Chương 1

Mỗi lần nghĩ đến những đứa trẻ hàng năm được sinh ra ở Bắc Triều Tiên và những em bé chào đời ở đó trong vòng bốn chục năm trở lại đây, từ khi đất nước được tự do khỏi ách thống trị của Nhật Bản, lòng tôi lại tràn đầy nỗi giận dữ. Người ta sẽ dạy dỗ cho mỗi đứa trẻ đúng những gì mà tôi đã được học, rồi chúng cũng sẽ tin vào những lời lẽ dối trá mà tôi đã từng tin. Thật là một tổn thất ghê gớm! Còn khủng khiếp hơn nữa là điều này có thể xảy ra. Nhưng dù sao, nó cũng giải thích được phần nào cái lý do đã thúc đẩy tôi hành động như thế.
Tôi sinh ngày 27 tháng Giêng 1962. Vì tôi là con đầu của mẹ tôi, mọi người, nhất là ông bà tôi đều mong con trai. Như thế, khi tôi chào đời, mọi người cảm thấy thất vọng.
Tôi được sinh ra tại nhà ông bà ngoại ở Chang Song. Khi đó cha tôi ở xa, ông bà tôi giúp đỡ cha tôi chăm sóc tôi. Chẳng bao lâu họ thôi thất vọng, mẹ tôi kể rằng họ yêu quý tôi ngay và chăm tôi như một con búp-bê quý giá.
Cha tôi giữ một chức quan trọng gì đó trong Bộ Ngoại giao mà sau này tôi cũng không biết thêm được mấy. Trở về sau chuyến công tác bên kia bờ đại dương và nhìn thấy tôi lần đầu tiên, cha tôi đã dịu dàng và quý mến tôi như ông bà tôi và ông giữ tình cảm ấy đến thời gian trước đây bốn năm, khi đó tôi thấy ông lần cuối.
Theo thước đo của Nam Hàn thì chúng tôi không được liệt vào hạng trung lưu, nhưng theo chuẩn mực của Bắc Triều Tiên thì chúng tôi thuộc giới được ưu đãi. Chẳng hạn, lúc nào ở nhà tôi cũng có dầu ăn, chúng tôi có thể rán bất cứ thứ gì vào bất cứ lúc nào và điều đó được coi là xa hoa. Chỉ sau này tôi mới biết là ở miền Nam, dầu ăn là thứ thông thường và bất cứ ai cũng có thể rán thịt.
Chúng tôi sống ở Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc Triều Tiên, trong một căn hộ nhỏ nhưng chúng tôi cảm thấy vô cùng may mắn vì gia đình tôi được ở riêng. Đa số những cán bộ ở tầm cha tôi đều được phân hộ cá nhân nhưng trong giới công nhân, nhiều gia đình sống chung một mái nhà là điều thường tình, đôi khi hàng chục gia đình phải dùng chung một nhà tắm.
Chừng một năm sau khi chào đời, cha tôi được cử đi Cuba và tôi đã trải qua những năm tháng tiếp tới ở La Havanna, tại đó chúng tôi sống cùng một phố với tòa đại sứ. Khi đó, Fidel Castro mới được bầu làm chủ tịch được ít lâu, và dù bầu không khí chính trị có phần hơi hỗn loạn, Cuba cũng được coi là nước phát triển hơn nhiều so với Bắc Triều Tiên. Chúng tôi sống cùng các gia đình nhân viên sứ quán khác trong một dinh thự khổng lồ, trước cách mạng vốn thuộc quyền sở hữu của một gia đình tư sản giàu có. Tòa nhà bị giản lược hóa và bị sửa lại vì thời xưa, nó được trang hoàng bởi nhiều pho tượng quý giá và các đồ vật khác, ví dụ những chùm đèn pha lê và bàn ghế mạ vàng. Những thứ này bị chuyển đi để tòa nhà không còn mang tính chất tư sản.
Thời đó, Cuba tự do hơn nhiều so với Bắc Triều Tiên và chúng tôi sống tương đối thoải mái. Sau này, mẹ tôi thường nói rằng ở Cuba, bà đã trải qua những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình. Bà thích đi mua bán ở các siêu thị, tại đó chúng tôi luôn sững sờ vì có rất nhiều thực phẩm. Chưa được biết những nơi khác, tôi cứ ngỡ rằng trẻ con ở mọi nơi đều được sống như thế.
Mỗi trưa, một chiếc xe kem lại đi qua trước nhà tôi và tôi luôn chạy xuống, mang theo ít tiền lẻ.
- Heladero! Heladero! (Kem, kem ơi!) - tôi gào lên.
Mẹ tôi đặt cho tôi biệt hiệu Vua sô-cô-la vì tôi khoái sô-cô-la vô cùng.
Chúng tôi hay được mời đến những bữa tối ngoại giao và tôi rất chú ý đến những người lạ da trắng và da đen. Đặc biệt tôi mê các vị khách tóc vàng, tôi thấy họ khác thường và vô cùng lạ lẫm. Cùng lúc ấy, các nhân viên người Cuba làm việc trong sứ quán chúng tôi rất quý mến tôi, họ thường cưng nựng và bế tôi vào lòng.
