Phần 3

      Guam, vợ chồng Bích Thuỷ xin đi Virginia vì có gia đình người em du học ở đó. Hơn bao giờ hết, Bích Thuỷ muốn Thu Hằng cùng đi với mình. Hai gia đình đã có những đắng cay như nhau. Con gái nàng cũng đã chết cùng với Tuấn, Bích Thuỷ thì lại tin chắc như thế. Vì thế Bích Thuỷ nghĩ đắng cay đó đã cùng chia xẻ nay nếu được an lành thì sẽ lại cùng chia với nhau. Nhưng Thu Hằng nhất quyết xin đi California. Nàng sợ nhìn thấy sự thật. Nàng vẫn muốn tin Tuấn không chết, nên muốn xa hẳn, muốn tách hẳn khỏi dĩ vãng thương đau thì mới mong có cơ hội sống còn để lo cho các con trong niềm tin đó.
Trước khi chia tay, theo yêu cầu của Thu Hằng, Bích Thuỷ đưa cho nàng địa chỉ một người bà con xa ở Pháp để qua họ Thu Hằng có thể liên lạc được với Việt Nam Xã Nghĩa. Địa chỉ bà con của gia đình mình và một phần tiền đô la do Tuấn giữ, nhưng Tuấn đã mất, nàng chỉ còn ít đô la dắt theo trong người thôi.
Cái xe đỗ lại trước sân Nhà Thờ. Mọi người lục tục xuống xe. Đưa mắt lơ láo nhìn cảnh vật xung quanh. Nắng ấm vừa phải. Trời trong xanh ngắt, cao vòi vọi. Hai hàng cây cọ cao vút đâm lá in trên nền trời xanh ngọc bích. Nhà thờ này là nhà thờ Cơ Đốc Giáo. Xây bằng gạch thẻ đỏ giả bao bên ngoài xườn gỗ. Có một nhà ngang xây liền với phía sau nhà thờ, tiếp thành hình chữ L hoa. Có một bãi cỏ cắt xén thật ngăn nắp, cỏ mướt xanh điểm ỡ giữa một cây có lá mầu nâu xẫm, xòe tròn.
Hai người Mỹ, một đàn ông một đàn bà ra đón số người tỵ nạn vừa tới. Họ tự giới thiệu tên, tay chỉ vào cái thẻ trên ngực áo. Cả hai cùng rất tươi cười và lịch sự. Thu Hằng dắt hai con theo mọi người đi về phía nhà ngang. Được đưa vào một phòng khách rộng, có nhiều ghế. Được mời ngồi đợi ban tổ chức chia phòng, chia giường và đồ dùng hàng ngày. Người đàn bà Mỹ tên Mary cầm danh sách đọc tên. Bà ta có vẻ đã quen với tên người Á Đông, nên đọc không bị vấp váp lắm, tuy nhiên mỗi khi gặp chữ khó, bà ta lại tươi cười xin lỗi đã đọc sai, xin thông cảm, và nhanh nhẩu đọc lại sau khi người được gọi tên chỉ cách đọc. Lần lượt mọi người đều nhận xong chỗ ngủ. Lại theo bà Mary đi lấy gối, chăn, khăn trải giường cùng vật dụng vệ sinh hàng ngày. Đâu đấy xong xuôi bà ta dặn sáu giờ rưỡi chiều hẹn nhau ở phòng ăn, ngay phía sau phòng khách. Dặn dò xong bà tươi cười chào từ giã và hẹn gặp.
Dọn dẹp xong ba cái giường, trong một căn phòng thật dài và rộng có nhiều tấm bình phong tạm ngăn các gia đình với nhau. Thu Hằng ôm hai con nằm chung với nhau trên giường của mình. Tâm trí lộn xộn muôn vàn ý nghĩ. Đầu óc nhức nhối. Cơ thể đau rần. Nàng gần như không tính được gì cả. Bao nhiêu diễn biến dồn dập xẩy đến. Chỉ còn biết ôm lấy hai con tìm chút nghị lực. Không muốn khóc trước mặt hai con. Nhưng đã bao đêm rồi nàng ôm mặt nức nở, lặng lẽ cho nước mắt tuôn trào. Thu Hằng thầm gọi tên Tuấn không biết bao nhiêu lần. Không ngờ cuộc đời dành cho vợ chồng nàng đớn đau dường ấy. Tuấn chết tan xác, không còn chút vết tích gì. Vợ con không kịp ở lại để thu vét những gì có thể gọi là anh. Tang lễ của Tuấn chỉ được lo đến khi đến được Guam. Chỉ có hai đèn cầy xin được cơ quan cứu trợ và nước mắt của vợ con, cùng gia đình Bích Thuỷ, cũng khóc thương con gái mình. Rồi còn phải thông tin về VN cho gia đình Tuấn biết, nhưng vì VC bế quan toả cảng nên Thu Hằng chưa thể báo tin, ngay khi đó.
Trong những giây phút đớn đau, Thu Hằng nghĩ đến số phận mình, và chợt nhớ đến những người thương yêu nàng đã bặt vô âm tín, như Quyền, như Đán, như Khánh và bây giờ vĩnh viễn xa cách nghìn trùng như Tuấn. Thu Hằng chợt rùng mình, thoáng nhớ rằng đã có lần nàng bàng hoàng nhận thấy mình... chưa quen đã mất bạn. Chẳng lẽ số phận nàng hẩm hiu như thế? Thế mà Khánh và mọi người vẫn tưởng rằng Tuấn là người may mắn trên đời vì có Thu Hằng. Hoá ra em chỉ mang lại xui xẻo, chết chóc cho anh, Tuấn ạ.
Ba ngày trôi qua. Khối óc vất vưởng, thân thể bầm dập, thương đau. Thu Hằng chợt nhận thấy không thể tiếp tục tình trạng suy yếu đó, nếu muốn lo cho các con. Nàng lò dò lên văn phòng tìm hiểu thêm về đời sống mới. Họ cho biết có ban lo việc phúc thiện, đi làm không công giúp đỡ kẻ khác, có ban lo việc ghi tên học tiếng Anh và có ban tìm việc hộ cho những ai đã cảm thấy sẵn sàng làm việc. Thu Hằng ghi tên hai nơi. Phụ giúp phân phát chăn mền đã giặt sạch, thu góp những thứ đã dùng rồi, mỗi tuần một lần và ghi tên tìm việc làm.
Nơi phòng ghi tên tìm việc làm, Thu Hằng thấy một người đàn ông á đông lo việc này. Trong lúc ngồi đợi lượt mình, Thu Hằng nghe mấy bà á đông ngồi bên nói về người nhân viên kia. Ông ta cũng là người tị nạn, gia đình cha mẹ, anh em chết hết trên chiếc trực thăng rớt ở Sài Gòn, ông ta là người duy nhất trong gia đình còn sống sót, vì khi đó ông ta không đi chung với gia đình, mà đi lọt khỏi Sài Gòn vào lúc khác. Ông ta độc thân, rất từ tâm và rất sốt sắng, là phụ tá cho ông mục sư giám đốc trung tâm.
Người ghi tên trước đã đứng lên vừa đi ra. Đến lượt nàng. Thu Hằng tiến lại gần:
- Mời bà ngồi.
Ông ta vừa nói vừa ngửng lên nhìn người mới đến. Cả Thu Hằng và ông ta bỗng nhận ra khuôn mặt quen thuộc của nhau. Nhưng không biết quen ở đâu hay đã nhìn thấy nhau ở đâu. Ông ta vừa tự giới thiệu vừa quay tấm bảng nhỏ có in tên ông hướng về phía người đối diện. Thu Hằng liếc nhìn. Bảng viết Quân Đ Nguyễn. Trong óc nàng có chút bỡ ngỡ. Rồi như cuốn phim bị quay ngược, cái tên Quân chợt hiện ra cùng với khung cảnh lớp học vắng và tiếng chim sẻ chiêm chiếp trên lỗ tường hoa. Quân cũng đã nhận ra nàng. Nhưng còn dè dặt.
- Bà là... Chị có phải là Thu Hằng không?
- Còn anh là... anh Quân học Espagnol với tôi?
- Trí nhớ của chị còn tốt ghê.
Quân cười, vui ra mặt, có vẻ hãnh diện vì Thu Hằng còn nhận ra mình. Thu Hằng nhìn thấy nụ cười hiền hậu cũ. Nàng mừng rỡ vì có người quen làm trong cơ quan này.
- Chị mới đến đây ba ngày phải không? Tôi không biết vì có lẽ chị khai dưới tên ông xã. Tôi có danh sách bà con đây mà không biết là có chị. Ông xã chị... …
Thu Hằng chợt khóc nức lên. Đưa tay bụm miệng. Nước mắt tuôn ra. Quân đứng bật dậy, bối rối, vẻ mặt rõ ràng băn khoăn, không biết phải làm gì. Anh lại ngồi xuống. Chồm người qua mặt bàn, đặt tay lên tay Thu Hằng, vỗ nhè nhẹ. Anh nói nhỏ:
- Xin lỗi chị, xin lỗi chị. Sao tôi lúc nào cũng vụng về thế này? Lần nào cũng làm chị... bực mình.
Anh dùng chữ lần nào vì liên tưởng đến lần Đán giận lẫy bỏ đi, vì hiểu lầm, bao năm về trước. Câu tự thán khiến Thu Hằng cố cầm nước mắt. Quân loay hoay với cái bút và xấp giấy trước mặt. Sau khi bình tĩnh lại và khai đầy đủ nhiều khoản trong giấy tìm việc, Thu Hằng đứng lên, mắt còn đỏ hoe. Quân cũng đứng lên, tiến lại gần nàng:
- Sau sáu giờ chiều giờ, tôi sẽ ghé qua thăm các cháu, chị cho phép tôi chứ?
