơ, hơ… Khả ngồi chết lặng. 17- Đường làng - Ngày. Làng Nhô nhộn nhịp như có hội. Trên khuôn mặt mọi người hiện rõ vẻ háo hức, căng thẳng. Người làng tụm nhau thành từng đám xì xào, bàn tán. Lúc này đang giữa sáng, lão Bong khật khừ tiến đến bên một đám người già có, trẻ có. Lão Bong, giọng đã nhềnh nhệch:- Bông rua… chà, chà phải công nhận ông Khả là người học rộng, biết cao. Tôi, tiếng là đã đi đông, đi tây… Một gã mặt dữ dằn cất lời. Đó là Tứ sứt làm nghề mổ và bán thịt lợn. - Ông có mà Tây nhựa mận. Lão Bong cười phô cả máng lợi đỏ hoét:- Đúng, nhựa mận. Anh Tứ nói chí lý. Đòi được ruộng, gì chứ món ấy cứ gọi là thoải mái. Một bà sồn sồn:- Cứ dắng thế, chắc gì Tam San họ đã nhả. Lão Bong trợn mắt:- Cái mụ này, ông Khả đã tính toán đâu ra đấy hết rồi. Đàn bà ngồi xổm, đừng có làm nhụt chí. Bà kia bĩu môi, rồi sấn đến làm động tác như muốn nhấc lão Bong. Lão Bong dúm người lại như cua bị ếch vỗ mai. Cả đám người cười ầm lên. Bà kia:- Chí có đâu mà nhụt. Lần sau đừng có coi thường ngữ ngồi xổm nghe chửa. Đàn bà cũng có dăm, bẩy loại. Không ngon như món nhựa mận của ông đâu. Lão Bong lầu bầu:- Đúng là ra ngõ gặp cổng. Vẫn bà kìa nanh nọc:- Tôi vẫn cứ lo lo là. Dân Tam San cũng không phải thường. Muốn đòi được đất phải rạch ròi ngô ra ngô, khoai ra khoai. Tứ sứt hung hăng, tay đâm đâm như đang chọc tiết lợn:- Không trả táng bỏ bố chúng nó đi chứ sợ à. Một, hai thanh niên phụ họa:- Phải phải. - Chặc, lành làm gáo, vỡ làm môi. Lão Bong phấn khởi ra mặt, vỗ tay bồm bộp, giọng quan trọng hẳn:- Được rồi, việc thế nào hẳn ông Khả sẽ lo được. Bà con ta có tinh thần thế là tốt. Để hôm này họp làng rồi ta quyết. 18- Nhà Khả - Tối. Nhà Khả buổi tối, đèn sáng trưng. Người vào, ra tấp nập, chào hỏi, chuyện trò râm ran. Còn lại, ba người: Khả, lão Bong và Tứ. Lão Bong nháy mắt:- Quái, hẹn thế mà giờ này con mẹ Xinh chưa thấy đến. Hay là ngại…Khả lừ mắt:- Việc lớn, ông Bong đừng có lung tung. Tứ sứt lắp bắp:- Hay là… ta cứ họp. Khả rót nước trà:- Không sốt ruột được, ban trù bị phải đủ thành phần. Anh Tứ là cựu chiến binh. Ông Bong là bô lão. Chị Xinh là vợ liệt sỹ đại diện cho gia đình chính sách vừa là đại biểu phụ nữ. Không thể thiếu ai được. Ông Bong với anh Tứ cứ nhẩn nha, chẳng vội gì. Xinh đứng sát cổng nhà Khả ngần ngại. Con chó vàng nhà Khả xồ ra, sủa dữ dội. Vợ Khả đang cời nồi cám lợn trong bếp te tái chạy ra:- Ai như cô Xinh. - Vâng, em đấy. Liên suỵt chó. Con chó vàng cúp đuôi. Liên mắng:- Đúng là ngu như chó, đến người thân cũng không biết. Liên quay sang Xinh mát mẻ: - Cô vào đi. Anh nhà tôi mong cô lắm đấy. Xinh đầu cúi, nói nhỏ vẻ thẹn thùng:- Ấy chết, à… em mắc ít việc nhà nên đến muộn. Vợ Khả vẫn mát mẻ:- Cô Xinh dạo này bận rộn thật đấy. Xinh loay hoay không trả lời được. Xinh đoán ra vợ Khả đã mang máng biết chuyện. Đúng lúc ấy thì Khả từ trong nhà bước ra. Khả đon