Trên tầng một căn nhà chúng tôi ở, có một chiếc đàn dương cầm và ngày nào mẹ tôi cũng dạy tôi chơi. Bà học dương cầm từ thủa nhỏ và khá có tài. Sau này, khi trở về Bắc Triều Tiên, tôi được biết rằng tại đây hoàn toàn không thể có chuyện một gia đình thường dân lại có đàn dương cầm trong nhà. Chỉ những ai được phép học đàn để trở thành nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp mới được quyền có đàn.
Những năm tôi ở Cuba là thời gian hạnh phúc như trong mộng. Tôi đùa nghịch cùng với những đứa trẻ khác, đáng nhớ nhất trong số đó là Kim Dzha Bong, con trai ông đại sứ. Thằng này hay đánh tôi để tiêu khiển, lúc nào nó cũng hành hạ tôi. Nó từng dùng đũa chọc thủng tấm đệm cao su mà tôi được tặng nhân ngày sinh nhật. Nếu tôi không muốn để ý đến nó, nó ra đứng trước nhà và bắt đầu gào lên:
- Hyun Hee, chơi với tớ đi!
Cứ thế, nó dai như đỉa: nó nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần đến khi rốt cục tôi phải nhượng bộ và ra khỏi nhà.
Nhiều năm sau chúng tôi gặp lại nhau ở Bắc Triều Tiên, khi đó tôi là học sinh trung học. Một ngày, chúng tôi thấy nhau trên phố nhưng trước khi tôi kịp phản ứng, Kim bối rối liếc nhìn tôi và vội vã bước đi. Tôi biết cậu ta nhận ra tôi, dễ thấy là cậu ta cũng công nhận rằng thời xưa cậu từng là một thằng bé kinh khủng đến mức nào và tôi lấy làm thỏa mãn về điều đó.
Ấn tượng thuộc loại đẹp nhất trong thời kỳ này là vào một ngày kia, tôi thấy cánh cửa thông lên tầng thượng để ngỏ. Tôi đưa Hyun Ok, em gái tôi, cùng một vài đứa trẻ khác lên chơi trên đó. Chúng tôi ngồi trên gác thượng mấy giờ liền, thõng chân vung vẩy và hướng tầm mắt nhìn ra khoảng không xa xăm. Rồi một công nhân xây dựng người Cuba phát hiện ra chúng tôi, ông ta báo cho cha mẹ chúng tôi, mọi người mặt mũi tái nhợt nhào lên đưa chúng tôi về nơi an toàn.
Ngay từ những ngày tháng đẹp đẽ đó, chúng tôi đã bị nhồi sọ bởi những lời dạy của Kim Nhật Thành. Những câu đầu tiên mà chúng tôi học thuộc lòng là: “Chúng em biết ơn Kim Nhật Thành, lãnh tụ vĩ đại của chúng em”. Chúng tôi học căm thù mỗi khi nghe từ nước Mỹ, ngay những trẻ nhỏ xíu cũng căm thù Mỹ sôi sục. Ở Bắc Triều Tiên, nước Mỹ được nhắc đến như “kẻ thù truyền kiếp, không đội trời chung”. Trong thời gian ở Cuba, cha tôi hay nói đến “cuộc tấn công đe dọa của đế quốc Mỹ”. Một lần, trên bờ biển (biển là một từ màu nhiệm đối với tôi, nó gợi nhớ những cồn cát vô tận và nước biếc) cha tôi chỉ vào một mảnh đất rất xa xôi nào đó ở đường chân trời mà tôi không thấy mấy.
- Đằng kia là Mỹ đấy, Hyun Hee ạ, đó là nơi tồi tệ nhất trên thế gian này.
Những lời của ông khiến tôi hoảng hồn. Tôi bắt đầu thấy sợ: nếu chiếc đệm cao su của tôi bị thả trôi và tôi bị dạt sang Mỹ thì sao. Tôi còn sợ cả những chai lọ và những vỏ hộp rỗng mà nước biển đánh vào bờ vì người ta bảo chúng từ Mỹ tới. Từ dạo đó trở đi, ít khi tôi dám mò xuống bờ biển.
Chúng tôi ở Cuba năm năm trước khi cha tôi bị triệu hồi về Bình Nhưỡng, trong thời gian đó em trai Hyun So của tôi cũng chào đời. Trước chuyến về nước, mẹ tôi đưa tôi đi phi-dê, bà nói ở Bắc Triều Tiên con sẽ không được làm đầu đâu. Lúc đó tôi còn chưa biết rằng cuộc đời tôi sẽ đổi thay vĩnh viễn.
