rở về văn phòng, ông đi thẳng đến lò sưởi. Rồi vừa hơ tay trên than nóng, ông vừa bảo Tào Can và viên đinh lại: - Chúng ta chờ cho Nghê Bình làm xong việc miêu tả nhận dạng và đặc điểm của cái tên Bân Phong đó. - Hạ chức thấy cái chuyện đầu bị chặt đó thật khác lạ! – Viên đinh lại nhận định. - Có thể căn phòng nửa tối nửa sáng đó đã làm cho anh em Nghê nhìn không rõ chăng – Tào Can xen vào – Một góc giường quá tối chẳng hạn ở phía đầu nằm, và… - Hãy kiên nhẫn, các bạn! – Tái Công ngắt lời – Chúng ta sẽ mau chóng hiểu rõ thôi mà… Giữa lúc đó, viên lục sự đi vào với văn bản tả nhân dạng và đặc điểm của Bân Phong. Tái Công khẩn trương thảo nội dung cáo thị sẽ được sao thành nhiều bản đem đi dán khắp các nơi. Rồi ông viết một thư ngắn gọn gửi cho viên chỉ huy quân đồn trú gần nhất của Phối Châu. Tất cả thư và cáo thị ông trao cho viên lục sự và nói: - Phải khẩn trương tiến hành tất cả các công việc này! Rồi ông rời Văn phòng cùng với hai người hộ vệ. Tới sân chính, ông bước lên kiệu, bảo viên đinh lại Hồng và Tào Can cùng lên ngồi cạnh. Tám phu kiệu nâng đòn khiêng đặt lên những đôi vai sần rắn chắc và đưa chân rảo bước. Hai vệ binh cưỡi ngựa đi trước mở đường trong khi người chỉ huy của họ cùng với bốn vệ binh khác đi đoạn hậu. Khi đoàn người tới đường phố chính xuyên suốt trấn thành từ Bắc đến Nam, những vệ binh đi đầu vừa gõ vào những chiếc chiêng nhỏ mang theo vừa kêu to: “Tránh! Tránh! Đại nhân pháp quan đang tới!”. Hai bên đường phố là những cửa hàng, cửa hiệu san sát, người qua lại đông đúc. Họ kính trọng giãn ra nhường cho kiệu Tái Công. Đoàn người đi qua đền thờ Bách chiến tướng quân và sau một hồi rẽ ngang rẽ dọc, đi vào một ngõ dài thẳng tắp. Phía bên trái là một dãy nhà kho với những cửa sổ có chấn song sắt. Phía bên phải là một bức tường cao, từng quãng trổ những khung cửa hẹp. Đoàn người dừng lại trước khung cửa thứ ba, ở đó có một nhóm hai ngươi đang đứng chờ. Khi những phu khiêng nhẹ nhàng đặt kiệu xuống thì một người đàn ông có vẻ mặt cởi mở và thông minh tiến lại, tự giới thiệu là Kao đình trưởng khu Đông Nam. Rồi, với thái độ kính trọng, ông ta giúp ngài pháp quan bước xuống kiệu. Tái Công liếc mắt nhìn quanh mình, nhận xét: - Nơi này có vẻ quá hoang vắng! - Cách đây ít năm – Kao nói – Khi quân Hung nô còn đóng tại đây, dãy nhà kho mà ngài nhìn thấy trước mặt chứa đầy quân trang quân dụng. Còn những nhà phía bên này là nơi đồn trú của các tướng sĩ. Hiện giờ các kho đều trống rỗng và một số gia đình dọn đến ở những căn nhà trước đây các binh sĩ đã từng ở. Trong số những gia đình này có vợ chồng Bân Phong. - Trời đất! Cái tay buôn bán đồ cổ này thật là kỳ cục và còn dại dột nữa chứ! Ai lại đến một nơi hoang