Chương I

    
ỳ nghỉ hè vừa đến, anh em bạn học trong trường Đại học về nghỉ hề đã gần hết rồi, chỉ những học sinh mới chiếm bảng hay sắp đi thi, còn ở lại. Quang cảnh nhà trường lúc đó, có vẻ ủ ê mệt nhọc như người lao động bấy lâu bây giờ sắp thiu thiu ngủ, tựa bên gốc cây me, hay dưới bóng cây bàng, tránh ánh nắng trang trang mùa hạ. Trong các buồng mới rồi rộn rịp những tiếng cười đùa, những câu tranh luận, bây giờ đã im phăng phắc như đứng thở hơi, mấy bức tường vôi hình như đương thầm thì mới nhau những tính tình và cử chỉ của bạn thiếu niên mới về khỏi. Trong những câu chuyện của bức tường, ta chỉ đoán mà không nghe được, chắc điều hay cũng lắm, điều dở cũng nhiều nhưng, cái dở, cái hay đều có vẻ thú, là cái thú của quãng đời niên thiếu ở nhà trường. Buổi thanh niên là buổi hăng hái, lúc trong mình khí huyết bừng bừng, tư tưởng đương như ngọn suối sa vời, chưa định, chắc hy vọng phải to, hy vọng to thì cái dở cái hay, trong khi tính đường cho lên đến hy vọng, phải mạnh như nhau cả.
Ký giả có chút việc riêng phải ở lại trường; lúc sang chơi bên buồng những bạn tân khoa ở thì thấy mấy bạn chí thân của ký giả là Lê Thanh Vân biệt hiệu là Đạm Thủy, đương soạn hòm để vinh quy, ký giả ngồi xem bạn soạn. Áo quần không dùng sắc gì rực rỡ, chỉ toàn là màu trắng với màu đen, những vật gì cần dùng đến màu thặm thì chỉ thấy màu vàng nhợt và màu da giời, thật có vẻ thanh đạm. Sách vở phần nhiều thuộc về khoa triết học, đại khái như tâm lý học, luân lý học, xã hội học... của Durkheim, Sư phạm khoa của Frébœl và Compayré v.v...và dễ thường đủ những bộ tiểu thuyết trứ danh của Bourget và Banes.
Bạn tôi thích về các khoa ấy mà cũng đã nổi tiếng trong học đường. Hy vọng của bạn tôi muốn đem những khoa ấy mà so sánh và tham bác với lý tưởng Á-đông rồi lấy quốc văn mà diễn ra một thứ luân lý, sư phạm thích hợp với tính tình người Nam-Việt.
Về khoa quốc văn thì Đạm Thủy lại có biệt tài, trong học đường, ngoài xã hội đã nhiều phen đắc thắng.
Các thư từ giấy má rất nhiều, để vào trong những phong bì to, cái thì để “Những điều trông thấy” cái thì “Ý tưởng của một bọn thiếu niên”; cái thì “Việc năm 1918”; cái thì “Bóng chim tăn cá”... Lúc bạn tôi soạn đến một cái hòm Nhật bản có khóa, ngoài đề chữ “Mấy mảnh di tình” thì mặt bạn tôi có vẻ khác. Tôi giơ tay lấy cái hộp thì bạn giữ lại và mỉm cười, nói rằng: đừng xem; cái vẻ cười ấy là cười nhếch mép, cái cười chạy qua nét buồn, làm cho người ngoài trông thấy cũng am hiểu tình trong có sự bi ai. Kí giả liền hỏi có phải câu chuyện ngày trước anh bảo tôi đi xem đám cưới đó không?
Đạm thủy bảo: phải.
Ký giả nói: vậy thì hay lắm, anh cứ đưa tôi xem, anh đã hẹn tôi mấy lần sẽ cho tôi biết hết. Nay nhân công việc nhà trường đã rỗi mà mọi chuyện cũng đã qua rồi, vậy tiện đây, anh kể tôi nghe, hoặc tôi chia vui hay chia buồn cùng anh một lúc.