đả:- Chào chị Xinh. Mời chị vào nhà. Gớm anh em chúng tôi đợi mãi. Xinh đi vào nhà. Khả quay sang vợ dằn từng tiếng- Cô làm cái trò gì thế. Hỏng việc lớn của tôi thì đừng có trách. Liên vùng vằng đi vào bếp. Khả cũng vào nhà. Lão Bong, mắt hấp háy. - Gớm, buổi tối nom cô Xinh ăn đèn nhẩy. Khả gạt đi:- Thôi, ta vào chuyện luôn. Hôm nay, ban trù bị đòi ruộng nhóm họp. Tình hình mọi người đã rõ. Dân làng Nhô đã sôi sục khí thế. Tôi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết, kể cả giấy tờ giao ruộng ngày xưa. Tình hình bây giờ rất khẩn trương. Lão Bong nói đế:- Rất khẩn trương, đúng thế. Khả:- Tuần sau chúng ta phải họp làng. Đơn từ tôi cũng đã thảo xong. Ngày mai tôi sẽ làm việc với xã để thăm dò thái độ. Tứ sứt băn khoăn:- Nhỡ họ ngăn cản thì sao?Khả nhếch mép:- Nếu xã ngăn cản, chúng ta sẽ vạch tội ban chủ nhiệm tham nhũng, chính quyền xã nhu nhược làm ngơ, nếu không nói là tiếp tay. Bằng chứng tôi cũng đã có đủ. Mọi người tiếp tục vận động dân làng. Thế nhé, ai có ý kiến gì không?Tứ sứt chém tay:- Vâng, có gì bác cứ bảo em một nhời. Tứ này cứ gọi là phăng luôn. Lão Bong:- Cho tôi xin chén rượu. Nhạt mồm quá. Xinh nãy giờ có vẻ thẹn, đầu cúi giờ mới liếc Khả một cái rõ dài:- Cái ông Bong này, không có rượu chắc chết hử?Lão Bong cười hềnh hệnh:- Chứ lại không, ai nghiện gì mà chả chết. Xinh đứng dậy:- Thôi, tôi xin phép. Khả tiễn Xinh ra cổng, cố tình nói to:- Vâng, chị Xinh lại nhà nhé!Trong bếp, có tiếng loảng xoảng. Khả véo vào tay Xinh:- Em về đi. Nhớ để cửa cho anh. 19- Nhà Khê - Buổi sáng. Nhà Khê, buổi sáng sớm. Khê ngồi uống trà một mình. Khả đàng hoàng đi vào. Khê vẫn ngồi yên:- Lại còn việc gì nữa đây, bao giờ tôi mới hết nợ hở trời. Khả cười tươi:- Nợ đời có bao giờ hết được. - Anh còn cần gì ở tôi nữa?- Kìa chú Khê, anh em như chân với tay, hề hề, chú cứ gay gắt làm gì. Ờ, mà chú không mời nước tôi sao?Khê đứng phắt dậy, giận dữ:- Anh nói đến thạch sùng cũng không buồn đớp muỗi. Anh em gì. Anh trấn lột tôi lại còn đơn từ. Chuyện loang ra cả làng, cả xã. Thiếu nước tôi phải bỏ làng… Khả nghiêm giọng:- Chú đừng nỏ mồm. Tôi chưa đụng đến chú đâu. Thậm chí tôi còn bảo vệ chú nữa đấy. Tính tôi vốn sòng phẳng. - Bây giờ anh cần gì? Nói đi!Khả đứng dậy, đi ra:- Tôi về đây. Sáng nay, họp Đảng ủy xã chú phải là người đưa ra chuyện đòi đất cho làng Nhô. Bóng Khả khuất, Khê rít lên: - Đồ khốn nạn. 20- Ủy ban xã - Ngày. Khu ủy ban xã. Từ đây, về làng Nhô chỉ có một con đường độc đạo, rải đá. Làng Nhô lấp lóa trong nắng. Phòng họp Đảng ủy cửa mở rộng. Cuộc họp vừa tan. Khê tất tả đi ra thì gặp Khả. - Anh đến đây làm gì?Khả không trả lời thẳng câu hỏi:- Tình hình thế nào?