vắng như thế này để ở và buôn bán những thứ quý giá? Và bán cho ai mới được chứ! – Tào Can kêu lên. - Đúng vậy – Tái Công cũng cùng nhận xét – Phải lý giải việc này ra sao dây, ông Kao? - Ông Bân thường có thói quen là đem hàng đến tận nơi cho khách – Đình trưởng đáp – Ông ta không giao dịch trong cửa hàng của mình. Một cơn gió mạnh thốc vào ngõ, ngài pháp quan vội bảo: - Tất cả hãy vào trong nhà thôi! Họ bước vào một khoảng sân rất rộng hoàn toàn bỏ trống. Quây xung quanh là những căn nhà nhỏ hai tầng. Viên đình trưởng giảng giải: - Nơi đây có ba căn hộ. Ở giữa là căn hộ gia đình Bân Phong. Còn hai căn hộ kia đều không có người ở từ lâu rồi. Họ đi qua sân, vào một phòng rộng, đẹp nhưng đồ đạc chỉ có vài chiếc ghế sơ sài và một chiếc bàn cũ. Rồi đình trưởng dẫn họ tới một cái sân nhỏ hơn. Họ trông thấy chính giữa sân một cái giếng và cạnh đó là tấm ghế đá. Chỉ tay vào ba cái cửa trước mặt, Kao giới thiệu: - Cửa giữa là cửa phòng ngủ. Cửa bên trái vào xưởng thợ của ông Bân với phía sau là nhà bếp. Cửa bên phải vào nhà kho. Tái Công nhận thấy cửa phòng ngủ hé mở. Ông vội hỏi: - Có ai đã vào trong phòng này? - Không có ai cả, thưa Đại nhân. Chính tôi đã tự thân canh gác để không cho bất cứ một thuộc hạ nào của tôi vào làm mất dấu hiện trường. Tái Công gật đầu tán thưởng và đi vào phòng ngủ của nạn nhân. Chiếc giường to trên có tấm đệm dày choán gần hết diện tích phía bên trái. Trên giường là cơ thể hoàn toàn khỏa thân của một người đàn bà nằm ngửa, hai tay bị trói về phía trước, hai chân đã lạnh cứng. Cổ nạn nhân là một khúc thịt nhầy nhụa. Giường nệm và thân thể nạn nhân loang lổ vết máu khô. Tái Công quay mặt đi chỗ khác và nhìn thấy một chiếc bàn trang điểm nhỏ kê giữa hai cửa sổ lúc đó đang mở toang để lọt vào làn gió lạnh buốt, một chiếc khăn mặt trùm trên chiếc gương soi của cái bàn phất phơ trước gió. - Vào cả trong này và đóng cửa lại! – Ông ra lệnh cho viên đinh lại Hồng Lương và hộ vệ Tào Can – Và, quay sang đình trưởng Kao, ông bảo – Còn nhà ngươi, gác bên ngoài! Không để cho bất cứ ai với bất cứ lý do gì làm phiền chúng ta. Lúc nào anh em nhà họ Nghê tới, bảo họ chờ ở phòng ngoài! Khi cánh cửa đã khép lại, Tái Công xem xét kỹ lưỡng gian buồng ngủ. Bốn chiếc hòm da đỏ đựng quần áo từng mùa một chất đống lên nhau, đặt sát tường đối diện với chiếc giường và ngay bên cạnh, trong góc là một chiếc bàn sơn đỏ. Ngoài hai chiếc ghế đẩu ra thì gian buồng không còn đồ đạc gì khác nữa. Vô tình, ông quay lại nhìn xác chết nằm trên giường và nói: - Ta không thấy quần áo của nạn nhân. Tào Can, ngươi hãy thử tìm xem trong những chiếc hòm này! Tào Can mở nắp cái hòm đặt trên cùng. - Bẩm Đại nhân, chiếc hòm này chứa toàn những