hân sự kiện nhà văn Mạc Ngôn được nhận Nobel Văn chương năm 2012, nhân đọc bài viết của Lão Khoa về "trí thức, trí ngủ ", tôi xin post lại bài tiểu luận này ( bài đã được đưa lên blog Ngẫm & Viết ngày 11.6.2010 và trước đó in trong tập sách " Những người thắp lửa " của tôi, xuất bản năm 2009 ).Bạn đọc từng biết đến tiếng tăm của nhà văn Trung Quốc - Mạc Ngôn qua những tiểu thuyết khá nổi tiếng của ông như: Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, và gần đây là Tửu quốc, Tổ tiên có màng chân, Sống đọa thác đầy... Song không chỉ có vậy, tạp văn cũng là một thế mạnh, một đặc sắc của Mạc Ngôn.Bản thân tạp văn, là một thể loại nửa triết nửa văn, là một cách tu dưỡng tinh thần của các nhà hiền triết, nhà tư tưởng, nhà văn Trung Hoa từ lâu đời. Tự thân nó đã là một đặc sắc Trung Hoa. Viết tạp văn đến độ đặc sắc, khó gấp bội!Viết tạp văn, với Mạc Ngôn cũng là một thách thức, bởi trước đó, nền văn học Trung Quốc đã có rất nhiều những nhà văn nổi tiếng đã từng viết tạp văn, cổ thì: Kim Thánh Thán, Mao Tôn Cương, Viên Mai…; kim thì những Lỗ Tấn, Lão Xá, Ba Kim; còn đương thời thì có Vương Sóc, Giả Bình Ao, Vương Mông v.v… Chắc chắn, sẽ có nhiều nhà văn đương đại khác cũng đều thử sức mình ở thể loại tạp văn, ngỡ dễ dàng nhưng thực ra lại vô cùng khó này…Không rõ là khi viết tạp văn, Mạc Ngôn có chịu ảnh hưởng gì các bậc tiền bối và cả bạn văn cùng thời với mình không, song chắc chắn một điều, Mạc Ngôn đã sáng tạo ra một sắc thái tạp văn rất Mạc Ngôn. Điều ấy có nghĩa là nó không bị nhòa lẫn vào ai và về cách nghĩ cùng bút pháp khá nhất quán với một Mạc Ngôn tiểu thuyết.Trở lại với tuyển tập tạp văn Mạc Ngôn, với 25 thiên tạp văn, tùy bút, ta có thể thấy rõ có mấy mảng đề tài, chủ đề lớn, đó là về quê hương, về sở thích, về mộng văn chương cùng bóng dáng các văn nghệ sĩ và những tản mạn khác.Theo tôi, sâu đậm nhất và hay nhất là phần về quê hương. Trong mảng đề tài này, thì ngoài những kỷ niệm thời ấu thơ cùng con người và cảnh sắc vùng quê ( như Bức tường biết hát, Tắm nước nóng, Chó,chim và ngựa, Chuyện cũ quê hương), ấn tượng hơn cả lại nằm trong những trang viết về cái đói và miếng ăn, chẳng hạn như: Chuyện miếng ăn, Chuyện mộc tồn, Mười hai thiên tạp cảm…Ở đây, Mạc Ngôn đưa người đọc trở về đầu những năm 60 của thế kỷ 20, khi ấy kinh tế Trung Quốc còn rất khó khăn, và nó lại càng khốn khó hơn với vùng quê của tác giả-vùng Cao Mật, Sơn Đông thuộc đông bắc Trung Quốc sau mấy năm thiên tai, mất mùa liền. Sơn Đông vốn là một vùng địa linh nhân kiệt nổi tiếng, xưa kia vào thời Đông Chu liệt quốc thuộc Lỗ Tề, quê hương của nhà tư tưởng vĩ đại vào hàng bậc nhất Trung Quốc và thế giới, đó là Khổng Tử. Vùng đất địa linh nhân kiệt này kề biển lớn, có núi Thái Sơn, một ngọn núi nổi tiếng còn hơn cả Khổng Tử. Một vùng đất hội tụ sự kiệt hiệt của cả Thiên-Địa-Nhân, ấy vậy mà lại đói. Đói khủng khiếp. Cao Mật quê của Mạc Ngôn đói lay đói lắt, đói rạc đói dài. Với cái đói, người bình thường đã khổ, với kẻ phàm ăn như Mạc Ngôn thì không biết khổ đến mức nào? Dưới cái nhìn của những người dân quê đói kém, qua con mắt thèm thuồng của đứa trẻ phàm ăn là Mạc Ngôn, đến thứ rong rêu cỏ rả mà bình thường thì ngựa cũng chê, bỗng trở thành thứ rau ngon cứu đói. Đọc những dòng Mạc Ngôn viết tuyệt hay về cái đói, và miếng ăn cho vào miệng, tôi chợt ngộ ra ý nghĩa sâu xa của bức đại tự ở nhà thờ tổ một dòng họ nọ: " Thủy hữu dĩ ". Vậy nghĩa lý ra làm sao? Thì ra, nguồn cội của bức đại tự ấy được lấy từ Kinh Thi. Trong Kinh Thi, quyển Hạ, phần Đại Nhã, bài số 250 là Văn vương hữu thanh có 6 chương đều ca ngợi công đức của Văn Vương, Vũ Vương nhà Chu. Chương thứ 6 theo thể hứng, nguyên văn là: "Phong thủy hữu dĩ/ Vũ vương khởi bất sĩ?