au cái chết của mẹ tôi được 50 ngày, thì những cây trầu leo ở tường, mà chính mẹ tôi lúc sinh thời đã vun bón, những cây trầu xanh tươi ấy cũng héo dần, héo một cách trông thấy trước mắt mọi người. Tôi còn nhớ như mới hôm qua, hình như là vào một ngày nắng mới, những đường nhà quê đã ráo khô : bà Mục, người hàng xóm của mẹ tôi, qua thăm nhà tôi : ấy là lần thứ nhất từ khi mẹ tôi chết. Bà hàng xóm ấy qua thăm vườn nhà tôi, tôi thấy bà len lỏi giữa những con đường nhỏ mà trơn lầy, và có khi phải cúi mình sát rạt để tránh những cành đào hay cành mận chĩa ngang qua đường. Tôi trông cái tuổi già ấy phải « gấp đôi » lại mà tôi thương hại vô cùng. Bà vẫn len lỏi, cúi đầu, lâu lâu đưa vạt áo lên để lau những hạt sương trên trán. Bà vẫn cứ đi. Hình như bà muốn tìm lại giữa những cây cối thân yêu ấy, một kỷ niệm gì ngày xưa, một kỷ niệm cuối cùng, cũng chực trốn thoát mình … Bỗng bà đứng lại, và tôi thấy rõ dưới ánh chiều vàng, người đàn bà tuổi tác ấy, đưa vạt áo lên, và không phải để lau những hạt sương rơi vướng trên khăn mà là để lau những hạt lệ đong ở dưới mí mắt. Tôi hiểu một cách dễ dàng cái sự nghiệp của người bạn không còn nữa. Mẹ tôi là một bà quan. Bà Mục chỉ là vợ một người dân bình thường. Nhưng tình xóm giềng mạnh hơn tinh thần giai cấp. Hai cái khoảng vườn gần nhau và những cành cây ở hai vườn đã giao đối nhau, kết liên nhau. Đã có lúc, mẹ tôi, trong khi xem vườn, gọi người hàng xóm mà biếu một quả cam đầu mùa, hay một lá trầu son. Hai người ấy đã từng, người ở bên này kẻ ở bên kia vườn, đã từng gọi nhau như hai người cùng danh phận, để nói chuyện với nhau về một giống rau mới trồng, hay một cái chòm nhãn mới lông … Trong lúc ấy, chồng bà hàng xóm, đi buôn kén ở một làng hẻo lánh ở Thankhek hay Paksé. Và thầy tôi, cũng ở một huyện xa, giữa những cờ trống rộn ràng, cỡi trên mình ngựa đi khánh thành một cái ấp mới. Đến nay, khi chép lại cuốn truyện này mới hơn mười năm thôi, mà sự đời xung quanh tôi đã thay đổi nhiều lắm. Tôi thương tiếc bao nhiêu, khi tôi nghĩ đến cái việc ngày nay trên đất nước tôi, đã không còn những người đàn bà lặng lẽ mà thâm trầm gần đất cát biết bao, sống giữa những cây cối thân yêu, hồn của đất nước ! Tôi vừa đau đớn vừa căm giận khi nghĩ đến cái lớp đàn bà lòe loẹt kia đã dám kiêu hãnh thay thế cái lớp người đàn bà cũ kỹ ấy, những người đàn bà thùy mị với những bộ răng đen nhánh. Những người đàn bà ngày nay đã để răng trắng, và vì thế, họ có bao giờ như những người đàn bà thời xuèa dầu là một bà quan, cũng cầm lấy cái chét để vun bón một cây trầu non, hay một cây cau mới ở vườn … Họ có bao giờ còn nâng niu những cây cối nữa, và như thế, họ sống xa đất cát biết bao …Nhưng tôi biết nói thế nào, khi người ta gọi đó là sự tiến bộ ? Mà cả tâm hồn tôi ngày nay cũng như một cái gì rất ăn rập với thời thường, những sự khóc cười của tôi cũng gần như là những đồ sáng chế. Nhưng có một lúc, thật tôi đã được chứng kiến những sự nẩy nở của những tâm hồn giản dị mà chân thực biết bao ! Và, có lúc tôi cũng bị lôi cuốn giữa cái «dòng đời» lừ đừ và «tha thiết» ấy. Làm sao tôi quên được cái buổi chiều nhàn rỗi mà mây đen hay gân mặt đất lượn đầy trước ngõ tre, một buổi chiều dễ mời mọc người ta đến những chốn âm u, buồn lạnh. Dì tôi cho gọi bà «bóng rong» vào để phụ hồn mẹ tôi. Hôm ấy, những người đàn ông ở trong nhà đều đi vắng, quây quần bên bà « bóng » chỉ có những người đàn bà … Sau mộT hồi kêu phụ, bà bóng bắt đầu «lên». Dì tôi hỏi :
- Thế hồn có nhớ hồn đi, ai liệm cho hồn không ?
- Hồn đáp bằng thơ :
- Dì Sâm với lại dì Hoàn,
- Người chít khăn nhiễu, người choàng cổ y …
- Thế hồn ra đi có giận hờn ai không ? Có thương nhớ ai không ?
- Từ khi hồn xuống âm ty …
- Ngày ran nỗi nhớ, đêm chia mối sầu.
- Trách riêng con tạo cơ cầu,
- Tơ duyên ngắn ngủi, nhịp cầu cắt ngang…
- Miễn chồng cho được giàu sang…
- Con hồn ăn học, giữ giường mới xưa …