áo quần sạch của đàn bà được gấp gọn gàng chu đáo. - Hãy lục xem những hòm khác! – Tái Công bảo, giọng khô sắc – Đinh lại Hồng sẽ giúp ngươi. Trong khi hai phụ tá của mình đang khẩn trương lục lọi, Tái Công đứng giữa phòng, vẻ mặt trầm ngâm, bàn tay nắm lấy chòm râu cằm một cách máy móc. Lúc này, các cửa đã khép kín, chiếc khăn tay không bị gió làm cho phơ phất, buông thẳng xuống và trùm kín cả mặt tấm gương soi. Tái Công chợt nhớ là, đối với một số người thì nếu nhìn phải hình xác chết phản ánh trong gương sẽ mang lại tai họa. Rất có thể kẻ sát nhân này cũng tin như vây… Bất ngờ Tào Can bỗng kêu lên làm ông quay lại. - Trình Đại nhân ngài hãy xem! Đây là những gì tôi đã tìm thấy trong một cái ngăn bí mật trong chiếc hòm thứ hai! – Tào Can kêu lên và chỉ vào hai chiếc vòng đeo tay rất đẹp bằng vàng nạm hồng ngọc và sáu chiếc trâm gài tóc cũng bằng vàng. - Có thể là chủ nhân, cũng như tất cả những người mua bán đồ cổ, có được những đồ nữ trang này với giá rẻ mạt – Tái Công lạnh lùng nhận xét – Ngươi hãy để tất cả vào chỗ cũ. Chúng sẽ được đảm bảo an toàn vì ngay sau đây ta sẽ cho niêm phong lại gian buồng. Ta quan tâm tới quần áo mặc của nạn nhân hơn là đồ nữ trang này. Chúng ta hãy xem xét tiếp phòng kho chứa đồ của Bân Phong. Khi nhìn thấy kho đầy những hòm xiểng chồng chất lên nhau, Tái Công sốt ruột bảo người hộ vệ: - Tào Can! Ngươi hãy lần lượt mở tất cả những cái hòm này ra xem xét. Nhưng nhớ là ngoài những quần áo nạn nhân mặc chúng ta cần tìm, còn cả cái đầu bị chặt nữa. trong thời gian đó thì ta và đinh lại Hồng sẽ đi thăm xưởng thợ. Dọc theo các bức tường trong nhà xưởng của nhà sưu tầm và mua bán đổ cổ là những giá gỗ đặt đầy những bình gốm sứ, những đĩa men, những hộp sơn mài, những bức tượng nhỏ ngọc bích và những thứ lặt vặt khác. Rất nhiều chai, lọ, những chiếc hũ nhỏ và một nghiên mực đặt trên chiếc bàn vuông kê ở giữa phòng. Theo cái chỉ tay của pháp quan, đinh lại Hồng lôi ra dưới gầm bàn một cái hòm da to. Bên trong chứa toàn áo quần nam giới. Tái Công rút ngăn kéo bàn: - Thật không thể tin được! – Ông kêu lên và chỉ tay vào đống những đồng tiền bạc giữa những giấy tờ hóa đơn chứng từ cũ – Cái tay Bân Phong này vội vã đến nỗi bỏ lại cả bạc tiền và đồ trang sức! Ông khám xét tiếp khu nhà bếp nhưng chẳng thấy có gì quan trọng. Tào Can tới gặp và vừa phủi bụi vừa thưa: - Bẩm Đại nhân, những hòm xiểng trong nhà kho chứa toàn những bình sứ gốm và những đồ đồng. Cứ nhìn vào lớp bụi phủ lên các thứ cũng có thể thấy rõ là đã một vài tuần rồi chưa có ai lui tới cả. Tái Công trầm ngâm vuốt ria mép lẩm bẩm: “Thật kỳ lạ cái vụ này” Rồi ông bước ra khỏi phòng, viên đinh lại và Tào Can theo sau. Đình trưởng Kao