4
Trở về Bình Nhưỡng, tôi được đăng ký vào Trường phổ thông cơ sở Hashin. Về thực chất, tại đây tôi mới bắt đầu được giáo dục về ý thức hệ. Các môn học chỉ chiếm non nửa thời gian của chúng tôi. Phần còn lại của ngày, chúng tôi học hỏi sự nghiệp của lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành. Chúng tôi học thuộc lòng bài hát “Ngu xuẩn”, kể về chiến thắng của Kim Nhật Thành trước quân Nhật bao nhiêu năm về trước. Người giáng cho lũ Nhật một đòn chí mạng khiến chúng chỉ còn biết ôm đầu chạy về nước, không kịp mang theo tử thi những kẻ bỏ mạng.
Ngoài những giờ học đầy tính tư tưởng, mọi học sinh đều phải tham gia nhiều hoạt động và những hoạt động này được tăng cường tới mức thường thường chúng tôi chỉ về đến nhà sau mười giờ tối.
Mùa đông năm thứ ba, người ta chọn mười đứa trong số chúng tôi để ca hát trong một buổi lễ thanh niên và họ nói đích thân Kim Nhật Thành cũng sẽ tới dự. Chúng tôi học hát trong hai tháng trời, bài hát có cái tựa đề “Chúng em yêu bộ đồng phục mà lãnh tụ vĩ đại đã trao cho”. Trong thời kỳ ấy, sau những buổi tập dượt tôi luôn phải chờ chuyến xe buýt đêm khuya, đôi khi tôi phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ khiến rốt cục chân tôi lạnh cóng. Tuy vậy, trong thời gian thử thách này, mặc dù nhớ nhà nhưng không bao giờ tôi phàn nàn vì tôi biết được hát cho Lãnh tụ nghe là một vinh dự lớn lao biết mấy!
Trong năm đó có một trận lụt lớn, do đó những người sống ở tầng một ngôi nhà chúng tôi phải chuyển lên ở tạm cùng các gia đình khác tại các căn hộ trên tầng cao hơn. Bọn trẻ coi đây là một trò giải trí, chúng tôi ở suốt đêm trên tầng thượng và nhìn con nước dâng cao dần.
Ít lâu sau trận lụt, người ta lưu truyền một tin vịt là chiến tranh đã nổ ra với Mỹ vì con tàu chiến Pueblo bị đánh chìm. Ở Bình Nhưỡng, bầu không khí ngày một căng thẳng, mọi gia đình bắt đầu gói ghém quần áo và lương thảo, cả thành phố chuẩn bị đi sơ tán. Các khẩu hiệu, biểu ngữ xuất hiện trên đường phố: “Lấy thù địch trả lời thù địch, lấy khủng bố đáp khủng bố”. Chuẩn bị cho chiến trận, người lớn cố gắng đến kiệt sức nhưng bọn trẻ thì được dịp tiêu khiển thỏa thích. Chúng tôi cuỗm đi những đồ ăn đã được gom góp và thích thú theo dõi hậu quả. Đôi lúc, chúng tôi bị đánh thức bởi những hồi còi báo động - thúc mọi người tắt đèn - và khi đó chúng tôi lại leo lên gác thượng nhìn thủ đô Bình Nhưỡng chìm trong bóng tối. Khi khác, thường thường vào hồi bốn giờ sáng, các hồi còi phòng không lên tiếng, chúng tôi bổ nhào khỏi giường và lao đến căn hầm ở sườn đồi gần đó.
Trong thời gian này, hai cố vấn gần gũi của Kim Nhật Thành là Ho Bong Hak và Kim Chang Bong bị thất sủng. Chính phủ ra một chỉ thị xóa tên tuổi họ khỏi các bộ sách giáo khoa. Theo phong cách Orwell đặc thù, đồng thời, lũ trẻ con phải dùng mực đen hoặc dao díp để xóa bỏ tên họ trong sách vở. Họ trở thành những con người không tồn tại.
Vì lẽ hoạt động tập thể quan trọng hơn học tập nên chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian để hoàn thành những nhiệm vụ trong Thanh niên quân. Khi Kim Nhật Thành ra chỉ thị cấm phụ nữ mặc quần vào mùa hè, bọn trẻ con được đi tuần trên đường phố và kiểm tra trang phục những khách qua đường. Nếu một phụ nữ vẫn mặc quần hay ai đó không đeo huy hiệu Kim Nhật Thành, lũ trẻ chúng tôi lục vấn tên họ và lập tức báo cáo trường hợp đó cho cấp trên, nơi họ làm việc.
Chúng tôi được dạy rằng tổ quốc chúng tôi chỉ có thể chiến thắng đế quốc Mỹ nếu Bắc Triều Tiên mua vũ khí ngoại quốc, do đó chúng tôi phải bỏ nhiều giờ đồng hồ đi thu nhặt sắt vụn, chai lọ và nhiều loại vật liệu khác, có thể tái chế biến, để bán cho nước ngoài đổi lấy ngoại tệ. Phải thu lượm theo một chỉ tiêu được định trước và nếu có ai không làm nổi việc này, kẻ đó sẽ bị quở trách công khai. Một cuộc thi đua lớn diễn ra xem ai nhặt nhạnh được nhiều hơn.