Đạm Thủy vừa soạn hòm vừa nói rằng: Tôi đã trót hẹn với anh thì tôi xin kể, vì anh là bạn chí thân, nhưng nói ra ai biết tưởng cũng không làm gì, việc riêng của mình thì chỉ để mình mình hay, một mình mình biết, nói cho ai phỏng có ích gì, phải bắt người ta ngồi nghe những câu chuyện riêng của mình, tưởng là dở, mà hà tất phải cho ai biết đến tâm sự của mình. Tất nhiên có ai hiểu thấu mà nhỏ được một giọt nước mắt, thì nước mắt ấy có mát chỉ mát được một lúc, phương chi đời hay lấy cái ngoại diện mà cả gan kết án một việc phát nguyên từ trong những từng đáy bí mật của lòng người.
Ký giả nói: Anh nói vậy thì trách đời cũng khi quá nghiêm khắc một chút. Phàm ở đời những điều gì có thể chuyển động được một người thì tất chuyển động được nhiều người vì lòng nhân loại có những giây cảm giác giống nhau, duy chỉ điều, ít, khác nhau và cách cảm xúc hơn hay kém: đại khái như người có nghị lực nhiều thì đè được cái nhu cảm mà chôn sâu cái đau đớn của mình; người không có nghị lực thì không đương được những nỗi đau lòng mà thành ra âu sầu ủ dột. Vả lại một câu chuyện bất cứ bởi tính bí mật hay bởi thế cảnh éo le mà xây nên, đã hợp những cái hoạt động của đời lại xếp thành một tấn bi kịch có thể lay chuyển được lòng người là người xem đến tất hữu ích, chỗ hay có ích về hay, mà chỗ dở cũng làm tránh được cái hại.
- Về phương diện nhân tâm thế sự không phải tôi vội trách đời là nguội lạnh quá dâu, ý tôi muốn nói rằng phàm trong lòng người ta có một câu chuyện đau đớn thì cứ để một mình mình biết mà thôi, không cần phải báo ai hay, ta cứ điềm nhiên mà chịu. Lúc đau đớn mà khóc than bi thảm mà muốn để kẻ khác phàn nàn cho một câu thế là một con người non nớt. Tôi lấy câu thơ Viguy tiên sinh rằng: “khóc than, kêu cầu, khấn vái đều là hèn” làm một câu tuyệt tác mà giúp sức cho tôi trong lúc bi ai. Vả câu chuyện của tôi cũng như chuyện khác, thuộc về các loại “ái tình” mà thôi.
- Phàm chuyện hay phần nhiều chỉ bởi ái tình cả, Kim Vân Kiều, Tây Sương Ký, Trà Hoa Nữ, Lục Vân Tiên, Mai nương Lệ cốt v.v... có tiếng là chuyện hay chẳng qua là một pho tình sử, chép nhặt lấy lúc tan, lúc hợp, cái vui cái buồn, cái yêu, cái ghét của loài người mà thôi. Nhưng cái yêu ghét, vui buồn đó để vào trong thứ người cao thượng, đặt ở quãng đường đời éo le, nên khiến người xem phải lấy làm cảm, làm hay mà phải phục tình người trong cuộc.
Đạm Thủy chực giả nhời thì ký giả lại tiếp nói luôn:
- Thôi ta thuyết lý mãi cũng vô ích, anh đã hứa kể cho tôi nghe thì xin anh kể đi, dù về sau anh có phải phàn nàn rằng: ta trót nói thật với bạn ta một câu chuyện riêng thì nhời phàn nàn đó tức lòng tử tế của anh ta đối với tôi rồi.
- Vâng, anh cứ ngồi xem hết cái hộp này, tôi soạn xong hòm sẽ kể hết anh nghe.
Ký giả mở hộp ra xem thấy đầy một hộp thư bỏ vào ba cái phong bì trên đề mấy chữ “Tố Tâm di bút” ở dưới mấy cái phong thư ấy thấy mấy cái khăn thêu hai chiếc nhẫn vàng, một cái kim vàng, đầu đính một đóa hoa lan nhỏ. Còn các gói giấy khác thì ký giả không mở đến. Lúc ký giả sắp mở thư ra xem, Đạm Thủy đã soạn xong hòm đứng dậy bảo ký giả ra ghế ngoài vườn hoa. Ký giả cầm cả cái hộp mà đi theo bạn.