Thu Hằng lí nhí cám ơn. Quân bùi ngùi nhìn theo lưng người đàn bà trẻ. Dĩ vãng xa mờ vương vất trong tâm anh. Hình ảnh lớp học vắng có người con gái mặc áo dài tím, cài hoa tím trên mái tóc, ngồi trầm lặng với tiếng chim bay ra bay vào, trở lại trong trí nhớ của Quân. Lúc này rõ ràng như mới hôm qua thôi. Người con gái áo tím với hoa tím cài tóc năm xưa và bây giờ chắc chắn tâm hồn nàng đang tím lịm thương đau, vì thời cuộc đã cướp đi mất người chồng thương yêu của nàng. Người chồng đó có phải là anh chàng đã hẹn mà đến muộn đó không? Hay là một người khác? Nàng còn trẻ mà sao lại thích mầu tím buồn như thế?
Quân thở dài, chợt rùng mình nghĩ đến gia cảnh mình. Cũng mất mát, tan nát vô vàn. Chiếc máy bay trực thăng và chùm người đong đưa bám víu theo nó đã nổ tan năm nào, vung vãi thân xác cha mẹ anh em anh vào không gian quê hương khói lửa, để một mình anh bơ vơ nơi xứ người. Nếu anh không phấn đấu, tìm quên trong công việc giúp người khác cùng cảnh ngộ, chắc gì anh sống còn được đến ngày hôm nay?
[MayBien/TaTinh5]
Sáu giờ chiều, trong vườn sau của nhà thờ, hai con chơi xích đu và cầu tuột, Thu Hằng ngồi một mình gần đó. Có tiếng rào rạo chân người bước trên sỏi. Quân đã đến. Thu Hằng gọi các con lại chào. Hai đứa bé khoanh tay cúi chào. Mắt chúng rực sáng khi Quân chìa ra mấy món đồ chơi. Chúng nhìn sang mẹ chờ đợi phép. Thu Hằng nói:
- Cảm ơn bác Quân đi.
Hai đứa reo lên cảm ơn bác Quân và ôm đồ chơi chạy đi. Một lát chúng trở lại khoe:
- Mẹ ơi, bác cho cái xe đẹp quá. Mẹ ơi!
- Của Vi cũng đẹp nữa nè. Búp bê có áo đẹp lắm.
Thu Hằng nhìn các con mà nước mắt rưng rưng. Ngồi trầm ngâm một lúc, Quân nói:
- Tôi muốn mời Thu Hằng và các cháu đi ăn cơm Việt Nam ở gần đây. Cách có mươi phút xe mà thôi, gần lắm.
- Cám ơn anh, nhưng có lẽ nên để khi khác đi.
Thu Hằng muốn từ chối, nhưng chưa tìm ra lý do. Thu Hằng cảm thấy buồn vô hạn. Mặc dù đã cố gắng, nàng vẫn thấy bải hoải cả tinh thần lẫn thể xác. Nàng sống như một cái máy. Nếu không có các con, chẳng hiểu nàng sẽ ra sao. Có những lúc các con nhớ bố, khóc thút thít, tim nàng như bị đá đè và hơi thở nghẹt lại. Những lúc đó ba mẹ con đã ôm nhau mà khóc. Khóc cho hết nước mắt. Nhưng rồi thâm tâm nàng lại muốn làm hết sức mình cho các con đỡ khổ.
Nghe lóm thấy sẽ được đi chơi, ra khỏi khu vực nhà thờ này, trẻ con reo lên:
- Mẹ, mẹ, mình được đi chơi hả mẹ?
Chẳng đợi mẹ trả lời, hai đứa trẻ đã nhẩy cỡn lên:
- Đi, đi, đi chơi. Bác cho đi chơi hả bác?
Thu Hằng cố nuốt nước mắt. Quân quay sang hai đứa bé nói như có ý nói với Thu Hằng:
- Để bác chở ba mẹ con đi một vòng cho biết khu vực này, rồi mình ghé ăn cái gì một tí. Chẳng lẽ ngồi đây khóc mãi?
Hai đứa bé sáp lại gần Quân, tự nhiên như đã quen từ lâu. Hai đứa đưa tay nắm lấy tay Quân. Anh dắt hai đứa hai bên. Con gái Thu Hằng ghé vào con búp bê nói một cách âu yếm:
- Mình đi chơi với nhau nhé.
Nó hôn con búp bê một cái và áp má vào má nó. Thu Hằng nhìn bâng quơ vào quãng không, nước mắt chẩy dài trên má.
Phải chờ đợi mỏi mòn, Thu Hằng mới có tin từ Việt Nam qua ngả người bà con xa của Bích Thuỷ. Bên trong lá thư đó có một lá thư khác. Lá thư thứ nhì này ghi địa chỉ nhà cha mẹ Tuấn và do người bà con của gia đình Tuấn viết. Bà mẹ của Tuấn xưa nay đau yếu liên miên, đã qua đời vài ngày sau khi « giải phóng ». Ba của Tuấn và ông anh vợ đã phải hiến đồn điền cà phê cho nhà nước mới quản lý hộ, rồi chẳng bao lâu sau ông cũng mất vì bệnh... gan, không thuốc chữa, vài tháng sau bà vợ. Trước khi mất ông cũng còn nhanh trí làm giấy bán nhà cho bà ta, là em họ xa với ông, trước kia ở Bảo Lộc, phụ lo đồn điền. Chính bà và gia đình đã chạy loạn, bỏ Bảo Lộc di tản về Sài Gòn, ở nhờ nhà cha mẹ Tuấn, ngày nay bà là chủ căn nhà đó. Em trai của Tuấn mất tích từ ngày lộn xộn miền Trung, có thể đã chết trận hay bị tù hoặc mất tích vì lý do nào chẳng ai có thể biết. Em gái của Tuấn, ít lâu sau hai cái đại tang, đã bỏ « đi chui », vượt biên, và chưa có tin gì về. Tình hình Miền Nam chưa bao giờ thay đổi như thế. Riêng việc mà Thu Hằng nhờ là tìm xem Tuấn có bị thương hay có thật sự chết ở bờ sông vào tối ngày 29/04/1975 hay không, thì bà ta viết rằng, vì những ngày thay ngôi đổi chủ hoàn toàn hỗn mang, riêng việc đại nạn trong gia đình cũng đã khiến cho không còn ai có thể cứu vãn được, thành thử, không có ai trong họ hàng có thể đi truy lùng tin tức đó được, nên đã xem như chấp nhận tin Tuấn chết và khuyên Thu Hằng thôi thì lấy ngày ghi trong thư, tức là ngày tai nạn xẩy ra, là ngày giỗ, nếu như còn có thể có khả năng cúng với giỗ. Đừng tìm kiếm nữa. Trước khi chấm dứt lá thư, bà ta thêm một cách xa gần rằng « chẳng phải một mình gia đình Tuấn tan nát, mà cả nước đang chết dần chết mòn đấy ».
Đọc thư mà Thu Hằng tưởng như mình lại chết thêm lần nữa. Bao nhiêu hy vọng sụp đổ. Nàng nhìn hai con mà lòng vỡ nát.

*

Bốn năm sau khi định cư, một hôm, Bích Thuỷ nhận được thư Thu Hằng. Xưa nay, hễ có chuyện gì thường thường hai người điện thoại cho nhau, chẳng bao giờ viết thư. Như thế tiện hơn nhiều. Đoán là chuyện quan trọng, Bích Thuỷ vội vã mở thư ra ngay. Đọc chưa xong nước mắt đã tuôn ra ướt mặt. Nàng ngồi thẫn thờ nhìn ra phía cửa ra vào. Bóng những khách hàng ra vào nhoà nhạt. Bích Thuỷ vội dặn dò bà phụ việc rồi trở vào bên trong. Phía sau và trên lầu tiệm chạp phô này là nơi ở của gia đình nàng từ ngày đặt chân sang vùng Hoa Thịnh Đốn này. Cũng may gia đình Bích Thuỷ ra đi kịp thời và mang theo được chút tiền, nên gia đình nàng mới có tạm đủ để gây dựng được tiệm này và vay mượn nhà băng thêm. Là cựu quân nhân, Bình chồng của Bích Thuỷ không có nghề gì đặc biệt. Tuy nhiên, anh rất tháo vát và rất biết thích ứng. Hai vợ chồng hụ hợ tự trông coi lấy cửa tiệm khi mới thành lập. Sau đó ít lâu, tiệm bắt đầu chạy khá, nên thuê thêm một bà phụ việc người Việt tỵ nạn như mình. Coi như có dịp lá lành đùm lá rách mà vui sống cuộc đời lưu vong.
Buổi tối, Bích Thuỷ cho Bình biết nàng có ý định bay xuống Los Angeles ba ngày để gặp Thu Hằng. Bình bằng lòng ngay, anh trấn an vợ đừng lo về công việc tiệm, anh có thể chu toàn được.
Đám cưới Thu Hằng và Quân, vì thế có Bích Thuỷ là người làm chứng duy nhất và cũng là người khách mời duy nhất cùng với hai con của Thu Hằng. Hai đêm liên tiếp trước ngày cưới ở City Hall, Bích Thuỷ và Thu Hằng nằm cùng một giường, thức trắng đêm để tâm sự. Hai bạn khi thì bùi ngùi, khi thì khóc ngất. Bích Thuỷ cho tin của gia đình Lộc - Ái Trinh. Bích Thuỷ cứ ân hận đã không nghĩ đến rủ gia đình Lộc- ÁiTrinh cùng di tản, như với Thu Hằng? Nhưng cũng vì chính Thu Hằng nhờ, và cũng vì thấy các bạn đó lanh lợi quá, nhưng chẳng ngờ... hai người bạn đó kẹt lại sau ngày Cộng Sản Bắc Việt chiếm Miền Nam. Thật ra có ai biết gì chắc chắn đâu mà rủ rê.