- Căng lắm. Anh dẹp chuyện đòi đất đi. Không ai dại gì bới lại chuyện lịch sử đâu. Khả cười gằn: - Được! Khả này chấp nhận dại. Khê xuống giọng van nài:- Anh làm gì thì làm. Xin anh thương cho mấy đứa cháu anh, chúng còn nhỏ dại lắm. Anh lôi toang hoang chuyện kia ra, bố con em chỉ còn đường, tay bị, tay gậy. - Được! Chú về đi. Tôi sẽ gặp bí thư Nhút. Khả xăm xăm đi vào văn phòng Đảng ủy. Một thanh niên ngăn lại:- Kìa, bác gặp ai. - Tôi gặp ông bí thư Nhút. - Đồng chí bí thư đang bận. Khả nghiêm giọng:- Tôi là Trịnh Khả, người làng Nhô đã đăng ký gặp Đảng ủy rồi. Anh cứ nói với ông bí thư như thế. Đúng lúc ấy, ông Nhút xách catap vào, vui vẻ:- Chào anh Khả, mời anh vào đây. Hôm nọ cô giáo Vân trao đổi với tôi về chuyện trường học, anh thấy thế nào. - Vâng, cảm ơn ông bí thư đã chiếu cố đến Khả này. Ông Nhút rót nước mời Khả:- Ấy, tôi với anh là bạn đồng niên, khách sáo làm gì. Khả, mặt vẫn lạnh lùng:- Vâng, ông bí thư cho phép. Chuyện dạy dỗ bọn trẻ, tốt đấy. Nhưng có cách lo cho tương lai tốt nhất là giải quyết việc hiện tại. Hiện tại ông Nhút ạ. - Ý anh là…. Khả đặt mạnh chén nước. - Ông Nhút đã thừa biết chuyện gì. Tôi đến đây với tư cách là công dân làng Nhô để hỏi ông bí thư…. Bí thư Nhút xua tay:- Chuyện này phức tạp lắm. Chả giấu gì anh, Đảng ủy vừa họp. Có ý kiến nêu ra việc làng Nhô đòi đất. Chúng tôi không tán thành việc ấy. Anh Khả… Khả đứng dậy: - Thế là rõ. Tôi cũng không cần úp mở. Làng Nhô sẽ đòi đất bằng được. Chính quyền của các ông không ngăn cản được đâu. Ông Nhút, tôi có đủ bằng chứng về những hành vi tiêu cực, tham nhũng của ban chủ nhiệm. Cả ông nữa, ông dung túng họ. Nhân dân sẽ không để các ông yên đâu. Bí thư Nhút điềm đạm:- Anh hãy bình tĩnh đã. Có thể có việc tiêu cực nhưng anh nói chúng tôi dung túng là không đúng. Làng Nhô có nguyện vọng đòi đất, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với họ. Còn anh? Anh không được phép kích động. Khả cười:- Ông thách người nghèo ăn cỗ phỏng? Các ông định làm việc với ai? Mấy đứa bòn rút công quỹ, làm giàu trên mồ hôi của nông dân phải không? Nên nhớ rằng, Khả này không ngu như dân làng Nhô đâu. - Anh nhớ mình đang ở đâu chứ, anh Khả?Khả đứng dậy:- Vâng, tôi biết. Chào ông bí thư. Rồi ông sẽ phải hối hận. 21- Nhà Xinh - Đêm. Tại nhà Xinh, đêm khuya, Khả mở cổng ngõ thành thạo. Con chó đã bén hơi chạy ra vẫy đuôi rối rít. Trong bếp nhà Xinh bếp trấu vẫn đang dấm âm ỉ lửa đỏ. Khả sẽ sàng như một con mèo đến bên cửa buồng, thầm thào:- Xinh, Xinh ơi. Xinh lách cửa ra ngoài, ôm chầm lấy Khả. Trăng cuối tháng vàng khè ngoi ngóp chui vào mây mờ ảo. Xinh lôi Khả vào bếp. Xinh tấm tức:- Anh tệ lắm. Chả ngó ngàng gì tới người ta cả. - Anh bận quá. Phải lo bao việc cho ngày mai, Xinh ạ. Xong xuôi, anh sẽ ở liền tù tì bên em. Lúc ấy, lại chả… Xinh òa lên:- Em khổ quá. - Có gì mà khóc mãi thế?- Em lo lắm. - Lo cái gì, nói xem nào?Xinh cầm tay Khả đặt vào bụng mình:- Anh có thấy gì không?Khả sờ bụng Xinh, không hiểu:- Thấy cái gì?Xinh lại khóc:- Có chửa rồi chứ còn cái gì nữa. Khả giật mình:- Chửa à, nhanh thế?