Lúc ra ngồi ghế, Đạm Thủy hơi cau mặt, hai mắt giậm thẳng ngang giời rồi khoan thai mà nói rằng:
Năm đó... tôi vào trường Cao đẳng được hơn một năm thì về nghỉ tết Nguyên đán ở nhà quê bên tỉnh B, hôm 28 thánh Chạp, xuống một ga kia còn phải đi bộ 13, 14 cây số, gặp hôm gió to, đường xấu phải lên xuống xe luôn, áo quần xốc xếch. Lúc đi đến một cái quán kia, mở ví giấy ra biên mấy chữ thì ví đã mất lúc nào rồi, tìm mãi không thấy nhưng biết rằng chỉ mới đánh rơi ở quãng đường này vì lúc xuống ga hãy còn ví. Tôi lấy làm buồn rầu, bối rối lắm vì trong ví có nhiều giấy má cần. Kỷ vật quý của tôi không gì bằng mấy tờ giấy và quyển sổ trong ví đó. Lúc đi qua một huyện kia, tôi vào trình quan huyện, một là để mong có ai bắt được đem trả, hai là trong ví có nhiều giấy má cần, hình ảnh và danh thiếp, sợ có người lợi dụng đem làm điều phi pháp. Lúc vào công đường, quan huyện tiếp một cách rất nhã. Tôi cũng giữ một lối lễ phép lịch sự của người “vào hầu quan”. Quan huyện hỏi tính danh và chức phẩm thì tôi cũng thưa thật là sinh viên ở ban Văn chương một trường Cao đẳng kia... Ngài có ý lấy làm thích vì nghe đâu ngài là một tay khoa cử giỏi văn chương, trước có học qua làm giáo ban và ở chân giáo thụ ra tri huyện. Ngài hỏi qua về việc học ở trong trường Cao đẳng rồi bàn về Hán học và Quốc văn, về các nhật trình và tạp chí, tôi tiếp truyện cũng trôi. Ngài có vẻ đắc ý. Ngồi độ nửa giờ, uống nước xong, tôi xin phép ra. Ngài khẩn khoản mà bảo rằng: “Thầy cứ về, rồi tôi sức cho tổng lý, có ai bắt được ví giấy phải đem lên nộp. Nếu tìm được tôi sẽ gửi đến tận trường giả thầy”. Tôi cảm ơn rồi giở ra.
Quan huyện ra đến bờ hè thì giở vào, tôi chợt trông qua cửa tò vò nhà tha thướt, đương sụm nhau lại làm bánh hay bổ cau gì tôi không rõ. Nghe thấy tiếng giầy thì một người ngửng mặt lên nhìn, rồi lại cúi xuống ngay. Tôi nom thoáng hình như đã thấy đâu một vài lần, nhưng lúc đương ngẩn ngơ tiếc cái ví giấy nên không để tâm vào. Lúc lên xe, vẫn ngậm ngùi về cái ví, nhưng còn chút hy vọng là quan huyện sẽ sức cho dân xã, và trong ví không có mấy đồng tiền chỉ nhiều giấy má thì người nhà quê bắt được tất đem giả. Ra giêng tôi lên học, đương ngồi trong lớp thấy người “gác” vào nói có người nhà, lúc ra đến cửa chỉ thấy có một thằng bé con không quen mặt đứng đó. Tôi chưa kịp hỏi người “gác” thì thằng bé ấy đã hỏi tôi rằng: Bẩm thầy có phải là thầy Vân không?
Tôi bảo phải, mày là người nhà ai? Hỏi gì?
- Thưa thầy, cậu con mời thầy ra chơi?
- Cậu nào?
- Bẩm cậu Tân con ở phố X... số nhà 58.
Tôi ngạc nhiên không hiểu là ai hỏi vì không quen cậu Tân ở phố ấy bao giờ. Tôi lại hỏi: cậu mày bảo hỏi ai? Nó nói: hỏi ông Lê Thanh Vân học trương thầy giáo.
Vậy thì chính là mình rồi, tôi vẫn lưỡng lự lại hỏi rằng cậu mày có viết thư không? Nó nói: Bẩm có một mảnh giấy nhưng con bỏ túi lúc chạy đánh rơi đâu không biết.
- Cậu mày học ở đâu?
- Bẩm học ở trường con Tây gần sở ông Bảy.
- Cậu mày con ai?
- Bẩm con bà con.
- Bà nào?
- Bà lớn án con.
- Bà án nào?
- Bẩm con mới đến ở, con cũng chả biết.