Chúng tôi còn phải thu lượm da thỏ và chó, ngoài ra, cả dòi bọ nữa (cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao). Tìm dòi bọ dễ nhất là ở các hầm phân của hố xí công cộng, tại đó chúng không bị nước cuốn đi và chúng tôi cũng đua nhau kiếm dòi bọ. Chúng tôi cũng phải thu thập cả phân nữa! Khi được một lượng kha khá, người ta chở cho nông dân để ủ, còn những kẻ nhặt nhạnh được xếp hạng theo chất và lượng phân đã thu nhặt. Về sau, khi mọi thứ đều được bán theo phiếu, thứ hạng này tương đối có giá trị.
Nhưng khó khăn nhất vẫn là thu lượm hoa. Bởi lẽ chúng tôi phải hái hoa đặt trước tất cả các pho tượng Kim Nhật Thành trong vùng, và có rất nhiều những bức tượng như thế. Ở Bắc Triều Tiên không có các quần bán hoa nên chúng tôi chỉ có thể hoàn thành chỉ tiêu bằng cách mua chuộc những người làm việc trong các nhà kính trồng hoa trong vùng.
Suốt ngày chúng tôi phải tham gia các hoạt động đủ loại. Ngay trong kỳ nghỉ hè, đi nghỉ cùng gia đình cũng là điều không tưởng! Thay vào đó, chúng tôi phải làm thêm việc trong Thanh niên quân.
Trong thời gian này em trai thứ hai của tôi ra đời, đứa em nhỏ xíu tuyệt vời ấy được cha mẹ tôi đặt cho cái tên là Bam So.
Ấn tượng đặc biệt và tuyệt diệu nhất trong thời thơ ấu của tôi là tôi trở thành tài tử điện ảnh! Một nhà làm phim đến trường tôi tìm một cậu bé và một cô bé cho bộ phim sắp tới; ông ta nhìn thấy tôi và chọn lựa tôi mà tôi không hề biết. Bộ phim có tựa đề như sau: “Yung So và Yun Gok, những người đã tìm thấy tổ quốc xã hội chủ nghĩa của mình”. Cố nhiên theo con mắt phương Tây thì bộ phim hơi kỳ, nhưng tôi thấy khá hấp dẫn vì tôi được chọn để thủ vai Yun Gok.
Tấn bi kịch còm cõi không che giấu được mấy tính chất tuyên truyền của bộ phim. Phim nói về một gia đình bị đoạn tuyệt sau khi Triều Tiên bị chia cắt thành hai nước. Cuối cùng, người mẹ bị lính Mỹ bắt đi, bà phải xa cách khỏi gia đình; đó là hình phạt dành cho bà vì đã che giấu, cưu mang những người lính Bắc Triều Tiên. Về những bộ phim như thế, tôi lại nghĩ đến Orwell - từ sau dạo đó tôi đã có dịp đọc ông - chúng khiến tôi nhớ đến cái nghi thức mang tên “hai phút căm thù” trong tác phẩm “1984″. Cuối buổi chiếu, khán giả chửi rủa ầm ĩ lính Mỹ, đôi khi họ còn ném đá lên màn ảnh nữa.
Thời đó tôi còn bé để hiểu tất cả những điều này và tôi ngây ngất khi sau thời gian đóng phim, tôi trờ về trường và được đón tiếp như một anh hùng. Khi bộ phim bắt đầu được trình chiếu, tôi trở nên khá nổi tiếng. Mọi người nhận ra tôi ngoài đường, gọi tôi bằng cái tên Yun Gok trong phim. Mẹ tôi giới thiệu tôi cho các vị khách, các thày cô giáo cũng làm thế trong nhà trường. Chỉ có cha tôi là không ưa việc tôi đóng phim và cứ mỗi lần ai đó nhắc đến bộ phim, ông lại cau mày nhăn nhó.
Tôi còn đóng một bộ phim khác nữa. Phim này kể về một thiếu nữ được Quân đội nhân dân cứu mạng trong khói lửa, lúc đó những người lính rút lui về phía Bắc trong cuộc chiến Triều Tiên. Tôi thủ vai cô bạn gái của diễn viên chính. Để trả công, tôi được một chiếc cặp sách mới tinh và mười cuốn vở; chẳng nhiều nhặn gì cho lắm!
Về sau tôi cũng được mời tham gia các phim khác nhưng cha tôi không cho tôi đóng phim. Thay vào đó, tôi chú trọng đến Thanh niên quân. Cứ vào bảy giờ sáng, đài phát thanh duy nhất của Bình Nhưỡng lại chơi bản hành khúc “Thanh niên quân”.
Chúng ta là những anh hùng trẻ tuổi của nước cộng hòa,
Chúng ta sẽ trở thành đội tiên phong của chủ nghĩa cộng sản.
Thanh niên quân, nâng cao lá cờ Đoàn,
Chào mừng Chủ tịch của chúng ta như người cha,
Và tiếp tục vui tươi tiến bước!