Lộc rất may không bị tù cải tạo, ban đầu không công ăn việc làm, vì không đi trình diện nơi hãng cũ, như đa số người khác. Đối với nhà cầm quyền mới, thì không công việc làm có nghĩa là phạm « tội lười biếng », không chịu đóng góp xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng bản tính tháo vát và liều lĩnh, Lộc xoay sở được làm trong một tổ hợp sản xuất nước mắm. Với công việc trong tổ hợp này, Lộc có thể đi đi về về vài tỉnh ven biển. Vào một đêm tối trời năm 1978, cả gia đình Lộc đã vượt biển từ Rạch Giá sang Thái Lan, sau đó đi Pháp. Trong đám bạn bè cùng du học ngày xưa, chỉ có Lộc - Ái Trinh sang Pháp. Cũng trầy da tróc vẩy lắm mới gây dựng lại được. Hai con của họ đều ngoan và vẫn nói được tiếng Việt. Lộc và Ái Trinh đều làm trong ngành ngân hàng và hiện đang ở ngoại ô gần Paris.
Khánh-Tuyến cùng con gái đi thoát sang Thái Lan, ngay sau khi giã từ với Thu Hằng, không sang Pháp như dự tính mà sang Canada, vì Tuyến có người nhà ở đó, nên lập nghiệp ở Montreal. Tuyến mở tiệm cắt uốn tóc, nghề của nàng ngày xưa khi quen biết Khánh. Công việc làm ăn có vẻ phát đạt. Khánh học môn vi tính nên đi làm kỹ sư điện toán cho một hãng có tiếng.
Thuý Vân từ khi du học ở lại luôn, lấy người Mỹ, có một con gái và vẫn làm y tá cho một bệnh viện lớn ở Houston.
Thường thì qua Bích Thuỷ nên các bạn cũ biết tin tức của nhau. Bích Thuỷ rất chịu khó truy tìm rồi làm cái cầu bắc nhịp giữa các bạn cũ, mới, ở khắp năm châu.
Kỷ niệm vui buồn, thương đau kể mãi với nhau không dứt.
Trước khi chia tay, bay về HTĐốn, Bích Thuỷ ôm chặt lấy bạn, hôn lên má Thu Hằng nhiều lần, thì thầm:
- Mừng bồ và anh Quân. Chúc bồ muôn vàn hạnh phúc, bồ xứng đáng được hưởng. Ráng liên lạc thường xuyên với mình nhé, đừng vì hạnh phúc mới mà quên nhau nghe bạn hiền.
- Thu Hằng ơi, Chủ Nhật tới anh chị Hùng mời bọn mình đến ăn cơm trưa. Có người bạn cũ của anh chị ấy vừa sang đây. Anh chị Hùng muốn giới thiệu với bọn mình để cho họ có bạn, bớt thấy cô đơn. Nghe nói trước 75 là nhà giáo, nhưng cũng bị tù cải tạo vài năm. Trong khi đó thì vợ bỏ đi lấy một thằng cán bộ có tiền, có quyền. Sau đó anh ta vượt biên bằng đường bộ qua ngả Kontum không thoát, lại bị tù nữa. Cuối cùng thì vượt biển với đứa con trai duy nhất, sang được Nam Dương. Ở đảo gần hai năm trời mới xin qua đây được. Tội nghiệp, mất hơn cả chục năm đời, bây giờ mới lóp ngóp thấy được tự do. Em có bằng lòng đến gặp không để anh trả lời anh chị Hùng?
- Đến chứ, phải đến chứ anh, tội nghiệp, ông bạn nào mà lận đận quá thế? Nếu mình giúp được họ cái gì thì phải giúp chứ. Anh trả lời Ok đi.
Thu Hằng vừa trả lời Quân, vừa thu dọn mấy cuốn sách báo vất ngổn ngang trên bàn thấp trong phòng khách, mà lòng thì cũng ngổn ngang vì những tin éo le, tức tưởi, đau thương như thế đến từ Việt Nam, theo chân những người vượt biển, vuợt biên theo nhiều phương cách khác nhau, lần lượt đến Hoa Kỳ, sau nàng. Nghe nhiều tin, nghe nhiều lời phán đoán, khi khe khắt, khi rộng lượng, đối với những hoàn cảnh buốt đau chưa từng xẩy ra cho người dân Việt, Thu Hằng chỉ cảm thấy một niềm đau thăm thẳm và cảm thông với nhiều trường hợp. Nhất là với những người đàn bà Việt Nam trong cơn loạn ly và tan nát. Ngay như với chính nàng, đột ngột chồng chết, mặc dù đã thoát được ra xứ người, được hưởng tự do, tiến bộ, được giúp đỡ nhiều mặt, mà cũng phải bước thêm bước nữa. Huống gì những người đàn bà Việt Nam, một sớm một chiều mất chồng, mất việc, mất nơi nương dựa, mất định hướng trong cái xã hội rối beng và tàn độc đó, bơ vơ và hoảng sợ. Làm sao tránh khỏi những cạm bẫy khôn cùng, họ đã phải giải quyết vấn đề một cách chụp giựt để sống còn, hay để cho con cái sống còn. Những quyết định vội vàng hay liều lĩnh đã vĩnh viễn nhận chìm cả con người họ nếu là những quyết định sai lầm, như có thể là trường hợp người vợ của người bạn mà Quân và Thu Hằng sắp đến gặp. Nhưng Thu Hằng cũng rất bất mãn khi nghe tin người chồng nào đó, thoát thân được ra xứ người, sau khi đã cùng người vợ thu vén gia sản còn lại hay vừa thu gom được nhờ hết sức bương chải, mà người chồng đó đã nỡ tâm “phản bội », quay lưng ngay với người đã đồng sinh cộng tử với mình trong những năm dài khốn khó. Thu Hằng nhận thấy với những trường hợp bất nhân, bất nghĩa này thì khó lòng thông cảm. Thật tình, Thu Hằng nhận thấy, trong cái rủi mình còn vớt vát được chút may mắn vì sau bốn năm kể từ khi Thu Hằng và Quân nhận ra nhau nơi cơ quan tìm việc, họ lấy nhau. Hai đứa con của Thu Hằng được Quân chính thức nhận là con mình ngay ngày cưới. Đó là niềm an ủi cho nàng.
Thật lòng Thu Hằng chẳng thiết tha gì chuyện vợ chồng, mặc dù còn tương đối trẻ. Tuấn đã mang theo cái chết của anh tất cả niềm yêu đời của nàng. Nhưng các con còn quá nhỏ, cần có một người cha hướng dẫn. Quân là người mẫu mực rất cần thiết cho hai con của nàng. Thu Hằng chỉ tội nghiệp Quân, còn độc thân, mà chịu lấy nàng làm vợ, một người đàn bà goá với hai đứa con. Chính Thu Hằng cũng không biết mình có yêu Quân không và Quân ngỏ lời xin bàn tay nàng có phải vì tình yêu hay vì thương hại, muốn cứu giúp mấy mẹ con nàng hay không. Đôi khi nhìn Quân lo toan cho các con mình, Thu Hằng lại nghĩ đến Tuấn và lại tìm chỗ khuất khóc thầm. Nhưng cũng tự trả lời rằng chắc chắn Quân phải yêu nàng thật sự vì Quân tỏ ra là một người chồng trìu mến một cách hồn nhiên. Hình như Quân cũng không tìm hiểu nàng có yêu anh thật sự không hay chỉ trông cậy vào anh để cho các con khỏi bơ vơ. Quân sống thản nhiên như từ khởi thuỷ hai người đã yêu nhau, có con với nhau. Và rồi với thời gian, Thu Hằng lại càng cảm thấy quý trọng Quân hơn.
Chủ Nhật quá đẹp. Nắng lên cao nhưng không nóng. Trời có gió mát. Các con đã đủ lớn, không còn muốn đi chơi chung với cha mẹ nữa. Quân và Thu Hằng đến nhà bạn ăn trưa như đã hẹn. Đã có vài bạn bè trong vườn sau nhà vợ chồng Hùng. Vợ chồng Hùng cũng sang Mỹ từ 75, có hai con lớn tuổi hơn con của Thu Hằng. Cả hai đứa cũng đều nói được tiếng Việt như con của nàng. Họ đã thành công trong nghề điện toán.
Mùi thịt nướng bay thơm lừng. Hùng đang lui cui bên bếp lửa góc vườn và Trâm, vợ Hùng đang lăng xăng mời bạn bè uống nước. Người bạn mới đang đứng quay lưng ra phía cửa vào vườn, quay lại khi Trâm la to:
- Ông bà Quân đến kia rồi. Lại đây, lại đây Trâm giới thiệu. Đây là anh Quân, chị Thu Hằng, còn đây là anh...
- Anh Đán!
Thu Hằng sửng sốt la lớn. Toàn thân run rẩy:
- Ủa? Thế ra Thu Hằng biết anh Đán à? Quả đất thật là tròn nhỉ? Thôi thế thì chẳng cần giới thiệu nữa, quen biết hết cả rồi còn gì. Anh Quân uống gì, Trâm đi lấy cho.
Đán, Đán của biết bao nhiêu năm trước. Mặc dù Đán chẳng là gì của mình, nhưng Thu Hằng vẫn xúc động mãnh liệt khi gặp Đán ở đây, trong tình cảnh này. Bởi vì dù sao Đán cũng thuộc vào những kỷ niệm êm đềm thời xa thật là xa, thời Thu Hằng còn hồn nhiên nhìn cuộc đời bằng đôi mắt đầy niềm vui và tràn trề hy vọng. Thời mà Thu Hằng còn mặc áo dài mầu tím và dắt hoa cũng mầu tím trên tóc. Rồi bỗng nhiên cùng với Đán bằng xương bằng thịt đang đứng ngây người ra nhìn nàng, chẳng nói được lời nào, xúc động không kém gì Thu Hằng, thì hình ảnh của Quyền cũng ập đến, càng khiến cho Thu Hằng bủn rủn. Quyền, nhút nhát đứng bên cái cột dưới hiên trường sinh ngữ, Quyền can đảm ôm cô dâu Thu Hằng trong bản nhạc Ngăn Cách ngày đám cưới nàng, rồi Đán với tờ báo trong tay, hí hửng gõ gõ vào tên Thu Hằng in rõ ràng trên trang Hai, Đán vút xe chạy đi không một lời phải trái. Rồi Quân trong lớp học vắng với những con chim ríu rít. Rồi Tuấn, người chồng bất hạnh của nàng. Ôi chẳng lẽ đây thật là số phận đã an bài. Những người bạn đã lướt qua đời nàng.