Tôi thấy thằng bé này ngơ ngẩn, hỏi không ăn thua, định để ra xem ai hỏi. Tôi nghĩ vậy rồi bảo nó rằng:
- Sáng mai chủ nhật đúng 8h thì tao sẽ ra, chiều hôm nay không ra được.
Thằng bé về, tôi vào lớp nghĩ mãi không biết ai hỏi có chuyện gì, nhưng sắp có giờ học, chỉ mong cho đến sáng mai. Tôi hỏi mấy người bạn cùng ở phố ấy xem nhà 58 là nhà ai, thì chỉ thấy bọn dòm nhau mà cười, tôi ngạc nhiên lắm. Tôi hỏi người bạn cũng hơi thân thân, thường anh em vẫn gọi đùa là “Thổ công thành phố” thì bạn đó cũng cười mà nói: “58” mà không biết nhà ai à? Hay bác lại hỏi dò tôi đấy? Tôi chợt nhớ đến tiếng “58” thường nghe nói luôn, nhưng tôi không để ý mấy. Thấy các bạn có ý cọt mình như vậy, thì không hỏi ai nữa, định chờ đến sáng mai.
Sáng chủ nhật quần áo chỉnh tề ra đi. Đến đầu phố X... thì tôi đỗ xe xuống, đi bộ dần dần xem số nhà, đến số nhà 58 thì ra nhà ấy là một nhà quen mắt ở phố này, ngoài có bán hàng tấm, trông vào nhà trong thấy câu đối khảm, câu đối thêu, trên bức thường giữa có treo bức hoành sơn son đã hơi cũ, đề bốn chữ “Kiều mộc thế thần”. Đồ bày thì cũng tủ chè khảm ghế bành tầu, nom ra quang cảnh một nhà hưu quan ở thành phố. Tôi tự bảo hẳn đây là nhà “bà lớn án” nên chỉ hỏi qua cửa ngoài rồi đi thẳng vào nhà. Đến cửa thấy một người thiếu nữ với một cậu bé con ngồi ở trường kỷ để sát tường cùng nhau đương xem một quyển sách gì không biết, thấy tôi đến, cô thiếu nữ chạy vào nhà trong. Tôi trông thoáng hình như người mà tôi đã trông thấy ở huyện nọ, nên nghĩ ngay ra chuyện mất ví hôm xưa. Lúc ấy tôi không được xem rõ mặt là bởi tôi theo lối giao thiệp vào nhà lạ tôi không muốn nhìn mặt con gái đàn bà nhưng lúc nàng cất cái mình manh mảnh đi vào nhà tay hất cái đuôi gà ra sau vai, và dém mái tóc lại, phô ra hai cái vẻ tương phản ở chỗ đám tóc đen tỏa trên cái gáy trắng, tôi trông thật có vẻ yểu điệu của một vị giai nhân. Cảnh tượng ấy làm cho tôi hiểu những vẻ cười của bạn hôm trước.
Cậu bé độ chừng 15, 16 tuổi người cũng manh mảnh, mặt trắng, da nhỏ, mặc tây phục bằng dạ tím, cổ áo có dính hai cành lá bằng kim tuyến nom rõ là một cậu bé học “Ly xê” nhưng đây là một đứa bé con ngoan, ít nói mà lễ phép.
Cậu bé mời tôi ngồi, tôi đoán chắc là cậu Tân, tôi nói rằng:
- Hôm qua có thằng bé vào trường bảo tôi ra cho cậu hỏi chuyện, chắc trong giấy cậu có nói rõ, nhưng thằng bé đánh rơi mấy giấy, nên tôi vội ra hỏi lại cậu Tân.
Cậu Tân nói:
- Vâng, chú huyện bảo tôi rằng năm ngoái ông đánh rơi cái ví giấy, vào trình ở huyện chú tôi. Vừa rồi có người lý trưởng đem lên nộp, vậy chú tôi bảo đem lên giả ông.