Chẳng bao lâu tôi trở thành người phụ trách trong Thanh niên quân và tôi gắng sức để tổ nhóm của tôi trở thành tấm gương cho các tổ khác. Mặc dù chúng tôi khá thành công nhưng không bao giờ tôi có thể duy trì một kỷ luật thực sự, không bao giờ tôi có thể tự nguyện áp đặt lên bạn bè tôi.
Những kết quả trong nhà trường luôn được thông báo một cách công khai. Trong trường, chúng tôi được nhận bốn loại điểm số: điểm cách mạng, điểm học tập, điểm lao động và điểm đạo đức. Trong các giờ cách mạng, ví dụ thày giáo đưa ra một tấm ảnh về cuộc đời Kim Nhật Thành và học sinh phải giải thích những gì mình thấy. Lúc ấy, đứa trẻ mắt ngời lên rạng rỡ, nó nhìn chăm chú vào tấm hình và bắt đầu tuôn ra:
- Trong tấm ảnh này Chủ tịch vĩ đại của chúng ta đang hạ lệnh truyền bá cuộc đấu tranh vũ trang trên phạm vi toàn thế giới. Chủ tịch vĩ đại của chúng ta tuyên bố điều đó trong hội đàm của các đại biểu Quân đội nhân dân Cách mạng năm 1930.
Một học sinh, nếu trả lời tốt, sẽ được cho một điểm đỏ cạnh tên cậu ta trong cột “Cách mạng” trên tấm bảng thông báo.
Vì tôi là phụ trách thanh niên, các thày cô thường xuyên tìm đến tôi để yêu cầu tôi giúp họ đưa những biện pháp cảnh cáo các đồng bạn không đạt yêu cầu. Tôi còn nhớ cứ mỗi lần ai đó bị sỉ nhục vì không hoàn thành các chỉ tiêu này khác là từng học sinh trong lớp lại phải nói đôi lời chỉ trích. Tôi luôn cảm thấy lo lắng vào những dịp như thế vì tôi rất ghét trò phê bình bạn bè, nhưng thày giáo nhìn tôi bằng cái nhìn cứng rắn khiến tôi phải cố gắng nói với giọng bình thản:
- Bạn bảo bạn không hoàn thành định mức vì bạn không có thời gian. Thế mà hôm qua tôi vẫn thấy bạn chơi đùa với những đứa khác. Thật khó tin là bạn có thì giờ để chơi mà không có thì giờ làm việc. Lý do bạn nêu ra cho thấy bạn đã vi phạm lời dạy của lãnh tụ vĩ đại, Người dạy chúng ta phải trung thực với đời sống tập thể.
Mọi người vỗ tay, thày giáo gật đầu tán thưởng. Tôi không thấy vui khi tôi ngồi trong tư thế cứng đờ để lắng nghe một ả tên là San Yung, cô này cảm thấy hạnh phúc nếu được dịp lăng mạ kẻ khác.
- Đồng chí học sinh, bạn không xứng đáng được học hành trong tình thương yêu của Người cha, vị Chủ tịch của chúng ta. Bạn đáng bị đuổi ngay lập tức khỏi trường.
Hàng tuần, nhưng cuộc hội họp tương tự được tổ chức hai, ba bận. Sau đó, chúng tôi bắt đầu nhìn những người trong gia đình bằng con mắt phê bình. Với chúng tôi, tệ nhất là không tìm ra nổi một thứ gì đáng phê bình.
Trong năm cuối phổ thông trung học, tôi được nhận vào học khoa Sinh vật trường Đại học Kim Nhật Thành. Đó là đại học duy nhất ở Bắc Triều Tiên có thể sánh với các trường Mỹ, nhưng chỉ con cái các cán bộ cao cấp trong chính phủ mới được theo học ở đây. Như trong mọi cơ sở giáo dục khác ở Bắc Hàn, tại đây việc học tập tư tưởng cũng được nhấn mạnh, chủ yếu chúng tôi cũng phải nghiên cứu tư tưởng Kim Nhật Thành.
Trước khi thi tốt nghiệp, tôi tham gia kỳ học quân sự kéo dài nửa năm. Đây là điều bắt buộc đối với mọi học sinh. Khi bắt đầu vào đại học, tôi khoái trá vì mọi thứ đều được tổ chức theo kiểu quân sự. Mỗi lớp học được gọi là trung đội, mỗi tổ bộ môn được gọi là đại đội, nhóm các học sinh tốt nghiệp được gọi là tiểu đoàn, v.v… Chúng tôi gọi giáo viên chủ nhiệm là thiếu úy và gọi trưởng phòng giáo dục là đại úy.
Những người tốt nghiệp Đại học Kim Nhật Thành suốt đời được làm nghề tốt và chỉ những kẻ thật ngoại lệ mới được nhận vào trường. Nhưng dù có được ưu đãi đến đâu đi nữa, tôi cũng thấy khó theo đuổi việc học hành vì phần lớn thời gian rỗi của mình, tôi phải tham gia công việc đồng áng tự nguyện tại một hợp tác xã ở vùng lân cận. Vì vậy, cha tôi khuyên tôi chuyển sang trường Cao đẳng Ngoại ngữ Bình Nhưỡng; trường này cũng đảm bảo chỗ làm việc tốt sau khi học sinh tốt nghiệp, nhất là đối với các nữ sinh. Cha tôi lo liệu cho tôi thi vào trường, tôi thi cử thành công và được vào học khoa tiếng Nhật.