Đán đứng đó, như chết đứng trên sân cỏ. Ngày xưa Đán lém lỉnh bao nhiêu, thì nay Đán im lặng bấy nhiêu. Có lẽ Đán đang nghĩ mình đã không sai lầm trong buổi hẹn tại lớp sinh ngữ, mà Đán cho rằng Thu Hằng gián tiếp « giới thiệu người chồng tương lai của mình », bởi vì ngày nay, chính người thanh niên đôn hậu đó là chồng của nàng. Làm sao Đán có thể đoán biết được số phận của Thu Hằng, mặc dù Thu Hằng là người con gái mà theo ý Đán đã được trời ban cho một sắc đẹp cho đến bây giờ vẫn có mãnh lực làm chao đảo lòng anh, thì nàng cũng phải là người may mắn nhất trên đời.
Quân tiến tới bắt tay Đán rồi nói:
- Chào anh Đán. Có thể anh còn nhận ra tôi chứ? Tôi nhớ có một lần duy nhất vô tình gặp anh đến lớp sinh ngữ của Thu Hằng và tôi. Quả đất thật là tròn. Thu Hằng và tôi rất mừng gập lại anh ở đây. Trông anh có hơi gầy đi một chút nhưng có vẻ vẫn mạnh khoẻ thì là điều mừng nhất. Anh có cần gì cứ nói, chúng tôi làm được gì thì sẵn sàng ngay, anh đừng ngại gì cả. Tôi nghe nói anh sang đây với cháu trai, hôm nay cháu có đi theo anh không?
Đán chống chế:
- Ồ, tôi nhớ loáng thoáng, xin lỗi anh trí nhớ của tôi hơi tệ. Cám ơn anh và... Thu Hằng. Tiếc quá cháu nó đến chơi nhà cô em tôi cũng ở gần đây. Để hôm khác bắt cháu tới chào các bác vậy. Hiện thời thì tôi tạm bằng lòng với tình trạng này. Dần dần, chắc là cũng sẽ phải nhờ đến các bạn thôi.
- Anh đừng ngại gì cả, khi nào chúng tôi cũng sẵn sàng. Chúng mình cũng nên tổ chức cho bọn trẻ làm quen với nhau cho có bạn. Cần lắm.
Nói xong, Quân di chuyển sang chỗ khác, mục đích để Đán có thể nói chuyện với Thu Hằng, vẫn còn đang đứng bâng khuâng với những kỷ niệm dồn dập.
- Thu Hằng, anh... tôi... tôi xin lỗi Thu Hằng. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn chỉ đợi một ngày nào tôi nói được lời xin lỗi này. Tôi... đúng là một ngốc tử. Quả thật tôi... rất là tiếc, rất là tiếc.
- Thu Hằng cũng xin lỗi anh. Tại Thu Hằng còn trẻ con quá, nóng giận quá. Thu Hằng rất mừng gặp lại anh, để nói lời xin lỗi anh. Bây giờ thấy anh còn mạnh khoẻ là Thu Hằng mừng lắm. Cuộc đời chúng ta, ai ngờ mà trắc trở quá nhiều. Bây giờ Thu Hằng chỉ mong sao cho anh sớm an cư lạc nghiệp, cũng như anh Quân và Thu Hằng đã chắp nối với nhau sau khi anh Tuấn của Thu Hằng mất đi, khi cả nhà chạy loạn ra bến tầu tối ngày 29 tháng tư năm 75.
Thu Hằng cố tình tóm tắt cuộc đời mình để Đán hiểu rõ hơn.
- Ô, thế ra bây giờ tôi mới biết.
Đán bâng khuâng giây lát rồi tiếp:
- Tuổi trẻ của chúng mình đã mất mát nhiều vì chiến tranh, vì đất nước loạn ly, bây giờ thì mất hẳn, vuột khỏi tầm tay. Chẳng biết rồi sẽ ra sao với bọn cầy cáo đó. Hy vọng của tôi bây giờ đặt cả vào đứa con. Chỉ mong nó đừng hư hỏng, trái lại chịu thương chịu khó học hành, thì cuộc ra đi của mình mới có ý nghĩa thật sự, phải không Thu Hằng?
- Vâng, anh Đán nói đúng lắm. Thu Hằng cũng chỉ ao ước có thế. Hai đứa con của Thu Hằng cũng nhờ có anh Quân hướng dẫn đúng lúc anh Tuấn... vắng mặt, nếu không, một mình chắc gì Thu Hằng đã lo nổi cho chúng.
- Này thôi chứ, tâm sự gì cũng phải ăn cái đã rồi tha hồ tâm sự sau. Kỷ niệm ngày xưa thì nói mãi chẳng hết đâu. Anh Đán, Thu Hằng ra đây ăn với bà con cho vui nào.
Trâm kêu gọi.
Trời trên cao xanh ngắt không một vạt mây. Gió thoang thoảng bay mùi thịt nướng. Tiếng cười, tiếng nói xôn xao. Cuộc đời tiếp diễn.
Tuổi mỗi năm mỗi cao, gần với đất và xa với trời.
Chỉ có những lời tạ tình chân thành là còn mãi.
Cảm ơn anh, Tuấn ơi, đã cho em biết thế nào là hạnh phúc và đã cho em hai đứa con xinh đẹp, em sẽ ráng hết sức lo cho chúng nên người hữu dụng để đáp lại tấm tình của anh, Tuấn ạ. Thời gian vợ chồng con cái mình được sống yên vui bên nhau là thời gian thật tuyệt vời. Chẳng ngờ quá ngắn ngủi.
Thu Hằng cũng xin cảm tạ anh Quân đã cưu mang và thương yêu ba mẹ con đúng lúc cần thiết và đối xử tốt như là vợ con của anh thật sự.
Thu Hằng cũng cảm ơn mối tình của bạn, Quyền ạ. Chúng mình không có duyên, cũng không có nợ với nhau, bạn thấy rõ rồi chứ phải không?
Thu Hằng cũng cảm ơn mối tình của Khánh, Khánh ơi. Người ta nói « hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng ». Bọn mình đi chơi với nhóm bạn không biết bao nhiêu lần, nhưng cuộc đời bọn mình vẫn là đôi ngả. Chẳng phải lỗi ai, cũng chẳng ai so sánh hay chọn lựa, Khánh ạ. Vì đấy, Khánh đã nhìn thấy ai may mắn hơn ai rồi chứ? Chúc Khánh và gia đình luôn hạnh phúc. Đó là tâm nguyện của Thu Hằng.
Thu Hằng cũng cảm ơn những người bạn đã thương mến Thu Hằng, cho dù đó là tình bạn hay là tình yêu.
Thu Hằng ngước nhìn trời xanh mà thầm nghĩ như thế trước khi tiến đến nhóm bạn cũ, mới, bên bếp lửa bập bùng.

*

Ái Trinh len lỏi trong cửa tiệm đông nghẹt người đi chợ. Ở Paris chỉ có vài tiệm á đông, nên như nêm như cối vào những cuối tuần, hay ngày lễ lớn. Hai giỏ đầy thức ăn để dưới chân, Ái Trinh đợi xếp hàng ở quầy trả tiền. Sốt ruột vì mãi chưa đến lượt, nàng đứng nhìn quanh quất. Bỗng Ái Trinh giật nẩy mình, xuýt tí nữa thì thốt lên gọi tên, chẳng lẽ người giống người đến thế? Thoáng thấy bóng người đàn ông đã khuất trên thang cuốn đưa lên lầu thứ nhất của tiệm. Nàng muốn vùng chạy theo, nhưng kẹt những giỏ thức ăn dưới chân và đang kẹt trong đám người chờ trả tiền. Ái Trinh bực dọc, bồn chồn tự hỏi, chẳng lẽ, chẳng lẽ... Nàng cũng tiếc đã không lên tiếng gọi. Nếu cứ gọi thì... biết đâu, biết đâu đấy, ông ta... sẽ chẳng quay lại? Và nếu ông ta quay đầu lại khi nghe gọi tên?