Nói xong, mở cái tráp khảm con để ở bàn, lấy ví đưa cho tôi, vì bọc lại và niêm phong cẩn thận, tôi rất làm mừng, nhưng cứ điềm nhiên mà cầm lấy vội gửi nhời về cảm tạ quan Huyện và cảm công cậu em mang hộ lên đây. Lúc tôi cầm ví xong, cậu Tân mời uống nước thì thấy một bà cụ ở trên gác xuống, và trạc 48, 49 tuổi, người đậm đà mà khổ mặt hơi rộng. Tôi đoán là bà án nên đứng dậy chào. Bà cụ ngồi xuống một cái ghế bành mở tráp lấy thuốc lá hút, lấy khăn lau hai bên mép, lấy một tí sáp bôi vào môi, nom ra còn quan cách lắm. Bà cụ mời tôi uống nước và hỏi chuyện về quê quán cùng gia thân tôi, tôi nói thật cả thì bà cụ bảo có biết gia quyến tôi. Bà án lại hỏi về việc học, hỏi có quen cậu X. ở cùng phố. Cậu V. con quan tuần Lang, cậu C. cháu cụ Thượng Trần, v.v... cùng học trường Cao đẳng. Bà cụ nói cả đến việc học tập của cậu Tân và nói cậu bé mới được thưởng phần nhiều. Tôi xem chuyện đã khá lâu nên xin về, Bà án nói trắng:
- Thỉnh thoảng thầy ra chơi với em.
Câu nói có giọng đằm thắm, không biết là câu đưa đẩy, hay bởi lòng tốt yêu học trò đi học xa nhà. Lúc đi ra tôi ngó vào một cái bàn con để toàn nhật trình và tạp chí, thấy quyển tiểu thuyết của tôi xuất bản đã xộc xệch rách hết bìa ngoài, hình như đã có người xem nhiều lần lắm. Ra đến cửa cậu bé chào và nói rằng:
- Chúng tôi tuy mới được tiếp ông hôm nay nhưng vẫn biết tiếng ông, văn thơ ông chúng tôi thích xem lắm. Nay gặp ông đây lấy làm hân hạnh, thật là không hẹn mà nên, từ đây mong được thừa tiếp ông luôn, vậy thứ năm này ông có thư thả mời ông quá bộ ra chơi.
Tôi cảm ơn bắt tay cậu bé tự nghĩ rằng cậu bé còn ít tuổi mà nói năng gọn gàng văn hoa lắm, không biết nghĩ sẵn hay một câu giao thiệp đã dùng quen.
Chiều thứ năm tôi ra đã thấy cậu bé đi xe đạp đến chực ở cửa trường thấy tôi cậu vội hỏi ngay rằng:
- Hôm nọ tôi quên thưa chuyện với ông rằng chú tôi dặn hễ khi ông nhận được ví thì viết thư cho chú tôi biết vì chú tôi sợ bỏ quên thất lạc đi chăng.
Tôi nói:
- Tôi đã viết thư cảm ơn quan lớn rồi.
Hai chúng tôi cùng đi bộ ra đến bờ hồ thì cậu bé mời tôi lại nhà chơi, tôi có ý ngần ngại vì mới quen mà chơi luôn bất tiện, nhưng xem cậu bé có ý yêu tôi lắm, cách ăn nói, chào mời tỏ ra một thứ quyến luyến tự nhiên của trẻ con lúc yêu một người hơn tuổi; tôi nể lời cậu bé mà vào chơi nhà. Lúc cho tôi xem, cậu ấy học đã khá lắm. Xong chuyện học thì cậu đem tôi đi xem tranh vẽ và các bức ảnh treo. Nghe lời bình phẩm, cậu hiểu tôi có biết chụp ảnh, cậu lên gác mang hòm ảnh xuống cho tôi xem. Lúc cậu Tân lên gác, tôi nhân đứng bên bàn để các báo cầm một cuốn tạp chí xem, giở ngay vào trang có văn của tôi đăng năm trước, nhiều giòng có nét bút chì gạch đánh dấu. Mở một quyển nữa, tôi tìm đến những bài thơ của tôi. Bên bài “Vịnh cảm Sầm Sơn” có chữ đàn bà viết bằng bút chì, chữ viết nhỏ quá mà dấu tay cầm đã mờ đi chỉ nhìn rõ mấy câu rằng: “Đem non nước ấy vẽ thành bức tranh vân-cẩu, ngọn bút kia...” Bên bài “Chơi thuyền Hồ Tây” thấy mấy chữ phê “Lai láng văn như sóng mấy từng” còn ở những bài khác của tôi cũng có chữ đề nhưng trông không rõ. Tôi đương có ý nhìn kỹ thì cậu Tân mang hòm ảnh xuống, mở cho tôi xem, tôi giảng cho cậu nghe các hạng ống kính và mỹ thuật trong cách làm ảnh, cậu Tân lấy làm thích lắm, vì cậu chỉ thích chơi ảnh và đàn “vi-ô-lông” (violon).