Đây là một quyết định thảm khốc. Nếu tôi không chuyển trường và không học tiếng Nhật, chẳng bao giờ người ta tuyển tôi làm gián điệp. Cố nhiên lúc đó tôi nào có biết sự thay đổi này sẽ có những hậu quả như thế nào…
Tất nhiên kỳ học quân sự bắt buộc vẫn tiếp diễn. Được đưa về những trại huấn luyện ở nông thôn, tại đây chúng tôi tập bắn súng và hành quân trong nhiều ngày dài. Điều này đặc biệt nặng nề đối với phụ nữ nhưng dưới ách thống trị cộng sản, phụ nữ được coi là bình đẳng với nam giới và họ cũng phải trải qua một kỳ huấn luyện ngặt nghèo như nam giới. Thường thường chúng tôi phải thay quần áo trong các nhà vệ sinh chật chội và bông vệ sinh dùng cho mỗi kỳ kinh nguyệt cũng hay thiếu thốn.
Cuộc sống thật khắc nghiệt. Trong nhiều ngày liền chúng tôi hành quân trong những rặng núi non. Chúng tôi học cách nhận biết và sử dụng các loại vũ khí khác nhau, cũng như học lái các loại xe cơ giới dùng trong quân đội. Chế đô ăn uống khá tồi tệ, nhiều người gầy rộc đi. Trong những cuộc hành quân dài dằng dặc, đôi khi tôi cảm thấy như mình không thể đứng vững nổi. Anh thiếu úy tại ngũ, một thanh niên điển trai chừng hai nhăm tuổi, thường chờ tôi và khích lệ:
- Cố lên đi, Hyun Hee, đừng rớt lại! Là con gái thì cũng không phải là cớ để cô tụt hậu. Ở đây chúng tôi đối xử bình đẳng với nam và nữ.
Có điều, tôi nhận thấy người ta coi phụ nữ như những kẻ thụ động chứ không phải chủ động và vì thế, chúng tôi còn bị bắt luyện tập thường xuyên hơn và nghiêm ngặt hơn. Hai loại thước đo này khiến tôi tức giận, nhưng rốt cục tôi cũng cảm thấy mình đủ mạnh và đủ khéo léo như bất cứ một người đàn ông nào.
Sau thời gian tập luyện, chúng tôi đã có thể đi bộ liên tục hơn ba chục cây số với chiếc ba-lô 14 cân. Chúng tôi sử dụng thành thạo súng lục và súng máy, chúng tôi còn biết lái xe tăng nữa. Chúng tôi tập ném lưu đạn, sử dụng cao xạ pháo, chúng tôi biết cách bắn loại tên lửa chống tăng.
Tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi được trở về ký túc xá ở Bình Nhưỡng và tôi học cật lực để bù lại thời gian nghỉ. Thanh niên nam nữ không được phép hẹn hò nhau nhưng cũng có vài người chấp nhận mạo hiểm. Những ai bị bắt quả tang sẽ bị đuổi học, có người còn bị đưa đi cải tạo lao động tận miền cực Bắc. Chúng tôi phải đi khám bác sĩ đều đặn, là phụ nữ, tôi còn phải khám phụ khoa. Bằng cách đó, các nhà chức trách có thể biết rằng chúng tôi còn trinh.
Nhìn lại, tôi cũng không hiểu khi nào tôi có thì giờ để ngủ nghê. Cuối tuần, chúng tôi giúp việc trong các hầm mỏ và luôn luôn có một cuộc họp cách mạng mà chúng tôi phải tham gia. Thật là một phép màu thực sự khi bên cạnh đó, tôi còn phải học tiếng Nhật, nhưng chẳng mấy chốc tôi đã nói trôi chảy và tôi được những điểm số xuất sắc.
Trong học kỳ hai, khi đó tôi mười tám tuổi, một bận tôi bị triệu lên văn phòng khoa. Một người đàn ông chờ tôi ở đó, chiếc huy hiệu hình quốc kỳ trên ngực áo chứng tỏ ông ta thuộc Trung ương đảng.
- Nữ đồng chí Hyun Hee - ông ta quay về phía tôi khi tôi vừa bước vào phòng -, chắc hẳn đồng chí đã được học hỏi về cuộc đời Lãnh tụ kính yêu Kim Chính Nhật của chúng ta? Đồng chí có thể nhắc lại một sự kiện nào đó không?
Tôi do dự trong khoảng khắc rồi tôi chợt nhớ đến câu chuyện xảy ra ở vùng núi Pektu, khi Kim Chính Nhật đến thăm chiến địa - nơi cha ông, Kim Nhật Thành đã đạt được một chiến thắng lớn - và ông lên tiếng động viên các công nhân hãy lao động hăng say hơn để sửa sang hiện trường, và ông còn đưa ra vài chỉ dẫn có ích cho công việc của họ.