- Ba bốn lần rồi còn nhanh gì nữa. Mà hùng hục thế chỉ một lần cũng chết người ta. - Bây giờ em tính sao?- Bỏ đi chứ làm sao. - Không để nuôi à?- Em thì chẳng sợ, chỉ ngại anh mang tiếng. Anh đang phải lo việc làng, việc nước. Khả hực lên, vui sướng. Khả ôm ghì lấy Xinh, hôn chùn chụt lên mặt, lên cổ. Chợt, Khả móc túi lấy một nắm tiền dúi vào tay Xinh:- Em tuyệt lắm. Nắm bạc từ tay Xinh rơi lả tả xuống. Xinh hỏi:- Gì thế này?- Có ít tiền, em cầm để lo việc. Anh luôn ở bên em, Xinh đừng sợ gì cả. Xinh đu lấy cổ Khả, rên lên sung suớng:- Ôi, anh… Em yêu anh. Khả vật Xinh ngã xuống nền bếp trải rơm. Nồi cám lợn bị đạp đổ. Ngọn lửa đang ủ trấu chợt bùng lên. Ngọn lửa rọi rõ rau cám chảy ra nền bếp. 22- Đình làng Nhô - Ngày. Khả mặc veston, cắp cặp da đen bóng từ nhà ra đình làng. Sáng sớm đã có rất đông người túm tụm từng nhóm ở đường làng. Mọi người râm ran chào Khả. Mặt Khả mãn nguyện. Đình làng Nhô đã được quét dọn sạch sẽ. Hương khói nghi ngút. Bước vào đến sân đình Khả đã thấy đông đảo các già làng có mặt, ngồi xếp bằng trên thềm. Ở sân, vô số thanh niên và trẻ con. Khả cung kính:- Con xin chào các cụ, các ông, các bà và toàn thể bà con làng Nhô. Tiếng mời mọc râm ran. Khả gật đầu chào người này, bắt tay người kia. Khả ghé tai lão Bong. Lão Bong bật như một cái máy: - Thưa các cụ, thưa bà con. Hôm nay, làng ta đến đây vì một lý do rất quan trọng. Ta sẽ bàn nhau để đòi lại đất, Tam san lấy của ta dạo trước. Xin giới thiệu ông Khả, người học rộng biết nhiều, trình bày kế hoạch đòi đất. Tiếng vỗ tay đang ran lên. Sân đình ồn ào như chợ vỡ. Khả từ từ đặt chiếc cặp lên bàn, mắt lướt một lượt, thăm dò: - Kính thưa các cụ, kính thưa bà con. Tôi là con cháu làng Nhô. Sau mấy chục năm được Đảng và Nhà nước cho học thành người và làm công tác đào tạo nhân tài cho đất nước, nay nghỉ hưu về với quê cha đất tổ. Lẽ ra tôi có quyền nghỉ ngơi nhưng nay thấy việc làng nên phải xắn tay vào. 70 mẫu ruộng làng Nhô ta giao cho Tam San dạo trước, hồ sơ tạm giao ngày đó, tôi đã lấy lại được (Khả giơ tập hồ sơ), chính sách mới về ruộng đất hiện nay cho phép làng ta có quyền đòi lại số đất của mình. Tất nhiên, nếu người làng ta đồng sức, đồng lòng. Đây là việc lớn nên không có ý kiến của mọi người thì việc không xong. Xin mời các cụ và dân làng cho ý kiến. Loạn xị cả lên. Mọi người bị kích động phấn khởi hô “đồng ý” nhất loạt. Khả hơi nhếch mép:- Như vậy tất cả đã nhất trí. Tôi đề nghị ta lập ngay ban chỉ đạo đòi đất và chống tiêu cực. Mọi người im lặng không ai nói gì. Khả xoa tay:- Cũng đã hòm hòm mọi việc. Tôi có ngả con cầy. Anh em ở nhà đã xắp mấy mâm. Xin mời các cụ lại nhà dùng với Khả này chén rượu nhạt. Tiện thể ta sẽ bàn việc luôn. Lão Bong nói như rên:- Phải, chí phải, nhựa mận xong rồi bầu bán. Đám đông lục tục đứng dậy, tản đi. 23- Nhà Khả - Ngày. Nhà Khả. Bốn, năm mâm thịt