Đương nói chuyện thì người thiếu nữ đi ra, thoạt có dáng e lệ nhưng lại giữ ngay vẻ tự nhiên như không, không phải như một vài hạng thiếu nữ khác, hễ thấy người lạ, nhất là thấy bọn tu-my thì đỏ má, cau mày, luống cuống, ngảnh mặt đi tỏ ra là ta định ý không nhìn, cái vẻ không tự nhiên ấy dù mình làm ra nghiêm chỉnh thế nào cũng tỏ ra rằng người lạ đứng trước mặt mình đó làm động đến cảm giác của mình, thế có phải là không muốn phô tính tình của mình ra mà thành người ta biết, ấy cũng là một chỗ yếu của lòng nữ nhi. Tôi nom khuôn mặt người thiếu nữ với cậu Tân thì biết ngay là chị em ruột, cũng một nước da rất nhỏ cùng một gương mặt trái xoan, nhưng ở người chị là nữ nhi nên tay thợ tạo có xắc xảo mà dịu dàng hơn một chút: cái đường mũi hơi cao cao mà nhỏ thẳng tới cái miệng xinh xinh, viền hai đường môi mỏng mà thăm thắm, tạc ra cái vẻ mặt rất thanh tao mà tinh xảo, nhưng trên cái vẻ mặt mơn mởn tơ đào đó có một vé buồn cao xa kín đáo bởi ở đôi con mắt trong mà lại lờ đờ, tức là thứ mắt của người có tư tưởng mà hay mơ màng những chuyện viển vông. Cái khuôn mặt thiên nhiên đó để trên một tấm thân manh mảnh cao làm cho tôi bấy giờ mới trông thấy thứ đẹp thanh tú tĩnh mạc có cái vẻ thiêng liêng.
Lạ cho nhan sắc ở đời có cái thứ đẹp nồng nàn làm cho người ta ham muốn; có thứ đẹp thanh đạm làm cho người ta kínnh yêu như một bức nữ thần treo ở các nhà đạo giáo.
Người thiếu nữ ra ngoài cửa hàng một lúc rồi lại vào nhà trong, một lúc lại ra soạn trong tủ chè lấy bao chè mới đưa cho thằng nhỏ. Tôi vẫn ngồi điềm nhiên nói chuyện với cậu bé, chuyện lân la mà biết được nhà chỉ có ba người: bà cụ, cô chị và cậu em.
Lúc tôi ở đó ra về, lại chơi nhà người bạn cùng ở một phố, hỏi dò mới biết là nhà quan án Nguyễn T. ngài mất về bệnh thổ huyết đã 5 năm nay, ngài được hai con, một gái, một giai, người con gái năm nay 20 tuổi gọi là cô Lan hay là Nguyễn Thị Xuân Lan, tức là người thiếu nữ tôi nói chuyện, người con giai còn bé tức cậu Tân, học lớp ba trường “Ly-xê”.
Cô Lan là người con gái đẹp nhất xóm, có tiếng là người văn hoa, mà lại giỏi nghề thêu thùa, bánh trái, nhưng phải tính hơi kiêu một chút, cách cư xử ăn nói, tiếp đãi thì rất là lễ phép dịu dàng nhưng vẫn ngụ một cái ý ngạo đời. Cô ta lúc bé học chữ nho, đến 15 tuổi, lúc quan án mất, bà án về Hà Nội, cô Lan đi học chữ Tây lấy được bằng Sơ học thì ở nhà buôn bán.
Từ lúc bà án về Hà Nội, chung vốn buôn tơ lụa gia tư cũng khá, có nhà ở phố, có ruộng ở quê, một cái ấp độ chừng vài trăm mẫu, nhưng bà khí vô tâm một chút mà cũng nàn việc đời, nhà cửa ít khi trông nom, giao cả cho cô Lan coi sóc, còn bà lúc chùa Hương, khi đền Kiếp, thỉnh thoảng lại thưởng mấy cuộc tổ tôm mà tiêu dao cùng tuế nguyệt vì bà hay đau yếu luôn. Quan án còn có một người em đương làm Tri huyện ở tỉnh B. (tức quan Huyện tôi đến trình mất ví ngày nọ). Cô Lan với cậu Tân thường hay sang chơi bên Huyện. Nhà quan án cũng thịnh nên hai người con thông minh mà tính nết hiền hậu cả.