Ái Trinh trách mình quá thật thà, cũng không nhanh trí, không dám lên tiếng kêu gọi giữa đám đông người. Người đàn ông này chắc chắn có tật, ông ta chống cái gậy và hình như... hình như không có cánh tay trái. Cánh tay áo sơ mi trắng phập phồng, lỏng lẻo, phải bỏ vào lưng quần tây mầu xanh biển thật xậm, như người ta bỏ tay vào túi quần. Chính cách phục sức, quần xanh biển thật đậm với áo trắng dài tay và nhất là dáng đứng, thoải mái, tay bỏ vào túi quần, rất quen thuộc đó, đã khiến cho Ái Trinh giựt mình nghĩ ngay đến một người bạn cũ, Tuấn, bạn của Lộc, của Khánh và chồng của Thu Hằng. Ái Trinh mong sao cho người đàn ông đó trở xuống. Nàng cứ nhấp nhổm dán mắt nhìn về phía cầu thang cuốn. Nhưng trả tiền xong rồi mà ông ta vẫn mất dạng. Lật đật đem những giỏ thức ăn xuống xe ở parking, Ái Trinh vội ba chân bốn cẳng chạy ngược lên trên lầu một của tiệm đó. Nàng rảo khắp ngõ ngách, không thấy. Lại chạy cả xuống lầu, chỗ nàng vừa trả tiền, dáo dác tìm kiếm, nhưng tuyệt nhiên không thể nào nhìn thấy người đàn ông đó nữa. Giữa đám đông, Ái Trinh gần muốn khóc, vừa nhớ, vừa thương bạn cũ, vừa xúc động về tình cảnh chợt thấy. Nếu là Tuấn? Thật lòng Ái Trinh mong người đàn ông đó là Tuấn, tức là Tuấn không chết tức tưởi nơi bến sông, cho dù ngày nay tật nguyền. Ái Trinh lại thương Thu Hằng, nếu Thu Hằng biết rằng Tuấn đã sống sót, đã sang được bên Pháp, cho dù ngày nay không còn nguyên vẹn hình hài... Ái Trinh băn khoăn không biết phải nghĩ thế nào, có nên thông tin, cho dù mơ hồ, cho dù chỉ mới nghi hoặc, đến các bạn cũ không, hay là đành cứ để cho mọi việc chìm lắng đi vào dĩ vãng, đừng khuấy động lên nữa, chỉ làm thương đau thêm mà thôi... có thể gây khó nghĩ cho Thu Hằng... có thể hại đến hạnh phúc của Thu Hằng... Ái Trinh đâm ra hoang mang, không tin ở chính mắt mình, có thể nàng nhìn nhầm mà thôi. Nàng tự an ủi với ý nghĩ rằng nếu thật sự Tuấn đã sống sót, đã sang được Pháp, thì chính Tuấn đã tìm cách liên lạc với gia đình còn ở VN, liên lạc với bạn bè cũ và với Thu Hằng rồi. Tuấn có bà con ở bên Pháp cơ mà, thì chắc là phải có tin từ VN và thể nào chẳng biết tin về vợ con, từ bấy đến nay, mấy chục năm qua rồi. Chỉ trừ chính Tuấn, tật nguyền, muốn dứt bỏ dĩ vãng, để không làm khổ Thu Hằng và các con nữa và cũng không làm khổ chính mình nữa. Thôi thì ai cũng an phận cho xong... Thế thì Ái Trinh có nên cho bạn bè cũ biết chuyện tình cờ nhác thấy Tuấn nhưng không chắc gì hết... này không?
Ái Trinh bỗng nhiên niệm Phật thầm, tha thiết cầu xin cho việc thoáng nhìn thấy Tuấn là điều có thật.
Người đàn ông đứng xếp hàng trả tiền. Hàng người kéo dài đến tận trong lòng hai dẫy quầy hàng. Người đứng xếp hàng, người còn đi tìm mua hàng lẫn vào nhau, chen lấn, tránh né, thật vất vả. Khổ một nỗi chợ á đông không có quầy trả tiền dành cho người tàn tật, cũng không có quầy dành cho người mua ít hàng, ông ta chẳng những có tật mà cũng chẳng mua gì nhiều, thành thử phải đợi như mọi người, và đã đợi khá lâu rồi. Mệt mỏi, ông nghiêng người đứng tựa hẳn vào cái gậy chống phía tay phải.
Khi nhích ra được khỏi hai dẫy quầy hàng cao che kín hai bên, tiến gần vào chỗ nhân viên giữ két hơn một chút, có thể nhìn bao quát suốt các quầy trả tiền thì ông ta bất chợt nhìn thấy một người đàn bà đứng xếp hàng cách đó khá xa, thoáng trông rất quen. Bà ta cũng có vẻ đang sốt ruột vì đợi lâu. Nét quen thuộc đó khiến ông ta như bị điện giựt, vội vã, luống cuống, quay ngoắt đi, bỏ luôn mấy thứ hàng định mua trên một quầy nào ngay tầm tay, rồi quây quả tìm đường tránh đi chỗ khác. Rất may, ông ta nhìn thấy cái thang cuốn đưa lên lầu, không xa nơi đang đứng, bèn hấp tấp một cách khó khăn đi lên đó. Thâm tâm chỉ cầu mong sao bà kia không nhìn thấy và nhất là không nhận ra ông ta. Nếu bà kia nhận ra, nếu bà ấy gọi tên, hay chạy tới gần, thì chẳng biết ông sẽ phải cư xử thế nào. Trên thang cuốn, cố dằn cơn bối rối, ông ta không dám quay đầu về phía bà nọ, chỉ mong cho cái thang cuốn mình lên càng nhanh càng tốt. Lúc càng muốn chuồn cho nhanh, thì mới càng thấy cái thân hình tàn tật dễ mất thăng bằng của mình là cái nợ đời đáng sợ, vì nó không chịu nghe lời mình nữa. Lòng tan nát, đau khổ tột cùng, tim đập nhanh trong lồng ngực, với cái tuổi bẩy mươi lại tàn phế thì tưởng như chết ngộp đến nơi vì xúc động và vừa cố gắng đi nhanh.
Không, không bao giờ, không bao giờ nữa Tuấn, phải, chính là Tuấn, không bao giờ nữa muốn nhìn ra người quen, không bao giờ còn muốn gặp lại bất cứ ai, nhất là những người bạn cũ, liên quan đến Lộc, Khánh, Bích Thuỷ, Thuý Vân và nhất là Thu Hằng. Không phải thờ ơ với gia đình, với bạn bè cũ, chính là Tuấn muốn cho gia đình vợ con và bạn bè cũ được sống an vui và nếu đôi khi có nhớ đến, có nhắc đến mình, thì cũng với những kỷ niệm đẹp, thật đẹp, của những ngày hạnh phúc xa xưa. Với tấm thân tàn tạ, thương tật thế này, Tuấn chỉ làm cho gia đình và bạn bè bối rối trong giao tiếp, với lòng thương hại, nhất là với Thu Hằng và các con. Ôi vợ con thương quý của anh ơi, anh không còn là anh thuở vui tươi, hạnh phúc cũ. Anh không bao giờ muốn trở thành... của nợ của em, Thu Hằng yêu quý của anh. Ba đã không đủ tỉnh táo để kịp thời lo cho các con sớm thoát đại nạn của đất nước. Thì bây giờ, ba ráng không làm cho các con khổ vì sự tàn phế và vô tích sự của ba ngày nay. Hãy cứ xem như anh, như ba đã thật sự chết trong buổi tối ngày 29/04/1975 đó, chết trên bến sông của quê hương. Anh, ba chỉ cầu mong cho em, cho các con được nhiều nghị lực, được nhiều may mắn trong đời. Đó là nguồn vui và cũng là điều an ủi anh, ba nhiều hơn hết cả.
Vội vàng như bị ma đuổi, Tuấn tập tễnh đi ra ngay khỏi khu vực chợ á đông và tự nhủ sẽ không bao giờ đi tới vùng này nữa, để tránh gặp Ái Trinh, rất có thể ở đâu đó trong vùng này hoặc ở gần vùng này, nên đến đây đi chợ, vì người đàn bà đang đứng đợi trả tiền mà Tuấn thoáng nhìn thấy nhưng nhận ra ngay, chính là Ái Trinh. Làm sao Tuấn có thể quên được những khuôn mặt bạn thân quen đến thế, nhất là họ đã tham dự vào một phần cuộc đời và cuộc tình của chính anh và Thu Hằng .
Khó khăn bước lên được cái xe bus PC2 đang đậu tại bến trung ương, ngồi vào được ghế dành cho người già hay tàn phế, Tuấn mới bớt thở dốc, bớt mệt phần nào. Vừa xong thì xe chuyển bánh, Tuấn yên tâm vì biết chắc chắn không thể gặp Ái Trinh nữa. Xe PC2 chạy suốt từ Paris-Porte d’Ivry đến tận Paris-Porte de la Villette. Trên tuyến đường dài, mặc dù đã đến trạm cần phải xuống để về nhà, thì Tuấn cứ ngồi trên xe mặc cho tâm trí bồng bềnh trở về thời gian Thu Hằng hối thúc ra đi khi Cộng Sản đã lấy mất miền Trung và nhất là tối 29/04/1975 khi chiến trận đã ở ngay ngưỡng cửa Sài Gòn, khi gia đình Bích Thuỷ và gia đình mình được người lính đưa xe ra tận bến tầu Khánh Hội.
- Anh rất hiểu em. Gia đình em đã di cư nên sợ Cộng Sản và thấy chắc chắn phải ra đi, bằng mọi cách, đó là điều tất nhiên. Nhưng đừng hối thúc anh, hãy để anh suy nghĩ. Miền Nam mình làm sao có thể mất nhanh chóng được. Em cũng thấy như anh, quân đội mình hùng mạnh, làm sao lại có thể để mất nước được chứ? Đành rằng miền Trung đã mất, rồi Đà Nẵng, Ban Mê Thuột mất, Đà Lạt mất, dân chạy loạn ào ào vào miền Nam lánh nạn. Trong số đó có cả họ hàng xa của chính anh, mà xưa nay anh cũng không biết đến hay liên lạc. Họ ở nhờ ngay cả trong nhà ba má, mình còn lạ gì nữa. Họ cũng đang bấn loạn tinh thần không biết chỉ ở miền Nam ít lâu rồi mọi sự sẽ yên, chiến tranh sẽ chấm dứt, VC sẽ bị đánh bật ra, như trận Mậu Thân 68 và mọi người sẽ được trở về quê quán. Chẳng ai phải nghĩ đến việc bỏ hẳn đất nước mà đi. Còn miền Tây trù phú và hiện tại nghe tin tức có vẻ vẫn vô sự. Anh vẫn không thể cho rằng sẽ mất nước và mình phải ra đi.
Ít lâu sau, tình hình càng tệ. Nhiều cấp trên trong chính quyền và quân đội ra đi, vội vàng cũng có, đã dự tính kỹ càng trước cũng có. Thuộc cấp khắp nơi hoang mang. Ngoài đường vẫn thấy lính tráng súng đạn đầy người trấn giữ khắp các ngả vào Sài Gòn. Nhưng người dân thì vẫn náo loạn chạy ngược, chạy xuôi. Bạn bè rủ nhau ra đi, gia đình kêu gọi con cháu ở xa tụ họp về nhà cha mẹ để chuẩn bị dời bỏ Việt Nam. Giữa người quen biết với nhau, người ta công khai bàn tán việc ra đi, người ta công khai cho điểm hẹn.