chó trên sập, dưới nền. Mọi người nâng cốc, gắp thịt, nói cười ồn ã. Khả đứng lên cung kính: - Vậy là ta đã lập xong ban chỉ đạo. Được các cụ tín nhiệm bầu làm Tổng thư ký, Khả này xin mang hết sức lực để phục vụ làng Nhô. Nay, Khả xin trình bày một số việc. Nếu chấp thuận, ban sẽ biểu quyết luôn. Tiếng nhai trệu trạo, húp soàn soạt xen lẫn tiếng khề khà của rượu:- Được. - Ông Khả khá lắm. - Lần này phải bầu ông Khả lãnh đạo xã. Khả rành rọt:- Việc thứ nhất, tôi đề nghị bổ sung vào ban chỉ đạo 2 thành viên. Chị Xinh, vợ liệt sĩ đại diện cho gia đình chính sách và anh Tứ, đại diện cho các cựu chiến binh. Mọi người rộ lên. Tiếng lão Bong:- Được, được, nhất trí. Khả dằn giọng:- Việc thứ 2, ta phải cử người mang đơn lên huyện, tỉnh, quốc hội. Việc này, cấp thiết phải làm ngay. Lần này là Tứ sứt:- Tốt, tốt, nhất trí. Khả bao quát hết một lượt:- Việc thứ 3, ta chọn ngày lành, tháng tốt sau khi đã đưa đơn, tập trung dân làng đến đồng Tam San cắm lại mốc ruộng. Tiếng ai đó:- Đúng, đúng, nhất trí. Khả quyết liệt:- Việc thứ 4, ta chuẩn bị tinh thần để đấu tranh vạch mặt bọn tham nhũng ở xã. Bằng chứng, đơn từ tôi đã soạn thảo đầy đủ. - Tiêu diệt bọn tham nhũng!Đó là tiếng phụ họa hăng hái của lão Bong. Khả hạ giọng đôi chút:- Còn việc nữa, để việc đòi đất đạt kết quả cần phải có kinh phí. Tôi đề nghị các thành viên ban chỉ đạo vận động quyên góp dân làng. Đồng thời, lên kế hoạch phân chia đất đòi lại. Ai đóng nhiều sẽ được ưu tiên cấp phát. Vẫn lão Bong, miệng nhồi đầy thịt, lúng búng:- Tiến hành ngay, tắp lự. Khả: - Ông Bong là trưởng ban chỉ đạo chịu trách nhiệm việc quyên góp. Tôi là tổng thư ký chịu trách nhiệm sổ sách, giữ ngân quỹ và thu chi. Nếu ban đồng ý thì ta biểu quyết. Tất tật những bàn tay cầm nguyên đũa giơ ngược nhất loạt. Khả mãn nguyện:- Thế là nhất trí hết. Anh Tất thư ký đọc to biên bản rồi mời ban chỉ đạo ký vào. Tất, một gã thanh niên nhỏ thó giơ tờ giấy sát mắt đọc chậm rãi: - Làng Nhô ngày… tháng … năm… 24- Nhà Khả - Ngày. Nhà Khả như một bãi chiến trường. Khách khứa đã tản về hết. Xinh còn nấn ná lại:- Anh Khả. - Chị Xinh còn vướng mắc gì không?- Có lẽ em đi Nam Định ngay, sợ để lâu… Khả nói tiếng vẫn vống lên cốt để vợ nghe thấy:- Việc của hội phụ nữ, tùy chị. Vợ Khả nãy giờ lúi húi dọn mâm bát, mát mẻ với Xinh:- Cô Xinh này, có thể cho tôi vào hội của cô được không? Tôi độ rày cũng rảnh rỗi. Xinh đỏ mặt, chào lý nhí:- Thôi em về. Khả quay sang vợ, rít lên:- Đã bảo bao nhiêu lần. Hỏng việc của tôi thì liệu hồn. Liên không vừa:- Việc của ông? Chỉ con này là thiệt đơn, thiệt kép. - Im đi. - Thế ai trả tiền cơm rượu hôm nay?