Khi tôi vừa dứt lời, người đàn ông hỏi:
- Cha cô làm ở đâu và trên cương vị gì?
Tôi nói.
- Tuyệt vời. Còn một điều nữa. Cô học giỏi chứ?
Ông ta hẳn đã biết điều này vì tôi là thành viên Ủy ban nghiên cứu lịch sử cuộc đời và sự nghiệp của Kim Nhật Thành và chỉ có mười nữ sinh xuất sắc nhất trường mới được tham gia ủy ban này.
- Tất nhiên - tôi đáp, hơi bực dọc.
Ông ta cho tôi ra về. Cũng trong tuần đó, các nữ sinh viên phải xếp hàng trong phòng thể thao để một nhóm đàn ông - đến thăm trường - có thể ngắm nghía chúng tôi. Khi thấy ai đó có vẻ xinh xắn, họ ghi lại tên cô ta.
Khi ra khỏi phòng thể thao, một người đàn ông gọi tôi ra một bên và ra lệnh cho tôi phải có mặt tại tòa nhà thứ nhất của chi bộ đảng vào tuần tới.
Tôi đành phải đến đó và các sĩ quan quân đội đã chờ tôi, họ đặt cho tôi một số câu hỏi. Tôi bối rối, đứng ngồi không yên nhưng tôi cũng lịch sự cúi đầu và cuộc thẩm vấn bắt đầu.
- Bốn nguyên tắc cơ bản của đảng là gì? một sĩ quan hỏi.
- Tôn sùng, tin tưởng, tuyệt đối, chấp thuận vô điều kiện - tôi đáp như một cái máy.
- Tại sao cô học tiếng Nhật?
- Tôi học tiếng Nhật để dân tộc ta chiến thắng Nhật Bản và nước Triều Tiên lại là một.
- Cô sẽ làm gì sau khi ra trường?
- Theo chỉ thị của đảng.
- Rất đúng. Bây giờ cô hãy đọc lại theo trí nhớ chương một cuốn “Hồi tưởng của Kim Dzhung Suk, người bạn đời của Kim Chính Nhật”.
Gần như tôi bắt đầu nói làu làu ngay lập tức. Rõ ràng là người sĩ quan kinh ngạc trước trí nhớ rất tốt của tôi.
- Cô được các điểm số ra sao?
- Xuất sắc, thưa đồng chí.
Anh ta ấn vào tay tôi một đoạn trong cuốn “Hồi ký Kim Nhật Thành” bằng tiếng Nhật và bảo tôi dịch ngay tại chỗ. Tôi dịch không sai một lỗi.
- Tuyệt, tuyệt lắm! - người sĩ quan hồ hởi, ngừng lại một chút rồi tiếp tục nói, giọng trang trọng. - Kim Hyun Hee, cô có sẵn sàng hy sinh vì đảng không? Vì cô phải biết rằng nhiệm vụ đảng giao chẳng những có thể đem đến vinh quang tột đỉnh, mà còn có thể đem lại cái chết cho cô?
Tôi ngạt thở, câu hỏi khiến tôi sững sờ nhưng tôi không để lộ ra ngoài.
- Tất nhiên - tôi cương quyết trả lời. - Tôi sẽ thực hiện tất cả những gì đảng giao phó, cho dù có phải hy sinh đời mình.
Người sĩ quan ghi chép gì đó vào cuốn sổ tay nằm trước mặt anh ta.
- Cô đã có ai tìm hiểu chưa?
- Chưa, thưa đồng chí.
- Tốt. Bây giờ cô đi khám bác sĩ đi. - Tôi được dẫn đến bệnh xá, một bác sĩ khám cho tôi rồi tôi phải chờ đợi. Buổi chiều, tôi lại bị gọi đến một lần nữa.
Người đứng đầu cuộc thẩm vấn - được gọi bằng cái tên “điệp viên đặc biệt Chang” - đứng lên và chìa tay cho tôi bắt.
- Chúc mừng nữ đồng chí Kim Hyun Hee. Đảng đã lựa chọn cô.
Tôi biết lẽ ra tôi phải mừng, nhưng sự hãi hùng và linh cảm xấu bao trùm tôi. Mọi thứ diễn ra quá nhanh gọn. Tất nhiên tôi nắm lấy bàn tay chìa về phía tôi. Tôi cố mỉm cười, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn nhưng thú thực tôi không hiểu những điều này là thế nào.
- Cô thu xếp đồ đạc ngay đi! - Chang nói tiếp. - Cô có thể ở lại với gia đình đêm nay, nhưng ngày mai phải khởi hành rồi.
Ông ta đưa tôi về lại trường, tại đó tôi chỉ có vài phút để từ giã các thày cô giáo. Dễ thấy là họ tự hào vì may mắn của tôi và họ chúc tôi thành công. Trong vòng một giờ đồng hồ, tôi đã có mặt ở nhà: điệp viên đặc biệt Chang đưa tôi về, ông ta thông báo cái tin điếng người với mẹ tôi.