Tuấn lại nói:
- Anh rất bất mãn về phong cách của một số cấp trên trong chính quyền và quân đội. Chẳng hiểu vì họ đã biết gì bên trong, biết mặt trái của sự việc nào đó, về tình hình chiến sự hay chính trị, họ đã tự ý bỏ hàng ngũ để thu vén gia đình, tiền bạc, ra đi. Như thế thì ai đưa ra những quân lệnh, nào tử thủ, nào đánh đến viên đạn cuối cùng? Trong khi đó, thì em cũng nhìn thấy đấy, lính đầy đường kia kìa, họ đang chiến đấu, đang quyết tử đấy thôi, tinh thần như thế mà chẳng lẽ miền Nam phải sụp đổ hay sao chứ? Em lo sợ, anh rất hiểu, nhưng không thể lo sợ đến nỗi phải đùng đùng bỏ đất nước ra đi? Còn nước thì còn tát...
Nhưng rồi tối 29/04/1975, Tuấn cũng vẫn cùng Thu Hằng dắt hai con và theo mấy mẹ con Bích Thuỷ chạy ra điểm hẹn, cũng lên xe jeep nhà binh do một quân nhân mặc đồ trận đưa đi di tản và sẽ lên trên một con tầu hải quân, tức là sẽ bỏ lại quê hương. Đã có lúc Tuấn chỉ muốn nhẩy xuống khỏi xe, kêu vợ con cùng bỏ cuộc. Tuấn cảm thấy bất nhẫn và xấu hổ trước người lính kia. Người ta cũng có vợ, có con, tại sao đến giờ phút này họ không bỏ hàng ngũ, về lo cho vợ con của họ, mà họ lại vẫn trung thành, « ngoan ngoãn » nghe lệnh cấp trên, đón gia đình cấp trên đưa đi di tản, bỏ quê hương và bỏ lại chính họ và vợ con họ lại với đất nước tan hoang vì lửa đạn và kẻ thù say máu. Nhưng cứ nhìn thấy nỗi sợ hãi đến thất thần của Thu Hằng, thì Tuấn không biết phải hành động thế nào cho đúng.
Khi đến bến tầu, lúc thúc chạy đoạn hậu, giữ an toàn cho đám trẻ con sợ bị thất lạc, có lúc Tuấn đã vô tình chạy hơi chậm lại, có lẽ vì đang hoang mang tột độ, nửa muốn kêu vợ con trở lại, nửa muốn cứ tiếp tục. Nhưng sau khi trái đạn đại bác nổ lần đầu, đám người của Tuấn thoát chết, khá nhiều người khác bị thương, thì Tuấn quyết định cần phải ra đi thực sự, ít ra lánh nạn đâu đó, ở một hòn đảo VN nào đó, vì trước hết phải cho các con được an toàn đã.
Khi trái đạn đại bác thứ hai nổ, thì Tuấn, nằm trong vũng máu của chính mình và đứa con gái của Bích Thuỷ và của nhiều người khác, đã nhận thấy quyết định ra đi của mình quá muộn màng, trước khi chìm vào cơn hôn mê.
Xin lỗi em Thu Hằng... Xin lỗi các con...

*

Ngạc nhiên thấy mình đang nằm trên giường, hình như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài đầy mệt nhọc, chẳng biết sau bao nhiêu ngày tháng, Tuấn thấy toàn thân mình bị bó chặt được phủ dưới tấm drap trắng, và nằm trên cái giường kiểu giường nhà thương, có hàng rào sắt hai bên. Mùi thuốc, mùi nhà thương, phảng phất trong không khí.
Miệng đắng chát và khô queo. Không nhúc nhích được, chỉ mở mắt thao láo ra nhìn trần nhà và quanh quất. Tuấn nhận thấy đây là một phòng mạch thì đúng hơn. Chẳng có ai chung quanh, cửa phòng đóng im ỉm. Cuối chân giường cách khoảng một thước, có cái cửa sổ kéo màn dầy che kín, cánh cửa sổ cũng được đóng lại, căn phòng chỉ lờ mờ sáng, thì Tuấn biết đang là ban ngày. Lặng lẽ, Tuấn quan sát thân thể mình bằng cách nghe ngóng xem nó thế nào, sau khi đã liếc từ ngực xuống tới chân. Cánh tay phải còn lành lặn, ngay đơ ra vì đầy giây nhợ có mũi kim đâm vào đó. Từ mũi kim Tuấn nhìn lên, đám giây nhợ đó dính với hai ba bọc chất lỏng đựng trong bao nylon đang treo trên cái giá sắt đứng cạnh giường. Lại thử nhúc nhích cơ thể đang bị che dưới tấm drap trắng. Tuấn bỗng lạnh toát cả người khi mơ hồ cảm thấy thiếu sót nơi này, nơi kia, trên thân thể. Ngay cả trí nhớ, Tuấn cũng không nhớ ra tại sao mình bị nằm ở đây, trong tư thế đặc biệt này, ai đã mang mình đến đây và từ bao giờ...
Một lúc khá lâu, cánh cửa ra vào, ở phía bên trái giường, mở ra rất nhẹ. Tuấn vội nhắm mắt lại, như sợ người vừa vào biết mình đang thức. Tiếng bước nhẹ nhàng nhưng nhanh nhẹn loanh quanh trong phòng, rồi, qua hàng mi khép hờ, Tuấn thấy một khuôn mặt đàn bà cúi xuống mặt mình, gần sát, chăm chú như để kiểm soát người bệnh. Bà ta giật bắn người lên, lùi lại, hai tay đặt trên ngực khi Tuấn mở mắt ra.
Bà ta thốt lên, loạn xạ:
- Trời đất quỷ thần ơi, ông làm tôi hết hồn hết vía, lạy Trời lạy Phật, hoá ra ông còn sống.
Giọng bà ta tuy ngạc nhiên nhưng vui thấy rõ và như trút được tất cả những lo âu. Rồi bà ta nói tiếp một cách... hồn nhiên:
- Tôi tưởng ông tiêu rồi, đợi vài ngày nữa ông không tỉnh lại thì tôi không biết phải làm gì với cái xác còn thở nhưng hết thuốc chữa, hết cách cứu sống, của ông đây.
Tuấn thều thào, khó khăn:
- Chào bà, tôi đang ở đâu đây? Bà là người đã cứu tôi sống trong trường hợp nào vậy?
- Ông không nhớ được gì sao?
- Tôi chẳng rõ... tôi chẳng nhớ được gì cả. Đầu óc tôi rỗng tuyếch.
- Ông tên gì, ở đâu, gia đình vợ con ông ở đâu, bộ ông không nhớ lại được hay sao?
- Thưa không, tôi chẳng biết tôi là ai và gia đình hay vợ con tôi là ai, ở đâu. Nếu bà biết xin làm ơn cho tôi hay.
- Chắc chắn khi nào tôi biết thì sẽ cho ông hay ngay chứ, để ông liên lạc, tìm kiếm. Bây giờ ông cứ bình tĩnh lo tĩnh dưỡng đi đã.
- Cảm ơn bà đã cứu mạng tôi, nhưng ít ra xin bà cho tôi biết tên bà và tôi đang ở đâu và tại sao bà lại mang tôi về đây chữa chạy được.
- Tôi là bác sĩ giải phẫu Nguyễn Thể Phượng làm trong bệnh viện Bình Dân. Nhưng hiện tại ông đang ở trong nhà của tôi, để tôi có thể ráo riết lo cho ông, may ra ông mới thoát chết được. Cám ơn Trời Phật, ông vừa tỉnh lại sau nửa tháng trời hôn mê nên thế là đã thoát chết rồi, từ nay ông chỉ còn lo khoẻ lại thôi. Từ từ, rồi ông sẽ tìm lại được trí nhớ, ông bị trấn động quá sức mà thôi. Ông nghỉ ngơi đi, vài ngày nữa tôi sẽ thử tháo bớt băng ra, xem nơi nào khá rồi nơi nào còn cần lo lắng thêm. Ông đừng lo ngại, việc gì phải đến sẽ đến, cứ bình tĩnh chấp nhận là hơn hết. Cái sống rất đáng quý, đừng chối bỏ nó.
Bác sĩ Phượng nói xong quay đi lấy miếng bông gòn nhúng chút nước đắp lên đôi môi khô héo của Tuấn, không nói thêm lời nào, chỉ nhìn Tuấn rồi bỏ ra khỏi phòng.
Bà bác sĩ đi ra rồi, Tuấn băn khoăn, bà ta chỉ trả lời một phần câu hỏi. Anh vẫn chưa biết từ lúc nào, vì sao anh bị thương nặng, ở đâu, mà được đem về cứu sống. Còn gia đình, vợ con anh, là ai, bây giờ ở đâu, sao không mang anh đi nhà thương mà để cho bà bác sĩ này đem về nhà chữa trị. Tuấn hoang mang không biết vì sao anh bị thương nặng đến nỗi hôn mê nửa tháng trời và câu nói cuối cùng rất mơ hồ của bà bác sĩ khiến Tuấn càng hoang mang thêm và chợt nghĩ lại khi mới tỉnh dậy, Tuấn đã thăm dò cơ thể mình... « việc gì phải đến sẽ đến và cái sống rất đáng quý, đừng chối bỏ nó », Tuấn bỗng lại rợn cả người và bỗng nhiên gần như muốn chìm vào hôn mê lần nữa.