- Tôi trả. - Ông đừng có cơm nhà vác tù và hàng tổng. Trên răng dưới cát tút mà cứ… Khả rít lên cắt ngang:- Im mồm. Đàn bà ngu như cô là cùng. Thả con săn sắt bắt con cá sộp nghe chưa? Tiền mấy tấn thóc cô đút túi ở đâu ra hử? Ngu. Biết điều im mồm. Của nả làng Nhô nay mai sẽ về nhà Khả hết. Hiểu chưa! 25- Đường phố Hà Nội - Ngày. Người xe tấp nập. Lão Bong, Tứ sứt cùng hai cụ già của làng Nhô thập thõm đi trên vỉa hè. Lão Bong ôm chặt cái túi xắc. Tứ sứt mặt căng thẳng đi áp cạnh. Lão Bong thì thụt với Tứ:- Khả nghi lắm. Có mấy thằng bám sát đằng sau đấy. Cẩn thận. Tứ sứt cáu:- Thì ông cứ ôm khư khư cái túi. Chúng nó tưởng vàng bạc, châu báu nên bám là phải. - Lại chả quý hơn vàng ư? Giấy tiếp dân của quốc hội có dấu má hẳn hoi chứ bỡn đâu. Không cẩn thận đến đổi mạng cũng chưa bõ. Một thanh niên ngấc ngáo lách đến trước mặt lão Bong:- Cụ khếch có gì bán đấy?Lão Bong mặt đuỗn ra. Tứ sứt gườm gườm giật phắt cái túi xắc trong tay lão Bong:- Đưa đây. Đoạn Tứ sứt kéo khóa túi lôi ra tờ giấy ở đáy túi đưa cho lão Bong:- Ông đút vào túi áo trong đi. Gã thanh niên kia nhòm vào túi xắc, cười khạch khạch. - Tưởng gì, toàn giẻ rách mà cụ khếch ôm như mả tổ, ghê quá. Lão Bong cẩn thận cài kim băng vào miệng túi giữ tờ giấy, đợi cho gã thanh niên khuất hẳn mới dám buông ra câu chửi:- Tiên sư quân trộm cắp. Giẻ rách à? Đây vừa được quốc hội tiếp hắn hoi đấy nhá. Đi, anh Tứ, ông Đững, ông Nhiễu, phải rồi ta đi làm một chầu nhựa mận Hà thành cho biết. Cóc đi bộ nữa, gọi xích lô cho hách, tội gì. Tứ lắp bắp:- Xích lô, đắt lắm. Lão Bong cương quyết:- Tôi quyết. Tôi là trưởng ban mọi người cứ phải chấp hành. Xích lô thì nước mẹ gì. Hồi ở Pari tớ toàn đi xe hơi ấy chứ. Tứ sứt bĩu môi:- Nói phét!- Cụ thằng nào nói phét kìa, kìa xích lô. Xích lô đi nhựa mận… khà khà… 26- Ủy ban xã - Ngày. Văn phòng ủy ban xã. Bí thư Nhút cùng trưởng công an xã họp với ban chủ nhiệm hợp tác xã làng Nhô. Cường, trưởng công an xã:- Tình hình làng Nhô rất nghiêm trọng. Theo tôi phải có biện pháp cứng rắn. Bí thứ Nhút:- Đảng ủy đã họp mở rộng phân tích tình hình làng Nhô. Đồng chí Cường nói đúng. Khả đã lộ nguyên hình là một tên chống phá chính quyền. Nhưng phức tạp ở chỗ dân nghe theo hắn. Thêm nữa Trịnh Khả nằm được khuyết điểm và tiêu cực của một số cán bộ chủ chốt nên đã dọa dẫm và khống chế một số cán bộ này. Trước khi báo cáo với trên xử lý tên Khả, tôi yêu cầu ban chủ nhiệm làng Nhô thành khẩn nhận rõ sai sót của mình. Không còn cách nào khác phải nhận lỗi trước dân để lấy lại niềm tin. Khê, buồn rầu:- Trịnh Khả là anh tôi thật nhưng tôi không ngờ hết mức độ nham hiểm của hắn. Hắn dùng thủ đoạn khống chế ban chủ nhiệm làng Nhô. Chúng tôi xin chịu kỷ luật. Bí thư Nhút kết luận: - Thế là rõ. Tôi đề nghị các đồng chí hết sức cảnh giác, nắm đúng diễn biến việc làng Nhô. Đồng chí Cường báo lên công an huyện. Trên thông báo Trịnh Khả đã gửi đơn kiện và đòi đất đến tất cả các cấp. Chưa biết còn xảy ra điều gì nữa. Giờ đây việc làng Nhô là trọng điểm của xã. Chúng ta hết sức thận trọng, tránh không để xảy ra điều gì đáng tiếc. Nhất là đối với dân.