chờ họ trong phòng lớn cùng với viên vệ úy và hai anh em Nghê Bình, Nghê Đại. Hai người này khom lưng trịnh trọng cúi chào, Tái Công gật đầu đáp lại và hạ lệnh cho viên vệ úy: - Ngươi hãy cho hai vệ binh vét cạn cái giếng này. Sau đó dùng cáng khiêng xác nạn nhân tới công đường. Ba căn phòng phía trong cùng cũng cần phải niêm pong lại và cắt hai vệ binh đứng canh gác tại sân này cho đến khi có lệnh mới. Nói đoạn, Tái Công mời hai anh em họ Nghê ngồi phía đối diện. Viên đinh lại và Tào Can ngồi trên chiếc ghế dài kê sát tường. - Các ngươi đã nói đúng – Tái Công nghiêm trang tuyên bố - Chị gái các ngươi đã bị giết một cách độc ác. Và chúng ta chưa phát hiện ra dấu vết của cái thủ cấp bị chặt. - Cái tên Bân chó đẻ đó chắc là đã mang đi theo hắn! – Nghê Bình tức giận kêu lên – Chính đình trưởng đã trông thấy hắn xách một chiếc túi da chứa vật gì tròn tròn bên trong. - Nhà ngươi hãy kể lại cho ta nghe trường hợp nhà ngươi gặp tên bán đồ cổ đó! – Tái Công ra lệnh cho đình trưởng. - Bẩm Đại nhân ngày hôm nọ, khi đang đi trên phố, tôi gặp Bân chạy rất nhanh về hướng tây. Tôi hỏi hắn đi đâu mà vội thế, hắn làu bàu trong miệng là phải rời thành phố vài ba ngày rồi đi thẳng mà chẳng thèm chào hỏi tôi nữa. Không mặc áo choàng lông như mọi khi mà hắn nhễ nhại mồ hôi. Tay phải hắn xách một túi da to, chiếc túi phồng lên y như bên trong có chứa một vật gì có hình khối tròn vậy. Tái Công suy nghĩ một lát rồi quay lại hỏi Nghê Bình: - Chị gái ngươi có khi nào kêu ca phàn nàn về sự đối xử tồi tệ của chồng thị không? - Việc này – Nghê Bình đáp sau một hồi lưỡng lự - Tôi phải nói thật, thưa Đại nhân, là hai vợ chồng sống với nhau thật hòa thuận tuy là Bân già hơn người chị khốn khổ của chúng tôi nhiều. Hai người mới lấy nhau được hai năm. Bân góa vợ và có một người con trai lớn hiện đang làm việc ở Yên Kinh. Tôi cho đó là một con người tử tế tuy là có lúc y làm cho mọi người khó chịu vì hay ca cẩm về sức khỏe của mình. Ôi! Ma quỉ đã báo hại chúng tôi! - Còn tôi thì anh ta không thể lừa dối được – Nghê Đại tiếp luôn – Tôi biết rõ anh ta là một thằng cha khốn nạn, dối trá và hiểm ác… Không biết bao nhiêu lần bà chị tôi đã bị hắn hành hạ. Chị ấy đã phàn nàn với tôi như thế. - Thế mà chú chẳng bao giờ nói với tôi, tại sao vậy? – Người anh sửng sốt kêu lên. - Em chỉ muốn tránh cho anh sự buồn phiền thôi. Nhưng bây giờ em không có quyền im lặng nữa. Cần phải tìm bằng được thằng chó đẻ đó. - Vì lý do gì mà nhà ngươi tới thăm buổi sáng hôm đó? – Tái Công hỏi Nghê Đại. Anh này có vẻ lưỡng lự trước khi đáp: - Cũng chẳng có việc gì quan trọng, thưa Đại nhân. Tôi chỉ đơn giản muốn chuyện trò một chút với chị ấy thôi. Ngài pháp quan đứng lên. - Tất cả