/ Di quyết tôn mưu/ Dĩ yến dực tử/ Vũ vương chưng tai!", dịch nghĩa là: Sông Phong có cỏ dĩ. Vũ vương há lại không có công việc để lo lắng hay sao? Truyền một mưu kế lâu dài cho cháu. Để con được yên ổn hiếu kính. Vũ vương đáng là bậc làm vua thay. Ở đây, chữ dĩ ( có bộ thảo đầu ) được chú giải là một loại cỏ rong, cỏ thơm, bình thường dùng làm thức ăn cho gia súc, song gặp khi giáp hạt, đói kém thì con người có thể ăn thay rau cũng đỡ xót dạ. Nó quan trọng ở việc có thể làm thức ăn cứu người. Ấy là sự lo lắng cái đói mà phòng cơ tích cốc, tích cái ăn được, nghĩa sâu xa được hiểu như lời căn dặn con người ta luôn phải tính kế sinh nhai lâu dài, lo cho có nghề có nghiệp, lo mà dạy con cháu biết kiệm ước, chuyên cần... Rất có thể, từ xa xưa, chính những người nông dân vùng Cao Mật, Sơn Đông ấy đã sáng tác ra những bài ca dao như thế? Ấy là tôi cứ liên tưởng và suy diễn thế thôi. Ở xứ nào cũng vậy, cái đói làm cho người ta khốn khổ, song cũng làm người ta sinh động hẳn lên. Ở xứ ta, Nam Cao và Ngô Tất Tố cũng đã viết rất tuyệt về cái đói đấy sao! Ôi cái sự lo xa của người xưa! Lo đi lo lại, lo lớn lo bé, loanh quanh rồi cũng quay về miếng ăn cả. Thế mới thấu hiểu đạo lý " Dân dĩ thực vi thiên ". Phần lớn sự thất đức, tội ác ở đời đều từ miếng ăn mà ra cả?!Bằng lối viết tự sự, dí dỏm xen lẫn trữ tình, bi hài chen lấn nhau, Mạc Ngôn đã đưa người đọc đi từ những chuyện vụn vặt, những điều bình thường ở mức tận cùng của nó, với đầy bất ngờ, để rồi bật lên vẻ đẹp, cái cao thượng và sự trong sáng của con người.Phần về sở thích có các tạp văn: Tôi và âm nhạc, Tôi và rượu, Tôi và cừu, Giấc mộng đại học của tôi, Đọc sách tuổi ấu thơ …đó là những dòng tự sự vừa thủ thỉ cam chịu, lại vừa tung hoành và đầy rẫy những khát khao chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, cùng đam mê đến cháy lòng những điều bình thường, giản dị!...Ở phần viết về văn chương và các văn nghệ sĩ, ta lại thấy một Mạc Ngôn chững chạc, lọc lõi và hơi kẻ cả, nó khác hẳn với một Mạc Ngôn dại khôn, khôn dại và đam mê ở những trang viết kia. Phần viết này đánh dấu một chặng đời trưởng thành và thành đạt, một chặng đường văn chương thể hiện sự vượt trội của Mạc Ngôn trên văn đàn Trung Quốc và thế giới sau những bứt phá không biết mệt mỏi và có gì đó hơi rồ dại.Nói tóm lại, đọc Mạc Ngôn tạp văn, ta thấy rõ thêm một Mạc Ngôn đa tài và giàu cá tính. Người ta đồ rằng, Mạc Ngôn sẽ tiến xa hơn nữa trên con đường văn chương. Thậm chí, có người đánh bạo mà đưa ra nhận định, rằng cái đích sẽ phải tới trong sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn là Nobel văn học. Sau Cao Hành Kiện với Linh Sơn, rất có thể cái tên tiếp theo sẽ là Mạc Ngôn. Song trước hết, và có lẽ quan trọng hơn, cái đích mong muốn chính là sự mến mộ, là tấm lòng của đông đảo bạn đọc trên khắp thế giới dành cho Mạc Ngôn!...