Từ đó giở đi, chủ nhật, thứ năm nào tôi cũng đến nhà cậu Tân, một là cái ơn giả ví, hai là bởi lòng cậu bé rất quyến luyến tôi, thường cứ đem hòm ảnh bắt tôi đi chụp các chỗ thắng cảnh ở hương thôn, ba là lòng tự nhiên cứ thích đến đó, hễ chủ nhật nào không đến là không thấy yên mà những lúc đi ra chơi thế nào cũng phải đi qua cửa một lượt. Tôi đến lắm thành thân, lúc rửa ảnh, lúc họa đàn, lúc giảng sách, chả mấy chốc mà tôi thành ra ông giáo dạy tư.
Bà án thấy thế vui lòng lắm mà rất quí tôi, tôi nói đến đây chắc anh mỉm cười mà hỏi rằng:
- Thế thì cô Lan ra làm sao? Vâng cô Lan, cô Lan tôi xin kể nốt anh nghe, bây giờ mới đến giờ thú tội, giờ đau đớn của tôi đây.
Khi tôi đã quen biết bà án như vậy thì cô Lan cũng lấy chuyện tôi đến chơi là thường mà cũng coi tôi như một người anh hay người bạn, thường vẫn ra ngồi tiếp chuyện tôi luôn, rất thích nghe tôi thuyết lý và bình phẩm văn chương, vì cô Lan thích quốc văn lắm. Những văn thơ nàng làm thường đem cho tôi xem và nhờ chỉnh đốn lại.
Bao nhiêu những tản văn, vận văn của tôi nàng cũng mượn xem không sót quyển nào.
Thơ của nàng còn non nhưng cũng có câu được, tôi còn nhớ mấy câu tôi đọc anh nghe, anh có thể hiểu qua được hồn thơ và tính tình của nàng. Thơ tả tình có câu:
Phận liễu dám nguôi lòng sớm tối,
Tơ đào riêng thẹn mặt non sông.
Thơ đề ảnh: (ngồi xem trên sách)
Tựa mình bên án xem người cổ.
Ấn bóng trong gương ngẫm truyện đời.
Bài “Cảm tác” có câu rằng:
Trên đời nào biết ai tri kỷ?
Chung thủy bên mình chiếc bóng theo.
Tả cảnh có câu:
Ác tà tha thướt gác non tây,
Phơn phớt mầu đào nhuộm áng mây,
Thẳng cánh đàn chim bay nháo nhác.
Cỏ về quê nội bảo ai hay,
Giữa dòng nước chảy mông mênh,
Bên sườn núi biếc treo tranh ác tà.
Cánh bèo, tàu lá, đài hoa,
Chảy theo gzòng đục biết là đi đâu?
Giang san ai nhuộm vẻ sầu,
Con sông chảy thẳng dịp cầu bắc ngang,
Chiều chiều đứng tựa gốc cây,
Trông chim bay liệng trông mây lưng trời,
Trông xa, xa tít, xa vời,
Những non cùng nước, những đồi cùng cây.
Mấy bài tả cảnh này, nàng viết lúc quan án làm quan ở tỉnh thượng lu nàng ở lâu chỗ “xa nhân công” “gần tạo vật” trừ những lúc chơi đùa với chị em trong nhà, cả ngày chỉ những “non cùng nước, những đồi cùng cây” mà vơ vẩn ngắm “mây bay chim liệng”, người đã thiên về tình cảm, lại để ào chỗ phong cảnh đìu hiu, thành ra tinh thần cũng phảng phất mơ màng thư mây xanh lơ lửng giữa trời, như ánh vàng tha thướt đầu non vậy. Hoàn cảnh ấy không khỏi có ảnh hưởng về tính tình nàng sau này. Vả những người sinh trưởng ở chỗ cao sơn lưu thủy, thường hay có những cảm giác viển vông. Điều đó xét trong lịch sử với địa dư không phải là việc lạ.
Những bài thơ của nàng đại khái cũng thế cả, nhưng giọng còn bi ai hơn nhiều.