lời khai của hai người đều được ghi chép chính thức cho vào hồ sơ – Ông bảo – Còn bây giờ, ta phải chứng kiến cuộc khám nhiệm tử thi nạn nhân. Hãy theo ta, sự có mặt của các ngươi là cần thiết đấy. Đình trưởng Kao và hai anh em tháp tùng Tái Công ra tận cỗ kiệu của ông. Lúc đám người đi vào đường phố chính, một trong những vệ binh đến gần kiệu giơ chiếc roi thưa với Tái Công: - Kia là hiệu thuốc của A Quốc, người chuyên khám nghiệm xác chết, thưa Đại nhân. Tôi có phải lệnh cho ông ta tới công đường không ạ? Tái Công nhìn thấy mặt tiền của một cửa hiệu nhỏ nhưng có vẻ rất phong quang. Biển cửa hiệu có hàng chữ to “Quế Hương”. - Ta sẽ tự đến đó – Tái Công bảo. Vừa bước xuống kiệu ông vừa nói với hai người hộ vệ - Ta rất thích làn không khí trong các hiệu thuốc. Tốt hơn là các ngươi cứ ở ngoài này chờ ta, chắc là trong nhà cũng chẳng có nhiều chỗ đâu. Mùi thơm nhẹ dễ chịu của các loại cây thuốc đã phơi khô tỏa ra đón ngài pháp quan khi ông mở cửa bước vào. Một người đàn ông có cái lưng gù đứng sau quầy hàng đang chăm chú thái một rễ cây thuốc đã phơi khô bằng dao cầu. Ông ta đi nhanh quanh cái quầy ra cúi rạp đầu trước Tái Công. - Hạ dân lương y A Quốc xin kính chào Đại nhân – Ông ta nói bằng một giọng sâu lắng và âm vang lạ lùng. Ông ta cao chỉ gần bốn bộ nhưng có tấm lưng thật rộng và cái đầu to với đôi mắt cũng to khác thường. Mái tóc chải qua loa trùm xuống chấm vai. - Ta chưa có dịp nào để cho triệu ông tới làm công việc khám nghiệm tử thi – Tái Công nói – Nhưng mọi người ca ngợi rất nhiều về tài năng của ông trong lĩnh vực này. Bởi vậy, nhân có trường hợp bất hạnh vừa xảy ra nên có cuộc viếng thăm này. Chắc là ông đã biết người ta vừa tìm thấy xác một phụ nữ bị giết ở khu Đông – Nam trấn thành. Ta yêu cầu ông ngay bây giờ tới công đường để tiến hành việc khám nghiệm. - Tôi sẽ đi ngay, thưa Đại nhân – Người gù đáp và đưa mắt lúng túng liếc nhìn những chai lọ, hộp khay và từng bó lá thuốc để ngổn ngang trên các giá rồi khúm núm vẻ có lỗi: - Hạ dân mong là Đại nhân lượng thứ cho sự lộn xộn ghê gớm trong cửa hàng của hạ dân. - Ta thấy ngược lại, mọi cái đều gọn gàng trật tự đấy chứ - Tái Công vui vẻ đáp. Rồi ông bước tới trước một cái tủ cao sơn đen và đọc vài hàng chữ nhỏ viết rất đẹp bằng phấn trắng. - Ta thấy là ông có đủ các loại thuốc trấn thống thích hợp. Lại có cả vị nguyệt thảo đây nữa. Đây là một tiêu bản hiếm có. A Quốc mở ngăn kéo, lấy ra một chiếc hộp nhỏ chứa toàn những rễ cây khô. Bằng những ngón tay dài khéo léo ông bới tìm và nói: - Trong huyện ta, thứ cây này chỉ mọc được trên chỏm một tảng đá cao ở phía ngoài cổng Bắc thôi, thưa Đại nhân. Cũng vì thế mà dân ở đây gọi chốn đó là Đồi Dược thảo. Phải đợi