Ngày tháng qua đi chậm chạp theo bóng mờ hay bóng tối của căn phòng. Mỗi sáng sớm và mỗi chiều, bác sĩ Phượng vẫn ra vào chăm nom Tuấn, nhưng vẫn chưa thấy bà nói đến bỏ băng đi, ngay cả bỏ bớt phần nào đi, như lần đầu khi Tuấn vừa ra khỏi hôn mê. Nếu không phải bà bác sĩ, thì có một bà cụ khoảng bẩy mươi tuổi, ra vào, nhìn Tuấn thiêm thiếp. Trong giấc ngủ chập chờn, đôi khi Tuấn cảm thấy bàn tay của bà cụ đặt trên trán mình, hay trên tóc mình, có khi nghe được cả tiếng thở dài rất nhẹ của bà cụ nữa, nhưng tuyệt nhiên bà cụ chẳng nói lời nào. Đôi khi Tuấn muốn lên tiếng hỏi han, nhưng làm như tiếng nói cũng khó khăn thoát ra. Và cứ thế, hết mê sảng, nóng sốt, lại run rẩy lạnh toát cả người, cứ khi tỉnh, khi mê, khi ngủ, khi thức. Trong các cơn mê sảng, thảng thốt ác mộng, lần nào Tuấn cũng chỉ thấy những tia chớp mầu đỏ chằng chịt rồi bóng tối, thật tối, úp chụp lấy mình. Trong những cơn mơ, Tuấn cũng chẳng thấy gì rõ ràng hơn là cảm giác bồng bềnh như đang bay bổng hay đang chơi vơi trong giòng nước. Có khi như giòng thác, cuốn mình phăng phăng gần muốn ngộp thở, có khi là một khoảng sông hay biển rộng mênh mông, có khi là đang đứng dưới cơn mưa to, gió lớn. Tỉnh dậy, Tuấn không nhớ gì nhiều hơn nữa.
Chẳng biết thời gian qua đi là bao lâu bỗng một hôm có tiếng radio bên phòng ngoài vọng vào. Tiếng người xướng ngôn viên the thé, giọng nói vừa đanh đá vừa lạnh tanh. Tuấn hơi ngạc nhiên tự hỏi đài phát thanh nào và nhân viên nào lạ lùng như thế? Anh cố lắng nghe xem họ nói gì, nhưng không thể nghe thấy gì rõ, hơn nữa cửa phòng đóng im ỉm. Nhưng rồi ai đó đã tắt radio đi. Căn nhà và riêng căn phòng của Tuấn lại chìm vào thinh lặng, mà đôi khi Tuấn tưởng như đang nằm ở một nhà quàn, đợi ngày đem bỏ vào quan tài rồi đem chôn.
Cả ngày hôm qua, không thấy bóng dáng bà bác sĩ Phượng, mặc dù mới đây bà nhắc lại sẽ xem nơi nào có thể bỏ bớt băng ra. Cả ngày hôm qua, Tuấn khi thức, khi ngủ, rồi gắng vặn óc ra cố nhớ lại mà tuyệt nhiên khối óc mù mịt, người cứ lao đao.
Ngày hôm sau nữa, bác sĩ Phượng vào phòng. Đang chập chờn, Tuấn tỉnh hẳn và mở mắt ra chờ đợi:
- Chào bác sĩ, chắc là mấy hôm vừa qua bác sĩ mắc nhiều việc ở bệnh viện?
Bác sĩ Phượng dịu dàng:
- Vâng, tôi phải họp với ban quân quản, giám đốc mới tiếp thu bệnh viện. Vì mới mẻ nên họ còn bối rối, và công việc đòi hỏi nhiều thủ tục rườm rà lắm. Mà thôi, đó là chuyện... ngoài đường. Nhưng tôi có tin vui này cho ông. Tôi đã tìm ra tờ giấy của ông khi ông bị thương và được đem về nhà tôi. Tôi đưa cho ông xem ông có nhớ gì không nhé. Nếu như không nhớ ngay cũng không sao cả, dần dần ông sẽ nhớ lại thôi.
Tuấn bồi hồi:
- Vâng, xin bác sĩ cứ cho tôi biết, may ra tôi nhớ lại được chi tiết gì hoặc nhớ lại được hết mọi chuyện thì càng hay.
- Được rồi, nhưng ông nên từ từ, đừng vội vàng quá, không tốt cho khối óc còn quá yếu ớt của ông đâu. Vả lại tình hình bên ngoài đã thay đổi hoàn toàn so với vài tháng trước rồi, tức là so với lúc ông chưa bị thương cơ. Ông còn quá yếu để có thể đối phó, cả về tinh thần lẫn thể chất, vì thế tôi thật lòng chưa muốn ông biết hết mọi chuyện.
Tuấn thật tình không hiểu bác sĩ Phượng muốn nói gì. Nhưng nỗi vui sắp được biết tên mình, lý lịch của mình, khoả lấp niềm thắc mắc nhỏ kia đi. Bác sĩ Phượng lại rào đón:
- Tôi không muốn ông mừng hụt, tờ giấy của ông đây, nhưng trong đó tôi chỉ thấy ghi vắn tắt tên mà không thấy ghi họ gì, có thể là tên của ông, có thể là tên ai đó quen biết với ông, cũng không thấy ghi địa chỉ hay tên người nào khác, à có chứ, thấy ghi địa chỉ của một người ở ngoại quốc, ở bên Pháp thì đúng hơn, nhưng tên và địa chỉ người đó cũng bị máu làm cho nhoà đi rồi, không đọc được. Đây này, tờ giấy được tìm thấy trong người của ông đây. Ông thử đọc xem sao.
Bà ta đưa tờ giấy nhầu nát vấy máu vào trước mắt Tuấn. Đúng ra chỉ là một mẩu giấy, có ghi vội vàng, chứ không phải là giấy tờ tuỳ thân chính thức như thẻ căn cước hay tờ khai lý lịch hoặc khai sinh, như Tuấn tưởng tượng ban đầu. Hơi thất vọng, tuy nhiên Tuấn vẫn cố gắng nuôi hy vọng, đọc thấy có ghi chữ « Tuấn » rồi xuống cách một khoảng trống, có ghi tên người được viết bằng Pháp văn, nhưng máu đã trở thành bầm đen lấp mất gần hết rồi. Trong khi Tuấn nhìn tờ giấy thì bác sĩ Phượng không ngớt quan sát khuôn mặt Tuấn. Bà ta có vẻ vừa cảm động vừa hài lòng.
Bỗng nhiên, bà hỏi hơi to tiếng, như có ý gọi:
- Tuấn, Tuấn có phải là tên ông không?
Tuấn rùng mình khi nghe bà bác sĩ xướng tên lên, cùng lúc mình đọc tên... mình, bỗng nhiên Tuấn buột miệng:
- Tuấn, tôi tên là Tuấn... tôi tên là Tuấn. Nguyễn Phúc Tuấn, bác sĩ ạ. Tôi nhớ ra tên họ của tôi rồi, mừng quá, mừng quá, bác sĩ có mừng cho tôi không?
- Thành thật chúc mừng ông, ông Tuấn ạ. Với tư cách một bác sĩ, được như thế tôi mừng ghê lắm. Như thế chẳng mấy chốc ông sẽ nhớ lại hết mọi chuyện. Hôm nay tôi sẽ bớt băng ra cho ông. Ông sẽ thấy nhẹ nhõm hơn và dần dần sẽ tập vận động, rồi chẳng mấy chốc ông sẽ tự túc được. Chỉ cần có thật nhiều nghị lực thì việc gì cũng sẽ vượt qua được thôi, ông Tuấn ạ. Từ nay tôi đề nghị ông Tuấn gọi tôi bằng cô Phượng, như cô em họ, hay ngắn gọn là Phượng cũng được, gọi mẹ tôi là Dì Hai, như có bà con với mẹ ông vậy. Tôi sẽ coi ông như người anh bà con của tôi, ông bằng lòng chứ? Tôi đoán ông không lớn tuổi hơn tôi bao nhiêu. Mẹ tôi và tôi đã bàn với nhau như thế. Sau này có ai tò mò hỏi thì ông cứ nói như thế nhé. Nhà này chỉ có hai mẹ con tôi ở thôi, nay có thêm ông thì chúng tôi an tâm hơn. Ngoài tờ giấy này ra, tôi còn tìm thấy một số tiền, tiền đô la, dấu trong người ông. Tôi xin trả lại cho ông đây.
Bà bác sĩ đưa ra một gói giấy nylon nhỏ buộc trong sợi giây thung. Tuấn vội nói:
- Xin Dì Hai và bác sĩ... Phượng cứ giữ lại, tôi như thế này, tiêu xài gì nữa.
- Không sao, tôi cứ giữ đây, khi nào cần, sau này ông... anh Tuấn khoẻ lại, cũng cần tới chứ, thì cứ cho tôi biết vậy.
- Vâng như thế tiện hơn.
Tuấn không hiểu hết những gì Phượng nói, thấy có vẻ bí ẩn sao đó. Tại sao phải đóng kịch là họ hàng, tại sao có người tò mò hỏi và việc gì mình phải nói dối họ? Nhưng sự việc quá dồn dập, nhất là tìm ra được mảnh giấy, rồi nhớ ra được đầy đủ tên họ của mình, khiến cho Tuấn quá mừng rằng việc mất trí nhớ chỉ là thời gian ngắn thôi, nên anh chỉ hoang mang như thế rồi để cho lướt qua. Nhưng cũng vì chẳng hiểu biết hết những bí ẩn mà Phượng còn che dấu, Tuấn vẫn bướng bỉnh theo đuổi ý muốn của mình, nên tiếp:
- Vâng từ nay tôi sẽ xưng hô như được dặn dò. Tôi... thật cảm động về tấm lòng bác ái của bác sĩ và Cụ thân sinh... của Phượng và Dì Hai. Thật hân hạnh và may mắn cho tôi có được thêm một gia đình như Cụ và bác sĩ. Bây giờ tôi mới nhớ được họ tên đầy đủ, nhưng chưa nhớ ra gia đình thế nào, vợ con ra sao và vì sao bị thương. Nếu bác sĩ... nếu Phượng có thể soi sáng cho thì không gì quý bằng.