Khi tôi thuật lại cho bà nghe về cuộc thẩm vấn, lập tức tôi thấy bà sững sờ, mặc dù bà rất cố gắng giữ kín. Bà lịch sự mời điệp viên đặc biệt Chang ở lại ăn bữa tối, nhưng ông ta khước từ lời mời. Chang nói sáng mai người ta sẽ đến đón tôi và ông ta bỏ đi.
Các em tôi rất lo lắng khi nghe cái tin này. Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn lặng thinh chuẩn bị cho bữa tối. Cuối cùng, bà ngẩng lên nhìn tôi:
- Điều này có nghĩa là con ra đi vĩnh viễn ư?
Tôi do dự trước khi trả lời.
- Con không biết, mẹ ạ.
Bà lại cắm cúi thái rau, rồi thả vào chảo.
- Mẹ hy vọng là cha con sẽ chịu đựng được việc này - bà lên tiếng và không nói thêm một câu nào nữa.
Nhiều giờ trôi qua mà cha tôi vẫn chưa về. Tôi gói ghém đồ đạc. Giữa chừng, tôi lục ra một bức thêu mà mẹ tôi đã làm hồi bà còn học phổ thông trung học. Khi tôi chuyển đến ở ký túc xá, bà cho tôi tấm vải, đối với tôi nó có một giá trị tình cảm lớn lao.
Tôi quyết định tặng lại bức thêu cho Hyun Ok. Khi trao cho em, tôi cảm thấy dường như tôi cũng trao lại cho nó vị trí của tôi: giờ đây em đã là cô gái đầu trong gia đình, tôi ra đi vĩnh viễn.
- Giữ gìn cẩn thận em nhé! - tôi bảo nó -, và nếu chị về, chị sẽ lấy lại đấy.
Giờ phút đó, cả hai chúng tôi đều khóc như ri, chúng tôi ôm chầm lấy nhau và cứ thế cho đến khi mẹ tôi gọi hai đứa đi ăn tối.
Chỉ đến khoảng nửa đêm cha tôi mới về đến nhà và ông đã biết chuyện gì xảy ra. Cha tôi sửng sốt ghê gớm và nhiều lần, ông đặt đi đặt lại cho tôi nhiều câu hỏi giống nhau như thể ông không hiểu những câu trả lời của tôi. Sau đó, ông im lặng hồi lâu rồi bắt đầu nói bằng một giọng chán nản:
- Ngồi xuống đây con và nghe cha nói, Hyun Hee. Lúc nào cha cũng hy vọng con sẽ thành một người nội trợ đơn thuần, một bà mẹ tốt. Nhưng nếu con người ta có thể hiến dâng đời mình cho đất nước thì đó cũng là một vinh dự lớn. Luôn nhớ điều này con nhé: ngay trong cũi hổ con cũng có thể sống sót nếu con biết cách tập trung tư tưởng thường xuyên. Hãy làm mọi việc có thể, con ạ. Cha rất tự hào vì con.
Mẹ tôi òa khóc, còn tôi về phòng mình với mặc cảm tội lỗi. Tôi ngồi một hồi với các em, chúng tôi xem lại những bức ảnh gia đình và nhắc lại những cảm xúc chung. Tôi buồn vì phải ra đi nhưng tôi cũng biết được đảng chọn lựa là một vinh dự lớn biết bao. Tôi tự nhủ trẻ con, ai chẳng phải rời gia đình vào một lúc nào đó và tôi không thể mong muốn gì tốt hơn.
Ngày hôm sau từ sớm tôi đã tỉnh giấc. Chúng tôi không nói năng gì mấy trong bữa sáng và tôi thấy cặp mắt mẹ tôi thâm quầng vì bà khóc nhiều.
Điệp viên đặc biệt Chang đến vào hồi mười giờ. Ông ta chào cha tôi và tuyên bố:
- Anh đừng lo lắng cho Hyun Hee. Đảng sẽ chăm chút mọi thứ cho nó. Chúng tôi sẽ còn kiếm cả chồng cho cô ấy nữa. Hãy phó mặc cho chúng tôi.
- Cám ơn anh - cha tôi đáp, vẻ trịnh trọng. - Nó đã mang lại niềm tự hào cho gia đình chúng tôi, chúng tôi sẽ không lo ngại gì đâu. Tôi sẽ biết ơn đảng muôn đời.
Làm sao có thể quên được cái ngày tôi rời bỏ gia đình? Cha tôi rầu rĩ nhìn tôi. Mẹ và các em gái tôi khóc sướt mướt; chỉ các em trai tôi là vui vẻ dù tôi biết chúng phải cố gắng lắm.
- Tạm biệt! - mọi người lần lượt nói, như thể người nọ nhấn mạnh lời người kia. Đến nay tôi vẫn còn nghe tiếng nói của họ. Đến nay tôi vẫn còn nghe tiếng vọng ấy.