Văn chương đàn bà ta bây giờ phần nhiều thuộc về lối rất bi ai, gieo giắt, bởi nhu cảm thái da, thành tinh thần nhược bại, nên lúc hạ ngọn bút viết là thả giọng sầu, tự trong lòng mà ra cũng có, mà chịu ảnh hưởng ở ngoài phần nhiều.
Tôi xem như tính tình cô Lan về sau này, tôi biết đàn bà hay chịu ảnh hưởng nhiều lắm.
Tôi hỏi nàng tập làm văn từ bao giờ và làm thế nào thì nàng nói rằng nàng vẫn sở thích quốc văn từ bé, nhưng không có ai dạy cả, theo hùa chị em bạn, nàng chỉ xem các tạp chí và các sách xuất bản, thấy câu nào hay thì chép vào một cuốn sổ con, nàng đọc luôn đến thuộc lòng mà bao giờ cái giọng văn cũng phảng phất bên tai. Nhưng cái hay của nàng là cái giọng thơ nỉ non gieo giắt, giọng càng buồn bao nhiêu càng thích bấy nhiêu. Nàng ít thích về ý mà lắm khi cũng không hiểu ý nữa. Thế rồi nàng cứ góp nhặt những câu làm sẵn, như “Liễu ủ hoa sầu”, “Năm canh giọt lệ”, v.v... chắp bốn chữ sẵn làm đoạn trên, ba chữ thêm làm đoạn dưới, thành câu thơ bảy chữ hễ hợp vào cảnh hay tính mình tả, thế là thơ của mình, cho nên cảnh mùa hè mà cũng “sương sa gió thổi”, đất Việt Nam mà cũng “tuyết phủ mây mờ”. Những bài thơ nàng làm ra như vậy đọc lên nàng nghe lấy làm thích lắm, mà giọng đó cứ vơ vẩn luôn trong óc, hễ trong lòng có một tý gì hơi buồn đem ngâm lên tự thấy tinh thần có một thứ cảm giác phảng phất bát ngát vô cùng. Về sau lúc các báo công kích thứ văn “bi ai” “vô nghĩa” thì nàng bỏ lối thơ này.
Nhân lại được ông cậu nàng giỏi quốc văn dạy nàng viết văn luận thuyết và làm lối thơ chuộng ý hơn tứ, bắt nàng tự đặt lấy câu, tụ nghĩ lấy tứ mà hết sức tránh những sáo cũ. Từ độ ấy thì nàng viết lối văn này, nhưng lối cũ đã tiêm nhiễm từ xưa nên còn vướng lại.
Tôi thấy nàng có ý thích văn luận thuyết nên thường tôi hay đem những ý tưởng tân học mà giảng cho nàng nghe, nàng cũng hiểu. Tư chất nàng rất tốt mà ý tưởng cũng cao.
Một hôm tôi bảo nàng cắt nghĩa câu: “Đàn bà sở dĩ quí là tại đàn bà là đàn bà” để xem lối quắt quéo này nàng có hiểu không. Nàng không phải nghĩ giả lời gọn gàng rằng:
- Người ta sở dĩ quí đàn bà là bởi từ tâm, bởi những vẻ yểu điệu dịu dàng của Hóa công ban riêng cho bên phụ nữ.
Nhiều khi tôi hỏi nàng một vài ý kiến về tâm lý và luân lý có lắm câu giả lời tôi lấy làm ngạc nhiên, nên nàng giúp tôi được nhiều điều trong việc quan sát tính tình và giáo dục phụ nữ.
Từ đó, tôi với nàng thường hay đàm luận về văn chương thế sự. Nàng nhờ tôi đặt hộ hai chữ biệt hiệu để khi ký tên cho tiện. Nhân tên nàng là Lan, tôi tặng hai chữ “Tố Tâm” [1] nàng lấy làm vui mừng lắm.
Tôi xem chừng nàng cũng quyến luyến tôi lắm, đã có khi nói đến việc nhà. Nàng thấy cậu em gọi tôi bằng anh thì nàng cũng gọi vậy, nên tôi gọi nàng bằng em cho tiện. Hai bên tuy không nói ra mà định nhận là anh em, lấy tình bè bạn ra mà đối đãi.
Chú thích:
[1] Các loài lan có thứ gọi là Tố Tâm. Trong lòng hoa trắng.