- Dần dần đi đã. Chuyện gì ra chuyện nấy, hấp tấp quá chẳng tốt đẹp gì đâu. Việc cần nhất bây giờ là lo cho sức khoẻ, lấy lại được sự tự lập rồi tính sau.
Tuấn vẫn bướng bỉnh:
- Đã biết tên họ rồi, nhờ Phượng truy tìm ra tông tích của tôi, trước khi bị tai nạn tôi làm gì, ở đâu, gia đình cha mẹ, anh em, vợ con thế nào. Bây giờ họ ở đâu. Chắc cũng không khó mấy đâu Phượng nhỉ, chỉ cần ra toà thị chính thì có thể truy ra thôi, phải không nào?
- Đã bảo anh hãy từ từ, bây giờ đổi khác hoàn toàn rồi. Không dễ như anh tưởng. Hãy nghe lời Phượng đi, cứ lo cho sức khoẻ đã.
Giọng Phượng chắc nịch, quả quyết.
Tuấn sốt ruột vì bà bác sĩ cứ nói loanh quanh nào là đã đổi khác hoàn toàn, không dễ như anh tưởng, nào là cần tự túc... thế là thế nào? Tại sao bà ấy cứ úp úp mở mở? Có cái gì ghê gớm đã làm thay đổi? Cái gì bị thay đổi? Bà ta cũng nói sẽ mở bớt băng mà vẫn chưa thấy mở gì hết. Có cái gì khiến bà ấy do dự? Vết thương chưa lành hẳn hay sao? Tuấn đã thấy ngứa ngáy trên cơ thể, thì chắc là vết thương đã lành da rồi chứ? Từ vài ngày nay, từ khi bớt dần những cơn ác mộng hay hết hôn mê, sự sống của Tuấn chỉ trông cậy vào những bao chất lỏng được chuyền vào người qua mũi kim cắm trên cánh tay phải, mọi việc « vệ sinh » đã được chuyền vào cái bao nylon treo toòng teng dưới gầm giường, do cái ống cắm vào bụng Tuấn. Dù chưa xẩy ra vì người Tuấn còn đầy băng bó, nhưng khi nghĩ đến nay mai sẽ bỏ băng, nhưng chưa tự túc lo được thì ai sẽ lo vệ sinh cho mình đây? Khi hôn mê không nói tới, nhưng bây giờ Tuấn đã tỉnh táo, đã nhận biết việc làm vệ sinh giữa người khác phái không dễ dàng, thế thì tại sao... tại sao bà ta không đưa mình vào nằm nhà thương Bình Dân, nơi bà ta làm việc, mà lại đem về nhà rồi tự tay lo lắng cho mình. Cho dù bà là bác sĩ đi nữa, Tuấn vẫn thấy ngượng nếu như bà ta lo vệ sinh cho mình. Nhưng Tuấn không thể làm gì hơn là chấp nhận.
Vài ngày sau, bác sĩ Phượng loanh quanh dọn dẹp trong phòng, đến bên cái bàn nhỏ bên trên có vài chai lọ thuốc, rửa tay sạch sẽ, rồi quay trở lại phiá Tuấn. Phượng nói:
- Nào bây giờ sẽ cắt băng nhé. Nhưng anh Tuấn nên biết trước rằng anh đã bị thương nặng lắm, nặng ghê lắm, đáng lẽ chết rồi, Phượng và mẹ Phượng đã cố gắng hết sức mình, cứu được anh sống là mừng, mừng vô kể. Mẹ Phượng nói có lẽ cũng là cái số của anh chưa thể chết, Trời chưa gọi anh. Nhưng nên biết chấp nhận sự thật là cơ thể anh không lành lặn hoàn toàn đâu. Có thề khi bỏ băng ra anh sẽ đau khổ nhiều, nhưng hy vọng anh là người can đảm và hiểu biết về lẽ tương đối của cuộc đời. Hôm nay mới chỉ nên bỏ băng phía bên phải thôi. Còn bên trái cần để thêm ít ngày nữa. Anh không chết là may rồi. Anh nên nhớ như thế.
Tuấn nghe tới đâu cứ điếng hồn tới đó. Nhưng Phượng đã nói rằng đáng lẽ Tuấn chết rồi, nhờ cô ta ra sức cứu chữa mà sống sót, nhưng sẽ bị tàn tật. Tuấn không biết mức độ tàn phế nặng nhẹ ra sao, nhưng có vẻ như chính bà bác sĩ cũng không thể biết được, nên bà ấy có vẻ lo lắng thật sự và cũng lo cho tinh thần của Tuấn sẽ có thể suy sụp nếu thấy mình trở thành tàn phế, nên cứ dặn dò, cứ rào đón. Niềm vui tìm lại phần nào thân thế, ít ra là họ và tên của mình, chưa tan, thì nay còn phải đương đầu với sự thật phũ phàng. Nhưng Phượng đã chẳng khuyên nên biết quý trọng cuộc sống đấy sao? Chẳng lẽ Tuấn hèn nhát không dám đối diện với sự thật? Chẳng hoá ra uổng công lao của người đã cứu sống mình?
Cẩn thận Phượng vén tấm drap trắng ra nhưng vẫn giữ cho nó che phía bên trái. Nhát kéo sắc khéo léo luồn vào làn vải. Theo bàn tay nhanh nhẹn chuyên nghiệp của Phượng, những mẩu vải lốm đốm chỗ trắng chỗ vàng ố rơi xuống đất. Đùi và bắp chân bên phải hiện ra, trắng xanh, thịt da nhăn nheo, như tóp lại. Phượng chăm chú vào công việc quá quen thuộc. Nhìn nghiêng dáng khuôn mặt cúi xuống với những sợi tóc loà xoà, Tuấn bỗng thoáng nhớ tới hình ảnh một thiếu phụ, nhưng trong tích tắc lại biến mất và không thể nào đặt cái tên cho bóng người ấy. Phượng ngửng lên, liếc nhìn bệnh nhân, rồi nhéo vào bắp chân một cái thật mạnh. Tuấn giựt thót chân và kêu lên một tiếng. Phượng mỉm cười, thoả mãn. Rồi nụ cười toả ra lớn hơn, như đoá hoa nở bừng trước ánh nắng huy hoàng. Bà Cụ, Dì Hai, đã có mặt bên cạnh từ lúc nào, cũng cười rất tươi. Cả hai mẹ con nhìn Tuấn mà cười tở mở. Thấy họ tươi vui, Tuấn cũng vui lây, nhận thấy chỉ dấu của sự thành công trong việc cứu sống và chữa lành những vết thương lớn nhỏ, của mình, ít ra là cái chân phải này đã.
Dì Hai lên tiếng:
- Nam Mô A Di Đà Phật, cảm ơn Trời Phật, xin Trời Phật tiếp tục che chở cho người này.
Nói xong Dì quay đi, bỏ ra khỏi phòng. Phượng dịu dàng đắp lại cái drap trắng lên người bệnh nhân rồi nhìn Tuấn:
- Ngoài những vết trầy trụa ngoài da, xương ống chân phải của anh bị nứt, nhưng bây giờ khỏi rồi. Mỗi ngày, hãy ráng tập cử động, nhẹ thôi, đừng hấp tấp mà hỏng chuyện, vẫn phải nằm trên giường vì vẫn cần cái tay phải này, còn phải tiếp mấy thứ nước này cho bên kia nữa. Công việc mới xong một phần ba, nếu kể luôn cả bộ trí nhớ của anh cũng cần phải săn sóc tới. Mẹ và Phượng sẽ lo cho anh chu đáo, anh đừng lo gì hết nhé.
Nói xong Phượng nhanh nhẹn dọn dẹp những mẩu vải băng rơi ra sàn nhà. Lại rửa tay rồi đi ra sau khi nhìn Tuấn và mỉm cười lần nữa.
Tuấn lí nhí:
- Cảm ơn Phượng, cảm ơn Dì Hai, cảm tạ ơn cứu tử và hết sức chữa chạy cho tôi được
sống ngày nay. Dù thế nào chăng nữa, tôi sẽ hết sức cố gắng sống để đền đáp công ơn của Phượng và Dì Hai.
Tuấn muốn nói nhiều hơn thế nữa nhưng chẳng biết nói gì. Những lời, những câu, dù thế nào chăng nữa cũng không thể bằng cái ơn cứu mạng một con người. Dì Hai phải lo lắng ghê gớm lắm nên khi xem như thành công, Dì đã cảm tạ Trời Phật và xin che chở thêm cho Tuấn, đủ hiểu sẽ còn gay go lắm. Anh thật cảm động về tấm tình cao đẹp mà kín đáo này. Anh tự nguyện cho dù thân thể anh tàn phế, anh sẽ cố gắng sống lành mạnh, khoẻ khoắn để tỏ bầy lòng biết ơn đối với hai mẹ con mà anh không quen biết, hai người đàn bà can đảm tuyệt vời đã cứu anh thoát chết.
Cánh tay phải vẫn dính vào giây nhợ qua mũi kim, cái chân vừa thoát khỏi băng bó, Tuấn thấy nhẹ nhõm hẳn thật. Anh hé tấm drap, liếc nhìn xuống chân, nó còn xanh rờn và teo tóp với những vết xẹo mầu hồng hồng loang lổ. Tuấn nhẹ nhàng, thật cẩn thận đưa mấy ngón tay bên phải sờ xoạng vào đùi mình, lại nhéo nó và thấy nó sống, nó cảm thấy đau, nó cảm thấy nhột, nó cảm thấy anh đang vỗ về nó. Đồng thời Tuấn biết rằng bên trái thân thể mình là phần thiếu sót, là phần « nhẹ nhõm » trong câu nói xa gần mà nhiều nghĩa của Phượng. Trong một giây phút xúc động, nước mắt thương tấm thân vừa tàn phế vừa bơ vơ không biết chính mình là ai, lăn dài trên má. Tuấn nằm đó bâng khuâng giây lát.
Bất giác, thật nhẹ nhàng, Tuấn cử động cái chân vừa được cứu sống.