tới mùa đông và phải đào sâu dưới tuyết để thu hái rễ này. Tái Công gật gật đầu: - Phải vào mùa đông thì rễ cây thuốc mới tốt. Tất cả nhựa cây dồn vào bộ rễ. - Đại nhân thật là người hiểu biết sâu rộng! – Người lương y kêu lên ngạc nhiên một cách thích thú. Ngài pháp quan nhún vai: - Ta cũng thường thích tra cứu những y thư cổ. Bỗng nhiên Tái Công cảm thấy có một cái gì ấm ấm cọ vào chân. Ông cúi xuống té ra là một con mèo trắng nhỏ xíu. Khập khiễng, nó đến cọ lưng một cách lười biếng vào cẳng chân A Quốc. Người lương y thận trọng và nhẹ nhàng túm lấy nó và giải thích với vị pháp quan: - Tôi nhặt được nó ngoài phố. Nó bị gẫy một chân. Tôi đã bó cho nó, nhưng không ăn thua. Đáng lẽ phải nhờ võ sư Lan Đạo Quí rất giỏi về bó xương gẫy thì tốt hơn. - Những phụ tá của tôi cũng đã nói cho tôi biết nhiều về ông ta và cho đó là một võ sư danh tiếng nhất của đất nước Hoa Hạ này. - Võ sư Lan không những là một võ sĩ lớn, bẩm Đại nhân, mà lại là người có tấm lòng tốt lạ kỳ - Người gù dõng dạc nói – Bây giờ rất hiếm có người như ông ta. Than ôi! Cùng với cái thở dài cố nén lại, người thầy thuốc nhẹ nhàng đặt chú mèo nhỏ xuống đất. Chiếc màn xanh che phía cuối cửa hàng hé mở và một thiếu phụ thân hình mảnh mai tay bưng chiếc khay trên có hai chén trà, bước ra. Lúc nàng nghiêng người duyên dáng đưa mời Tái Công, ông đã kịp nhận thấy những nét thanh tú trên con người nàng. Không hề một chút trang điểm mà làn da mịn màng trắng trẻo như ngọc chuốt. Tóc nàng chải mượt và vấn thành một búi đơn giản. Bốn con mèo to quấn lấy chân nàng. - Tôi đã trông thấy phu nhân ở công đường, thưa phu nhân. Người ta nói với tôi là phu nhân coi sóc trại giam các nữ tù nhân rất tận tụy. - Tiện nữ chẳng đáng nhận lời khen đó, thưa Đại nhân – Phu nhân A Quốc cúi đầu đáp – Thực ra tiện nữ chẳng tốn nhiều công sức với công việc của ngục thất. Chỉ thỉnh thoảng mới có một cô gái giang hồ lạc loài đến huyện ta. Nếu không thì nhà ngục luôn trống rỗng. Tái Công ngạc nhiên và thích thú về cách diễn đạt của người thiếu phụ vừa bạo dạn vừa rất vô cùng tao nhã. Trong khi ông nhấm nháp chén trà ướp nhài ngon tuyệt thì phu nhân A Quốc âu yếm khoác lên vai chồng chiếc áo choàng lông. Tái Công nhận thấy nụ cười của thiếu phụ dịu dàng biết bao khi nàng quấn vào cổ người gù già chiếc khăn quàng vải mềm và ấm. Ông không muốn đi khỏi căn nhà nhỏ có không gian bình lặng và đầy ắp hương thơm của những rễ, cành, lá cây thuốc phơi khô này, nó làm ông tạm quên đi cái cảnh tượng ghê tởm mà ông vừa phải chứng kiến ở nơi xảy ra vụ án. Thở dài tiếc nuối, ông đặt chén trà vừa uống cạn trên mặt quầy: - Bây giờ, ta phải trở lại công đường – Ông nói rồi chậm rãi bước ra cửa trèo lên kiệu.